Giới Thứ Hai Mở Rộng Lòng

26 Tháng Sáu 201000:00(Xem: 10053)
ĐỂ CHO TƯƠNG LAI CÒN CÓ MẶT
CHÚ GIẢI VỀ NĂM GIỚI
Dịch từ nguyên tác ‘For A Future To Be Possible’, Paralax Press, (bản quyền 1993 của Thích Nhất Hạnh), với sự đồng ý của tác giả. Việt Dịch: TN Chân Giải Nghiêm, TN Huệ Thiện, Tuệ Bảo, Chân Ngộ, Chân Tính Không, Diệu Tuyết. Nhuận bản dịch: TN Chân Giải Nghiêm - Nhà Xuất Bản Lá Bối

GIỚI THỨ HAI
Mở Rộng Lòng

Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia xẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương tên sự đau khổ của con người và của muôn loại.

Bóc lột, bất công xã hội, và trộm cắp có nhiều dạng. Áp bức là một dạng trộm cắp gây ra nhiều đau khổ ở cả các nước phát triển lẫn các nước thế giới thứ ba. Giờ phút chúng ta phát nguyện học phát triển lòng Từ thì lòng Từ phát khởi trong ta, và chúng ta nỗ lực để ngăn chặn sự bóc lột, bất công xã hội, trộm cắp, và áp bức.

Trong Giới thứ nhất, chúng ta thấy có chữ ‘Bi.’ Ở đây, chúng ta thấy có chữ ‘Từ.’ Từ và Bi là hai yếu tố của tình thương trong giáo pháp của Bụt. Bi, tiếng Sankrit và Pali là Karuna, có nghĩa là ý hướng và khả năng làm vơi đi nỗi khổ nơi một người hay một chúng sinh khác. Từ, tiếng Sankrit là maitri và tiếng Pali là metta, có nghĩa là ý hướng và khả năng mang niềm vui tới cho một người hay một chúng sinh khác. Bụt Thích Ca Mâu Ni đã tiên đoán rằng vị Bụt kế tiếp sẽ có tên là Maitreya hay Từ Thị, vị Bụt của Tình Thương.

‘Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp, và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại Từ để đem lại niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài.’ Cho dù đã có Maitri như một nguồn năng lượng trong ta, chúng ta vẫn cần phải học nhìn sâu để biết cách biểu lộ lòng Từ ấy. Chúng ta tập làm như những cá nhân, và rồi tìm cách để làm như một dân tộc. Muốn nâng cao phúc lợi của con người, cỏ cây, cầm thú, và đất đá, chúng ta phải đến với nhau như một cộng đồng để xem xét tình trạng của mình, vận dụng thông minh và khả năng nhìn sâu của chúng ta để có thể tìm ra những giải pháp thích hợp để biểu hiện lòng Từ giữa những vấn đề có thật.

Giả sử ta muốn giúp những người đang đau khổ dưới ách độc tài. Trong quá khứ có thể ta đã từng thử gửi quân sang lật đổ nhà cầm quyền của họ, nhưng ta đã thấy rằng trong khi làm như vậy, ta gây ra chết chóc cho không biết bao nhiêu người vô tội, và dù vậy, ta có thể vẫn không lật đổ được kẻ độc tài. Nếu chúng ta tập nhìn sâu hơn, với lòng từ, để tìm một giải pháp tốt đẹp hơn để giúp những người này mà không gây khổ đau, ta có thể nhận ra rằng thời điểm tốt nhất để giúp là trước khi nước ấy rơi vào tay độc tài. Nếu ta làm việc đó ba mươi năm trước thì bây giờ nước đó có thể đã là một nước dân chủ, và ta đã không phải bỏ bom hay gởi quân để ‘giải phóng’ họ. Đây chỉ là một ví dụ về việc nhìn sâu và học hỏi có thể giúp ta tìm ra những cách làm phù hợp với lòng Từ ra sao. Nếu chúng ta đợi cho đến khi tình trạng trở nên tồi tệ rồi thì quá trễ. Nếu chúng ta cùng hành trì Giới với các nhà chính trị, quân nhân, thương gia, luật sư, người làm luật, nghệ sĩ, nhà văn, và nhà giáo, thì chúng ta có thể tìm ra được những phương pháp tốt đẹp nhất để thực tập Từ, Bi, và Hiểu Biết.

Muốn thực tập tâm rộng rãi thì cần phải có thời gian. Chúng ta có thể rất muốn giúp những người nghèo đói, nhưng chúng ta lại bị kẹt vào những vấn đề trong cuộc sống hằng ngày của riêng mình. Đôi lúc, một viên thuốc hay một chút gạo đã có thể cứu mạng một em bé, nhưng ta lại không dành thời giờ để giúp, vì ta nghĩ ta không có giờ. Ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, có những em bé sống ngoài hè phố, các em tự gọi mình là ‘bụi đời.’ Những đứa trẻ này không nhà, lang thang ngoài đường ban ngày và về ngủ dưới gốc cây ban đêm. Chúng bới những đống rác để tìm những thứ như bao nylon để bán với giá hai xu nửa ký. Các thầy và các sư cô ở thành phố Hồ Chí Minh đã mở cửa chùa cho những đứa trẻ này, và nếu các em chịu ở lại bốn tiếng buổi sáng để học đọc, học viết, chơi với quý thầy và quý sư cô, thì các em được mời ăn cơm chay. Xong các em lại có thể vào Phật đường ngủ trưa. (Ở Việt Nam, người ta luôn luôn ngủ trưa sau khi ăn vì trời quá nóng. Khi người Mỹ đến, họ mang sang lối làm việc tám giờ liên tục của mình, từ chín đến năm giờ. Nhiều người trong chúng tôi thử làm, nhưng không làm được. Chúng tôi cần giấc ngủ trưa lắm lắm.)

Đến hai giờ, lại có thêm giờ học và chơi với các em, những em ở sinh hoạt buổi chiều sẽ được ăn tối. Chùa không có chỗ cho các em ngủ ban đêm. Trong cộng đồng chúng tôi ở bên Pháp, chúng tôi vẫn đang yểm trợ cho quý thầy và quý sư cô này. Chỉ tốn có hai mươi xu cho một đứa trẻ ăn trưa và ăn tối, và sẽ giữ em không lang thang ngoài đường, nơi em có thể đánh cắp thuốc lá, hút thuốc, dùng ngôn ngữ của du côn, và tập những lề thói xấu. Bằng cách khuyến khích các em lại chùa, ta giúp ngăn không để cho các em trở thành du đãng và phải vào tù sau này. Cần có nhiều thời gian để giúp những em bé này, chứ không phải nhiều tiền. Có biết bao nhiêu việc đơn giản như vậy ta có thể làm để giúp người, nhưng vì ta không thể tự mình tháo gỡ bớt đi những ràng buộc của hoàn cảnh và cách sống của mình, ta chẳng làm gì cả. Chúng ta cần phải đến với nhau như một cộng đồng, nhìn sâu, tìm ra những cách tháo gỡ cho mình để chúng ta có thể thực tập Giới thứ hai.

‘...để chia xẻ thời giờ, năng lực, và tài vật của con đến những kẻ thiếu thốn.’ Câu này thật rõ ràng. Có lòng và có khả năng chưa đủ. Ta còn phải thể hiện tâm hào hiệp đó. Chúng ta có thể có cảm tưởng mình không có thời giờ để mang hạnh phúc cho người khác – ‘Thời giờ là tiền bạc,’ chúng ta nói – nhưng thời giờ còn nhiều hơn là tiền bạc nữa. Đời sống có nhiều ý nghĩa hơn là dùng thời giờ để kiếm tiền. Thời giờ là để sống, để chia sẻ niềm vui và hạnh phúc với mọi người. Người giàu thường lại không có khả năng làm cho người khác hạnh phúc. Chỉ có những người có thời giờ mới có thể làm điều này.

Tôi biết một người đàn ông ở tỉnh Thừa Thiên, Bác Siêu, không ngừng thực hành hạnh bố thí trong suốt năm mươi năm; Bác là một vị Bồ Tát đích thực. Chỉ với một chiếc xe đạp, bác đã đến thăm nhiều làng xã trong suốt mười ba tỉnh, mang cho nhà này món này, nhà kia món kia. Khi tôi gặp Bác năm 1965, tôi hơi hãnh diện về Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội của chúng tôi. Chúng tôi đã bắt đầu huấn luyện cho ba trăm tác viên xã hội, trong đó có các thầy và các sư cô, để đi đến các làng quê xa xôi hẻo lánh giúp người dân cất nhà và đổi mới cơ cấu kinh tế địa phương, hệ thống y tế, giáo dục. Rốt cuộc chúng tôi đã có mười ngàn tác viên trong toàn quốc. Trong khi kể cho Bác Siêu nghe về các đề án của trường, tôi nhìn chiếc xe đạp của Bác và nghĩ rằng với một chiếc xe đạp Bác chỉ có thể giúp ít người thôi. Nhưng khi người Cộng Sản tiếp quản và đóng cửa Trường chúng tôi, Bác Siêu vẫn tiếp tục, vì cách làm việc của Bác vô hình vô tướng. Các cô nhi viện, trạm phát thuốc, trường học, và các trung tâm giúp người chạy loạn ổn định nơi chốn của chúng tôi đều bị đóng cửa hay bị nhà nước tịch thu. Hàng ngàn tác viên phải ngưng làm việc và ẩn lánh. Nhưng Bác Siêu không có gì để mất. Bác là một vị Bồ Tát đích thực, làm việc vì phúc lợi của kẻ khác. Tôi thấy khiêm nhượng hơn bây giờ về cách tu tập hạnh Thí.

Chiến tranh đã tạo ra hàng ngàn trẻ mồ côi. Thay vì gây quỹ để lập cô nhi viện, chúng tôi đã tìm người bảo trợ ở các nước Tây phương để xin bảo trợ cho từng em bé. Chúng tôi tìm các gia đình trong làng chịu chăm sóc một em, và gởi cho họ $6 đô một tháng để nuôi và cho em đi học. Bao giờ có thể chúng tôi đều cố gửi em vào nhà bà con, dì, chú hoặc ông bà của em. Chỉ với $6 đô, em bé được ăn và được học, những em bé khác trong gia đình cũng được giúp theo. Trẻ em được lợi lạc rất nhiều khi lớn lên dưới một mái gia đình. Sống trong cô nhi viện nhiều khi giống như ở trong quân đội – các em không lớn lên một cách bình thường. Nếu chúng ta chịu tìm và chịu học những cách để thực hành hạnh Thí, chúng ta sẽ luôn có sự tiến bộ.

Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loại.’ Khi ta hành trì một Giới cho sâu sắc, ta sẽ khám phá ra rằng mình đang hành trì cả năm Giới. Giới thứ nhất là về sự giết hại, một dạng lấy cắp -- lấy cắp đi cái quý nhất của kẻ khác: mạng sống. Khi quán chiếu về Giới thứ hai, chúng ta thấy trộm cắp, dưới hình thức bóc lột, đàn áp và bất công xã hội, đều là những hành động giết hại -- giết từ từ bằng sự bóc lột, duy trì tình trạng bất công, và đàn áp kinh tế, chính trị. Vì vậy, Giới thứ hai dính dáng rất nhiều đến Giới không giết hại. Chúng ta thấy tính ‘tương tức’ của hai Giới đầu. Điều này cũng đúng với tất cả năm Giới. Có những người chỉ thọ một hay hai Giới. Tôi không phiền gì cả, vì nếu các bạn giữ một hay hai Giới cho sâu sắc thì cả năm Giới đều sẽ được giữ.

Giới thứ hai là không trộm cắp. Thay vì trộm cắp, bóc lột, hay đàn áp, chúng ta thực tập Thí. Trong đạo Bụt, chúng ta nói có ba loại tặng phẩm. Thứ nhất là tặng phẩm vật chất. Thứ hai là giúp người tự lực tự cường, giúp cho họ kỹ thuật cũng như giúp cho họ biết cách đứng vững trên hai chân mình. Giúp bằng chánh Pháp để người ta có thể chuyển hoá những sợ hãi, giận hờn, và tuyệt vọng của mình thuộc vào loại tặng phẩm thứ hai. Loại thứ ba là món quà vô úy. Chúng ta sợ đủ thứ. Chúng ta cảm thấy không an ninh, sợ cô đơn, sợ bệnh, sợ chết. Để giúp người không bị tàn phá bởi những nỗi sợ hãi của mình, chúng ta thực tập loại bố thí thứ ba.

Bồ Tát Quan Thế Âm là người thực tập điều này rất giỏi. Trong Tâm Kinh Bát Nhã, Ngài chỉ chúng ta cách chuyển hoá, vượt thắng sợ hãi, và mỉm cười cưỡi trên sóng sinh tử. Ngài nói rằng không có sinh, không có diệt, không có có, không có không, không có tăng, không có giảm. Nghe như vậy giúp chúng ta nhìn sâu vào bản chất của thực tại để thấy rằng sinh và diệt, có và không, đến và đi, tăng và giảm đều là những ý niệm mà chúng ta gán lên cho thực tại, trong khi đó, thực tại vượt lên trên mọi khái niệm. Khi nhận ra được bản chất tương tức của vạn vật – rằng ngay cả sinh và tử đều là những khái niệm – chúng ta vượt thắng sợ hãi.

Năm 1991, tôi thăm một người bạn ở Nữu Ước đang trong tình trạng hấp hối, Alfread Hassler. Chúng tôi đã cùng làm việc với nhau trong phong trào hoà bình trong gần ba mươi năm. Có vẻ như Alfred đã đợi tôi đến thăm trước khi ông ra đi, và ông đã qua đời vài giờ sau cuộc thăm viếng ấy. Tôi đến cùng với người đồng sự thân cận nhất, sư cô Chân Không.

Alfred không còn tỉnh khi chúng tôi đến. Cô Laura, con gái ông, tìm cách thức ông dậy nhưng không được. Tôi nhờ sư cô Chân Không hát Bài Ca Không Đến Không Đi cho Alfred: ‘Mắt này không phải là tôi, Tôi không bị kẹt vào nơi mắt ấy. Thân này không phải là tôi, Tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang, Tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt’, lấy ý từ Kinh Tạp A Hàm[1] . Cô Chân Không hát rất hay, tôi thấy những dòng nước mắt lăn trên má của vợ con ông Alfred. Đó là nước mắt của sự hiểu biết, rất trị liệu.

Bỗng Alfred hồi tỉnh lại. Sư Cô Chân Không bắt đầu thực tập những gì Cô đã học được từ Kinh Giáo Hoá Người Bệnh. Sư Cô nói: ‘Alfred, ông có nhớ thời chúng ta làm việc với nhau không?’ Sư Cô nhắc lại nhiều kỷ niệm hạnh phúc chúng tôi đã từng chia sẻ, Alfred nhớ lại được từng kỷ niệm một. Dù đau đớn thấy rõ, ông đã mỉm cười. Sự thực tập này mang lại kết quả ngay tức thời. Khi một người đang chịu những đau đớn về thân thể, đôi lúc ta có thể làm vơi đi những đau đớn đó bằng cách tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc trong họ. Thăng bằng được lấy lại, và người ấy thấy đỡ đau.

Trong lúc đó, tôi xoa bóp bàn chân ông, tôi hỏi ông có cảm thấy bàn tay tôi không. Khi hấp hối, các phần trên thân thể ta trở nên tê cứng, ta có cảm giác như mình đã mất đi những phần thân thể ấy. Xoa bóp nhẹ nhàng trong chánh niệm cho người hấp hối cảm giác ông vẫn còn sống và đang được quan tâm, săn sóc. Người ấy biết tình thương có mặt. Alfred gật đầu, và mắt ông có vẻ như nói: ‘Có, tôi cảm thấy tay Thầy. Tôi biết bàn chân tôi có đó.’

Sư Cô Chân Không hỏi: ‘Ông có biết chúng tôi đã học rất nhiều từ ông khi chúng ta sống và làm việc với nhau không? Công việc ông khởi đầu, nhiều người trong chúng tôi vẫn đang tiếp tục. Ông đừng lo gì cả.’ Sư Cô nói với ông nhiều điều như vậy, và ông có vẻ bớt đau đớn. Có một lúc ông hé miệng nói: ‘Mầu nhiệm. Mầu nhiệm.’ Và ông thiếp đi.

Trước khi rời, chúng tôi khuyến khích gia đình ông tiếp tục làm như vậy. Ngày hôm sau tôi được tin Alfred đã qua đời năm tiếng đồng hồ sau khi chúng tôi ra về. Đây là một món quà thuộc vào nhóm thứ ba. Nếu chúng ta có thể giúp cho người ta cảm thấy an toàn, bớt sợ đời sống, con người, và cái chết, thì chúng ta đang thực tập loại Thí thứ ba.

Có lần, trong lúc thiền, tôi có một hình ảnh rất mầu nhiệm – hình dạng một con sóng, khởi đầu và kết thúc. Khi các nhân duyên hội đủ, chúng ta thấy con sóng, và khi nhân duyên không đầy đủ nữa, chúng ta không còn thấy con sóng. Sóng được làm bằng nước. Ta không thể dán lên con sóng nhãn hiệu có hay không có. Sau cái mà chúng ta gọi là sự chấm dứt của con sóng, không có gì mất đi, không có gì chết cả. Sóng đã rút về với nước, và bằng cách này hay cách khác, thời gian sẽ mang sóng trở lại. Không có tăng, giảm, sinh, hay diệt. Khi hấp hối, ta nghĩ rằng mọi người đều đang sống, chỉ có mình đang chết mà thôi, cảm giác cô đơn của chúng ta có thể không chịu đựng nổi. Nhưng nếu ta có thể quán tưởng hàng trăm ngàn người đang cùng hấp hối với ta, cái chết của chúng ta có thể sẽ trở nên thanh thản hay thậm chí vui. ‘Tôi đang chết trong cộng đồng. Hàng triệu chúng sinh cũng đang chết đi trong giờ phút này. Tôi thấy tôi đang cùng với triệu triệu chúng sinh khác; chúng ta chết có tăng thân. Đồng lúc ấy, triệu triệu chúng sinh cũng đang ra đời. Tất cả chúng ta đều đang làm việc đó với nhau. Tôi vẫn đang tiếp tục được sinh ra, và đồng thời đang chết. Chúng ta tham dự vào toàn bộ sự việc ấy như một tăng thân.’ Đó là những gì tôi thấy trong khi thiền quán. Trong Tâm Kinh, Bồ Tát Quan Thế Âm chia sẻ tuệ giác này và giúp ta vượt thắng sợ hãi, lo lắng, và đau đớn. Món quà Vô Úy mang lại một sự chuyển hoá trong ta.

Giới thứ hai là một pháp thực tập rất sâu. Chúng ta đã nói đến thời giờ, năng lực, và tài vật, nhưng thời giờ không phải chỉ để dành cho năng lực và của cải. Thời giờ là để có đó cho nhau -- có đó với một người đang hấp hối hay đang đau khổ. Thật sự có mặt dù chỉ năm phút thôi cũng có thể đã là một món quà hết sức quan trọng. Thời giờ không phải chỉ để làm ra tiền bạc. Thời giờ là để tạo ra món quà Chánh Pháp và Vô Úy.

[1] Tương đương với Tương Ưng Bộ của tạng Pali (Samyutta Nikaya.)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 2016(Xem: 7311)
Trong bảy chúng, Tỳ kheo là bậc nhất. Trong ba tụ giới, Cụ Túc là đứng đầu. Người học Phật lấy giới luật làm nền tảng căn bản, là thềm thang đầu tiên để hướng chí đến quả vị giải thoát. Nếu không nghiêm trì Tịnh giới cho chuyên cẩn, thì cũng giống như đứng ở ngoài cửa mà chưa bước vào trong nhà Phật pháp. Giới luật không chỉ ngăn ngừa các điều ác chưa phát sanh, mà còn làm tăng trưởng thiện căn nơi hành giả. Vì thế, Tuyển Phật Trường là nơi chọn ra được những vị Sa di có bình cam lồ thật sạch để ngày mai đây tiếp nhận dòng nước giới pháp mà giới sư truyền trao.
08 Tháng Giêng 2016(Xem: 7884)
Từng nghe sanh tử là việc lớn, vô thường lại chóng mau, thật không đợi chờ người. Nếu không quyết tâm ngay đời này giải thoát thì làm sao thắng nỏi con quỷ vô thường giết người không ngừng trong mỗi niệm và giải quyết cho xong việc lớn sanh tử?
30 Tháng Bảy 2015(Xem: 14240)
Chúng ta đang thảo luận về tâm giác ngộ và một vị Bồ tát có nghĩa là gì, và chúng ta đã thấy rằng chỗ nào để thọ giới Bồ tát có trong sự tiến bộ của việc phát triển tâm giác ngộ, và những giai tầng của việc phát triển tâm giác ngộ.
29 Tháng Bảy 2015(Xem: 7050)
Giới tử phải thọ luật nghi Cận trú từ người khác chứ không thể tự thọ. Nếu sau này gặp phải các duyên khiến cho giới tử phạm phải việc ác (phạm giới duyên) thì nhờ sinh tâm hổ thẹn đối với thầy truyền giới mà có thể sẽ không phạm các giới đã thọ. Nếu không làm đúng theo các điều trên đây thì người thọ giới có thể có được hành động tốt (diệu hạnh) nhưng không thể đắc giới. Nếu làm đúng theo các điều trên thì luật nghi Cận trú sẽ có tác dụng rất lợi ích ngay cả đối với những người phạm phải ác giới thuộc về một ngày một đêm (như giết hại, trộm cắp, v.v.)[
20 Tháng Bảy 2015(Xem: 7272)
“Loại luật nghi này có tên là Cận trú (upavāsa) bởi vì, nhờ biểu hiện được lối sống phù hợp với lối sống của các A-la-hán (tadanuśikṣaṇāt), cho nên luật nghi này được đặt gần (upa) với A-la-hán. Có ý kiến khác cho rằng sở dĩ có tên Cận trú là vì nằm gần với loại luật nghi thọ trì suốt đời...... .
04 Tháng Bảy 2015(Xem: 7073)
Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp Kinh: “Nhược nhất thiết chúng sinh sơ nhập tam bảo hải dĩ tín vi bản, trụ tại phật gia dĩ giới vi bản”[1]: Hết thảy chúng sanh khi mới bắt đầu vào biển Tam bảo lấy tín làm gốc; khi sống trong ngôi nhà của Phật, thì lấy giới làm gốc. Học giới khởi sinh từ nơi tư tâm sở hay từ nơi ước muốn và thệ nguyện của một người tha thiết khất cầu pháp học giới để sống đời thanh tịnh....
02 Tháng Bảy 2015(Xem: 13467)
Những giới khinh của Bồ tát giới là để tránh khỏi 46 hành vi lỗi lầm (nyes-byas). Những hành vi lỗi lầm này được phân thành bảy nhóm gây thiệt hại, mỗi nhóm, liên hệ đến việc rèn luyện của chúng ta trong sáu ba la mật và với việc làm lợi ích cho người khác của chúng ta.
02 Tháng Năm 2015(Xem: 12354)
Giới là một hình thức vi tế không thấy trong sự tương tục tinh thần, là thứ hình thành thái độ. Một cách đặc biệt, nó là một sự kềm chế khỏi "một hành vi lỗi lầm", hoặc là một thứ tiêu cực một cách tự nhiên hay một việc mà Đức Phật ngăn cấm cho những cá nhân đặc thù đang tu tập để đạt đến những mục tiêu đặc biệt.