Tâm Hồng Danh Chiếu Ra Miền Cực Lạc

29 Tháng Giêng 201820:14(Xem: 11162)
TÂM HỒNG DANH CHIẾU RA MIỀN CỰC LẠC   
Nhụy Nguyên


tam hong danh chieu ra mien cuc lacHãy tưởng đến cảnh, tôi ngang qua ngọn núi, thấy một tượng Phật liền dừng chân chiêm bái. Lễ xong tới gần, chạm tay vào, bỗng giật mình. Hư không. Tìm hiểu mới hay tượng Phật cổ này vốn bị kẻ ác phá hủy, những nghệ sĩ đích thực tiếc nuối liền cúng dường bằng cách dùng ánh sáng 3D chiếu ra một hình tượng Phật [ảo] y như cũ.

Tôi và bạn đã đốt hết chín mươi phần trăm thời gian vô ngần quý giá để tạo nên những lâu đài cát. Công sức biển trời của con dã tràng trong một giây bị sóng nghiệp lực xóa sạch. Lòng sân hận của giống loài trên hành tinh cộng lại tạo nên sóng thần cùng bao thiên tai ác chướng. Con người cũng đang liên tục phát xuất ý niệm [chiếu ra] từ vọng tâm, chiếu vào nhau, “mặc định” tính cách cho nhau. Cho đến một ngày vọng tâm vụt tắt, họ an trú trong bổn tánh và do đó trước mắt chúng sanh đều mất, mà ai ai đều cùng một Thể. Điều đơn giản nhất cũng là thâm mật. Sao phải hành trì chánh pháp; học pháp cốt để hành hành, chứ không phải học cho có tri thức. Hành pháp mới chính ta đang dần làm chủ nghiệp lực, làm chủ vận mạng. Còn không chúng ta sống bởi sự hội tụ của tất cả ý niệm từ vô vàn người quen; kể cả những người thân nhất - cũng đang làm hại ta! Hiển nhiên. Một đứa con hư, ta liền chì chiết đồ bất hiếu nghịch tử, lúc nào cũng ý nghĩ này, và câu này sẽ phát ngay hễ nó phạm một lỗi khác. Một kẻ phạm tội ăn trộm vào trại giam, được ân xá về quê; anh ta thay đổi hoàn lương, song đến nhà bạn, bạn có đề phòng?, có cất ngay ví tiền và những đồ quý trước lúc xuống nhà dưới. Tâm đề phòng xuất phát từ ý nghĩ đen, rằng hắn, kẻ ăn trộm. Tên ăn trộm, hãy đề phòng! Ý niệm này đã xuyên vào bản thể anh ta khơi dậy hạt giống nhòm ngó tài vật của người. Bỏ qua đức tính tốt của người, cứ chăm chăm nhìn lỗi, ý nghĩ xấu này sẽ góp phần bồi đắp lỗi thành bản chất, và dĩ nhiên nó sẽ phương hại chính mình. Từ trường ý niệm chẳng khác lúc ta hét vào một hang động, rồi nó sẽ dội lại. Cứ tưởng đến cảnh hốt rác vứt qua hàng xóm, sẽ biết ngay tay mình dơ trước; hay đó là cảnh ngậm máu phun người theo cách diễn của triết lý dân gian, sẽ hiểu. Tâm chao đảo, nhân loại trên trái đất và cảnh giới hiện từ cõi mê chao đảo

