Buổi Sáng Thứ Năm Bài Thực Tập: Tư Tưởng

11 Tháng Tám 201000:00(Xem: 18466)

BA MƯƠI NGÀY THIỀN QUÁN
Joseph Goldstein
Nguyễn Duy Nhiên Việt dịch
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà Nội 2008

Buổi sáng thứ năm

Bài thực tập: Tư tưởng


Sử dụng tư tưởng như một đề mục chánh niệm là một điều quan trọng. Nếu chúng ta không ý thức được tư tưởng của mình ngay khi chúng vừa khởi lên, ta sẽ khó có thể nào hiểu được lý vô ngã và thấy được rằng sự suy nghĩ không phải thật là mình. Sự ngộ nhận này là nền móng căn bản xây dựng lên cái ngã, cái tôi của mình: “Tôi là người đang suy nghĩ.” Chánh niệm về tư tưởng đơn giản chỉ có nghĩa là biết được tư tưởng ngay khi nó sinh khởi, biết được rằng tâm mình đang suy nghĩ mà không bị dính mắc vào nội dung của suy nghĩ.

Chúng ta không nên miệt mài chạy theo sự tưởng tượng, phân tích việc tư tưởng từ đâu đến. Ta chỉ cần ý thức được rằng trong giây phút này có một tư tưởng đang sinh khởi. Bạn có thể niệm thầm trong đầu “suy nghĩ, suy nghĩ” mỗi khi có một tư tưởng nào được phát hiện. Bạn hãy quán sát chúng mà không phê bình, không phản ứng, không cho rằng sự suy nghĩ đó là chính mình, là của mình. Sự suy nghĩ cũng chính là người suy nghĩ. Chẳng có ai đứng phía sau chúng hết. Tư tưởng tự nó suy nghĩ. Nó đến mà chẳng cần ai mời gọi.

Sau một thời gian thực tập thiền quán, bạn sẽ thấy rằng khi chúng ta không còn bị dính mắc vào sự suy nghĩ, tư tưởng sẽ không tồn tại được lâu. Ngay khi bạn ý thức được sự có mặt của một tư tưởng, nó sẽ biến mất và sự chú ý sẽ trở lại với hơi thở. Nếu muốn, bạn cũng có thể đặt tên, phân loại chính xác hơn cho những tư tưởng để nhận diện sự khác biệt của chúng, thí dụ như “dự định”, “tưởng tượng” hay là “nhớ”. Cách này có thể giúp cho sự chú ý của bạn được sâu sắc hơn. Nhưng nếu bạn chỉ niệm “suy nghĩ, suy nghĩ...” thôi cũng đủ rồi.

Điều quan trọng là phải ý thức được tư tưởng ngay khi nó vừa phát khởi, chứ không phải vài phút sau đó. Khi bạn nhận diện được sự có mặt của tư tưởng ngay khi chúng vừa sinh khởi, chúng sẽ mất đi khả năng chi phối bạn.

Nhưng bạn đừng bao giờ đối xử với tư tưởng như là một chướng ngại, kẻ thù của thiền quán. Chúng chỉ là một đối tượng của chánh niệm, một đề mục của thiền quán. Đừng bao giờ để tâm mình trở thành lười biếng, buông thả. Phải tinh tấn duy trì chánh niệm, luôn biết rõ những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại.

Thiền sư Suzuki trong quyển Thiền tâm sơ tâm có viết: “Khi ngồi thiền, bạn đừng cố gắng ngăn chặn sự suy nghĩ của mình. Hãy để nó tự chấm dứt. Nếu có một tư tưởng nào xuất hiện, hãy để nó đến rồi đi. Chúng không thể tồn tại được lâu. Nếu bạn dụng công ngăn chặn nó, có nghĩa là bạn bị nó làm cho khó chịu. Đừng bao giờ để chuyện gì làm cho bạn phải khó chịu. Điều mà bạn tưởng rằng đến từ bên ngoài, thật ra chính là những đợt sóng trong tâm bạn, và nếu bạn không khó chịu vì những đợt sóng, chúng sẽ dần dần trở nên yên tĩnh hơn... Những cảm xúc đến, tư tưởng, hình ảnh sinh khởi lên, đều là những đợt sóng trong tâm. Chẳng có gì ở ngoài tâm bạn cả... Nếu bạn để cho tâm được tự nhiên, nó sẽ trở nên tĩnh lặng. Tâm này gọi là chân tâm.”

Hãy để mọi việc xảy ra một cách tự nhiên. Hãy để những hình ảnh, tư tưởng, cảm giác sinh ra và diệt đi mà không khó chịu, phản ứng, phê phán hay ôm giữ. Trở thành một với chân tâm, quán sát một cách cẩn thận và tinh tế những đợt sóng đến và đi. Thái độ này sẽ đem lại cho tâm ta một sự quân bình và tĩnh lặng vô cùng nhanh chóng. Đừng bao giờ xao lãng sự tập trung của mình. Giữ tâm chánh niệm luôn luôn, từng giây phút một, về mọi chuyện đang xảy ra, dù đó là sự chuyển động của bụng, là hơi thở ra vào ở mũi, là cảm giác hay tư tưởng. Lúc nào cũng giữ chánh niệm, tập trung nơi đối tượng với một tâm quân bình và thoải mái.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5002)
25 Tháng Bảy 2016(Xem: 5146)
Kính thưa các đại biểu đáng kính của cộng đồng Phật giáo, thưa các bạn: tất cả các bạn đã đến đây để tìm hiểu Thiền Quán là gì và nó giúp chúng ta thế nào trong cuộc sống hằng ngày; nó giúp chúng ta thế nào để thoát khỏi đau khổ, đau khổ của đời sống và của cái chết. Mọi người đều muốn thoát đau khổ, muốn sống một cuộc đời an bình và hòa hợp. Chỉ có điều chúng ta không biết làm thế nào. Chính sự giác ngộ của Siddhatta Gotama đã giúp ngài nhận ra chân lí: đau khổ nằm ở đâu, nó bắt đầu thế nào và làm thế nào để diệt khổ.
12 Tháng Bảy 2016(Xem: 5172)
Đây là bài thực tập do chính Jon Kabat Zinn phác thảo và đã trở thành một bài thực tập điển hình của hầu hết văn bản chỉ dẫn thực tập.
07 Tháng Bảy 2016(Xem: 5907)
Thiền sư U Silananda thọ giới tỳ kheo đã hơn bốn mươi lăm năm. Ngài hoàn mãn văn bằng Phật học cao cấp nhất tại Miến Điện và đã từng dạy đại học nơi này. Trong kỳ Kiết Tập Kinh Điển Phật Giáo lần thứ sáu tại Miến Điện vào năm 1954, Ngài là vị lãnh đạo việc soạn thảo Tự Điển Miến-Pali và cũng là Trưởng Ban Kiết Tập Kinh Điển Pali, Chú Giải, và Chú Giải Của Chú Giải lúc Ngài mới vừa 26 tuổi. Ngài là tác giả của nhiều sách viết bằng tiếng Miến và tiếng Anh, trong đó có cuốn The Four Foundations Of Mindfulness (Tứ Niệm Xứ hay là Bốn Lãnh Vực Quán Niệm), một cuốn sách căn bản giảng dạy chi tiết về Tứ Niệm Xứ.
05 Tháng Bảy 2016(Xem: 4973)
Tôi hành thiền Vipassanà không theo cách rập khuôn một bài bản cố định, có điều kiện của các thiền sư, thiền viện hay thiền phái nổi tiếng nào, dù biết rằng những phương pháp vận dụng quy mô ấy đều đem lại lợi lạc nhất định cho rất nhiều hành giả và bản thân tôi cũng đã học hỏi từ đó rất nhiều.
24 Tháng Sáu 2016(Xem: 5168)
Đạo Phật Là Gì? Đạo Phật chân chính không là những đền đài, tượng Phật, cúng dường hoặc lễ tụng. Trong khi những thứ này đều có giá trị, chúng lại không đáp ứng câu hỏi: Đạo Phật chân chính là gì? Nếu nói rằng đạo Phật chân chính là sự tu tập thiền định dùng chánh niệm và thắng trí để đạt tuệ giác đến dứt trừ tất cả phiền não, diệt khổ ưu thì chưa hẳn là đúng.