LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT CỦA ACHOS RINPOCHE
Khenpo Achö (Achos Rinpoche) (1918–1998) xuất thân từ tu viện nổi tiếng Lumorap ở Nyarong (Tây Tạng). Ngài có nhiều đệ tử trong khu vực gần Tromgé, Nyarong, và Kandzé. Ngài đắc thân cầu vồng ở một sườn đồi phía trên Lumorap vào tháng Chín năm 1998. Đây là di chúc của Tu viện trưởng Tôn quý Achö (Achos), người đã thành tựu thân cầu vồng khi sắp mất. Con cung kính đảnh lễ các Đạo sư tôn quý và tất cả các Đấng Chiến Thắng, và xin đưa ra một ít lời có ý nghĩa cho các đệ tử, những người vượt qua những hành trình vĩ đại. Từ nghiệp thuần tịnh được tích tập trong quá khứ và nhờ lời cầu nguyện thanh tịnh, các con đã thành tựu các tự do và phú bẩm [của sự tái sinh làm người toàn hảo] và đến được thánh địa, nơi khởi nguồn giáo lý của Đức Phật. Được hướng dẫn bởi các thiện tri thức linh thánh và v.v.., các con có đủ các điều kiện trong và ngoài được tập hợp trong khi có cơ hội quý báu này. Để đáp lại thiện tâm của Đức Đạt Lai Lạt Ma, hiện thân của tất cả các đối tượng quy y, việc tham dự, lắng nghe, và quán chiếu về những giáo lý này là điều thật đáng làm. Đừng dính mắc vào cuộc đời này, nó có GIÁ TRỊ NHỎ BÉ VÀ NGUY HẠI LỚN LAO. Hãy luôn luôn nỗ lực trong Giáo pháp linh thánh, là điều chắc chắn mang lại lợi lạc cho toàn bộ tương lai. Đức Phật Chiến Thắng đã khuyên: “Hãy tham dự các hoạt động của ba cửa (thân, ngữ, tâm) để làm lợi lạc chúng sinh, như thế thành công của riêng ta được thành tựu theo con đường.”1 Với tư cách là những người bạn xấu [thuộc nghiệp tiêu cực] thì không có gì khác biệt giữa người nam và người nữ, là những người khiến cho các con đánh mất cuộc đời này và mọi đời sau2 – vì thế hãy ném họ đi như một hòn đá được dùng để tẩy sạch các con tận đáy lòng. Thiện tri thức và bạn đồng hành tốt lành là những người sáng tạo các phẩm tính – vì thế hãy tận tụy và hiến mình một cách đúng đắn. Đạo đức thuần tịnh và trí tuệ vĩ đại là những phẩm tính chính yếu – vì thế các con nên hiểu rõ chúng. Thừa (cỗ xe) vĩ đại và nhỏ bé chỉ là một cách thức suy nghĩ – vì thế đừng xa lìa Bồ đề tâm. Nếu các con tham dự quá nhiều vào sự chuyện trò vô nghĩa, điều đó trở thành một cơ sở cho sự tranh đấu – vì thế hãy giới hạn ngôn ngữ của các con. Nếu các con tạo nên sự hỗn loạn trong một nhóm tăng đoàn thì địa ngục là nơi các con sẽ đến – vì thế hãy cẩn trọng, đừng tạo ra sự bất hòa trong tăng đoàn. Nếu các con trở thành một người rất thiên lệch về các trường phái, học thuyết3 thì các con tích tập nghiệp tiêu cực của việc từ bỏ thánh Pháp4 – vì thế hãy tu tập tâm thức trong sự xuất hiện thuần tịnh đối với tất cả Giáo pháp. Nếu các con không ghi nhớ chữ nghĩa và quán chiếu về ý nghĩa của chúng thì khó trở nên tự-giác bởi chỉ nghe giáo lý – vì thế hãy tham gia vào cả hai. Tóm lại, hãy hòa hợp5 giáo huấn của các vị Thầy riêng của các con và giáo lý của Đức Phật; đây là [lời khuyên] đầy đủ. Ngoài điều đó, không cần giải thích thêm nữa – tốt nhất là hãy để vị