Sự Kiện Phật Giáo Năm 1963

18 Tháng Năm 201300:00(Xem: 9794)
dailetuongniem

SỰ KIỆN PHẬT GIÁO NĂM 1963
Tỳ Kheo Nguyên Các

Lịch sử Phật giáo Việt nam, từ ngày du nhập vào đến nay, có thể nói giai đoạn những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, là khoảng thời gian gian nan nhất, có nguy cơ bị loại khỏi dòng chảy văn hóa Việt; đồng thời cũng là dịp “thử lửa” Phật giáo Việt nam.

Theo “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” tập III của Nguyễn Lang, “Đạo Phật Và Dòng Sử Việt” tác giả Hòa thượng Thích Đức Nhuận, “Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử” của Tuệ Giác .v.v. Chúng ta thấy, dưới sự độc tài, kỳ thị tôn giáo của gia đình họ Ngô, mà Phật giáo việt nam, với hơn hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc Việt, có thể bị xóa tên trên bản đồ văn hóa Việt Nam. Bernard Newman đã viết trong "Background to Vietnam" rằng: ...Ngày tháng qua, cách cai trị của Diệm càng ngày càng trở nên không thể chịu được, và tới năm 1963, Ông ta là một nhà độc tài hoàn toàn, chỉ nghe lời người thân trong gia đình. Ông ta hoàn toàn xa rời với quần chúng. Người ta phàn nàn là ông ta đã trao những chức vụ quan trọng nhất cho người Công giáo: nhưng những người Công giáo là “người ngoại quốc” – những người di cư từ ngoài Bắc vào. Sự bất mãn đưa đến phong trào chính trị của Phật Giáo.

(...With the passing months Diem's attitude became more intolerable, and by 1963 he was the complete dictator, seeking advice only from his immediate relatives. He was completely aloof from the common people. It was complained that he gave all the best posts and showed all the favor to Catholics: but the Catholics were "foreigners" - refugees from the North Vietnam. The resentment brought about the rise of a Buddhist political movement.)[1]

Đúng vậy, một tôn giáo mà trong suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển, chưa một lần vì mục đích truyền giáo mà ngây nên đấu tranh, nhưng vì mục đích bảo vệ chân lý, bảo vệ lợi ích chân chính của dân tộc, đã từng một lần đứng lên vận động chống chế độ độc tài ông Ngô Đình Diệm.

Các cuộc diễu hành, biểu tình, tuyệt thực.v.v. năm 1963 của Phật tử Việt nam “không xuất phát từ sự tranh chấp giữa người Phật giáo và người Công giáo[2]. Mà chỉ nhằm chống lại những chích sách kỳ thị, có mục đích hạ huy tín đạo Phật của chính quyền ông Ngô Đình Diệm. Từ khi lên cầm quyền, chính quyền nhà Ngô đã ra sức chèn ép các tổ chức Phật giáo, buộc tín đồ đạo Phật bỏ đạo để theo công giáo, nếu không sẽ làm cho họ mất công ăn việc làm, hoặc nếu ai chống lại tới cùng thì vu khống buộc tội, cho vào trại cải huấn. Cứ thế từ năm 1954, Phật giáo đồ âm thầm chịu đựng. Phật đản năm 1963, không chỉ là những sự chèn ép nhỏ lẻ cá nhân hoặc từng gia đình nữa, mà chính quyền đã dùng vũ lực đàn áp tín đồ Phật giáo, và người dân vô tội. Tám người chết, và rất nhiều người bị thương nặng trong cuộc tàn sát quần chúng nhân dân, tín đồ Phật tử trước đài phát thanh Huế, do lực lượng quân đội, công an chính quyền Ngô Đình Diệm ngây ra vào đêm ngày rằm tháng tư âm lịch. Đồng thời với việc công bố lệnh cấm tụ tập nơi công cộng…Dù bị dùng vũ trang đàn áp, nhưng Phật giáo đồ, vẫn đúng tinh thần Phật giáo, đấu tranh theo đường lối bất bạo động. Tăng tục sẵn sàng hy sinh, lấy sức mạnh đó rung động lòng người.

phatgiao63-23

Ảnh: Tạp chí Life: Sinh viên trường Dược biểu tình phản đối chế độ Ngô Đình Diệm

Cuộc vận động này, không chỉ có Phật giáo đồ, mà còn có sự ủng hộ của nhiều thành phần khác trong nước cũng như trên thế giới. Họ đại diện cho những người có óc phân tích, biết phên phán công chính, và có dũng khí để chống lại những gì trái với lương tri con người, ngược với truyền thông văn hóa dân tộc, và không phù hợp với xu thế hướng đến bình đẳng, hòa bình của nhân loại. Cuộc vận động đã thành công, đánh dấu bằng việc kết thúc chín năm cầm quyền, của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm ở miền nam Việt nam, từ 1954 đến 1963.

Có người nói, đạo Phật là đạo từ bi, vì hòa bình, sao lại thực hiện cuộc vận động phản đối chính quyền nhà Ngô như thế? Đúng vậy. Đạo Phật lấy từ bi làm căn bản trong đối đãi. Nhưng tình thương ấy phải trên cơ sở của trí tuệ, vì nếu không sáng xuốt trong thể hiện tình yêu thương sẽ chỉ gây thêm đau khổ, chứ không chuyển tải được an lạc, hòa bình đến mọi loại chúng sanh. Cũng vậy, sự chèn ép, những phi vụ phi nhân quyền, kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, chỉ nhằm mục đích trục lợi cho một nhóm người. Mà đã ngoài mục đích an dân lạc quốc, thì những chính sách, những cuộc đàn áp, ép buộc người dân cải đạo, bắt bớ, tra tấn, tù đầy Tăng, Ni, sinh viên, học sinh v..v.., đi đến cao điểm là đồng loạt tấn công chùa chiền trên khắp nước ngày 21 tháng 8, 1963, bắt bớ và giết hại hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử, đều là phi nghĩa. Trước những hành động vô nhân đạo ấy, mà đối tượng chịu khổ đau, sống đời sống bất an, niềm tin không chỗ báo víu là người dân vô tội. Vậy, hành động phản đối một nhóm người (lợi ích nhóm), chủ trương tiêu diệt Phật Giáo để “Công giáo hóa” miền Nam; cầu đem lại bình an cho nhân dân, hòa bình cho xã hội, duy trì nền văn hóa ngàn năm của dân tộc. Bên nào nặng hơi.?

Cuộc chiến nào, dù là theo nguyên tắc bất bạo động, nhưng chắc chắn có sự hy sinh. Bao con người đã ngã xuống, với tấm lòng vì đạo vì dân, trông các cuộc biểu tình, tuyệt thực tập thể. Thế nhưng, những hoạt động ấy vẫn không làm chính quyền có sự nhìn nhận lại chính sách của họ. Nên, tăng ni Phật tử, nguyện biến thân mình làm đuốc sáng, để ánh sáng từ tâm, chiếu sâu vào tận cùng phần tâm hồn tối tăm của con người. Với bao bức tâm thư để lại, đều thể hiện mong muốn chấm dứt tình trạng đàn áp Phật giáo, đất nước thanh bình, quốc dân an lạc, Phật giáo trường tồn. Sử sách ghi nhận được: Ngọn lửa Nguyên Hương trước tỉnh đường Bình Thuận (Phan Thiết), ngọn lửa Thanh Duệ nơi chùa Phước Duyên tỉnh Thừa Thiên, ngọn lửa Diệu Quang tại Ninh Hòa Nha Trang, ngọn lửa Tiêu Diêu tại chùa Từ Đàm (Huế), ngọn lửa Quảng Hương cháy lên trước chợ Bến Thành Sài gòn, ngọn lửa Thiện Mỹ bùng cháy trước nhà thờ Đức Bà Sài gòn. Và, các em thanh thiếu niên Phật tử, dẫu trăng mười sáu đang chờ, một lòng vì đạo em thời hy sinh, có thể kể đến Quách Thị Trang, Hồ Thị Mùi, Trần Du, Hoàng Tuyết, Đặng Văn Công, Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa, Lê Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Phúc.v.v.

Đỉnh điểm là, “trước con mắt ngạc nhiên của những ký giả và nhiếp ảnh gia quốc tế”[3], ánh đuốc Quảng Đức bừng sáng. Vạn người kính cẩn xót thương. Ánh sáng của trí tuệ Phật giáo, tình thương dân tộc bao la đã chấn động thế giới. Thế giới như dồn mọi cự chú ý về phía trời Việt nam, khi hình ảnh, tin tức hòa trượng Quảng Đức tự thiêu chiếm hết các kênh truyền hình, đài phát thanh. Trang nhất các nhật báo lớn trong nước cúng như trên thế giới đều đăng hình Hòa Thượng tự thiêu ở trang đầu với tiêu đề lớn. Ai xem, nghe được tin đều không thể thờ ơ, hững hờ về công cuộc đấu tranh của Phật tử Việt nam. Bên cạnh đó, sự đoàn kết của các tổ chức Phật giáo, tăng ni Phật tử một lòng, công cuộc đòi lại bình đẳng, vị thế của Phật giáo trong lòng dân tộc đã thành công. Dẫu phải trải bao khó khăn, mất mát, hy sinh…!

Sự hy sinh của chư tăng ni Phật tử trong công cuộc đấu tranh là không gì bù đắp được, thế nhưng, đổi lại, Phật giáo Việt nam thoát được cảnh kỳ thị, dân tộc Việt nam còn đó nền văn hóa cho muôn đời, nhân dân thời kỳ đó có được cuộc sống bình an. Lịch sử Phật giáo Việt nam lại thêm một trang vàng. Nơi đây, xin kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm, tri ân, chư anh linh đã vì dân tộc vì đạo Pháp mà quên thân. Nguyện cầu Tam Bảo gia ân, Hồn nương tịnh cảnh, Ta Bà hết đau.

Vĩnh Nghiêm, Phật Đản PL. 2557 

Nguồn: Tri Thức Phật Giáo số 08

[1] Bernard Newman. "Background to Vietnam" . Signet Books, New York 1965, p. 117.

[2] Nguyễn Lang. “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập III”. NXB Văn Học, HN 1994, p. 375.

[3] Nguyễn Lang. “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập III”. NXB Văn Học, HN 1994, p. 413.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn