Chương 2. Chỉ Dạy Phương Pháp Tu Trì

23 Tháng Chín 201515:33(Xem: 5175)

LỜI VÀNG 
ẤN QUANG ĐẠI SƯ GIA NGÔN LỤC 
 

Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm 
Phiên dịch & thi kệ toát yếu 2015

Ấn Quang Gia Ngôn Lục - Phần II

CHƯƠNG II.
Chỉ Dạy Phương Pháp Tu Trì

Khuyên đầy đủ Tín, Nguyện

1027. Dù tinh tấn tu trì ngũ giới và thập thiện

Vui thú cõi trời, người, chính là gốc rễ đọa sa

Dù phiền não thiên cung không sâu đậm tựa Sa Bà

Khi phước tận dù là thần tiên cũng đọa.

Vì từng tạo phước nên theo nhân hưởng quả

Tạo phước thì tạo nghiệp cũng dễ thôi

Tạo nghiệp rồi, trong nháy mắt đọa luân hồi

Một hơi thở, lãnh thọ thân cõi dữ.

Nên người xưa nói,

Kẻ tu hành không giữ gìn chánh niệm

Không khéo vun trồng Tịnh nghiệp sáu thời

Vì có tu nên được phước trời, người

Phước báu ấy chẳng khác nào oán địch

Tam giới bất an tựa như hỏa trạch [1]

Người khôn ngoan phải cầu chỗ xuất sanh

Nếu không Tín Nguyện mà chỉ niệm Phật danh

Hạnh xưng niệm đó chỉ là tự lực

Vì không tin, không nguyện nên không cảm ứng

Không cùng nguyện lực Di Đà kết mối đạo giao

Nếu đã dứt Kiến, Tư Hoặc thì có thể bay cao

Nếu chưa đoạn Hoặc, nghiệp căn còn đó

Chuyện Thảo Đường Thanh và Giới Diễn Ngũ Tố

Là những chứng nhân xác thực đã đành

Phải biết rằng không đủ Tín Nguyện mà được vãng sanh

Thì nhân niệm Phật và quả vãng sanh không cân xứng

Đại sư Ngẫu Ích [2] nói,

“Vãng sinh, không vãng sinh, đều do tín nguyện lực

Phẩm vị thấp, cao, bởi trì danh cạn hay sâu”.

Nếu ngày ngày không lo lập tín nguyện khẩn cầu

Lúc bỏ xác khó nương vào Phật lực

Dù cho miệng niệm A Di Đà Phật

Lòng không tin, không ước nguyện vãng sinh

Bởi không cầu, không hết dạ kính tin

Nên không cảm Phật Di Đà tiếp dẫn

Trong khi trăm mối nặng nề, tâm nghiêng ngả

Lúc lâm chung nghiệp thiện ác hiện ra

Nếu không nương vào nguyện lực Phật Di Đà

Ác nghiệp kéo liền đi theo ác nghiệp

Không Tín, Nguyện, dù nhất tâm xưng niệm

Trong vô số người chỉ có được một, hai

Nghiệp tận tình không, chứng được vô sinh

Trong thế giới, chẳng bao người thực hiện

Nếu cậy vào tự lực, bỏ qua Tín Nguyện

Kẻ bình thường chẳng biết nẻo thoát ra

Dù là vua cõi trời với thiên quốc, long xa

Hoặc tăng sĩ đắc tổng trì [3] đại pháp

Nghe một ngộ ngàn, nổi danh cùng khắp

Tâm thờ ơ cõi trần không muốn thọ thân

Nếu được vậy thì mới mong chiêu cảm đức ân

Và đại nguyện Phật Di Đà nhiếp thọ

Sen báu chín tầng nở hoa Tịnh độ

Vĩnh viễn thoát vòng sinh tử, chuyển luân

Chẳng những người phàm mà ngay cả tứ thánh nhân[4]

Nếu không hướng Đại [5] thì cũng không thể đến

Cảm ứng thánh phàm do nơi Tín, Nguyện

Dù đã tu tinh tấn hạnh trì danh

Nếu không kính tin, lập nguyện thì không thể vãng sanh

Nên Tín, Nguyện, chính là điều khẩn yếu

Đủ Tín-Nguyện-Hạnh muôn người tu, muôn người đến.[6]

Việc thiện đã làm nên hồi hướng Tây phương

Nếu như mong cầu phước báo cõi thế gian

Tâm đôi ngã càng khó về Tịnh độ

Người chánh chân niệm Phật không cầu hưởng thọ

Nhưng tự nhiên được quả báo thế trần

Người tịnh tu luôn tha thiết, chuyên cần

Nương Phật lực tránh binh đao, lửa, nước

Trừ phi nghiệp tạo gây từ thuở trước

Quả báo từ trầm trọng hóa nhẹ nhàng

Nên hiện đời tai họa gặp giữa đàng

Phật liền từ mẫn đưa tay tiếp dẫn

Chưa chứng tam muội đã vào trong dòng thánh

Cõi thế mông lung mấy kẻ được vậy chăng?

1100. Lập nguyện thoát Sa Bà như nguyện của tù nhân

Luôn mong mỏi về cố hương là Tịnh độ.

 

Nay được thân người, sinh nơi trung thổ [7]

Mau tìm lên núi báu nhận Ma ni

Bởi chúng sinh còn Hoặc Nghiệp[8], mãi đến rồi đi

Nên Phật dạy hãy cầu về Lạc quốc

Ngay trong tất cả việc lập công, lập đức

Việc giữ gìn giới hạnh cả một đời

Không nương vào đó để cầu trường thọ an vui

Hãy hồi hướng về Tây phương Cực Lạc

Tức phù hợp với nguyện sâu của Phật

Ví như người sóng vùi dập lênh đênh

Chiếc thuyền từ đã đến, nếu bước lên

Nương thuyền Phật mà vượt qua bể khổ

Chớ cầu phước báo nhân thiên mà bỏ lỡ

Cơ hội ngàn năm thoát cõi trầm luân

Khi phước báo cạn rồi ai biết trước chỗ thọ thân

Là nơi địa ngục? Súc sanh? Ngạ quỷ?

Nếu biết dùng Diệu Trí [9] tức đưa về Diệu Vị [10]

Dùng trí sai lầm như lấy ngọc ném chim con

Sao gọi là hành động của người khôn

Hãy cẩn trọng! Xin hãy nên cẩn trọng!

Không tin theo Tịnh môn mà toan trừ vọng

Dù là người lãnh thọ chỗ chân truyền

Từ các pháp môn Giáo, Mật, Luật, Thiền

Cũng không dễ được liễu sinh thoát tử.

Huống chi chỗ thâm huyền mấy ai đại ngộ

Nếu đại ngộ rồi, có thực chứng hay không?

Chỉ ngộ mà chưa chứng đạo thậm thâm

Thì chưa thể thoát ngoài vòng sinh diệt.

Kẻ học đạo dùng Thức mà nhận biết

Cũng đừng quên phải đoạn Hoặc, chứng Chân

Riêng Tịnh môn lấy Phật lực làm nhân

Tín-Hạnh-Nguyện xuôi thuyền qua bỉ ngạn.

Người thuần thành và cả người ngũ nghịch

Trọn tấc lòng sám hối niệm Phật danh

Lúc lâm chung quyết định được vãng sanh

Cho nên nói là mang theo nghiệp cũ.

Trong ba cõi, thọ sinh rồi thọ tử

Phước báo nhân thiên cũng có lúc cạn cùng

Gốc tử sinh lắm mờ mịt, mông lung

Chưa chứng đạo mà tử ma [11] đã gọi

Mầm mống chợt diệt, chợt sinh, vẫn đang tiếp nối

Nương Tịnh môn cảm ứng sẽ song đôi

Dù tâm chưa hoàn toàn thanh tịnh, an vui

Vẫn được Phật đưa tay ra hóa độ

Chớ nghe lối luận bàn mong bác bỏ

Dọa nạt người phải đến chỗ Nhất Tâm

Nhất Tâm ở đây là Tín-Hạnh-Nguyện hòa chung

Chớ không phải “vô tâm, vô nhất vật” [12]

Ví nước hồ thu chưa hề dừng tánh động

Nếu gió không lồng lộng trận phong ba

Trên mặt hồ vẫn hiện bóng trăng ngà

Hãy suy nghĩ đến tận tường nghĩa ấy.

Đời mạt pháp, đây là nơi nương cậy

Hợp căn cơ của tất cả người tu

Nếu đã rõ thông Năng, Sở mặc dù

Đều vẫn phải vào tận nơi Thực Chứng.

Nếu không Tín Nguyện vãng sinh, chỉ tự hào, tự lực

Đường gian nan, thật khó thể vượt qua

Nghe luận bàn của các vị Thiền gia

Quy Tịnh độ vào Thiền tông mà bỏ quên Tín Nguyện

Nếu theo đó hành trì, may ra khai ngộ

Cầu thoát ly ba cõi há dễ làm?

Lại toan mang Phật và cõi Phật quy kết vào tâm

Hiểu sai nghĩa Tịnh tâm là Tịnh độ!

Thương cho kẻ hồ đồ vì chẳng rõ

Ấn Quang tôi khuyên người học Tịnh tông

Chớ nên dùng lời khai thị của Thiền tông

Mà áp đặt thay thế cho Tịnh lý

1170. Bởi tông chỉ và pháp môn có đồng, có dị.

 

(Hết chương I)

 

                                                                   CHƯƠNG II

Chỉ Dạy Phương Pháp Tu Trì

Giảng về phương pháp niệm Phật

 

Pháp niệm Phật, Tín-Hạnh-Nguyện là tông yếu

Nếu thiếu một trong ba đều chẳng thể vãng sanh

Chữ Hạnh là chánh hạnh niệm Phật danh

Tùy theo sức mỗi người mà lập hạnh.

Nếu không vướng bận gia cư, thường nhàn nhã

Đi, đứng, ngồi, nằm, nói, nín, thảy trì danh

Mọi thời, mọi chỗ, Phật hiệu chẳng rời tâm

Lúc tề chỉnh, niệm thầm hay thành tiếng

Lúc tắm gội hoặc ngay khi tiểu tiện

Không thanh tao nên chỉ được niệm thầm

Dù là không lớn tiếng gióng thanh âm

Công đức niệm Phật đều không có khác

Chớ bảo rằng,

 “Không thể niệm khi đến nơi dơ bẩn”.