sư già yếu này tụng OM MANI PADME HUM. Trước Ba Đấng Siêu phàm [Phật, Pháp, Tăng], ta khẩn nguyện các con được hạnh phúc trong đời này và những đời sau. Ta hiến tặng điều này như một món quà cho tập hội những người có nối kết về nghiệp với ta. Điều này được ban tặng như giáo huấn cho nhiều đệ tử đã nghiên cứu Giáo pháp, bởi Tu viện trưởng Achos Rinpoche (Khenpo Achö), vị sở hữu sự nghiên cứu, đại yogi ẩn dấu không thể nhìn thấy, khi sắp thị tịch vào trạng thái vô ưu, và đã để lại một thân cầu vồng. Nguyện tất cả có đạo đức tốt lành và điều kiết tường. Lama Zopa Rinpoche dịch sang Anh ngữ với sự trợ giúp của Tenzin Dechen Rochard, tại Trung tâm Phật giáo Công viên Nai, Wisconsin, Hoa Kỳ, tháng Bảy 2007…
Luận giảng súc tích của Lama Zopa Rinpoche:
Bản văn này được ban cho các tu sĩ và những người tham dự buổi thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma (không phải là bài giảng tại Losar). Lời khuyên dạy này là một giải thích thị kiến thuần tịnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những tư tưởng này có thể làm lợi lạc nhiều người, đặc biệt là những vị có nguồn gốc từ một hành giả vĩ đại và thành tựu gần đây, bậc đã đạt được thân cầu vồng, một chứng ngộ Mật thừa vô cùng cao cấp. Bản văn này đặc biệt đề cập tới nguy hiểm to lớn của việc từ bỏ Giáo pháp. Rất cần hiểu rõ điều này nói đến cái gì. Các ví dụ của điều này như sau: Một số người theo Thanh Văn thừa (Tiểu thừa) nghĩ rằng Đại thừa không phải là Phật pháp. Vì thế họ từ bỏ Giáo pháp của Phật giáo Đại thừa. Một số người Trung quốc theo Đại thừa, mặc dù họ thực hành các Kinh điển Đại thừa, đã cho rằng giáo lý Mật thừa Phật giáo không được Đức Phật giảng dạy, mà thay vào đó đã chấp nhận truyền thống Mật thừa Ấn Độ. Như thế họ từ bỏ Giáo pháp. Họ đi đến kết luận này mà không thảo luận vấn đề với những học giả Tây Tạng uyên bác. Đã từng có rất nhiều hành giả Tây Tạng, như những vì sao trong bầu trời đêm, những vị đã trở nên giác ngộ nhờ việc thực hành Mật thừa Phật giáo được dựa trên các Kinh điển. Cũng đã có rất nhiều yogi Ấn Độ vĩ đại đã đạt được giác ngộ nhờ thực hành Mật thừa dựa trên các Kinh điển. Thậm chí các bản văn đề cập đến thời gian và nơi chốn đặc biệt trong đó Đức Phật đã giới thiệu các giáo lý Mật thừa. Thế mà, không thực hiện sự nghiên cứu đúng đắn, những Phật tử Đại thừa Trung Hoa này từ bỏ Giáo pháp của Mật thừa Phật giáo. Một số hành giả Kim cương thừa cho rằng các Kinh điển đã bị từ bỏ. Vì thế họ từ bỏ Giáo pháp. Điều này do bởi không hiểu rõ thực hành Kim cương thừa ra sao. Thực hành Kim cương thừa được dựa trên các Kinh điển. Vì thế bởi từ bỏ Kinh điển, họ từ bỏ Giáo pháp của Kinh điển lẫn Mật điển Phật giáo. Một số hành giả Đại thừa từ bỏ giáo lý Tiểu thừa, bao gồm cả những giới nguyện pratimoksha (Ba la đề mộc xoa, Biệt giải thoát) và các giáo lý Tứ Diệu Đế. Điều này do bởi không hiểu rằng Đại thừa được đặt nền trên Tiểu thừa. Vì thế bởi từ bỏ Tiểu thừa, họ từ bỏ Giáo pháp của giáo lý Tiểu thừa lẫn Đại thừa.
Một số đệ tử nghiên cứu giáo lý triết học nhận thấy chúng quá phức tạp và không thể hiểu nổi; họ cho rằng những giáo lý này không áp dụng cho họ, vì thế từ bỏ chúng. Do đó họ từ bỏ Giáo pháp. Nếu điều này xảy ra, nghiệp tiêu cực còn nặng nề hơn việc hủy diệt mọi điều linh thánh, Kinh điển, và chùa chiền trong toàn thế giới. Bản văn này đưa ra lời khuyên vô cùng cốt tủy về đạo đức và trí tuệ thuần tịnh, bởi không có đạo đức thuần tịnh thì không có sự thành tựu hữu hiệu việc an định; và không có an định thì không có nội quán vĩ đại; và không có nội quán vĩ đại thì không có chứng ngộ tuyệt đối về tánh Không, là điều trực tiếp ngừng dứt những ô nhiễm thô lậu và vi tế; và không ngừng dứt những ô nhiễm này thì không có sự thành tựu giải thoát khỏi sinh tử mà cũng không có việc hoàn toàn giác ngộ để khai sáng toàn thể chúng sinh. Điều này hoàn tất con đường dẫn đến giác ngộ bao gồm các thực hành Mật thừa và những chứng ngộ như được đề cập trong Bản văn Gốc Manjugosha. Đây là trí tuệ bạn cần có – đó là trí tuệ Giáo pháp, không phải là trí tuệ của việc làm cách nào chế tạo sô-cô-la hay một quả bom nguyên tử! Trí tuệ này xuất hiện từ sự quán chiếu và trí tuệ. Với loại trí tuệ này bạn có thể chứng ngộ tánh Không, Bồ đề tâm, và toàn bộ con đường dẫn đến giải thoát hay sự toàn giác. Chứng ngộ đúng đắn đến từ thực hành đúng đắn. Các máy vi tính làm cho cuộc đời dễ dàng hơn, nếu ta biết cách sử dụng chúng, chừng nào mà có điện hay năng lực của pin – tuy thế vô số chúng sinh đã đạt giác ngộ mà không học máy vi tính! HA, HA, HA! Mật điển Gốc6 Manjugosha nói: “Một người đã suy hoại đạo đức sẽ không đạt được thành tựu siêu việt.” Họ cũng không có được sự thành tựu trung bình hay thậm chí thành tựu cuối cùng. Đức Phật đã không nói rằng các chứng ngộ Mật thừa có thể được chứng ngộ khi ta đã suy đồi đạo đức. Một người như thế sẽ hoàn toàn không thể đi vào cung thành của trạng thái vô ưu. Bởi người hư hỏng này không có cách nào thành tựu các chứng ngộ Mật thừa. [Làm sao điều này có thể xảy ra] Đối với một người có tính cách suy hoại đạo đức thì làm sao có thể chuyển di đến một cõi giới hạnh phúc? Nếu ta không thể thành tựu sự tái sinh cao cấp thì làm sao ta có thể thành tựu hạnh phúc siêu việt? Đó là chưa tính đến việc không thể thành tựu các chứng ngộ Mật thừa do Đức Phật giảng dạy." Giải pháp cho việc gãy bể các giới nguyện pratimoksha và suy thoái samaya là sự tự-nhập môn. Đây là phương pháp tối hảo. Nó tẩy sạch mọi nghiệp tiêu cực thuộc về pratimoksha, Bồ Tát, và các giới nguyện Mật thừa. Tuy nhiên, để thực hiện sự tự nhập môn, bạn cần thực hiện nhập thất Mật điển du già dự bị tối thượng; và để có được điều kiện tiên quyết đó, bạn cần một nhập môn vĩ đại. Khi mà sự tự-nhập môn được quan tâm, có một bản dịch dài, một bản trung bình, và một bản dịch ngắn. Nghi lễ được thực hiện ngắn hơn bằng cách bỏ qua những lễ quán đảnh rộng lớn; bạn cũng có thể bỏ qua sự gia hộ chiếc bình v.v.. Khi dùng bản dịch dài làm căn bản, bạn có thể làm nó ngắn lại như mong muốn bằng cách loại bỏ một vài điều. Thay vì lần lượt dùng năm loại nhập môn của Đức Phật, bạn có thể sử dụng chúng như một nhóm. Dù bạn thực hiện sự tự nhập môn nào, điều cần thiết là phải thọ các giới nguyện Bồ Tát và Mật thừa. Vì thế theo cách này, bạn lại có thể trở nên thanh tịnh. Do đó nếu bạn thực hiện sự tự nhập môn mỗi ngày, đặc biệt