Chương 28: Không Nên Chủ Quan (Khi Chưa Phải Là A La Hán)

18 Tháng Giêng 201100:00(Xem: 13500)

Tủ Sách Đạo Phật Ngày Nay
TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2010

Chương 28: Không nên chủ quan (Khi chưa phải là A La Hán)

I. DỊCH NGHĨA

Đức Phật dạy rằng: Này các Tỳ kheo, chớ quá tự tin, ỷ lại. Ý các thầy chưa thể tin được, phải dè dặt, chớ gần gũi với sắc đẹp, gần sắc đẹp thì họa sinh. Khi chứng được A la hán mới có thể tự tin.

II. LƯỢC GIẢI

Cũng là đề cập đến phạm hạnh của Tỳ kheo, nhưng ở chương này Đức Phật nhấn mạnh đến điều kiện giữ gìn phạm hạnh thông qua giới hạn của đức tin tự tín chủ quan và đức tin viên mãn của A la hán.

Đức tin tự tín được nêu lên ở đây như một thái độ chủ quan duy ý chí, ỷ vào chính mình một cách quá đà, không biết lượng sức, để rồi từ đó tự đẩy mình vào ngõ cụt của phạm hạnh bể vụn, tỳ vết. Nếu như sự tự tín trong phạm trù lục tín (tín tự, tín tha, tín nhân, tín quả, tín sự, tín lý) là yếu tố cấu thành nhận thức quan đúng đắn đối với nhân quả sự lý và còn là yếu tố tăng cường ý chí nghị lực trên đường tu tập giải thoát… thì cái gọi là tự tín ở đây (chương này) là tự tin vào một khả năng vượt thoát hệ lụy của sắc dục mà khả năng đó mình chưa có được. Khi chúng ta diện kiến, tiếp xúc với sắc đẹp của người khác phái, tâm ý chúng ta vẫn còn ít nhiều chao động, rung cảm, dù ở tần số thấp, vẫn là dấu hiệu của sa đọa phạm hạnh, do đó, chưa có thể quá tự tin mà đắm trước nơi lầy sinh tử ấy.

Phạm hạnh là giới hạnh đã gạn đục khơi trong, trắng như tuyết, lắng như nước hồ thu. Nó là thành quả của tu tập độc cư, viễn ly vọng tình, thế nhiễm. Vì vậy, phạm hạnh bị xem là bể vụn, sứt mẻ khi mà người tu sĩ tiếp đối với sắc đẹp hay những gì thuộc về sắc đẹp mà còn khởi tâm mống nhiễm, đam mê, quyến luyến…

Kinh Tăng Chi, một trong năm bộ Nikaya đề cập nhiều nhất về luật học, có dạy rằng người khác giới tính sẽ trói buộc lẫn nhau dưới tám trường hợp (trường hợp nam nhân thì ngược lại):

- Trói buộc nam nhân với nhan sắc

- Trói buộc nam nhân với tiếng cười

- Trói buộc nam nhân với lời nói

- Trói buộc nam nhân với tiếng ca

- Trói buộc nam nhân với nước mắt

- Trói buộc nam nhân với áo quần

- Trói buộc nam nhân với quà tặng

- Trói buộc nam nhân với xúc chạm

Từ mỗi hình thức trên, người nữ trói buộc đối tượng của mình như cực âm hút cực dương và ngược lại. Và khi hai bên đã hút với nhau, ái luyến nhau, gần gũi nhau, thì vấn đề sẽ không đơn giản như thế, nó sẽ dẫn đến nhiều hậu quả mà người ta không thể lường trước được. Bởi vì:

“Đối với nữ nhân, đàn ông là mong muốn, trang điểm là cận hành, điểm tựa là con cái, không có địch thủ là xu hướng, tự tại là cứu cánh.”[1]

Ở một đoạn kinh khác, Đức Phật còn cho biết dưới nhiều góc độ khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, người nữ sẽ chinh phục tâm người nam một cách hữu hiệu mãnh liệt. Nhưng chinh phục hơn hết là cảm xúc:

“Này các Tỳ kheo, ta không thấy một tiếng nào, một hương nào, một vị nào, một xúc nào, lại khả ái như vậy, đẹp đẽ như vậy, mê ly như vậy, trói buộc như vậy, say sưa như vậy, chướng ngại như vậy, tức là cảm xúc của người nữ. Này các Tỳ kheo, ai ái luyến, tham luyến, tham đắm, say mê cảm xúc của nữ nhân, chúng sẽ bị âu sầu lâu dài, bị rơi vào uy lực của nữ xúc. Nữ nhân, khi đang đi sẽ đứng lại để chinh phục tâm đàn ông. Khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi cười, khi nói, khi hát, khi khóc, khi bất tỉnh, khi chết… sẽ đứng lại để chinh phục tâm người đàn ông.”[2]

Chính vì thế mà Đức Phật dạy tất cả tu sĩ chúng ta: “Chớ quá tự tin ỷ lại. Chúng ta chưa thể tự tin mình được. Phải dè dặt, chớ gần gũi sắc đẹp, gần sắc đẹp thì họa sinh”. Phát xuất từ động cơ khuyên nhắc này, Đức Phật còn nhấn mạnh, không sợ gần đao kiếm, không sợ chết bởi đao kiếm, mà thật sự là sợ nữ nhân, sợ chết dưới đao kiếm sắc đẹp của người nữ, vì chết như vậy sẽ đem lại đau khổ nhiều lần, nhiều đời.

“Hãy nói chuyện với người

Có kiếm ở trong tay

Nói chuyện với ác quỷ

Hay ngồi thật gần kề

Nhưng chớ có một mình

Nói chuyện với nữ nhân

Thất niệm chúng trói lại

Với nhìn, với nụ cười

Với xiêm áo hở hang

Với lời nói ngọt lịm

Người ấy vẫn không thỏa

Bất tỉnh bị mạng chung.”[3]

Một lần nọ, để chúng Tỳ kheo ý thức được tai họa nguy kịch của nữ sắc khi vị Tỳ kheo phải tiếp xúc, Đức Phật đưa tay chỉ vào ngọn lửa đang cháy đỏ rồi dạy: “Việc này là tốt hơn, là ôm ấp, ngồi gần, nằm gần nhóm lửa lớn đang bốc cháy hơn là ôm ấp, ngồi gần, nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người con gái Sát đế lợi, Bà la môn hay người con gái của gia chủ.”[4] Và Đức Phật giáo giới tiếp: “Ta tuyên bố rằng với người ác giới theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ, những hành vi che đậy, không phải sa môn nhưng tự nhận sa môn, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tính tình bất tịnh. Này các Tỳ kheo, vị ấy có thể đi đến chết, hay khổ gần như chết. Sau khi thân hoại mạng chung sinh vào cõi dữ, đọa xứ, địa ngục.”[5] Cũng chính vì thân cận, gần gũi, ái luyến người nữ phát sinh ra nhiều tệ nạn, rắc rối, đau khổ cho người tu sĩ hướng đến viễn ly, Đức Phật dạy người nữ là cây gai của phạm hạnh giải thoát. Tháo gỡ cây gai này là A la hán.

“Với người sống phạm hạnh, thân cận người nữ là cây gai. Hãy sống không phải là cây gai, ly cây gai. Này các Tỳ kheo, không có cây gai là A la hán, ly cây gai là A la hán.”[6]

Lời dạy trên đây cũng chính là điều mà kinh này gọi là: “Khi chứng được A la hán mới có thể tự tin”. Vì vậy, trong các kinh Đức Phật luôn khuyên chúng Tỳ kheo không nên lui tới trú xứ người nữ để tránh sinh tâm ái luyến và tránh sự dèm pha, thị phi không tốt.

“Thành tựu pháp này, Tỳ kheo mất tin tưởng bị nghi ngờ là ác Tỳ kheo, cho dù vị ấy đã đạt được bất động: 1/ Thường đến chỗ dâm nữ. 2/ Thường đến nhà đàn bà góa. 3/ Đến nhà cô gái già. 4/ Thường đến nhà các hoạn quan. 5/ Thường đến trú xứ Tỳ kheo ni.”[7]

Và hơn thế nữa, tránh xa, phòng ngừa kỹ như vậy, không chỉ có tác dụng tốt về danh phẩm đạo đức mà thực chất còn có lợi về phạm hạnh biện chứng: Giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, như đoạn kinh dưới đây minh thị:

“Này các Tỳ kheo, khi thánh giới được giác ngộ, thể nhập thánh định, thánh trí, thánh giải thoát cũng được giác ngộ, thể nhập. Khi những pháp này được thể nhập thì sợi dây hữu ái sẽ được cắt đứt, sợi dây đưa đến sinh hữu được đoạn tận và không còn tái sinh.”[8]

Như vậy, mục đích Đức Phật răn dạy chúng Tỳ kheo không quá tự tin chủ quan, không nên gần gũi nữ sắc là nhằm khuyến giới, trau dồi phạm hạnh, con đường xuất ly mọi hệ phược tam giới, hướng đến giải thoát. Bởi vì gần gũi nữ sắc sinh ái. Có ái, phạm hạnh bị bể vụn. Phạm hạnh bể vụn thì chánh định, chánh tri kiến… đi đến hủy diệt. Nghĩa là có ác giới là mất tất cả tài sản thánh:

“Này các Tỳ kheo, gần gũi nữ sắc, ác giới sinh. Với người có ác giới, chánh định nhân đây bị phá hoại. Khi chánh định không có mặt, như thị tri kiến nhân đây bị phá hoại. Khi như thị tri kiến không có mặt, nhàm chán ly tham nhân đây bị phá hoại. Khi nhàm chán ly tham không có mặt, thì giải thoát tri kiến cũng nhân vậy bị phá hoại.”[9]

Do đó, chỉ khi nào chứng đắc quả A la hán hay đang trên con đường hướng đến A la hán, người tu sĩ chúng ta mới có quyền tự tin nơi mình và có thể tự tại phát biểu rằng: Giờ đây tôi mới thật sự giải thoát mọi ái triền hệ phược.

 


[1] Tăng Chi II, tr. 356.

[2] Tăng Chi II, tr. 74.

[3] Tăng Chi II, tr. 74.

[4] Tăng Chi II, tr. 547.

[5] Kinh đã dẫn.

[6] Tăng Chi III, tr. 422.

[7] Tăng Chi II, tr. 134.

[8] Tăng Chi II, tr. 527.

[9] Tăng Chi II, tr. 25.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Năm 2016(Xem: 10840)
19 Tháng Ba 2016(Xem: 8414)
Bịnh trầm kha của con người là thích tìm tòi những giải đáp thắc mắc cao siêu để thỏa mãn óc hiếu kỳ mà thiếu thực tế với đời sống, thích luận bàn những việc xa vời viễn vong không tưởng hơn là thực hành để đem lại an lành hạnh phúc bản thân. Chứng bịnh trầm kha nầy đã đẩy con người sống chơi vơi trong huyền đàm phiếm luận của thiết thực đến đời sống đạo đức tiến bộ. Vì vậy số người mang danh hành đạo thì nhiều mà chứng đạo thì gần như gợn mây mỏng trong bầu trời giáo pháp. Để tránh mắc phải bịnh năng thuyết bất năng hành, cổ đức đã khuyên: Muốn đạt thành tâm nguyện tiến bộ thì cần phải “tri hành hợp nhất, trí đức tương ưng”.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 7300)
Kinh tâm - Bát nhã ba la mật đa là một bản kinh được rút ra từ bộ kinh Đại Bát nhã, gom lại thành 262 từ. Qua nhiều thế hệ dịch thuật, các dịch giả đã viết bài kinh này lên lá bối. Đến thế kỷ thứ VII, ngài Huyền Trang đã cho khắc bản kinh tâm này vào đá ở tại chùa Bạch Mã, nơi ngài trụ trì.
22 Tháng Ba 2016(Xem: 6526)
Tại thành Xá Vệ, vào buổi sáng sớm, Tỳ-kheo-ni Avalika khoác y ôm bình bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Khi Tỳ-kheo-ni đi khất thực ở thành Xá Vệ và trở về, sau bữa thọ trai của mình, Tỳ-kheo-ni đi đến vườn cây của ông Cấp-Cô-Độc để nghỉ vào ban ngày. Khi vào sâu trong vườn cây Cấp-Cô-Độc, Tỳ-kheo-ni ngồi xuống dưới một gốc cây để thiền quán.
02 Tháng Giêng 2016(Xem: 7648)
Kinh "Chiếc lưới ái ân" được dịch từ kinh Pháp Cú, Hán tạng. Chữ "ái ân" nằm ngay trong bài kệ thứ ba của kinh, câu “Nhân vi ân ái hoặc”. Trong kinh có sử dụng hình ảnh chiếc lưới để ví với sự mất tự do của một người khi bị vướng vào ái dục.
18 Tháng Mười Hai 2015(Xem: 8971)
Bát Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh là bài kinh được tụng đọc tại các chùa theo hệ thống Phật Giáo Đại Thừa, là bài kinh rất phổ thông được nhiều người đọc thuộc, nhưng về ý nghĩa thì cũng có nhiều gút mắc vì kinh được tụng đọc bằng âm Việt nhưng phải hiểu theo nghĩa tiếng Hán. Nhân 3 tháng an cư Kiết Đông 2015 tại Tổ Đình Thiền Tánh Không, Perris, California, chúng tôi được giảng dạy và ôn tập lại bài kinh này và hôm nay có ý muốn ghi lại chia sẻ cùng các bạn có nhu cầu muốn nghiên cứu tìm hiểu.
29 Tháng Năm 2015(Xem: 8422)
Viên Giác là Chân Tâm thanh tịnh của chư Phật, của tất cả chúng sanh cùng toàn thể vũ trụ. Như thế tôi nghe, một thời Phật nhập chánh định thần thông Đại Quang Minh Tạng, là chỗ trụ trì quang nghiêm của tất cả Như lai, đó chính là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh. Thân tâm tịch diệt, bình đẳng suốt ba đời, viên mãn khắp mười phương
22 Tháng Năm 2015(Xem: 14445)
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đưa người ta đến một sự chuyển hóa toàn triệt và toàn diện cuộc đời sanh tử khổ đau manh mún bởi chia cắt, phân biệt, oán ghét và xung đột của mình bằng cái thấy biết chân thật của Phật (tri kiến Phật).
16 Tháng Năm 2015(Xem: 13019)
Năm 2003, tôi cho ấn hành cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, viết về Tâm Kinh. Thật ngạc nhiên, nhiều bạn đọc gần xa rất chia sẻ, có bạn lại mong có được bản dịch Anh ngữ để cho con em họ – thế hệ thứ hai – ở hải ngoại không rành tiếng Việt được đọc và hiểu Tâm Kinh Bát Nhã. Đến năm 2008, sau khi nghiền ngẫm, thực hành Kim Cang, tôi cho ra mắt cuốn Gươm Báu Trao Tay,