Nằm trên giường cũng có thể niệm thầm

Lập hạnh thì thiết yếu phải chuyên tâm

Phải biết sợ phiêu bồng theo gió nghiệp

Ác nghiệp nào khiến đời đời xoay chuyển?

Phước báo nào khiến nghe được Phật danh?

Khó nhiếp tâm thì hãy khẩn thiết, chân thành

Tâm sẽ tự quy về chung một mối.

Bởi không chí thành nên lòng dong ruỗi

Nếu thành tâm mà chưa thể nhất như

Hãy lắng nghe tiếng mình niệm giữa không hư

Chỉ tiếng niệm, ngoài ra không tiếng khác

Mỗi tiếng niệm đều phải từ tâm khởi

Dù niệm thầm, tâm phải biết rõ rành

Phải nhận ra từng chữ rất phân minh

Được như vậy, vọng dần dần tự dứt

 Nếu vọng niệm vẫn dâng trào hừng hực

Thì nên dùng ký số, nhớ từng câu

Dụng toàn tâm toàn lực mỗi đầu câu

Vọng muốn khởi cũng khó mà dấy khởi

Phương cách nhiếp tâm trước kia chưa từng nói

Bởi căn tánh người xưa thuần thục dễ dàng

Tâm Ấn Quang tôi khó điều phục ngỗn ngang

Nên mới phải nghĩ suy mà lo liệu

Dùng ký số, mỗi mười câu Phật hiệu

Hơi thở nhẹ nhàng, tiếng niệm phân minh

Niệm dứt mười câu thì niệm lại như trên

Mỗi lần mười niệm, chớ nên dang dỡ

Chớ lần chuỗi, nên dùng tâm ghi nhớ

Khó nhớ cả mười thì gắng nhớ ba, năm

Tu tập lâu ngày sẽ đến chỗ nhất tâm

Nhất Tâm Bất Loạn tức là không tạp niệm

Một lần hoặc ngàn lần đều thầm đếm

Niệm nhanh hay niệm chậm chẳng hề chi

Niệm sáng hoặc trưa, chiều hoặc tối tùy nghi

Trừ vọng khởi và an nhàn tâm trí

Nếu làm việc phải phân tâm suy nghĩ

Vẫn niệm thầm, không nhớ số chẳng sao

Việc dễ dàng hay khó nhọc bao lâu

Khi xong việc lại nhiếp tâm như trước.

Bồ tát Đại Thế Chí dạy rằng: “Sáu căn thâu nhiếp

Tịnh tâm mà niệm Phật chẳng luận suy

Đắc tam muội, chánh định, đẳng trì”.[13]

Pháp niệm Phật là pháp môn bậc nhất

Bởi bảo phàm phu nhiếp căn, trần, thức

Phải đâu là một việc quá dễ dàng

Như việc niệm Phật danh bất kể thời gian

Khắp chốn chốn nơi nơi đều thư thái

Niệm Phật có cạn sâu, có Tiểu và có Đại

Nên kính tin lời Phật, chớ hoài nghi

Chỉ nên lần chuỗi lúc đứng hoặc lúc đi

Nếu tay lay động lúc ngồi dưỡng thần an tỉnh

Thân tâm không yên, lâu dần thành bệnh.

Hãy niệm khít khao khiến Tâm, Phật không hai

Phật là tâm, tâm là Phật tất cả thời

Lúc ăn nói, đứng ngồi đều thuần thiện

Khi tâm không vọng, tâm này Phật hiện

 Sẽ chứng liền tam muội tại đời này

Lúc lâm chung thượng thượng phẩm liên đài

Có thể nói: Sự hành trì đà cùng tận.

Lúc nhiễu Phật, Đông sang Nam, Tây sang Bắc

Đó gọi là pháp tùy hỷ, thuận tùng

Đi nhiễu xong, quỳ niệm Phật mười lần

Dù là vậy, cũng tùy theo phương tiện.

Dù niệm tại tâm, chớ bỏ luôn niệm miệng

Bởi thân và khẩu ý hỗ trợ nhau

Nếu cả ba đồng quy kính, ích lợi sâu

Tiếng khẩu niệm khiến tai nghe, lòng hoan hỷ

Đó là giúp kẻ nhiều hôn trầm, giải đãi.

Hóa thân A Di Đà là Thiện Đạo Đại Sư [14]

Đại lực thần thông, trí tuệ có dư

Nhưng chỉ nói với thế gian những điều giản dị

Hai đường lối tu trì [15] không văn hoa, huyền bí

Chủ yếu giúp chúng sinh thấy rõ việc thực hành

Chuyên tu là thân lễ, ý niệm, khẩu xưng danh

Tạp tu tức thêm một hoặc nhiều môn khác

Dù hồi hướng vãng sanh nhưng tâm không thuần nhất

Trong trăm người chỉ được một hoặc hai

Lời đại sư chân thực, chớ bỏ ngoài tai

Từ kim khẩu chỉ thẳng đường tận thiện.

 

Nay lại nói đến người viết văn lập nguyện

Lời văn tuy hùng tráng, ý cao thâm

Nhưng lời này phải phát xuất tự tâm

Thì mới được gọi đó là lập nguyện.

Hồi hướng tức mang tín nguyện ra mà thể hiện

Chỉ nên đọc lời này khi hoàn tất công phu.

1270. Tất cả việc thiện trong ngày nhỏ bé mặc dù

Đều là trợ hạnh vãng sanh Lạc quốc

Ví như gom nhiều hạt bụi thì thành dúm đất

Đại dương kia chứa nước của muôn sông

Ai là người lượng được chỗ tận cùng

Nếu phát Bồ đề tâm [16] vì chúng sinh mà hóa độ.

Hồi hướng công phu về khắp bốn ân[17], ba cõi

Như lửa thêm dầu, như lúa mạ gặp mưa rào

Kết pháp duyên không phân biệt ngọc đá, vàng thau

Thì đại hạnh Đại Thừa càng thù thắng

Nếu chẳng vậy,

Lại không khác người lòng thô, trí cạn

Như Nhị Thừa, dù lập hạnh gian lao

Cũng chỉ chiêu lấy quả vị không cao.

Hãy tìm đọc,

Tịnh Độ Văn do Đại Sư Liên Trì [18] biên soạn.

Văn từ và nghĩa lý rất thâm sâu

Hãy nương văn mà phát đại nguyện dài lâu

Chớ chẳng phải đọc văn người là xong việc

Công khóa mỗi ngày theo với lòng tha thiết

Đồng hồi hướng về Thật Tế Chân Như [19]

Viên mãn Bồ đề, tâm khế hợp tâm [20]

Chín pháp giới đồng sanh về Tịnh độ.

 

                                                                 Đối trị tập khí

 

Kẻ phát đại tâm vì muốn thoát sinh, thoát tử

Mỗi niệm xưng danh từ tâm nguyện phát sinh

Một niệm viên minh, vạn niệm cũng viên minh

Được như vậy, Phật và Tâm khế hợp

Phải khéo dụng công, đừng nên chấp trước

Ma sự thừa cơ khi thân và trí bất an

Thu nhiếp sáu căn, tâm thanh tịnh, thăng bằng

Tu như vậy, nhất định không lầm lỗi

Biết địa ngục khổ, phát tâm toan cứu khổ

Một lời thốt ra chấn động tựa lôi âm

Như ngọn lửa hồng, sáng rực cõi thái không

Bởi tâm ấy thấy người như mình, mà phát thệ

Phát tâm Bồ đề, nghiệp tiêu, tăng phước tuệ

Phước báo thế gian không thể sánh cùng

Cảnh thế gian là duyên khiến đời đạo hòa chung

Há phải dứt trần duyên mong nhập đạo

Đã làm chủ được tâm thì trần lao là giải thoát

Nên kinh Kim Cang dạy độ thoát chúng sinh

Không thấy người, Niết Bàn, cũng chẳng thấy mình

Nếu chẳng vậy,

 Tức chưa khế hợp Nhất Thừa Thật Tướng [21]

Chưa thấy bản thể chúng sanh là chư Phật

Khởi trí phàm, xưng thánh giải, thị với phi

Khiến huyền nghĩa vô vi thành phước đức hữu vi

Huống chi lại luyến tham nơi sắc, dục?

Khởi vọng là chuyện chung trong trần tục

Có mấy ai mới niệm Phật, được nhất tâm?

Vọng đến đi như khách, chớ theo chân

Thường cảnh giác chính ta là ông chủ

Lâu ngày phiến băng tâm như thành trì luôn phòng thủ

Giặc vọng kia nhất định phải phục tùng

Muốn thắng giặc thì tướng quân chẳng được hôn trầm

Không biếng nhác, không lôi thôi khi gặp dịp.

Khi niệm Phật mà tâm không quy mạng [22]

Là do tâm sinh tử chẳng thiết tha

Nếu tự nghĩ rằng,

Tôi đang chịu lửa thiêu, bị nước cuốn trôi xa

Nếu không được cứu ắt là sa địa ngục

Niệm Phật như điều thần, chiêm ngưỡng bản lai diện mục

Đưa tâm rối ren vào nhất niệm chánh chân

Xưng tán hồng danh khiến vọng tưởng hao mòn

Phật tánh vốn sẳn nơi tự tâm liền hiển lộ

Biết điều phục thì nhìn giặc cướp như con đỏ

Không biết thì con đỏ hóa oan khiên

Phải luôn đề phòng khi gặp cảnh, gặp duyên

Chớ hờ hững khiến não phiền bộc lộ

Nếu phiền não, niệm Phật danh tiếp độ

Khi đối diện người dáng vẻ đẹp như lan

Giữ lễ như chị, như em, thân thuộc họ hàng

Xem người vợ như người ân nối dõi

Sắc dục là bệnh chung trên toàn thế giới

Chẳng những hạ, trung mà cả đến thượng căn

Nếu buông lung rất dễ phải sa chân

Kẻ trí thức hóa ra phường ong bướm

Kinh Lăng Nghiêm nói,

“Không trừ tâm dâm thì tử sinh tiếp nối

Làm sao cầu tam muội thoát trần ai”.

