Ba thân

21 Tháng Ba 201514:57(Xem: 14382)
BA THÂN
TULKU THONDUP
Harold Talbott hiệu đính
Bản dịch Việt ngữ của Thanh Liên

PHÁP THÂN
duc phatDharmakāya (Pháp thân), thân tối thượng, tạo thành nền tảng của mọi phẩm hạnh của vị Phật, và nền tảng năng lực của các ngài để hoạt động. Bản tánh của Pháp thân thì thanh tịnh tự trạng thái nguyên thủy của nó và thuần tịnh không bị mọi ô nhiễm ngẫu nhiên. Siêu vượt tư tưởng và sự biểu lộ bằng ngôn từ, Pháp thân an trụ không bị trói buộc trong những tính chất, giống như không gian. Không dời đổi khỏi trạng thái Pháp thân, nó đáp ứng những nhu cầu của mọi sinh loài nhờ sự hiện diện tự nhiên của hai sắc thân.
Trong những hình tượng của phái Nyingma, Pháp thân được tượng trưng bằng một vị Phật nam và nữ trần trụi trong sự hợp nhất, có màu thanh thiên (xanh dương nhạt), được gọi là Samantabhadra (Phổ Hiền).

Samantabhadra biểu thị phương diện chứng ngộ Pháp thân, bản tánh tối thượng của mọi phẩm tính tốt lành và xấu xa của sinh tử và niết bàn. Tự nguyên thủy, ngài chứng ngộ trí tuệ nguyên sơ của Pháp giới tối thượng, thoát khỏi sự ý niệm hóa. Nhờ sự chứng ngộ này ngài không an trụ trong những cực đoan của sinh tử mà cũng không an trụ trong sự an bình của niết bàn. Ngài được gia lực bằng sự thấu suốt chân lý tối thượng, và sự thấu suốt này là trí tuệ nguyên sơ hoàn toàn bình đẳng (bình đẳng tánh trí). Nó không là sự trống không đơn thuần do sự tịch diệt tạo nên. Thay vào đó, đối tượng của trí tuệ nguyên sơ phân biệt (diệu quan sát trí) của tất cả chư Phật, là tinh túy của trí tuệ nguyên sơ vi tế, an trụ như cõi tịnh độ của sự quang minh nội tại, “thân trẻ trung trong một tịnh bình.” Sự quang minh nội tại của mối liên hệ giữa trí tuệ nguyên sơ và đối tượng của nó có thể được ví như cách một miếng pha lê phóng chiếu một quang phổ ánh sáng, nhưng trên thực tế những tia sáng thì cố hữu trong miếng pha lê. Do bởi năng lực thiêng liêng này,sự quang minh nội tại, năm vị Thầy của năm loại mạn đà la Báo thân an trụ, nhờ sự cố hữu hiển lộ, trong sự phô diễn vĩ đại của những hình tướng và trí tuệ bất khả phân.

Pháp thân an trụ không có sự biến đổi, phân biệt, khác biệt, trong năm cách thế:
NƠI CHỐN: pháp giới tối thượng, cõi tịnh độ của “thân trẻ trung   trong một tịnh bình”
ĐẠO SƯ: Phổ Hiền, sự tự-tỉnh giác vĩ đại, trí tuệ nguyên sơ của   nhất thể-như thị
CÁC ĐỆ TỬ: Hội chúng như đại dương các trí tuệ nguyên sơ.
THỜI GIAN: Thời gian bất biến, sự như thị
GIÁO LÝ: Dzopa Chenpo (Đại Viên mãn) tối thượng, giáo lý của   thân, ngữ, và tâm không bị tạo tác.

Pháp thân, thanh tịnh tự nguyên thủy, nhất vị, giống như không gian. Nó an trụ   với ba loại trí tuệ nguyên sơ, siêu vượt sự khái niệm hóa của các cực đoan, thuyết thực thể (vĩnh cửu) và thuyết hư vô.

Ba trí tuệ nguyên sơ là:
1. Trí tuệ nguyên sơ của tinh túy nội tại, thuần tịnh tự nguyên   thủy, siêu vượt những cực đoan của sự khái niệm hóa và sự biểu lộ bằng ngôn từ, giống như pha lê trong suốt.

2. Trí tuệ nguyên sơ của bản tánh thành tựu tự nhiên; nó là sự quang minh vi tế, sâu xa, làm nền tảng cho sự xuất hiện của những thuộc tính của phương diện biểu lộ, và nó không hiện hữu như một cách thế đặc thù có tính chất hiện tượng.

3. Trí tuệ nguyên sơ của lòng bi mẫn trùm khắp (năng lực); nó an trụ giống như mặt đất không gây chướng ngại để sự sinh khởi xảy ra nhờ năng lực hiển lộ của tinh túy nội tại; (nhưng sự tỉnh giác này không phân tích đối tượng của nó.)

Nếu có bất kỳ sự thô lậu nào thì Pháp thân sẽ thuộc về hiện tượng và nó sẽ có những tính chất, trong trường hợp đó nó sẽ không đủ điều kiện như cái gì có sự an bình và thoát khỏi sự khái niệm hóa như ý nghĩa rốt ráo của nó. Nếu không có phương diện vi tế của sự quang minh sâu xa như nền tảng của sự xuất hiện thì Pháp thân sẽ chỉ đơn thuần là một sự vắng mặt, giống như một khoảng trống. Vì thế nó là một trí tuệ nguyên sơ của sự quang minh vi tế, mở trống, an trụ như nền tảng của sự xuất hiện, siêu vượt hai cực đoan của thuyết thực thể (vĩnh cửu) và hư vô.

Pháp thân sở hữu ba phẩm tính vĩ đại:

1. Thuần tịnh vĩ đại (sPang Pa Ch’en Po): hai che chướng thình lình và huyễn hóa với những tập quán của chúng, là cái thực ra không hiện hữu, hoàn toàn được tịnh hóa.

2. Sự chứng ngộ vĩ đại (rTogs Pa Ch’en Po): Nhờ trí tuệ nguyên sơ vĩ đại của sự bất nhị, Pháp thân nhìn tất cả sinh  tử và niết bàn mà không rơi vào sự phân biệt.

3. Tâm vĩ đại (Sems Ch’en Po): Do bởi hai phẩm tính trước,những hiển lộ của Pháp thân đối với sự lợi lạc của tất cả chúng sinh thì tự nhiên và thành tựu một cách tự nhiên mà không có bất kỳ khái niệm nào.

BÁO THÂN
Dharmakāya (Pháp thân) an trụ trong trạng thái của sự quang minh sâu xa và bản tánh tuyệt đối của các hiện tượng. Không chỉnh sửa bản tánh của Pháp thân, Sambhogakāya (Báo thân) tự-xuất hiện, thân hỉ lạc, hiển lộ tự nhiên. Từ tinh túy của Pháp thân, phương diện hiển lộ của trí tuệ nguyên sơ, vô số thân Phật và cõi tịnh độ xuất hiện như sự tự-tri giác, giống như những tia sáng năm màu xuất hiện từ một miếng pha lê nhờ những tia sáng mặt trời. Trong Báo thân, vị Thầy và các đệ tử được hợp nhất trong phạm vi của cùng một sự chứng ngộ. Vị Thầy không ban giáo lý mà đúng hơn, các giáo lý được tự xuất hiện trong trạng thái đồng nhất. Các Báo Thân xuất hiện tự nhiên như sự tự-tri giác theo năm cách thế:

NƠI CHỐN: “Cõi tịnh độ vô song của mạng lưới tuyệt đẹp” tự-tri giác

VỊ THẦY: Năm bộ Phật, chẳng hạn như Vajrasattva  (Akshobhya, Phật Bất Động), được tô điểm ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ.

CÁC ĐỆ TỬ: Vô lượng chư Phật như đại dương, xuất hiện như sự tự-hiển lộ của trí tuệ nguyên sơ, không gì khác hơn chính là vị Thầy.

GIÁO LÝ: Cái thấy chói ngời vĩ đại, không thể diễn tả và thoát khỏi những sự khái niệm hóa của biểu thị và ngôn từ.

