Kinh Quán Chiếu Vô Thường

12 Tháng Sáu 201415:24(Xem: 5721)
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh Việt dịch

Vô thường phẩm Pháp Cú kinh đệ nhất

無 常 品 法 句 經 第 一

Kinh Quán Chiếu Vô Thường

Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Kinh thứ 1

Vô thường là một phép quán, giúp cho ta thấy được tính cách biến đổi thành hoại mau chóng của hình hài cũng như của mọi vật, trong đó có cả tâm ý. Quán vô thường giúp ta trân quý những gì đang có mặt và sống được sâu sắc mỗi giây phút của sự sống hằng ngày. Quán vô thường ta sẽ buông bỏ được những gì phù hoa, không thật, không đem lại bình an thật sự cho ta sau này. Vô thường cũng là một phép thiền định. Cái thấy vô thường đưa tới cái thấy vô ngã và tháo gỡ được cho ta tất cả các phiền não như tham, giận, kiêu căng...

Tôi rất thích bài kệ đầu: Ý thức là mình vừa mới ngủ dậy thì nên mở tâm vui mừng. Ngày xưa tôi đã viết bài hát “Thức dậy hôm nay tôi thấy trời xanh, chắp tay tôi cám ơn đời mầu nhiệm…”. Tôi cũng đã viết bài kệ:

“Thức dậy mỉm miệng cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời”.

Bài kệ thứ hai tóm thu được toàn bộ giáo lý đạo Bụt: đó là bài kệ nổi tiếng:

“Chư hạnh vô thường

Thị sinh diệt pháp

Sinh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc”

Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, có sinh rồi thì phải có diệt. Nếu vượt được ý niệm sinh diệt thì tiếp xúc được với cái vui của Niết Bàn. Hai câu đầu nói về thế giới hiện tượng hữu vi, hai câu sau nói về thế giới bản thể vô vi. Niết Bàn và Sinh Diệt không phải là hai thực tại tách rời nhau.

Bài kệ thứ 13 đã được đưa vào Thiền Môn Nhật Tụng để xướng trong buổi công phu chiều: “Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc...”. Tại Làng Mai bài kệ vô thường đã được dựng lại như sau:

Ngày nay đã qua

Đời sống ngắn lại

Hãy nhìn cho kỹ

Ta đã làm gì?

Đại chúng hãy cùng tinh tấn thực tập hết lòng

Sống cho sâu sắc và thảnh thơi

Hãy nhớ vô thường

Đừng để tháng ngày trôi đi oan uổng.”

Bài kệ 1

Thụy miên giải ngụ 睡 眠 解 寤

Nghi hoan hỉ tư 宜 歡 喜 思

Thính ngã sở thuyết 聽 我 所 說

Soạn kí Phật ngôn 撰 記 佛 言

Ý thức là mình vừa ngủ dậy thì nên mở tâm vui mừng. Hãy lắng nghe những lời sau đây ghi chép lại giáo lý của Bụt.

Bài kệ 2

Sở hạnh phi thường 所 行 非 常

Vị hưng suy Pháp 謂 興 衰 法

Phu sanh triếp tử 夫 生 輙 死

Thử diệt vi lạc 此 滅 為 樂

Tất cả các hành đều vô thường, tất cả đều là những cái đã được hình thành và đều sẽ phải suy yếu. Hễ có sinh là phải có diệt. Vượt thoát được cái sinh cái diệt ấy là hạnh phúc lớn.

Bài kệ 3

Thí như đào gia 譬 如 陶 家

Duyên thực tác khí 埏 埴 作 器

Nhất thiết yếu hoại 一 切 要 壞

Nhân mạng diệc nhiên 人 命 亦 然

Như người thợ gốm sử dụng khuôn và đất sét để nặn ra các vật dụng, tất cả những gì được tạo tác ra cuối cùng cũng đều phải bị hư hoại. Mạng sống con người cũng thế.

Bài kệ 4

Như hà sử lưu 如 河 駛 流

Vãng nhi bất phản 往 而 不 返

Nhân mạng như thị 人 命 如 是

Thệ giả bất hoàn 逝 者 不 還

Như con sông chảy xiết, đi mà không trở lại, mạng sống con người cũng như thế, một khi đi qua thì không trở về, già đi thì không trẻ trở lại.

Bài kệ 5

Thí nhân thao trượng 譬 人 操 杖

Hành mục thực ngưu 行 牧 食 牛

Lão tử do nhiên 老 死 猶 然

Diệc dưỡng mạng khứ 亦 養 命 去

Như kẻ mục đồng cầm gậy lùa bò đi ăn cỏ, cái già và cái chết cũng lùa mạng sống của chúng ta đi về nẻo chết.

Bài kệ 6

Thiên bách phi nhất 千 百 非 一

Tộc tính nam nữ 族 姓 男 女

Trữ tụ tài sản 貯 聚 財 產

Vô bất suy tang 無 不 衰 喪

Bất cứ ai, bất cứ là nam hay là nữ, bất cứ thuộc dòng họ nào, trăm ngàn như một, dù có chất chứa tài sản nhiều cách mấy cũng không ai thoát khỏi sự suy tàn.

Bài kệ 7

Sanh giả nhật dạ 生 者 日 夜

Mạng tự công tước 命 自 攻 削

Thọ chi tiêu tận 壽 之 消 盡

Như huỳnh xuyên thủy 如 熒 穿 水

Mỗi ngày mỗi đêm, sinh mạng tự giảm xuống, tuổi thọ cứ tiêu hao dần dần cho đến hết, như nước cạn trong hồ.

Bài kệ 8

Thường giả giai tận 常 者 皆 盡

Cao giả diệc đọa 高 者 亦 墮

Hợp hội hữu ly 合 會 有 離

Sanh giả hữu tử 生 者 有 死

Cái còn dù có dài lâu cách mấy cuối cùng cũng phải trở thành cái hết, cái cao trở thành cái thấp, cái phối hợp đi tới cái ly tan, cái sinh đưa tới cái tử.

Bài kệ 9

Chúng sanh tướng khắc 眾 生 相 剋

Dĩ tang kỳ mạng 以 喪 其 命

Tùy hành sở đọa 隨 行 所 墮

Tự thọ ương phước 自 受 殃 福

Các loài chúng sanh thường xung đột với nhau, do đó mà mạng sống bị tan vỡ, tùy theo hành động của mình mà bị sa đọa hoặc nhận chịu tai ương hoặc thừa hưởng phúc báo.

Bài kệ 10

Lão kiến khổ thống 老 見 苦 痛

Tử tức ý khứ 死 則 意 去

Lạc gia phược ngục 樂 家 縛 獄

Tham thế bất đoạn 貪 世 不 斷

Tuổi già phải gánh chịu đau nhức, khi chết, trước khi tâm thức lìa bỏ thân xác thì lại bị sự tham tiếc gia đình ràng buộc như nơi chốn tù ngục, như vậy thì không thể chấm dứt được luân hồi trong thế gian.

Bài kệ 11

Đốt ta lão chí 咄 嗟 老 至

Sắc biến tác mạo 色 變 作 耄

Thiểu thời như ý 少 時 如 意

Lão kiến đạo tạ 老 見 蹈 藉

Thương biết bao nhiêu! Khi tuổi già đến, nhan sắc biến đổi, suy tàn, ít có điều như ý, tuổi già chỉ thấy dẫm chân tại chỗ.

Bài kệ 12

Tuy thọ bách tuế 雖 壽 百 歲

Diệc tử quá khứ 亦 死 過 去

Vi lão sở yếm 為 老 所 厭

Bệnh điều chí tế 病 條 至 際

Dù có sống tới một trăm tuổi rồi cũng phải chết, tuổi già hay trở nên ngán ngẩm, bệnh tật liên miên cho đến hết đời.

Bài kệ 13

Thị nhật dĩ quá 是 日 已 過

Mạng tức tùy giảm 命 則 隨 減

Như thiểu thủy ngư 如 少 水 魚

Tư hữu hà lạc 斯 有 何 樂

Ngày hôm nay đã qua, mạng sống theo đó mà rút ngắn lại, tình trạng giống tình trạng con cá thiếu nước, còn có cái vui gì?

Bài kệ 14

Lão tắc sắc suy 老 則 色 衰

Sở bệnh tự hoại 所 病 自 壞

Hình bại hủ hủ 形 敗 腐 朽

Mạng chung tự nhiên 命 終 自 然

Tuổi già thì nhan sắc tàn phai, bệnh tật hủy hoại cơ thể, hình hài suy yếu hư nát, tất nhiên phải chết.

Bài kệ 15

Thị thân hà dụng 是 身 何 用

Hằng lậu xú xứ 恒 漏 臭 處

Vi bệnh sở khốn 為 病 所 困

Hữu lão tử hoạn 有 老 死 患

Thân này cần được sử dụng như thế nào? Từ đó chảy ra những chất bất tịnh, bị bệnh tật đưa vào tình trạng khốn đốn. Cái nạn già và chết luôn luôn có đó.

Bài kệ 16

Thị dục tự tứ 嗜 欲 自 恣

Phi pháp thị tăng 非 法 是 增

Bất kiến văn biến 不 見 聞 變

Thọ mạng vô thường 壽 命 無 常

Cứ mặc ý phóng túng trong vòng tham dục thì những điều trái với đạo lý càng ngày càng dồn chứa thêm. Chưa từng thấy cái nghe về sự vô thường biến thiên của vạn pháp cho nên người ta không biết là thọ mạng cũng vô thường.

Bài kệ 17

Phi hữu tử thị 非 有 子 恃

Diệc phi phụ huynh 亦 非 父 兄

Vi tử sở bách 為 死 所 迫

Vô thân khả hỗ 無 親 可 怙

Dù có con cháu, dù có cha anh ở đấy đi nữa thì khi thần chết đến mời, không người thân nào có thể nương tựa giúp giữ mình ở lại.

Bài kệ 18

Trú dạ mạn nọa 晝 夜 慢 惰

Lão bất chỉ dâm 老 不 止 婬

Hữu tài bất thí 有 財 不 施

Bất thọ Phật ngôn 不 受 佛 言

Hữu thử tứ tệ 有 此 四 弊

Vi tự xâm khi 為 自 侵 欺

Đêm ngày kiêu mạn, lười biếng, cho đến già rồi vẫn còn giữ thói dâm dật, có của mà không chịu chia sẻ cho kẻ thiếu thốn, chẳng biết vâng làm theo lời Bụt dạy, chính những cái thói xấu ác này sẽ làm hại chính mình.

Bài kệ 19

Phi không phi hải trung 非 空 非 海 中

Phi nhập sơn thạch gian 非 入 山 石 間

Vô hữu địa phương sở 無 有 地 方 所

Thoát chi bất thọ tử 脫 之 不 受 死

Dù có đi trốn tới một địa phương nào đi nữa, trên không trung, dưới đáy biển hay trong hốc núi cũng không thể nào thoát được cái chết.

Bài kệ 20

Thị vụ thị ngô tác 是 務 是 吾 作

Đương tác lệnh trí thị 當 作 令 致 是

Nhân vi thử táo nhiễu 人 為 此 燥 擾

Lý tiễn lão tử ưu 履 踐 老 死 憂

Sự việc xảy ra như đã xảy ra trong hiện tại, là do tự ta gây ra, sự việc sẽ xảy ra trong tương lai cũng thế, là do tự ta cả. Con người lâm vào tình trạng nhiễu loạn thảm thương như thế cho nên cứ phải mãi mãi đi tới với nỗi lo âu về cái già và cái chết.

Bài kệ 21

Tri thử năng tự tịnh 知 此 能 自 淨

Như thị kiến sanh tận 如 是 見 生 盡

Tỳ-kheo yếm ma binh 比 丘 厭 魔 兵

Tùng sanh tử đắc độ 從 生 死 得 度

Biết được như thế ta phải cương quyết tự thanh tịnh hóa thân tâm và làm khô cạn chất liệu luân hồi. Vị khất sĩ làm được như vậy mới mong thoát được vòng vây của binh đội ma vương và vượt thoát được lưới sinh tử.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14774)
Gần đây, thầy Nhất Hạnh đã dịch lại Tâm kinh Bát-nhã. Trang Làng Mai có đăng tải bản dịch mới, kèm theo những giải thích của thầy về việc phải dịch lại Tâm kinh. Rất nhiều trang mạng đã đăng tải bản dịch mới này, trong đó có cả Thư viện Hoa Sen. Bên dưới bài đăng ở Thư viện Hoa Sen có nhiều nhận xét của người đọc để lại, cho thấy khá nhiều ý kiến trái chiều nhau quan tâm đến việc này.
24 Tháng Mười 2014(Xem: 11881)
Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (phiên latinh từ Phạn ngữ: Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra,Prajnaparamitahridaya Sutra; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra, tiếng Hoa: 般若波羅蜜多心經; âmHán Việt: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh) còn được gọi là Bát-nhã tâm kinh, hay Tâm Kinh. Đây là kinh ngắn nhất chỉ có khoảng 260 chữ của Phật giáo Đại thừa và Thiền tông. Nó cũng là kinh tinh yếu của bộ kinh Đại Bát Nhã gồm 600 cuốn. Dưới đây là sáu bản dịch Việt từ sáu bản dịch tiếng Trung khác nhau:
10 Tháng Mười 2014(Xem: 12390)
Viên giác là nói về tuệ giác viên mãn của Phật. Nên kinh này rõ ràng duyệt xét khá kỹ về trí thức con người. Điều kỳ dị trong việc này là đối với trí thức ấy không công nhận mà có vẻ công nhận. Thí dụ chương Tịnh chư nghiệp chướng nói về sự tự ý thức tự ngã: tự biết mới hiện ra tự ngã, vậy là không công nhận, nhưng tự hiểu như vậy nên cũng hiểu tự ngã ấy không đáng nhận, vậy là có vẻ công nhận.
19 Tháng Chín 2014(Xem: 12070)
Kinh Hiền Ngu thuộc bộ phận “Thí dụ” hoặc “Nhân duyên”, là một trong mười hai phần giáo của Kinh điển. Nội dung kinh này gồm những mẩu chuyện ghi chếp về tiền thân của đức Phật ở đời quá khứ có liên hệ với hiện tại, hoặc ở đời hiện tại có liên hệ với quá khứ, cũng là những chuyện được Phật hóa độ, Phật thụ ký, và những chuyện khuyến thiện trừng ác… Về kỹ thuật thuyết minh, chuyện dựa trên căn bản nhân duyên hoặc thí dụ, thiện nghiệp và ác nghiệp. Căn cứ vào những phần tướng của thiện và ác nên mới có hiền và ngu. Vì vậy nên tên kinh gọi là Hiền Ngu, nay gọi tắt là “Kinh Hiền”
14 Tháng Chín 2014(Xem: 12047)
(Bản dịch Tâm Kinh mới của Sư Ông Làng Mai)....Tâm kinh Bát-nhã có chủ ý muốn giúp cho Hữu Bộ (Sarvāstivāda) buông bỏ chủ trương ngã không pháp hữu (không có ngã, mà chỉ có pháp). Chủ trương sâu sắc của Bát-nhã thật ra là để xiển dương tuệ giác ngã không (ātma sūnyatā) và pháp không (dharma sūnyatā) chứ không phải là ngã vô và pháp vô. Bụt đã dạy trong kinh Kātyāyana rằng phần lớn người đời đều bị kẹt vào ý niệm hữu hoặc vô. ...
01 Tháng Tám 2014(Xem: 7937)
01 Tháng Bảy 2014(Xem: 8508)
29 Tháng Sáu 2014(Xem: 9118)
12 Tháng Sáu 2014(Xem: 10132)
Dhammapada là giáo nghĩa thiết yếu của các kinh. Dhamma là pháp, Pada là câu, là cú, là kệ. Pháp Cú có nhiều bộ khác nhau: có bộ có 900 câu kệ, có bộ 700 câu, và có bộ 500 câu. Kệ là những lời ngắn gọn, như bài thơ, bài tụng. Những câu ấy do Bụt nói ra, không phải một lần tất cả các câu, mà chỉ khi nào xúc sự thì mới nói lên một câu. Tất cả các câu ấy đều có gốc gác rải rác trong các kinh.