Kinh Điều Phục Tâm Ý

12 Tháng Sáu 201416:14(Xem: 5579)
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh dịch

Tâm Ý Phẩm Pháp Cú Kinh đệ thập nhất

心意品法句經第十一

Kinh Điều Phục Tâm Ý

Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Kinh thứ 11

Phẩm này có 12 bài kệ. Biết tâm ý là đầu mối của ngôn ngữ và hành động cho nên phải học cách điều phục tâm ý. Vì thế, phẩm này bổ sung cho phẩm Song Yếu (phẩm thứ 9). Bốn bài kệ đầu nói về ý như một cái gì khó nắm bắt. Nếu có chánh niệm (tuệ giác) thì mình mới có thể điều phục được ý, và làm cho tâm trở nên sáng chói. Bài kệ đầu đã có ý xiển dương giáo lý tâm tính bản tịnh. Bài thứ 6 nói về sự thực tập chánh niệm để điều phục tâm ý và giúp cho tâm ý không bị kẹt vào cái nhìn lưỡng nguyên (thiện ác, có không, sinh diệt, một nhiều,…). Bài kệ thứ 12 đưa ra hình ảnh con rùa giấu đi sáu vóc của nó để đừng bị tấn công, cũng như hành giả sử dụng chánh niệm để bảo hộ sáu căn, sáu thức, không để cho những thế lực ma quái làm hại. Hai bài số 7 và 8 không có trong bản Pali. Hai chữ kiến pháp của bài số 8 có thể dịch hoặc là ‘‘thấy được chánh pháp’’, hoặc ‘‘thấy được chân tướng các pháp’’.

Bài kệ 1

Ý sử tác cẩu 意 使 作 狗

Nan hộ nan cấm 難 護 難 禁

Tuệ chánh kỳ bổn 慧 正 其 本

Kỳ minh nãi đại 其 明 乃 大

Ý thức lăng xăng như một con vượn, khó kiểm soát. Có tuệ giác thì chuyển hóa được nó tận gốc rễ, khi ấy nó sẽ sáng chói ra một cách vĩ đại.

Bài k 2

Khinh táo nan trì 輕 躁 難 持

Duy dục thị tùng 唯 欲 是 從

Chế ý vi thiện 制 意 為 善

Tự điều tắc ninh 自 調 則 寧

Ý bồn chồn, khó mà nắm bắt, (chỉ có thể đi theo quán sát nó). Nếu chế ngự được ý, tự điều phục được tâm mình thì sẽ có bình an.

Bài kệ 3

Ý vi nan kiến 意 微 難 見

Tùy dục nhi hành 隨 欲 而 行

Tuệ thường tự hộ 慧 常 自 護

Năng thủ tức an 能 守 即 安

Ý vi tế khó thấy, thường đi theo tham dục. Người có tuệ giác nhờ biết tự bảo hộ bản thân thường xuyên cho nên có thể chế ngự và đạt tới an lạc.

Bài kệ 4

Độc hành viễn thệ 獨 行 遠 逝

Phúc tạng vô hình 覆 藏 無 形

Tổn ý cận đạo 損 意 近 道

Ma hệ nãi giải 魔 繫 乃 解

Ý đi một mình, có thể đi rất xa, che dấu vô hình. Khép nó đi được vào con đường đạo thì mới thoát được những ràng buộc của ma quân.

Bài kệ 5

Tâm vô trụ tức 心 無 住 息

Diệc bất tri Pháp 亦 不 知 法

Mê ư thế sự 迷 於 世 事

Vô hữu chánh trí 無 有 正 智

Nếu tâm không biết an trú, không biết dừng lại, cũng không am tường chân tướng của các pháp thì sẽ bị thế sự mê hoặc, không có được chánh trí.

Bài kệ 6

Niệm vô thích chỉ 念 無 適 止

Bất tuyệt vô biên 不 絕 無 邊

Phước năng át ác 福 能 遏 惡

Giác giả vi hiền 覺 者 為 賢

Nếu biết thực tập chánh niệm để dừng tâm lại, giữ cho nó không bị kẹt vào hai thái cực, thì phước đức sẽ có khả năng ngăn chặn được cái ác và giác ngộ thành bậc hiền giả.

Bài kệ 7

Phật thuyết tâm Pháp 佛 說 心 法

Tuy vi phi chân 雖 微 非 真

Đương giác dật ý 當 覺 逸 意

Mạc tùy phóng tâm 莫 隨 放 心

Bụt dạy, tâm ý tuy mầu nhiệm vi tế, nhưng không có gì chắc thật. Ta phải ý thức về cái bôn ba của nó, đừng để cho nó phóng túng.

Bài kệ 8

Kiến Pháp tối an 見 法 最 安

Sở nguyện đắc thành 所 願 得 成

Tuệ hộ vi ý 慧 護 微 意

Đoạn khổ nhân duyên 斷 苦 因 緣

Thấy được chân tướng các pháp thì đạt tới an ổn tối thượng, thành đạt được sở nguyện. Người có trí tuệ biết hộ trì tâm ý vi tế của mình và chấm dứt các điều kiện đưa tới khổ đau.

Bài kệ 9

Hữu thân bất cửu 有 身 不 久

Giai đương quy thổ 皆 當 歸 土

Hình hoại thần khứ 形 壞 神 去

Ký trụ hà tham 寄 住 何 貪

Thân này không tồn tại lâu dài, sẽ trở lại thành đất. Khi hình hài hủy hoại thì thần thức phải đi, đó là chuyện phó thác, gửi gắm tạm thời, đừng có tham đắm.

Bài kệ 10

Tâm dự tạo xứ 心 豫 造 處

Vãng lai vô đoan 往 來 無 端

Niệm đa tà tích 念 多 邪 僻

Tự vi chiêu ác 自 為 招 惡

Tâm tạo ra xứ sở, tới lui không đầu mối, cái liên tưởng thường đưa ta đi về hướng tà quấy để rồi tự mình chiêu lấy nghiệp quả ác.

Bài kệ 11

Thị ý tự tạo 是 意 自 造

Phi phụ mẫu vi 非 父 母 為

Khả miễn hướng chánh 可 勉 向 正

Vi phước vật hồi 為 福 勿 回

Tất cả đều do tâm ý mình tự tạo tác ra, cha mẹ không làm gì để giúp mình được. Phải cố gắng hướng về nẻo chính, để làm việc phước đức, đừng đi ngược lại.

Bài kệ 12

Tạng lục như quy 藏 六 如 龜

Phòng ý như thành 防 意 如 城

Tuệ dữ ma chiến 慧 與 魔 戰

Thắng tắc vô hoạn 勝 則 無 患

Như con rùa bảo hộ sáu vóc của nó, ta phải phòng hộ tâm ý ta như phòng hộ thành quách của mình. Chỉ có tuệ giác mới có khả năng chiến thắng ma quân và sau chiến thắng đó sẽ không còn hoạn nạn nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14771)
Gần đây, thầy Nhất Hạnh đã dịch lại Tâm kinh Bát-nhã. Trang Làng Mai có đăng tải bản dịch mới, kèm theo những giải thích của thầy về việc phải dịch lại Tâm kinh. Rất nhiều trang mạng đã đăng tải bản dịch mới này, trong đó có cả Thư viện Hoa Sen. Bên dưới bài đăng ở Thư viện Hoa Sen có nhiều nhận xét của người đọc để lại, cho thấy khá nhiều ý kiến trái chiều nhau quan tâm đến việc này.
24 Tháng Mười 2014(Xem: 11878)
Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (phiên latinh từ Phạn ngữ: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra,Prajnaparamitahridaya Sutra; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra, tiếng Hoa: 般若波羅蜜多心經; âmHán Việt: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh) còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. Dưới đây là sáu bản dịch Việt từ sáu bản dịch tiếng Trung khác nhau:
10 Tháng Mười 2014(Xem: 12385)
Viên giác là nói về tuệ giác viên mãn của Phật. Nên kinh này rõ ràng duyệt xét khá kỹ về trí thức con người. Điều kỳ dị trong việc này là đối với trí thức ấy không công nhận mà có vẻ công nhận. Thí dụ chương Tịnh chư nghiệp chướng nói về sự tự ý thức tự ngã: tự biết mới hiện ra tự ngã, vậy là không công nhận, nhưng tự hiểu như vậy nên cũng hiểu tự ngã ấy không đáng nhận, vậy là có vẻ công nhận.
19 Tháng Chín 2014(Xem: 12069)
Kinh Hiền Ngu thuộc bộ phận “Thí dụ” hoặc “Nhân duyên”, là một trong mười hai phần giáo của Kinh điển. Nội dung kinh này gồm những mẩu chuyện ghi chếp về tiền thân của đức Phật ở đời quá khứ có liên hệ với hiện tại, hoặc ở đời hiện tại có liên hệ với quá khứ, cũng là những chuyện được Phật hóa độ, Phật thụ ký, và những chuyện khuyến thiện trừng ác… Về kỹ thuật thuyết minh, chuyện dựa trên căn bản nhân duyên hoặc thí dụ, thiện nghiệp và ác nghiệp. Căn cứ vào những phần tướng của thiện và ác nên mới có hiền và ngu. Vì vậy nên tên kinh gọi là Hiền Ngu, nay gọi tắt là “Kinh Hiền”
14 Tháng Chín 2014(Xem: 12046)
(Bản dịch Tâm Kinh mới của Sư Ông Làng Mai)....Tâm kinh Bát-nhã có chủ ý muốn giúp cho Hữu Bộ (Sarvāstivāda) buông bỏ chủ trương ngã không pháp hữu (không có ngã, mà chỉ có pháp). Chủ trương sâu sắc của Bát-nhã thật ra là để xiển dương tuệ giác ngã không (ātma sūnyatā) và pháp không (dharma sūnyatā) chứ không phải là ngã vô và pháp vô. Bụt đã dạy trong kinh Kātyāyana rằng phần lớn người đời đều bị kẹt vào ý niệm hữu hoặc vô. ...
01 Tháng Tám 2014(Xem: 7931)
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 8502)
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 9118)
12 Tháng Sáu 2014(Xem: 10131)
Dhammapada là giáo nghĩa thiết yếu của các kinh. Dhamma là pháp, Pada là câu, là cú, là kệ. Pháp Cú có nhiều bộ khác nhau: có bộ có 900 câu kệ, có bộ 700 câu, và có bộ 500 câu. Kệ là những lời ngắn gọn, như bài thơ, bài tụng. Những câu ấy do Bụt nói ra, không phải một lần tất cả các câu, mà chỉ khi nào xúc sự thì mới nói lên một câu. Tất cả các câu ấy đều có gốc gác rải rác trong các kinh.