TRIẾT HỌC TÁNH KHÔNG
Nguyên tác: Pháp sư Ấn Thuận
Chuyển ngữ: Tỳ-kheo Thích Nhuận Thịnh
(CỦA TÁC GIẢ)
Ở trong Trung quán kim luận, tôi nói: “Trong những người có quan hệ thầy trò, bằng hữu, tôi được xem là người nghiên cứu về Tam luận hoặc Không tông.” Tôi “đối với ý nghĩa tổng quát căn bản của Không tông, quả thật là có đồng tình rất lớn,” nhưng “tôi không đủ tư cách thuộc về bất cứ học phái nào của Không tông.” Vấn đề là: Tôi đọc sách chỉ mong hiểu được ý chính mà không để tâm nhiều đến sự trau chuốt của văn tự, chung chung mà không chuyên, nên không thích hợp với việc chuyên hoằng truyền một tông nào, hoặc thâm nhập để làm rạng rỡ một tông nào. Lại nữa, đối diện với tình hình thực tế của Phật giáo, tôi luôn cảm thấy nó có một khoảng cách rất xa đối với Phật pháp. Sự phát tâm tu học của tôi chỉ là tấm lòng chân thành đối với Phật pháp, hi vọng từ trong Tam tạng được Ấn độ truyền đến, hiểu ra nguồn gốc và sự thay đổi, phát triển của việc tu trì và giải thích nghĩa lý, đem nó làm cho thuần khiết, chân chánh trở lại, không có nhằm vì làm cho thích ứng mà thiên (thần) hóa hay thế tục hóa đi Phật pháp. Điều này là xuyên suốt toàn tác phẩm, tôi không dám quên đi phương châm ấy.
Vài năm trước đây, nhằm để viết tác phẩm Sự khởi nguyên và phát triển của Phật giáo Đại thừa sơ kỳ, khi đọc kinh Bát nhã, tội chợt nhớ lại đã 30 năm trước, kiến giải của tôi trong Trung quán kim luận rằng: “Trung luận là bản tổng luận của kinh A-hàm;” “Trung luận quả thật đã dùng lập trường của học giả Đại thừa,… khai quật và phát triển nghĩa lý sâu xa của duyên khởi trong kinh A-hàm, đem chánh kiến của Phật pháp (Đại thừa) thiết lập vững chắc trên nguyên tắc cơ bản của duyên khởi và trung đạo.” Sự suy đoán này, xuất phát từ suy đoán của các nhân tôi, không nhất định có thể được sự công nhận của giới Phật học. Tôi nghĩ, đối với không nghĩa của kinh Bát-nhã, dẫu có lý giải rõ ràng, chính xác, không bằng từ A-hàm, Bộ phái, Bát-nhã, Long thọ, làm một phen ‘nghiên cứu về triết học tánh không’, dùng để phát huy tính thật tiễn của không và khai triển lý luận. Sự hình dung ấy chính là động cơ của việc viết ra tác phẩm này.
Chủ đề của sách này chính là ‘không’. Nói đơn giản: cái không của A-hàm là xem trọng con đường giải thoát để tu trì. Cái không của Bộ phái dần dần có khuynh hướng bình luận, phân tích về ý nghĩa của pháp. Cái không của Bát-nhã là ‘nghĩa sâu sắc’ của sự thể ngộ. Cái không của Long thọ là là giả danh, tánh không của kinh Bát-nhã, và sự thống nhất trung đạo và duyên khởi của kinh A-hàm. Tất cả pháp đều là không của Phật pháp Đại thừa là không lìa khỏi Phật pháp – lập trường căn bản của duyên khởi và trung đạo; là Trung luận (thuộc lý luận), cũng là Trung quán (thuộc thực tiễn). Tuy nhiên, gọi là ‘nghiên cứu’, mà kỳ thật chỉ là trích dẫn, thuật lại kinh điển để trình bày, không có sự phát huy của tự mình. Mới gần đây tôi thấy được mục lục của Thế giới Phật học danh trước dịch tùng, biết rằng có Bát-nhã tư tưởng và Trung quán tư tưởng do tập thể gồm Kajiyama Yuuichi [梶山雄一], v.v, trước tác, tôi không thể đọc được và tham khảo, thật vô cùng nuối tiếc! Hi vọng có thể có một vài quan điểm và ý kiến chung với nhau!
Dân quốc năm 73, ngày 29, tháng 11, viết lợi tựa này tại Tinh xá Hoa Vũ, Đài Bắc.