26- Nhu Thuận

21 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 12459)

TÂM LÝ ĐẠO ĐỨC
Tỳ Kheo Thích Chân Quang
Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội - 2004

NHU THUẬN

1. ĐỊNH NGHĨA.

Nhu thuận (nhu là mềm, thuận là xuôi theo): là vâng lời, nghĩa là làm theo lời dạy, làm theo sự sai bảo, làm theo tâm tình của mọi người. Tuy không phức tạp nhưng đây cũng là hạnh căn bản, hạnh quan trọng cho cuộc đời tu hành của một tu sĩ. 

Tuy nhiên, muốn vâng lời người khác, chúng ta phải từ bỏ ý kiến của mình, từ bỏ những dự định, quan điểm của mình. Đây không phải là điều dễ làm. Sống trên cuộc đời này, mỗi con người là một vũ trụ riêng tư, có tư tưởng, tình cảm, có những suy nghĩ riêng, có lối sống riêng không lặp lại với người khác bao giờ. 

Chưa nói đến việc phải gác lại những điều lớn lao để làm theo yêu cầu của người khác, chỉ lấy một ví dụ đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta sẽ thấy làm theo ý người khác khó như thế nào. Chẳng hạn, đến giờ làm việc cá nhân, chúng ta sắp xếp quần áo chuẩn bị đi tắm thì Sư huynh gọi lại và bảo đi làm giúp ông việc khác. Chưa biết việc Sư huynh yêu cầu quan trọng đến mức nào nhưng cả ngày vất vả, tranh thủ giờ nghỉ tắm rửa cho khỏe khoắn lại bị ngăn cản, yêu cầu làm ngay việc khác, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu, bực bội. Sự vâng lời khiến chúng ta phải từ bỏ ý định của mình, cũng có nghĩa là chạm đến bản ngã của mình, nên rất khó thực hiện. Chỉ khi không chấp ngã, chấp nhận sự thiệt thòi, mất mát, chúng ta mới có thể vâng lời người khác một cách dễ dàng. 

Ngoài xã hội, tổ chức nào cũng cần có sự tuân phục của người dưới đối với người trên. Vì có như vậy, tổ chức đó mới mạnh mẽ, vững chắc. Ví dụ, Quân đội là nơi có kỷ luật nghiêm ngặt nhất. Người ta thường nói “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Trong đó, người lính phải toàn tâm, toàn ý, biết vâng lời cấp trên một cách không điều kiện. Cấp trên yêu cầu làm điều gì, họ phải răm rắp tuân theo mà không cần giải thích, không cần biết lý do. Nếu không làm theo, họ sẽ chịu những hình phạt nghiêm khắc của quân đội. Tùy theo mức độ vi phạm mà người lính phải chịu hình phạt nặng hay nhẹ. Trường hợp đang xung trận, nếu người lính không vâng lời chỉ huy có thể bị chỉ huy bắn bỏ ngay tại trận. Nói chung, yêu cầu về kỷ luật, về sự tuân phục trong quân đội rất gay gắt. Chính nhờ sự vâng lời, sự tuân phục đó mà quân đội có được kỷ cương, sức mạnh để chiến đấu. 

Ở một số tổ chức khác ngoài đời cũng vậy. Nếu người dưới không vâng lời hoặc không tuân phục người trên, họ phải chịu một sự trừng phạt thích đáng. Có khi sự trừng phạt đó gây thiệt hại thật sự đến cuộc sống của người bị trừng phạt như: giảm tiền lương, bị cách chức, bị đuổi việc hoặc bị rêu rao, làm mất danh dự… Vì vậy, khi bước vào làm việc trong một cơ quan, một tổ chức nào đó, người ta phải tuân thủ theo kỷ luật mà cơ quan đã đề ra. 

Đạo Phật chúng ta không có kỷ luật nghiêm khắc áp dụng đối với một tu sĩ khi phạm lỗi. Đây là chỗ hở rất lớn của đạo Phật. Vì thế, người ta vẫn thường cho Đạo Phật dễ dãi, lỏng lẻo về mặt tổ chức so với các tôn giáo khác, các tổ chức khác. Ví dụ, một Tăng sĩ làm điều sai quấy, Giáo hội không có biện pháp xử lý, không có một sự trừng phạt thật sự để người ấy sống tốt hơn và làm gương cho những người khác. Cùng lắm, người có trách nhiệm chỉ rầy rà, kiểm điểm mà thôi. Bản thân đạo Phật không cũng có phương tiện, biện pháp chế tài bất cứ người nào. Hàng ngày, người ta vẫn gặp những cư sĩ giả danh tu sĩ đi khất thực. Họ cũng mặc bộ quần áo màu vàng, tay cầm cái bát nhưng mặt mày lơ láo, không có vẻ oai nghi tế hạnh của người tu. Hiện tượng này vẫn đang diễn ra nhưng Giáo hội chỉ lên tiếng cảnh báo cho mọi người biết đó là “tu sĩ giả danh” chứ không có biện pháp gì để ngăn chặn. Nếu nhìn thấy họ đi khất thực lơ ngơ láo ngáo ngoài đường mà không bị công an bắt, chúng ta cũng không biết làm gì. Chính vì không có biện pháp kỷ luật nghiêm ngặt ấy mà đạo Phật chúng ta yếu đi về mặt tổ chức so với các tôn giáo khác. Bên Thiên Chúa giáo, nếu tu sĩ làm điều gì sai trái, họ có biện pháp trừng phạt rất nghiêm khắc. Sự trừng phạt đó thật sự gây thiệt hại cho bản thân người tu sĩ bị phạm tội. Vì vậy, trong Thiên Chúa giáo, các Linh mục, Thầy dòng tuân phục kỷ luật rất tốt . Nhờ vậy, tổ chức của họ khá chặt chẽ. 

Sở dĩ chúng ta không thể áp dụng một kỷ luật nào cho người tu sĩ vì giáo lý của đạo Phật từ bi, khoan dung quá. Chính Đức Phật cũng không có biện pháp gì để xử lý những trường hợp vi phạm giới luật. Thời Đức Phật, do có sự bất hòa, hai vị Tỳ kheo đã cãi nhau kịch liệt. Đức Phật khuyên răn thế nào họ cũng không chịu nghe. Họ còn nói: 

- Bạch Thế Tôn! Thế Tôn già yếu rồi, Thế Tôn nghỉ đi, chuyện của chúng con để chúng con lo. 

Khuyên can hoài không được, Đức Phật đã bỏ đi. Sau đó, nhờ giới cư sĩ kéo đến phản đối, đòi cắt viện trợ, các Tỳ kheo đó mới sợ, không dám cãi nhau nữa và đi thỉnh Phật trở về. Cứ theo truyền thống ấy, đến bây giờ đạo Phật cũng không có biện pháp kỷ luật gì đối với tu sĩ. 

Như vậy, sức mạnh của đạo Phật nằm ở đâu? Sức mạnh của đạo Phật không nằm ở khâu tổ chức mà ở đạo lý. Vì vậy, tuy về mặt tổ chức có yếu nhưng thời đại nào có những bậc chân sư xuất hiện, đạt được đạo lý một cách vững chắc, thuyết phục và làm cho mọi người bị cuốn hút, tăng thêm đạo tâm, hướng về đạo, làm nhiều việc từ thiện, thực hành tu tập nghiêm túc…, thời đại đó đạo Phật hưng thịnh. Ngược lại, thời đại nào không xuất hiện những vị chân sư có đạo lý thì đạo Phật sẽ dần dần bị suy thoái. Như vậy, đạo Phật hưng thịnh nhờ vào đạo lý, còn tổ chức không đủ sức giữ cho đạo Phật tồn tại và phát triển. Đây là điểm khác nhau giữa đạo Phật và các tôn giáo hay các tổ chức khác. Ở các tôn giáo khác, chỉ cần có tổ chức chặt chẽ, tôn giáo họ có thể tồn tại và bành trướng được. Nói lên điều này, chúng ta sẽ thấy được bổn phận của người tu theo đạo Phật. 

Thứ nhất, tất cả chúng ta đều phải có bổn phận làm cho đạo Phật được hưng thịnh. Đây là điều hiển nhiên. Phải làm cho đạo Phật được hưng thịnh là lý tưởng của một tu sĩ. Không ai đi tu mà không nghĩ đến điều này. Nhưng đạo Phật hưng thịnh hay không là nhờ vào đạo lý. Chính chúng ta mới là người làm cho đạo lý của đạo Phật ngày càng phát triển mạnh mẽ, vững chắc và sâu rộng. Chúng ta phải tu, phải học thế nào để làm cho đạo lý Phật giáo được phát triển. Đó là cách làm cho đạo Phật thêm sức mạnh để hưng thịnh. 

Thứ hai, chúng ta phải làm thế nào để lấp chỗ trống về kỷ luật trong đạo Phật. Tính kỷ luật ấy biểu hiện ở sự tuân phục. Các tôn giáo khác đòi hỏi có sự kềm chế, sự tuân phục, bởi đằng sau là kỷ luật và sự trừng phạt. Đạo Phật chúng ta không có điều này. Vì vậy, mỗi sĩ chúng ta phải tự giác, tự nguyện tuân phục, vâng lời người trên, người trước của mình. Chúng ta phải tự mình lấp đầy lỗ hổng đó của đạo Phật để đạo của chúng ta ngày càng vững chắc. Nếu vì không có biện pháp kỷ luật mà chúng ta không cần vâng lời, tuân phục thì tự nhiên đạo Phật sẽ yếu dần đi. Sở dĩ chúng ta đòi hỏi sự tự nguyện tự giác ở mỗi người vì đây là vấn đề thụôc về đạo đức. Nghĩa là sự vâng lời theo kỷ luật là sự vâng lời bắt buộc, kèm theo sau đó là sự kiểm soát và sự trừng phạt. Còn sự vâng lời được gọi là đạo đức thì hoàn toàn tự nguyện, tự giác. Nếu từng người chúng ta tự giác tập hạnh vâng lời thì chùa sẽ mạnh. Mỗi chùa đều khép mình trong quy chế của Giáo hội, cố gắng làm đúng theo quy chế của Giáo hội, hòa hợp với Tăng đoàn thì tự nhiên Giáo hội cũng mạnh lên. Phật giáo vì thế cũng trở nên hưng thịnh. 

