● Phật Giáo Với Một Số Vấn Đề Văn Hóa - Xã Hội (Nnc. Nguyễn Đắc Toàn)

12 Tháng Sáu 201300:00(Xem: 10528)

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM

NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013

PHẦN 4
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC, ĐẠO PHÁP
VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO
TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

PHẬT GIÁO VỚI MỘT SỐ VẤN ĐỀ VĂN HÓA - XÃ HỘI
NNC. Nguyễn Đắc Toàn
Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam

Phật giáo là một tôn giáo xuất hiện sớm và đóng vai trò rất lớn trong văn hóa của người Việt. Những triết lý, tư tưởng của Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt của cuộc sống, không chỉ trong quan hệ giữa con người với con người mà còn với thiên nhiên, môi trường xung quanh. Trong những vấn đề thời sự hiện nay, tìm hiểu mối liên hệ giữa Phật giáo với những vấn đề văn hóa- xã hội được dư luận quan tâm, giúp tìm thêm những lý giải và có hướng giải quyết về vấn đề. Trong bài viết này sẽ làm rõ mối tương quan trong giáo lý nhà Phật với vấn đề liên quan đến vấn đề của đời sống, đó là quan hệ lao động trong sản xuất kinh doanh - đình công (của người sống), và vấn đề an táng (của người chết).

Trước sự suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, gia tăng dân số dẫn đến nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống xã hội. Có nhiều quan điểm, với những cách tiếp cận khác nhau, để lý giải những vấn đề của cuộc sống. Trong những cách lý giải, tìm được hướng trả lời một cách thỏa đáng, dưới góc nhìn và triết lý của mình, Phật giáo cũng có những quan niệm về một số vấn đề thời sự của cuộc sống đang thu hút nhiều sự quan tâm.

1. VỀ VẤN ĐỀ ĐÌNH CÔNG

Nhiều cuộc đình công với quy mô lớn đã và đang xảy ra ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển, ổn định của từng khu vực, cũng như đời sống của người lao động. Nguyên nhân của đình công chủ yếu là do người lao động yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện điều chỉnh lương cho phù hợp với biến động của thị trường; thông báo công khai, minh bạch tiền thưởng, phụ cấp độc hại, chế độ đối với lao động nữ; yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ tiền nhà ở, phương tiện đi lại, phụ cấp tiền chuyên cần, cải thiện bữa ăn giữa ca … Tiếp cận đình công dưới góc nhìn của Phật giáo mới thấy có mối quan hệ sâu sắc giữa đạo và đời, và từ đó có lý giải cũng như có thêm giải pháp cho vấn đề này.

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể người lao động để giải quyết tranh chấp lao động tập thể, tập trung ở hai loại: tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích.

Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp mà tập thể lao động cho rằng người sử dụng lao động vi phạm.

Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là việc đề nghị sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, định mức lao động, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và phúc lợi doanh nghiệp.

Với tranh chấp về quyền thì Nhà nước đã có đủ các chế tài để xử lý. Chủ yếu của đình công hiện nay là tranh chấp về lợi ích, cả vật chất và tinh thần. Xét về góc độ lợi ích thì đình công là kết quả của việc xung đột của tập thể người lao động và chủ sử dụng lao động, doanh nghiệp. Người lao động với mong muốn có được lợi ích cao nhất, được thỏa mãn những yêu cầu cho là chính đáng nhất, phù hợp với công sức mình bỏ ra. Trong khi đó người sử dụng lao động muốn tạo giá trị lợi nhuận, với yếu tố đầu tiên là chi phí bỏ ra thấp nhưng lợi nhuận thu về cao. Các nhà đầu tư, sản xuất muốn bỏ ra chi phí ít hơn các doanh nghiệp khác nhưng vẫn bán bằng giá, từ đó sẽ thu được giá trị thặng dư, lợi nhuận cao hơn và không có gì khác là những người lao động phải gánh chịu.

