- Lời Giới Thiệu
- Phần 1: Tổng Luận Kinh Bốn Mươi Hai Chương
- Chương 1: Định Nghĩa Sa Môn Và Sa Môn Quả
- Chương 2: Đối Tượng Tu Tập (Bảo Sở Sa Môn, Định Nghĩa Đạo)
- Chương 3: Sa Môn Hạnh
- Chương 4: Thập Thiện - Thập Ác
- Chương 5: Lỗi Lầm Và Hối Quá
- Chương 6: Phỉ Báng Thiện Và Ác Quả Dị Thục
- Chương 7: Thái Độ Của Đức Phật Trước Lời Khiển Trách
- Chương 8: Ác Giả Ác Báo
- Chương 9: Giá Trị Tri Và Hành
- Chương 10: Phước Đức Tuỳ Hỷ Hạnh Bố Thí
- Chương 11: Đối Tượng Và Phước Đức Của Bố Thí
- Chương 12: 20 Điều Khó Của Kiếp Người
- Chương 13: Điều Kiện Chứng Túc Mạng Minh
- Chương 14: Định Nghĩa Thiện Và Vĩ Đại
- Chương 15: Nhẫn Nhục
- Chương 16: Điều Kiện Con Đường Đạt Đạo
- Chương 17: Ánh Sáng Người Đạt Đạo
- Chương 18: Cốt Tuỷ Của Đạo Phật
- Chương 19: Nguyên Lý Vô Thường Của Vạn Pháp
- Chương 20: Hữu Thể Con Người: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã
- Chương 21: Danh Vọng: Thú Vui Ít Giá Trị
- Chương 22: Tài Sắc: Ngọt Ít, Đắng Nhiều
- Chương 23: Ân Ái Là Tù Ngục
- Chương 24: Ái Dục Khổ Đệ Nhất (Cũng May Chỉ Có Một)
- Chương 25: Lửa Ái Cháy Tay
- Chương 26: Thiên Ma Dâng Ngọc Nữ
- Chương 27: Lại Nói Về Điều Kiện Đạt Đạo
- Chương 28: Không Nên Chủ Quan (Khi Chưa Phải Là A La Hán)
- Chương 29: Đoạn Trừ Tâm Ái Dục – Duy Trì Phạm Hạnh
- Chương 30: Tránh Dục Như Tránh Lửa
- Chương 31: Đoạn Âm Không Bằng Đoạn Tâm
- Chương 32: Diệt Ái Dục, Ly Sinh Tử
- Chương 33: Tỳ Kheo-chiến Sĩ Diệt Lậu Hoặc
- Chương 34: Độc Lộ Giải Thoát (Tinh Tấn Trung Đạo)
- Chương 35: Bỏ Cấu Nhiễm Tâm, Đạt Đạo Giải Thoát
- Chương 36: Lại Nói Về Cái Khó Của Con Người
- Chương 37: Chứng Đạo Phải Do Sự Tu Tập (Như Lai Chỉ Là Người Chỉ Đường)
- Chương 38: Mạng Sống Con Người Chỉ Trong Một Hơi Thở
- Chương 39: Chư Pháp Bình Đẳng, Vô Hữu Cao Hạ
- Chương 40: Thân Hành Đạo - Tâm Hành Đạo
- Chương 41: Tinh Tấn - Bỏ Tình Dục (Giải Thoát)
- Chương 42: Phương Tiện Tri Kiến, Như Thị Tri Kiến
- Phụ Lục
TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2010
Chương 40: Thân hành đạo - Tâm hành đạo
I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy rằng: Người xuất gia hành đạo giải thoát không thể giống như trâu kéo xe. Bởi vì, thân hành đạo mà tâm đạo không hành thì vô ích. Nhưng nếu, tâm đạo luôn thực hành thì đâu cần hành đạo.
II. LƯỢC GIẢI
Đem hình ảnh con trâu kéo xe để sánh ví với hạnh tu tập của người xuất gia, mặc dù là sánh ví phủ định, ở đây hoàn toàn không ngụ ý hạ liệt hóa con người mà là một nghệ thuật cụ thể hóa một vấn đề hết sức trừu tượng, một sự ứng cơ thiện xảo của Đức Phật.
Con trâu kéo xe là hình ảnh quen thuộc, ai cũng thấy, cũng biết. Nó kéo xe cày ruộng cho người bằng sức lực cơ bắp chứ không bằng sức lực trí tuệ. Nó chỉ có sức lực cơ bắp, người ta bắt làm chi thì làm nấy, hoàn toàn không ý thức không tự nguyện. Đem hình ảnh cụ thể này nhằm khẳng định với hàng tu sĩ Phật giáo rằng việc tu tập không chỉ khởi sự, dừng lại ở tu thân mà thực chất và quan trọng hơn là tu tâm. Phối hợp trọn vẹn hai mặt này, người tu sĩ trở thành một hành giả thiện xảo trong việc huấn luyện, điều phục chính mình trên con đường định hướng viễn ly giải thoát.
Theo Bộ Pháp Uẩn Túc Luận thì người tu sĩ Phật giáo có bốn hạng: 1/ Thân xuất gia, tâm không xuất gia. 2/ Thân tại gia, tâm xuất gia. 3/ Thân tâm đều xuất gia. 4/ Thân tâm đều không xuất gia.[1]
Trong bốn hạng trên, chúng ta thấy tệ hại nhất là hạng thứ tư, thân tâm đều không xuất gia, mải mê ngũ dục hạ liệt, sống tại gia với nếp sống sa đọa. Nhưng đáng trách hơn vì tính nguy hại của nó có thể gián tiếp làm khuynh đảo Phật giáo là hạng thứ nhất, thân xuất gia, tâm không xuất gia. Hình thức đầu tròn áo vuông mà tâm đạo hoàn toàn phàm phu tục tử rất dễ gây mất tín tâm nơi người Phật tử và còn là đầu mối cho mọi sự phỉ báng từ người ngoại đạo. Hạng thứ hai, hàng cư sĩ thuần thiện đúng nghĩa. Hạng thứ ba là hạng tu sĩ lý tưởng của Phật giáo. Và cũng là mẫu người cần thiết cho phạm hạnh giải thoát. Kinh Tăng Chi (A.ii,137) thuộc Tăng Chi I, tr. 519-520 cũng phân loại bốn hạng người sa môn tương tự như Luận Pháp Uẩn Túc. Cũng có thể tác giả bộ luận này đã căn cứ hoàn toàn trên Kinh Tăng Chi cũng chưa biết chừng. Chúng ta cũng nên khảo sát nội dung bốn hạng sa môn của Kinh Tăng Chi.
1/ “Thế nào là thân viễn ly, tâm không viễn ly? Ở đây, có hạng Tỳ kheo sống tại núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng, nhưng tâm vị ấy còn tác ý đến dục tầm, sân tầm, hại tầm”.
Xuyên qua đây, chúng ta thấy tâm viễn ly là tâm tác ý đến sân tầm, dục tầm và hại tầm. Nghĩa là tâm địa hoàn toàn sạch hết các tàn dư của tâm sân hận, dục lậu và không từ bi.
2/ “Thế nào là thân không viễn ly, tâm viễn ly? Ở đây, có hạng người không sống tại núi non, khóm rừng, các trú xứ xa vắng, vẫn ở tại nhà, nhưng tâm vị ấy luôn tác ý đến tầm viễn ly, tầm vô sân, tầm bất hại.”
Mẫu người cư sĩ tại gia như vậy, thực chất tâm hạnh Tương Ưng với tâm hạnh của người xuất gia. Nghĩa là vẫn được xuất ly, giải thoát, chứng đạo.
3/ “Thế nào là thân viễn ly, tâm viễn ly? Ở đây có hạng Tỳ kheo sống tại các trú xứ xa vắng, núi non, khóm rừng, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Tại đây, vị ấy nghĩ đến tầm xuất ly, tầm không sân, tầm vô hại”.
Hạng người này rất cần thiết cho mọi người, mẫu mực cho mọi người, cả tại gia lẫn xuất gia. Đối với hàng cư sĩ tại gia, thời vị ấy làm cho mọi người hưng khởi tín tâm đối với Tam Bảo, làm gương mô phạm tu tập. Đối với hàng xuất gia, vị ấy vẫn là tấm gương phạm hạnh chói sáng, khích lệ các đồng phạm hạnh có hiệu lực. Làm cho đội ngũ Tăng già có thực chất và xương minh Phật giáo nhanh chóng.
4/ “Thế nào là thân không viễn ly, tâm không viễn ly? Ở đây, người không sống tại các trú xứ xa vắng, núi non, khóm rừng, vẫn sống nếp sống tại gia và tâm còn đầy dẫy dục tầm, sân tầm, hại tầm”.
Hạng người này là hạng người gây nhiều nhiễu loạn, bất hạnh cho gia đình, làng xóm, xã hội, là hạng người thiếu nhân phẩm đạo đức, đầy dẫy tham sân si, đầy dẫy mười bất thiện nghiệp, đầy dẫy những hữu lậu phiền não.
Thẩm sát lại nguyên văn, chúng ta thấy kinh văn quá nhấn mạnh đến phần tu tập nội tâm của tu sĩ Phật giáo, vì phần này là quan trọng hàng đầu, nhưng lại quá phủ nhận giá trị thân tu tập. Trong thực tế thì thân tu tập và tâm tu tập đều có những giá trị lợi ích giải thoát nhất định của nó. Chúng ta hãy nghe một đoạn kinh, Đức Phật nói về lợi ích nhất định của thân tu tập: “Ở đây, này các Tỳ kheo, có Tỳ kheo an trú từ thân nghiệp đối với đồng phạm hạnh, ở trước mặt và sau lưng. An trú khẩu nghiệp, ý nghiệp đối với đồng phạm hạnh trước mặt và sau lưng. Phạm hạnh thân của vị ấy là, đối với các giới không bị bể vụn, không bị sứt mẻ, không bị nhiễm ô, đem lại giải thoát: “Được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến thiền định. Vị ấy sống thành tựu các giới như vậy đối với đồng phạm hạnh trước mặt và sau lưng. Và đối với tri kiến này, thuộc bậc thánh, đưa đến xuất ly, được người thực hành chân chính đưa đến khổ đau đoạn diệt.”[2]
Nghĩa thân tu tập theo đúng tiêu chuẩn vừa nêu vẫn là chánh nhân giải thoát các lậu hoặc phiền não, xuất ly hệ phược.
Ở đoạn kinh khác, Đức Phật tán thán và ghi nhận sự giải thoát khỏi khổ uẩn của một vị tu tập thân hành đạo. Vì thân hành đạo là đưa thân khẩu ý vào bốn thiện nghiệp và trên cơ sở đó, phát triển các thiện nghiệp khác là phạm hạnh giải thoát:
“Ở đây, này các Tỳ kheo, có Tỳ kheo muốn sống không bận bịu thế sự, muốn sống dễ dàng, khéo tri túc với những nhu yếu ở đời, ăn uống ít, không chuyên lo về bao tử, ít ngủ nghỉ, chuyên chú trong tỉnh thức, nghiên cứu nhiều, thọ trì nhiều, tích lũy điều đã nghe. Các pháp nào sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, tán thán phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh, các pháp ấy, vị ấy đã nghiên cứu nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu chánh kiến, quan sát tâm như đã được giải thoát.”[3]
Như vậy, cũng có nghĩa, thân tu tập là chứng từ của sự giải thoát. Hay nói đúng hơn, thân không tu tập thì tâm cũng không thể tu tập theo đúng nghĩa. Bởi lẽ, thân là hành động được biểu hiện của các năng lực ý nghiệp, ý nghiệp thuộc về tâm. Thân tu tập, tác tạo hành vi thiện ích thì cơ năng phát sinh ra nó phải là năng lực của nghiệp thiện ích. Và ngược lại, như Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã khẳng định:
“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ, tâm tạo
Nếu với tâm thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như ảnh không rời hình.”[4]
Quan điểm này cũng chính là quan điểm của Kinh Đại Bát Niết Bàn. Kinh Đại Bát Niết Bàn nói về phạm trù tu thân rất rộng, và tu thân được xem là cơ sở nền tảng của sự tu tâm hay quả an lạc giải thoát. Các phạm trù tu thân ấy sẽ được liệt kê dưới đây:
- Nhiếp phục năm căn, không để năm căn phóng dật theo năm trần là tu thân: “Nếu chẳng thể điều nhiếp được năm căn thời gọi là chẳng có tu thân”.
- Tu thân là biện chứng thang bậc của giới uẩn thanh tịnh: “Người không có tu thân thời không thành tựu giới thể thanh tịnh”.
- Tu thân sẽ quán triệt được hợp thể năm uẩn của con người là vô thường, vô ngã, vận động, chuyển biến, tương đối, từ đó ly khai được ngã chấp, thân kiến chấp: “Người không có tu thân thời không thể quán thân, quán sắc, quán sắc tướng, chẳng biết được thân số, chẳng biết thân này từ đây đến kia, nội hàm không phải thân mà chấp là thân, không phải sắc mà tưởng là sắc. Do đây mà tham đắm thân, sắc, tướng”… “Lại người không có tu thân thời không thể quán sát thấu đáo thân này là vô thường, vô trụ, mỏng manh, niệm niệm hoại diệt, là cảnh giới của ma năm ấm”.
- Người tu thân không chỉ giải phóng khỏi ngã chấp mà còn thoát ly khỏi ngã sở hữu chấp: “Người không có tu thân thời tham đắm thân ta và thân sở hữu của ta, cho rằng ngã, ngã sở thường hằng không biến đổi.”[5]
Như thế, chúng ta cũng đủ thấy tầm quan trọng của việc thân hành đạo là quan trọng, cần thiết biết dường nào! Tu thân khai phóng nhận thức, hướng đến tri kiến tuệ giác không chấp mắc. Tu thân rất cần thiết cho mọi người, mọi hành giả, nó là thềm thang nền tảng cho tòa nhà giải thoát. Tuy nhiên, trong kinh văn của chương này có khuynh hướng muốn hành giả chú trọng cả hai mặt tu thân và tu tâm, cho nên có một đoạn nói gần như là phủ nhận giá trị đơn độc của việc tu thân thiếu tu tâm, và chỉ khi nào hành giả tu tập cả hai thì công đức sẽ chóng viên mãn và kết quả giải thoát sẽ chóng đạt được:
“Thân hành đạo mà tâm không hành đạo thì như là không có lợi ích. Nhưng nếu, tâm đạo luôn thực hành thì đâu cần hành đạo”. Bởi lẽ, tâm hành đạo làm gì có nếu thân hành đạo không được hình thành ngay sau đó.
Đề cập đến giá trị lợi ích của tâm tu tập, Kinh Đại Bát Niết Bàn, đi từ đơn giản đến phức tạp:
- Đầu tiên, tu tâm có nghĩa là điều phục tâm tư ý nghĩ, đưa nó vào khuôn phép đạo đức: “Chẳng điều phục tâm, chẳng thiện hóa tâm thời là không có tu tâm”.
- Người tu tâm còn là người tu về thiền định, chỉ và quán. Đình chỉ các bất thiện căn tham sân si và quán sát tam pháp ấn: khổ, vô thường, vô ngã: “Người không có tu tâm thời không có tu quán ba thứ tướng”.
- Tu tâm là chế tâm, an trú tâm trong định bằng phương pháp tứ niệm xứ quán: “Người không có tu tâm thời tâm bị tán loạn, không chuyên nhất ở cảnh đối xúc, không thành tựu bốn niệm xứ”.
- Tu tâm là cơ sở thành tựu thiền ba la mật, thiền định sâu kín rốt ráo: “Người không có tu tâm thời không thể đầy đủ thiền ba la mật”.
- Nói chung, tu tâm là nhiếp phục các tâm ý bất thiện, hướng đến chân thiện, hạnh phúc: “Người không có tu tâm thời không nhiếp phục được ác nghiệp”… “Người chẳng có tu tâm thời tạo nghiệp tham sân si và phải đọa địa ngục.”[6]
Như vậy, trên đại thể, thân tu tập hay tâm tu tập cũng đều là những cơ năng đem lại an lạc hạnh phúc. Chúng ta không nên có cái nhìn quá khích khi cho rằng thân tu tập chỉ bao gồm những phạm trù hình thức, lý thuyết và tâm tu tập là mang sắc thái nội dung, thực tiễn. Thật ra, như những đoạn kinh được trưng dẫn, thân tu tập không mang sắc thái hình thức như đầu tròn, áo vuông, tọa thiền, đọc tụng v.v… vì danh tiếng, mà là những pháp môn tu tập về thân như tứ niệm xứ, chánh quán về thân để rõ bản chất vô thường, khổ, vô ngã của nó. Và tu tập thân hành đạo cũng có những giá trị lợi ích về mặt xuất thế như tâm hành đạo. Tâm hành đạo và thân hành đạo, cả hai đều hướng đến chánh tri kiến tuệ giác. Nhưng một đàng là tuệ giác những diễn biến nội tâm, để điều phục mà an trú thiền định và một đàng là tuệ quán về thân với những diễn biến của hợp thể năm uẩn là nhân duyên, sinh diệt, vô thường, tan biến nhanh chóng để giải thoát khỏi chấp ngã và ngã sở, ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái v.v…
Do đó, để tránh sự ngộ nhận hay thiển cận đáng tiếc, chúng ta nên lưu ý đến hai phạm trù thân hành đạo và tâm hành đạo ở chương này, không nên đánh đồng chúng với những lý giải quá bình dân, cảm tính.
[1] Phật học đại từ điển, tr. 885.
[2] Tăng Chi II, tr. 139.
[3] Tăng Chi II, tr. 127.
[4] Dhp.2.
[5] Kinh Đại Bát Niết Bàn II, tr. 306-307.
[6] Đại Bát Niết Bàn II, tr. 306-307.