Vũ trụ chuyển động không ngừng, trái đất chuyển động không ngừng, tâm ta cũng không ngừng vọng động. Ai đó hãy thử ngồi xuống nhắm mắt cố tĩnh tâm, cố gắng không nghĩ gì mới biết thế nào là tạp niệm. Tâm ta nghĩ quá nhiều, mà phần lớn đều bất thiện. Kinh viết: Vạn pháp duy tâm hiện. Thực chất chúng sanh trên trái đất là do vọng tâm ta chiếu [ảnh] ra mà có. Người kia báng Phật, trong ta có chủng tử này, chỉ là nhờ công phu nên không khởi hiện. Mụ B độc ác - trong vọng tâm ta có chủng tử này; anh X hiền lương nhẫn nhịn - vọng tâm ta có đức tính này; cô hàng xóm hay xỏ xiên ganh tị - vọng tâm ta cũng chứa mẫu hình này, v.v. Bởi là hàng xóm, không thân thích lắm với ta nên ảnh hưởng cũng không nhiều đến bản mệnh của ta. Ta tác ý đến đối tượng, đối tượng liền thay đổi. Điều này khoa học đã chứng minh: ta tác ý xấu đến nước, nước chuyển độc, và ngược lại. Ta tác ý đến người, người biến đổi chăng? Có. Bởi cơ thể người đa phần là nước, là từ vô vàn phân tử cấu thành. Tác ý đến cục đá, cục đá biến đổi chăng? Có. Bởi cục đá là duyên hội tụ của lượng tử. Các hạt siêu nhỏ ấy không ngừng dao động song mắt thường nào có thấy. Tiến sĩ Chin Kung nói gạch ngói và kim cương đều cùng một nguyên liệu, khác là do “công/tâm thức” chẳng đồng. Thật siêu tình đạt lý. Nghệ sĩ nhiếp ảnh, chưa nói họ chụp cảnh động, chụp tĩnh vật cùng một góc, sẽ có sự khác nhau. Là do mỗi người tác ý vào tĩnh vật ý niệm không đồng. Chẳng những người, cục đá, nước bị ảnh hưởng theo ý nghĩ, mà cả vũ trụ đang biến đổi theo ý niệm tác khởi từ tâm muôn loài trong các cõi.

Cái tạo nên bản tính cố hữu của ta lại chính là sự cộng gộp của những người ít nhiều có mối liên hệ (thông qua lục căn) với ta. Chẳng hạn Z hay rượu chè, thiếu trách nhiệm với gia đìnhcơ quan. Ban đầu chỉ là thói quen, nhưng làng xóm hễ thấy Z hoặc nghe đến tên Z liền khởi ý nghĩ: ờ, gã ấy nát rượu, bê trễ lắm; họ giữ chặt ý nghĩ này. Hỏi trong tất cả những người quen thân Z, mấy người có cái nhìn tiến bộ. Kể đến những người mới quen Z, nghe qua liền nắm ngay ý nghĩ [mang tính “chân lý” đám đông] đó, vậy là Z nhận thêm từ trường xấu. Điều này nghiêm trọng. Z không biết đang sống bởi sự quy định nghiệp xấu từ cảm quan [“vô thức tập thể”] quanh mình. Ý niệm tạo vật chất, tạo cảnh giới, bởi xét đến cùng ý niệm cũng là loại vật chất vi tế. Sự hội tụ của ý niệm sẽ kết thành năng lượng siêu nhiên dẫn dắt tương lai của chúng sanh. Hồi tôi ở Thủy Dương, có hai mẹ con. Mỗi lần đứa con gây gổ với ai hay rượu chè be bét, bà liền tung câu: “Ôi Ch. ơi tau chết theo mi. Tau chết theo mi liền Ch. ơi”. Rồi tối đó Ch. tông xe vào cột điện. Đưa xác Ch. vào nhà độ nửa tiếng, bà mẹ nom vẫn tỉnh táo; lúc mua nhang về, bỗng hét ôi Ch. ơi... Và chết! Hai quan tài đặt song song trong ngôi nhà nhỏ. Quá thảm. Xưa nghe câu cửa miệng của bà mẹ trên đến mỏi tai, chả để ý, bây giờ học Phật, nhớ lại chuyện này tôi không phải giật mình, mà rùng mình!

Trở lại với Z, y cứ thế nát rượu, cứ thế thiếu trách nhiệm với gia đình xã hội, để rồi chút ý chí mong manh không thể chống lại “trường năng lượng” chung quanh. Rõ hơn, ta có thể xem Z như một tác phẩm tượng mới hơi hướm hình dạng, được trưng diện để mọi người cùng tô đắp, đa phần sẽ theo hình dạng hiển lộ ban đầu. Mỗi người góp vào một bay hồ, Z lần một hiện rõ hình dạng và nhân cách. Bây giờ hãy nghĩ khác. Rằng Z chuyển đến nơi xa xôi, (tốt nhất gần thiên nhiên), tạm thời không gặp không liên lạc với những người quen cũ. Lâu dần họ sẽ quên Z. Z tới vùng đất mới với những người mới, họ có cái nhìn khác về Z. Cốt yếu là ngay từ lúc gặp hàng xóm, Z phải chỉnh sửa thân tâm, gieo ấn tượng tốt. Người ta nhìn Z khác đi, đẹp đẽ sinh khí hơn, có ích hơn, một lan ra mười người… cứ thế Z tự nhiên được bao bọc bởi một trường năng lượng sạch. Nhưng đây chưa là cứu cánh, chưa thể nói Z nhận được tương lai xán lạn, mà tùy tâm lực của chính Z có thuần thiện và hành pháp đến mức nào.