Hiện nay, đình công đang là một trong những vấn đề nóng bỏng và là một hiện tượng quan hệ lao động tự nhiên trong nền kinh tế thị trường. Nó biểu hiện một sự bế tắc trong quan hệ lao động, khi có sự xung đột về quyền và lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động mà sự xung đột này không được giải quyết kịp thời. Bản chất của đình công thường thay đổi và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội trong các giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển. Các cuộc đình công không chỉ gây thiệt thòi cho người lao động mà còn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong đó có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, mặc dù chính khu vực này chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ đình công, theo số liệu thống kê từ năm 1995 đến năm 2011 thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản ... chiếm 75,4% với 3.122 cuộc.

Như vậy, khác với nhiều vấn đề khác của cuộc sống được lý giải, ghi chép rõ ràng trong kinh điển, giáo lý thì vấn đề này không được đề cập trong giáo lý. Để lý giải các vấn đề trên sẽ phải vận dụng một cách khéo léo, vì một lý do rất đơn giản: Kinh điển, cũng như mọi sự kiến tạo của con người, đều thuộc vào lịch sử và không thoát khỏi hạn chế của thời gian. Mấu chốt của vấn đề xung đột lợi ích này, theo Phật giáo, chính là một trong tám nỗi khổ mà con người phải gánh chịu, “Sở cầu bất đắc” - những mong muốn, cầu mong nhưng lại không đạt được, không thỏa mãn được ham muốn của con người.

Nguyên nhân đầu tiên, cũng là quan trọng nhất, dẫn đến nỗi khổ chính là sự “vô minh - thiếu hiểu biết”. Chính sự thiếu hiểu biết của cả hai bên dẫn đến những lợi ích không thể thỏa hiệp, dẫn đến đình công làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, mất thu nhập cả của người lao động lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp. Chính sự “vô minh” dẫn con người đến “Tham - sân - si” một cách không kiểm soát. Về phía chủ doanh nghiệp, chính “lòng tham”, cần tăng nhanh, mạnh lợi nhuận nhưng không chú trọng đến quyền lợi, lợi ích liên quan của người lao động, không tập trung tăng năng suất lao động bằng phương thức cải tiến, đầu tư vào phương tiện sản xuất mà chỉ tập trung vào khai thác nhân công giá rẻ, bằng hình thức phạt tiền, tăng ca, tăng giờ làm. Ngoài ra, doanh nghiệp không mấy quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động một cách đúng mức như không bố trí ngày nghỉ vào những dịp hiếu - hỷ của thân nhân người lao động, ngày cuối tuần đến nhà thờ, những buổi ngoại khóa cân bằng tâm sinh lý sau những giờ làm việc căng thẳng. Không quan tâm đến đời sống vật chất trước những biến động “leo thang” khôn cùng của thị trường dẫn đến trạng thái căng thẳng, bất mãn khi có sự cố xảy đến như vi phạm kỷ luật lao động, lãn công và cuối cùng là đình công. Từ “tham” dẫn đến những hành động không hợp lý, tạo căng thẳng trước những đề nghị, yêu cầu từ người lao động và đưa ra những cách giải quyết có phần cực đoan như đơn phương chấm dứt hợp đồng, cắt giảm phụ cấp, phạt tiền, trừ lương . . . Về phía người lao động, một số yêu cầu phía chủ doanh nghiệp cần đáp ứng những vấn đề chế độ thai sản, cải thiện bữa ăn, hỗ trợ tiền nhà ở, thỏa mãn những đòi hỏi thiết yếu về tinh thần ... nhưng cũng đặt ra trong bối cảnh chưa phù hợp, không quan tâm đến những chi phí duy trì doanh nghiệp trong những lúc khó khăn do không có đơn hàng, sản xuất cầm chừng, lưu kho do không bán được hàng.

