ĐANG HỒI SINH TỪ ĐỐNG TRO TÀN
Hoang Phong
Đại học Na-lan-đà (Nalanda) từng chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong lịch sử Phật giáo nhưng đã bị các đạo quân xâm lược Thổ nhĩ kỳ và A phú hãn (Afghanistan) san bằng thành bình địa cách nay đây 800 năm. Ngày nay những dấu hiệu vô cùng khích lệ cho thấy Đại học này lại đang hồi sinh.
Vào ngày 13 tháng 9 vừa qua hãng thông tấn AFP đã đưa ra những tin tức vô cùng phấn khởi liên quan đến sự hồi sinh của Na-lan-đà. Bản tin được loan tải nhanh chóng khắp thế giới và cũng đã được Đại học Phật giáo Âu châu thông báo qua bức thư tháng 10 gửi cho các thành viên.
Bản tin của AFP dưới ngòi bút tường thuật của ký giả Rupam Jain NAIR tại Ấn độ được chuyển ngữ sau đây và tiếp theo là phần trình bày tóm lược về Đại học lừng danh này.
Bản tin của thông tấn xã AFP
Viện đại học Na-lan-đà mang đầy huyền thoại đã bị tàn phá cách nay 800 năm và dự án xây dựng lại từng được mọi người chờ đợi suốt nhiều thế kỷ nay vừa mới được chính quyền New Delhi chính thức chấp thuận. Đó là dự án tái tạo khu đại học Na-lan-đà với mục đích làm biểu tượng cho cả nước Ấn tân tiến ngày nay.
Na-lan-đà được thành lập vào thế kỷ thứ III tại tiểu bang Bihar (đông bắc nước Ấn). Nhờ vào chương trình giảng dạy thật ưu tú về khoa học, triết học, văn chương và toán học mà đại học này đã từng thu hút được 10 000 sinh viên và thật nhiều giáo sư thường trú đến từ khắp các quốc gia Á châu.
Thanh danh của Na-lan-đà vượt xa khỏi biên giới của nước Ấn và tiếp tục lớn mạnh cho đến năm 1193 thì các đạo quân xâm lược từ các vùng Trung Á kéo vào nước Ấn cướp phá và đốt sạch thư viện. Lúc bấy giờ đại học Oxford chỉ mới bắt đầu khai sinh.
Na-lan-đà được xây dựng tại một nơi cách thủ đô Patna của tiểu bang Bihar ngày nay khoảng 90 cây số mà giờ đây chỉ còn lại một vài di tích đổ nát gồm một số cột trụ xây bằng gạch đỏ và một vài điêu khắc trên những phiến đá hoa.
Amartya Sen là giáo sư về kinh tế học và triết học, đoạt giải Nobel năm 1998, là một trong những người vận động và thúc đẩy chương trình xây dựng lại Đại học Na-lan-đà, đã tuyên bố như sau : "Na-lan-đà từng là một trong những cơ sở thượng thặng chuyên về khảo cứu và luận giải triết học trong lịch sử nhân loại, do đó chúng tôi quyết định phải làm cho Đại học này sống lại".
là một trong những người tích cực tranh đấu để xây dựng lại Na-lan-đà.
Quốc hội Ấn độ biểu quyết cấp cho dự án Đại học Na-lan-đà 200 mẫu đất ngay bên cạnh vị trí lịch sử của Đại học này. Tuy nhiên từ nhiều năm nay những ai đã tranh đấu cho sự hồi sinh của Na-lan-đà đều hiểu rằng ngoài mảnh đất trên đây thì còn phải tìm ra một nguồn tài trợ lớn lao nữa.
Giáo sư Amartya Sen cho biết : "Sở dĩ ngày xưa Na-lan-đà tồn tại và sinh hoạt được là nhờ một phần vào nguồn thu nhập từ ruộng vườn trong các làng mạc chung quanh và một phần nhờ sự cúng dường của các vua chúa thời bấy giờ. Ngày nay thì nhất định phải nhờ vào trợ cấp của chính phủ, của tư nhân và các tập thể tôn giáo".
Sự hồi sinh của Na-lan-đà phù hợp với nhu cầu vô cùng cấp bách về giáo dục đại học tại Ấn. Ủy ban quốc gia về học vấn cho biết trong các thập niên sắp tới nước Ấn cần phải có thêm 1500 trung tâm giảng huấn cấp đại học. Dân số lên đến 1,2 tỷ người, kinh tế thì đang trên đà bộc phát, nhưng hiện nay chỉ vỏn vẹn có 350 trường đại học cho cả nước Ấn.
Nhiều gia đình khá giả [người Ấn] phải gửi con cái du học ở các nước ngoài - như Hoa kỳ, Úc và Anh quốc - nhưng sau khi tốt nghiệp thì lại chỉ có một số nhỏ sinh viên trở về nước.
Những người phụ trách chương trình Na-lan-đà hy vọng rồi đây ngôi trường Na-lan-đà tương lai sẽ đủ sức đảo ngược lại phong trào đưa con cái đi du học như hiện nay và biết đâu còn có thể thu hút được sinh viên từ các nước khác đến Ấn.
Một giáo sư nổi tiếng ở Delhi là Phagun Pathak đã tuyên bố với phái viên AFP như sau : "Việc tái lập Na-lan-đà thật là một sáng kiến tuyệt vời, tuy nhiên cũng không nên quên tính cách toàn cầu tượng trưng cho cốt tủy của Đại học này. Na-lan-đà phải mở rộng cửa để trao đổi với các đại học khác và đón rước sinh viên quốc tế".
Số tiền dự trù cho việc xây dựng là 500 triệu đô-la (390 triệu euros) và còn phải thêm vào đó 500 triệu đô-la nữa để trang bị và chỉnh trang môi trường chung quanh vì Na-lan-đà nằm tại một trong những tiểu bang nghèo nhất nước Ấn.
Một số nhà trí thức cho rằng nếu Đại học mới Na-lan-đà được thành hình thì nó phải xứng đáng với cái danh hiệu trước đây của nó. Một giáo sư về sử học của một cơ sở giáo dục tư nhân tại tiểu bang Bihar đã nhắc lại cho mọi người biết rằng : "Trên dòng lịch sử tiến hóa của sự hiểu biết và nền học vấn toàn cầu, Na-lan-đà hiện ra như một biểu tượng thiêng liêng nhưng cũng vừa tượng trưng cho một thảm kịch"
Vị giáo sư ấy còn nói tiếp :"Tất cả đều đã bốc cháy, tuy nhiên cái di sản lừng danh đó vẫn còn lưu lại trong tâm trí chúng ta mãi đến ngày hôm nay".
Tìm hiểu về Đại học Na-lan-đà
Đại học Na-lan-đà đã giữ một vai trò và một vị trí có thể nói là độc nhất vô nhị trong nền tư tưởng của nhân loại và lịch sử phát triển của Phật giáo nói riêng. Những ai muốn tu học và nghiên cứu nghiêm chỉnh về Phật giáo có lẽ cũng nên biết đến vai trò của tu viện đại học này trong quá khứ đối với sự phát triển của Phật giáo. Na-lan-đà là nơi hun đúc và đào tạo các đại sư của Phật giáo và cũng là nơi phát sinh hầu hết các học phái lớn của Đại thừa.
Tài liệu nghiên cứu về Na-lan-đà thật dồi dào. Các học giả Tây phương và các nước như Ấn độ, Trung quốc, Nhật Bản, Tích Lan đều có nghiên cứu về tu viện đại học Na-lan-đà. Ngoài số kinh sách phong phú nói đến Na-lan-đà còn có rất nhiều tư liệu lịch sử và các kết quả khảo cổ hiện đại mà các học giả chưa khai thác hết. Dưới đây là phần tóm lược ngắn gọn một vài sắc thái của đại học này.Sơ lược tiểu sử của Na-lan-đà
Các công cuộc khảo cổ được thực hiện tại vị trí Na-lan-đa khởi sự vào năm 1915 và chấm dứt 70 năm sau đó tức là vào năm 1985. Một số các học giả Tây phương cũng như các nhà khảo cổ cho rằng Na-lan-đà được "phát triển" từ thế kỷ thứ V sau Tây lịch. Điều này khá đúng vì Na-lan-đà được sửa sang và xây dựng lại vào thế kỷ này và sự sinh hoạt cũng như sự giảng dạy cũng được tổ chức lại quy mô hơn. Tuy nhiên thật ra thì Na-lan-đà có một lịch sử lâu đời hơn thế rất nhiều.
Đại học Na-lan-đà tọa lạc tại một ngôi làng nhỏ không xa thành Vương Xá (Rajagrha) của xứ Ma-kiệt-đà (Magadha) bao nhiêu. Khi còn tại thế, Đức Phật đã nhiều lần ghé ngang nơi này trên đường hoằng Pháp. Tịnh xá Trúc Lâm (Venuvana) và đỉnh Linh Thứu (Grdhrakuta) cũng không xa ngôi làng này và nơi đây cũng là nơi có hai bảo tháp lưu giữ xá lợi của hai vị đại đệ tử của Đức Phật là các ngài Xá-lị-phất (Sariputra) và Mục-kiền-liên (Maudgalyayana), cả hai vị này đều tịch diệt không lâu trước ngày Đức Phật nhập vào Đại Niết bàn.
Vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, hoàng đế A-dục cho xây một ngôi chùa bên cạnh hai bảo tháp. Sang thế kỷ thứ II sau Tây lịch thì có hai anh em Udbhata và Samkarapati đứng ra sửa sang ngôi chùa và xây thêm tám dãy tịnh xá và từ đó Na-lan-đà biến thành một tu viện lớn tu tập theo học phái Đại thừa. Avitarka và Rahulabhadra là hai trong số các vị trụ trì đầu tiên khá nổi tiếng của tu viện. Rahulabhadra là tổ thứ 16 của Thiền tông Ấn độ và là thầy của Bồ-tát Long Thụ (Nagarjuna, thế kỷ thứ II). Long Thụ tu học tại Na-lan-đà và sáng lập ra nền triết học Trung quán (Madhyamika) và sau đó thì thay thầy mình trụ trì Na-lan-đà, nhưng một thời gian sau thì rút lui và nhường chức vị này lại cho người đệ tử giỏi nhất của mình là đại sư Thánh Thiên (Aryadeva, sinh vào cuối thế kỷ thứ II ? hay đầu thế kỷ thứ III).
Vào thế kỷ thứ III thì tu viện bị các đạo quân du mục xâm lược và đốt phá, thư viện và vô số kinh sách thuộc thời kỳ khởi nguyên của Đại thừa tại Na-lan-đà bị thiêu hủy. Vua Buddhapaksa lại cho sửa sang và xây dựng lại tu viện. Sau đó thì Na-lan-đà được điều khiển bởi hai vị đại sư rất nổi tiếng, trước tiên là ngài Vô Trước (Asanga, thế kỷ thứ IV) người sáng lập ra học phái Duy thức (Yogacara hay Cittamatra) và sau đó đến lượt người em là ngài Thế thân (Vasubandhu, 316-396), tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn độ và cũng là một luận sư xuất sắc về Duy thức.
Từ giữa thế kỷ thứ III đến giữa thế kỷ thứ VI toàn thể vùng bắc Ấn được đặt dưới sự cai trị của triều đại Gupta, và triều đại này lại bảo trợ Phật giáo rất tích cực. Vua Kumaragupta (trị vì từ năm 415 đến 455) khởi công xây cất một chánh điện trung tâm thật đồ sộ cho tu viện, nhưng rồi giặc giã lại xảy ra và các đạo quân du mục Hung nô thuộc vùng Trung Á tràn vào bắc Ấn. Lần này nhờ có vua Skandagupta (trị vì từ năm 455 đến 467) ra sức bảo vệ nên Na-lan-đà không bị thiệt hại gì nhiều.
Mặc dù không có một vị vua nào dưới triều đại Gupta chính thức nhận mình là người Phật giáo, nhưng tất cả đều tích cực bảo trợ cho Na-lan-đà. Các vị vua kế nghiệp sau hai vị vua trên đây là các vị Buddhaguptaraja, Tathagataraja, Baladitya và Vajra lại tiếp tục xây dựng thêm và đến cuối thế kỷ thứ V thì Na-lan-đà trở nên một tu viện đại học thật đồ sộ. Vào các năm 530 đến 535, có một vị vua thuộc miền trung Ấn (có lẽ là vua Yoshodharman) cúng dường một Đại Tịnh xá (Mahavihara) và bức tường bao quanh toàn thể khu vực của tu viện.
Uy tín của Na-lan-đà dần dần vượt khỏi biên giới nước Ấn và đã thu hút được nhiều đại sư và học giả tiếng tăm khắp nơi. Sinh viên khắp các quốc gia Á châu như Trung quốc, Triều tiên, Nhật bản, Indonêxia đều tìm về đây tu học. Dưới triều đại vua Harsavardhana (590-647) có hai nhà sư Trung hoa là Huyền Trang (602-713) và sau đó là Nghĩa Tịnh (635-713) đã đến học tại Na-lan-đà.
Vào thế kỷ thứ VII, Na-lan-đà tổ chức một cuộc tranh biện giữa hai học phái Trung Đạo và Duy thức, đây là một cuộc tranh biện triết học nổi tiếng đã được lịch sử ghi chép. Bước vào thế kỷ thứ VIII, tại Na-lan-đà có một nhà sư rất khiêm tốn là ngài Tịch Thiên (Santideva) đã sáng tác được một tập luận thật nổi tiếng, đó là tập Nhập Bồ-đề Hành luận (Bhodhicaryavatara) [Tập luận này đã được Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết giảng và đã được in thành sách, Hoang Phong chuyển ngữ dưới tựa đề là "Tu Tuệ", nhà xuất bản Phương Đông, 2008]. Vào thời kỳ này tức là dưới các triều đại Pala (thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XII) Na-lan-đà đạt đến mức cực thịnh, tuy nhiên cũng đã bắt đầu bị một số các đại học mới cạnh tranh ráo riết, đó là các đại học Odantapuri và Vikramasila chuyên giảng dạy về triết học "hậu Tan-tra thừa". Các đại học này cũng đồ sộ và số sinh viên và giáo sư cũng đông đảo không kém, nếu không muốn nói là hơn cả Na-lan-đà.
Thế nhưng lại thêm một lần nữa chiến tranh đã tàn phá tất cả. Sự hung bạo không những chỉ mang lại sự chết chóc, đau thương mà còn gây ra không biết bao nhiêu mất mát cho những gì mà con người gầy dựng được trong lãnh vực văn hoá, đạo đức và nền tư tưởng của nhân loại. Vào giữa thế kỷ XI các đạo quân Hồi giáo Thổ nhĩ kỳ và A Phú hãn (Afghanistan) do Muhammad Khalji chỉ huy tràn vào nước Ấn và san bằng đại học Odantapuri vào năm 1193 và đại học Na-lan-đà vào năm 1199. Tiếp sau đó vào năm 1235 lại đến lượt đại học Vikramasila nằm xa hơn về phía đông bắc Ấn cũng bị các đạo quân của Muhammad Khalji tàn phá. Các biến cố liên tiếp đó đã đánh dấu trang sử cuối cùng của Phật giáo trên bán lục địa Ấn độ.
Một vài nhân chứng lịch sử
Na-lan-đà vừa là một tu viện vừa là một cơ quan giáo dục và hoằng Pháp mang tính cách quốc tế. Chương trình giáo huấn siêu việt và lối sống kỷ luật và vô cùng tinh khiết của cả giáo đoàn cũng như những người tu học đã đưa thanh danh Na-lan-đà vang dội khắp Á Châu. Hơn một ngàn năm trước những ai đến được nước Ấn và được nhận vào tu học ở Na-lan-đà là một niềm hãnh diện lớn lao. Những người may mắn đến được Na-lan-đà thường ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe và cả những kỷ niệm của họ. Các học giả Tây phương, Trung hoa, Nhật bản... vẫn chưa khai thác hết những tư liệu quý giá này. Các nhà sư Trung hoa sang du học hay hành hương ở Ấn thì rất nhiều, trong tập nhật ký của ngài Nghĩa Tịnh có ghi tiểu sử của 56 vị tăng du hành sang Ấn, trong số này có 5 vị là người Giao Chỉ (?). Tuy số tăng sĩ Trung hoa đến được Ấn độ khá đông tuy nhiên chỉ xin đơn cử trường hợp của ba vị tiêu biểu nhất là Pháp Hiển (332?-422?), Huyền Trang (600-664) và Nghĩa Tịnh (635-713), là những người đã để lại các tập hồi ký mang nhiều giá trị lịch sử.
Ngài Pháp Hiển : Lúc khởi hành đi Ấn thì Pháp Hiển đã 60 tuổi và ông đã lưu lại Ấn 16 năm liền, từ năm 399 đến 414. Tập nhật ký của ông mang tựa đề là "Phật quốc ký" (Fo-kue-ki), là một chứng tích lịch sử vô cùng quý giá về nền văn hóa và sự phát triển cao độ của Phật giáo vào các thế kỷ thứ IV và thứ V tại Ấn. Quyển sách này đã được các học giả Tây phương mổ xẻ và kiểm chứng và họ đều cho biết là các sự kiện nêu lên trong tập sách cũng như những nhận xét của Pháp Hiển thật chính xác. Sau Pháp Hiển còn có hai vị tăng khác là Sung Yun và Hwui-Seng cũng sang du học tại Ấn vào năm 518, tuy nhiên những gì do hai vị này ghi chép đều rất sơ lược.
Pháp Hiển hành hương hầu hết các thánh tích Phật giáo quan trọng và mô tả các nơi này thật chi tiết. Ông phác họa lại lịch sử của Na-lan-đà từ khi mới được thành lập và liệt kê các sự cấp dưỡng của hoàng triều. Ông cũng cho biết chi tiết về các chương trình giảng huấn, các phương pháp sát hạch và tuyển chọn học viên và cả sinh hoạt thường nhật của tu viện... Ngoài ra ông còn mô tả các tòa nhà trong tu viện và cả các phòng ốc trong khu tịnh xá.
Theo ông thì thanh danh của Na-lan-đà sở dĩ vang lừng khắp nơi chính là nhờ vào giáo trình vô cùng cao thâm và siêu việt được giảng dạy tại Na-lan-đà. Thật vậy, vào năm 410 khi Pháp Hiển còn đang tu học tại đây thì Na-lan-đà vẫn còn là một tu viện bình thường, chỉ bắt đầu từ năm 410 trở về sau này thì sự sinh hoạt của Na-lan-đà mới thiên nhiều hơn vào việc giảng dạy. Ông còn cho biết là lúc ông mới đến thì Na-lan-đà còn mang thêm một biệt danh nữa là tu viện "Na-Lô" (?) và giáo trình hoàn toàn thuộc học phái Đại thừa. Học viên đến từ khắp nơi trên đất Ấn và từ các quốc gia khác như Trung hoa, Tây tạng, Triều tiên, Nhật bản và Tích lan.
Ngài Huyền Trang : ngài Huyền Trang lưu lại Ấn 17 năm tất cả. Ông may mắn được học với nhiều vị thầy lừng danh thời bấy giờ, nhất là được học về các môn du-già luận (yoga sastra) vào các năm từ 635 đến 640. Trong tập "Tây vực ký" (Si-yu-ki) của ông viết về chuyến du hành Ấn độ, ông có mô tả rất tường tận hệ thống giảng dạy siêu đẳng của Na-lan-đà, và còn cho biết thêm là sinh hoạt thường nhật cũng như việc tu tập nói chung của cả tu viện thật vô cùng kỷ cương và tinh khiết.
Sinh hoạt hàng ngày được quy định thật chặt chẽ căn cứ vào một chiếc "đồng hồ" nước. Đồng hồ là một cái chén nhỏ bằng đồng có đục một lỗ thật nhỏ ở đáy. Chén được thả lềnh bềnh trong một chậu nước to hơn. Nước chui vào lỗ nhỏ làm ngập chén, và cứ mỗi lần chén chìm xuống đáy chậu thì người phụ tránh đánh mõ hay đánh gồng để thông báo. Loại đồng hồ này thường được sử dụng trong các tu viện lớn tại Ấn thời bấy giờ.
Huyền Trang có viết một đoạn như sau trong tập Tây vực ký: "Các vị tu hành [tại Na-lan-đà] gồm nhiều ngàn người, họ là những vị có thực tài và tất cả đều có kiến thức rất cao. [...] Hạnh kiểm của họ thật tinh khiết và họ tuân thủ các quy tắc đạo đức một cách thành thực. Giới luật áp dụng trong tu viện thật nghiêm khắc, tuy số người tu hành đông đảo nhưng tất cả đều chấp hành giới luật thật nghiêm chỉnh, không có gì để chê trách. [...] Họ hỏi han nhau về bài vở hoặc cùng nhau bàn luận về các chủ đề cao siêu và khó khăn, nhưng không hề thấy một ai mất kiên nhẫn và cảm thấy ngày quá dài. [...] Vì thế sinh viên từ các nước khác đều tìm cách đổ dồn về đây để xin học vì họ muốn được mang danh là xuất thân từ Na-lan-đà và nhờ đó mà sau này tài năng của họ sẽ được nhiều người biết đến" (theo bản dịch của học giả C. Mauweuse trong quyển : 'L'Inde du Bouddha vue par les pellerins chinois sous la dynastie T'ang' : 'Nước Ấn của Đức Phật dưới con mắt của các vị hành hương Trung quốc dưới triều đại nhà Đường', nhà xuất bản Calman Lévy, Paris, 1968).
Cách quản lý của Na-lan-đà rất dân chủ, không ai có quyền phán quyết một cách độc đoán, mọi quyết định phải thông qua hội đồng của tu viện. Vị trụ trì cho tập họp hội đồng để hỏi ý, từ chuyện lớn cho đến chuyện nhỏ, kể cả những việc thường ngày trong tu viện. Khi Huyền Trang xin vào nội trú thì đơn thỉnh cầu cũng phải đưa ra hội đồng phán xét và sau đó chính vị phó trụ trì đích thân công bố kết quả.
Huyền Trang kể lại rằng trong thời kỳ ông tu học, tức là vào thế kỷ thứ VII, thì Na-lan-đà có tất cả 10 000 nhà sư gồm 1 510 vị thuộc ban giảng huấn và 8 500 vị là sinh viên thường trú. Thật ra thì dù là giáo sư hay sinh viên thì tất cả cũng đều là những người tu hành như nhau, sự khác biệt duy nhất là họ được phân chia ra làm hai phía : một bên là ban giảng huấn, một bên là những người tu học. Trong số 1 510 vị trong ban giảng huấn thì có 1 000 vị có đủ khả năng giảng được 20 tập Sutra (Kinh) và Sastra (Luận) và 500 vị có thể giảng được 30 tập, chỉ có 10 vị (và trong số này có ngài Huyền Trang) là có thể giảng được 50 tập. Họ là những người trước đây đã từng soạn thảo các sách bách khoa Phật giáo bao gồm tất cả các học phái và các phương pháp tu tập khác nhau, hoặc họ đã từng trước tác được các bộ luận giải về triết học, lôgic học, hoặc các sách về quy tắc và ngữ pháp trong tiếng Phạn... Tuy nhiên con số học viên và giáo sư tùy theo thời kỳ cũng có thể kém hay đông hơn. Vào thời kỳ khi ngài Nghĩa Tịnh tu học (675 đến 685) thì ban giảng huấn lên đến 3 000 vị. Tuy nhiên cũng có một vài học giả Tây phương nghĩ rằng khó mà kết hợp được một ban giảng huấn đông đảo như thế trong một đại học duy nhất (?).
Huyền Trang cho biết là Na-lan-đà thu hút được hầu hết các Giảng sư Phật giáo (gọi là pandita, có nghĩa là các học giả, trí giả hay thánh giả) lừng danh nhất trong nước thời bấy giờ. Huyền Trang có liệt kê một số vị như sau : Gunamati, Sthiramati, Prabhamitra, Jinamaitra, Jnanachandra, Sigrabuddha, Santaraksita, Silabhadra, Dhammapala và Chandrapala. Huyền Trang cũng cho biết là họ không phải chỉ biết giảng dạy mà mỗi vị còn trước tác được hàng chục tập Luận và Bình giải đủ loại. Trong thời gian Huyền Trang tu học tại Na-lan-đà (635-640) thì vị trụ trì của Na-lan-đà là Silabadra, tuy nhiên các việc hành chánh và quản lý thì lại hoàn toàn giao phó cho vị phó trụ trì. Nghĩa Tịnh cũng có chú ý đến sự kiện này và cũng có ghi lại trong tập nhật ký của ông. Nghĩa Tịnh còn cho biết thêm là chính vị phó trụ trì tự mình đánh chiêng để điều hành mọi sinh hoạt trong tu viện.
Ngài Nghĩa Tịnh : Ngài Nghĩa Tịnh tu học trong suốt mười năm tại Na-lan-đà (từ năm 675 đến 685) và cũng đã để lại một tập nhật ký ghi chép rất chi tiết các sự kiện xảy ra trong thời gian này. Ông cho biết là bất cứ ai muốn viếng tu viện đều phải bị hạch hỏi và lục soát rất cẩn thận tận ngoài cổng trước khi cho vào bên trong. Trong tập Tây vực ký Huyền Trang cho biết tu viện chỉ cho mở một cổng duy nhất phía nam của tu viện để thông thương với bên ngoài và nơi cổng có người canh chừng cẩn mật. Người lạ muốn vào thăm viếng Na-lan-đà đều phải bị thẩm vấn, và chỉ những người có một số vốn kiến thức và trình độ tu tập nào đó thì mới được cho vào. Ông còn cho biết thêm là trong số mười người khách đến viếng thăm thì thường chỉ có hai đến ba người là được nhận.
Ngài Nghĩa Tịnh cho biết là việc tuyển sinh cũng thật gắt gao. Tuổi tối thiểu của thí sinh là 20 tuổi, nhưng thật ra thì thường Na-lan-đà chỉ nhận các nhà sư thật thông thái đã tốt nghiệp các đại học khác xin theo các khóa học cao cấp của Na-lan-đà. Theo học giả Rita Régnier (trong bộ Encyclopaedia Universalis : Dictionnaire du Bouddhisme, nhà xuất bản Albin Michel, Paris, 1999) cho biết thì sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển và số người trúng tuyển chỉ độ 20 đến 30 phần trăm là nhiều. Ngài Huyền Trang còn cho biết là thí sinh phải thông suốt các "sách xưa" và cả các "sách mới". Các sách xưa gồm có các kinh Vệ-đà và Upanisad, các sách mới bao gồm tất cả các hệ thống triết học như Samkhya (Số luận tông), Vaisesika (Vệ-sử-ca, nghĩa tiếng Phạn của chữ này là sự Tuyệt-vời : đó là một học phái triết học Ấn độ khá phức tạp chủ trương sự hiện hữu trường tồn của các nguyên tử tạo ra mọi hình tướng biến động và học phái này cũng chủ trương sự hiện hữu của cái ngã atman), Nakya (là một tập kinh rất quan trọng của một học phái triết học Ấn độ thuộc Ấn giáo mang tên là Đạo lý, chuyên luận giải về lôgic học)...và tất cả các kinh sách Phật giáo nguyên thủy (Hinayana) và Đại thừa (Mahayana). Sở dĩ nêu lên một các chi tiết như trên là có ý cho thấy vào thời bấy giờ muốn được nhận vào học ở Na-lan-đà phải có kiến thức thật bao quát.
Nghĩa Tịnh rất ngưỡng mộ các vị giảng sư của Na-lan-đà và cho rằng nhờ họ mà mình đã học hỏi được rất nhiều. Ông có nêu tên một số các vị thầy lừng danh thời bấy giờ thuộc giáo đoàn Na-lan-đà và có viết một câu như sau : "Riêng cá nhân tôi thì tôi vô cùng sung sướng được học hỏi thêm [với các vị thầy ấy]. Khi mang ra so sánh những gì tôi ghi chép trước đây với những gì mới học được [tại Na-lan-đà] thì lúc ấy tôi mới hiểu rằng mình đã học được thêm rất nhiều so với trước kia". Cũng xin nhắc lại là khi sang tu học ở Na-lan-đà thì Nghĩa Tịnh đã sáu mươi tuổi và đã là một nhà sư lão thành.
Ngài Nghĩa Tịnh cho biết là vào thời kỳ ông tu học thì Na-lan-đà có đất đai trong 200 ngôi làng chung quanh. Khoảng 40 năm về trước thì Huyền Trang cho biết con số này chỉ là 100. Đất đai do hoàng triều cung cấp và tu viện cho nông dân thuê lại. Ngoài đất đai ra thì vua chúa dưới các triều đại Gupta và Pala còn trợ cấp thêm trâu bò để cày cấy và đôi khi cả tiền bạc. Việc ẩm thực mỗi ngày của hơn 10 000 người trong tu viện không phải là một việc nhỏ. Ngoài ra vua chúa thời bấy giờ còn góp phần vào việc tu sửa và xây dựng thêm cho tu viện.
Có một điều khá ngạc nhiên là cả Huyền Trang và Nghĩa Tịnh không thấy có vị nào mô tả về thư viện của Na-lan-đà. Chỉ biết rằng khi Huyền Trang về nước thì có mang theo 520 bộ kinh gồm tất cả là 657 quyển, chuyên chở trên lưng 20 con ngựa. Nghĩa Tịnh thì trong mười năm tu học đã gom góp được 400 bộ kinh gồm tất cả là 500 000 trang. Các chi tiết trên đây gián tiếp cho thấy sự phong phú của thư viện Na-lan-đà. Trong khi đó thì các nhà sư Tây tạng lại mô tả khu thư viện kỹ lưỡng hơn. Thư viện Dharmaganja gồm có ba tòa nhà riêng biệt mang tên là Ratnasagara, Ratnodahi và Ratnaranjaka. Tòa thư viện Ratnaranjaka lớn nhất gồm chín tầng lầu đặc biệt dùng để cất giữ các kinh sách quý mang tính cách thiêng liêng như bộ Bát nhã Tâm kinh (Prajparamita-sutra) và các kinh sách Tan-tra thừa chẳng hạn như kinh Samajaguhya.
Giáo trình của Na-lan-đà
Như đã được trình bày trên đây, ngài Pháp Hiển hành hương và lưu lại Ấn độ từ năm 399 đến 414, và khi ông đến Na-lan-đà thì nơi này còn là một tu viện thuần túy, các vị xuất gia trong tu viện tu học theo Đại thừa. Dưới triều đại vua Kumaragupta đệ nhất (414-455) thì Na-lan-đà mới bắt đầu dần dần chuyển thành một tổ chức đại học chuyên nghiệp hơn và tiếp tục giảng dạy theo truyền thống Đại thừa.
Giáo trình căn bản là nền triết học Tánh không do Bồ-tát Long Thụ chủ xướng vào thế kỷ thứ II. Căn cứ vào căn bản triết học Tánh không Long Thụ thành lập một học phái triết học mới rất mạch lạc và vững chắc gọi là học phái Trung đạo (Madhyamika). Các phép biện chứng về khái niệm Tánh không trong học thuyết Trung đạo đã đưa Phật giáo vượt lên một cấp bậc thật uyên bác và cao siêu trong nền tư tưởng Phật giáo nói chung. Do đó Trung đạo cũng có thể được xem như đại diện chung và tiêu biểu nhất cho toàn thể Đại thừa. Trung đạo mở ra một đường hướng mới ít nhất là trên phương diện cứu cánh của sự tu tập so với các "học phái của những người xưa" (Trưởng lão bộ) và các học phái Phật giáo nguyên thủy đại diện bởi học phái Theravada phát sinh sau này. Các phương pháp tự biện của Trung đạo cũng rất đặc thù và đã làm nổi bật hệ thống lôgic học của Phật giáo nói chung. Phép biện luận của Trung đạo dựa vào hệ thống lôgic học đó cũng cho thấy một số khác biệt với các học phái Đại thừa khác phát sinh sau này là Duy thức (Vijnanavada), Du-già hành tông (Yogacara) và Kim cương thừa (Vajrayana). Một số các vị đại sư hoặc các vị sáng lập ra các học phái lớn của Đại thừa hầu hết xuất phát từ Na-lan-đà và từng trụ trì Na-lan-đà, chẳng hạn như các vị Long Thụ (Nagarjuna), Thánh Thiên (Aryadeva), Hộ Pháp (Dharmapala), Thế Thận (Vasubandhu), Vô Trước (Asanga)...
Cũng xin nhắc thêm là Kim cương thừa thật ra chỉ là một đường hướng tu tập mới và đặc thù "ghép thêm" vào Phật giáo Đại thừa. Kim cương thừa dựa vào các kinh điển Tan-tra mang nhiều biểu tượng và phản ảnh một vài màu sắc thần bí và linh thiêng. Từ Kim cương thừa đã phát sinh ra một chi phái gọi là Thời luân (Kalachakra - Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã từng tu tập theo kinh Thời Luân và cũng đã thuyết giảng và bình giải bộ kinh này cho người Tây phương và các buổi thuyết giảng của Ngài cũng đã được ghi chép và in ra thành sách). Vị đại diện lớn nhất và tiêu biểu nhất cho chi phái Thời luân là ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambhava). Ngài Liên Hoa Sinh có thể đã được đào tạo tại Na-lan-đà và cũng là người đã mang Kim cương thừa vào Tây Tạng vào giữa thế kỷ thứ VIII. Đối với người Tây Tạng thì Liên Hoa Sinh là vị Phật thứ hai sau Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Nêu lên các chi tiết trên đây để cho thấy ảnh hưởng và tầm quan trọng của Na-lan-đà trong lịch sử Phật giáo. Các sự kiện trên đây cũng cho thấy tính cách sáng tạo, đa dạng và toàn cầu trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy của Na-lan-đà. Tóm lại giáo trình của Na-lan-đà thật đa dạng, bao hàm mọi lãnh vực tư tưởng và Đạo Pháp, ban giảng huấn và học viên đến từ khắp nơi, và cũng từ Na-lan-đà mà ánh sáng của tư tưởng của con người và Đạo pháp đã tỏa rộng ra tám phương trời.
Ngoài ra bối cảnh đa quốc gia của Na-lan-đà đã tạo ra một môi trường vô cùng thuận lợi cho việc dịch thuật. Một phần lớn các kinh sách xưa bằng tiếng Phạn được phiên dịch ra tiếng Trung hoa và tiếng Tây Tạng ngay trong Đại học Na-lan-đà. Vì chiến tranh nên một số kinh sách gốc tiếng Phạn này bị mai một và sau này đã được phiên dịch trở lại tiếng Phạn từ các bản tiếng Hán và tiếng Tây Tạng.
"Lò đào tạo" Na-lan-đà đã hun đúc ra nhiều đại sư chủ trương nhiều đường hướng triết học khác nhau và từ đó giúp phát sinh ra nhiều học phái lớn. Tuy nhiên nếu nghiên cứu cẩn thận và sâu sắc thì dù là các học phái Phật giáo của "những người xưa" (các vị Trưởng lão) hay các học phái Trung đạo, Duy thức, Kim cương thừa... cũng không hề đối nghịch nhau mà đúng hơn là bổ túc cho nhau và đó cũng là một đặc thù của Phật giáo nói chung. Các học phái dù cho có tranh biện nhưng chưa bao giờ gây chiến với nhau. Đại học Na-lan-đà thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo (tức là tranh biện) giữa giáo ban của tu viện và các học viên, và thường khi cũng mời các vị thầy bên ngoài đến tham gia, các vị thầy thuộc các tín ngưỡng khác cũng được mời đến thuyết trình và tranh biện. Các cuộc tranh biện có khi kéo dài nhiều tháng cho đến nhiều năm, có lẽ người xưa có nhiều thì giờ để sống hơn chúng ta hay chăng ? Vua chúa đương thời cũng tham gia bằng cách trợ cấp tài chánh hay đứng ra chủ toạ.
Ngoài phần giảng huấn ra thì Na-lan-đà còn là một trung tâm sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật tranh vẽ và tạc tượng bằng đá và bằng đồng của Na-lan-đà ảnh hưởng đến nghệ thuật chung thời bấy giờ trong toàn thể vùng bắc Ấn dưới cả hai triều đại Gupta (thế kỷ thứ V đến thứ VIII) và Pala (thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XII).
Tượng Phật đang chuyển Pháp luân (thế kỷ thứ V-VI)
Tượng Phật mặc áo ấm khoác ngoài (uttarasangha - uất-đa-la-tăng, còn gọi là y thượng),
thế kỷ thứ VI.
Các tượng điêu khắc bằng đá cho thấy sự cân đối và dáng dấp uy nghi, quần áo và trang sức cũng được tạc thật cẩn thận và khéo léo. Toàn thể pho tương tỏa ra sự dịu dàng và thanh thoát. Nói chung thì nghệ thuật Na-lan-đà đã tạo ra một số tiêu chuẩn làm khuôn mẫu cho nghệ thuật điêu khắc và hội họa của Ấn độ thời bấy giờ. Các tượng bằng đồng cũng cho thấy nhiều tinh xảo, gương mặt các nhân vật hơi dài hơn so với các tượng xưa. Tượng Phật cũng đa dạng hơn, thể hiện từng trường hợp khác nhau. Sự bành trướng của Đại thừa với vô số các vị Bồ-tát, và nhất là Kim cương thừa mang đầy biểu tượng đã mang lại sự phong phú cho nghệ thuật tạo hình bằng đồng.
Tại Na-lan-đà các nhà khảo cổ còn đào xới được một khu (khu khảo cổ số 1) chứa các chứng tích cho thấy là khu này từng được dành riêng cho những người hành hương từ đảo Sumatra đến. Khu vực này có lẽ được xây cất vào dịp vua Sumatra gửi sứ thần sang Ấn dưới triều đại của vua Devapala (khoảng 810-850) (theo học giả Rita Régnier, tài liệu trích dẫn trên đây, op.cit.). Sự kiện này cho thấy sự liên hệ mật thiết giữa Phật giáo Indônêxia và Phật giáo Ấn độ vào thời bấy giờ. Ngoài ra thì các nhà khảo cổ cũng tìm thấy các nét nghệ thuật tượng đồng của Na-lan-đà trên các bức tượng Phật cũng bằng đồng được khám phá trên đảo Java.
Na-lan-đà ngày nay
Ngày nay Na-lan-đà chỉ là một vùng khảo cổ mênh mông còn rải rác một số di tích kiến trúc bằng gạch đỏ, phân bố dọc hai bên một con đường thật rộng theo hướng bắc nam. Các di tích đó trước kia là các tịnh xá (vihara), các chánh điện (caitya) và các bảo tháp (stupa). Có tất cả tám tịnh xá có mặt tiền hướng về phía đông và có hai tịnh xá có mặt tiền hướng hướng về phía bắc. Các tịnh xá đều được xây dựng giống như nhau, mỗi tịnh xá gồm nhiều dãy nhà xây chung quanh một sân rộng, trong sân có giếng nước và thường có thêm một lò nướng bánh. Tịnh xá có một hay hai tầng lầu, trần nhà hình vòm cung được chống đỡ bằng nhiều cột.
Người ta tìm thấy một chánh điện (khu khảo cổ số 2) với một tượng Phật khổng lồ, trong chánh điện có xây thêm một bệ cao, có thể đấy là nơi dùng cho các giáo sư đứng giảng. Ngoài chánh điện trên đây người ta còn tìm thấy một tháp hình chóp, có lẽ tháp này đã được xây trùm lên bảo tháp xá lợi của ngài Xá-lị-phất. Thật ra thì bên trên bảo tháp có tất cả bảy lần xây cất chồng chất lên nhau. Mặt phía bắc có các nấc thang để trèo lên đỉnh và trên đỉnh thì trước kia là một chánh điện lớn với một tượng Phật khổng lồ, nay thì không còn nữa. Người ta cũng tìm thấy chung quanh khu vực chánh điện nhiều bảo tháp nhỏ mang tính cách tôn kính dùng vào việc thờ phụng. Về phía bắc của khu chánh điện trung tâm các nhà khảo cổ còn khám phá thấy ba chánh điện khác (các khu khảo cổ 12, 13 và 14), có lẽ các chánh điện này cũng còn dùng làm nơi giảng huấn. Phía đông của Na-lan-đa là một khu đặc biệt dành riêng cho việc thờ phụng, các nhà khảo cổ tìm thấy tại nơi này một chánh điện và nền được bao quanh bởi hai trăm mười một tấm đá điêu khắc thật tinh xảo, các phiến đá này được định tuổi vào thế kỷ thứ VI hay thứ VII.
Rồi đây trong tương lai đại học mới Na-lan-đà sẽ được chính phủ Ấn độ xây cất ra sao bên cạnh những di tích này ? Trong bối cảnh Ấn giáo và Hồi giáo của xã hội Ấn độ ngày nay, sự sinh hoạt và giảng dạy của Na-lan-đà trong tương lai nhất định sẽ không còn là một tu viện tinh khiết và thuần túy của Phật giáo như từ một ngàn năm trước. Tuy nhiên biết đâu Na-lan-đà mới cũng sẽ là một hạt giống mới giúp Phật giáo hồi sinh trên quê hương mà chính Phật giáo đã ra đời và bành trướng suốt mười tám thế kỷ ?
Bures-Sur-Yvette, 15.10.1
Hoang Phong