Mục Lục

02 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 7318)


Lê Mạnh Thát 

TOÀN TẬP CHÂN ĐẠO CHÁNH THỐNG
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam


Mục Lục
Lời tựa
Phàm lệ
Cuộc đời Thiền sư Chân Đạo Chánh Thống 
Giới thiệu Thủy Nguyệt tòng sao 
 Tình trạng văn bản
I. Về truyền bản hai tập
II. Về truyền bản ba tập
III. Khác biệt giữa hai truyền bản
 Phân tích nội dung
I. Về chí hướng thi ca 
II. Những quan hệ xã hội
 Mấy nhận xét
Thủy Nguyệt Tòng Sao 
Giới thiệu 23 bài thơ tiếng Việt 
 23 bài thơ tứ tuyệt 

Tứ niệm xứ 

LỜI TỰA

Toàn tập Chân Đạo Chánh Thống là một tập hợp toàn bộ các tác phẩm của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống hiện biết, bao gồm bộ Thủy nguyệt tòng sao của truyền bản ba tập cùng bài giảng Tứ niệm xứ đăng ở báo Viên Âm 18 (1935) 26-39 và hai bài thơ cũng đăng ở báo ấy số 26 (1937) 62 và 27 (1937) 52 mà ta không tìm thấy trong bộ Thủy nguyệt tòng sao. Ngoài ra, một số bài có trong truyền bản hai tập, mà không có trong truyền bản ba tập, chúng tôi cũng cho sưu tập lại vào những nơi thích hợp, nhưng số lượng cũng không nhiều lắm, chỉ khoảng ba bài. Thêm vào đó, chúng tôi công bố luôn 23 bài thơ tứ tuyệt tiếng Việt La tinh hóa do chính thiền sư chép trên sáu trang tập học sinh. Những bài thơ này làm vào khoảng thời gian trước hoặc sau năm 1960. Đây là thời điểm chúng tôi đã theo thiền sư học chữ Hán tại chùa Quy Thiện và đã từng được nghe thiền sư đọc vào những dịp xuân về. Những bài thơ này chưa từng được xuất bản, nên giúp cho người đọc thấy một phần nào thái độ và quan điểm của Thiền sư về một số hoạt động Phật giáo thời mình.

Đây là nỗ lực tập hợp, phiên dịch và nghiên cứu đầu tiên về tác phẩm của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống. Do đó, tất nhiên thế nào cũng có mặt còn giới hạn, mà chúng tôi hi vọng sẽ có thể vượt qua trong những lần in sau. Đối với thiền sư Chân Đạo Chánh Thống, thuở thiếu thời, chúng tôi may mắn được học tập với Ôn trong một thời gian. Vì thế, việc sưu tập, phiên dịch và nghiên cứu đã được chúng tôi quan tâm từ lâu, ngay lúc mới ở nước ngoài về vào cuối năm 1974. Vào thời điểm đó, khi đến thăm chùa Quy Thiện, nơi Ôn trụ trì 30 năm và nơi chúng tôi đã từng lui tới học tập, thì ngôi chùa vẫn còn nguyên, nhưng thư phòng Thủy nguyệt hiện của Ôn đã bị cháy. Chúng tôi được vị coi chùa hướng dẫn đến thăm đệ tử đầu tay của Ôn là thiền sư Trí Quảng lúc ấy đang trụ trì chùa Từ Ân.

Thế rồi, chính từ tay Ôn Trí Quảng chúng tôi nhận được bộ Thủy nguyệt tòng sao của truyền bản hai tập. Sau đó, chúng tôi đến thăm thiền sư Đức Tâm tại chùa Pháp Hải ở cồn Hến và được biết thiền sư đang có bộ Thủy nguyệt tòng sao của truyền bản ba tập, nhưng đã cho cụ Tôn Thất Hối mượn. Cụ Hối lúc ấy đang sống với gia đình tại Ban Mê Thuột. Đến khi chúng tôi trở lại Sài Gòn vào đầu năm 1975 thì tình hình chiến sự rất căng thẳng. Tiếp đó lại được tin cụ Hối mất. Thế là mọi hy vọng thấy được truyền bản ba tập hầu như bị tắt ngúm. Mùa mưa năm ngoái, thiền sư Thiện Hạnh bất ngờ từ Huế gởi vào cho chúng tôi bộ Thủy nguyệt tòng sao ba tập mà chúng tôi vừa nhắc tới. Thế là châu về Hợp Phố.