Làm sao thoát khỏi vòng nghiệp lực, cải đổi vận mạng? Muốn làm chủ nghiệp lực, dĩ nhiên phải Tu, chân thành hướng về Phật, sẽ được sống trong vầng hào quang tịnh khiết. Ý dẫn đầu các pháp. Cải đổi vận mạng, phải từ gốc cải đổi ý niệm, từ bất thiện qua thiện, từ thiện niệm quy về một câu chú, câu Phật hiệu, quy về “một hơi thở”, từ có [niệm ấy] trở về vô niệm. Tâm rỗng rang. Tuy, niệm Phật, không hẳn ai cũng biết cách. Đơn giản nhất cũng phải nghe rõ chữ mình niệm, từng câu nối nhau không đứt, và phải có lực. Hơn thế, nếu cứ duy trì tâm niệm này dễ rơi vào tâm đề phòng [vọng niệm], khởi bực lúc niệm xấu xem vào, theo đó niệm ác bị coi khinh, bị đè nén; là ta đã đặt vào đó một “người quan sát”, để tạo nên hoặc tiếp nguồn năng lượng cho cái gọi vọng tâm. Ban đầu ta khởi ý diệt trừ vọng ác thay bằng vọng thiện; lúc thiện niệm đã tăng, một niệm ác khởi sẽ làm ta khó chịu hơn trước. Điều mật yếu là phải chân thành, cung kính hành pháp, ngây thơ trong sáng hành pháp với mục đích thiện hưởng đến tha nhân.

Trong nhà Thiền thường nghe câu: Chân tâm vô niệm! Một bậc chân tu từng khai thị: “Chớ nghĩ không có một niệm gì mới được gọi chân tâm, đấy chỉ là cảnh giới vô tưởng thiên, ở đây vô niệm cần phải hiểu là không tà niệm, không có niệm phân biệt thiện ác, chẳng dính hai bên, trung đạo cũng không lập, khi đó thì niệm niệm đều tuôn chảy tương ứng với tự tánh bất nhị, đấy là cái theo Ngài Huệ Năng gọi là Đạo tự nhiên, theo Krishnamurti thì là trạng thái sáng tạo khi không còn người quan sát - vốn khi không tự dựng ra để tự triền phược mình, xung đột với chính mình, nhưng đấy chẳng phải là chỗ kẻ sơ cơ có thể sờ đến được; trong kinh Hoa Nghiêm gọi là vô công dụng đạo, chính là cảnh giới sơ trụ Bồ Tát. Kẻ sơ học tưởng chỉ nên biết qua thôi còn chỗ dụng công của mình phải nên y pháp của Thần Tú mới là đắc lực: Ngày ngày thường lau chùi chớ để dính bụi nhơ”.

Cũng từ lý Kinh “phiền não tức bồ đề”, chân vọng vốn không hai. Lúc vào tu, Phật pháp sẽ soi thấy mình xấu, vậy là người quan sát liền bê về một người tốt đòi thay vào bằng được. Giống như ta thừa tiền [phước] nên thuê một người về gác cổng nhà mình; từ đây tạo nên tâm phân biệt, tâm đề phòng lúc nào không hay. Bên trong luôn đề phòng niệm xấu ác, rồi đề phòng bất cứ niệm gì ngoài Kinh; bên ngoài thì đề phòng kẻ trộm, nhà lúc nào cũng khóa, đồ vật hở chút là sợ mất. Lý này tưởng ngược thiền, song là cần thiết tham khảo đối với những người đã, tạm gọi vào được công phu. Quán niệm, ta phải phân định thiện hay bất thiện, cái nào giữ cái nào không, dần dà mới vượt lên niệm thiện niệm ác. Niệm Phật thì ngay từ lúc nhập môn đã không cần phân biệt niệm thuộc loại gì, giữ hay không, cứ mặc nhiên luồn vào câu Phật hiệu [theo dòng vọng tâm không thể cưỡng]. Hễ khởi niệm là quay về “A Di Đà Phật”; thay vào một cách nhẹ nhàng; kết hợphình ảnh xấu hiện lên, ta luồn ngay vào khuôn mặt Phật Bồ tát hoặc tổ sư đại đức thờ phụng trong nhà. Sự luồn vào này dĩ nhiên niệm vọng không biết [đã bị thay]; “người quan sát” cũng không biết, nên dần dà thành thừa, tự khắc tự sa thải.

Tâm đạt chuyên nhất tinh ròng niệm câu hồng danh “A Di Đà Phật”, mới mong có ngày về Cực Lạc. Ta lạc vào một nơi có trường lực xấu, có sao khi trong tâm niệm Phật. Ta phải sống trong ngôi nhà trái phong thủy hay ngôi miếu được cho nhiều ma trơi chướng khí, có sao khi niệm Phật. Sóng phát từ câu “A Di Đà Phật” là siêu thiệu, ta vô nhiễm lại thanh lọc được cả không gian rộng lớn. Tâm giống như dòng nước tuôn chảy không ngừng, việc của ta là gửi vào câu Phật hiệu, gửi càng lúc càng dày, đến một lúc sông không [còn] thấy nước cũng không thấy rác, mà toàn “A Di Đà Phật”. Thể tánh của sông vốn là nước, giờ thể tánh của sông là “hồng danh”. Dòng sông tâm thức A Di Đà Phật mênh mông sáng rực không bờ bến, ào ạt chảy về cõi Phật. Người dừng được tất thảy vọng niệm, chỉ khởi một câu kinh, dần dần pháp đó cũng mờ, mất dần, trả lại sự trong lặng tuyệt tĩnh, họ có thể ngồi như vậy hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều thế kỷ, gọi là cảnh giới Niết Bàn, muốn tác ý “sống” trở lại thì sống, muốn về cõi Phật thì về, muốn để lại nhục thân bất hoại thì để. An nhiên cùng cực.

Bởi là tâm phóng chiếu, người tu thực sự đạt định thì nhìn đâu cũng yên bình. Hành giả Tịnh tông nhìn ai cũng thấy [tâm họ] là A Di Đà Phật. Bởi là tâm phóng chiếu, nhỡ có bị chửi thì với họ người kia thực đang niệm A Di Đà Phật, đang chiếu ra hào quang từ hồng danh thâm diệu vậy. Trong một xã hội động loạn, mỗi người chúng ta cũng bị cuốn theo như thác đổ. Chúng ta bị cuốn theo thậm chí không hay biết, đến lúc tóc bạc mới sững sờ bởi những ngọn núi nghiệp thức, bệnh tật chắn ngang thọ mạng. Một câu kinh đưa vào tâm chuyên niệm có thể cứu vãn huệ mạng cho chính mình, còn tạo sóng trường thanh tịnh hòa vào pháp giới.

Thế gian nhiều hành giả niệm Phật biết trước thời điểm được về cõi Phật ba ngày, trước ba tháng, trước nhiều năm. Đúng ngày giờ Phật hẹn (mà trước đó đương sự đã thông báo với đại chúng), hành giả không bệnh tật, tỉnh táo mà đi, để lại thân tướng sáng rỡ. Sự này, không lời tôn vinh nào đủ xứng đáng, đành phải dùng cụm từ “Không thể nghĩ bàn”.

Chết là một chuyến đi dài. Sợ chết bởi ta quá nhiều ham muốn dính mắc không thể dứt mà lại chẳng có “lộ phí” dắt lưng - ấy là đức và 6 chữ hồng danh nằm lòng. Gom đủ hành trang rồi, chết được chuyển lên cõi trang nghiêm vạn hạnh; ở đó ta nhìn thấy người thân, nhìn thấy chúng sanh bạc phước hơn và trong khả năng có thể, giúp đỡ được họ. Còn không chúng ta với họ là một, cùng lấm bết trong dương trần, trong cõi âm hay lạc vào ác đạo thì có chung nhau một nhà cũng chẳng thể nhận ra; lại sân hận giết chóc nhau, tiếp tục tơ tướp trong nhiều nhiều kiếp nữa và mong chi gặp Phật.

Cõi nhân gian như một giấc mộng lớn. Nhưng chúng ta từ mê lại tạo thêm nhiều cảnh mê hoan lạc. Tôn vinh xướng họa phần con, nhấn dìm phần người. Nên tồn tạiđời người mà tích nghiệp cho muôn đời không ra khỏi mê lộ của tâm.

Nhụy Nguyên


blankTrích từ sách: 
VŨ ĐIỆU Ý NIỆM TRONG CƠN ĐAU BẢN THỂ
sắp xuất bản (Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation).






Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn