Tuyệt Vọng Khi Bị Chồng Bạo Hành Trong Lúc Mang Thai

07 Tháng Sáu 201523:41(Xem: 5061)

THÍCH NHẬT TỪ

CHÌA KHÓA HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH

Nhà xuất bản Hồng Đức 2015

TUYỆT VỌNG KHI BỊ CHỒNG BẠO HÀNH TRONG LÚC MANG THAI

Thưa Thầy, vợ chồng con mới cưới nhau được hơn 7 tháng, hiện tại con đang có thai. Chồng con bản tính vốn thật thà nhưng có tật xấu là rất nóng giận và còn mải chơi mặc dù anh đã 32 tuổi. Những lúc nổi nóng, anh ấy có thể làm người khác tổn thương vì lời lẽ của mình. Có lần anh ấy đã bạt tai con mặc dù con vừa mới có bầu được vài tuần. Con đã khóc và buồn rất nhiều, nhưng sau đó anh lại xin lỗi, con đã không giận anh nữa vì con nghĩ lúc đó có thể anh đã quá nóng giận. Công việc của anh thì cũng chưa ổn định, nhưng không phải vì lý do đó mà vợ chồng con hay lục đục mà còn vì nhiều chuyện khác. Con vẫn luôn động viên anh ấy là rồi mọi việc sẽ ổn, chỉ cần mình cố gắng và đừng nản chí. Vợ chồng con chỉ vui vẻ được vài ngày rồi lại lục đục. Đã không ít lần con nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng hoàn cảnh nhà con éo le, neo người, con không muốn ba má con buồn và phải suy nghĩ, không muốn con của con sau này khi ra đời thiếu đi tình thương của cha và quan trọng là con yêu anh ấy rất nhiều. Gần đây nhất, sau một hồi lời qua tiếng lại, chồng con đã đánh vào gáy con, tát con dúi dụi vào bả vai. Giờ đây trên người con bầm dập những vết tím. Người chồng mà con luôn lo lắng, quan tâm, chăm sóc bây giờ đáp lại ân tình con bằng thói hành hung. Con đau về thân xác nhưng lòng con đau gấp bội phần. Lúc này đây thực sự con rất muốn chấm dứt cuộc hôn nhân này Thầy ạ. Con muốn chấm dứt mọi chuyện tìm đến cái chết, nhưng nếu làm vậy lại khiến ba má con phải buồn phiền và suy nghĩ nhiều. Ba má chỉ có mình con, nuôi con ăn học nên người, rồi lo chuyện gia đình cho con; con chưa báo đáp được ân tình, chưa phụng dưỡng ba má con được ngày nào. Mà con của con đâu có tội tình gì. Tâm trạng con ngổn ngang, rối bời. Con không biết mình phải làm thế nào nữa. Con mong Thầy cho con những lời khuyên.

Trần Thu Thu, Cà Mau

Cưới nhau 7 tháng và hai vợ chồng chuẩn bị sinh con thường là thời gian đẹp nhất trong quan hệ hôn nhân. Nhưng tiếc thay, hoàn cảnh của chị lại không được may mắn như thế. Quan hệ “vui vẻ được vài ngày rồi lại lục đục” theo tôi là nguyên nhân chính dẫn đến sự bất hạnh trong hôn nhân của anh chị: Anh thì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” khi chị đang mang cho anh ấy một mầm sống; còn chị thì nghĩ đến “chuyện ly hôn” với “tâm trạng ngổn ngang, rối bời” và “không biết mình phải làm gì” do chị đã “khóc và buồn rất nhiều” về các hành động bạo lực gia đình của anh ấy.

Để mọi việc không đi quá tầm kiểm soát và để giúp chị có quyết định sáng suốt trong việc tái lập hạnh phúc gia đình, theo tôi, chị nên xem xét ba điều sau đây:

Hiểu thêm cá tính của chồng

Theo chị, chồng chị là người thật thà nhưng có tật xấu là mải chơi nên nghề nghiệp chưa ổn định. Ở tuổi “tam thập nhi lập” mà chưa có sự nghiệp gì thường làm cho một số người đàn ông trở nên bất đắc chí và bất cần đời. Không hiểu được tâm lý này thì những lời khuyên thiếu tế nhị và không khéo léo thường dẫn đến sự “va chạm tự ái” của người thất chí.

Nếu đây là nguyên nhân chính dẫn đến tính xấu “rất nóng giận” của anh thì tính xấu này có thể châm chước và chuyển hóa được từ hai phía. Về phía mình, chị cần dùng lời lẽ đẹp lòng, tìm cách giúp cho anh ấy có cảm giác được “lên giây cót” bởi những lời khuyên “đừng nản chí” của chị thay vì làm cho anh ấy có cảm giác tự ái do chị quá nôn nóng về sự nghiệp của chồng và có thể khuyên thiếu nghệ thuật hay không đúng chỗ.

Cũng cần phân tích rõ nguồn gốc của các tình huống “lời qua tiếng lại” một hồi hay điệp khúc nhiều hồi này là do đâu? Ngữ điệu của câu nói (dịu ngọt hay đanh đá), cách thức nói (cách đặt vấn đề), nội dung nói (chuyện anh, chuyện tôi, chuyện cả hai; chuyện nghề nghiệp, chuyện trong nhà ngoài phố), mục đích nói (khích lệ hay nhục mạ), địa điểm nói (riêng anh ấy nghe hay bạn bè cùng biết), thời điểm nói (lúc thoải mái hay lúc chán nản)... đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả của lời đối thoại.

Nếu lời góp ý của chị ngọt ngào, cách đặt vấn đề khéo léo, nội dung nói vào trọng tâm, mục đích nói để xây dựng, địa điểm và thời điểm nói thích hợp và nói vừa phải mà anh ấy vẫn “hành hung” chị như một ‘điệp khúc” thì chị nên suy nghĩ thật nghiêm túc về tương lai hôn nhân của chị và anh ấy.

Những người chồng có biểu hiện “bạo lực gia đình” sẽ không dễ gì bỏ được thói quen này. Cắn răng chịu đựng tiêu cực là điều chỉ mang đến sự hủy hoại bản thân. Nếu cá tính bạo lực của anh ấy không thay đổi được thì đến lúc chị phải mạnh dạn thay đổi cách nhìn của chị về anh ấy: Thà chấm dứt cuộc hôn nhân không có tương lai còn hơn là chịu đựng trong tuyệt vọng.

Đâu là đầu mối của các chuyện lục đục?

Trong thư chị cho biết nghề nghiệp không ổn định của chồng chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “lục đục và bạo lực gia đình”, ngoài ra “còn vì nhiều chuyện khác”. Tôi không rõ đâu là đầu mối nhưng có thể suy ra rằng các nguyên nhân khác có thể bao gồm sự khác biệt về cá tính, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề sự nghiệp và tương lai của gia đình khác nhau, mối quan hệ sui gia, bạn bè và xã hội của cả hai khác nhau quá nhiều và nhiều yếu tố khác nữa. Việc phân tích nguyên nhân bất hòa dẫn đến “điệp khúc” lục đục giữa vợ chồng chị là rất cần thiết. Phân tích không vì mục đích đào sâu sự khác biệt, quy cứ tránh nhiệm đúng sai, mà nhằm giúp chị hiểu sâu sắc cái gút của vấn đề, để tháo mở an toàn, nhằm tái thiết lại tình yêu giữa hai người. Khi chồng bị thất nghiệp hay chưa tìm được việc làm như ý và ổn định, sự khó khăn về tài chính gia đình góp phần tạo sự căng thẳng trong quan hệ vợ chồng là điều khó tránh. Thay vì buồn phiền và gây áp lực cho nhau, tạo ra chuỗi các lục đục, anh chị nên hiểu, ủng hộ và đồng hành cùng nhau để được hạnh phúc.

Đừng nghĩ rằng phải thật giàu mới được hạnh phúc, vì hạnh phúc không phải là vật chất. Đừng nghĩ rằng chồng phải thành đạt, có địa vị, chu cấp mọi thứ cho gia đình thì mới thật sự yêu thương vợ và con. Đừng nghĩ rằng sự thất bại trong làm ăn của chồng là nguyên nhân đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Thương kính và hỗ trợ lẫn nhau trong tinh thần hiểu biết sẽ giúp anh chị điều chỉnh thái độ sống, để mang lại hạnh phúc cho nhau, mà nhất là theo chị, chị “yêu anh ấy rất nhiều”. Hãy sử dụng chất liệu “yêu rất nhiều” để bỏ qua những lục đục, hướng đến cách tìm giải pháp tốt nhất để cả hai cùng vượt qua khó khăn tài chính và bất hạnh hiện tại.

Không nên tuyệt vọng và tìm đến cái chết

Ngay cả trong tình huống các nỗ lực tích cực của chị không có tác dụng, tình trạng xấu nhất vẫn tiếp tục xảy ra giữa hai người, chị không nên để lối sống theo hướng trầm cảm và tâm trạng rơi vào sự tuyệt vọng hiện nay chi phối, vì nó sẽ làm chị nghĩ đến sự tiêu cực và tìm đến cái chết. Thái độ tuyệt vọng và hận thù này sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đứa con chung trong bào thai. Do đó, hãy nỗ lực chuyển hóa cảm xúc, xua tan sự bất hạnh này càng sớm càng tốt.

Hơn nữa, chết lãng xẹt như thế thì uổng phí vô cùng, khi chị chẳng có lỗi lầm gì trong sự bất hạnh hôn nhân này. Nó là sự trục trặc chung và do đó cả hai cần cùng hợp tác giải quyết. Sống mà “đau về thân xác” và “lòng đau gấp bội phần” thì cuộc sống trở nên vô nghĩa. Do đó, hãy tìm kiếm các giá trị tích cực khác thay thế để tâm không trở nên trống rỗng, cô đơn, bế tắc, nhờ vậy, chị dễ tìm ra được giải pháp tốt. Theo tinh thần Phật dạy, chị cần bình tĩnh, thể hiện bản lĩnh vượt qua thử thách, đối diện với các bất hạnh đang diễn ra, không phớt lờ nó, không cường điệu hóa nó, không đào tẩu, không đầu hàng số phận và nhất là không nên tự hủy hoại sự sống của bản thân và đứa con trong bào thai. Nghĩ đến việc phụng dưỡng và báo hiếu cha mẹ trong giai đoạn này có thể giúp chị “chuyển đài tâm” ra khỏi nỗi đau hiện tại. Xem vài phim hài, kịch hài, đọc vài truyện vui, nghe các bản nhạc tươi vui và đọc vài trang kinh sâu sắc,... sẽ giúp chị không bận tâm và không đào sâu vào vết thương lòng, nhờ đó, chị sẽ được thanh thản hơn để chuyển hóa cảm xúc. Nếu sau khi chị đã nỗ lực hết mình, làm tất cả những gì cần làm để hàn gắn tình yêu, nối kết hạnh phúc mà chị vẫn cảm thấy không thể hòa hợp với chồng được thì chị có thể nhờ luật sư tư vấn ly hôn theo luật. Tuy nhiên, nên để cho việc này diễn ra sau khi chị sinh con vài tháng. Đừng nên đưa ra quyết định ly dị trong giai đoạn thai nghén này. Hãy tự điều chỉnh nhận thức để vui sống, quẳng đi các nỗi lo âu, sợ hãi, cô đơn, tuyệt vọng, để mỗi giờ khắc trôi qua, chị và con chị được thảnh thơi.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6942)
Ngày 26/10/2015, Trung tâm nghiên cứu vè ung thư (CIRC), một cơ quan của Tổ chức Y tế Thế giới (OMS), công bố trên tạp chí y y khoa The Lancet Oncology « tiêu thụ thịt đỏ ‘rất có thể’ gây ung thư cho con người ». Thông báo đưa ra đã gây những phản ứng trái chiều nhau trên thế giới, nhất là tại những quốc gia sản xuất và tiêu thụ các loại thịt.
24 Tháng Mười Một 2015(Xem: 4657)
Đây là bài viết ngắn, gói gém những vấn đề về Phật Pháp. Bài viết đả được viết và thận trọng sửa đi, chỉnh lại, với 1 ý nguyện duy nhất là, làm sao để nhận ra LỜI DẠY CHÂN THỰC của Như Lai, qua 2600 năm, đả đuợc bao phủ bằng những lớp hào quang vô cùng kiên cố...
21 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5216)
Tôi đã suy nghĩ về Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), có thể bởi vì ngày hôm nay là Lễ Tạ Ơn - và tôi cũng nghĩ rằng Đạo Phật đã dạy chúng ta hai lý do rất tốt đẹp để cảm ơn, và cả hai lý do cảm ơn nầy đều có nhiều ý nghĩa cho tất cả mọi người.
12 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7599)
Chủ đề Hôn nhân - Gia đình, chúng tôi rất quan tâm, vì muốn khai thác những lời dạy của Đức Phật nhằm giúp cho anh chị em áp dụng trong gia đình, sống có hạnh phúc và an lạc. Đồng thời chứng minh cho thấy đức Phật Thích Ca cũng có nhiều giáo lý giảng dạy cho thanh niên thiếu nữ thời đó phƣơng pháp sống có hạnh phúc khi mới lập gia đình.
09 Tháng Mười Một 2015(Xem: 4902)
Chuyện xưa kể có hai vợ chồng trẻ mới lấy nhau sống rất hạnh phúc thì đất nước bị chiến tranh, chàng trai phải lên đường nhập ngũ để lại người vợ với nỗi nhớ niềm thương cùng đứa con trong bụng. Chiến tranh đã làm ly tán đôi vợ chồng, kẻ ở người đi trong ngậm ngùi thương tiếc.
05 Tháng Mười Một 2015(Xem: 4678)
Khi những người trẻ có cơ hội tìm hiểu nhau, mới đầu chỉ là tình bạn thân thiết rồi dần dà phát sinh tình cảm, từ đó tham ái bắt đầu có mặt dẫn đến yêu thương, hò hẹn và cuối cùng là kết tình chồng vợ.
03 Tháng Mười Một 2015(Xem: 4878)
Cái gì đã đưa đẩy con người vào đường cùng không chút lương tâm để rồi phải sống trên xương máu và sự đau khổ của nhiều người. Theo quan niệm của một số người xa xưa, ai cũng có một số mạng cố định; số sung sướng thì suốt đời được sung sướng; số khổ đau thì suốt đời phải khổ đau; số cao sang hay thân phận thấp hèn đều có sự sắp đặt nhất định của nó.
28 Tháng Mười 2015(Xem: 10759)
Phật giáo quan niệm thế nào về tình yêu và hôn nhân, về vấn đề ly dị? Làm sao chúng ta có thể sử dụng giáo lý của Đức Phật để đối mặt với những trạng thái tâm lý bất ổn nơi con cái và bản thân chúng ta khi ly dị xảy ra?
02 Tháng Mười 2015(Xem: 10006)
Tôi không thích thú nhận mình có tính hay ghen tức. Nhưng cái cảm giác trong người tôi thì không thể lầm lẫn được. Bụng thì co thắt, và miệng thì mím chặt, hai bên sườn thì căng thẳng, và tim thì đau nhói.
02 Tháng Mười 2015(Xem: 6356)
Điều gì còn mơ ước nghĩa là chưa hiện hữu hay đang dần hiện hữu trong đời thật. Nhưng chúng ta, những người con Phật đang cùng nhau ra sức biến chúng thành hiện thực. Vậy nên chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng, bởi chân lý là nơi mà muôn tấm lòng hướng thượng đều tìm về.