Thiền Sư Và Mẹ

15 Tháng Tám 201300:00(Xem: 17511)
tuyentapvulan-03
THIỀN SƯ VÀ MẸ
Tâm Minh Ngô Tằng Giao

____________

Ngài giờ là một thiền sư,
Cha ngài từ thuở giã từ trần gian
Ngài còn đang ở đạo tràng
Học thiền, tắm gội ánh vàng Thế Tôn,
Mẹ già lâm cảnh cô đơn
Cho nên ngài phải kề luôn bên bà
Luôn trông kỹ, chẳng rời xa
Lúc vào tịnh thất, khi ra thiền đường,
Mẹ con quấn quýt thân thương;
Riêng nơi tu viện chư tăng quây quần
Mẹ ngài không thể ở gần
Nên ngài cất một thảo am cho bà
Ngay trong vùng cũng không xa
Tới lui chăm sóc, vào ra đỡ đần.
Kiếm tiền sinh sống độ thân
Ngài nào quản ngại nhận phần chép thuê
Chép kinh kệ, luyện tay nghề
Lo sao cho mẹ mọi bề được yên.
Ngài thường đi chợ làng bên
Mua cho mẹ cá, đâu phiền hà chi,
Người ta mai mỉa cười chê:
"Ông thầy phá giới, còn gì tu thân!"
Ngài nghe nhưng chẳng quan tâm
Tuy nhiên mẹ lại vô ngần buồn đau
Thấy con mang tiếng biết bao
Vì mình ăn mặn, ai nào cảm thông.
Sau cùng mẹ quyết một lòng
Theo con nương chốn "cửa Không" an lành
Ăn chay, xuống tóc, tu hành
Con tu mẹ cũng trở thành ni cô.
*
Thiền sư thích nhạc vô bờ
Ngón đàn thầy đã dạy cho nhiều người,
Mẹ ngài đàn cũng biết chơi
Nhiều đêm thanh vắng ngoài trời sáng trăng
Mẹ con hứng chí hoà đàn
Tiếng đàn trầm bổng âm vang nhịp nhàng.
Một đêm có khách đi ngang
Dừng chân nghe tiếng nhạc vàng vẳng xa
Lòng cô xúc động chan hoà
Cô mời ngài đến thăm nhà đêm sau
Mong nghe đàn giữa canh thâu,
Nhận lời chơi nhạc ngài đâu ngại ngần.
Ít ngày ngài gặp giữa đường
Cám ơn cô gái chẳng vương ý gì,
Người ta chế nhạo cười chê:
"Sư quen gái đứng đường! Kỳ lạ thay!"
*
Thiền sư rời mẹ một ngày
Đi xa diễn thuyết, đó đây thỉnh mời
Vài tháng sau về tới nơi
Mới hay tin mẹ qua đời vừa đây,
Báo tin ngài rõ khó thay
Xa xôi cách trở ai hay chốn nào
Người quen chẳng biết tính sao,
Đúng ngày tang lễ ngài vào kịp bên
Thiền sư bước đến lặng yên,
Rồi dùng thiền trượng gõ lên quan tài
Người ta nghe tiếng của ngài:
"Mẹ ơi! Con mẹ về nơi đây rồi!"
Thay cho mẹ ngài trả lời:
"Con về mẹ cảm thấy vui vô cùng!"
Tự ngài lại cất tiếng mừng:
"Mẹ ơi! Con cũng vui không kém gì!"
Quay qua người đứng quanh kia
Thiền sư nói: "Chẳng còn chi phải chờ
Lễ tang tốt đẹp vô bờ
Thi hài chôn cất, thế là xong xuôi!"
*
Thiền sư sống đến già đời
Tháng năm chồng chất tuổi trời thật mau
Biết mình chẳng sống thêm lâu
Ngài kêu đệ tử họp vào sáng nay
Nói rằng đến buổi trưa này
Là ngài viên tịch! Từ đây vắng ngài!
Ngài dâng hương, khói chơi vơi!
Trước di ảnh mẹ và người thầy xưa
Ngài bèn viết một bài thơ
Tâm tư dàn trải trên tờ giấy hoa:
"Trong năm mươi sáu năm qua
Sống cho tốt đẹp đời ta góp phần
Lang thang khắp nẻo dương trần
Tiếng mưa giờ chẳng còn ngân rì rào
Mây đang trôi khuất tầng cao
Trăng tròn xuất hiện trên bầu trời xanh"
*
Các môn đệ đứng vây quanh
Tiễn thầy bằng tiếng tụng kinh nguyện cầu.