là vào cuối ngày, bạn sẽ có một cuộc đời thanh tịnh. Cho dù năm giới nguyện cư sĩ hoàn toàn bị gãy bể, chúng vẫn có thể được thọ nhận lại. Điều này đã được giảng dạy bởi Kachen Yeshe Gyeltsen, Lạt ma Tây Tạng vĩ đại, giác ngộ, bậc lừng danh trong việc bảo tồn Giới luật của giáo lý, là bậc như mặt trời soi sáng thế giới, mang lại lợi lạc lớn lao cho giáo lý và chúng sinh ở Tây Tạng và đã biên soạn những pho sách lớn. Cũng có thực hành tịnh hóa tràn đầy năng lực tên là “Sám hối các Vi phạm Bồ Tát bằng cách trì tụng danh hiệu của 35 vị Phật.” Thực hành của Lạt ma Tsongkhapa trước khi đi ngủ là lễ lạy và trì tụng ba mươi lăm lần danh hiệu của 35 vị Phật. Như thế, khi là một Tỳ khưu hoàn toàn thanh tịnh, ngài mới đi ngủ. Có những cách thức khác nhau để tịnh hóa nghiệp7 tiêu cực và các sa sút8 giới pratimoksha. Nghiệp tiêu cực cần được tịnh hóa bởi những phương tiện mà tôi đã đề cập ở trên. Có sáu phương pháp để tịnh hóa nghiệp tiêu cực, như được lưu ý trong Lam Rim Chen Mo trong tiết mục về nghiệp (karma). Các sa sút pratimoksha của các vị tăng và ni chỉ được tịnh hóa bằng cách thực hành hai tuần một lần nghi lễ được gọi là “so jong”9 (thuật ngữ Tây Tạng gso có nghĩa là “phục hồi” và sbyong nghĩa là “tịnh hóa.”) Theo Đức Trijang Rinpoche và Song Rinpoche, đối với những người đã thọ ba mươi sáu giới nguyện hay giới nguyện Tỳ kheo, nếu trong trường hợp một người gãy bể các giới nguyện gốc, và nếu người ấy cảm thấy hối tiếc khó tin nổi bởi đã làm điều đó, đến độ không thể chịu đựng nổi và hầu như điên loạn, đối với người có sự từ bỏ mạnh mẽ như thế, họ được ban sự thọ giới một lần nữa. Điều này không liên quan đến tất cả các Lạt ma, chỉ liên quan đến một số Lạt ma thôi. Dĩ nhiên là ta không nên giả đò; và nếu một số người vì tôi đã nói điều này, những kẻ không có phẩm tính mà tôi đã đề cập về sự không thể chịu đựng nổi trong tâm và hầu như điên khùng, mà chỉ giả bộ ở bề ngoài, tìm kiếm sự thọ giới – thì không thể ban sự thọ giới.
Của Lama Zopa Rinpoche; Tenzin Dechen Rochard, Thượng Tọa Yangchen và Thượng Tọa Tsenla ghi chép; Tenzin Dechen Rochard biên tập, tại Trung tâm Phật giáo Công viên Nai, Wisconsin, Hoa Kỳ, tháng Bảy 2007
1. Điều này ngụ ý rằng nếu bạn sử dụng ba cửa hoàn toàn vì mục đích thành tựu hạnh phúc cho chính bạn, không những điều đó không được thành tựu, mà hạnh phúc của chúng sinh cũng không thể thành tựu. Điều này tương tự như lời khuyên mà Shantideva ban về các lợi lạc của tâm giác ngộ. 2. Không chỉ lãng phí đời này, nó khiến bạn không thể thành tựu hạnh phúc nhất thời của những đời sau, cũng như hạnh phúc tối hậu là sự giải thoát khỏi sinh tử và sự toàn giác. 3. Các hệ thống Hinayana (Thanh Văn thừa, Tiểu thừa), Đại thừa, Kim cương thừa cũng như bốn trường phái của Phật giáo Tây Tạng. 4. Từ bỏ Giáo pháp nghĩa là: từ bỏ tận đáy lòng mọi giáo lý do Đức Phật ban truyền. Đối với luận giảng của Rinpoche về điều này, xin coi mục bên cạnh. 5. Hãy kiểm tra rằng các giáo huấn của các vị Thầy của bạn phù hợp với các giáo huấn của Đức Phật – để bảo vệ bạn khỏi bị sai lầm hay để tránh các giáo huấn không thích đáng. 6. Jam dPal rTsa rGyud 7. sdik pa; 8 ltung ba; 9 gso sbyong Nguyên tác: “Heart Advice of Achos Rinpoche” http://fpmt.org/wp-content/uploads/sites/2/2007/10/heart_advice_of_achos_rinpoche.pdf?4e84cd Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên |