Đừng Quay Đầu Lại

13 Tháng Sáu 201415:02(Xem: 5898)
ĐỪNG QUAY ĐẦU LẠI
Bài và ảnh: Huệ Phong

blankTôi bắt đầu những ý tưởng về kinh doanh với tâm nguyện phụng sự xã hội. Điều đó cũng không nằm ngoài những lợi ích của cá nhân và gia đình mình. Nhiệt huyết dấn thân và khát khao làm giàu được thể hiện với những lộ trình và kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn. Tôi còn vạch ra hẳn những bước đi trong cuộc đời mình bằng những mục tiêu cụ thể.

Quả thật khó có công việc nào có được sự va chạm và gặp nhiều thử thách như nghề kinh doanh. Thậm chí tôi xem nghề kinh doanh rủi ro không kém bất kỳ nghề nghiệp nào khó khăn nhất.

Bạn bè và người thân cũng nói với tôi, rằng nên chọn cách làm giàu khác. Mà cách đơn giản nhất là kiếm tiền. Với một người có chuyên môn, có kỹ năng, chịu khó, thì việc kiếm tiền trong xã hội không khó tý nào. Nhưng để kinh doanh đích thực thì không dễ dàng gì khi mà thị trường được thiết lập theo hướng có lợi cho một nhóm người đứng đầu. Khi thâm nhập vào con đường kinh doanh, tôi mạnh mẽ nói rằng “đừng quay đầu lại”, để thể hiện quyết tâm làm giàu chân chính của mình. Tôi xem tất cả khó khăn chỉ là thử thách và quyết tâm vượt qua nó. Mục tiêu 5 năm, 20 năm và thậm chí vẽ ra tương lai của tập đoàn. Điều tôi muốn khẳng định là vị thế con người và trí lực Việt Nam có thể làm được không thua kém gì các tập đoàn đa quốc gia khác. Tôi sẵn sàng hi sinh tất cả những điều nhỏ nhoi, những thú vui, những cái tạm thời, để làm việc lớn cho cộng đồng.

blankNhưng đến một ngày, mọi thứ dường như thay đổi tất cả. Trong kinh doanh, phương pháp loại trừ, lựa chọn tối ưu vẫn đặt ra cho người quản trị, điều hành chọn lựa. Lợi nhuận tương đối hay lợi nhuận tối ưu. Dĩ nhiên ai cũng muốn chọn điều tốt nhất. Điều đó dễ dẫn đến sự lạnh lùng vô cảm, đẩy lùi tất cả các thành phần khác qua một bên. Có chăng chỉ là sự lấp liếm có thể tự dối mình để đặt một mục tiêu ngắn hạn.

Tôi nhìn thấy bức tranh “lợi nhuận” không đẹp hồn nhiên và mang hình ảnh sạch sẽ nữa. Đằng sau nó, bên trong nó, có quá nhiều thành phần khác bị tổn thương. Khi có duyên hiểu biết Phật pháp một cách rõ ràng, thì mọi hoạt động kinh doanh và lợi nhuận được soi sáng dưới con mắt Phật pháp càng bộc lộ rõ bản chất của nó.

Thật sự, trong nền kinh tế được lập trình như hiện nay, khó tìm thấy lợi nhuận thật. Điều đó cho thấy con người đã quá sai lầm khi xây dựng một nền kinh tế ảo. Sự tham lam và khao khát thụ hưởng đã sản sinh ra những ngụy nhu cầu nhiều hơn là nhu cầu thực sự. Dưới sự cổ vũ của truyền thông, nền kinh tế trở thành một cỗ máy ăn thịt người.

Chúng ta hãy nhìn kỹ vào hai đối tượng kinh doanh trong thị trường hiện nay mà con người tốn nhiều thời gian và công sức nhất là bất động sản và vàng chẳng hạn. Hai đối tượng này, xét cho cùng chẳng giúp gì trong việc xây dựng hạnh phúc. Ngược lại, nó góp phần gây thêm khổ đau, tranh giành.

