Môi trường tu học của người xuất gia

05 Tháng Chín 201414:54(Xem: 6203)
MÔI TRƯỜNG TU HỌC CỦA NGƯỜI XUẤT GIA
Nguyên Bảo

Sư Trung Thiện tại ngôi rừng Thái Lan (Ảnh: Tấn Phát)
Sư Trung Thiện tại ngôi rừng Thái Lan (Ảnh: Tấn Phát)

Trong quá trình cần cầu “vô thượng an ổn khỏi các khổ ách”- Niết-bàn, người xuất gia thường khi cần phải xét đến việc tìm kiếm một nơi chốn tu học tương đối thích hợp và thuận lợi cho mục tiêu tiến bộ tâm linh của mình. Kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanasutta) mô tả rằng ngay sau khi chia tay năm người bạn đồng tu khổ hạnh, Đức Gotama tuần tự du hành đến tụ lạc Uruvela ở Gayà. Tại đây, Ngài thấy một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Ngài tự nhủ: “Thật là một địa điểm khả ái, một khóm rừng thoải mái, có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực. Thật là một chỗ vừa đủ cho một Thiện nam tử tha thiết tinh cần có thể tinh tấn”1. Và Ngài quyết định dừng lại ở đây để tinh tấn tu hành. Về sau, vùng đất này trở thành Thánh địa của đạo Phật với tên gọi Boddhgayà, một địa danh nổi tiếng đánh dấu chỗ Đức Phật quyết định dừng chân tu tập và chứng đạo.

Thông tin trên cho hay Đức Phật đã tìm thấy một nơi chốn được xem là “lý tưởng” cho sự tu tập của mình. Đó là một môi trường tương đối hội đủ các điều kiện thuận lợi đưa đến sự thành công của Ngài về phương diện tu tiến tâm linh. Tại đây, có làng mạc bao bọc chung quanh rất tiện cho Ngài đi khất thực mỗi ngày, lại có cảnh quan thiên nhiên thích hợp cho việc tu thiền, hai yếu tố ngoại duyên được xem là căn bản và cần thiết cho sự thực hành đạo giải thoát. Cố nhiên, Ngài đã lưu trú tại đó để tinh tấn tu thiền trong thời gian 49 ngày và sau cùng thì chứng đắc đạo quả giác ngộ.

Xuất phát từ kinh nghiệm tu chứng của bản thân, Đức Phật mong sao cho các học trò mình có được một môi trường thuận lợi cho sự nghiệp tu học đạo lý giác ngộ. Theo kinh nghiệm của Ngài thì một môi trường tu học thuận lợi không chỉ là sự thoải mái tiện ích về đời sống vật chất mà quan trọng hơn là phải đáp ứng yêu cầu tiến triển về đạo đức và giải thoát tâm linh cho con người trong khi sinh hoạt ở đó. Vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực kiến tạo các môi trường tu học có các điều kiện sinh hoạt thuận tiện như thiết lập các tinh xá có khoảng cách không xa các thị trấn hay thôn làng, Đức Phật quan tâm rất nhiều đến công tác giảng dạy và xây dựng chương trình tu học cho các Tỷ-kheo ở trong các cơ sở như vậy. Phật chủ trương kiến tạo môi trường thực nghiệm tâm linh cho nhân thế bằng cách khai sáng giới đức, tâm đức, tuệ đức ở trong lòng mọi người, nhấn mạnh rằng ở đâu có giới-định-tuệ chói sáng thì ở đó có hiểu biết, có tình thương, có tự do, giải thoát, có hạnh phúc và an lạc. Ngài đánh giá cao một môi trường tu học có đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến, nghĩa là nơi nào có các Thánh giả giác ngộ lưu trú hành đạo2; vì ở đấy những ai chưa đầy đủ giới hạnh sẽ được học tập đầy đủ giới hạnh; chưa đầy đủ thiền định sẽ được học tập đầy đủ thiền định; chưa đầy đủ trí tuệ sẽ được học tập đầy đủ trí tuệ; chưa đầy đủ giải thoát sẽ được học tập đầy đủ giải thoát; chưa đầy đủ giải thoát tri kiến sẽ được học tập đầy đủ giải thoát tri kiến3. Do tính chất hạn chế nhất định của các pháp ở thế gian (người, vật, môi trường…), Ngài cho phép các Tỷ-kheo tự tìm kiếm nơi cư trú tu học thích hợp của riêng mình nhưng nhắc nhở họ phải biết xem xét cân nhắc cho thật kỹ các điều kiện ở trong đó để có sự lựa chọn thích đáng. Ngài nêu ra bốn môi trường tu học có các điều kiện khác nhau:

1. Một môi trường vừa thiếu thốn về vật chất vừa không thuận lợi cho sự tu tiến tâm linh.
2. Một môi trường đầy đủ về vật chất nhưng không thuận lợi cho sự tu tiến tâm linh.
3. Một môi trường thiếu thốn về vật chất nhưng thuận lợi cho sự tu tiến tâm linh.
4. Một môi trường vừa đầy đủ về vật chất vừa thuận lợi cho sự tu tiến tâm linh.

Người xuất gia nên suy xét cân nhắc như thế nào về bốn môi trường vừa nêu để có sự quyết định xác đáng về nơi chốn tu học của mình? Sau đây là các phân tích mang tính gợi ý của Đức Phật:

“Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ: “Ta sống tại khu rừng này; khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một vị xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại, ngay lúc ban ngày hay lúc ban đêm.

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ không được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt không được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết cho đời sống mà một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú… những vật dụng này kiếm được một cách không khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, không phải vì đồ ăn khất thực… không phải vì sàng tọa… không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng trong khi ta ở tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú không được an trú… vô thượng an ổn, khỏi các ách phược không được chứng đạt”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy chỉ với suy tính này, phải từ bỏ ngôi rừng ấy, không được ở lại.

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, nhưng những vật dụng cần thiết cho đời sống một người xuất gia cần phải sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, những vật này kiếm được một cách khó khăn. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú… vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt… những vật dụng này kiếm được một cách khó khăn. Nhưng không phải vì y phục mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không phải vì món ăn khất thực… không phải vì sàng tọa… không phải vì dược phẩm trị bệnh mà ta xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Nhưng trong khi ta ở tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú… vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt”. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy chỉ với suy tính này, phải ở lại khu rừng ấy, không được bỏ đi.

Chư Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo sống tại một khu rừng nào. Tỷ-kheo sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ, vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa được chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng cần thiết… kiếm được một cách không khó khăn. Chư Tỷ- kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau: “Ta sống tại khu rừng này. Khi ta sống tại khu rừng này, các niệm chưa được an trú được an trú… vô thượng an ổn, khỏi các ách phược chưa chứng đạt được chứng đạt, và những vật dụng này cần thiết… kiếm được một cách không khó khăn”. Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy phải ở lại khu rừng cho đến trọn đời, không được rời bỏ”.4

Nhìn chung, các phân tích ở trên cho thấy người xuất gia có quyền chọn cho mình một nơi chốn tu học nhưng cần phải phân biệt rõ loại môi trường nào không thích hợp với lý tưởng tu học của người xuất gia và loại môi trường nào là thật sự cần thiết cho mục tiêu tu học của mình. Hai môi trường đầu hẳn nhiên là không thích hợp cho người xuất gia lưu trú tu học, vì chúng không giúp cho người xuất gia thăng tiến về tâm đức và tuệ đức (các niệm chưa được an trú không được an trú, tâm tư chưa được định tĩnh không được định tĩnh), không giúp cho người xuất gia đoạn trừ lậu hoặc, chứng đắc Niết-bàn (vô thượng an ổn khỏi các khổ ách). Chỉ có hai môi trường sau mới thật sự thích hợp và cần thiết cho người xuất gia lưu trú, vì chúng đáp ứng mục tiêu tu học của người xuất gia, nghĩa là có khả năng giúp cho người xuất gia phát triển chánh niệm, chánh định, hướng đến đoạn trừ lậu hoặc, chứng đắc Niết-bàn, nếu sống tu học ở đó.

Điều đáng chú ý là trong việc lựa chọn môi trường hay nơi chốn tu học, người xuất gia phải luôn luôn ý thức rõ về lý tưởng tu học của mình và phải đặt mục tiêu giải thoát lên hàng đầu. Lẽ tất nhiên, người xuất gia không phải vì mục đích của cải vật chất mà xuất gia học đạo; do đó, một môi trường tu học đầy đủ hoặc thiếu thốn về vật chất không phải là điều đáng bận tâm nhiều đối với vị ấy. Đức Phật cũng từng khuyên nhắc các Tỷ-kheo phải thừa tự Pháp của Ngài, chớ có thừa tự tài vật5. Chính vì vậy mà yếu tố đáng cân nhắc nhiều nhất là xem môi trường đó có thực sự giúp cho người xuất gia thăng tiến về giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức hay không. Nếu một môi trường mà hội đủ cả hai yếu tố, nghĩa là vừa thoải mái về mặt vật chất vừa có khả năng giúp cho người xuất gia phát triển về giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức, thì đó là môi trường tối ưu mà theo lời Phật thì người xuất gia phải sống ở đó mà tu học cho đến trọn đời, không được bỏ đi, dầu có bị xua đuổi.6 Giả sử một môi trường có khả năng giúp cho người xuất gia tiến triển về giới đức, tâm đức, tuệ đức, giải thoát và giải thoát tri kiến đức nhưng lại khó khăn thiếu thốn về vật chất thì người xuất gia cần phải kham nhẫn ở lại đó mà tu học, không nên rời bỏ; vì mục đích tu học của người xuất gia là tăng trưởng giới đức, tâm đức, tuệ đức, thực chứng giải thoát và giải thoát tri kiến đức, chứ không phải vì lý do sinh sống hàng ngày.

Chú thích:
1. Kinh Thánh cầu, Trung Bộ.
2. Kinh Pháp cú, kệ số 98, ghi nhận: “Làng mạc hay rừng núi, thung lũng hay đồi cao; La-hán trú chỗ nào, đất ấy thật khả ái”.
3. Kinh Hạnh phúc cho ai, Tăng Chi Bộ.
4. Kinh Khu rừng, Trung Bộ.
5. Kinh Thừa tự Pháp, Trung Bộ.
6. Kinh Khu rừng, Trung Bộ. •

(Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo 156)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 7879)
Người tu chứng không phải do học cao hiểu rộng mà được, mà chỉ thấy rõ thân này là một tổ hợp vật chất, do nhiều yếu tố thành hình, không có cái ngã thực thể cố định. Biết được như thế, chúng ta làm tất cả việc mà không thấy mình làm. Người học cao hiểu rộng, nếu không có sự tu tập thì sự chấp ngã càng lớn. Do đó dễ làm tổn hại cho nhiều người, khi họ lợi dụng quyền hành thế lực.
04 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10309)
Có lẽ để phù hợp hơn cho bài pháp luận hôm nay trong buổi thuyết trình đoàn này, chúng ta nên đặt lại câu hỏi, “Tại Sao Tuổi Trẻ Việt Nam tại Bắc Mỹ Ít Đến Chùa / Phật Giáo?” hay câu hỏi tích cực hơn là “Làm thế nào để giúp Tuổi Trẻ Việt Nam đến với Phật Giáo?”
29 Tháng Mười 2015(Xem: 7345)
Thật tế, nhìn khái quát, Phật giáo Việt nam đang đi vào một khúc quanh mà ở đó, những thực trạng nhức nhối đáng quan ngại không còn là chuyện cá biệt mà chúng đang phổ biến hóa với mật độ trải rộng mang tính áp đảo, và tất nhiên không ít người Tăng cũng như tục đã bắt đầu hình thành ý niệm rằng đó là những hình thái đương nhiên.
09 Tháng Mười 2015(Xem: 9299)
Nhân bài viết “Chùa Chết” và “Ai Giết Chùa” nói về thực trạng một số chùa hiện nay tại Việt Nam của tác giả Cư sĩ Tiến sĩ Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng, chúng tôi sao lục bài tham luận của Đại đức Thích Tâm Đức - Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thanh Hóa ..
25 Tháng Chín 2015(Xem: 7936)
Tôi rất trăn trở cho Phật giáo nước nhà của hiện tại và tương lai. Bao năm nay tôi luôn theo dõi và ủng hộ các trung tâm hoằng pháp lớn của Việt Nam mà nơi làm tốt nhất, lớn nhất, hiệu quả nhất, thay đổi tâm của nhiều người nhất có lẽ là chùa Hoằng Pháp TP HCM.
31 Tháng Tám 2015(Xem: 6548)
Viện đại học là cơ sở giáo dục đại học đa cấp, đa ngành, đa lĩnh vực, và thường có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong hệ thống giáo dục. Viện đại học xuất phát từ danh từ University, nhưng có nguồn gốc từ tiếng Latinh: Universitas; có nghĩa là cộng đồng của giáo viên và các học giả,
25 Tháng Tám 2015(Xem: 5520)
“Đề tài truyền đạt là “Một Thoáng Nhìn về Phật Giáo Thế Kỷ 21,” một đề tài đáp ứng những thắc mắc của cộng đồng chúng ta trong việc hội nhập vào nền văn hóa và xã hội Hoa Kỳ. Mong rằng qua trình bày của Giáo sư, các thính giả thấy được cái nhìn rộng sâu của vị khoa bảng Khoa Phật học Đại học UC Berkeley.”
05 Tháng Tám 2015(Xem: 14753)
Trong thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều email của các bạn trẻ ngỏ ý muốn được xuất gia và hỏi về các điều kiện xuất gia. Bài viết này nhằm mục đích trả lời chung các bạn. Trước hết chúng tôi tán thán tâm nguyện xuất gia của các bạn và sau nữa, chúng tôi khuyên các bạn
23 Tháng Sáu 2015(Xem: 8462)
Đại học Harvard vừa tổ chức một cuộc hội thảo nội dung nhìn vào những thách thức phải trải qua khi đào tạo những người giảng Phật pháp để đáp ứng các nhu cầu hiện nay.
21 Tháng Sáu 2015(Xem: 6789)
Trong đạo Phật có câu nói rất phổ biến là “Nhất niệm thông tam giới,” một niệm biến khắp ba cõi – cõi dục, sắc, và vô sắc. Một niệm tức là một móng tâm, một ý nghĩ khởi sinh từ tâm. Điều này cho thấy hai ý nghĩa: làn sóng vi ba khởi sinh từ tâm dù vô hình vô tướng vẫn có thể lan xa khắp ba cõi, và qua đó, ảnh hưởng của một niệm có thể bao trùm cả cõi không gian rộng lớn vô cùng.