Để lý giải những vấn đề này, Phật giáo đưa ra quan niệm về sự “Vô thường”, vạn vật trong thế giới chỉ là dòng biến hóa vô định do nhân duyên kết hợp mà nên, tất cả biến đổi theo luật nhân quả và chỉ có sự biến hóa ấy là thường hữu. Nhân nhờ có cái duyên mới sinh ra được mà thành quả. Quả lại do cái duyên mà thành ra nhân khác, nhân khác lại nhờ có duyên mà thành quả mới... và cứ biến đổi mãi mãi. Theo đó, nguyên nhân đình công không hoàn toàn bắt nguồn từ phía nào cả. Đình công theo Phật giáo chính là theo luật nhân quả, doanh nghiệp cũng như người lao động gieo “nhân” nào, qua điều kiện nhất định “duyên”, sẽ được “quả” phù hợp. Cả hai gieo “nhân ác” sẽ gặp “quả ác”, cũng như “nhân lành” sẽ gặp “quả lành”. Giải quyết được xung đột lợi ích trên, cái “Vô thường” mà Phật giáo muốn nói đến chính là tương quan giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, ổn định môi trường sản xuất thì không có cách nào khác phải dựa vào người lao động và người lao động muốn có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống không chỉ cho mình mà còn những người thân cũng không có cách nào khác là trông vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Theo quan niệm này, cách giải quyết chính là tác động vào “sự vô minh”, làm cho mỗi cá nhân có được nhận thức đúng đắn về “ta là ai”, “ta đang ở đâu”, “ta đang làm gì”... để nhận thức được phần nào sự biến ảo vô thường đó, người ta không còn nhầm tưởng là “cái tôi” tồn tại mãi, cái gì cũng là của ta và giảm bớt sự khát ái, tham dục, hành động chiếm đoạt nhằm thỏa mãn những ham muốn, dục vọng, tránh tạo ra những kết quả, gây nên nghiệp báo, mắc vào bể khổ triền miên. Đó chính là việc chủ doanh nghiệp gieo “nhân lành” như trích một phần lợi nhuận, quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động phúc lợi, đảm bảo ở mức độ nhất định các nhu cầu vật chất, cũng như tinh thần sẽ được “quả lành”, người lao động tin tưởng vào môi trường làm việc, tận tâm với công việc, cùng doanh nghiệp vượt qua cũng như thụ hưởng những giá trị do đúng công sức của mình đem lại. Người lao động trong vị trí của mình, điều kiện của doanh nghiệp tạo những “nhân lành” như tập trung trong công việc, phát huy sức sáng tạo, làm chủ phương tiện sản xuất trong những lúc doanh nghiệp phát triển, cũng như cùng doanh nghiệp vượt khó trong lúc hoạn nạn chắc chắn sẽ gặp “quả lành” có thu nhập ổn định, những mong ước, đề nghị hợp lý dần dần được doanh nghiệp đáp ứng trong những điều kiện cho phép.

Như vậy, cùng với việc mỗi cá nhân nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong cộng đồng một cách đúng đắn nhất sẽ có những thế ứng xử phù hợp với lợi ích chung. Nâng cao nhận thức, hiểu biết không chỉ cho phía người lao động mà còn cả bên doanh nghiệp sẽ góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy xây dựng môi trường làm việc ổn định, bền chặt, hai bên đều có lợi hơn việc đình công, gây đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập của cả hai bên.

2. VỀ VẤN ĐỀ AN TÁNG NGƯỜI QUÁ CỐ

Hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều hình thức an táng cho người quá cố. Ở Việt Nam, trong quá trình đô thị hóa với tốc độ lớn, hàng loạt nghĩa trang trong nội đô cũng như vùng ven đô được di dời dành chỗ cho các khu đô thị mới, bản thân các nghĩa trang lớn theo quy hoạch của Nhà nước cũng dần hết quỹ đất trống. Nghĩa trang lớn nhất Hà Nội, nghĩa trang Yên Kỳ, theo khả năng cũng chỉ còn tiếp nhận thêm trong khoảng hai năm. Nhà nước đang khuyến khích các trường hợp hỏa táng (điện táng) bằng cách hỗ trợ kinh phí cho thân nhân người quá cố. Hỏa táng có những ưu điểm nổi bật, đó là kinh tế và vệ sinh. Về mặt vệ sinh môi trường, chúng không gây ô nhiễm các nguồn nước sông, nước giếng. Địa táng không chỉ độc hại những khu vực liền kề mà còn làm ô nhiễm ngay cả những suối nước ở xa, do nhiễm độc của các chất bẩn ở xác chết thấm vào lòng đất, rất độc hại và nguy hiểm cho sức khỏe con người. Bằng thực nghiệm, người ta dễ dàng tìm thấy chất hữu cơ trong nước uống, nước có chứa các chất thối rữa của protein hoặc các mảnh vụn khác tương tự làm hại sức khỏe cho những ai dùng nước đó. Về mặt kinh tế, phí tổn hòa táng thấp hơn địa táng theo truyền thống. Các nghĩa địa đã chiếm cứ nhiều phần đất đai, ở thôn quê cũng như ở thành thị. thôn quê, làng nào cũng có nghĩa địa. Các phần đất đai ấy, lẽ ra phải để cho người sống trồng hoa màu, xây dựng nhà cửa.

Các hình thức mai táng cũng chỉ là do thói quen, tập quán, tín ngưỡng, không ảnh hưởng đến sự linh thiêng hay tính toàn vẹn của người đã chết. Việc thực hiện nghi thức hỏa táng không chỉ góp phần giảm thiểu quỹ đất dành cho người chết gia tăng mà còn góp phần tiết kiệm, giữ gìn vệ sinh môi trường ... Sinh thời, lãnh tụ Hồ Chí Minh có nguyện vọng được hỏa táng. Trong di chúc, Bác viết: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn”. Tinh thần, tầm nhìn của Bác thật bao la, đi trước thời đại, phù hợp cả trong giai đoạn ngày nay, trước những vấn đề như đất nông nghiệp, nghĩa trang, môi trường sinh thái…

Vậy, hỏa táng là gì và quan niệm của Phật giáo về vấn đề này?

Hỏa táng là hình thức thiêu xác người giữ lấy tro, xuất hiện từ sớm, vào khoảng thời đại đồ đồng, vào khoảng 2.500 năm trước Công nguyên. Tục lệ thiêu xác có lẽ xuất hiện khi có chiến tranh với người ngoại quốc, nhiều xác của quân địch đã bỏ lại tại chiến trường gây ô nhiễm, nên họ phải dùng đến phương pháp đốt, để khỏi bị uế tạp đất đai. Ngày nay, trước tình hình dân số gia tăng, quỹ đất cho người sống trở nên khó khăn cũng như quỹ đất dành cho người chết (nghĩa trang) cũng trở nên eo hẹp trên toàn thế giới. Về vấn đề này, theo quan niệm trong Phật giáo, không có luật lệ cứng rắn hay bắt buộc trong việc an táng. Tuy nhiên tại một vài xứ Phật giáo, việc hỏa thiêu thường được đa số tín đồ thi hành. Đối với Phật giáo nguyên thủy, chết thì thiêu đó là làm theo phong tục sẵn có của Ấn Độ thời cổ chứ không phải là một sự bắt buộc, ngoài ra còn mang ý nghĩa theo triết lý của Ấn Độ nhằm nhắc nhở rằng khi chết rồi thì đừng nên luyến tiếc gì nữa. Các tín đồ Phật giáo tin rằng tro cốt cuối cùng sẽ hợp nhất với lực đã khai sáng ra nó. Theo quan niệm hiện đại, hỏa táng là một hình thức rất hợp vệ sinh, bảo vệ môi sinh, không mất đất, giảm bớt được nhiều vấn đề như: Xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng, di dời… cho nên việc hỏa táng càng ngày càng được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng Phật giáo.

Sau khi hỏa thiêu, vấn đề được đặt ra là có nên chôn tro cốt xuống đất, gìn giữ để thờ cúng tại nhà, tại chùa hay đem rải xuống sông biển. Về vấn đề này, Phật giáo coi xác thân chỉ là sự hỗn hợp của vật chất và sau khi chết, những thứ này lại trở về các nguyên tố Đất, Nước, Gió, Lửa. Phần tro cốt còn lại chỉ là biểu tượng của người qua đời, là người thân mà ta thương yêu, chúng ta nên kính trọng. Tuy nhiên, chúng ta không nên quyến luyến quanh những biểu tượng này, không nên sống mãi với quá khứ của họ hay nghĩ rằng chúng ta chẳng còn liên hệ gì với người đã chết. Một số người thích thờ cúng tro cốt tại chùa hay tại nhà, một số người khác lại đem chôn, hoặc đem tro cốt rải xuống biển hay xuống sông để gieo duyên với các loài thủy tộc hay rải xuống rừng để gieo duyên với các loài chúng sinh sống trên đất hay một nơi nào đó theo ý muốn… Đó là các phương cách để giải quyết phần lưu lại những gì của người quá cố. Tùy theo niềm tin, áp dụng phương cách nào cũng không có gì sai cả, nhưng đừng nghĩ rằng để tro cốt ở những nơi thiêng liêng như chùa chiền, người quá cố sẽ được an toàn,

được nghe câu kinh tiếng kệ và không bị nghiệp lực lôi kéo. Việc để tro cốt trong chùa không có ý nghĩa gì hơn là việc biểu lộ niềm kính trọng và thương yêu với người đã khuất. Một vấn đề nữa là khi thiêu có nóng không? Theo Phật giáo Nguyên thủy, việc tái sinh xảy ra tức khắc chỉ trong một sát-na niệm tưởng, không để trống khoảnh khắc nào trong trạng thái lưng chừng như làn sóng điện lan trong không gian, tức khắc được phát sinh trong máy thu thanh hay thu hình. Sự sinh tử này xảy ra cực kỳ nhanh chóng và được xem là một tiến trình liên tục. Còn theo Phật giáo Đại thừa cho rằng có một số trường hợp có thể phải qua giai đoạn chuyển tiếp, ở đó chúng sinh mang dạng “thân trung ấm” không hình tướng, lưu lại trong thời gian từ một đến bảy tuần lễ, thông thường thời gian thọ sinh là bảy ngày, tuy cũng có thể lâu hơn nữa do sở duyên chưa thích hợp. Tuy nhiên, dù là tái sinh tức thời hay tái sinh qua giai đoạn chuyển tiếp, thì thân xác lúc ấy chỉ còn lại là một cơ thể vật chất, các giác quan không còn hoạt động, mắt không thấy, tai không nghe, mũi không ngửi, tứ chi không còn cử động, cho nên không còn cảm giác đau đớn, nóng hay lạnh. Vậy, trong quan niệm của mình, Phật giáo lý giải vấn đề hỏa táng hoàn toàn thỏa đáng và giải quyết những vấn đề nghi ngại liên quan.

Trong sự phát triển không ngừng của thế giới, với rất nhiều cuộc khoa học kỹ thuật, nhưng luôn gặp phải những vấn đề nan giải của cuộc sống mà không có lời giải thỏa đáng. Với thế giới quan, nhân sinh quan của Phật giáo, được hình thành cách đây khoảng 2.500 năm, vẫn có sức sống, soi chiếu nhiều mặt của đời sống xã hội, có điều là chúng ta có mở lòng đón nhận hay chấp nhận nó. Việc chúng ta nghiên cứu, tiếp nhận tinh thần nhân văn trong các tôn giáo, trong đó có Phật giáo luôn là một hướng đi đúng vì tựu trung chân lý trong các tôn giáo đều hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Nhà bác học Albert Ein­stein đã nói: Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó.

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn