- ● Phát Biểu Chào Mừng Hội Thảo (Ht.ts. Thích Trí Quảng)
- ● Diễn Văn Khai Mạc Hội Thảo Pgs.ts. Võ Văn Sen
- Phần 1. Từ Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Đầu Thế Kỷ Xx Đến Phong Trào Phật Giáo Ở Miền Nam Năm 1963
- Phần 2. Bối Cảnh Lịch Sử, Sự Kiện, Nhân Vật, Văn Học Trong Phong Trào Phật Giáo Ở Miền Nam Năm 1963
- Phần 3. Ý Nghĩa, Vai Trò Và Bài Học Lịch Sử Từ Phong Trào Phật Giáo Miền Nam Năm 1963
- Phần 4. Đồng Hành Cùng Dân Tộc, Đạo Pháp Và Chủ Nghĩa Xã Hội Của Phật Giáo Trong Sự Nghiệp Đổi Mới Ở Việt Nam Hiện Nay
HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM
NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013
PHẦN 4
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC, ĐẠO PHÁP
VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO
TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
PHẬT GIÁO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
VỚI VIỆC CUNG CẤP DỊCH VỤ XÃ HỘI CHO CỘNG ĐỒNG
(THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP)
TS. Trần Hoàng Hảo
ThS. Dương Hoàng Lộc
Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM
NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013
PHẦN 4
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC, ĐẠO PHÁP
VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO
TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
PHẬT GIÁO THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
VỚI VIỆC CUNG CẤP DỊCH VỤ XÃ HỘI CHO CỘNG ĐỒNG
(THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP)
TS. Trần Hoàng Hảo
ThS. Dương Hoàng Lộc
Trường Đại học KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM
Phật giáo Việt Nam, từ buổi đầu du nhập cho đến nay, lúc nào cũng đồng hành cùng với dân tộc, nêu cao tinh thần hộ quốc an dân và nhập thế hành đạo. Vì vậy, đạo Phật đã ngấm sâu vào lòng dân tộc, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, xã hội của người dân Việt Nam ở mọi miền đất nước. Ngày nay, trong xu thế hội nhập và phát triển, đặc biệt với mục tiêu phát triển bền vững, Phật giáo Việt đã phát huy các giá trị truyền thống của mình, đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng đất nước. Thể hiện rõ nhất điều này chính là việc Phật giáo tham gia vào lĩnh vực an sinh xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ các đối tượng gặp nhiều khó khăn, xoa dịu nỗi đau cuộc sống. Các hoạt động này được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao. Ở thành phố Hồ Chí Minh, Phật giáo đã có nhiều hoạt động an sinh xã hội mang tính thiết thực cao và không thể không kể đến việc tham gia cung cấp dịch vụ xã hội cho cộng đồng, thể hiện rõ tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn của Phật giáo: “Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật”. Vì thế, việc tìm hiểu hiện trạng cung cấp dịch vụ xã hội của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh là góp phần hiểu hơn về vai trò của tôn giáo này trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
Dịch vụ xã hội là gì? Dịch vụ xã hội được xem là hành động hay hoạt động bác ái có tổ chức, là chương trình hay phương thức sử dụng nhân viên xã hội và những chuyên viên liên quan để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội - tức sự duy trì và làm gia tăng hạnh phúc cho con người trước những hụt hẫng do biến đổi về kinh tế-xã hội, mất việc làm, ốm đau, tuổi già,… Tùy theo mỗi quốc gia mà khái niệm dịch vụ xã hội được hiểu khác nhau. Ở các nước châu Âu, dịch vụ xã hội giới hạn trong các dịch vụ cứu trợ bao gồm y tế, giáo dục, dịch vụ an sinh nhà ở. Tại nước Anh, dịch vụ xã hội gồm những bảo đảm xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em. Còn ở Ấn Độ, dịch vụ xã hội được hiểu là những hoạt động nhằm thúc đẩy an sinh của nhân dân với các lĩnh