Ở trên, chúng ta nói sự vâng lời người trên, người trước nhiều khi cũng làm cho chúng ta khó chịu vì phải từ bỏ ý muốn, dự định của mình, vì nó chạm đến bản ngã. Nhưng nếu người nào đã thuần thục hạnh nhu thuận thì khi người khác yêu cầu làm việc gì, họ sẽ vâng lời, sẵn sàng bỏ việc của mình đi làm việc khác một cách toàn tâm, toàn ý. Và khi vâng lời, họ cảm thấy trong mình có một niềm vui đang lan tỏa. Tất nhiên, người thật sự có hạnh nhu thuận, làm theo người khác một cách toàn tâm toàn ý và trong lòng xuất hiện niềm vui không phải là nhiều. Những người tập được hạnh nhu thuận, ai bảo gì làm nấy (như một người máy) phải là người tu ở mức độ rất khá. Khi thực hiện hạnh nhu thuận một cách thuần thục, họ sẽ cảm thấy hạnh phúc mà người khác không cảm nhận được. Lúc ấy, họ đã diệt được nhiều chấp ngã trong tâm. Chúng ta đã biết, đỉnh cao của đạo Phật là vô ngã, sự tuyệt đối vô ngã cũng là Niết Bàn tuyệt đối, là đại giải thoát, đại an lạc. Hễ đạt được vô ngã thì chúng ta sẽ đạt được sự an lạc, vô tận an lạc, tuyệt đối an lạc. Chúng ta đừng nghĩ sự an lạc trong vô ngã là hư không. Nó thật sự là niềm vui lớn, tuyệt đối mênh mông, khác với cảm giác xao động theo cái niềm vui của thế gian. 

Ví dụ, khi được người khác khen điều gì, chúng ta cảm thấy sung sướng. Niềm vui đó, cảm giác sung sướng đó là thuộc về thế gian vì nó xao động và lệ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Trong khi đó, trong Thiền định, dù được một phần vô ngã thôi, chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đó không lệ thuộc vào lời khen hay điều kiện bên ngoài, tự nó có mà lại như không có bởi nó không xao động. 

Ơû đời, mọi khổ vui của chúng ta là do cảm giác từ thọ ấm phát sinh, cảm giác ấy thường xao động. Vì vậy, một bậc giải thoát, bậc trí tuệ thường phân biệt rất rõ hai niềm hạnh phúc ấy. Hạnh phúc của thế gian, của thọ ấm thường xao động, bất an và cuối cùng là đau khổ. Bởi vậy, Phật nói: thọ thị khổ. Còn trong Thiền định, tưởng như lặng lẽ hư vô nhưng niềm an lạc, hạnh phúc rất mạnh, rất lớn. Hai niềm hạnh phúc mà con người có được (hạnh phúc của thọ ấm khởi lên và hạnh phúc của Thiền định do đạt được vô ngã) hoàn toàn khác nhau. Tương tự như vậy, khi nhu thuận, chúng ta đã được một phần của vô ngã nên cũng được một phần niềm an lạc này. Trên lý luận là vậy nhưng sự thật phải thực hành, chúng ta mới thấy được điều này. Nghĩa là khi sống trong đại chúng, với Thầy Tổ, với huynh đệ, nếu biết vâng lời một cách toàn tâm toàn ý, không làm theo ý mình, chúng ta sẽ có được niềm vui thật sự của đời sống tu hành. 

Đối với người xuất gia, bước đầu vào đạo phải triệt để thực hành hạnh nhu thuận để làm nền tảng cho đức hạnh lâu dài về sau, vì hạnh nhu thuận giúp người tu phá trừ chấp ngã, diệt trừ kiêu mạn rất tốt. Thật ra, vô ngã phải do công phu Thiền định nhiều năm, nhiều kiếp mới đạt được. Dù có được định, chúng ta cũng chưa đạt được vô ngã. Bên cạnh Thiền định còn nhiều hạnh khác hỗ trợ cho việc phá chấp ngã, trong đó có hạnh nhu thuận. Người xuất gia buổi ban đầu, nếu không thực hiện được hạnh nhu thuận, vâng lời thì sẽ không thực hiện được những hạnh khác. Vì vậy, nhu thuận vừa là hạnh giúp chúng ta phá chấp ngã vừa mở đường cho vô số công hạnh khác, điều tốt đẹp khác đến với chúng ta.

Ví dụ, khi thấy chúng ta nóng nảy, Thầy khuyên: “Con đừng nóng nữa, hãy cố gắng nhẫn nhục, hãy sống hòa thuận với huynh đệ”. Điều Thầy dạy hoàn toàn đúng. Nếu có thói quen vâng lời, có hạnh nhu thuận, chúng ta sẽ triệt để cố gắng thực hành lời dạy của Thầy. Có thể lúc đầu còn khó khăn nhưng mỗi lần nóng nảy, nhớ lời nói từ tốn của Thầy, chúng ta sẽ dần dần thực hiện được. Như vậy, nhờ có hạnh nhu thuận mà chỉ một câu nói ngắn gọn, nhẹ nhàng của Thầy thôi chúng ta đã ghi xương khắc cốt suốt đời để thực hiện. Và sau đó, bao nhiêu hạnh lành khác mở ra. Ngược lại, nếu có thói quen không vâng lời, khi nghe Thầy khuyên, chúng ta sẽ mặc kệ, không ghi tâm. Vì thế sẽ không bao giờ sửa đổi được tính nóng nảy của mình.

Trong cuộc sống đạo, những cái xấu Thầy bảo bỏ chúng ta phải cố gắng bỏ; những cái tốt chưa có, Thầy bảo phải tu tập, chúng ta cố gắng huân tập cho được. Đó là hạnh vâng lời. Khi vâng lời như thế, chúng ta sẽ được vô số những điều lợi ích về sau. Ví dụ, khi thấy chúng ta sáng dạ, Thầy gửi chúng ta vào trường học và dặn dò: “Con phải cố gắng học, đừng để phụ công lao, sự hy vọng của Thầy”. Vâng lời Thầy, ngay từ khi bước chân vào trường, chúng ta không dám chểnh mảng việc học. Ngoài việc học, chúng ta còn tranh thủ thời gian ngồi Thiền. Nhờ vâng lời Thầy mà chúng ta thực hiện được điều đó. Và cuối cùng, chúng ta là người có lợi, bao nhiêu công đức lành cứ thế mở ra. 

