Hai hạng người khó gặp ở đời

08 Tháng Ba 201503:27(Xem: 7518)

Hai hạng người khó gặp ở đời
Quảng Tánh

ni gioi ngay nay 2Hẳn ai cũng biết, một trong những bổn phận căn bản của người xuất gia là thuyết pháp, đem lời vàng vi diệu của Thế Tôn chia sẻ an lạc đến với mọi người. Không riêng hàng xuất gia, hàng cư sĩ cũng nhiệt thành tham gia vào Phật sự thuyết pháp trong khả năng có thể để chuyển hóa người thân, giúp những người có cơ duyên gặp gỡ trong đời sống hàng ngày hiểu được Chánh pháp mà hồi tâm hướng thiện.

Song hành với thuyết pháp là nghe pháp. Phật pháp vốn bao la vô tận nên nghe (xem, đọc) pháp để hiểu biết sâu rộng thêm là vô cùng cần thiết. Nghe rồi suy ngẫm và ứng dụng thực hành trong đời sống lại càng cần thiết hơn. Vì vậy, Thế Tôn dạy người biết thuyết pháp và người biết nghe pháp để làm theo là hai hạng người khó gặp ở đời.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Có hai người xuất hiện ở đời, rất khó gặp được. Thế nào là hai người? Đó là người hay thuyết pháp xuất hiện ở đời rất khó được gặp; người hay nghe pháp thọ trì vâng làm rất khó được gặp. Đó là, này Tỳ-kheo, có hai người xuất hiện ở đời rất khó được gặp. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên học thuyết pháp, nên học nghe pháp. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Khuyến thỉnh, 
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.307)

Rõ ràng, “nên học thuyết pháp và nên học nghe pháp” là một trong những bổn phận căn bản của hàng đệ tử Phật. Và những người con Phật chúng ta ai cũng đã từng học, đang học, sẽ học hai môn này, học đến trọn đời. Trong bối cảnh người người thuyết pháp, nhà nhà nghe pháp, rồi các ban ngành của Giáo hội liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy, hoằng truyền Phật pháp với nhân sự lên đến hàng trăm người, vậy thì vì sao Thế Tôn lại khuyến cáo rằng, người thuyết pháp và người nghe pháp là hai hạng người khó gặp?

Thì ra, thuyết pháp đúng Chánh pháp, luôn khế lý, khế cơ, khế thời và khế xứ là điều không dễ dàng. Chúng ta mừng, hoan hỷ khi có nhiều người nhiệt tâm hoằng pháp. Nhưng bên cạnh niềm vui, vẫn còn những ưu tư vì đó đây vẫn còn những người nhân danh hoằng pháp nhưng truyền bá những điều tương tợ với Chánh pháp. Những hiện tượng như nhận lầm tầm gửi là bồ-đề; cố chấp, bảo thủ những quan điểm về hệ phái, tông phái, pháp môn; mạnh ai thì nấy nói (miễn có điều kiện thì tung băng đĩa, đưa lên mạng) mà không phải lúc nào các ban ngành chức năng cũng chấn chỉnh kịp thời v.v… là nguyên nhân khiến chúng ta “khó gặp người thuyết pháp”.

Nghe pháp cũng vậy, hiện nay người quan tâm tìm hiểu Phật pháp rất nhiều. Đây là tín hiệu đáng vui mừng trong bối cảnh đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay. Biết nghe pháp là quý, không nhiều thì ít, ai có quan tâm nghe đọc giáo pháp thì sẽ được thấm nhuần, lợi lạc. Tuy vậy, để có lợi ích thật sự như hoài bão của Thế Tôn thì song hành với tìm hiểu giáo pháp là ứng dụng thực hành. Hiểu pháp là tốt nhưng hành trì được pháp sẽ tốt hơn rất nhiều. Hành trì pháp cho trọn vẹn vốn không phải là điều dễ bởi phần lớn chúng ta đều phước mỏng nghiệp dày. Cũng chính vì vậy mà Thế Tôn dạy “người hay nghe pháp thọ trì vâng làm rất khó được gặp”.

Dù Thế Tôn nói khó gặp người thuyết pháp và nghe pháp nhưng nếu có phước duyên và nỗ lực chuyển hóa tự thân thì chúng ta sẽ được gặp. Nói những pháp gì mình đã biết, không nói những điều mà mình còn mơ hồ, chưa biết tường tận. Nghe pháp xong thì cố gắng thực hành, được chừng nào hay chừng nấy, nguyện không nghe suông. Chỉ chừng ấy thôi, chúng ta cũng đã vâng theo lời Phật “nên học thuyết pháp, nên học nghe pháp”. 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Chín 2014(Xem: 5740)
Ai cũng biết rằng, có thực mới vực được đạo. Dĩ nhiên, nếu thiếu thốn và khốn khó quá thì tu tập cũng bị trở ngại nhưng ngược lại đầy đủ và sung mãn quá đôi khi lại không phải là điều hay. Nhất là hành trình chứng đạt giải thoát thì luôn đi ngược với sự chấp thủ, cần phải xả ly và buông bỏ đến tận cùng. Nếu một hành giả chưa thành tựu A-la-hán, thiết nghĩ cũng rất cần tỉnh giác đối với cung kính và lợi dưỡng, vì đó thực sự là một chướng ngại.
31 Tháng Tám 2014(Xem: 6023)
Một trong những phẩm hạnh cao đẹp của người đệ tử Phật là biết ơn và đền ơn. Ơn nghĩa trong cuộc đời thật bao la rộng lớn, bao trùm khắp tất cả mọi chúng sanh và hết thảy sự vật. Giáo điển nhà Phật khái quát ơn nghĩa trong đời thành bốn ơn sâu nặng: Ơn cha mẹ sanh dưỡng, ơn chúng sanh vạn loại, ơn quốc gia xã hội, ơn Tam bảo thiêng liêng.
25 Tháng Tám 2014(Xem: 6101)
Đời người, nếu nói chung ai cũng ước chừng khoảng trên dưới “ba vạn sáu ngàn ngày”, ngót nghét cả trăm năm. Nhưng trong thực tế thì mỗi người có một tuổi thọ khác nhau, tùy nghiệp duyên của chính mình. Có người trường thọ, trăm tuổi còn dư. Có người cũng bước lên ngưỡng tuổi “bảy mươi xưa nay hiếm”. Tuy vậy, có không ít người ra đi lúc tuổi còn xanh hoặc vẫn còn thơ bé. Thậm chí, có người không có được cơ hội chào đời cũng phải chóng vánh kết thúc một đời.
23 Tháng Tám 2014(Xem: 6634)
Nhìn theo hướng lạc quan, hiện chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng phát triển và kiện toàn về nhiều phương diện. Bình tâm mà suy xét thì tuy có phát triển nhưng đời sống nhân loại lại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và hiểm họa. Không ai có thể dám chắc bất cứ điều gì ở tương lai khi mà mâu thuẫn, xung đột, chiến tranh, thảm họa, dịch bệnh, thiên tai… cứ chực chờ, đoanh vây, hủy diệt sự sống con người.
14 Tháng Tám 2014(Xem: 6997)
Là Phật tử, chúng ta đều tin hiểu lời Phật mà thực hành hiếu đạo trong đời sống hàng ngày. Cha mẹ, hai đấng sanh thành có một địa vị quan trọng trong tâm thức của người con Phật, ngang bằng với Phật và các vị Đại Bồ-tát, nên “gặp thời không có Phật, khéo phụng thờ cha mẹ tức là phụng thờ Phật vậy”(Kinh Đại tập).
20 Tháng Bảy 2014(Xem: 7125)
Nhằm hộ trì Chánh pháp cũng như để vun bồi phước báo cho mai hậu, pháp hành phổ biến nhất cho hàng Phật tử là bố thí và cúng dường. Dĩ nhiên có tài vật thì chúng ta có thể thực hành bố thí. Tuy vậy, nếu khéo léo hơn, thì cũng chừng ấy tài vật, nhưng việc bố thí của chúng ta sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn.
14 Tháng Bảy 2014(Xem: 6397)
Quán niệm vô thường là một trong những nội dung tu tập căn bản của người Phật tử. Mọi sự mọi vật quanh ta luôn vận động, biến đổi từng phút, từng giây. Thấy rõ như vậy để biết rằng những gì mà mình hay nhận lầm là ta và của ta, là vĩnh hằng bất biến, thực ra không có gì bền chắc cả.
06 Tháng Bảy 2014(Xem: 10098)
Niệm Phật là pháp môn tu khá phổ biến hiện nay. Pháp môn này được những người con Phật thực tập rất tinh chuyên từ thời Thế Tôn còn tại thế. Những cách tu niệm Phật như trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật… đã có từ thời Phật Thích Ca, do chính Ngài chỉ dạy.
02 Tháng Bảy 2014(Xem: 6101)
Mỗi người được sinh ra ở trên đời với một thân phận, hoàn cảnh khác nhau. Họ không có quyền chọn lựa cho mình nơi để sinh ra vì đó là nghiệp dĩ. Tuy nhiên, con người hoàn toàn có thể phấn đấu cải tạo nghiệp lực, chuyển hóa thân tâm và hoàn cảnh theo hướng tích cực, tốt đẹp hơn. Cuộc sống là một quá trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác.
30 Tháng Sáu 2014(Xem: 7023)
Là người con Phật, ai cũng nguyện trọn đời quy y Tăng và nhất quyết không quy y thầy tà, bạn xấu. Dĩ nhiên, với tâm từ, chúng ta không trách móc hay oán hận hoặc tẩy chay bất cứ vị thầy, bạn nào không xứng đáng nhưng quyết không thân cận, hợp tác với họ, vì Thế Tôn đã từng khuyến cáo “chớ cùng ác tri thức tùng sự”.