Hãy Nói Vì Tây Tạng Trần Khải

25 Tháng Mười 201000:00(Xem: 33804)

HÃY NÓI VÌ TÂY TẠNG
Trần Khải

blankTình hình Tây Tạng xuống đường là chuyện có thể tiên đoán được. Bởi vì từ nhiều thập niên qua, mỗi năm vẫn có hàng trăm và có khi hàng ngàn người Tây Tạng bị công an Trung Quốc bắt giam vì cho là vẫn còn tôn thờ Đức Đạt Lai Lạt Ma hay vì cho là có liên hệ tới các nỗ lực đòi độc lập, đòi tự trị, đòi dân chủ và nhân quyền cho vùng núi tuyết này. Và cứ mỗi lần có một biến động nào tại Tây Tạng, lại thêm một làn sóng người tị nạn băng núi Hy Mã Lạp Sơn để trốn sang Ấn Độ. Vấn đề chỉ là, khi nào thì các cuộc xuống đường lại xảy ra tại Tây Tạng, và nhà nước TQ sẽ đàn áp thế nào.

 

Mọi chuyện rất dễ hiểu. Dân tộc Tây Tạng rất mực hiếu hòa, bản chất đã không ưa bạo động, xử thế lại chất phác… nhưng khi nhiều tầng cai trị của nhà nước Bắc Kinh với các chính sách đồng hóa và diệt chủng văn hóa được tinh vi thực hiện, những khối phẫn nộ chất chứa trong lòng từ nhiều năm tất phải có lúc bùng nổ. 

Lần này, những cuộc xuống đường trong tuần qua là đúng lúc. Tất cả những người quan tâm tới vận mệnh của dân tộc Tây Tạng -- trong đó có các tăng ni, thanh niên, sinh viên học sinh tại Lhasa, nơi đầu tiên bộc phát xuống đường - đều dễ dàng suy luận rằng không còn lúc nào khác có tầm vóc quan trọng hơn. Bởi vì Đuốc Thế Vận sẽ được thắp lên trong một buổi lễ tại thành phố cổ Olympia, tại Hy Lạp, vào đúng 12 giờ trưa ngày 24-3-2008, nghĩa là còn cách vài ngày nữa. Ngọn lửa sẽ chạy tiếp sức để sẽ đưa về sân vận động Panathenaiko Stadium tại Athens, Hy Lạp, để trao cho ủy ban tổ chức Thế Vận Bắc Kinh vào đúng 3 giờ chiều ngày 30-3-2008 trong một buổi lễ tưng bừng. Một buổi lễ đón nhận sẽ tổ chức tại Bắc Kinh vào ngày 31-3-2008, và vào ngày 1-4-2008 thì ngọn đuốc sẽ bắt đầu rước chạy một vòng toàn cầu - trong đó sẽ chạy qua nhiều thành phố của Việt Nam.

Điều bi thảm của cuộc chiến để gìn giữ sinh tồn cho dân tộc và văn hóa Tây Tạng là không ai mong đợi sự chiến thắng. Đây là cuộc chiến của tay không. Hoàn toàn không ai thấy người biểu tình nào cầm dao hay súng, chỉ có vài tấm ảnh cho thấy có ném đá. Những cuộc xuống đường chắc chắn không do chính phủ lưu vong của ngài Đạt Lai Lạt Ma tổ chức, và có vẻ như chỉ được dàn dựng hay hỗ trợ bởi Nghị Hội Thanh Niên Tây Tạng, một tổ chức giới trẻ từ nhiều năm đã bày tỏ bất đồng về phương pháp bất bạo động của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng tính rời rạc, không đồng thời của các cuộc xuống đường cũng cho thấy nhiều phần tự phát là chính, không phải là một âm mưu rộng lớn mang tầm vóc quốc tế, dù là các thiệt hại nhân mạng và tài sản rất là lớn. Có lẽ ngòi nổ chính yếu, suy đoán được là do xúc động từ cuộc tuần hành về quê nhà của hơn 100 người, trong đó đa số là các vị sư và ít nhất là 20 người ngoại quốc tham dự - họ đi bộ từ Dharamsala, thủ đô Tây Tạng lưu vong, từ đầu tháng 3-2008 để sẽ vượt Hy Mã Lạp Sơn, dự kiến sẽ vào lãnh thổ Tây Tạng đầu tháng 8-2008. Nghĩa là, đúng lúc Thế Vận Bắc Kinh khai mạc vào ngày 8-8-2008. Và họ chấp nhận bị công an Trung Quốc vây bắt, có thể sẽ là bắt ngay ở biên giới, hay là ở một nơi nào trên đất Tây Tạng, nơi đồng bào họ đang bị cai trị hà khắc bởi nhà nước Bắc Kinh. Nghĩa là, một chuyến đi bất bạo động và chấp nhận vào tù. Gần như đồng thời, ngay sau đó, tuổi trẻ xuống đường ở Lhasa, rồi các vị sư từ ba tu viện lớn ở Lhasa cũng xuống đường, và sau một hôm thì lan ra 3 tỉnh lân cận. Tất cả các sự kiện đều nhằm để kỷ niệm ngày 10-3-1959, ngày toàn dân Tây Tạng nổi dậy và bị quân đội Trung Quốc đàn áp dữ dội, và là ngày chính phủ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều ngàn dân Tây Tạng vượt núi băng rừng chạy trốn sang Ấn Độ.

Những cuộc xuống đường ở Tây Tạng thấy rõ là sẽ bị đàn áp. Nhưng giây phút này, khi ngọn lửa Thế Vận sắp sửa thắp lên ở Hy Lạp, nếu không nói, thì bao giờ mới nói. Và người Tây Tạng đã nói thật lớn tiếng, bất kể mọi đàn áp. Với tay không, và với lòng tin vào sự tử tế của thế giới dân chủ bên ngoài, họ đã bước ra phố, phất cao lá cờ Tây Tạng năm xưa, và hô vang những lời từ nhiều năm giấu kín trong lòng.

Họ cũng biết rằng sự hy sinh của họ và đồng bào họ trên đường phố Lhasa sẽ không dập tắt nổi Đuốc Thế Vận tuần sau sẽ thắp ở Hy Lạp. Họ biết rằng thế giới sẽ không tẩy chay toàn bộ Thế Vận như họ mong muốn. Nhưng giây phút này, nếu họ không lên tiếng, và nếu không lớn tiếng để thế giới nghe tới, thì đời sau và những thế hệ con cháu của họ biết bao giờ có được cơ hội này để lên tiếng nữa. 

Bây giờ mà im lặng, có thể sẽ là đời đời vĩnh kiếp sẽ im lặng mà chờ đợi một nền văn hóa một thời rực rỡ ở Tây Tạng sẽ lặng lẽ lụi tàn.

Những bước chân xuống đường ở Tây Tạng cũng là một nhắc nhở cho Việt Nam, rằng không bao giờ nên nhượng bộ bất kỳ một tấc đất, một tấc đảo nào cho Trung Quốc. Bởi vì, tổ tiên chúng ta đã ngăn được vó ngựa thời Nguyên Mông, không phải để chúng ta ngày nay bán đi dù với bất kỳ lợi nhuận nào giành cho bất kỳ một nhóm, một đảng hay một chế độ nào.

Trường hợp bạn muốn góp lời với người Tây Tạng, xin mời vào trang web: http://www.savetibet.org . Nơi đó, đang có rất nhiều người cần bạn góp sức, và góp tiếng.

Hãy nói thật lớn, vì người Tây Tạng, và cũng vì đồng bào Việt Nam mình trước một cơ nguy bị mất mát rất thực và rất đáng ngại - những hiệp ước nhượng đất, nhượng biển.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Ba 2016(Xem: 5505)
Chuông báo thức đúng 4 giờ sáng. Tôi bấm nút tắt với sự thư thái. Tôi đã mua chiếc đồng hồ du lịch một ngày trước tại một cửa hàng, và tôi đã lo lắng rằng không biết nó có hoạt động chính xác hay không. Tôi đã kinh nghiệm nhiều lần thất vọng trong quá khứ với những chiếc đồng hồ do Ấn Độ sản xuất.
18 Tháng Ba 2016(Xem: 5367)
Phong trào Dorje Shugden đã nhận sự hỗ trợ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chiến dịch chung của họ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đang diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở nước Anh.
12 Tháng Ba 2016(Xem: 5598)
GENEVA - Một tổ chức Phật-giáo dẫn đầu các hoạt động chống Đạt Lai Lạt Ma hủy bỏ kế hoạch biểu tình và tự giải tán, theo thông báo phổ biến qua mạng – diễn biến này phát sinh sau phóng sự điều tra của Reuters tố cáo đảng CS Trung Quốc ám trợ một nhóm Phật tử biểu tình đối đầu Đức Đạt Lai Lạt Ma tại mọi nơi mà ngài viếng thăm.
11 Tháng Ba 2016(Xem: 5386)
Tôi chú ý đến cô ta trong đám đông ngay lập tức. Cô vươn mình ra phía trước, chỉ phía sau làn dây nhung lớn ngăn cách trong phòng khánh tiết nhỏ của lâu đài Prague ( thủ đô Cộng Hòa Czech). Cô là một phụ nữ hấp dẫn, có lẻ trong độ tuổi ba mươi. Khuôn mặt sôi nổi với sự mong đợi.
20 Tháng Giêng 2016(Xem: 5455)
Trung Quốc vừa công bố danh sách những “Phật sống” của vùng Tây Tạng nhưng loại tên của thủ lĩnh tinh thần Đạt Lai Lạt Ma khỏi danh sách lần đầu tiên được công bố này.
17 Tháng Giêng 2016(Xem: 6876)
TÔI TIN MỤC TIÊU của tất cả những tôn giáo quan trọng trên thế giới không phải là xây dựng những chùa viện to lớn bên ngoài, nhưng là tạo dựng những chùa viện của từ bi và thánh thiện nội tại, bên trong những trái tim của chúng ta.
14 Tháng Giêng 2016(Xem: 7156)
Quy định kiểm soát đối với những dòng truyền thừa xảy ra trong phạm vi thời đại của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không tránh khỏi đặt ra vấn đề người thừa kế của ngài. Bắc Kinh đã quyết định quy định sự kế vị, không thèm đếm xỉa đến quyền đạo đức và tâm linh của người Tây Tạng.
13 Tháng Giêng 2016(Xem: 6755)
TRONG MÙA ĐÔNG của năm 1940, người ta đem tôi đến điện Potala, nơi tôi được chính thức đăng quang như một lãnh tụ tâm linh của Tây Tạng.
11 Tháng Giêng 2016(Xem: 7719)
Ở Dharamsala, trong những người Tây Tạng lưu vong, chúng ta đi gặp người này, một con người trọn vẹn mà chỉ tiếp cận với người ấy có thể thay đổi chúng ta. Đó là kinh nghiệm được liên hệ bởi nhà tâm lý học nổi tiếng Paul Ekman
10 Tháng Giêng 2016(Xem: 6875)
Những ngày trong đời tôi bắt đầu vào khoảng ba đến ba giờ rưởi sáng. Khi thức dậy, tôi nghĩ về Đức Phật, và tôi trì tụng những lời tán thán được viết bởi đại hiền nhân Ấn Độ, Long Thọ. Tôi đọc lời cầu nguyện nằm xuống, hai tay chấp lại, nửa tôn kính, nửa như ngủ, …