 Có thể sau khi cụ Hối mất vào năm 1975, gia đình đã đem bộ Thủy nguyệt tòng sao ba tập trả lại cho thiền sư Đức Tâm. Đến khi thiền sư Đức Tâm mất vào năm 1988, thiền sư Thiện Hạnh cùng môn đồ pháp quyến đứng ra chiếu liệu, từ đó có cơ hội tiếp cận với tủ sách của chùa Pháp Hải và phát hiện ra bộ Thủy nguyệt tòng sao ba tập ấy. Phải nói đây là một phát hiện may mắn giúp chúng ta có được văn bản tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ của bộ Thủy nguyệt tòng sao ngày hôm nay.

Chúng tôi nói tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ, là khi so với bộ Thủy nguyệt tòng sao của truyền bản hai tập. Chứ bản thân Thủy nguyệt tòng sao của truyền bản ba tập vẫn chưa phải đã đầy đủ hẳn, ngay cả đối với những tác phẩm viết bằng chữ Hán của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống. Chẳng hạn, bài thơ Kính tống du học tăng Chánh Tín thiền huynh quy Bắc đăng trong hai số báo Viên Âm 25 (1937) 58 và 26 (1937) 62 đã không thấy được chép lại trong Thủy nguyệt tòng sao của truyền bản ba tập. Còn chùm thơ Thứ vận kính tặng du phương tăng Tố Liên thiền huynh quy Bắc gồm hai bài đăng báo Viên Âm 27 (1937) 51-52, Thủy nguyệt tòng sao của cả hai truyền bản hai tập và ba tập chỉ chép bài thứ nhất.

Cho nên, truyền bản ba tập dù lưu giữ được số thơ văn của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống gần gấp một lần rưỡi của truyền bản hai tập, nhưng vẫn chưa sưu tập hết số thơ văn mà chính thiền sư đã sáng tác ra. Còn bao nhiêu nữa bị tán thất hoặc chưa tìm thấy, ngoài số đã đề cập ở trên, chúng ta ngày nay không biết được. Dẫu vậy, với số tác phẩm hiện có, chúng cũng có thể cho ta một cái nhìn khá rõ nét không những về chính bản thân thiền sư, mà còn về cả một giai đoạn Phật giáo của nửa đầu thế kỷ XX, trong thời kỳ đất nước đang trải qua những cuộc chuyển mình lớn tiến tới độc lập thống nhất.

 Do thế, việc tập hợp và công bố toàn bộ tác phẩm hiện biết của thiền sư Chân Đạo Chánh Thống là một yêu cầu cần đáp ứng không chỉ cho việc nghiên cứu một giai đoạn của Phật giáo Việt Nam, mà còn cho việc tìm hiểu lịch sử văn học và tư tưởng của dân tộc trong thời kỳ vừa nói. Toàn tập Chân Đạo Chánh Thống là một thể hiện nổ lực đáp ứng ấy. Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn tất cả những thân hữu gần xa, đặc biệt là môn đồ pháp quyến của thiền sư đã giúp đỡ chúng tôi không biết mệt mỏi cả về vật chất lẫn tinh thần để hoàn thành Toàn tập này. 

Vạn Hạnh

Mùa thu năm Giáp Thân (2004)
Lê Mạnh Thát 

PHÀM LỆ

1. Toàn tập Chân Đạo Chánh Thống chủ yếu lấy truyền bản ba tập của Thủy nguyệt tòng sao làm văn bản chính để nghiên cứu, phiên dịch và công bố. Truyền bản này, giống như truyền bản hai tập, đều do chính thiền sư Chân Đạo Chánh Thống tự tay chép ra, giữ được thủ bút của chính tác giả.

2. Truyền bản này chỉ có một số hạn chế. Thứ nhất, nó không giữ được thủ bút của cụ Nguyễn Huy Nhu, người đã viết lời giới thiệu cùng lời bình cho Thủy nguyệt tòng sao. Thứ hai, nó có một số chữ chép sai, dù không nhiều, khoảng dưới mười chữ. Thứ ba, trong lời tựa của chính thiền sư Chân Đạo Chánh Thống, truyền bản ba tập có những đoạn khác với truyền bản hai tập và chúng tôi đã cho giới thiệu trong phần văn bản. 

3. Dù là ba tập, truyền bản này khi so với truyền bản hai tập cũng có một số xuất nhập. Thứ nhất, bài vịnh Trương Phi thì giữa hai bản hoàn toàn khác nhau. Thứ hai, hai câu đố có trong truyền bản hai tập đã không thấy xuất hiện trong truyền bản ba tập. Về những sai khác và thiếu sót này chúng tôi cho chép lại trong phần nghiên cứu văn bản của từng tập.

4. Có hai bài thơ chữ Hán mà cả hai truyền bản đều không có, chúng tôi cho chép lại trong phần nghiên cứu văn bản của truyền bản ba tập, phần dịch thơ của hai bài này do chính thiền sư Chân Đạo Chánh Thống thực hiện. 

5. Toàn bộ thơ văn của Thủy nguyệt tòng sao đều do chúng tôi dịch, trừ năm bài số 110, 164.1, 164.3, 166 và 175 là do thiền sư Chân Đạo Chánh Thống tự dịch. Bài số 110 thì đăng ở báo Viên Âm 27 (1937) 51. Các bài số 164.1, 164.3 và 175 thì đăng ở nguyệt san Liên Hoa số 1 (1960) 12-13, số 3-4 (1960) 28-29 và số 4 (1962) 24-25. Còn bài số 166 thì đăng ở Kỷ yếu Ngũ hành sơn. 

6. Hai mươi ba bài thơ tiếng Việt La tinh hóa do chính thủ bút của thiền sư chân ĐạoChánh Thống viết ra trên 6 trang giấy tập học sinh, chúng tôi cho đanh máy lại và in tiếp sau phần Thủy nguyệt tòng sao. Chúng tôi giữ nguyên lối viết chính tả của thiền sư, mà không thay đổ theo lối viết bây giờ. Chúng tôi cũng cho in lai 6 trang thủ bút ấy như một tài liệu kỷ niệm.

7. Bài giảng Tứ niệm xứ đăng ở báo Viên Âm số 18 (1935) 26-29, chúng tôi cho đánh lại và in vào cuối Toàn tập.

8. Về phương pháp dịch, chúng tôi cố gắng bám sát từng chữ, trừ những khi âm vận và niêm luật đòi hỏi mới có một số thay đổi. 

9. Trừ phần giới thiệu văn bản, tất cả chú thích có trong phần dịch đều là nguyên chú của chính thiền sư Chân Đạo Chánh Thống. Trong khi dịch, chúng tôi tránh không chú thích vì sợ dài dòng.
Nguồn: Phật Việt

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6461)
Ngẫu nhiên được thiện hữu Nguyên Giác có nhã ý gửi cho kinh Khemaka dịch theo bản Anh ngữ của Bodhi Bhikkhu, mới nhận ra đây cùng nội dung với kinh Sai-Ma mà đại sư Đàm-ma Da-Xá dịch vào khoảng thế kỷ 5 theo yêu cầu của Ưu bà di Phổ Minh. Nhân đây, xin được mạn đàm thêm một vài điều vây quanh những sử kiện về kinh này
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6370)
Trong Phật giáo có rất nhiều lễ hội, nhưng lễ hội quan trọng nhất vẫn là lễ hội Đại Giới Đàn (còn gọi là pháp hội). Bởi vì pháp hội Đại Giới Đàn là ngày hội lễ tổ chức tuyển người làm Phật. Trong giới đàn có một hội trường để cho các vị Giới Sư truyền giới cho các vị Giới Tử, nơi ấy có bảng hiệu “Tuyển Phật Trường”.
13 Tháng Mười 2015(Xem: 6782)
Phật giáo thật sự phát triển không phải nhiều chùa to lớn, đông đúc tu sĩ, học vị học hàm thật nhiều... đó chỉ là phát triển hình thức của Tướng và Dụng. Một khi Thể không được chú trọng thì Tướng và Dụng chỉ là hình thái như bao nhiêu hình thái của thế tục.
26 Tháng Chín 2015(Xem: 5784)
Để nhận định đúng đắn về một vấn đề, thì cần phải có kiến thức chuyên môn về lãnh vực đó. Không có kiến thức chuyên môn mà lạm bàn, thì dễ nảy sinh những hiểu lầm nguy hại. Đây cũng là điều được Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi: Không can thiệp vào việc không có thẩm quyền1.
25 Tháng Chín 2015(Xem: 5759)
Giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử dân tộc là thời Lý - Trần, đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy sự thành công trong đường lối trị nước bằng pháp (đạo đức). Tuy nhiên, với cái nhìn thiên lệch, phiến diện, chủ quan, các vị sử quan biên soạn ĐVSKTT đã nhìn nhận không công bằng đối với các vị vua Phật tử.
01 Tháng Chín 2015(Xem: 16787)
Trang tổng hợp các tin tức về Trưởng lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu viên tịch tại Tổ đình Từ Quang, thành phố Mantreal, Canada
26 Tháng Tám 2015(Xem: 9140)
Sáng nay, 26-8 (13-7-Ất Mùi), tại tổ đình Từ Quang, Montreal, Canada, sơn môn pháp phái tổ đình Từ Quang, môn đồ pháp quyến và gia đình đã tổ chức trang nghiêm lễ trà tỳ cố Đại lão HT.Thích Tâm Châu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, nguyên Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, viện chủ tổ đình Từ Quang (Canada).