Tham sân si xuất hiện phải biết ngay

Xem như khách không được mời mà đến

Người chân tu trong trần lao rèn luyện

Khiến não phiền, tập khí phải tiêu tan

Đó mới là công phu thiết thực, chánh chân

Phiền não hóa thành quang minh chói rạng

Người tu trì lúc thức, lúc ngủ, không có khác

Tu lâu dần trong mộng cũng không sai

Tham sân si là giặc cướp chớ ai

Không dung túng thì làm sao gặp nạn.

Bị cảnh chuyển vì đạo tâm nông cạn

Lòng vui buồn dấy động ở bên trong

Hành trì ngoài mặt để che lấp tà tâm

Như son phấn trang hoàng thân dơ bẩn.

Hãy gắng công sức, chớ nên thiên chấp

Cũng đừng loanh quoanh không đầu mối trước sau

Tâm suốt ngày mãi hướng ngoại tìm cầu

Chẳng hề biết đến hồi quang phản chiếu [23]

Đức Quán Âm xoay cái nghe về tự tánh

Bồ tát Đại Thế Chí thu nhiếp sáu căn

1370. Kim Cang dạy không trụ sắc thanh hương

Tâm kinh nói Tánh Không ngay trong ngũ uẩn

Là tất cả diệu pháp dạy người đối cảnh

Dù nguyện rằng học vô lượng pháp môn

Nhưng chớ quên tà ý phải canh chừng

Chớ làm kẻ đa văn vô tích sự.

Sắc dục là bệnh chung trên toàn thế giới

Cả ba căn thượng trung hạ dễ lầm

Kinh Lăng Nghiêm dạy,

Nếu chúng sinh sáu cõi chẳng tà dâm

Thì khó thể luân phiên trong sanh tử

Muốn thoát trần lao lại không trừ dâm dật

Thì khó mong ra khỏi chốn tử sanh

Tịnh độ tông tuy đới nghiệp vãng sanh

Dâm tâm không bỏ thì làm sao cảm ứng?.

Quán bất tịnh là pháp môn đối xứng

Thân thể người chứa bao thứ hôi dơ

Tưởng đẹp xinh trọn ngày mộng, đêm mơ

Cũng vì vậy mà sinh vào bụng mẹ

Nghiệp nặng thì lấy bụng súc sanh làm thân thể

Nghĩ cho cùng thì kinh hãi biết bao

Phải thường xuyên quán tưởng để ngăn rào

Lúc gặp cảnh tâm không tuôn theo cảnh.

Tâm như gương đứng yên, người đến thì hiện ảnh

Người đi thì chẳng giữ bóng hình ai

Tâm không chấp trước, cảnh cảnh mở khai

Chẳng ưa ghét sáu trần, một đường về chánh giác.

Luôn giữ tịnh tâm, rỗng không, thông suốt

Phải biết sợ tâm tà như sắp ngả vực sâu

Mạng do mình lập, phước tự mình cầu

 Tạo hóa chẳng thể tùy nghi, tùy tiện.

Thánh hiền là trượng phu, chúng ta phải đâu hạ liệt

Bởi chấp sinh, chấp diệt mới mê tâm

Đuổi theo cảnh trần thì phí sức ruỗi dong

Che Phật trí, biến ra thành thế trí.

Nương Tín-Nguyện-Hạnh chấp trì Phật hiệu

Hành trì lâu dần, Tâm và Phật không hai

Biết ngũ uẩn là Không khi đi, đứng hằng ngày

Diệt vọng tưởng, không chấp mình đức hạnh.

Tâm thanh tịnh phù hợp tâm cõi tịnh

Thân ngay cõi trần thầm khế hội cõi Tịch Quang

Đây là con đường lập mệnh, an thân

Phải biết chú trọng vào nơi tinh yếu.

 

Mấy mươi năm trên thế trần bận bịu

Cũng do vì chấp Ngã, khó buông tay

Kể từ khi có chút hiểu biết đến nay

Theo gió nghiệp, lòng ngỗn ngang trăm mối.

Khi gặp cảnh phải sẳn sàng ứng đối

Vì đã dùng phước đức để nghiêm thân

Trí tuệ như đai ngọc với giáp vàng

Diệt phiền não, và diệt luôn tập khí.

Có những kẻ càng tu càng sôi động

Là kẻ tu mà không biết hồi quang[24]

Bởi chấp vào sự tướng gặp giữa đàng

Tâm theo cảnh nên bồng bềnh không thể định

Nếu biết được chỉ là huyễn thân, huyễn cảnh

Đến rồi đi, phiền não gởi vào đâu

Bằng không thì nên Quán Ngũ Đình Tâm [25]

Tham, tức thấy cảnh thì lòng yêu mến

Kẻ dâm dật cũng do tâm ái luyến

Nếu lắng lòng, quán sát cả toàn thân

Từ trong ra ngoài, thấy phân, tiểu, tóc, lông

Thấy răng, móng, xương, da cùng máu thịt

Tham ái dứt trừ thì tâm thanh tịnh

Dùng tịnh tâm niệm danh hiệu Di Đà

Như nước với sửa pha trộn hợp hòa

Tâm là Nhân địa, giác là Quả địa

Gieo tịnh nhân thì kết thành tịnh quả

Phật nhân gieo thì Phật quả song đôi

Vượt chặng đường qua thứ bậc, vị ngôi

Dụng công nhàn hạ mà được nhiều ích lợi

Vẫn thù thắng hơn là hằng ngày vun tưới

Gieo nhân chúng sinh mà muốn thành quả Phật, lạ thay.

Tu hành ví như gieo trồng, bất luận là ai

Hạt giống Phật sẽ trổ hoa trái Phật.

 

Sân là khi thấy cảnh sinh lòng hờn giận

Người sang giàu sai khiến kẻ làm công

Việc nếu như không thuận ý, toại lòng

Nhẹ thì mắng nhiếc, nặng thì dùng cây, roi đánh đập

Lúc tâm sân cuồng đâu thấy người bầm dập

Cũng chẳng hay chính mình khí huyết bị tổn thương

 Xưa kia vua A Xà Thế [26] là một đại vương

Giữ năm giới [27], một lòng thờ kính Phật

Bỗng một hôm chẳng may người hầu quạt

Chầu chực cả ngày chẳng được nghỉ ngơi

Mỏi mệt nên quạt rơi trúng mặt vua

Vua nổi giận đúng vào giờ bỏ xác

Bởi do sân, thọ thân mãng xà tức khắc

Nhờ phước xưa nên biết được quả nhân

Cầu nghe tam quy ngũ giới từ một sa môn

Thoát thân rắn sanh cõi trời hưởng phước

Kinh Hoa Nghiêm nói,

“Một niệm sân mở ra muôn cửa chướng”

Người xưa từng khuyên nhủ: Lửa trong tâm

Đốt tan rừng công đức gầy dựng bao năm

Từ bi quán là pháp môn đối trị.

Nhìn chúng sanh như cha mẹ trong quá khứ

Và cũng là chư Phật thuở vị lai

Khi bế bồng, lúc dưỡng dục tháng năm dài

Vòng xoay chuyển đáp đền sao cho đủ.

1470. Lẽ đâu đối với người ân lại mang lòng giận dữ

Chuyện cỏn con cũng sinh sự đôi co

Khi hành hung, khi mắng nhiếc nhỏ to

Vị lai Phật đến đi trong pháp giới.

Bồ tát bố thí khi được người đến hỏi

Đều xem như trả lại nghĩa ân xưa

Đến giúp ta thành tựu vô thượng thừa

Phẩm Hồi Hướng trong Hoa Nghiêm nói rõ.

Xưng danh hiệu Phật, hòa tâm vào tâm Phật

Nếu trái Bản Tâm tức đức lớn đã phai mờ

Trong sinh hoạt hằng ngày phải hợp lý, hợp cơ

Lý tức Phật, huyền cơ là thành Phật.

Như đã nói, tâm ta là tâm Phật

Tâm bao la rộng lớn tựa hư không

Như đại dương đón nhận nước trăm dòng

Chớ dại dột mà che mờ tâm ấy.

Kẻ ngu vì không rõ duyên đưa đẩy

Xưa gieo nhân nay kết quả hiện đời

Đối cảnh, đối người mà chẳng nhận ra là khách ta mời [28]

Sinh chấp đoạn, chấp thường thành chướng đạo

Kẻ chấp thường không biết chánh báo từ tâm tạo

Cho rằng người thì mãi mãi là người

Đã mang thân thú thì sẽ là thú nối đời

Không hề biết người biến thân thành rắn, cọp

Nghiệp lực mãnh liệt đổi hình thù khi đang sống

Huống chi là lúc bỏ xác tái sanh

Thức chuyển luân theo nghiệp dữ, nghiệp lành

Nên Phật dạy,

Mười hai nhân duyên chỉ ba đời nhân quả.

Chớ đổ thừa cho trời luôn ban ân, giáng họa

Phước mình làm thì mình thọ có ai tranh

Họa mình gây thì mình chịu hẳn phân minh

Vòng sinh tử nối theo nhau không dứt

Khôi phục Bản Tâm là việc tối cần bậc nhất

Tịnh tông là đường thẳng được gia trì

Như cha theo con từng mỗi bước tập đi

Cớ sao gạt bỏ khi hai chân còn khập khễnh?

Tham Sân Si là cội sanh gốc tử

Tín Nguyện Hành là diệu pháp thoát tử sanh

Lấy ba pháp lành đổi ba pháp chẳng lành

Khi thành thục thì tham sân si tự diệt.

Tập khí sân do thói quen đan kết

Biết sống với Bản Tâm là mở lớn lòng nhân

Nếu không khai trừ thì tập khí càng tăng

Là chướng đạo trên con đường tu học.

 

Nay nhắc lại về âm thanh khi niệm Phật

Hãy nghe theo sức lực mà hành trì

Niệm thầm hay lớn, nhỏ, cũng tùy nghi

Chớ mong mau chóng mà phát sinh bệnh hoạn.

Lúc niệm xong, hồi hướng cho oán tặc

Trong ba đời được tắm gội Phật ân

Nghiệp chướng tiêu mòn, trí tuệ gia tăng

Tâm chính đại, tà ma không quấy nhiễu

Nếu giữ tà tâm thì cùng tà ma đồng điệu

Tà chiêu cảm tà là lẽ xưa nay

Nghiệp tận tình không như gương báu trên đài

Gương sáng sạch thì chiếu trời soi đất.