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(phỏng theo Shoun And His Mother
trong tập truyện văn xuôi 101 ZEN STORIES
của Nyogen Senzaki và Paul Reps
)




LỜI MẸ KHUYÊN
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
_________

Ngài là một vị thiền sư
Kiêm luôn học giả đã từ lâu nay
Giỏi về chữ Phạn lắm thay.
Khi còn niên thiếu thường hay đăng đàn
Trổ tài thuyết giảng giỏi giang
Cho đồng môn khắp đạo tràng cùng nghe.
*
Thời gian trôi, tiếng đồn về
Mẹ ngài bèn gửi thư đi cho ngài:
"Con ơi! Mẹ nghĩ kỹ rồi
Hiến mình cho Phật, cho nơi đạo mầu
Con chưa đạt được tốt đâu
Vì con còn muốn lao xao nhiều bề
Trở thành 'từ điển biết đi'
Thành 'từ điển sống' thỏa thê tiếng đời,
Dù con thuyết giảng cho người
Muôn câu uyên bác, muôn lời cao xa
Để rồi thiên hạ ngợi ca
Vinh quang, danh dự ngẫm ra đáng gì.
Hãy mau dứt cái trò hề
Ngưng đi diễn thuyết! Quay về tĩnh tu!
Giữ cho lắng đọng tâm tư
Hành thiền trong chốn thâm u xa vời
Vào thiền viện, lánh bụi đời
Về vùng tĩnh lặng khuất nơi non ngàn
Hiến dâng tất cả thời gian
Chuyên tu thiền định cho an tâm mình
Có như vậy mới đạt thành
Đỉnh cao chứng ngộ chân tình cầu mong!"

Tâm Minh Ngô Tằng Giao

(phỏng theo A Mother’s Advice
trong tập truyện văn xuôi 101 ZEN STORIES
của Nyogen Senzaki và Paul Reps)






TUYỂN TẬP VU LAN


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 2015(Xem: 5468)
Tháng bảy. Gió hiu hắt. Trời âm u. Nghe mùa Thu lại gần. Chiều nhạt nắng, từng sợi nước lướt thướt nối nhau – mưa ngâu. Mưa làm dịu tiết trời ngày hè oi bức. Những hạt nước trong veo cho mầm xanh dậy sống, cỏ cây tự tình theo mưa. Và, không biết do mưa tưới tẩm những cảm xúc bâng quơ trong lòng người thế tục, hay cảm xúc dâng trào vọng hướng Vu lan.
14 Tháng Tám 2015(Xem: 6744)
Vào ngày kết hôn, mẹ hỏi tôi: “Hai người trông giống ăn mày ngồi ở nơi vắng vẻ kia là ai vậy?
08 Tháng Tám 2015(Xem: 7915)
Nhắc đến Nguyễn Du (1765-1820) chúng ta thường liên tưởng đến áng văn bất hủ của Đại Thi hào là “Đoạn Trường Tân Thanh” hay “Truyện Kiều”. Hồi năm 1947, Giáo sư Trần Cửu Chấn (1906-1980)*1 đang lúc làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục trong Nội Các của Thủ Tướng Chánh Phủ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Xuân, đã trình Luận án Tiến Sĩ Văn Chương tại Đại Học La Sorbonne ở Paris, Pháp quốc với đề tài: “Étude critique de Poème Kim Văn Kiều”.
01 Tháng Tám 2015(Xem: 5887)
Tới giờ con phải đi rồi / Mẹ ơi con phải đi thôi mẹ à. / Khi trong bóng tối nhạt nhòa / Bình minh cô tịch hiện ra dịu hiền / Mẹ vươn tay xuống giường bên / Tìm con bé bỏng. Con bèn thưa mau: / “Bé nào còn ở đó đâu!” / Mẹ ơi Con phải đi nào còn đây.
24 Tháng Năm 2015(Xem: 5262)
Như vì sao sáng xuất hiện trên vòm trời văn học Việt Nam và Âu Mỹ từ cuối thập niên 1940, Nhất Hạnh – một thiền sư, một nhà văn, nhà thơ – đã đi vào lòng người đọc bằng những tác phẩm: Bông Hồng Cài Áo, Nói Với Tuổi Hai Mươi,, Tình Người, Nẻo Về Của Ý, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức (có nhiều bản dịch ra nhiều ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Thái Lan…Đặc biệt bản tiếng Anh “The Miracle of Mindfulness” được phổ biến nhiều hơn cả).
27 Tháng Giêng 2015(Xem: 10123)
Hiếu là tất cả .
22 Tháng Tám 2014(Xem: 6926)
Điều tôi cảm nhận đầu tiên về người là đôi bàn tay. Tôi không nhớ lúc đó mình bao nhiêu tuổi, nhưng hình như sự hiện hữu, cuộc sống của tôi gắn liền với đôi bàn tay đó. Đôi bàn tay của mẹ, một người mẹ mù. Tôi còn nhớ những lần ngồi tô vẽ màu ở bàn ăn, trong nhà bếp. Tôi nói, “Mẹ! Xong rồi. Hãy nhìn tranh của con nầy”. “Ồ, đẹp quá”, mẹ trả lời, và tiếp tục với công việc đang làm.
20 Tháng Tám 2014(Xem: 7707)
Từ nhỏ đến lớn… Là đến khi cha mẹ mất, chẳng bao giờ nghe ông bà nhắc đến hai chữ hiếu hạnh. Chưa hề nghe ông nói: “Con phải hiếu hạnh với mẹ cha”. Chỉ nghe ông bảo: “Mẹ ngủ, con đóng cửa nhẹ thôi”. “Con đi khẻ thôi, không thì mẹ thức giấc”. “Con lớn hơn em thì phải nhường em một chút”.