Nghệ Thuật Quán Sát

31 Tháng Tám 202118:56(Xem: 4703)

NGHỆ THUẬT QUÁN SÁT
Sayadaw U Tejaniya
Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ

 

Ngài Sayadaw U Tejaniya hướng dẫn thiền tại Trung Tâm Lâm Thiền Pháp Lạc Shwe Oo Min ở Yangon, Myanmar.

blankCó lần tôi ngồi thiền trong lúc vừa lắng nghe sư phụ tôi, ngài Sayadaw Shwe Oo, thuyết pháp.  Tâm tôi rất lắng đọng, nhưng bỗng nhiên tôi cảm thấy trở nên bức bối.  Chuyện đó xảy ra như thế nào?  Làm sao tâm sân có thể phát khởi nhanh chóng như thế khi chỉ ít phút trước đây nó rất bình an?

Trong khoảng khắc đó, tôi ghi nhận một điều rất thú vị: tâm tôi trở nên tò mò muốn biết điều gì đã xảy ra.  Nó muốn tự biết mình.  Nó muốn biết tại sao nó đã đánh mất trạng thái an tĩnh và trở nên sân.  Vì thế nó lùi lại một chút, và bắt đầu đặt câu hỏi. Sự quan tâm đến bản thân lúc đó đã chuyển tâm ra khỏi trạng thái sân.  Nó muốn học hỏi và tìm hiểu sự thật, vì thế nó bắt đầu nhẹ nhàng theo dõi tiến trình của sân.

Khi tiếp tục hành thiền, tôi đã có thể quán sát sân phát khởi trong tâm.  Một mặt, tâm đang cố lắng nghe sư phụ tôi nói gì. Mặt khác, một nhóm trẻ con đang ồn ào bên ngoài thiền đường.  Tôi muốn chúng dừng lại, và tôi thấy tâm mình đang than phiền về tiếng ồn và than rằng tôi không nghe được bài giảng của sư phụ.  Một số cảm xúc mạnh mẽ khởi lên.  Tâm quán sát nhìn thấy tất cả mọi thứ đang diễn ra trong tâm.

Bạn có thấy tâm bao quát dường nào ở thời điểm này không?  Sau khi nó thấy bản thân qua lại giữa hai điều này được một lúc, nó nhìn thấy sự bất mãn, không hài lòng.  Tâm nhận ra nó đang tiếp nhận một thứ âm thanh, đó là âm thanh giọng nói của sư phụ, và được gắn nhãn “tốt”, đáng ưa, trong khi âm thanh từ những người đang nói chuyện, được coi là “xấu”, không đáng ưa.

Ở khoảng khắc nhận thức này, tâm không ưa thích thứ này hay thứ kia.  Nó có thể nghe âm thanh là âm thanh, chứ không mang vào đó sự gán ép là tốt hay xấu.  Ở thời điểm đó, tâm đã dừng ý muốn nghe lời nói của sư phụ tôi, và sự bực bội đối với tiếng nói của những người đang nói chuyện.  Thay vào đó, tâm giữ vị trí ở giữa, và tiếp tục quán sát với sự thích thú.  Tâm đã thấy khổ và buông.

Đó là cách ta hành thiền -với sự quan tâm và soi xét mỗi khi có một hay nhiều hơn ba tâm gốc bất thiện (tham, sân và si) phát khởi.

Đức Phật gọi tính chất quán sát quan trọng này của tâm là dhamma vicaya, có nghĩa là cái tâm tự động quán sát thực tại.  Đó là cái tâm tự quán sát, tìm hiểu bản thân bằng cách đặt các câu hỏi để khám phá ra điều gì đang xảy ra và tại sao nó xảy ra.  Tâm muốn biết bản chất của ba gốc bất thiện tâm.

Thông thường các hành giả chỉ quan tâm đến chánh niệm và chánh tinh tấn mà quên hành dhamma vicaya.  Họ quên tìm hiểu, thắc mắc về các trải nghiệm để học hỏi.  Nhưng chánh niệm là về cái biết.  Bạn phải sử dụng tư duy thiện xảo để quyết định hành xử ra sao; bạn không thể giới hạn pháp hành của mình để luôn tỉnh thức.  Điều đó chưa đủ tốt.

Các gốc bất thiện này chế ngự tâm.  Chúng rất lão luyện, đầy thiện xảo, và luôn làm theo ý chúng nếu chúng ta lơ là.  Nếu ta không thực sự nhận biết chúng, và đối trị bằng trí tuệ, thì chúng sẽ chế ngự tâm.

Sự buông xả đã xảy ra khi tôi vừa lắng nghe sư phụ và khách vãng lai là kết quả của sự hiểu biết thực sự về trạng thái thích và không thích trong tâm.  Trí tuệ này phát khởi qua sự thực hành quan sát và tìm hiểu tâm sân trong tôi.

Cũng bằng các đó, ngay khi bạn nhận ra bất cứ tâm bất thường nào, hãy chú ý đến nó ngay để biết tất cả mọi thứ có thể về nó. Nếu bạn có thể thấy những bất ổn tâm lý vi tếquán sát xem nó thay đổi thế nào: tăng lên hay giảm xuống? Khi tâm trở nên buông  xả và nhạy cảm hơn, nó sẽ nhận ra các phản ứng vì tế dễ dàng hơn.

Hãy luôn coi sự phát khởi của một tâm bất thiện gốc là cơ hội để phân tích bản chất của nó. Hãy thắc mắc, quan tâm! Các tâm bất thiện gốc này khiến bạn cảm thấy thế nào? Ý nghĩ gì khởi lên trong tâm?

Suy nghĩ của bạn ảnh hưởng thế nào đến cảm xúc? Cảm xúc của bạn ảnh hưởng đến suy nghĩ như thế nào? Thái độ phía sau các suy nghĩ đó là gì? Những điều này thay đổi cách bạn tiếp nhận cái đau như thế nào?

Tâm cần được hưởng dẫn, và dhamma vicaya làm nhiệm vụ đó. Một khi ta đã định hướng cho tâm, nó sẽ tiếp tục đi theo hướng đó. Đó là đặc tính tự nhiên của tâm. Nếu ta để tâm buông lung, không phương hướng, nó sẽ chao đảo.

Lấy một thí dụ nữa là sợ hãi.  Nếu có tâm sợ hãi và bạn quyết định khảo sát cảm xúc này, là bạn đã đưa tâm đi đúng hướng.  Tuy nhiên, nếu bạn cố gạt bỏ nó đi, là bạn đã hướng tâm đi sai đường.

Hãy kiên trìThực hành chậm rãi, cảm nhận những gì đang xảy ra. Cố gắng thâu thập càng nhiều thông tin càng tốt.  Đó là công năng của tỉnh thức -thâu thập thông tin.  Bất cứ khi nào bạn cảm thấy có vấn đề cần quan tâm, hãy thăm dò nó.  Những gì diễn ra trong tâm lúc đầu khá lộn xộn.

Chúng ta cần tiếp tục quán xét cùng một vấn đề, từ nhiều góc nhìn.  Khi sự tỉnh thức của ta trở nên vững chãi, thì sợ hãi sẽ lắng xuống, và ta có thể hiểu vấn đề nào là quan trọng và vấn đề nào là không.

Ta sẽ thấy được sự lợi ích của việc thực hành rõ ràng hơn và hiểu được những điều mình đã học hỏi ở mức độ sâu lắng hơn.  Tất cả sẽ góp phần vào việc làm tăng trưởng thêm sự tự tin của ta.

Đừng bao giờ nản chí khi bạn lảng quên tỉnh thức.  Mỗi khi bạn nhận ra được mình đã lơ là với tỉnh thức, hãy vui lên.  Sự thật là khi bạn nhận ra được mình đã mất tỉnh thức có nghĩa là giờ bạn đang thức tỉnh.  Cứ tiếp tục quán sát quy trình của việc đánh mất và tìm lại được tỉnh thức và học hỏi từ đó.

Cuộc sống là sự phản chiếu chất lượng của tâm.  Nếu bạn thực sự hiểu tâm mình, bạn sẽ hiểu thế giới.  Kiến thức đó bạn có được do sự quán sát và học hỏi.  Bạn không cần phải tin vào bất cứ điều gì mà bạn không thể hiểu một cách trí tuệ.  Cứ tiếp tục phân tích, tìm hiểu.  Cứ tiếp tục học hỏi từ chính kinh nghiệm bản thân của mình.

 
Diệu Liên Lý Thu Linh – 5.2021

(Chuyển ngữ theo Trích đoạn từ Relax and Be Aware: Mindfulness Meditations for Clarity, Confidence, and Wisdomtác giả Sayadaw U Tejaniya, do Doug McGill biên tập © 2019, Tricycle Xuân 2020)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn