Thử Tìm Hiểu Cội Nguồn Truyền Thừa Tông Lâm Tế
và Bài Kệ của Tổ Trí Bản–Đột Không.
Thích Giác Nguyên
Đọc Thiền sử, chúng ta thấy dưới cửa Lục tổ Huệ Năng có bốn mươi ba (43) vị đắc pháp, trong đó Nam Nhạc–Hoài Nhượng, Thanh Nguyên–Hành Tư và Hà Trạch–Thần Hội là ba trường phái nổi bật nhất.
Phái Nam Nhạc sau này hình thành hai tông: Lâm Tế và Quy Ngưỡng. Phái Thanh Nguyên khai sanh ba Tông: Vân Môn, Pháp Nhãn và Tào Động. Mỗi Tông đều có phương pháp riêng tiếp dẫn hậu học, gọi chung là Ngũ gia tông phái. Ngoài ra, phái Hà Trạch của ngài Thần Hội truyền đến Thiền sư Khuê Phong–Tông Mật hướng theo Tông Hoa Nghiêm, thuộc về giáo môn. Chư Tổ cho rằng chưa thể gánh vác Tông chỉ của Tào Khê mà mong dung hợp giữa Thiền và Giáo, hoặc chủ trương Nam đốn Bắc tiệm, gây nhiều tranh cãi thị phi, ắt lọt vào ngôn thuyết, kiến giải, trở thành khẩu đầu thiền (Thiền lý thuyết). Do vậy phái Hà Trạch–Thần Hội tuyệt hậu, chỉ còn phái Nam Nhạc và Thanh Nguyên nổi bậc Tông chỉ của Tào Khê.
Nam Nhạc có đệ tử là Mã Tổ, cũng như Thanh Nguyên có Thạch Đầu, Mã Tổ được cho là “Dưới chân dẫm nát người thiên hạ” chủ hóa ở Giang Tây. Còn Thạch Đầu thì nổi tiếng “Đường trơn dễ trợt té u đầu”, chủ hóa ở Hồ Nam. Người tham học từ bốn phương tìm đến hai trường phái này rất là thịnh vượng. Dưới cửa Mã Tổ có một trăm ba mươi chín (139) đệ tử ngộ đạo, trong đó Bá Trượng–Hoài Hải nổi bật nhất. Ngài Bá Trượng là người đầu tiên sáng lập Thiền viện, soạn ra Thanh Quy trong chốn Tòng lâm, đệ tử thượng thủ là Hoàng Bá–Hy Vận và Quy Sơn–Linh Hựu. Dưới Hoàng Bá có đệ tử Nghĩa Huyền là Tổ khai sáng Tông Lâm Tế .
|
Gửi ý kiến của bạn