Nếu không biết vâng lời, Thầy yêu cầu làm điều gì cũng nhăn nhó, dần dần Thầy không nói đến nữa, công đức chúng ta sẽ bị tổn giảm. Chúng ta nên nhớ rằng, người tu sĩ giữ được lập trường tu hành không phải nhờ vào tài hay tướng mà nhờ vào công đức. Có người vì thiếu công đức, thiếu phước phải hoàn tục, không được làm Tăng nữa. Không vâng lời Thầy cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chúng ta tổn phước. Vì vậy, hạnh vâng lời rất quan trọng đối với người tu.

Một điều nữa cũng cần lưu ý là chúng ta đừng vội phê phán, nhận định lời giáo huấn hay sự sai bảo của người trên. Trong cuộc sống, nhiều người có thói quen hay phê bình, nhận xét lời dạy của Thầy mà không hoàn toàn nhu thuận vâng lời. Ví dụ, khi Thầy bảo: “Bây giờ con mang cây này sang trồng chỗ khác”. Tuy không nói ra nhưng trong bụng người đệ tử không phục: “Cây này trồng như vậy được rồi sao phải dời đi chỗ khác, không biết sự thẩm mĩ thầy để ở đâu”. Mặc dù làm theo ý thầy nhưng người đó vẫn có sự phê bình, nhận xét, không hoàn toàn tuân phục một cách vô điều kiện sự sai bảo của Thầy. 

Hoặc có trường hợp Thầy dạy một đạo lý nào đó, người không vâng lời cũng âm thầm cãi lại. Chẳng hạn, Thầy khuyên: “Con cố gắng niệm Phật, vì học bao nhiêu, làm phước bao nhiêu cũng không bằng sự tu tập”. Không nói ra nhưng trong bụng người ấy cũng phản đối: “Thầy lạc hậu thật! Thời buổi này người ta tu thiền, kiến tánh thành Phật còn bắt người ta niệm Phật”… 

Là đệ tử nhưng trong lòng luôn có sự phản kháng ngầm ngầm hoặc nhận xét lại lời giáo huấn, sự sai bảo của người trên như vậy là không nên. Vì lúc này, chúng ta tu chưa nhiều, ngã chấp chưa bớt, trí tuệ chưa sáng nên sự phê phán đó chưa chính xác. Khi đã lớn, đã tu hành qua nhiều công hạnh, qua nhiều công phu Thiền định, ngã chấp nhẹ hơn, chúng ta sẽ nhìn vấn đề đúng hơn, sự nhận xét sẽ chính xác hơn. 

Ngay cả người thế gian, bước đầu dạy con cũng phải tập cho con trẻ hạnh vâng lời, sau đó mới dạy thêm vô số đức tính khác. Đây là bài học kinh nghiệm về giáo dục con cái của các bậc cha mẹ. Nếu ngay từ nhỏ, cha mẹ không dạy cho con hạnh vâng lời, cuộc đời của đứa bé sau này sẽ hỏng. Thực tế cho thấy, giáo dục con trẻ không phải là điều đơn giản vì có những đứa trẻ rất dễ bảo, nhưng cũng có những đứa rất khó bảo, cha mẹ phải nghiêm khắc dạy dỗ, thuyết phục ngay từ buổi đầu. 

Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra không cương quyết trong việc dạy con. Khi sai con làm việc gì, nếu con không làm, cha mẹ lại tự làm lấy. Cứ thế, đứa trẻ sẽ nghĩ rằng không vâng lời cha mẹ cũng chẳng sao. Càng ngày, cha mẹ càng không sao sai khiến nổi. Hoặc có trường hợp cha mẹ hay bào chữa, chống chế cho con. Khi nhà có khách, cha mẹ gọi con ra chào, đứa trẻ tìm cách trốn mất. Lúc ấy, không những không la rầy, cha mẹ còn nói đỡ cho con: “Cháu có tính nhút nhát, nhất là khi có người lạ”. Thật ra, chính cha mẹ đã dung túng cho sự thật không vâng lời của con mình. Cứ thế, sau này đứa trẻ sẽ tiếp tục không vâng lời và trở thành đứa hư hỏng. Ông bà ta từng nói:

Uốn cây từ thuở cây non

 Dạy con từ thuở con còn ngây thơ.

Do không biết “Uốn cây từ thuở cây non” mà nhiều gia đình đã rơi vào hoàn cảnh bất hạnh. Con cái lớn lên không vâng lời cha mẹ còn bắt cha mẹ phải vâng lời mình. Lúc bấy giờ, nếu cha mẹ không vâng lời con thì tai họa sẽ ập đến. Vì vậy, với trẻ con, cha mẹ phải dạy cách vâng lời vô điều kiện ngay từ buổi ban đầu. Dù có khi phải trừng phạt nặng nề để con cái sợ hãi mà vâng lời, chúng ta cũng phải chấp nhận. Khi đã có thói quen vâng lời, cha mẹ không cần phải trừng phạt hay quát tháo, chỉ cần liếc mắt nhìn là con trẻ sẽ hiểu mình muốn gì và sẽ ngoan ngoãn thực hiện. Trên cơ sở đó, cha mẹ dạy con những đức tính khác một cách rất dễ dàng. 

2. THỰC HÀNH.

Trong tâm con người, khuynh hướng nhu thuận thường không nhiều (đôi khi khuynh hướng bướng bỉnh nhiều hơn) nên chúng ta phải có một công phu tu tập để dần dần vượt qua sự bướng bỉnh đó. Trước hết, bằng lời tâm nguyện, hằng ngày khi lễ Phật, ngồi thiền, chúng ta luôn cầu xin Phật gia hộ cho mình được hạnh nhu thuận để sống toàn tâm, toàn ý theo Thầy, theo huynh đệ. Nhờ lời cầu nguyện, sự bướng bỉnh trong chúng ta dần dần giảm đi. Khi Thầy sai bảo điều gì, dạy điều gì, tự nhiên chúng ta thực hiện dễ dàng hơn. Như vậy, sức mạnh của lời nguyện có thể giúp chúng ta vượt qua khuynh hướng bướng bỉnh, chỉ thích làm theo ý mình. 

Ở mức độ cao hơn, nhu thuận được thực hiện ngay cả những lúc không có Thầy. Nghĩa là khi Thầy vắng mặt, chúng ta cũng cân nhắc, cố gắng không làm trái ý Thầy. Tất nhiên, tự kiểm soát, tự ràng buộc mình khi không có sự kiểm soát của người khác là điều rất khó, chúng ta phải tu tập nhiều mới thực hiện được. Bản thân người trụ trì cũng phải tự ràng buộc mình, phải cân nhắc trong từng lời nói việc làm. Khi làm việc gì cũng nghĩ xem người khác có vui không. Khi Phật tử cúng dường tiền bạc, người trụ trì muốn sắm sửa vật gì cũng cân nhắc, dùng tâm quán sát xem thí chủ cúng dường có vui hay không khi mình sắm sửa vật đó? Như vậy, dù không có ai kiểm soát, nhắc nhở, chúng ta cũng phải cố gắng thực hiện hạnh nhu thuận.

Cao hơn nữa( gọi là nhu thuận cấp ba) là công phu tu hành bí mật bên trong. Đi sâu vào công phu tu hành của nội tâm, chúng ta cần phải cẩn thận vì sự dụng tâm thầm kín bên trong chỉ tự mình biết. Ví dụ, đến giờ ngồi thiền, niệm Phật, chúng ta có tu hay không thực ra không ai biết được vì không có người kiểm soát. Đây là lúc chúng ta càng phải vâng lời Thầy, càng phải thực hành đúng theo sự hướng dẫn của Thầy. Thực tế cho thấy, nhiều người không tuân thủ theo sự hướng dẫn của thầy trong khi đi vào công phu tu hành nội tâm bí mật đã đi vào sai lầm. Cũng có trường hợp, người đệ tử thực hành khác Thầy vẫn thành công, nhưng trường hợp này rất ít. Tốt hơn hết là chúng ta nên thực hiện theo lời dạy của Thầy vì Thầy là người đi trước, có nhiều kinh nghiệm trong việc tu hành nội tâm. Thực hiện theo sự chỉ dẫn của Thầy vẫn có lợi cho chúng ta hơn.

Tóm lại, chúng ta vâng lời Thầy mình trên ba mức độ:

- Mức độ thứ nhất: Khi có mặt Thầy.

- Mức độ thứ hai: Khi vắng mặt Thầy.

- Mức độ thứ ba: Khi đi sâu vào công phu tu hành nội tâm. 

Thực hiện được cả ba mức độ đó là chúng ta đã đạt được hạnh nhu thuận một cách sâu sắc. 

Ngoài việc vâng lời Thầy, đối với sư huynh, sư tỉ, chúng ta cũng phải cư xử một cách nhu thuận để bày tỏ lòng kính trọng. Dù chưa thể bằng Thầy nhưng sư huynh, sư tỉ là những người đến với đạo trước, có kinh nghiệm hơn chúng ta. Nhu thuận với họ, ngã chấp của chúng ta sẽ giảm đi rất nhiều. Chúng ta sẽ học được những kinh nghiệm quý báu của sư tỉ, sư huynh. Hơn nữa, sự nhu thuận của người dưới đối với người trên, người đi sau đối với người đi trước sẽ giúp cho tình huynh đệ thêm thắm thiết. Đó là tâm lý chung của con người. Bản thân chúng ta cũng vậy. Khi người nhỏ hơn biết nhu thuận vâng lời, tự nhiên chúng ta thấy thương họ hơn. Tất nhiên, khi chúng ta biết nhu thuận vâng lời các sư huynh, sư tỉ và họ thương mình hơn thì đạo Phật rất có lợi.

Trong đạo, tình huynh đệ là tình cảm rất thiêng liêng và cao quý. Nếu tình đạo, tình bạn, tình huynh đệ đó được gìn giữ cho đến mãi về sau thì nó trở thành vô giá. Thử nghĩ, một ngày nào đó, tất cả những người cùng học với nhau ngày hôm nay đều trở thành Hòa thượng nhưng vẫn thương nhau, vẫn liên lạc với nhau, vẫn hỗ trợ cho nhau trong cuộc hoằng pháp thì tình cảm đó quý giá biết chừng nào! Có thể nói, tình cảm ấy không thể đánh đổi bằng bất cứ điều gì trên cuộc đời này. Những người may mắn giữ được tình huynh đệ trong thời gian dài mấy chục năm, dù ở xa nhau vẫn liên lạc, vẫn hỗ trợ cho nhau khi cần thiết sẽ đem lại nhiều lợi ích cho việc đạo. Hiểu được điều này, khi còn sống với nhau, chúng ta phải yêu thương, tùy thuận với nhau để duy trì tình huynh đệ tốt đẹp ấy đến suốt cuộc đời. 

Đối với các sư đệ, bổn phận làm sư huynh, chúng ta phải biết phụ thầy dạy dỗ. Những lúc cần thiết, chúng ta phải nghiêm khắc với các em nhưng phải lưu ý thực hiện một điều gần như công thức:“thương năm, phiền trách một”. Nghĩa là tình thương phải lớn hơn sự nghiêm khắc. Có như vậy sư đệ mới cảm phục và vâng lời. Mặt khác, chúng ta cũng phải biết nhu thuận với các em, nghĩa là cũng thương yêu, chìu chuộng các em. Có những điều rất nhỏ nhặt trong cuộc sống nhưng chúng ta biết chìu chuộng các sư đệ nghĩa là chúng ta đã nhu thuận với họ. Ví dụ, khi hai huynh đệ đang ngồi học với nhau, sư đệ bỗng kêu buồn ngủ và nói: “Em mệt quá, sư huynh đưa chân cho em ngả lưng một chút, năm phút sau gọi em dậy học bài nhé!”. Lúc ấy, chúng ta vui vẻ để sư đệ gối đầu ngủ và đúng năm phút sau gọi em dây học bài. Như vậy là chúng ta đã thương yêu, nhu thuận với sư đệ của mình.

3. ĐỐI VỚI SAI VÀ ĐÚNG CỦA CUỘC ĐỜI.

 Khi lớn lên, chúng ta phải đối diện với cuộc đời với muôn ngàn đúng sai, phức tạp. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, con người ai cũng có lúc đúng, lúc sai. Có khi người ta làm điều này đúng nhưng có lúc lại nói điều khác sai. Người chưa chắc sai hoàn toàn, cũng chưa chắc đúng hoàn toàn và chúng ta cũng vậy. Do đó, chúng ta đừng quá tin vào ý kiến chủ quan của mình để luôn phản bác người khác. Không phải lúc nào những điều chúng ta nghĩ, những điều chúng ta hiểu biết cũng đúng. Có những điều bây giờ chúng ta cho là đúng nhưng một thời gian sau, khi nhìn lại, chúng ta thấy điều đó không đúng nữa. Hoặc có khi ba năm trước, chúng ta nói một câu mà bao nhiêu người cho là chí lý, cảm phục nhưng bây giờ chính chúng ta lại giật mình vì điều mình đã nói không đúng với Phật pháp. Vì vậy, chúng ta không được cố chấp, không được chủ quan trước đúng sai của người khác và của chính bản thân mình. 

Nhưng nếu không dựa vào sự hiểu biết của mình thì chúng ta dựa vào đâu để nhận định những sai đúng của cuộc đời ? Điều này rất khó xác định. Chúng ta chỉ tin vào phước đức của mỗi người. Nếu là người có phước, tự nhiên chúng ta sẽ biết được sự sai đúng của người khác, sự sai đúng của cuộc đời để chọn đường đi đúng đắn. Nếu vô phước, tự nhiên chúng ta nhận định mọi điều đều không chính xác. Phước rất quan trọng nên người tu phải siêng năng lễ Phật để được nhiều phước. Nhờ có phước, chúng ta sẽ sáng suốt, nhận định chính xác những điều sai, điều đúng trong cuộc đời để tránh bớt những lỗi lầm. 

Đối với trường hợp tư tưởng, ý kiến của người là đúng, chúng ta phải biết trân trọng, quý hóa. Điều này vừa hợp lý vừa giúp chúng ta giữ được tâm khiêm hạ. Vì người khác nói được điều đúng, làm được việc đúng sẽ khởi lên trong tâm chúng ta sự kính trọng. Khi kính trọng người khác, chúng ta là người được lợi ích đầu tiên, được hạnh khiêm hạ. Chúng ta đã biết, hạnh khiêm hạ có thành tựu hay không phụ thuộc vào việc chúng ta có kính phục nhiều người hay không. Nếu sống trên đời, lúc nào cũng chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác và chê bai, dè bĩu, sự tự cao của chúng ta sẽ tăng lên và đạo đức sẽ dần dần tan vỡ. Ngược lại, nhìn ai cũng thấy điểm tốt và tỏ ra kính phục thì tự nhiên khiêm hạ của chúng ta tăng thêm và đạo đức cũng tăng theo. 

 Như vậy, người khác tốt nhưng chúng ta lại được lợi ích. Nói điều này chúng ta sẽ thấy trách nhiệm của mình đối với mọi người. Nhiều khi nhìn vào nhân loại, vào thế giới, chúng ta cảm thấy lo lắng vì không được bao nhiêu người tin vào nhân quả, không có bao nhiêu người kiểm soát được lầm lỗi của mình để vượt qua tham lam, thù hận. Nhưng càng suy nghĩ, chúng ta càng phát hiện ra một điều: lầm lỗi của con người không phải do bản thân họ gây nên mà do người khác. Điều này có vẻ hơi vô lý nhưng lại là một sự thật.

Ví dụ, Sân là một trong năm yếu tố của ô nhiễm. Nhưng ô nhiễm do đâu mà có? Chính kiêu mạn đã sinh ra ô nhiễm. Kiêu mạn xuất hiện là do không biết kính phục ai hay không có ai để mình kính phục. Vì vậy, khi thấy người nào đó rơi vào lầm lỗi, chúng ta chỉ biết trách mắng, nguyền rủa họ mà không tìm hiểu nguyên nhân là một sai lầm. Nguyên nhân gây nên lầm lỗi ấy là do kiêu mạn, do không có ai để họ kính phục. Thế gian này quá thiếu những vị Thánh. Nếu được gặp một vị Thánh nhân trong cuộc đời, không lầm lỗi, từ bi, có trí tuệ, giải thoát thật sự, họ sẽ kính phục và không kiêu mạn. Nhờ vậy, họ sẽ có hạnh khiêm hạ và không bị đổ vỡ về đạo đức. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy lầm lỗi đầy rẫy trên thế gian là do tất cả chúng ta gây nên. Là người tu, chúng ta phải cố gắng tu tập, hoàn chỉnh giới hạnh, trí tuệ để người khác kính phục. Tất nhiên, mục đích chúng ta không phải chỉ dừng ở chỗ để được kính phục mà để người khác được tâm khiêm hạ, được tăng trưởng về đạo đức. Nếu xét một cách công bằng, một người bị đỗ vỡ đạo đức là do họ không có trí tuệ để nhìn thấy cái hay của người khác mà kính trọng nhưng trong đó cũng có lỗi của những người xung quanh. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng sống và tu học cho thật tốt để mỗi người là một vị Thánh cho người khác dựa vào, tăng trưởng được thiện pháp. 

Trường hợp đã cân nhắc kỹ và thấy ý kiến, tư tưởng của người khác là sai, không thể chấp nhận, chúng ta cũng hết sức cẩn thận, đừng lên giọng công kích, miệt thị quá đáng để chứng tỏ mình hay hơn. 

Ví dụ, một Thầy khi giảng pháp luôn khuyến khích mọi người cố gắng làm phước để cầu phước cho kiếp sau. Điều này không đúng. Vì đạo Phật là đạo “tri ân bất cầu báo”, làm phước không cầu quả báo. Làm phước mà cầu phước cho mình thì không phải xuất phát từ lòng thương yêu. Nhưng khi có Phật tử đến hỏi điều này, chúng ta phải trả lời rất khéo léo để họ vừa hiểu được vấn đề vừa không gây chia rẽ trong đạo Phật. Có thể chúng ta giải thích cho Phật tử hiểu rằng, Thầy dạy như vậy là dạy căn bản bước đầu để mọi người biết tin vào nhân quả. Nghĩa là người ta hy vọng được hưởng phước ở đời sau nên đời này cố gắng làm việc thiện. Khi đã tiến bộ hơn, Thầy sẽ dạy chúng ta làm phước mà không cầu phước. Phật tử nghe giải thích như vậy sẽ không nhận ra chúng ta không đồng quan điểm với vị Thầy đó đồng thời cũng hiểu đúng hơn về việc làm phước. Trong những trường hợp như thế, nếu chúng ta lên giọng công kích, miệt thị quá đáng sẽ làm cho Phật tử thấy kẽ hở trong đạo Phật là sự chia rẽ nội bộ. Hiện nay, không ít người bên ngoài lợi dụng những kẽ hở này làm cho các Thầy mâu thuẫn nhau, chùa này công kích chùa kia khiến đạo Phật bị chia rẽ, mất đoàn kết. Vì vậy, chúng ta phải cẩn thận, đừng bao giờ để trong tâm mình có sự hiềm khích, công kích hạ thấp người khác. 

Người thuần thục hạnh nhu thuận, khi phân tích sự sai lầm của người khác vẫn giữ được vẻ từ bi, hiền lành, không hung hăng hiếu thắng. Lão Tử từng nói:“ Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa”. Người quân tử tuy không đồng quan điểm, tuy giữ vững lập trường, lý tưởng nhưng vẫn sống hòa thuận với mọi người. Đó là những người tốt. Ngược lại, kẻ tiểu nhân tuy đồng quan điểm nhưng lại cư xử với nhau bất hòa. Họ là những người xấu. 

Ví dụ, đối với một Linh mục Thiên Chúa giáo, mặc dù không đồng quan điểm với họ nhưng chúng ta vẫn có thái độ hòa nhã, vẫn từ bi khoan dung độ lượng. Đó là thái độ của người quân tử theo quan niệm của Lão Tử. Chúng ta không nên vì bất đồng mà dẫn đến bất hòa. 

Hiện nay, trên thế giới liên tục xảy ra những cuộc chiến tranh tôn giáo, chiến tranh sắc tộc đẫm máu là do có sự bất đồng trong quan điểm và dẫn đến bất hòa. Ở Bắc Ireland, Tin Lành và Thiên Chúa giáo từng bắn giết nhau rất dã man cũng vì có sự bất đồng. Trong đạo Phật, vẫn còn tình trạng chùa này với chùa kia, Thầy này với Thầy kia đồng nhau về quan điểm nhưng cư xử với nhau nhiều khi không hòa thuận, thích chỉ trích, hiềm khích, hơn thua với nhau. Theo Lão Tử, đó là :“đồng nhi bất hòa”. Như vậy, vô tình chúng ta trở thành những người tiểu nhân như Lão Tử đã phê phán. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải cố gắng xây dựng đạo Phật trở thành một cộng đồng gồm những người vừa đồng lại vừa hòa. Đó là những người đồng hướng đến con đường giải thoát, đồng thờ kính Đức Phật và cư xử với nhau hết sức nho nhã, hòa thuận. Đây là mục tiêu mà tất cả chúng ta phải hướng đến.

Về sau, khi đã trải qua nhiều năm tháng tu hành chín chắn, đôi lúc chúng ta nhận ra Thầy mình, sư huynh mình vẫn có những điểm chưa hoàn toàn đúng. Đây là một thực tế, một sự thật chúng ta cần phải đối diện, cũng là sự cần thiết cho đạo Phật. Vì sở dĩ đạo Phật phát triển được là nhờ người sau biết học hỏi người trước và người sau giỏi hơn người trước. Tuy nhiên, khi nhận ra những điểm chưa đúng của Thầy hay của sư huynh, chúng ta phải có thái độ đúng đắn trong cư xử. Chúng ta không được phản bác Thầy, phải biết bỏ qua những điểm không đáng để giữ chặt tình thầy trò, tình huynh đệ. Vì đó là những tình cảm vô cùng thiêng liêng. 

Khi còn nhỏ, chúng ta vâng lời Thầy, vâng lời sư tỉ, sư huynh để học hỏi. Khi lớn lên, dù ở vị trí nào, chúng ta cũng tiếp tục nhu thuận, vâng lời để thầy bạn được vui. Vì lúc này, hạnh nhu thuận không phải để học hỏi mà là biểu hiện của lòng hiếu. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã hơn Thầy và tỏ ra tự cao, tự đại. Đó là tội bất kính, bất hiếu với Thầy, người đã cưu mang, dạy dỗ, cho mình niềm tin và ánh sáng để đi trong cuộc đời này. Chúng ta phải luôn ghi nhớ: dù là người nổi tiếng, dù ở tột đỉnh vinh quang, muôn đời chúng ta vẫn là người học trò bé nhỏ trước Thầy. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng vâng lời Thầy. Đó chính là lòng hiếu trong đạo Phật. 

4. ĐỐI VỚI PHẬT PHÁP.

Thời đại ngày càng phát triển, tư tưởng con người ngày càng tiến bộ và sâu sắc hơn. Đạo Phật cũng phải phát triển và tiến bộ vượt hơn thời đại mới xứng đáng là ánh sáng dẫn đường cho nhân loại. Thời Đức Phật, Ngài nói rất đơn sơ, cô đọng, các vị Thánh có thể hiểu được nhưng người đời sau không thể nào hiểu nổi. Vì vậy, qua sáu trăm năm kể từ khi Phật nhập Niết Bàn, rất nhiều vị luận sư đã viết những bộ luận nổi tiếng để bổ sung cho lý luận của đạo Phật. Đó là việc làm rất cần thiết để đạo Phật phát triển. Càng về sau, giáo lý của đạo Phật càng được các vị luận sư phân tích và bổ sung thêm. Bên Nam tông, sự bổ sung giáo lý không nhiều nhưng Bắc tông, điều này thể hiện rất rõ. Phát minh được điều gì, các vị bổ sung ngay vào giáo lý của đạo Phật.

Ngày nay, sự phát triển trong đạo Phật còn đòi hỏi gay gắt hơn trước nữa. Cùng với khoa học, tư tưởng con người đã tiến bộ vượt bậc. Nếu vẫn còn tin rằng đạo Phật là chân lý tuyệt đối, là ánh sáng phía trước soi rọi cho thế gian đi theo, chúng ta phải có bổn phận đưa đạo Phật phát triển vượt lên trước thời đại. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải tiếp tục phát triển trên lý luận của đạo Phật. Nhờ kiến thức, nhờ kinh điển, nhờ kinh nghiệm tu hành, chúng ta phải luôn luôn tìm tòi những điều mới, điều đúng để góp phần làm cho đạo Phật phong phú hơn. Đây thực sự là điều cần thiết và cũng là bổn phận của tất cả các Tăng sĩ trong thời đại hôm nay. Sống trong thời đại khoa học phát triển rất nhanh, tư tưởng con người phát triển vượt bậc như vậy mà đạo Phật không theo kịp thì đạo Phật không còn là chỗ dựa, là người dẫn đạo cho thế gian, cho cuộc đời nữa. Đến lúc đó, người ta sẽ không cần đến chúng ta và đạo Phật cũng khó mà tồn tại. 

Nghĩ đến điều này, chúng ta phải làm sao cho đạo Phật phát triển mạnh mẽ để khi nhìn vào, mọi người vẫn thấy đạo Phật tràn đầy ích lợi cho cuộc sống của họ. Chúng ta phải làm sao để con người dù có bay vào không gian, lên được đến sao Hỏa, sao Kim hay lặn sâu xuống đáy đại dương; dù cuộc sống có đầy đủ tiện nghi: xử lý mọi việc bằng computer, có đầu máy vidéo, ti vi, tủ lạnh,… họ vẫn thấy đạo Phật thật sự cần thiết cho cuộc sống của họ. Đạo Phật sẽ hướng đạo và đem lại ích lợi cho họ. Lúc ấy, con người sẽ tìm đến với đạo Phật, tìm đến với chúng ta. 

Tuy nhiên, phát triển đạo Phật, bổ sung thêm được nhiều điều mới mẻ cho đạo Phật nhưng chúng ta phải luôn luôn dựa vào giáo lý đã có, phải tôn trọng kinh điển cũ. Đó cũng là sự nhu thuận đối với cổ nhân. Đừng bao giờ vì tìm được những điều mới mà chúng ta làm cuộc cách mạng thay đổi tất cả, gây nên sự khuấy động quá lớn trong đạo Phật. Đó là hành động cực đoan, quá khích và hiếu thắng của những người trẻ tuổi. Chúng ta phải tỏ ra chín chắn, trưởng thành, già dặn hon so với điều mình vừa tìm được. Dù tìm ra được những điều rất mới nhưng lúc nào chúng ta cũng nhẹ nhàng, tôn trọng cái cũ. Làm như vậy, những người đã từng quen với nề nếp cũ vẫn hoan hỉ đón nhận những giáo lý mới của chúng ta. Nhờ vậy, đạo Phật ngày càng phát triển mà không có sự chống đối, mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ. Thái độ ấy của chúng ta gọi là nhu thuận, nhẹ nhàng, tôn trọng cổ nhân.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3264)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9901)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4188)