Viền Trăng Vô Tướng Qua Thi Phẩm Đoạn Trường Vô Thanh Của Phạm Thiên Thư

09 Tháng Mười Một 201300:00(Xem: 5678)

Viền trăng vô tướng
qua thi phẩm Đoạn Trường Vô Thanh
của Phạm Thiên Thư
(Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm)

doan_truong_vo_thanhĐã từ bao giờ những dòng thơ sương khói nhập thần lãng đãng trên chén hương trầm, trên tờ lá mỏng, trên nét bút thần bay lượn hư vô, như hờ hững, như thờ ơ, như có, như không, như còn, như mất, như ẩn, như hiện trên vài nét linh tự trang nghiêm không dấu tích. Một chữ trong muôn chữ, một dòng trong muôn vàn trang sách, tàng kinh cũ đã mục rã từng trang. Thơ - một mình đã lặng im trong muôn vàn huyên náo giữa dòng đời thì chú giải và phê bình thơ là một việc làm khôi hài đến độ chua xót. Nhưng cũng chỉ khôi hài như dòng đời, cũng chỉ chua xót đến như dòng đời, thì cũng hãy nên vì những u uẩn đó mà nói về Thơ vậy, như một chút gì để lại cho người sau:

Cái chi còn lại họa còn văn chương
(Phạm Thiên Thư)

Đọc Đoạn Trường Vô Thanh (Thư Viện Hoa Sen), mộng và thực lồng vào nhau, không gian thời gian đan kết vô ngại. Những kiếp người xen kẻ, nối tiếp vô thủy vô chung. Những cảnh du sơn, ruổi dong nhật nguyệt cũng là những cảnh trong tâm tươỏng Kim, Kiều hiển hiện không bờ mé giữa lòng thực tại mà cũng chính là sự trực nghiệm giữa hai cá thể như một dòng chuyển hóa của tâm thức. Những cảnh tượng nầy tuôn chảy trong dòng tâm Kim, Kiềuở đây và bây giờ, lồng vào những cảnh đã xảy ra trong bối cảnh Truyện Kiều, thế kỷ 16.

Trần Nguyên Mai vì tình, vì nước quên thân. Vương Thúy Kiều vì hiếu quên thân. Dù vậy cả hai vẫn còn vướng víu trong vòng ràng buộc, tuy bỏ than mà trong tâm vẫn còn chấp cái thấy sai lầm rằng thân là có thật nên tiếng khóc Trần Nguyện Mai vẫn vang vọng trên lá, trên hoa, đành đoạn giữa núi đồi chập chùng; tiếng nấc nghẹn ngào của Vương Thúy Kiều qua bốn thế kỷ vẫn đọng dư âm trên làn sóng biếc.

Tất cả đã bắt đầu từ ngộ nhận.

Từ một điểm nào đó trong vòng quay vô tận của địa cầu, những bước chân lầm lạc đã bước đi qua bao nhiêu vùng gió bão của thân tâm. Một bước rồi hai bước, đường đi càng xa, điểm muốn đến càng mịt mù sương khói. Những tương quan phỉnh phờ, gạt gẫm càng ngày càng được xây dựng, bổ túc. Từ những vòng vây oan nghiệt nầy, con người bước lầm lũi như những con lạc đà kéo cổ xe cồng kềnh với mớ hành trang lượm lặt đầy ứ chất chồng. Sa mạc mênh mông vô tận. Những dãy cát chạy dài thẳng tắp lạnh lùng quạnh hiu tàn khốc. Bốn phương tám hướng im lặng hư vô. Bầu trời im lìm, những vì sao lấp lánh. Sự khẩn nài chỉ tìm được câu trả lời qua những nhắn nhủ mộng mị, mệt lả ước ao, hy vọng nghẹn ngào.

Như ở một đoạn đời nào mê mải luân lưu, rồi một ngày kia dừng lại trên chiếc cầu nhìn xuống dòng nước lạnh băng, thấy bóng mình dưới nước và in trí rằng chiếc bóng lung linh trên mặt nước đó là tôi, chính tôi.

Rồi ra những tan hoang vụn vỡ, với những bước chân buông giữa mông lung đất trời cô quạnh, qua lại đoạn cầu, nhìn lại bóng mình cũng trên dòng nước lạnh băng, chợt sững sờ nhận ra rằng tôi chỉ là chiếc bóng. Chiếc bóng là tôi hay tôi là chiếc bóng?. Hai điều trên dường như cách biệt ngàn trùng như trời với đất, như cuối thác đầu ghệnh nối lại bằng một sợi tơ, bởi vì tất cả đã bắt đầu từ ngộ nhận.

Tách rời thầm lặng, Kiều một mình đi qua, đi qua. Những đoạn đời bềnh bồng sương khói phù du. Tiếng nói như rơi vào khoảng không. Tất cả âm thanh, màu sắc bỗng như lao xao, tan loãng mất hút. Tôi không còn nhìn thấy một riêng ai. Tất cả đã hòa tan thành một bức tranh nhạt nhòa của tập thể. Tôi thấy tôi trong đám đông đó, chìm khuất không dấu vết. Từ sự lắng đọng diệu kỳ nầy, bất cứ một tiếng động, dù rất nhẹ, bật ra để xưng danh, tán tụng lẫn nhau, đều trở thành kệch cỡm. Xin hãy lặng yên đi những vọng động phân chia bởi vì không có gì sẽ ở lại.

Dưới chân Kiều là cỏ ướt mịn sương trắng. Những giọt sương ngủ sắc lóng lánh tan dần dưới ánh nắng buổi sớm mai làm ướt lạnh hai chân. Rồi cũng không khác những hạt sương nầy, tôi cũng như đang tan biến trong tia nắng mới trên đỉnh đồi mây trắng buổi sáng nay.

Kiều đứng một mình giữa rừng cây thưa lá, một bên là núi đá dựng kiên cố. Tiếng suối chảy róc rách không chút ngập ngừng. Kiều nghe tiếng nói mình dò dẫm giữa lá, giữa hoa. Âm thanh lướt trên từng phiến đá lạnh, mong chờ, nài khẩn. Núi rừng im lặng, lạnh lùng. Mặt trời đã ngả bóng đỏ thẩm sau triền núi xanh đen. Chỗ nàng đứng chỉ một chút nắng hắt hiu còn sót lại. Một than cây khô bất ngờ gãy nhánh rơi ngang lòng suối gây nên một tiếng động ngắn nhẹ rồi im bặt. Nàng nhìn nhánh cây hằn sâu từng vết nứt, thấy nơi đó cả đời mình nhẹ bổng, phù du. Êm ái hay vùi dập thì cũng xuôi dòng nước bềnh bồng phiêu lãng, trên những trang thơ huyền thoại ố vàng sinh tử, trong những giấc ngủ chập chùng mộng mị xanh ngời kiếm biếc, xào xạc cờ lau. Tất cả như một dòng ảo hiện trôi nổi từ vô lượng thời gian đi qua rồi mất hút. Tôi có còn muốn nắm giữ bóng dáng của ngày đã qua trên mười ngón tay khô. Tôi có còn muốn dừng lại giữa một đọan đời nào mê mệt bước chân đi. Tôi có còn muốn loay hoay kiếm tìm trong vô vọng khuôn mặt của thời gian. Tôi đã hoài công đuổi bắt một cái gì luôn tuôn chảy qua kẽ hở của bàn tay.

Cho đến buổi sáng hôm nay khi giẫm đôi chân buốt lạnh qua vùng cỏ ướt mềm sương sớm, tôi chợt thấy được một sự đến nơi đã hoàn tất trước khi khởi hành. Thì ra đứng lại là để ra đi, phân ly để mà gặp lại. Không hề có một cuộc chia ly nào vĩnh viễn lìa xa hoặc một lần đi nào mà chẳng thể trở về. Khi đã có mặt thì không bao giờ tan mất. Khi đã chia xa chỉ để đến lại gần.

Từ trong lòng hai bàn tay Kiều mở ra bát ngát trời xanh. Trong đó muôn trùng đại dương ngời biếc sóng. Trong đó muôn ngàn lá hoa đâm chồi nẩy lộc. Trong đó hằng vạn thiên hà rực rỡ trăng sao. Tất cả đã đầy đủ và trọn vẹn không hề hao hụt, như đã tự bao giờ chưa hề hao hụt. Tôi chưa từng đánh mất một điều gì dù nhỏ nhoi tự thuở hồng hoang. Tôi cũng chưa hề vắng mặt dù chỉ một lần từ thời khai thiên lập địa.

Đoạn Trường Vô Thanh là một thi phẩm hay, là một áng thiên thư bay giữa trời mây muôn sắc mà cũng là vô sắc?. Câu trả lời xin dành lại cho những bậc có mối thiện duyên, đã ôm trọn Chân Không thì ắt hẳn chưa từng qưên trong Chân Không ẩn tàng Diệu Hữu. Đoạn Trường Vô Thanh là nét linh hoạt Diệu Hữu đó vậy.

Động Hoa Vàng (1971) và Đoạn Trường Vô Thanh (1972) là một. Chỉ có điều khác nhau là Động Hoa Vàng đã phát họa một bức tranh đơn sơ như vài nét thủy mặc cô đọng diệu vời, trong khi Đoạn Trường Vô Thanh mô tả tường tận bức tranh đoạn trường vô tướng. Vì vô tướng nên vô ngã. Kỳ ảo thay, cũng vì vô ngã mà là ngã đó vậy. Linh diệu thay, cũng vì biết hòa mà thành ra hóa được đó vậy. Tuyệt vời thay, cũng vì không chấp thân tướng mà hiện được tất cả chân tướng đó vậy.

Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm
Núi Bắc 2004
Bài tựa
(viết trong lần tái bản thứ tư, năm 2006, nxb Văn Nghệ)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 2010(Xem: 23554)