THỜI GIAN: Sự bất biến; chu kỳ thời gian luôn luôn tiếp diễn

Có hai loại trao truyền trong Báo thân:

1. Trong cõi tịnh độ vô song, các giáo lý tantra được Samantabhadra (Phổ  Hiền) ban cho chư Phật Báo Thân tự-tri giác, chính là Đức Phổ Hiền, trong khi vị Thầy và các đệ tử an trụ trong trạng thái chứng ngộ không thể phân biệt. Điều này được gọi là sự trao truyền cùng một tâm của vị Thầy và đệ tử.

2. Nhờ sự gia hộ của vị Thầy, những đệ tử có tâm thức khác biệt với tâm của Thầy trở nên đồng nhất với tâm Thầy. Điều này được gọi là sự trao truyền việc trở nên bất khả phân của tâm Thầy và đệ tử.

Năm trí tuệ nguyên sơ của Báo thân là:

1. Pháp giới thể tánh trí (dharmadhātujnāna): Là sự hợp nhất bất khả phân của ba phương diện: tánh Không vĩ đại (sự mở trống), là nền tảng của sự giải thoát, thuần tịnh tự nguyện thủy; nền tảng của sự tự-quang minh, ánh sáng tự nhiên của trí tuệ nguyên sơ; và Pháp giới tối hậu của trí tuệ tỉnh giác.

2. Đại viên cảnh trí (ādarshajnāna): Những hình tướng xuất hiện trong giác tánh trống không-quang minh theo cách thế không bị chướng ngại, giống như sự xuất hiện của những phản chiếu trong một tấm gương. Trí tuệ nguyên sơ này là phương diện của nền tảng đối với sự xuất hiện của hai sắc thân, Báo thân và Hóa thân. Để đáp lại những đệ tử có thể nhìn thấy và tu tập, hai sắc thân của Đức Phật và ba trí tuệ nguyên sơ sau đây xuất hiện tự nhiên như một phản chiếu.

3. Bình đẳng tánh trí (samantājnāna): Đó là trí tuệ bình đẳng vĩ đại giải thoát tự nguyên sơ, trong đó mọi sự xuất hiện của các sắc thân của Đức Phật xuất hiện phù hợp với tri giác của các đệ tử, không rơi vào hay giữ bất kỳ cực đoan nào.

4. Diệu quan sát trí (pratyavekshanajnāna): là trí tuệ nguyên sơ đồng thời nhìn thấy rõ ràng mọi hiện tượng có thể nhận thức được không chút sai lầm.

5. Thành sở tác trí (krityānushthānajnāna): là trí tuệ nguyên sơ thành tựu những mục đích của riêng ta trong trạng thái của giác tánh nội tại, và phụng sự tự nhiên mọi nhu cầu của chúng sinh mà không cần nỗ lực, giống như một viên ngọc   như ý.

Pháp giới thể tánh trí nhìn mọi sự như chúng là, chân lý tuyệt đối; và bốn trí tuệ nguyên sơ kia nhìn thấy cách thức mọi sự xuất hiện, chân lý tương đối.

HÓA THÂN

Trong khi Pháp thân an trụ mà không di chuyển khỏi sự nhất như vĩ đại của sinh tử và Niết bàn, sắc thân của Đức Phật, những hiển lộ lòng bi mẫn không cần dụng công, xuất hiện trong những phô diễn muôn hình vạn trạng không ngơi nghỉ, như sự phô diễn của những xuất hiện thần diệu.

Ngày nào sinh tử còn hiện hữu thì Nirmānakāya (Hóa thân), thân hiển lộ, sẽ còn xuất hiện để đáp ứng những nhu cầu của những chúng sinh bình thường. Đó là bởi khi mặt trăng được phản chiếu trong những thùng nước, thì có bao nhiêu thùng nước là có bấy nhiêu mặt trăng để tạo ra ánh phản chiếu của nó. Hóa thân có thể được phân thành ba loại:

1. Hóa thân tự nhiên (Rang bZhin sPrul sKu): Đối với các đệ tử có tri giác thanh tịnh, và những bậc đã đạt được cấp độ nào đó trong mười cấp độ (thập địa), hiển lộ Báo thân vĩ đại xuất hiện như tịnh độ vô song và những cõi tịnh độ của Năm Bộ Phật, chẳng hạn như Vajrasattva, và của Ba Bộ Phật, chẳng hạn như Vajrapāni (Kim Cương Thủ), giống như sự phản chiếu trong một tấm gương. Ở đây tâm của các đệ tử không đồng nhất với tâm của vị Thầy, Đức Phật, nhưng trong thực tế những cõi tịnh độ này là những cõi tịnh độ Báo thân, vì thế chúng được gọi là những cõi tịnh độ nửa-Báo thân và nửa-Hóa thân.

2. Những bậc Hóa thân điều phục chúng sinh (‘Gro ‘Dul sPrul sKu): Đây là hiển lộ của Hóa thân tuyệt hảo, có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ. Các ngài xuất hiện trong mỗi một cõi trong sáu cõi của vô số hệ thống thế giới. Bằng mười hai công hạnh và những phương pháp thiện xảo các ngài phụng sự các nhu cầu và sự giải thoát của tất cả chúng sinh. Hóa thân tuyệt hảo của cõi người trong hệ thống thế giới của chúng ta trong thời hiện tại là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Mười hai công hạnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là (1) hạ thế từ cõi trời Tushita (Đâu suất), (2) vào thai tạng của thân mẫu, (3) đản sinh, (4) học các nghệ thuật, (5) lập gia đình, (6) từ bỏ đời sống gia chủ thế tục, (7) thực hành khổ hạnh,  (8) du hành tới Cội Bồ đề, (9) chiến thắng ma quân, (10) đạt được Phật quả; và (12) nhập niết bàn.

3. Hóa thân của những Thân tướng Khác nhau (sNa Tshogs SPrul sKu): Trong hiển lộ Hóa thân này không có sự chắc chắn về nơi chốn, hình thức, hay khoảng thời gian của sự hiển lộ. Nó xuất hiện trong bất kỳ hình thức nào thích hợp với chúng sinh, chẳng hạn những sinh loài; như những hình tượng, Kinh điển, nhà cửa, vườn tược, thuốc men, cầu đường, và v. v..

Trí tuệ nguyên sơ của Hóa thân là sự chứng ngộ rằng bất kỳ hình thức Hóa thân nào xuất hiện trước chúng sinh thì không phải là những hình thức vô tri hay chỉ là những phản chiếu. Các ngài có hai loại trí tuệ nguyên sơ, và những trí tuệ đó xuất hiện một cách tự nhiên vì sự lợi lạc của chúng sinh.

Trí tuệ nguyên sơ “thấu suốt như nó là” là sự chứng ngộ bản tánh của chân lý tuyệt đối của mọi vật hiện hữu có tính chất hiện tượng, không có bất kỳ sai lầm nào.

Trí tuệ này biểu lộ cho chúng sinh ý nghĩa của chân lý tuyệt đối, là chân lý thoát khỏi những sự khái niệm hóa của sinh và diệt, giống như không gian.

Trí tuệ nguyên sơ “thấu biết tất cả” những sự hiện hữu có tính chất hiện tượng đồng thời là sự chứng ngộ chân lý tương đối không lầm lẫn những tính chất khác biệt của các hiện hữu hiện tượng.

Sự trao truyền độc nhất vô nhị của Đại Viên mãn được Prahevajra (Garab Dorje,Kim Cương Hỉ) nhận từ Vajrasattva hay Vajrapāni. Vajrasattva và Vajrapāni là vị Phật xuất hiện trong hình thức Sambhogakāya (Báo Thân) hay nửa Báo Thân, và Prahevajra là vị Phật xuất hiện trong hình thức Hóa Thân.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Tư 2015(Xem: 5687)
Ngài Tịch Thiên (Shantideva) là một trong những vị luận sư lỗi lạc nhất của thời kỳ sau trong quá trình phát triển tông phái Đại thừa, tác giả của bộ luận quan trọng là Nhập Bồ-tát hạnh.
25 Tháng Giêng 2015(Xem: 6268)
Trong “Một Quyển Sách Hướng dẫn đến Các Thung lũng Ẩn dấu Dremoshong và Khenpalung,” Pema Lingpa (1450-1521) đã viết rằng có bốn thung lũng vô cùng thiêng liêng và ẩn dấu trong rặng Hy Mã Lạp Sơn:
02 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 5518)
Pháp tu Tonglen, hay cho (tong) và nhận (len), là một pháp tu của chư Bồ tát, những đứa con thiện nam tín nữ dũng cảm nhất của các đấng chiến thắng, là hành trì tất yếu để thành tựu Phật quả. Về mặt hành trì, thậm chí chỉ cần nghe tên của pháp tu này thôi cũng là điều may mắn rồi, vì thế nên Đạo Sư Tịch Thiên
26 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7856)
Đại chúng đọc “Sông Hằng: Lời dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn” – Bên bờ sông Hằng, những lời giảng này được Ngài Tilopa dạy cho Naropa. Đây là điều vô cùng quan trọng và cát tường để chúng ta cùng nhau đọc tụng văn bản này. Văn bản này được tụng đọc bởi rất nhiều đạo sư tâm linh khác nhau và các ngài đã gìn giữ những lời giáo huấn này trong tâm khảm của các ngài xuyên qua nhiều thế hệ khác nhau.
26 Tháng Mười Một 2014(Xem: 9620)
Tập sách nhỏ “Du-già Tây Tạng, Giáo Lý và Tu Tập” này được dịch từ bản văn tiếng Anh có nhan đề là “Teachings of Tibetan Yoga” do Giáo sư Garma C. C. Chang – giảng sư của Tu viện Kong Ka ở miền Đông Tây Tạng khoảng trước năm 1950 – biên dịch từ Hoa ngữ, do nhà xuất bản Carol Publishing Group ấn hành năm 1993 tại New York, Hoa Kỳ.
20 Tháng Mười Một 2014(Xem: 6622)
Đề tài hôm nay là chỉ giáo về hành trì chiết xuất tinh chất. Tinh chất có thể được chiết xuất từ hoa, đá, nước và những chất khác, nhưng các giáo huấn sẽ nói về cách chiết xuất tinh chất của hoa. Thuật ngữ chiết xuất tinh chất nói về việc thọ dụng các viên thuốc bào chế từ hoa, thay vì dùng các chất thô của thức ăn.
16 Tháng Mười Một 2014(Xem: 12112)
Chúng ta đã có được kiếp sống lý tưởng, hỗ trợ cho các tự do và thuận lợi rất khó tìm. Ta đã gặp được giáo huấn quý báu vốn khó gặp của Đức Phật, đã tìm ra các vị thầy tâm linh khó tìm của Đại thừa. Ở một thời điểm như vậy, ta nên hành động khá hơn loài thú, bằng cách hành trì giáo pháp thanh tịnh.
26 Tháng Mười 2014(Xem: 10150)
Ngài Tịch Thiên được sinh tại thành phố Saurastra, phương bắc của Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya). Ngài là con trai Vua Kushalavarma và Hoàng Hậu Vajrayogini. Từ tuổi thơ hoàng tử trẻ Shantivarman (tên của ngài lúc sinh) biểu lộ tài năng đặc biệt trong tất cả các lãnh vực kiến thức. Khi mới 6 tuổi ngài gặp một du già sư và thọ nhận lễ điểm đạo và các giáo pháp tu tập theo ngài Văn Thù (Manjushri). Khi tu tập pháp này, ngài đã tri nhận Ngài Văn Thù (Phật Bảo Hộ Trí Tuệ; Wisdom Deity) và đã nhận được trực tiếp nhiều giáo pháp từ ngài Văn Thù.
01 Tháng Chín 2014(Xem: 6537)
Nhiều người tu tập Phật Giáo cảm thấy hoang mang khi nghe nói có các vị thầy Phật Giáo không tuân thủ một số giới luật, chẳng hạn như uống rượu, sống chung với các thành viên khác trong tập thể tu hành, v.v. Có những trường hợp ngoại lệ nào cho phép không tuân thủ giới luật hay không?