Sự có mặt của một thỏi vàng hay kim cương trước mặt một con chó không làm nó nôn nao, động tay, động chân. Vì trong đời sống loài vật không có khái niệm vàng hay kim cương. Nhưng với con người thì khác. Những khái niệm và định danh này do con người tạo nên và tự làm khổ mình. Đặc ân mà con người được sinh ra, dù da đen hay da trắng, đều đặt đôi chân trên quả đất này. Nếu ta không tham lam chiếm hữu cái đặc ân của người khác, thì có lẽ thị trường bất động sản khó mà có được một con số ảo như hiện nay. Sẽ tốt đẹp biết bao nếu ai cũng được chia sẻ, ai cũng có cơ hội sở hữu được một diện tích vừa đủ.

Một chiếc điện thoại I-Phone có làm bạn hạnh phúc thật sự không? Hay nó chỉ thỏa mãn các giá trị tạm thời? Không thể phủ nhận sự đóng góp tích cực của Steve Jobs hay Apple với cộng đồng công nghệ. Những giá trị tinh thần hay những đức tính mẫu mực của Steve Jobs là tấm gương cho bao bạn trẻ. Nhưng thử hỏi, cả cuộc đời Steve đã đóng góp thực sự có ý nghĩa vào hạnh phúc cộng đồng chưa? Hay Steve Jobs chỉ tạo ra các ngụy nhu cầu? Sự tiêu xài lãng phí của tuổi trẻ vào I-Phone, có người còn đánh đổi cả trinh tiết của mình để có nó.

Tim Barners Lee đã phát minh ra giao thức siêu văn bản làm tiền đề cho sự phát triển internet. Lẽ ra ông phải đăng ký quyền sở hữu sáng chế để kiếm được nhiều tiền hơn. Thay vì thế, ông chọn cách chia sẻ miễn phí để cộng đồng mạng phát triển nhanh hơn. Nhưng chính Tim cũng không ngăn được đứa con của mình sinh ra và lớn nhanh như thế.

Và rồi internet đã giết đi bao giá trị của loài người và tạo ra nhiều cơ hội cho các tệ nạn xã hội. Con người trở nên lệ thuộc, lười biếng và ngu si hơn khi có internet. Và cứ như thế này, có thể con người rồi đây sẽ không khác gì những bộ máy di động.

Dù cho một hoạt động là lớn hay nhỏ, mang lại lợi nhuận nhiều hay ít, thì những tạo tác làm phương hại đến các loài hữu tình và vô tình khác cũng là tạo nghiệp ở thế gian. Đâu là giá trị thật của Google, của Apple?

Tôi thật sự thấy cẩn trọng và sợ hãi trong tất cả các hoạt động kinh doanh của mình. Chẳng thấy vui gì khi nhận những lợi nhuận mà làm phương hại hay triệt tiêu các thành phần khác.

Tôi tự hỏi, có cách nào kinh doanh khác hơn được không? Bớt lợi nhuận lại, làm những việc không gây tổn thương. Thậm chí, có thể kinh doanh là chịu thiệt thòi, phải hi sinh. Nhưng với cách tham dự vào nền kinh tế như hiện nay, thật khó mà tránh tạo nghiệp.

Sống cả cuộc đời chỉ thế thôi sao? Chúng ta có thể ưu tiên phân chia công việc cần làm trước, làm sau, thì tại sao không thực hiện như thế cho cả cuộc đời mình? Điều gì giúp con người hết khổ đau, thêm hạnh phúc? Điều gì giúp ích cho cộng đồng và có ý nghĩa nhất? Có lẽ không còn điều gì tốt hơn là sự giúp đỡ tâm linh. Chúng ta có thể làm ra tiền và cho ai đó của cải, nhưng chúng ta hoàn toàn bất lực nhìn người thân hay người khác phiền não.

Tôi lại có một quyết định sáng suốt trong cuộc đời của mình: Không cho phép mình tham dự vào con đường kinh doanh nữa. Và tôi lại nói “đừng quay đầu lại” cho sự lựa chọn thực tập tâm linh.

Khi quý vị đọc bài viết này, hãy chú niệm, hãy cầu nguyện cho tất cả chúng sanh được hạnh phúc. Và hãy chuyển dòng năng lượng ấy đến tôi như những tha lực tương tựu, giúp tôi có thể tinh tấn và viên mãn hạnh nguyện xuất gia để giúp đời độ người. (TC. Văn Hóa Phật Giáo 154)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2016(Xem: 5398)
Jürgen Habermas sinh năm 1929 là giáo sư Triết học tại Đại học Frankfurt (Đức) mà tên tuổi cuả ông gắn liền với Trường phái Triết học Frankfurt. Ông nổi danh với các luận thuyết về các Thay đổi Cấu trúc của Công luận (Strukturwandel der Öffentlichkeit, 1962) và Lý thuyết về Hành vi Thông đạt (Theorie des kommunikativen Handeln, 1981). Với nhiệt tình tham gia tranh luận trong các vấn đề chính trị sôi bỏng, ông được nể trọng là một trí thức can đảm dấn thân và nhận nhiều giải thưởng cao quý. Hiện nay, ông là một trong những triết gia hàng đầu tại châu Âu.
30 Tháng Tám 2015(Xem: 7712)
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, Phật giáo cũng không ngoại lệ. Mặc dù trải qua hơn 2500, sau khi đức Phật nhập niết-bàn, Phật giáo vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong xã hội nhân loại. Chúng ta có thể nói ngày nay và tương lai nhân loại ngày càng cần trí tuệ và phương pháp của Phật giáo để giải quyết những vấn đề xã hội.
29 Tháng Tám 2015(Xem: 9149)
Xin Sư cho con hỏi: người tu hành xuất gia có được tham dự chuyện thế sự và chính trị đời thường không? Con nghe nói người tu hành không được xen vào chuyện chính trị, chỉ lo thuyết pháp độ chúng, tu hành cho mình, nhưng con thấy rất nhiều các bài viết từ những người tu hành bàn luận chính trị, các chính sách của nhà nước, của nước ngoài, bàn chuyện đời nhiều hơn chuyện đạo như vậy là có đúng không?
29 Tháng Tám 2015(Xem: 9158)
Tăng đòan cần phải lên tiếng một cách độc lập, với óc phê phán và có đạo đức. Chúng ta nên ủng hộ chính phủ, khi họ làm những điều tốt, chẳng hạn như khuyến khích sự hòa đồng giữa các tôn giáo. Chúng ta nên phản đối, khi họ làm những điều sai, chẳng hạn như gây chiến tranh và phá hoại môi trường. Tăng đòan không nên tham gia quốc hội hay cấu kết với chính quyền nhưng cần phải thẳng thắn lên tiếng về những vấn đề đạo đức quan trọng.
19 Tháng Sáu 2015(Xem: 6132)
Nơi nào sự bất công áp bức, mầm bất thiện còn tồn tại thì sự bất ổn vẫn tiềm tàng như mạch nước ngầm đang tuôn chảy nhưng nếu không hòa nhập vào nhánh sông ra biển mà thành lũ dữ sóng thần đe dọa phá vỡ con đê quyền lực.
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 5586)
Tiểu luận này bắt đầu với sự định rõ điểm đặc thù của “chủ nghĩa tiêu thụ” và khái niệm “người tiêu dùng”. Kế đó khảo sát tỉ mỉ quan điểm của đạo Phật về của cải tài sản và “kinh tế Phật giáo” trước khi dựa trên những điều này để đi đến phác họa cho việc đánh giá định mức về chủ nghĩa tiêu thụ, đây được xem như cách không gây ảnh hưởng và hoang phí đối với hạnh phúc nhân loại.
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 11969)
Đây là bài Diễn văn của Giáo sư Tiến sĩ Damien Keown trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc – lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan từ ngày 28 – 30 tháng 5 năm 2015 với chủ đề hội thảo “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”
02 Tháng Sáu 2015(Xem: 7133)
Chúng ta biết rằng cõi này không phải lúc nào cũng thuận thảo với những ước muốn của chúng ta. Chúng ta bước ra phố vào một ngày nắng đẹp, và đột nhiên một trận mưa rào ào xuống, làm chúng ta ướt mem. Dĩ nhiên, cõi này là bất như ý, Đức Phật đã dạy như thế.
30 Tháng Ba 2015(Xem: 5393)
Có một tiêu chuẩn được mọi người chấp nhận rằng sự sống của tất cả chúng sanh đều phụ thuộc vào ăn uống. Thực phẩm là yếu tố cần thiết nhất cho con người (chúng sanh), vì thế nó đã trở thành một yếu tố chủ yếu trong các nhu cầu của con người như là thức ăn, áo mặc, chỗ ở và thuốc trị bệnh.