6. Tùng Địa Dũng Xuất

15 Tháng Năm 201516:02(Xem: 7587)
MƯỜI TƯ TƯỞNG PHÁP HOA 
TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY 
Đương Đạo
Thiện Tri Thức

Tùng Địa Dũng Xuất

Khi “Các vị Đại Bồ tát ở cõi nước phương khác đông hơn số cát của tám sông Hằng xin Phật cho ở tại quốc độ Ta Bà này sau khi Phật nhập diệt để rộng nói kinh Pháp Hoa”, đức Phật nói rằng “cõi Ta Bà của Như Lai có chúng Đại Bồ tát đông bằng số cát của sáu vạn sông Hằng, mỗi vị có sáu vạn hằng hà sa quyến thuộc sau khi ta diệt độ sẽ hộ trì đọc tụng kinh này”.

“Lúc đức Phật nói lời đó, đất của toàn thể đại thiên cõi Ta Bà đều chấn động, nứt ra và từ đó có vô lượng nghìn muôn ức vị Đại Bồ tát đồng thời vọt lên. Các vị ấy toàn thân màu hoàng kim, đủ ba mươi hai tướng tốt cùng vô lượng ánh sáng. Các vị cùng ở trong không gian phía dưới quốc độ Ta Bà này, nghe tiếng đức Thế Tôn nói như vậy nên từ đó dũng xuất (vọt lên)…”

Điều thứ nhất chúng ta chú ý là số Đại Bồ tát ở cõi Ta Bà này đông hơn rất nhiều (số cát của sáu vạn sông Hằng) so với Đại Bồ tát ở các cõi khác (số cát của tám sông Hằng). Điều thứ hai là số Đại Bồ tát và các quyến thuộc chắc chắn đông hơn số chúng sanh ở cõi Ta Bà này (“Hàng bốn chúng nhờ thần lực của Phật thấy các Bồ tát như thế đầy khắp không gian của quốc độ Ta Bà mà lúc bấy giờ quang cảnh tựa như không gian của vô lượng quốc độ”). Điều này có vẻ trái với cảm quan thông thường của chúng ta : chẳng lẽ nơi thế giới này Đại Bồ tát lại đông hơn chúng sanh đang đau khổ, tối tăm này ? Nếu thế thì thế giới này đã thành Tịnh độ rồi còn gì ?

Một trong những giải thích phù hợp với người đang thực hành như chúng ta là vô số Đại Bồ tát ấy là vô số những đức tính, những phẩm tính của Phật tánh vốn có ở nơi mỗi chúng ta. “Các Bồ tát ấy thân sắc vàng, có đủ ba mươi hai tướng tốt cùng vô lượng ánh sáng, trước đây đều ở dưới cõi Ta Bà này, khi đất rung nứt bèn vọt lên” : khi đất tâm của chúng ta rúng nứt, những phẩm tính của Phật tánh của chúng ta liền dũng xuất, vọt mạnh lên. Những phẩm tính càng dũng xuất bao nhiêu thì cuộc đời chúng ta càng chan hòa ánh sáng và tình thương của Phật tánh đến đó.

Trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải thường trực nhận biết rằng, dưới mảnh đất tâm thức của chúng ta, hiện đang có vô số đức tính của Phật tánh (vô số Đại Bồ tát con của Phật), chỉ cần một hành động nhỏ của thân khẩu ý là những đức tính ấy vọt mạnh lên. Mà không phải dũng xuất một vài vị Đại Bồ tát, “vô lượng vị Đại Bồ tát đồng thời vọt ra” : bằng sự thâm sâu và khéo léo, bằng sự làm rúng nứt mảnh đất tâm, bằng sự làm cho dũng xuất mạnh mẽ của mình, chúng ta có thể làm cho “tất cả Đại Bồ tát đồng thời dũng xuất”, tức là toàn bộ Phật tánh dũng xuất, hiển lộ hoàn toàn trên bề mặt cuộc đời nghèo nàn hạn hẹp của chúng ta.

Đời sống của một người thọ trì Pháp Hoa là luôn luôn làm rúng nứt tâm thức mình, làm vọt lên liên tục ánh sáng của trí huệ, thương yêu của từ bi, sự rỗng rang để mở rộng bao trùm, lòng khoan dung nhẫn nhục, sự kính trọng khiêm hạ và thương yêu tất cả, lòng tốt cho tất cả những cái đang hiện hữu… vô số đức tính vốn tiềm ẩn nơi mỗi chúng ta. Mảnh đất tâm thức của chúng ta càng rúng nứt, mọi “đệ tử của Phật” ấy càng vọt mạnh, tuôn trào, đến độ mảnh đất Ta Bà này hoàn toàn sụp đổ, tiêu tán để tất cả Phật tánh đồng thời dũng xuất, hiển lộ trọn vẹn, để Con (các Đại Bồ tát đầy đủ ba mươi hai tướng tốt) và Cha (đức Phật) là một. Chỉ có Con và Cha là Một, ngoài ra không có cái ta nào cả, một nghiệp riêng nào cả, một Ta Bà nào cả. Mọi rào cản đều biến mất trong sự dũng xuất đồng thời, thường trực và liên tục này.

Kinh nói tiếp : “Trong chúng Bồ tát (Tùng địa dũng xuất) ấy có bốn vị đạo sư là thượng thủ là Thượng Hạnh, Vô Biên Hạnh, Tịnh Hạnh và An Lập Hạnh”. Hạnh có nghĩa là việc làm, ở đây là việc làm “dũng xuất” tất cả những công đức của Phật tánh trong sâu thẳm của tự tâm chúng ta. Tùy theo thiện căn của mỗi người, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa các Hạnh trên theo sự sai biệt của nghiệp riêng từng người. Điều đó là tốt cho cho việc thực hành dũng xuất. Ở đây chúng ta chỉ nói đến một ý niệm chung chung. Thượng Hạnh là hạnh hướng thượng để Con gặp gỡ Cha và thành một với Cha. Đây là sự nối kết tương ưng giữa Con và Cha, sự nối kết tương ưng này là ý nghĩa thực sự của Vô Biên Hạnh. Cha thì vô biên nên Con cũng có vô biên hạnh để trở về hợp nhất với Cha. Tịnh Hạnh là sự làm cho mình thanh tịnh của Con để có thể hưởng toàn bộ những gia tài của Cha. An Lập Hạnh là sự tin hiểu trụ vững trong Pháp Hoa, tức trong “trí huệ và từ bi của các đức Phật”.

Tóm lại cuộc đời của một người thọ trì Pháp Hoa là sự dũng xuất liên tục trong từng niệm niệm những phẩm tính của Phật tánh như ánh sáng, từ bi, rộng lượng, nhẫn nhục… để đứa con cùng tử trở về với Cha mình, để cuối cùng Con là một với Cha. Trong tiến trình dũng xuất những đức tánh của Phật tánh tự tâm đó, thế giới sẽ tràn đầy ánh sáng và tình thương, đó là công việc “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh” của người bồ tát.

Đến cuối chương, một nghi vấn khởi lên trong đại chúng : tại sao đức Phật còn trẻ mà lại có những đệ tử, những Đại Bồ tát đã tu hành từ lâu xa như vậy, tại sao cha trẻ mà con già ?

Thí như người trẻ mạnh
Tuổi mới hai mươi lăm
Chỉ người già trăm tuổi
Tóc bạc và da nhăn :
Đây những con tôi sanh.
Những người già cũng nói
Người trẻ này là cha
Cha trẻ mà con già
Đời ai tin cho được.

Giải đáp cho nghi vấn cha trẻ con già này, đức Phật giảng phẩm sau, Như Lai Thọ Lượng.

Ở đây chúng ta chú ý đến tương quan Cha và Con. Trong kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy nhiều lần nói đến mối liên hệ Cha Con này. Sau đây chúng ta chỉ tư duy thiền định về một điểm trong liên hệ Cha Con đó, tức là liên hệ Nhân Quả.

Khi thấy các đệ tử Đại Bồ tát đã tu hành lâu xa, đã già, thông thường chúng ta nghĩ đó là cha. Còn người trẻ kia phải là con. Cái gì có trước phải là cha, cái gì có sau phải là con. Trong tu hành cũng vậy, những kết quả, những chứng ngộ phát lộ ra sau một quá trình tu nhân, những kết quả đó phải có sau quá trình tu hành theo những nhân. Quả Phật chỉ có thể có sau sự tu hành (tức là nhân) để thành Phật. Nhưng ở đây Pháp Hoa nói đến một tri kiến rất khác lạ, gây rúng động, sụp đổ đối với cái thấy biết thông thường : Quả đã có trước Nhân.

Trong cái nhìn thông thường chỉ giới hạn vào đời hiện tại này thì người trẻ (quả) là con cháu của người già (nhân), và người trẻ phải có sau người già, quả có sau nhân. Phật quả có sau hạnh Bồ tát. Đó là cái nhìn của hầu hết tất cả chúng ta. Ở đây kinh Pháp Hoa lại nói rằng người trẻ này, (Phật quả này) đã có trước các người già (hạnh Bồ tát), và các người già thật ra là con cháu của người trẻ kia. Các hạnh Bồ tát thật ra chỉ lưu xuất từ Phật quả kia.

Người trẻ kia (quả) tưởng là con của người già, có sau người già nhưng đó chỉ là do vô minh mà tưởng ra thế. Người kia dầu còn trẻ nhưng thật ra là Cha, đã cửu viễn thành Phật, đã có trước quá đỗi lâu xa. Về mặt tu hành, những kết quả của sự tu hành không phải có sau sự tu hành, chúng đã có trước, đã có sẵn (như những Đại Bồ tát tùng địa dũng xuất đã có sẵn dưới cõi Ta Bà) và sự tu hành chỉ là làm vọt lên những cái đã có sẵn đó mà thôi. Nói rộng ra, sự tu hành của chúng ta không phải là để tạo ra Quả Phật, mà chỉ là sự triển khai trên cái Quả mà đức Phật đã thành tựu, đã thành Phật lâu xa.

Tất cả thế giới quan, tất cả phương pháp luận của kinh Pháp Hoa đều nằm ở nơi Quả Phật vốn đã thành tựu lâu xa này : dù chúng ta có làm gì, tiến lên, sa xuống, có tu hành, có thành Phật, có hóa độ chúng sanh, hay là chỉ đi đứng nằm ngồi bình thường, tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta đều xảy ra trong Quả Phật vốn đã “cửu viễn thật thành” này, trong cái “Thành Phật Đã Lâu Xa” này, trong cái “Đều đã thành Phật đạo” này, trong cái Vốn Đã Thành Phật Của Tất Cả này.

Bởi thế sự tu hành của hành giả Pháp Hoa là sự tu hành trên Quả, chứ không phải là tạo nhân để thành ra quả. Không phải tu sáu ba la mật để thành tựu Phật quả, mà chính là trên Phật quả mà tu hành, triển khai, làm dũng xuất sáu ba la mật. Sáu ba la mật là sự biểu lộ, sự dũng xuất của Phật quả đã vốn có từ lâu xa mà thôi. Bởi thế dù có tu ba a tăng tỳ kiếp để đạt đến giác ngộ, để thành Phật, thì ba a tăng tỳ kiếp ấy chỉ diễn ra trong Phật, trong Phật quả vốn đã thành tựu lâu xa. Bởi thế mà trong phẩm Tùng Địa Dũng Xuất này, “Từ lúc các vị Bồ tát tùng địa dũng xuất vọt lên lễ lạy Phật, đi quanh bên mặt ba vòng, chắp tay cung kính, ngợi ca Phật, rồi đứng qua một bên, ưa vui chiêm ngưỡng hai đức Thế Tôn, thời gian đã trải qua năm mươi tiểu kiếp mà hàng đại chúng thấy là như nửa ngày”. Thời gian năm mươi tiểu kiếp mà chỉ như nửa ngày bởi vì thời gian đó xảy ra trong Quả Phật, trong cái “cửu viễn thành Phật”.

Sự khác biệt của Nhân thừa (thừa tu trên nhân) và Quả thừa (thừa tu trên quả) đưa đến một sự khác biệt trong việc tu hành ; với hành giả Pháp Hoa, thường trực ở ngay trên tâm địa “vốn thành Phật đã lâu xa” của mình mà dũng xuất tất cả những đức tính của Phật (tức là các hạnh của Bồ tát). Như vậy đời sống luôn luôn là cơ hội cho sự dũng xuất những phẩm tính tốt đẹp nhất vốn tiềm ẩn nơi mình. Những phẩm tính tốt đẹp ấy được dũng xuất càng nhiều, thì đời sống của hành giả Pháp Hoa ngày càng tràn đầy an lạc, chúng trang nghiêm cho cuộc sống hàng ngày thành thế giới Pháp Hoa.

Ở mức độ bình thường của đa số chúng ta, thế giới quan Pháp Hoa cho chúng ta một cảm thức về tính thiêng liêng của tất cả mọi sự. Đó là tính tích cực vô cùng của đời sống, điều này các vị ngày xưa khi giảng Pháp Hoa thường hay có câu : “Tư sanh sự nghiệp đều là Thật Tướng”.

Chúng ta không khai triển thêm nữa, nhưng chắc chắn tính thiêng liêng tích cực này đã và đang là động cơ cho mọi sinh hoạt của xã hội Đại thừa, luôn luôn đưa những đất nước chịu ảnh hưởng của kinh Pháp Hoa đến những tầm cao của thời đại, xưa cũng như nay

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Ba 2015(Xem: 15356)
Như tựa đề sách, Thực Hành Con Đường Bồ Tát, phần giảng chú trọng vào sự thực hành hơn là giảng từng câu, và chú ý vào ý nghĩa để thực hành hơn là những khía cạnh khác như giáo lý và triết học. Hơn nữa, đối với một câu kinh, khó mà bình giảng cho trọn vẹn.
22 Tháng Hai 2015(Xem: 14956)
Pháp Hoa là kinh tối thượng của Phật giáo Đại thừa bởi vì cấu trúc của kinh rất phức tạp, ý nghĩa sâu sắc có lẽ vượt ra ngoài tầm tư duy và suy luận của con người bình thường. Trong kho tàng kinh điển Đại thừa, kinh Pháp Hoa bắt đầu được phát triển, truyền bá rất sớm và rất rộng rãi vào khoảng 700 năm sau ngày Đức Phật nhập Niết bàn.
09 Tháng Hai 2015(Xem: 11099)
Nội dung của bộ kinh này nói về những nền tảng căn bản nhất trong việc tu học Phật Pháp. Hay nói cách khác, tu học hết thảy Phật môn, đều lấy nội dung chính của “Thập Thiện Nghiệp Đạo” làm cơ sở.
13 Tháng Giêng 2015(Xem: 8729)
Chúng tôi biên soạn và chú giải bản Kinh Người Áo Trắng, để giúp cho người cư sĩ tại gia, trước nhất là có niềm tin chân chính đối với Tam bảo và phát nguyện gìn giữ năm điều đạo đức. Đây là bản kinh gối đầu nằm cho người cư sĩ tại gia, người Phật tử tại gia hãy nên tụng đọc, nghiền ngẫm và tu tập, sẽ thấm nhuần yếu chỉ của Kinh mà sống đời bình an, hạnh phúc trong từng phút giây.
08 Tháng Giêng 2015(Xem: 7608)
Theo kinh Hoa Nghiêm, được xem là kinh cao rộng nhất của Đại thừa, thì vũ trụ này là Báo thân và Hóa thân của Phật bổn nguyên Tỳ Lô Giá Na. Phật Tỳ Lô Giá Na là pháp thân của Đức Phật Thích Ca và tất cả chư Phật.
30 Tháng Mười 2014(Xem: 9820)
Bát-nhã tâm kinh là bài kinh nói về tâm, nhưng không phải là tâm suy nghĩ thường tình của người đời mà nói về cái tâm “đến bờ kia”. Nó là cái trí có thể soi thấu được cội nguồn của mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này. Với người tu Phật, bài kinh đó là ngọn đuốc dẫn đường giúp hành giả đến đích.
02 Tháng Mười 2014(Xem: 16188)
“Bát nhã ba la mật đa tâm kinh” là bộ kinh ngắn nhất của Đại thừa Phật giáo, vì chỉ có 260 chữ Hán, kể luôn bài kệ ở sau rốt. Nhưng đó là tinh yếu, là cốt tủy của bộ kinh “Đại Bát nhã”, dày 60 quyển. Nguyên văn bằng chữ Phạn (sanscrit), bộ kinh nhỏ này có tất cả sáu bản dịch ra Hán văn. Bản được lưu hành rộng xa nhất ở Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam
29 Tháng Tám 2014(Xem: 12587)
Bài Kinh này gián tiếp giới thiệu một cách khái quát giá trị tâm linh của người xuất gia, bắt đầu bằng một đời sống thanh cao, không màn đến sở hữu tài sản vật chất thế gian. Mục đích của người tu không phải để được làm trụ trì một ngôi chùa, được người đời cúng dường và cung kính, mà nhằm tầm cầu con đường tâm linh, hướng đến các giá trị nội tại. Các giá trị đó chỉ có thể đạt được bằng cách thực hành theo con đường trung đạo, khởi đi bằng cái nhìn đúng đắn (chánh kiến) và kết thúc bằng đời sống thiền định
24 Tháng Tám 2014(Xem: 7367)
Tâm quá khứ là tâm gì? Tức là tâm tưởng nhớ lại việc quá khứ. Phần nhiều chúng ta hiện nay sống với mấy tâm? Mình sống với ba thời: tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai. Những người đầu hơi hoa râm như tôi hoặc là bạc trắng hơn nữa thì sống với tâm nào? Tâm quá khứ, cứ nhớ thuở xưa, lúc đương thời làm những gì, nhớ những gì thuộc quá khứ như vậy là tâm quá khứ. Nhưng những tâm duyên về quá khứ có thật không? Nó là bóng dáng không thật nên quá khứ tâm bất khả đắc. Rồi tâm hiện tại là tâm gì?
14 Tháng Năm 2014(Xem: 14139)
Tôi được Tăng sai phụ trách hướng dẫn Bồ tát Học xứ cho chúng Giới tử tân thọ Bồ tát giới. Trong thời gian khá lâu, hướng dẫn cho nhiều lớp, tôi đã cố gắng Việt dịch – Biên soạn – Chú thích và tập thành đầu sách mang tựa đề.