Kinh Thực Tập Ái Ngữ

12 Tháng Sáu 201415:57(Xem: 5373)
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh dịch

Ngôn Ngữ Phẩm Pháp Cú Kinh đệ bát

言語品法句經第八

Kinh Thực Tập Ái Ngữ

Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Kinh thứ 8

Phẩm này có 12 bài kệ. Bài kệ thứ 12 dạy ta nên học nói năng theo kiểu nói năng của Bụt: Mỗi lời nói đều có thể đưa tới an lành, có công năng xây dựng tăng thân và môi trường tốt cho sự thực tập.‘‘Đó là thứ ngôn ngữ cao nhất của các thứ ngôn ngữ’’. Nếu ta thực tập buông bỏ được ý muốn trừng phạt, nếu tâm ta chí thành muốn cho ai cũng bớt khổ thì tự khắc lời nói của ta trở nên lời nói cam lộ. Đó là ý chính của bài kệ thứ 11, ái ngữ đi với lắng nghe sẽ giúp ta và kẻ khác tái lập được truyền thông và đưa tới nếp sống thuận thảo an lành. Bài kệ thứ 3 là một tiếng chuông chánh niệm: Sử dụng ác ngữ thì cũng như ngậm một cái búa trong miệng mình; chiếc búa ấy sẽ chặt đứt sinh mạng của chính mình. Bài kệ thứ 5 nói lên được cách hành xử đẹp nhất trên đời: lấy oán báo oán, oán oán chập chùng, lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.

Bài kệ 1

Ác ngôn mạ lị 惡 言 罵 詈

Kiêu lăng miệt nhân 憍 陵 蔑 人

Hưng khởi thị hành 興 起 是 行

Tật oán tư sanh 疾 怨 滋 生

Kiêu căng, sử dụng những lời ác độc để chửi mắng, lăng mạ và tỏ ý khinh miệt người khác, làm như thế thì sẽ gây ra nhiều thù oán.

Bài kệ 2

Tốn ngôn thuận từ 遜 言 順 辭

Tôn kính ư nhân 尊 敬 於 人

Khí kết nhẫn ác 棄 結 忍 惡

Tật oán tự diệt 疾 怨 自 滅

Sử dụng lời nói từ tốn, thuận thảo và lịch sự đối với người khác thì có thể dập tắt được những oán kết. Nhẫn nhục được trong những trường hợp bức xúc, làm như thế thì ganh ghét và hờn oán sẽ tự tiêu tan.

Bài kệ 3

Phu sĩ chi sanh 夫 士 之 生

Phủ tại khẩu trung 斧 在 口 中

Sở dĩ trảm thân 所 以 斬 身

Do kỳ ác ngôn 由 其 惡 言

Con người sinh ra trên đời nếu sử dụng ác ngữ thì cũng như có một lưỡi búa trong miệng mình. Chính lưỡi búa ấy sẽ chặt đứt thân mạng của mình.

Bài kệ 4

Tránh vi thiểu lợi 諍 為 少 利

Như yểm thất tài 如 掩 失 財

Tòng bỉ trí tránh 從 彼 致 諍

Lệnh ý hướng ác 令 意 向 惡

Cãi cọ không đem lại một chút lợi ích nào, chỉ có tác dụng bít lấp truyền thông, làm hao thất tài sản mình và đưa tới tranh chấp khiến cho tâm ý hướng về nẻo xấu.

Bài kệ 5

Dự ác ác sở dự 譽 惡 惡 所 譽

Thị nhị câu vi ác 是 二 俱 為 惡

Hảo dĩ khẩu quái đấu 好 以 口 儈 鬪

Thị hậu giai vô an 是 後 皆 無 安

Khen ngợi cái ác cũng như nói lời ghét bỏ những người được xưng tụng, cả hai đều là chuyện không nên làm. Ưa thích tranh cãi và đấu lý sẽ đem lại tình trạng không có bình an sau này.

Bài kệ 6

Vô đạo đọa ác đạo 無 道 墮 惡 道

Tự tăng địa ngục khổ 自 增 地 獄 苦

Viễn ngu tu nhẫn ý 遠 愚 修 忍 意

Niệm đế tắc vô phạm 念 諦 則 無 犯

Lời nói không phù hợp đạo lý sẽ làm cho mình sa đọa vào các con đường dữ, chỉ có công dụng làm lớn thêm cái khổ địa ngục của mình. Biết lánh xa kẻ ngu phu, biết tu hạnh nhẫn nhịn và luôn luôn nhớ tới sự hành trì trên con đường tứ đế và bát chánh đạo thì sẽ không phạm vào lầm lỗi ấy.

Bài kệ 7

Tùng thiện đắc giải thoát 從 善 得 解 脫

Vi ác bất đắc giải 為 惡 不 得 解

Thiện giải giả vi hiền 善 解 者 為 賢

Thị vi thoát ác não 是 為 脫 惡 惱

Hành xử hiền lành thì đạt tới giải thoát, hành xử dữ dằn thì không tự cởi trói cho mình được. Kẻ biết khéo léo hóa giải là bậc hiền nhân, có khả năng vượt ra ngoài mọi não phiền hung dữ.

Bài kệ 8

Giải tự bão tổn ý 解 自 抱 損 意

Bất táo ngôn đắc trung 不 躁 言 得 中

Nghĩa thuyết như pháp thuyết 義 說 如 法 說

Thị ngôn nhu nhuyễn cam 是 言 柔 軟 甘

Đừng ôm ấp ý muốn làm tổn hại và trừng phạt người khác. Không có tiết tháo thì lời nói không trung thực. Nói lời có nghĩa, có lý thì cũng giống như nói pháp, những lời như thế có vị ngọt của Cam lộ.

Bài kệ 9

Thị dĩ ngôn ngữ giả 是 以 言 語 者

Tất sử kỷ vô hoạn 必 使 己 無 患

Diệc bất khắc chúng nhân 亦 不 尅 眾 人

Thị vi năng thiện ngôn 是 為 能 善 言

Ai có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt lành ấy thì sẽ không tạo tai họa cho chính mình, cũng không gây xung đột với người.

Bài kệ 10

Ngôn sử đầu ý khả 言 使 投 意 可

Diệc lệnh đắc hoan hỉ 亦 令 得 歡 喜

Bất sử chí ác ý 不 使 至 惡 意

Xuất ngôn chúng tất khả 出 言 眾 悉 可

Lời nói gây ra được sự tâm đầu ý hợp có tác dụng làm cho người ta hoan hỷ, không đưa tới ác ý. Nói năng được như thế có thể giúp cho mọi người chấp nhận hài hòa.

Bài kệ 11

Chí thành cam lộ thuyết 至 誠 甘 露 說

Như pháp nhi vô quá 如 法 而 無 過

Đế như nghĩa như pháp 諦 如 義 如 法

Thị vi cận đạo lập 是 為 近 道 立

Tâm chí thành đưa tới lời nói cam lộ, đúng như giáo pháp mà không ai có thể trách cứ được. Lời nói ấy phù hợp với chân nghĩa, với chánh pháp, đi đúng vào con đường chánh đạo.

Bài kệ 12

Thuyết như Phật ngôn giả 說 如 佛 言 者

Thị cát đắc diệt độ 是 吉 得 滅 度

Vi năng tác hạo tế 為 能 作 浩 際

Thị vị ngôn trung thượng 是 謂 言 中 上

Nên sử dụng ngôn ngữ của Bụt sử dụng, nói những lời an lành có công năng đưa tới Niết Bàn và có công năng xây dựng được môi trường tu tập chánh pháp. Đó là thứ ngôn ngữ cao nhất của tất cả các ngôn ngữ.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14774)
Gần đây, thầy Nhất Hạnh đã dịch lại Tâm kinh Bát-nhã. Trang Làng Mai có đăng tải bản dịch mới, kèm theo những giải thích của thầy về việc phải dịch lại Tâm kinh. Rất nhiều trang mạng đã đăng tải bản dịch mới này, trong đó có cả Thư viện Hoa Sen. Bên dưới bài đăng ở Thư viện Hoa Sen có nhiều nhận xét của người đọc để lại, cho thấy khá nhiều ý kiến trái chiều nhau quan tâm đến việc này.
24 Tháng Mười 2014(Xem: 11881)
Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (phiên latinh từ Phạn ngữ: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra,Prajnaparamitahridaya Sutra; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra, tiếng Hoa: 般若波羅蜜多心經; âmHán Việt: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh) còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. Dưới đây là sáu bản dịch Việt từ sáu bản dịch tiếng Trung khác nhau:
10 Tháng Mười 2014(Xem: 12391)
Viên giác là nói về tuệ giác viên mãn của Phật. Nên kinh này rõ ràng duyệt xét khá kỹ về trí thức con người. Điều kỳ dị trong việc này là đối với trí thức ấy không công nhận mà có vẻ công nhận. Thí dụ chương Tịnh chư nghiệp chướng nói về sự tự ý thức tự ngã: tự biết mới hiện ra tự ngã, vậy là không công nhận, nhưng tự hiểu như vậy nên cũng hiểu tự ngã ấy không đáng nhận, vậy là có vẻ công nhận.
19 Tháng Chín 2014(Xem: 12071)
Kinh Hiền Ngu thuộc bộ phận “Thí dụ” hoặc “Nhân duyên”, là một trong mười hai phần giáo của Kinh điển. Nội dung kinh này gồm những mẩu chuyện ghi chếp về tiền thân của đức Phật ở đời quá khứ có liên hệ với hiện tại, hoặc ở đời hiện tại có liên hệ với quá khứ, cũng là những chuyện được Phật hóa độ, Phật thụ ký, và những chuyện khuyến thiện trừng ác… Về kỹ thuật thuyết minh, chuyện dựa trên căn bản nhân duyên hoặc thí dụ, thiện nghiệp và ác nghiệp. Căn cứ vào những phần tướng của thiện và ác nên mới có hiền và ngu. Vì vậy nên tên kinh gọi là Hiền Ngu, nay gọi tắt là “Kinh Hiền”
14 Tháng Chín 2014(Xem: 12047)
(Bản dịch Tâm Kinh mới của Sư Ông Làng Mai)....Tâm kinh Bát-nhã có chủ ý muốn giúp cho Hữu Bộ (Sarvāstivāda) buông bỏ chủ trương ngã không pháp hữu (không có ngã, mà chỉ có pháp). Chủ trương sâu sắc của Bát-nhã thật ra là để xiển dương tuệ giác ngã không (ātma sūnyatā) và pháp không (dharma sūnyatā) chứ không phải là ngã vô và pháp vô. Bụt đã dạy trong kinh Kātyāyana rằng phần lớn người đời đều bị kẹt vào ý niệm hữu hoặc vô. ...
01 Tháng Tám 2014(Xem: 7940)
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 8508)
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 9118)
12 Tháng Sáu 2014(Xem: 10132)
Dhammapada là giáo nghĩa thiết yếu của các kinh. Dhamma là pháp, Pada là câu, là cú, là kệ. Pháp Cú có nhiều bộ khác nhau: có bộ có 900 câu kệ, có bộ 700 câu, và có bộ 500 câu. Kệ là những lời ngắn gọn, như bài thơ, bài tụng. Những câu ấy do Bụt nói ra, không phải một lần tất cả các câu, mà chỉ khi nào xúc sự thì mới nói lên một câu. Tất cả các câu ấy đều có gốc gác rải rác trong các kinh.