Kinh Điều Phục Tâm Ý

12 Tháng Sáu 201416:14(Xem: 5580)
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh dịch

Tâm Ý Phẩm Pháp Cú Kinh đệ thập nhất

心意品法句經第十一

Kinh Điều Phục Tâm Ý

Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Kinh thứ 11

Phẩm này có 12 bài kệ. Biết tâm ý là đầu mối của ngôn ngữ và hành động cho nên phải học cách điều phục tâm ý. Vì thế, phẩm này bổ sung cho phẩm Song Yếu (phẩm thứ 9). Bốn bài kệ đầu nói về ý như một cái gì khó nắm bắt. Nếu có chánh niệm (tuệ giác) thì mình mới có thể điều phục được ý, và làm cho tâm trở nên sáng chói. Bài kệ đầu đã có ý xiển dương giáo lý tâm tính bản tịnh. Bài thứ 6 nói về sự thực tập chánh niệm để điều phục tâm ý và giúp cho tâm ý không bị kẹt vào cái nhìn lưỡng nguyên (thiện ác, có không, sinh diệt, một nhiều,…). Bài kệ thứ 12 đưa ra hình ảnh con rùa giấu đi sáu vóc của nó để đừng bị tấn công, cũng như hành giả sử dụng chánh niệm để bảo hộ sáu căn, sáu thức, không để cho những thế lực ma quái làm hại. Hai bài số 7 và 8 không có trong bản Pali. Hai chữ kiến pháp của bài số 8 có thể dịch hoặc là ‘‘thấy được chánh pháp’’, hoặc ‘‘thấy được chân tướng các pháp’’.

Bài kệ 1

Ý sử tác cẩu 意 使 作 狗

Nan hộ nan cấm 難 護 難 禁

Tuệ chánh kỳ bổn 慧 正 其 本

Kỳ minh nãi đại 其 明 乃 大

Ý thức lăng xăng như một con vượn, khó kiểm soát. Có tuệ giác thì chuyển hóa được nó tận gốc rễ, khi ấy nó sẽ sáng chói ra một cách vĩ đại.

Bài k 2

Khinh táo nan trì 輕 躁 難 持

Duy dục thị tùng 唯 欲 是 從

Chế ý vi thiện 制 意 為 善

Tự điều tắc ninh 自 調 則 寧

Ý bồn chồn, khó mà nắm bắt, (chỉ có thể đi theo quán sát nó). Nếu chế ngự được ý, tự điều phục được tâm mình thì sẽ có bình an.

Bài kệ 3

Ý vi nan kiến 意 微 難 見

Tùy dục nhi hành 隨 欲 而 行

Tuệ thường tự hộ 慧 常 自 護

Năng thủ tức an 能 守 即 安

Ý vi tế khó thấy, thường đi theo tham dục. Người có tuệ giác nhờ biết tự bảo hộ bản thân thường xuyên cho nên có thể chế ngự và đạt tới an lạc.

Bài kệ 4

Độc hành viễn thệ 獨 行 遠 逝

Phúc tạng vô hình 覆 藏 無 形

Tổn ý cận đạo 損 意 近 道

Ma hệ nãi giải 魔 繫 乃 解

Ý đi một mình, có thể đi rất xa, che dấu vô hình. Khép nó đi được vào con đường đạo thì mới thoát được những ràng buộc của ma quân.

Bài kệ 5

Tâm vô trụ tức 心 無 住 息

Diệc bất tri Pháp 亦 不 知 法

Mê ư thế sự 迷 於 世 事

Vô hữu chánh trí 無 有 正 智

Nếu tâm không biết an trú, không biết dừng lại, cũng không am tường chân tướng của các pháp thì sẽ bị thế sự mê hoặc, không có được chánh trí.

Bài kệ 6

Niệm vô thích chỉ 念 無 適 止

Bất tuyệt vô biên 不 絕 無 邊

Phước năng át ác 福 能 遏 惡

Giác giả vi hiền 覺 者 為 賢

Nếu biết thực tập chánh niệm để dừng tâm lại, giữ cho nó không bị kẹt vào hai thái cực, thì phước đức sẽ có khả năng ngăn chặn được cái ác và giác ngộ thành bậc hiền giả.

Bài kệ 7

Phật thuyết tâm Pháp 佛 說 心 法

Tuy vi phi chân 雖 微 非 真

Đương giác dật ý 當 覺 逸 意

Mạc tùy phóng tâm 莫 隨 放 心

Bụt dạy, tâm ý tuy mầu nhiệm vi tế, nhưng không có gì chắc thật. Ta phải ý thức về cái bôn ba của nó, đừng để cho nó phóng túng.

Bài kệ 8

Kiến Pháp tối an 見 法 最 安

Sở nguyện đắc thành 所 願 得 成

Tuệ hộ vi ý 慧 護 微 意

Đoạn khổ nhân duyên 斷 苦 因 緣

Thấy được chân tướng các pháp thì đạt tới an ổn tối thượng, thành đạt được sở nguyện. Người có trí tuệ biết hộ trì tâm ý vi tế của mình và chấm dứt các điều kiện đưa tới khổ đau.

Bài kệ 9

Hữu thân bất cửu 有 身 不 久

Giai đương quy thổ 皆 當 歸 土

Hình hoại thần khứ 形 壞 神 去

Ký trụ hà tham 寄 住 何 貪

Thân này không tồn tại lâu dài, sẽ trở lại thành đất. Khi hình hài hủy hoại thì thần thức phải đi, đó là chuyện phó thác, gửi gắm tạm thời, đừng có tham đắm.

Bài kệ 10

Tâm dự tạo xứ 心 豫 造 處

Vãng lai vô đoan 往 來 無 端

Niệm đa tà tích 念 多 邪 僻

Tự vi chiêu ác 自 為 招 惡

Tâm tạo ra xứ sở, tới lui không đầu mối, cái liên tưởng thường đưa ta đi về hướng tà quấy để rồi tự mình chiêu lấy nghiệp quả ác.

Bài kệ 11

Thị ý tự tạo 是 意 自 造

Phi phụ mẫu vi 非 父 母 為

Khả miễn hướng chánh 可 勉 向 正

Vi phước vật hồi 為 福 勿 回

Tất cả đều do tâm ý mình tự tạo tác ra, cha mẹ không làm gì để giúp mình được. Phải cố gắng hướng về nẻo chính, để làm việc phước đức, đừng đi ngược lại.

Bài kệ 12

Tạng lục như quy 藏 六 如 龜

Phòng ý như thành 防 意 如 城

Tuệ dữ ma chiến 慧 與 魔 戰

Thắng tắc vô hoạn 勝 則 無 患

Như con rùa bảo hộ sáu vóc của nó, ta phải phòng hộ tâm ý ta như phòng hộ thành quách của mình. Chỉ có tuệ giác mới có khả năng chiến thắng ma quân và sau chiến thắng đó sẽ không còn hoạn nạn nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
19 Tháng Năm 2015(Xem: 8026)
Như một sự tình cờ, bản dịch kinh “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện” dưới hình thức thi kệ này được hoàn thành trong thời gian 49 ngày.
30 Tháng Tư 2015(Xem: 7387)
Hidden for centuries in a sealed-up cave in north-west China, this copy of the 'Diamond Sutra' is the world's earliest complete survival of a dated printed book. It was made in 868. Seven strips of yellow-stained paper were printed from carved wooden blocks and pasted together to form a scroll over 5m long.
19 Tháng Ba 2015(Xem: 9845)
Những sinh viên học viện Phật giáo được khuyến khích học tiếng Sanskit (Phạn) ngay cả đối với sự hiểu biết cơ bản của ngôn ngữ là một sự hỗ trợ đáng kể trong việc tìm hiểu cả Kinh Văn Tây Tạng và Trung Quốc.
25 Tháng Hai 2015(Xem: 8124)
25 Tháng Hai 2015(Xem: 7653)
05 Tháng Giêng 2015(Xem: 5500)
Ngày xưa có một tỳ kheo, thông minh và đầy trí tuệ. Khi thầy lâm trọng bệnh, đệ tử hỏi thầy rằng: Thầy đắc đạo A-la-hán (4) được chưa ? Thầy trả lời: Chưa được. Đệ tử lại hỏi: Vậy Thầy đắc đạo bất hoàn chứ ? Thầy trả lời: Chưa đâu. Đệ tử lại thưa rằng: Thầy hành đạo cao và nổi tiếng, như vậy vì sao không thành chánh quả?
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 9313)
Nếu tính từ thời điểm vua Lương Vũ Đế tổ chức trai hội Vu lan ở chùa Đồng Thái vào năm Đại Đồng thứ tư (538)1, thì lễ hội Vu lan của Phật giáo Bắc truyền đã có lịch sử hình thành gần 1.500 năm. Với chiều dài lịch sử đó, đã khẳng định những cống hiến riêng có của lễ hội này, trong tiến trình phát triển văn hóa của nhân loại nói chung và của Phật giáo nói riêng. Tuy nhiên
15 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6619)
Sau quá trình khảo sát nghiêm túc về các bộ Đại tạng kinh Hán ngữ hiện có3, chúng tôi đã không phát hiện toàn văn của bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng. Đây là dấu hiệu sơ khởi cho thấy các nhà biên tập Đại tạng kinh đã có một sự thẩm sát đúng mực, khi không đưa bản kinh này vào Đại tạng kinh