vực hỗ trợ như: Giáo dục, sức khỏe công cộng, an sinh xã hội, bảo hiểm và trợ giúp xã hội,… Mặt khác, hệ thống cung ứng dịch vụ xã hội được xem là rất đa dạng, nhiều thành phần nhà nước hay tư nhân, thuộc cơ quan xã hội hay hội đoàn, thuần túy hay hỗ trợ, có lợi nhuận hay phi lợi nhuận,…Đặc biệt, các tổ chức tôn giáo là bộ phận không thể không tính đến. Việc cung cấp các dịch vụ xã hội của hệ thống này nhằm hướng đến đáp ứng nhu cầu căn bản của con người, đem đến hạnh phúc của đa số quần chúng nhân dân qua việc cung ứng các dịch vụ sức khỏe, giáo dục, nhà ở,… và làm thăng tiến bộ phận yếu thế, khốn khổ trong xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia(1). Theo nhóm tác giả của công trình Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến năm 2020 một số vấn đề lí luận và thực tiễn cho biết có 4 loại hình dịch vụ xã hội: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giáo dục đào tạo, dịch vụ văn hóa-thông tin-thể thao-khoa học và dịch vụ cộng đồng, trợ giúp xã hội(2). Đây là cách phân chia theo phạm vi hoạt động. Ngoài ra, nếu phân chia theo đối tượng xã hội, thì dịch vụ xã hội còn có: Dịch vụ xã hội cho người cao tuổi, dịch vụ xã hội cho người bị nhiễm HIV/AIDS, dịch vụ xã hội cho người khuyết tật, dịch vụ xã hội cho thanh thiếu niên,….
Phật giáo tham gia vào việc cung cấp một số dịch vụ xã hội cần thiết cho cộng đồng chính là thể hiện chức năng hỗ trợ xã hội của tôn giáo. Với Phật giáo, đó là sự thể hiện của tinh thần từ bi, cứu khổ cứu nạn, thực hành hạnh bố thí - bước đi đầu tiên của việc tự chuyển hóa thân tâm của mỗi người. Phật giáo Việt Nam, với tinh thần hộ quốc an dân và đồng hành cùng dân tộc, đã có nhiều hỗ trợ cho người dân mỗi khi gặp thiên tai, giúp đỡ cho người nghèo. Đặc biệt, ngôi chùa không chỉ là nơi thực hành nghi lễ tôn giáo cho tín đồ mà còn là nơi chữa bệnh, dạy chữ cho người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Đây là cách thức truyền thống mà Phật giáo Việt Nam khi tham gia an sinh xã hội cho cộng đồng. Từ sau thời kỳ đổi mới, nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, các hoạt động dịch vụ xã hội ngày một mở rộng khi Nhà nước nhận ra vai trò của toàn dân trong sự hiệp lực để cùng giải quyết các vấn nạn xã hội và chăm lo cho người dân: “Ngày nay, người ta nhận thấy rằng, độc quyền nhà nước hoặc độc quyền tư nhân cung ứng các dịch vụ xã hội đều có những mặt hạn chế, nhất là triệt tiêu cạnh tranh và không thể nâng cao chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, những dịch vụ xã hội mang nhiều yếu tố đạo đức, giá trị nhân văn, văn hóa truyền thống thì xã hội dân sự có ưu thế nổi trội vì đó là chủ thể không mang tính quyền lực chính trị và phi lợi nhuận”(3). Cụ thể hơn nữa, Báo cáo phát triển Việt Nam 2010 - Các thể chế hiện đại đã đề cập đến thực trạng việc cung cấp dịch vụ xã hội ở khu vực nhà nước và tư nhân của nước ta. Theo đó, việc duy trì và cải thiện chất lượng phục vụ ở lĩnh vực giáo dục và y tế cho sự phát triển của một nước có dân số trẻ và đang tăng trong khuôn khổ ngân sách eo hẹp, đang là một thách thức đối với Việt Nam. Tình trạng quá tải và phụ thuộc lớn vào nguồn thu ở khu vực nhà nước trong giáo dục và y tế là một thực tế, còn khu vực tư nhân với mức lệ phí cao thì rất khó khăn cho người thu nhập thấp. Vì vậy, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc cung cấp dịch vụ đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục của người dân, đặc biệt là người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn(4). Phật giáo Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, khi tham gia cung cấp dịch vụ xã hội, thường tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục và y tế. Vì vậy, nội dung nghiên cứu của chúng tôi sẽ tập trung ở hai lĩnh vực này.