Gương phủ bụi ví như tâm dơ bẩn

Thì làm sao chiếu rạng được quang minh

Nếu thấy phát quang, chỉ là ánh sáng của yêu tinh.

Nên phải biết,

Niệm Phật hiệu chí thành thì thấy Phật

Niệm Phật khẩn thiết như người lâm nạn lửa

Niệm tà ma thì hẳn gặp tà ma

Dâng tấm lòng thành, cách Phật không xa

Giữ chánh niệm khiến quỷ thần quy phục.

 

Biết khổ, cái biết đó là thầy.

Biết bệnh, cái biết đó là thuốc.

Gẫm việc đời nhớ lại lời Mạnh Tử:

Người đưa vai gánh trọng trách thế gian

Lúc chưa gặp thời cũng lắm gian nan

Chịu đói lạnh trước khi thành đại sự

Chịu cay đắng với thị phi, bỉ thử

Nhưng đại sự này chỉ là vinh nhục thế gian

Huống chi chúng ta là kẻ xoay ngược trí năng

Trên, chuyển phàm thức hóa thành Phật trí

Dưới, giáo hóa chúng sinh đưa về Phật vị

Thì gian truân thử thách hẳn vô bờ

Giữa bồng bềnh trôi nỗi nhớ lời xưa:

“Nếu chưa thấu một lần xương lạnh buốt

Hoa mai thơm dễ đâu mà ngữi được”.

 Trên con đường lập đức của tiền nhân

Khổng Tử, năm bảy mươi vẫn thấy băn khoăn

Mong được sống thêm vài năm học Dịch[29]

Có hạng người đời nay sinh lòng ưa thích

Lập lại lời kinh qua cái học từ chương

Dám lấy kinh dẫn chứng để tranh hơn

Nào biết đến chỗ chánh tâm, thành ý.

Nào biết dùng gương xưa mà thử nghĩ

Từng việc làm, câu nói của chính mình

Hợp lý thánh hiền hay đối nghịch, chông chênh

Nếu không hợp, phải biết mình khác sách.

Di Lặc Bồ Tát dù quả vị là Đẳng giác

Muốn diệt vô minh nên lễ Phật mười hai thời

Mong đến một ngày chứng viên mãn pháp thân

Huống chi thân chúng ta là thân từ quả báo

Là thân phàm phu trong vòng nghiệp đạo

Dù biết rằng tánh Phật vốn không hai

Nếu không siêng năng gột rửa, dồi mài

 Phiền não che lấp, nguồn tâm không thể hiện

Nếu do thói quen sinh lòng bất thiện

Phải kịp thời tỉnh giác, niệm Phật danh

Tiếng từ bi khiến niệm ác tan nhanh

Thân khẩu ý đồng quy về chánh niệm.

Kẻ thiểu trí dối người theo phù phiếm

Bởi khinh thường cả thiên địa quỷ thần

Cho rằng không ai biết việc ta làm

Như kẻ trong bóng tối mặc tình thao diễn

Sao chẳng nghĩ,

Khi ta biết thì Phật thần cũng biết

1570. Tự tâm gồm thu pháp giới tạng tâm[30]

Chúng sinh khắp nơi khởi niệm, sinh lòng

Bậc giác ngộ tự Bản Tâm thấu suốt

Bởi tự và tha không phải hai mà là một.

Muốn học Phật thì trước hết phải ăn năn

Đổi ác lấy lành, đổi dối lấy chân

Nếu chẳng vậy thì quy y thành khuôn sáo

Biết được không khó, thực hành mới khó

Mấy kẻ biết thực hành dù trí tinh thông

Uổng công vào núi ngọc trở về không

Thật đáng tiếc! Ôi thật là đáng tiếc!

 

Trên thế gian có hai hạng người trung liệt

Một là người không gây tạo lỗi lầm

Hai là người biết sám hối, ăn năn

Câu sám hối phải từ tâm phát khởi

Bằng không, ví như người đọc tên thuốc giỏi

Đọc cả đời mà thuốc vẫn trên tay

Lại như người ý chí dễ lung lay

Theo danh tướng, không mảy may lợi ích.

 

Lợi hại đều do người, cảnh vốn vô tự tánh

 Nếu biết nhìn thì không khổ cũng không vui

Kẻ trí trên biết mệnh trời, dưới biết tính người

Nên nhậm vận, tiêu dao theo tình ý

Gặp cảnh phú quý thì: Ừ, phú quý!

Gặp bần cùng thì cũng nhận bần cùng

Sinh chỗ phồn hoa thì sống với phồn hoa

Sinh nơi dân giả thì vui cùng dân giả

Tâm bình, khí hòa, không cao cũng không hạ

Niệm Phật cầu Tây phương, biết nhân quả trước sau

Xứng tánh là xứng tánh Phật chớ đâu

Nếu xứng tánh phàm phu thì làm sao thấy Phật

Không thể vãng sanh vì không cảm ứng

Nên phải lập chí như giữ ngọc trắng tinh khôi

Bỏ ác làm lành, giúp vật, cứu người

Chớ làm kẻ ngụy trang màu đạo đức

Như dùng hạt hư thối gieo vào sớ đất

Mà ngày sau lại muốn kết quả đơm bông

Trong mọi thời chỉ nên giữ một lòng

Đối trước Phật kính tin không sái quấy

Đối trước người không sinh lòng tà vạy

Không khoe khoang thành quả việc tu hành

Công đức kia, nào dễ có đã đành

Nhưng ác niệm sẽ tựu thành ác quả

Tu xứng-tánh-hạnh thác sinh thượng phẩm

Tánh bên trong, chớ sơn phết tướng hình

Tập trường chay, không nhai nuốt chúng sinh

Không uống rượu, luôn giữ lòng khắc kỷ [31]

Trong Phật đạo hãy làm bậc khai sĩ  [32]

Muốn cầu vãng sinh trước hết phải từ bi

Phải biết tùy cơ, tận diệt tham sân si

Tâm hướng Phật liền liễu phàm thoát tục

Niệm Phật hiệu nương cậy vào Phật lực

Công đức kia dù có biệt, có thông

Chín phẩm sen vàng có thượng, hạ, trung

Người đoạn Hoặc và người chưa đoạn Hoặc.

 

Luận về các pháp tu trì

 

Pháp môn tu có tự lực và tha lực

Người cầu vãng sinh tu tập Tịnh môn

Đó là cả tự lực, Phật lực gồm thu

Khác với người tin chính mình tự tu, tự đắc

Không có tín tâm cầu vãng sinh Cực Lạc

Như vẽ tranh sơn thủy với bút lông

Nét ngắn, nét dài, đậm, nhạt tùy lòng

Đầu ngọn bút tự tay mình chấm phá

Thành tựu hoại không, tùy đường nét họa

Hoàn thành hay dang dỡ cũng tại ta

Khác với Tịnh tông, cảnh mây nước, lá hoa

Dùng máy ảnh một lần liền chụp trọn

Pháp môn tự lực như người đi từng bước

Một ngày đi chẳng quá mấy dặm đường

Tịnh độ pháp môn như luân bảo của thánh vương

Luân chuyển khắp bốn châu trong thiên hạ

Chúng sinh cõi Diêm Phù dễ sa, dễ đọa

Không dễ dàng đạt đến chỗ viên thông

Pháp Phật sâu dày, tội nghiệp cũng vô cùng

Không cầu đới nghiệp vãng sinh, khó mong liễu đạt.

Chỉ lo cho người quẫn quanh vòng nghiệp Hoặc

Sáu cõi luân hồi mỗi bước mỗi lênh đênh

Tận đời vị lai hết thọ tử lại thọ sinh

Vòng nhân quả tự tạo rồi tự hưởng

Bốn pháp niệm Phật: Danh, Tướng, Tưởng, Tượng [33]

Riêng pháp Trì Danh thu nhiếp các căn cơ

Dễ dàng cho người hạ thủ công phu

Không phức tạp khiến lâm vào ma cảnh

Phải đọc Quán Kinh [34] nếu muốn tu quán hạnh

Tâm này là Phật, làm Phật tự tâm này

Tịnh tâm thì Phật hiện, nào phải tự bên ngoài

Không chấp trước thì cảnh càng thâm diệu

Biết được như vậy mới gọi là quán liễu

Nếu bằng không, sinh vọng chấp tìm cầu

Tâm vọng thì cảnh vọng có xa đâu

Không tương ứng với Phật tâm, Phật cảnh.

Oan gia nhiều đời hiện thân oán địch

Nhân địa đã sai lầm, chẳng dễ biết quả địa thật hư

Khiến sinh lòng hoan hỷ, uổng công dư

Ma thừa dịp dựa nương làm loạn trí

Nên lượng tâm sức mình, chớ ham toan tính

 Mơ viễn vông khiến tổn lại thân tâm

Ngài Thiện Đạo dạy rằng: “Cảnh vi tế, cao thâm

Tâm phàm thô thiển biết đâu ma mị”.

Buổi mạt thời dễ sa vòng lâm lụy

1670. Tu Quán môn khó đến chỗ tinh anh

Bậc đại thánh xót thương khuyên tu pháp Trì Danh

Tâm tương ứng liền vãng sanh Phật quốc.

Khi quán hình tượng Phật lại nhìn thấy Phật

Phải biết Phật ấy từ tâm ý hiện ra[35]

Chớ nghĩ rằng là cảnh ở ngoài ta

Tuy cảnh tượng rất phân minh rành mạch.

Kinh Lăng Nghiêm nói: 

“Không cho là chứng thánh, thì là cảnh giới lành”.

Trong mười sáu pháp quán, chẳng bằng pháp trì danh.

 

Pháp giới tàng thân A Di Đà Phật

Khắp mười phương, pháp giới hiện đủ đầy

Như lưới trời Đế Thích muôn vạn Ma Ni

Cùng in bóng long lanh trong một hạt

Nơi một, tịch chiếu và gồm thu muôn vạn

Vốn dung thông không thiếu cũng không dư

Nhưng kẻ sơ cơ chưa phân biệt được vọng hư

Không chuyên chú, thân tâm liền phân tán

Là kẻ sơ học, chướng sâu mà tuệ cạn

Vọng dẫy đầy chiêu cảm bọn ma con

 Cho nên lịch đại Tổ Sư và chư Phật Thế Tôn

Dạy niệm Phật hiệu A Di Đà chuyên nhất

Chứng niệm Phật tam muội, diệu môn hoàn tất

Nên phải biết rằng,

Trì Phật danh là một pháp khế muôn cơ

Trì khít khao đến chỗ bất loạn tâm

Thì Thật Tướng sẽ lộ bày cùng cực

Muốn nhập Phật cảnh nên nương Phật lực

Câu Di Đà rúng động bọn ma quân

Há chẳng hơn tự cậy lực oai hùng

Gặp ma chẳng biết, lại cùng ma đắc ý

Pháp Như Lai thuyết khế cơ nhưng đồng vị [36]

Dùng Quyền môn ẩn Thật pháp bên trong

Năm thời giáo hóa[37], pháp pháp dung thông

Thời cơ đến liền khai Quyền hiển Thật [38]

 

Khi đến được chỗ tâm đồng tâm Phật

Thấy hay không thấy Phật chẳng bận lòng

Chớ ước ao mong đợi thấy Thế Tôn

Cảm ứng chưa thông, mê tâm sinh bệnh

Oan gia nhiều kiếp thừa cơ xuất hiện

Dối hiện ra thân Phật, thỏa ước ao

Mơ tưởng trăm bề, sống tựa chiêm bao

Tự mình hại mình mà nào rõ biết

Hãy cố công tu trì, Nhất Tâm hiển hiện

Nắm chặt câu Phật hiệu chẳng lơi tay

Không phí công hí luận muốn cao bay

Bay chẳng được mà còn rơi xuống thấp

Kẻ chưa hiểu Lý đạo nên sinh lòng bài bác

Không chuyên cần niệm Phật lại niệm mình

Miệng nói rằng tu nhưng Ngã chấp ngông nghênh

Chưa biết pháp nói chi là Pháp chấp!

Tưởng rằng chỉ nói đôi ba câu đùa cợt

Có hay đâu khẩu nghiệp buộc vào thân

Ấn Quang tôi ngại kẻ chẳng biết dụng tâm

Mất lợi lớn lại khiến người thoái thất

Tổ Vĩnh Minh[39] nói: “Thấy được A Di Đà Phật

Lo chi không khai ngộ pháp thậm thâm”.

Nay Ấn Quang tôi bắt chước ý tiền nhân

“Khuyên nhất tâm, lo chi thấy hay không thấy Phật.”

Đóng cửa tu, không chê người, khen vật

Khi tâm thuần nhất sẽ cùng Phật cảm thông

Như đặt trên đài cao gương sáng ví tịnh tâm

Hình tướng đến thì gương liền in bóng

Hình tướng đi, gương an nhiên bất động

Gương không hề giữ bóng lại trong gương

Cũng như vậy,

Chớ ôm lòng cầu cảm ứng hỗ tương

Tâm mong ước chính đó là tà hạnh.

 

Niệm Phật Thật Tướng là niệm Phật Tự Tánh

Chỉ Quán Thiên Thai, thâm cứu của Thiền tông

Các pháp trên dạy niệm tánh thiên chân[40]

Làm thì dễ nhưng thật là khó chứng

Nếu chẳng phải là đại sĩ tái sinh dày cảm ứng

Có mấy ai thành tựu được đời này

Thật tướng trong tất cả pháp đến, đi

Trì Phật hiệu cũng là trì thật tướng

Sự và Lý có cạn sâu, vẹn toàn tánh, tướng

Phàm phu dùng Phật hiệu để gieo nhân

Nắm trong tay hạt giống trổ hoa tâm

Nay bỏ pháp trì danh, toan tìm thật tướng

Muôn người tu, một hai người thực chứng

Gương người xưa [41] còn đó chớ xem thường

Dù lập ra chí lớn, nói việc phi thường

Thành tựu được hay không mới là hữu hiệu.

Người dạy người thiên về điều huyền diệu

Ấn Quang tôi chú trọng đến thực hành

Nếu thuyết ra pháp vời vợi mây xanh

Người không làm được chỉ oan ba đời chư Phật.

 

Thế nào gọi là,

Niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm

Tức tâm không khởi ý niệm Phật danh

Nhưng mỗi phút giây Phật hiệu nối kết thành

Như chuỗi ngọc nối liền không đứt đoạn

Cảnh giới thâm huyền chẳng dễ gì chứng được.

Người đời nay mong cảm ứng nhất thời

Dễ khiến ma thừa lúc dựa theo người

Vì chẳng biết giữ bổn tâm tĩnh lặng

Tâm an định, dù cảnh không thù thắng

Hoặc cảnh ma vẫn lợi ích đường tu

Bởi vì sao?

1770. Ma không chuyển được người, tức người chuyển được ma

Tâm kiên cố, càng tu càng thăng tiến

Không mong thấy cảnh thì cảnh không thường hiện

Vào đời Minh, núi Thiên Mục, có kẻ họ Ngu[42]

Ngày ngày bế quan trên đỉnh chuyên tu

Bỗng có thể tiên tri thiên thời, họa phước

Liên Trì Đại Sư [43] vì ông quở trách

Bảo ông rằng chớ vào ổ ma quân

Ông tự tâm sửa đổi những mê lầm

Từ đó về sau không còn như trước

Nên phải biết,

Người tu đạo như chèo thuyền ngược nước

Chớ phân tâm vì cảnh tượng ngoài, trong

Ví dù như chứng đắc đến ngũ thông [44]

Lòng vắng lặng, không một lần vướng bận

Nếu được vậy, mới mong thông Lậu Tận[45]

Bằng không thì đường thoái chuyển sẵn dành

Lại như người muốn mau chóng hoàn thành

Muốn chứng đạo hơn dày công tu học

Phải biết rằng,

 Diệt phiền não thì hiện chân thân Phật

Nếu gương mờ, mong chi phản chiếu bóng hình

Nếu phát quang, hẳn là ánh sáng yêu tinh

Như mắt bệnh nên không nhìn tường tận

Người sơ phát tâm phải nên ghi khắc.

 

Niệm Phật danh cầu vãng sinh Cực Lạc

Hãy nên cầu giải thoát ngay tại đời này

Chẳng nên tự mình định trước tháng ngày

Nếu công phu thuần thục thì hẳn như sở nguyện

Nếu công phu giải đãi tức tự chiêu ma nghiệp

Vọng kết thành một khối khó gỡ cho ra

Tâm tự cầu, tự định cảm duyên ma

Chỉ nên nguyện vãng sinh khi hết kiếp

Nếu ngày tháng còn dài hãy tạo thêm thiện nghiệp

Hết báo thân hiện kiếp sẽ về Tây

Chớ nên cầu giảm tuổi thọ, chóng thoát ly

Tức phạm giới và luật nghi Phật lập

Người tu học chớ mang tâm thiên chấp

Hãy thuận duyên mà cầu được vãng sinh

Ví như thân một cây mạ non xanh

Kẻ làm ruộng kéo dài cho mau lớn[46]

Kinh Phạm Võng nói,

“Vướng víu vào ngã, chấp nê tư tưởng

Thì chẳng làm sao vào được pháp lành

Muốn giảm đi tuổi thọ để chóng thành

Cũng không phải việc nên cầu đó vậy”.

 

Khuyên hành nhân nỗ lực

Sống cõi thế gian muôn vàn khổ hải

Dù thăng thiên cũng khó tránh ngũ suy [47]

Riêng cõi Tây phương Tịnh độ diệu kỳ

Chỉ hưởng an vui nên gọi là Cực Lạc

Tam giới bất an ví như nhà lửa [48]

Khổ dẫy đầy, nên phải biết hãi kinh

Mạng sống vô thường tựa ánh chớp giữa đêm

Nhìn sắc tướng như bọt bèo trên bóng nước

Nếu vẫn sống thản nhiên vô tri vô thức

Theo bản năng như cây cỏ, thú cầm

Chẳng màng thánh cảnh bởi quen thuộc tình phàm

Không tin nhận lời thánh hiền khuyên nhủ

Chẳng phải trời phụ người mà người tự phụ

Sanh ra lớn lên như gỗ đá vô tình

Đến một ngày giữa bể khổ mông mênh

Ai biết trước chỗ gá thân nối kiếp?

Thời thế loạn cuồng, trong ngoài đối địch

Bể thẳm muôn trùng, thuyền mộc lênh đênh

Sao không mau tu tịnh nghiệp dọn bước vãng sanh

Thiếp hồng gởi [49] mà không màng hồi đáp

Theo thời trang mà nói rằng theo Phật

Một hơi thở ra nếu không thể hít vào

Lúc bấy giờ còn biết sẽ về đâu

Muốn nghe pháp Phật há là dễ được.

Thân là cội gốc chiêu mời tội phước

Ý chí người tu thách thức vạn chông gai

Khổ là thầy, đau là bạn, suốt tháng năm dài

Như nợ cũ, như hiềm xưa nay gặp lại.

Không trách trời, không oán người, ung dung chiêu đãi

Đến một ngày mang nghiệp cũ vãng sanh

Vui theo mệnh trời, thuận nhân quả rõ rành

Chớ có bảo cầu xin là hèn mọn.

Khán thoại đầu, tham thiền nhưng tâm mê chưa thể đoạn

Đường khó đi, bước bước lại quanh co

Không nguyện Phật Di Đà trợ lực, tự giải, tự lo

Nợ cơm áo biết ngày nào trả được.

Nói một trượng không bằng làm một tấc

Dù thông tông, thông giáo cũng bằng không

Chẳng thoát được tử sinh, bánh vẽ há no lòng

Muốn được khéo mà hóa ra vụng tính

Xưa vun bồi tuệ căn còn xa cứu cánh

Nay không nương Phật lực dựa Liên bang

Như bình chưa nung gặp mưa phải rã tan

Ngày tháng qua mau, mạng người mấy thuở.

Kẻ chưa chứng đạo, ngộ mê, mê ngộ

Một vạn người đều đủ cả vạn người

Tiểu ngộ rồi đại ngộ, được mấy ai

Muôn ức kẻ, tìm một hai chẳng dễ

Đành lòng sao, kẻ mang Đại thừa pháp khí

Lúc tái sanh như bình đất gặp mưa rào

Đành chịu vỡ tan thành đất cát bởi đâu

Kiếp nối kiếp, chôn sầu nơi cõi thế

 Dù chưa phá sạch vô minh hoàn nguyên bản thể

Há chẳng dụng công viên chứng được ba tâm

1870. Thâm tâm, trực tâm, hồi hướng phát nguyện tâm

Từ thân mê hoặc đưa tâm hòa Cực Lạc

Nếu không tự mình bồi công, gắng sức

Uổng cả đời tu tập vẫn trầm luân

Vùi chân tánh vô lượng công đức, trí tuệ, thần thông

Trong sanh tử luân hồi không dừng nghỉ.



[1] Nhà lửa, phẩm Thí Dụ, kinh Pháp Hoa.

[2] Đã ghi chú ở phần I.

[3] Tức là đà-la-ni, phiên âm từ Phạn ngữ là dhraṇi, nghĩa là nắm giữ trọn vẹn tất cả, hàm ý có thể nắm giữ được vô lượng pháp Phật không để mất đi.

[4] Bốn quả thuộc Tiểu thừa

[5] Đại thừa.

[6] Lời tổ Vĩnh Minh Diên Thọ (đã ghi chú ở phần I)

[7] Chỗ sầm uất, không phải nơi xa xôi hẻo lánh.

[8] (惑業苦) Do các hoặc tham, sân, si mà tạo các nghiệp thiện ác, rồi lại do các nghiệp này làm nhân mà chiêu cảm quả khổ sống chết trong 3 cõi. Do hoặc khởi nghiệp, vì nghiệp mà phải chịu khổ, khổ lại khởi hoặc, cứ thế xoay vần, sinh tử không dứt, nên gọi là 3 đạo. [X. luận Thành duy thức Q.8]. (Từ điển Phật Quang )

[9] Xem Thiên Thai Trí Giả, Tích môn Thập Diệu

[10] Chú thích # 13

[11] 死魔 là một trong bốn ma là ma phiền não - ma ngũ ấm - tử ma - thiên ma.

[12] Vô tâm định—Tam muội diệt bỏ hết những suy nghĩ phân biệt.

(本來無一物) Bản lai vô nhất vật. Tiếng dùng trong Thiền lâm. Nghĩa là muôn tượng trong vũ trụ là do vọng tưởng phân biệt của người ta sinh khởi, chứ thực thì từ xưa đến nay vốn không có bất cứ vật gì có thể nắm bắt được. Hết thảy các pháp đều không, chỉ nhờ mối quan hệ hỗ tương y tồn mà có. Trong mối quan hệ hỗ tương luôn luôn biến hóa, không có một chủ thể nào độc lập tự tồn tại, cho nên chẳng có vật gì có thể chấp trước được, mà cũng không nên nắm bắt vật gì. Từ ngữ bản lai vô nhất vật có xuất xứ từ kinh Pháp bảo đàn của Lục tổ (Đại 48, 349 thượng): Bồ đề vốn không cây, gương sáng cũng không đài, xưa nay (bản lai) không một vật, bụi bám vào chỗ nào?. Ý nói hết thảy đều rỗng lặng, khi thấu suốt được lí ấy thì không có một vật gì, mà chỉ là một cảnh giới thiên chân độc chiếu. Cứ theo kinh Pháp bảo đàn nói, thì bài kệ trên đây do Lục tổ làm ra để đối lại với bài kệ của Đại thông Thần tú (Đại 48, 348 trung): Thân là cây Bồ đề, tâm như đài gương sáng; phải chăm lau chùi luôn, chớ để bụi bám vào. Tuệ năng đã nhờ bài kệ trên mà được ngũ tổ Hoằng nhẫn trao truyền áo bát và trở thành tổ thứ sáu của Thiền tông. (Từ điển Phật Quang )

[13] Tâm định là trì. Lìa bôn chôn là đẳng.

[14]善導; C: shàndăo; J: zendō; 613-681. Vị thứ 3 trong 5 vị tổ Tịnh độ tông và là vị thứ 5 trong 7 vị tổ của Tịnh độ chân tông. Ngài xuất gia khi còn nhỏ tuổi và tu tập thiền quán tưởng A-di-đà và Tịnh độ. Khi nghe tiếng Đạo Xước (道綽), Thiện Đạo đến gặp và nhận giáo lí Tịnh độ từ vị này. Suốt đời Thiện Đạo hiến mình tu tập và hoằng truyền giáo lí nầy. Tương truyền sư đã chép kinh A-di-đà hơn 100.000 lần và vẽ hơn 300 bức tranh về Tịnh độ. Ngoài việc tụng kinh và niệm Phật thường xuyên, sư còn tiền hành các thời khoá thiền quán tưởng đức Phật A-di-đà và Cực lạc quốc của Ngài. Thiện Đạo còn trứ tác 5 tác phẩm trong 9 cuốn, gồm những luận giải khác nhau về kinh Quán vô lượng thọ. Ngài thường được gọi là Quang Minh tự Hoà thượng (光明寺和尚), Chung Nam Đại sư (終南大師)…

[15] chuyên tu và tạp tu, tức chuyên vào một pháp môn, và tu một lúc nhiều pháp môn.

[16] Phát khởi tâm nguyện đạt đến giác ngộ. Quyết tâm đạt đến sự giải thoát tối thượng.

[17] 1) Ân cha mẹ (2) Ân chúng sinh (3) Ân quốc vương (4) Ân Tam bảo

[18] (蓮池大師), tức Vân Thê Châu Hoằng (雲棲袾宏, 1535-1615), tự là Phật Tuệ (佛慧), hiệu Liên Trì (蓮池); từng sống tại Vân Thê Tự (雲棲寺) thuộc Ngũ Vân Sơn (五雲山), Hàng Châu (杭州), Tỉnh Triết Giang (浙江省); xuất thân Phủ Nhân Hòa (仁和府), Hàng Châu, họ là Thẩm (沉).

[19]  Chân thực, Bất biến chân như (不變真如) Chân như không biến đổi. Đối lại với Tùy duyên chân như. Thể của chân như rốt ráo bình đẳng, không có đổi khác, nên gọi là Bất biến chân như. Tức chỉ cho chân tâm bản tính, tính Phật thường còn. Thể bất biến này theo duyên mà sinh ra các tướng trạng trong ba cõi sáu đường, gọi là Tùy duyên chân như (chân như theo duyên). Các tông Pháp tướng, Tam luận (Quyền Đại thừa) vì không chấp nhận chân như duyên khởi, nên không lập nghĩa Tùy duyên chân như. Còn các tông Hoa nghiêm, Thiên thai (Thực Đại thừa) v.v..., đối với chân như, lập hai nghĩa bất biến, tùy duyên để nói rõ chân như vốn không biến đổi, nhưng theo duyên mà tạo tác các pháp hữu vi. [X. luận Kim cương ti]. (Phật Quang từ điển )

[20] Tâm chúng sinh khế hợp tâm Phật

[21] (實相涅槃) Lấy thực tướng các pháp làm Niết bàn, đặc biệt do học phái Trung quán đề xướng. Phẩm Quán niết bàn trong Trung luận quyển 4 (Đại 30, 36 trung) nói: Phân biệt tìm cầu đến ngọn nguồn các pháp thì có cũng không, không cũng không, có không cũng không, chẳng có chẳng không cũng không, đó gọi là Chư pháp thực tướng, cũng gọi là Như pháp tính thực tế niết bàn. Ýnói thực tướng của các pháp ở thế gian tức rốt ráo là không, cũng chính là không sinh không diệt, Niết bàn vắng lặng. Do đó thế gian và Niết bàn, Niết bàn và thế gian cả 2 đều không sai khác. Thuyết này là chỗ y cứ quan trọng của chủ trương nhập thế trong Phật giáo Đại thừa. (Từ điển Phật Quang )

[22]歸命 Dịch chữ Namas từ tiếng Sanskrit, còn Phiên âm là Nam-mô 南無. Hiến dâng hết đời mình, giao phó hết sinh mạng mình cho Phật pháp.

[23] tự soi lại lấy mình

[24]迴光返照) Tiếng dùng trong Thiền lâm. Tự chiếu soi lại tâm tính. Lâm tế lục (Đại 47, 502 thượng), ghi: Ngay nơi lời nói, ông tự hồi quang phản chiếu, không tìm cầu gì khác, thì biết được thân tâm mình không khác gì với Phật tổ . Thạch đầu thảo am ca trong Cảnh đức truyền đăng lục quyển 30 (Đại 51, 461 hạ), nói: Ở am này, thôi giảng giải. Ai khoe hàng quán mua người vẽ? Hồi quang phản chiếu liền biết đường về. Rỗng suốt tính linh chẳng hướng ngoại (Từ điển Phật Quang ) .

[25] (五停心觀) Cũng gọi Ngũ quán, Ngũ niệm, Ngũ đình tâm, Ngũ độ quán môn, Ngũ độ môn, Ngũ môn thiền. Năm pháp quán dứt trừ phiền não mê hoặc. Đó là: 1. Bất tịnh quán (Phạm: Azubhàsmfti): Quán tưởng thân mình và thân người là nhơ nhớp để trừ bỏ lòng tham muốn. 2. Từ bi quán (Phạm: Maitrì-smfti), cũng gọi Từ tâm quán, Từ mẫn quán. Quán tưởng lòng thương xót để đối trị với phiền não oán giận. 3. Duyên khởi quán (Phạm: Idaôprat= yayatà-pratìkyasamutpàda-smfti), cũng gọi Nhân duyên quán, Quán duyên quán. Quán tưởng 12 duyên khởi thuận và nghịch để đối trị phiền não ngu si. 4. Giới phân biệt quán(Phạm: Dhàtuprabheda-smfti), cũng gọi Giới phương tiện quán, Tích giới quán, Phân tích quán, Vô ngã quán. Quán tưởng các pháp 18 giới đều do sự hòa hợp của đất, nước, lửa, gió, không và thức mà có thể đối trị ngã chấp. 5. Sổ tức quán (Phạm: Ànàpàna-smfti), cũng gọi An na ban na quán, Trì tức niệm. Đếm số hơi thở ra, thở vào để đối trị tầm, tứ tán loạn, giữ cho tâm dừng yên ở 1 cảnh. [X. phẩm Lực chủng tính trong kinh Bồ tát địa trì Q.3; luận Câu xá Q.22, 29; luận Đại tì bà sa Q.40; luận Du già sư địa Q.26; luận Thuận chính lí Q.59; luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.11; Đại thừa nghĩa chương Q.12; Ma ha chỉ quán Q.7, phần 2].( Từ điển Phật Quang )

[26] (阿闍世王) A xà thế, Phạm:Ajàtazàtru, Pāli: Ajàtassattu. Là con vua Tần-bà-sa-la (Phạm: Bimbisàra) nước Ma yết đà thuộc trung Ấn độ vào thời Phật. Gọi tắt là Xà thế vương. Còn gọi là A xà đa sa đâu lâu vương, A xã đa thiết đốt lộ vương, A xà đa thiết đốt lộ vương. Dịch ý là Vị sinh oán vương, Pháp nghịch vương. Mẹ tên là Vi đề hi, cho nên còn gọi là A xà thế Vi đề hi tử. Sau giết cha chiếm ngôi, bành trướng bá quyền tại trung Ấn độ. Khi còn ở trong bụng mẹ, thầy bói đoán là đứa con ấy sau khi sinh sẽ giết cha, vua cha nghe thầy bói nói rất sợ hãi, cho nên, khi sinh ra, nhà vua bèn ném A xà thế từ trên lầu xuống đất, nhưng chỉ gãy ngón tay chứ không chết, vì thế còn gọi là Bà la lưu chi (Phạm: Balaruci, có ngha là gãy ngón tay), đồng thời, vì chưa sinh ra đã kết oán, nên gọi là Vị sinh oán . Lớn lên, ông được lập làm Thái tử, nhân nghe lời xúi dục của Đề bà đạt đa, bắt vua cha hạ ngục và giam cho đến chết. Sau khi lên ngôi, thôn tính các nước nhỏ lân cận, uy danh vang lừng bốn phương, đặt nền tảng cho việc thống nhất Ấn độ. Sau vì tội giết cha nên khắp mình ông ghẻ lở, đến trước Phật xin sám hối, liền khỏi bệnh và qui y đức Phật. Sau khi đức Phật nhập diệt, A xà thế là vị đại hộ pháp của giáo đoàn Phật giáo. Khi ngài Ma ha ca diếp kết tập kinh điển ở hang Thất diệp, A xà thế là vị đại thí chủ, cung cấp tất cả mọi vật cần dùng.Về niên đại A xà thế lên ngôi, cứ theo Thiện kiến luật tì bà sa quyển 2 chép, thì nhà vua lên ngôi tám năm trước khi đức Phật nhập diệt, cầm quyền được ba mươi hai năm. Ngoài ra, cứ theo kinh Tạp a hàm quyển 46, kinh Xuất diệu quyển 22 chép, nhà vua cùng với Ba tư nặc vương nước Ca thi đã đánh nhau mấy lần, sau nhờ Phật giáo mới được hòa giải. Các sự tích khác của nhà vua, sau cuộc kết tập tại hang Thất diệp, không thấy ghi lại trong các kinh điển.[X. kinh Trường a hàm Q.2, Q.17; kinh Tăng nhất a hàm Q.12; kinhĐại ban Niết bàn (bản Bắc) Q.19, Q.20; kinh Quán vô lượng thọ; kinh A xà thế vương; Hữu bộ Tì nại da tạp sự Q.38; luật Ngũ phần Q.3; Đại đường tây vực kí Q.9; Tuệ lâm âm nghĩa Q.25].( Từ điển Phật Quang )

[27] (五戒) Phạm:Paĩca zìlàni. Chỉ cho 5 loại giới do đức Phật chế định. I. Ngũ Giới. Cũng gọi Ưu bà tắc ngũ giới, Ưu bà tắc giới.Năm thứ chế giới của nam nữ Phật tử tại gia thụ trì. Đó là: 1. Không sát sinh. 2. Không trộm cướp. 3. Không gian dâm. 4. Không nói dối. 5. Không uống rượu. Trong hệ thống Kinh lượng bộ Tiểu thừa, người thụ 3 qui y thì thành Ưu bà tắc và được cho phép trong 5 giới, tùy theo khả năng, hễ giữ được giới nào thì thụ trì giới đó. Còn chủ trương của Thuyết nhất thiết hữu bộ thì trước phải thụ 3 qui y, sau thụ đầy đủ 5 giới mới trở thành Ưu bà tắc, cho nên phải thụ trì cả 5 giới. Trong 5 giới, 4 giới trước thuộc tính giới, giới sau cùng thuộc về già giới. Lại nữa, 3 giới trước phòng ngừa thân, giới thứ 4 phòng ngừa miệng, giới thứ 5 phòng ngừa chung cả thân và miệng để giữ gìn 4 giới trước. Trung quốc từ xưa đem 5 giới phối hợp với 5 thường(nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), rồi lại phối hợp với 5 phương như: Không sát sinh phối với phương đông, không trộm cướp phối với phương bắc, không gian dâm phối với phương tây, không uống rượu phối với phương nam và không nói dối phối với trung ương. [X. kinh Tạp a hàm Q.33; kinh Tăng nhất a hàm Q.20; kinh Tì ni mẫu Q.1; luận Đại trí độ Q.13; Tát bà đa tì ni tì bà sa Q.1; luận Câu xá Q.14; Nhân vương hộ quốc bát nhã kinh sớ Q.2; Ma ha chỉ quán Q.6]. II. Ngũ Giới. Cũng là 5 loại chế giới của nam nữ Phật tử tại gia thụ trì được ghi trong các kinh: Quán đính quyển 1, kinh Ưu bà tắc ngũ giới uy nghi, kinh Tứ thiên vương v.v... Đó là: 1. Sát sinh. 2. Trộm cướp. 3. Gian dâm. 4. Nói 2 lưỡi, nói lời ác, nói dối láo, nói thêu dệt. 5. Uống rượu. Trong 5 giới này, giới thứ 4 bao gồm hết những cái xấu ác của khẩu nghiệp, được rút từ thuyết Thập ác ra. III. Ngũ Giới. Năm thứ chế giới của Bồ tát tại gia thụ trì. Đó là: 1. Tuyệt đối không được dứt sự sống. 2. Cái gì người ta không cho, tuyệt đối không được lấy. 3. Tuyệt đối không được nói láo. 4. Tuyệt đối không được gian dâm. 5. Tuyệt đối không được tà kiến. Năm giới trên đây được nói trong Đại nhật kinh sớ quyển 18. Chỗ khác với 5 giới thông thường là thay thế giới Uống rượu bằng giới Tà kiến. [X. kinh Tạp a hàm Q.31; kinh Tăng nhất a hàm Q.7; phẩm Thụ phương tiện học xứ trong kinh Đại nhật Q.6; kinh Ưu bà tắc giới Q.6; kinh Ưu bà tắc ngũ giới tướng; luận Du già sư địa Q.54]. (Từ điển Phật Quang )

[28] Chỉ cho nhân quả.

[29] Kinh Dịch của Trung Quốc.

[30] (一念三千) Một niệm ba nghìn. Nhất niệm cũng gọi Nhất tâm, chỉ cho tâm niệm hoạt động trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tam thiên biểu thị ý nghĩa tổng hợp tất cả thiện ác, tính tướng, người và vật sai khác trong thế gian và xuất thế gian. Nhất niệm tam thiên nghĩa là ngay trong 1 tâm niệm của phàm phu có đầy đủ 3.000 các pháp tính tướng của thế gian. Vì theo tư tưởng của tông Thiên thai thì ngay trong 1 tâm niệm, dù thuộc 3 tính hữu lậu hay vô lậu, đều có đủ các pháp mê ngộ của 3.000 thế gian, không thiếu sót. Ma ha chỉ quán quyển 5, thượng (Đại 46, 54 thượng) nói: Trong 1 tâm đủ 10 pháp giới, 1 pháp giới lại đủ 10 pháp giới, nên thành 100 giới; 1 pháp giới có 30 loại thế gian, thành ra 100 pháp giới có 3.000 loại thế gian. Ba nghìn loại thế gian này ở ngay trong 1 tâm niệm, trừ trường hợp vô tâm, như lúc chết ngất chẳng hạn, còn ngoài ra hễ mống lên 1 ý niệm liền đầy đủ 3000 thế gian. Nhưng không phải nói 1 niệm ở trước, tất cả pháp ở sau; cũng không nói tất cả pháp ở trước, 1 niệm ở sau. Như vậy thì bất cứ 1 tâm niệm nào của chúng ta phát khởi trong ngày hay đêm, đều cũng thuộc về 1 pháp giới nào đó trong 10 pháp giới. Nếu như phát khởi tâm niệm giận dữ tương ứng với việc giết hại, thì đó là pháp giới địa ngục; nếu tương ứng với tham muốn thì là pháp giới ngã quỉ; nếu tương ứng với luật đạo đức nhân luân thì là pháp giới nhân gian; nếu tương ứng với chân như thì là pháp giới Phật. Cho nên, hễ 1 niệm tương ứng với pháp giới nào thì tâm ta thuộc về pháp giới ấy. Vả lại, tâm 1 niệm này của chúng sinh tuyệt không cách lìa với tất cả pháp mà là dung hợp trong nhau, hòa nhập vào nhau. Vì tâm ấy chẳng phải cô lập, nên nó ở trong 1 pháp giới nào tức đầy đủ 10 pháp giới. Đồng thời, trong 10 pháp giới, mỗi giới lại đủ 10 giới, nên tổng cộng thành 100 pháp giới; 100 giới pháp này lại đầy đủ 10 Như thị (như thị tính, như thị tướng, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh...),tức thành 1.000 như thị; rồi lại phối hợp với 3 loại thế gian lànămấm, chúng sinh và quốc độ thành ra 3.000 thế gian. Như vậy, trong 1 tâm niệm có đầy đủ 3.000 thế gian. Giáo nghĩa Nhất niệm tam thiên này bắt nguồn từ câu Tâm, Phật và chúng sinh, cả 3 không sai khác trong phẩm Dạ ma thiên cung tự tại của kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ). Người mới học căn cơ còn non nớt, không nên tu tập pháp quán quá cao, mà phải nên bắt đầu quán xét ngay từ tâm mình, lấy sự vật cụ thể làm đối tượng để quán xét. Vì thế nên tông Thiên thai lập ra pháp Nhất tâm tam quán để làm chìa khóa vào cửa cho người mới học. [X. Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.5, phần 3; Pháp hoa huyền nghĩa Q.2, thượng; Pháp hoa văn cú Q.2 thượng; Thập bất nhị môn yếu sao Q.thượng]. (xt. Tam Thiên Chư Pháp, Sơn Gia Sơn Ngoại). (Từ điển Phật Quang )

 

[31] Chế ngự tư dục.

