Sinh hoạt Phật Giáo

13 Tháng Mười 201503:24(Xem: 6764)

SINH HOẠT PHẬT GIÁO
Minh Mẫn

 

tu hoc chua hoang phap
Khóa tu học tại chùa Hoằng Pháp (ảnh chùa Hoằng Pháp)

Những năm gần đây, một số chùa có những biểu hiện sinh hoạt khá linh động, nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc tôn chỉ của Phật giáo.

Các đạo tràng rộ nở, sinh hoạt từ thiện cũng đa dạng; Phật giáo gắn liền với xã hội trên nhiều phương diện. Hầu hết các đạo tràng được khuyến khích trì tụng kinh chú, một số ít chùa hướng dẫn Phật tử nặng về nghi lễ tán tụng hoặc làm thuốc từ thiện, bố thí cơm chay, ủy lạo đồng bào nghèo... Nhưng rất ít nơi giúp cho Phật tử học hiểu giáo lý và chọn con đường hành trình vào tâm linh. Nếu phát triển kiến thức, dù là kiến thức Phật học, cũng chỉ là học giả, trong khi Phật giáo cần những hành giả thật sự.

Tất cả những sinh hoạt nêu trên thuộc về phước tướng của tôn giáo. Tuy Đạo Phật không hẳn là một tôn giáo, nhưng qua nhiều thời kỳ và căn cơ chúng sanh, Phật giáo biến thành tôn giáo để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, dần dần bị xem nhẹ phần tâm linh giải thoát. Sinh hoạt tín ngưỡng thuộc về Dụng, cái vỏ tôn giáo thuộc về Tướng, giải thoát thuộc về Thể. Cuộc sống luôn tồn tại Thể-Tướng-Dụng. Nặng về Tướng và Dụng, bỏ quên Thể thì Phật giáo trở thành một tôn giáo như bao nhiêu tôn giáo khác. Thậm chí Tướng và Dụng đi quá xa, lắm khi trộn lẫn với mê tín, phẩm chất giải thoát của nhà Phật sẽ bị phai nhạt, điều nầy đã và đang xẩy ra cho Phật giáo Việt Nam. Một vài chùa đang chữa bệnh tà, bắt ma, trừ quỷ, đốt Phật, làm lễ hằng thuận cho người âm... vàng mã ngày càng đa dạng làm cho quần chúng ngày càng lún sâu vào mù quáng, cửa chùa không còn là nơi giải thoát; Một khi Tướng và Dụng phát triển thì nhiều tệ nạn sẽ phát triển.

Ban Hoằng pháp, Ban giáo dục Tăng Ni vẫn chưa định hướng rõ nét cho cán bộ chuyên ngành hầu giúp quần chúng tỏ ngộ tinh yếu của nhà Phật; phần lớn họ đến chùa để van vái cầu xin và cúng dường, ít người hiểu mục đích của nhà Phật là giúp cho tín chúng tìm sự an lạc trong cuộc sống và bồi đắp phúc tuệ làm hành trang cho tương lai. Hành xử thế nào trong cuộc sống mà không ngược với mục đích của Phật giáo, tương thích với giáo lý và ích lợi cho xã hội.

Giáo hội hiện nay, sau khi chuyển mình vượt qua thời gian dài ì ạch về điều hành, các ban ngành đang có khuynh hướng sinh hoạt nặng về thủ tục hành chánh, thường xuyên tổ chức đại hội, hội thảo khá tốn kém mà vẫn không rút ra được kinh nghiệm để thay da đổi thịt cho Phật giáo Việt Nam tiến bộ hơn. Nặng về hình thức trình diễn mà không chuyển đổi được nếp cũ thì việc dẫm chân tại chỗ không tránh khỏi. Trong khi đó, một số chùa xây dựng tốn kém mà vẫn đóng cửa im lìm, không tiếp Tăng độ chúng, không có đạo tràng sinh hoạt. Một số chùa có đạo tràng nhưng cũng chưa có giáo án tu tập để giúp quần chúng dần dần thoát khỏi sinh hoạt tôn giáo để tiến đến hành trì tâm linh.

Phật giáo thật sự phát triển không phải nhiều chùa to lớn, đông đúc tu sĩ, học vị học hàm thật nhiều... đó chỉ là phát triển hình thức của Tướng và Dụng. Một khi Thể không được chú trọng thì Tướng và Dụng chỉ là hình thái như bao nhiêu hình thái của thế tục. Các chùa cần biến thành nơi tu tập và học hỏi giáo lý hơn là duy trì hình thức tín ngưỡng tôn giáo, vì đạo Phật không phải là một tôn giáo, tôn giáo chỉ là phương tiện giúp quần chúng khởi đầu để đến với đạo Phật, một khi đã vào ngưỡng cửa đạo Phật thì phải là một hành giả thấm đượm hương vị giải thoát, thoát khỏi mọi ràng buộc của tôn giáo, hệ lụy trong đời sống. Đó là điểm đặc biệt của Phật giáo mà không tôn giáo nào có được. Khi quần chúng học hiểu và hành trì đúng chánh pháp thì tà giáo không có đất sinh trưởng, tiếc thay, những hình thái mê tín tà ngụy lại do một số tu sĩ có chức sắc trong giáo hội thực hiện.

Hy vọng sự chuyển mình của tổ chức Phật giáo hiện nay, không chỉ hình thức và hành chánh mà cần đi sâu vào nội dung, Thể-Tướng-Dụng phát triển song hành thì một Phật giáo mới được gọi là hưng thạnh.

Minh Mẫn
11/10/2015

Bài đọc thêm:
Chùa để làm gì?
Chùa chết
Ai giết chùa?

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6433)
Ngẫu nhiên được thiện hữu Nguyên Giác có nhã ý gửi cho kinh Khemaka dịch theo bản Anh ngữ của Bodhi Bhikkhu, mới nhận ra đây cùng nội dung với kinh Sai-Ma mà đại sư Đàm-ma Da-Xá dịch vào khoảng thế kỷ 5 theo yêu cầu của Ưu bà di Phổ Minh. Nhân đây, xin được mạn đàm thêm một vài điều vây quanh những sử kiện về kinh này
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6362)
Trong Phật giáo có rất nhiều lễ hội, nhưng lễ hội quan trọng nhất vẫn là lễ hội Đại Giới Đàn (còn gọi là pháp hội). Bởi vì pháp hội Đại Giới Đàn là ngày hội lễ tổ chức tuyển người làm Phật. Trong giới đàn có một hội trường để cho các vị Giới Sư truyền giới cho các vị Giới Tử, nơi ấy có bảng hiệu “Tuyển Phật Trường”.
26 Tháng Chín 2015(Xem: 5763)
Để nhận định đúng đắn về một vấn đề, thì cần phải có kiến thức chuyên môn về lãnh vực đó. Không có kiến thức chuyên môn mà lạm bàn, thì dễ nảy sinh những hiểu lầm nguy hại. Đây cũng là điều được Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi: Không can thiệp vào việc không có thẩm quyền1.
25 Tháng Chín 2015(Xem: 5749)
Giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử dân tộc là thời Lý - Trần, đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy sự thành công trong đường lối trị nước bằng pháp (đạo đức). Tuy nhiên, với cái nhìn thiên lệch, phiến diện, chủ quan, các vị sử quan biên soạn ĐVSKTT đã nhìn nhận không công bằng đối với các vị vua Phật tử.
01 Tháng Chín 2015(Xem: 16767)
Trang tổng hợp các tin tức về Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu viên tịch tại Tổ đình Từ Quang, thành phố Mantreal, Canada
26 Tháng Tám 2015(Xem: 9132)
Sáng nay, 26-8 (13-7-Ất Mùi), tại tổ đình Từ Quang, Montreal, Canada, sơn môn pháp phái tổ đình Từ Quang, môn đồ pháp quyến và gia đình đã tổ chức trang nghiêm lễ trà tỳ cố Đại lão HT.Thích Tâm Châu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, nguyên Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, viện chủ tổ đình Từ Quang (Canada).