Với thực trạng của một thành phố đông dân, cơ sở vật chất cho giáo dục chưa đáp ứng đủ, nên người dân nghèo thành phố Hồ Chí Minh rất khó khăn mỗi khi tiếp cận đến các dịch vụ này. Hiểu rõ hoàn cảnh đó, một số chùa thành lập các phòng khám từ thiện và mở các lớp học tình thương để giúp cho họ. Theo báo cáo gần đây của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện có đến 13 lớp học tình thương của Phật giáo được đặt tại các quận 1, 3, 7, 9, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và Bình Chánh. Tổng cộng có 1.133 em theo học(5). Chùa Huỳnh Kim (quận Gò Vấp), chùa Châu Lâm (Quận Bình Thạnh), chùa Liên Hoa (quận 8), chùa Hưng Phước (quận 3), chùa Phước Thiện (quận 7), chùa Vạn Thọ (quận 1), chùa Sùng Đức (quận Thủ Đức)… là những địa chỉ được nhiều người biết đến. Phần lớn các chùa này nằm ở địa bàn dân cư nghèo, đông dân nhập cư và tệ nạn xã hội, cho nên các lớp học tình thương này mở ra cho con em họ có được điều kiện học hành, chủ yếu ở phạm vi cấp mẫu giáo và lớp 1. Chẳng hạn, lớp học tình thương ở chùa Châu Lâm (quận Bình Thạnh) được thành lập năm 1989 cho nhóm đối tượng trẻ mồ côi cha hoặc cả cha lẫn mẹ đi tù vì buôn bán ma túy và mại dâm. Nằm gần cầu Nhị Thiên Đường (quận 8), chùa Liên Hoa mở lớp học tình thương cho khoảng 30 trẻ em nghèo và nhập cư từ năm 2006 đến nay. Riêng lớp học tình thương chùa Phước Thiện (quận 7) là nơi dạy chữ cho các trẻ lang thang với phần nhiều có đặc điểm không hộ khẩu, không cha mẹ và không có khai sinh. Còn chùa Sùng Đức (quận Thủ Đức) tiếp nhận học sinh cấp 1 và 2 vốn là con em của người nhập cư từ nơi khác. Mặt khác, nhà chùa không những không thu học phí mà còn tặng quần áo, sách vở, động viên gia đình cho con em đến lớp để biết đọc biết viết, tạo điều kiện cho các em vươn lên sau này. Hỗ trợ các vị Tăng Ni, Phật tử đứng lớp còn có các thầy cô giáo về hưu tại địa phương góp sức giảng dạy-một hình thức khơi dậy tiềm năng của cộng đồng trong việc tham gia an sinh xã hội và góp phần vào việc xóa mù chữ, phổ cập giáo dục ở địa bàn vùng ven, ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh. Với những việc làm này, Phật giáo thành phố đã góp phần: “Một người không được tham gia học tập không chỉ thiệt thòi cho bản thân người đó mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực xã hội, thậm chí còn gây hệ lụy với xã hội do thiếu hiểu biết. Tác động tiêu cực của người thất học đối với xã hội không chỉ trong một thời điểm mà diễn ra suốt vòng đời sinh tồn và trưởng thành của mỗi con người. Thế giới đã cho nhiều dẫn chứng về các mối liên hệ giữa thất nghiệp với nghèo đói, bệnh tật, tệ nạn xã hội, tội phạm xã hội, hủy hoại môi trường sống,… mà khắc phục chúng thường bắt đầu bằng các giải pháp nâng cao dân trí, phát triển giáo dục, nhất là tạo cơ hội cho nhóm cư dân nghèo tiếp cận dịch vụ giáo dục”(6).
Bên cạnh đó, trong nhiều năm qua, giới Tăng Ni, Phật tử thành phố Hồ Chí Minh đã có những nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng bằng nhiều hình thức như phát thẻ bảo hiểm y tế, hiến máu nhân đạo, vận động y bác sĩ khám chữa bệnh, cấp thuốc cho người nghèo và gia đình chính sách, tài trợ mổ mắt, mổ tim,… Nhưng quan trọng nhất là hệ thống Tuệ Tĩnh đường và các phòng khám nằm trong các tự viện trên địa bàn thành phố là địa chỉ quen thuộc của nhiều bệnh nhân nghèo. Sức khỏe là nền tảng của hạnh phúc, là một trong hai tiêu chí quan trọng để đánh giá nguồn vốn của con người (sức khỏe và giáo dục). Hễ một thành viên của xã hội không được hay thiếu chăm sóc sức khỏe sẽ dẫn đến hậu quả là bệnh tật và góp phần tạo nên một số vấn đề xã hội khác như nghèo đói, thất nghiệp, căng thẳng, bị cô lập,… Đạo Phật cho rằng bệnh tật là một trong những nỗi khổ lớn nhất của đời người. Nó trực tiếp giày vò thân, tâm của người mắc bệnh với sự đau đớn, lo buồn và sợ hãi. Cho nên, muốn cứu người và thể hiện lòng từ bi đến chúng sinh thì trước tiên phải giúp họ làm sao thoát khỏi nỗi khổ do bệnh tật gây ra. Hiện tại, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh có 2 Tuệ Tĩnh đường ở chùa Pháp Hoa (quận Phú Nhuận) và Tịnh xá Trung Tâm (quận Bình Thạnh). Hai cơ sở này được xem là có nhiều nhân lực, giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực Đông-Tây y và cơ sở hạ tầng tốt. Trong năm 2006, Tuệ Tĩnh Đường chùa Pháp Hoa đã khám 14.657 lượt bệnh nhân, châm cứu 4.565 lượt người, hốt 123.200 thang thuốc Nam với tổng trị giá là 563.345.000 đồng và khám bệnh Tây y cho 4.700 lượt người, tiền thuốc 20.675.000 đồng. Còn Tuệ Tĩnh đường tịnh xá Trung Tâm khám 33.120 lượt bệnh nhân, hốt 57.600 thang thuốc, tổng trị giá 192.000.000 đồng(7). Gần 30 năm nay, chùa Vạn Thọ (quận 1) là nơi được người dân thành phố cũng như các tỉnh lân cận biết đến như là nơi chuyên chữa trị các chứng bông gân, trật khớp, bó gãy xương… với phương thuốc gia truyền. Trực tiếp chữa là các nhà sư trong chùa, họ là những lương y và được đào tạo y học cổ truyền. Còn Linh Quang tịnh Xtá (quận 4) chuyên chữa các bệnh thần kinh tọa, viêm xoang, bại liệt, viêm xương khớp,… miễn phí cho bà con nghèo trên địa bàn Quận 4. Một số ngôi chùa khác như chùa Kỳ Quang II (quận Gò Vấp), chùa Đinh Hương (quận 12), chùa Tập Thành (quận Bình Thạnh), Tịnh Xá Lộc Uyển (quận 6), chùa Phước Hòa (quận Gò Vấp),… có phòng khám và phát thuốc cho cộng đồng, theo hình thức Đông Tây y kết hợp. Nhìn chung, thông qua việc chữa bệnh cho cộng đồng ở các chùa là cách vận dụng y phương minh Phật giáo vào trong thực tiễn cuộc sống và để phát huy giá trị y học cổ truyền của dân tộc. Không dừng lại ở việc chữa trị cho người nghèo khó, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh còn thể hiện tinh thần “chúng sinh là bình đẳng” bằng việc giúp đỡ những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Từ năm 2002, Phật giáo Việt Nam đã triển khai Dự án “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” - một chương trình hỗ trợ bệnh nhân HIV tạo được những hiệu ứng xã hội rất tích cực. Ở thành phố Hồ Chí Minh, cho đến nay, có 4 cơ sở tham vấn cho người nhiễm cũng như bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này được đặt tại chùa Diệu Giác (quận 2), chùa Kỳ Quang II (quận Gò Vấp), chùa Quang Thọ (huyện Hóc Môn), chùa Linh Sơn (quận Bình Thạnh) và văn phòng điều phối đặt tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình). Với người bị nhiễm HIV/AIDS, các Tăng Ni, Phật tử giúp họ thông qua việc chăm sóc tại nhà và bệnh viện khi họ bị ốm hoặc khi họ bị thương, dạy họ các phương pháp thiền trị liệu, thực hiện các nghi lễ tôn giáo, tổ chức các khóa tu để họ vượt qua khủng hoảng và bất an để sống vui, sống khỏe, cung cấp thức ăn, thuốc Nam và cả địa điểm để họ được điều trị khi bước vào giai đoạn cuối. Thông qua hình thức này, bệnh nhân được tiếp thêm sức sống, được an ủi và chia sẻ với tinh thần bình đẳng, không kỳ thị, tạo điều kiện để họ tiếp tục tái hòa nhập cùng cộng đồng. Chương trình mở nhiều khóa tập huấn, nhiều hội thi cho tăng ni, Phật tử và các cộng tác viên tham gia để tăng cường kiến thức nhằm hỗ trợ tốt cho người bệnh cũng như vận động cộng đồng không kỳ thị họ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2009, hoạt động dự án này tại thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện: Tổ chức 12 lớp tập huấn ngắn hạn để nâng cao kiến thức chuyên môn cho tình nguyện viên và cộng tác viên, tổ chức 20 đợt truyền thông phổ biến kiến thức cơ bản về HIV/AIDS cho cộng đồng, tư vấn trực tiếp và gián tiếp qua điện thoại cho 300 trẻ nhiễm và thân nhân, theo dõi cũng như giúp đỡ 298 trẻ nhiễm, tổ chức 48 lượt giáo dục kỹ năng sống phòng tránh HIV/AIDS và thăm viếng, tặng quà, phát thuốc cho người nhiễm(8). Nhìn chung, việc cung cấp dịch vụ y tế cho người dân nghèo, khó khăn và nhiễm HIV/AIDS của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh góp phần tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, giảm thiểu lo âu, phiền muộn từ bệnh tật, mang tính nhân văn sâu sắc. Vì vậy, những hoạt động hỗ trợ của Phật giáo giúp người nghèo có cơ hội được khám, chữa bệnh miễn phí đã phần nào giúp cho xã hội giải quyết vấn đề: “Tuy nhiên, nhiều vấn đề bức xúc của dịch vụ được thể hiện ở ngành tài chánh y tế bất hợp lí khi chi tiêu công còn khiêm tốn, gánh nặng chủ yếu dồn cho người bệnh, bảo hiểm y tế chưa phát huy đầy đủ chức năng và diện bao phủ còn hẹp, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường y tế và tinh thần, thái độ phục vụ chưa cao, còn gây phiền nhiễu với người bệnh, chất lượng dịch vụ chưa được người dân hài lòng. Y tế tư nhân ra đời đã thể hiện bước tiến mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân với nhiều chỉ báo tiến bộ phục vụ khách hàng, hiện đại hóa nhanh chóng cơ sở vật chất, nhưng lại thiếu sự hỗ trợ cần thiết của nhà nước nên vẫn phải sử dụng viện phí làm nguồn thu chủ yếu đầu tư, tiếp tục dồn gánh nặng lên người bệnh, đẩy bất bình đẳng trong hưởng thụ dịch vụ y tế lên cao”(9).
Qua tìm hiểu thực trạng hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội (y tế và giáo dục) cho người dân của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy một số đặc điểm cơ bản. Thứ nhất, đó là tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện, sự phối hợp chặt chẽ giữa Phật giáo với chính quyền và cộng đồng, gắn liền với thực trạng từng địa bàn khác nhau. Thứ hai, giới Tăng Ni, Phật tử thành phố Hồ Chí Minh ngày càng thể hiện vai trò xã hội của mình trong việc “ban vui cứu khổ”, đem tấm lòng từ bi, cứu khổ cứu nạn đến với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội bằng cả sự dấn thân mà việc hỗ trợ cho bệnh nhân HIV/AIDS là minh chứng cụ thể nhất. Thứ ba, những hoạt động thiết thực này của Tăng Ni, Phật tử thành phố ngày càng trở nên quan trọng khi tham gia vào an sinh xã hội, góp phần thực hiện công bằng xã hội, ngăn ngừa và khắc phục rủi ro cho cộng đồng. Vì vậy, những thành quả của họ được xã hội ghi nhận, góp phần thể hiện lối sống nhân ái, nghĩa tình của người dân Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh. Điều này cho thấy, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần “Hộ quốc an dân”, đồng hành và phát triển cùng thành phố vì mục tiêu văn minh, hiện đại và bền vững.
Tuy nhiên, để hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội cho cộng đồng ngày càng hiệu quả, thiết thực, đặc biệt là giúp đỡ cho người nghèo, các đối tượng chính sách, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi xin đề ra một số giải pháp như sau:
- Thứ nhất, chính quyền các cấp thành phố nên có chủ trương, chính sách và tạo điều kiện, vận động giới Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn tích cực tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội phục vụ cộng đồng, giúp đỡ bà con nghèo, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ miễn phí về y tế, giáo dục cho họ.
- Thứ hai, việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nên mở rộng đến nhiều địa bàn vùng ven, ngoại thành, khu vực đông dân cư nghèo,… để giúp họ có cơ hội ổn định và dần nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua vai trò của các tự viện, Tăng Ni tại địa phương.
- Thứ ba, giới Phật giáo thành phố nên mở rộng nhiều hình thức, cách thức cung cấp các dịch vụ xã hội cho cộng đồng dân cư, chú trọng đến các đối tượng công nhân, người nhập cư, sinh viên nghèo, người dân trong khu vực bị qui hoạch treo, người già lang thang, trẻ đường phố,… hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề.
- Thứ tư, muốn thực hiện an sinh xã hội tốt cho cộng đồng, dịch vụ xã hội có chất lượng cao thì đội ngũ tham gia phải có kiến thức và kĩ năng liên quan đến công tác xã hội. Vì vậy, Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nên có kế hoạch tổ chức hoặc tạo điều kiện cho Tăng Ni, Phật tử có tâm huyết phục vụ cộng đồng theo học các khóa học liên quan đến công tác xã hội.
1. Tham khảo từ: Nguyễn Thụy Diễm Hương, Tập bài giảng học phần Dịch vụ xã hội dùng cho sinh viên Bộ môn Công tác Xã hội - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Tp.HCM, bản photocopy, tháng 3/2008.
2. Trần Hậu, Đoàn Minh Huấn, Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến năm 2020 một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia, 2012, trang 42-45.
3. Trần Hậu, Đoàn Minh Huấn, Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến năm 2020 một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia, 2012, trang 40-41.
4. Báo cáo phát triển Việt Nam 2010, Các thể chế hiện đại (Báo cáo chung của các nhà tài trợ tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam), 3-4/ 12/2009, Hà Hội, trang 66-75.
5. Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, 2011, Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2011 và Chương trình hoạt động Phật sự năm 2012 của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh phát hành, trang 13.
6. Trần Hậu, Đoàn Minh Huấn, Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến năm 2020 một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia, 2012, trang 223-224.
7. Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, 2006, Báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2006 và Chương trình hoạt động Phật sự năm 2007 của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh phát hành, trang 19-20.
8. Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, 2009, Báo cáo tổng kết công tác phật sự năm 2009 và Chương trình hoạt động phật sự năm 2010 của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh phát hành, trang 15.
9. Trần Hậu, Đoàn Minh Huấn, Phát triển dịch vụ xã hội ở nước ta đến năm 2020 một số vấn đề lí luận và thực tiễn, Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia, 2012, trang 264- 265.
Gửi ý kiến của bạn