[32] (開士) Phạm: Bodhisattva. Dịch âm: Bồ đề tát đỏa. Cũng gọi Xiển sĩ. Từ tôn xưng các bậc cao đức, thông đạt. Khai là sáng suốt, chỉ cho người mở ra chính đạo để dắt dẫn chúng sinh, đặc biệt chỉ cho các vị Bồ tát. A tì đạt ma thức thân túc luận quyển 1 (Đại 26, 531 thượng) nói: Uy lực Khai sĩ tạng Như lai, mắt tuệ soi sáng khắp ba cõi. Thích thị yếu lãm quyển thượng (Đại 54, 260 hạ) nói: Trong các kinh, phần nhiều gọi Bồ tát là Khai sĩ. Vua Phù kiên đời Tiền Tần, ban danh hiệu Khai sĩ cho các bậc sa môn có đức hạnh và trí tuệ. [X. Huyền ứng âm nghĩa Q.4] (Từ điển Phật Quang)

[33] Trì Danh, Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng.

[34] Kinh Quán Vô Lượng Thọ.

[35] Duy tâm sở hiện Cittamatradrisya (skt)—Cái được nhìn thấy từ tâm. Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật dạy: “Những ai bị ràng buộc vào ý niệm nhị biên, có đối tượng và chủ thể, sẽ không bao giờ hiểu được rằng chỉ có cái được nhìn thấy do từ tâm.”

[36] Vị giải thoát.

[37] (五時教) Cũng gọi Ngũ thời. Năm thời giáo. Tức là những kinh điển do đức Phật nói trong 45 năm được phân chia theo nội dung giáo nghĩa từ cạn đến sâu làm 5 giai đoạn, gọi là Ngũ thời giáo. Ở Trung quốc, việc truyền dịch kinh điển không theo thứ tự thời gian phát triển trước sau, mà chỉ y cứ vào 5 thời phán giáo này làm tiêu chuẩn. Có các thuyết về Ngũ thời giáo như sau: I. Ngũ thời giáo của tông Niết bàn. Ngài Tuệ quán thời Lưu Tống chủ trương giáo pháp có Đốn giáo và Tiệm giáo. Tiệm giáo lại chia làm 5 thời giáo: 1. Tam thừa biệt giáo, cũng gọi Hữu tướng giáo. Tức là giáo pháp được nói riêng cho mỗi thừa trong 3 thừa như nói pháp Tứ đế cho Thanh văn, Thập nhị nhân duyên cho Duyên giác và Lục độ cho Bồ tát. 2. Tam thừa thông giáo, cũng gọi Vô tướng giáo. Tức là giáo pháp được nói chung cho cả 3 thừa, như kinh Bát nhã. 3. Ức dương giáo, cũng gọi Bao biếm ức dương giáo. Tức là giáo pháp khen ngợi Bồ tát, chê trách Thanh văn, như các kinh Duy ma, Tư ích... 4. Đồng qui giáo, cũng gọi Vạn thiện đồng qui giáo. Tức là giáo pháp xóa bỏ sự phân biệt 3 thừa mà đưa tất cả về 1 Phật thừa, như kinh Pháp hoa. 5. Thường trụ giáo, cũng gọi Song lâm thường trụ giáo. Tức giáo pháp chủ trương tính Phật là thường trụ, như kinh Niết bàn. Trên đây là thuyết phán giáo đầu tiên của Trung quốc, lưu hành ở Giang nam, các vị Lưu cầu, Tăng nhu, Trí tạng, Pháp vân... đều theo thuyết này; các vị Tăng tông, Bảo lượng... còn đem 5 thời giáo này phối hợp với thí dụ 5 vị(nhũ, lạc, sinh tô, thục tô, đề hồ)nói trong kinh Niết bàn, đến ngài Thiên thai Trí khải thì thuyết này được tập đại thành. Về sau, ngài Tuệ quang ở miền Bắc lập phán giáo 4 tông cũng lấy 5 thời giáo này làm căn cứ. [X. Tam luận huyền nghĩa Q.thượng; Đại phẩm kinh du ý; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.10, phần đầu; Pháp hoa huyền luận Q.3; Đại bát niết bàn kinh tập giải Q.35; Hoa nghiêm kinh sớ Q.1]. II. Ngũ thời giáo của Lưu cầu thời Nam Tề.Cư sĩ Lưu cầu cũng chủ trương giáo pháp có Đốn giáo và Tiệm giáo.Tiệm giáo lại chia làm 5 thời: 1. Thiên nhân giáo: Giáo pháp thế gian. 2. Hữu tướng giáo: Giáo pháp thừa nhận có sự sai biệt giữa những hiện tượng tồn tại, như các kinh A hàm... 3. Vô tướng giáo: Giáo pháp phủ định sự sai biệt giữa các hiện tượng tồn tại, như các kinh Bát nhã... 4. Đồng qui giáo: Như kinh Pháp hoa... 5. Thường trụ giáo: Như kinh Niết bàn... [X. Đại thừa nghĩa chương Q.1; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.10, phần đầu; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1; Pháp hoa kinh huyền tán Q.1; Hoa nghiêm kinh sớ Q.1]. III. Ngũ thời giáo của ngài Trí khải đời Tùy. Thuyết 5 thời này gồm: Hoa nghiêm, A hàm, Phương đẳng, Bát nhã và Pháp hoa Niết bàn. (xt. Ngũ Thời Bát Giáo). IV. Ngũ thời giáo của ngài Pháp bảo đời Đường. 1. Tiểu thừa giáo. 2. Bát nhã giáo. 3. Thâm mật giáo. 4. Pháp hoa giáo. 5. Niết bàn giáo. [X. Câu xá luận bảo sớ Q.1; Ngũ giáo chương thông lộ kí Q.50]. (Từ điển Phật Quang)

[38] (開權顯實) Phá trừ sự chấp trước vào quyền giáo phương tiện của Tam thừa để hiển bày nghĩa chân thực Nhất thừa. Đây là từ ngữ phán thích kinh Pháp hoa do tông Thiên thai lập ra. Khai nghĩa là khai trừ, khai phát, khai thác; khai trừ là trừ bỏ quyền chấp(chấp vào giáo pháp phương tiện tạm thời), Khai phát là do cơ duyên bên trong thuần thục mà lìa quyền chấp, khai thác là quyền tức thực mà mở rộng ý nghĩa về thể của nó. Giáo pháp do đức Phật thuyết giảng trước kinh Pháp hoa là giáo pháp phương tiện, nhằm thích ứng với những căn cơ chưa thuần thục, hầu dắt dẫn chúng sinh vào giáo pháp chân thực. Vì dùng phép phương tiện quyền giả (tạm thời) để hiển bày nghĩa chân thực, nên gọi là Khai quyền hiển thực. Tuy nhiên, quyền thực vốn chẳng khác nhau, nếu trừ bỏ được chấp trước này, thì quyền thực không hai, quay về với chân nghĩa Nhất Phật thừa. Trên đây là nói theo Hóa nghi Tích môn thuộc nửa bộ trước của kinh Pháp hoa. Mà Khai tích hiển bản thuộc Hóa nghi Bản môn của nửa bộ sau cũng gọi là Khai quyền hiển thực tức phá trừ chấp trước vào quyền giáo Tích môn, để hiển bày thực nghĩa Bản môn. Nếu nói theo trọn bộ kinh Pháp hoa, thì 14 phẩm trước là Khai tam hiển nhất, 14 phẩm sau là Khai cận hiển viễn, tức là nửa bộ trước trừ bỏ giáo pháp Tam thừa phương tiện, để hiển bày giáo pháp Nhất thừa chân thực; còn nửa bộ sau là trừ bỏ Cận Phật thùy tích (Phật mới thành), mà hiển bày Chân Phật bản địa(Phật đã thành từ lâu xa). Như vậy, tất cả 28 phẩm kinh Pháp hoa đều qui về Khai quyền hiển thực. Lại nữa, Khai tam hiển nhất là nói theo người, căn cơ, trái lại, Khai quyền hiển thực là nhằm giải thích lí, giáo. [X. Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.5 thượng; Pháp hoa văn cú kí Q.8 phần 3; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.thượng; Pháp hoa huyền luận Q.3, Q.5]. (xt. Bản Tích Nhị Môn, Khai Tam Hiển Nhất, Khai Cận Hiển Viễn). (Từ điển Phật Quang)

[39] Đã chú giải trong Phần I.

[40] Chân Như. Tên khác của Pháp thân Phật ( Dharmakaya)

[41] Tô Đông Pha, Tăng Lỗ Công, Trần Trung Tú, Vương Thập Bằng.

[42] Ngu Thuần Hy.

[43] (蓮池大師), tức Vân Thê Châu Hoằng (雲棲袾宏, 1535-1615), tự là Phật Tuệ (佛慧), hiệu Liên Trì (蓮池); từng sống tại Vân Thê Tự (雲棲寺) thuộc Ngũ Vân Sơn (五雲山), Hàng Châu (杭州), Tỉnh Triết Giang (浙江省); xuất thân Phủ Nhân Hòa (仁和府), Hàng Châu, họ là Thẩm (沉).

[44] 1. Thiên nhãn thông, 2. Thiên nhĩ thông, 3. Túc mạng thông, 4. Tha tâm thông, 5. Thần túc thông.

[45] Năng lực thần thông do khi đã trừ sạch mọi phiền não (āsrava-kṣaya-vijñāna), một trong Lục thần thông 六神通.

[46] Câu chuyện một người dân quê thấy những cây mạ trên ruộng mình chưa lớn liền dùng tay kéo từng cây dài ra. Kết quả tất cả ruộng mạ mới gieo đều héo khô.

[47] Năm thứ tướng suy của người cõi trời sắp chết: 1. Bông trên đầu héo tàn; 2. Quần áo nhơ bẩn; 3. Thân thể hôi thúi; 4. Nách ra mồ hôi; 5. Không ưa tòa ngồi.

[48] Kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ.

[49] Kinh A Di Đà và lời nguyện của Phật A Di Đà.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn