● Sự Tiếp Biến Phật Giáo Trong Văn Hóa Người Việt Miền Tây Nam Bộ (Pgs.ts. Phan Thị Thu Hiền)

12 Tháng Sáu 201300:00(Xem: 11387)

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH &
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM

NHÌN LẠI PHONG TRÀO
PHẬT GIÁO MIỀN NAM NĂM 1963
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG – 2013

PHẦN 4
ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC, ĐẠO PHÁP
VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO
TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY


SỰ TIẾP BIẾN PHẬT GIÁO
TRONG VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT MIỀN TÂY NAM BỘ

PGS.TS. Phan Thị Thu Hiền
Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG TP.HCM

MỞ ĐẦU

Với tư cách một tôn giáo lâu đời và quan trọng của người Việt, Phật giáo đã đi cùng và có mặt ở miền Tây Nam Bộ ngay từ những ngày đầu khi lưu dân từ miền Bắc và miền Trung vào khai phá vùng đất này. Trong những điều kiện tự nhiên và xã hội đặc thù, Phật giáo của người Việt miền Tây Nam Bộ có những nét riêng tương đối độc đáo, bên cạnh những đặc điểm chung của Phật giáo Việt Nam.

Chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ một số đặc trưng tiêu biểu ấy trong xem xét Phật giáo ở đây, một mặt, như một hệ thống gồm các thành tố: thần phả, giáo lý, nghi lễ, cơ sở tôn giáo, tổ chức tôn giáo; mặt khác, như một thành tố trong văn hóa tộc người và văn hóa vùng như một hệ thống.

Theo một nghĩa nghiêm ngặt, các hình thức tôn giáo địa phương như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo... không được xem là thuộc về Phật giáo. Tuy nhiên, trong đề tài của chúng tôi về “Sự tiếp biến Phật giáo trong văn hóa người Việt miền Tây Nam Bộ”, những đạo ấy vẫn thuộc đối tượng và phạm vi nghiên cứu, ít nhất là qua đối chiếu so sánh để làm sáng tỏ đặc điểm văn hóa vùng của các giáo phái Phật giáo quen thuộc trên thế giới cũng như những hệ phái được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức công nhận, hoạt động trên miền đất Tây Nam Bộ.

Nguồn tư liệu nghiên cứu và tư liệu tham khảo tương đối đa ngành, từ lịch sử, xã hội, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, các ghi chép lễ hội, phong tục tập quán... Trong đó, xin giới thuyết kỹ hơn đối với một số tư liệu văn học và lịch sử tôn giáo.

Trong các tư liệu lịch sử tôn giáo, chúng tôi chú ý đến hai công trình - Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, 1974 (từ đây xin viết tắt VNPGSL) và Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX do Thích Đồng Bổn chủ biên, 1995-2002 (từ đây xin viết tắt TSDTVN). Cả hai công trình đều do các học giả-tu sĩ Phật giáo thực hiện nên có được sự thấu hiểu của “người trong cuộc” (insider), mặt khác cũng có uy tín cao về tính khoa học, sự công phu, nghiêm túc, cấp cơ sở tin cậy cho việc tìm hiểu sự tiếp biến Phật giáo trong văn hóa người Việt miền Tây Nam Bộ trong quan hệ so sánh với văn hóa các chủng tộc khác và văn hóa các vùng miền khác. Qua cuộc đời các vị danh tăng như những nhân cách tiêu biểu để nhận diện đặc điểm của văn hóa Phật giáo, theo chúng tôi, có thể là một hướng tiếp cận hữu hiệu. Vì Tăng bảo là một trong Tam bảo của Phật giáo. “Tăng bảo được coi là thành phần trọng yếu, nhờ có Tăng hoằng pháp mà Phật pháp được mở rộng (…). Đạo Phật thịnh hay suy là căn cứ ở con người…”. Sự xuất hiện các vị danh tăng / cao tăng với “phần thực hành, hành động cao vời”, danh tiếng lẫy lừng đánh dấu sự phát triển hưng long của Phật giáo. [Thích Thanh Kiểm – Lời giới thiệu TSDTVN: 4]. Chúng tôi tập trung vào những vị cao tăng sinh quán ở miền Tây Nam Bộ (phần khá đông cũng tham học, hoằng đạo, cống hiến cho Phật giáo chủ yếu ở khu vực này). Một số vị là người Việt gốc Hoa hay gốc Khmer, nếu truyền đạo, cống hiến cho Phật giáo chỉ trong cộng đồng người Hoa hay người Khmer thì không thuộc đề tài, nhưng nếu hoằng đạo, cống hiến trong cả cộng đồng người Việt thì vẫn thuộc đề tài của chúng tôi. Khảo sát cuộc đời và sự nghiệp các danh tăng, chúng tôi không chỉ chú ý đến cá nhân các vị mà còn quan tâm đến các thông tin lịch sử về Tăng chúng, quần chúng tín đồ, hoạt động và thành tựu của Phật giáo nói chung trong bối cảnh xã hội, thời đại rộng lớn.

Về các tư liệu văn học dân gian, chúng tôi dựa vào hai công trình sưu tập của Lệ Như Thích Trung Hậu - Những truyện cổ Việt Nam mang màu sắc Phật giáo (từ đây xin viết tắt NTCVNMMSPG) và Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam (từ đây xin viết tắt CDTNPGVN). Trong những câu chuyện, câu ca đã được chọn, không ít trường hợp không dễ dàng xác định rạch ròi giữa tư tưởng Phật giáo và tư tưởng Nho giáo, Đạo giáo, triết lý - đạo đức dân gian… cũng không ít trường hợp không dễ dàng tách biệt giữa truyện cổ dân gian, ca dao, tục ngữ dân gian và truyện tôn giáo, thơ ca tôn giáo, sấm vãn / sám giảng tôn giáo được lưu hành rộng rãi, trở nên quen thuộc trong kho tàng ngữ văn truyền khẩu của quần chúng nhân dân. Lệ Như Thích Trung Hậu

theo hướng thà chọn dư còn hơn bỏ sót, như GS Cao Huy Thuần đã viết đầy đồng cảm trong “Lời giới thiệu” của CDTNPGVN: “Chọn lựa của tác giả quả là ray rứt, bỏ thì thương vương thì tội. Tác giả đành mang tội, đành gánh tội nghiệp trên vai, gánh mọi phê bình chỉ trích mà tác giả biết trước. Bù lại, mọi người được thưởng thức hoa thơm cỏ lạ mà tác giả đã hái trong nhiều chục năm qua…” [Lệ Như Thích Trung Hậu 2002: 13]. Với tư cách người nghiên cứu, chúng tôi nghiêng theo khuynh hướng ngược lại: thà bỏ sót hơn chọn dư. Khi dựa trên CDTNPGVN, chúng tôi cân nhắc để chỉ khảo sát những đơn vị truyện cổ, ca dao, tục ngữ mang màu sắc Phật giáo với độ thuyết phục (tương đối) cao. Tất nhiên, lựa chọn như vậy cũng là “đành mang tội” theo một cách khác, nhưng chúng tôi cho rằng cách này có thể chấp nhận được, dựa vào một tiền đề mà Propp đã giới thuyết trong phần mở đầu công trình Những gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ, đại ý: Vì một cấu trúc loại hình thể hiện nhất dạng qua thiên hình vạn trạng các cá thể thuộc loại hình đó nên việc nghiên cứu cấu trúc loại hình có thể bắt đầu ngay cả khi chúng ta chưa thể tập hợp được đầy đủ đến cạn kiệt tất cả số lượng các cá thể thuộc loại hình. Sau khi lọc lại để chỉ còn những đơn vị truyện cổ, ca dao, tục ngữ mang màu sắc Phật giáo, chúng tôi cố gắng tiếp tục nhận diện những đơn vị thuộc văn học dân gian của người Việt miền Tây Nam Bộ để có thể so sánh làm nổi bật đặc trưng vùng miền.

Về tư liệu văn học viết / văn học bác học, chúng tôi đặt tiêu cự trên những tác phẩm tiêu biểu của một số nhà văn nổi tiếng miền Tây Nam Bộ, thời trung đại (Nguyễn Đình Chiểu) cũng như hiện đại và đương đại (Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư).

Chúng tôi dùng “chính thể” và “biến thể” (cả hai đều đặt trong ngoặc kép biểu đạt tính quy ước của những khái niệm công cụ dùng trong nghiên cứu này) để phân biệt những trường hợp kế thừa tương đối trung thành ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Hoa với những trường hợp có độ điều chỉnh nhất định (hay “độ khúc xạ”, nếu mượn cách nói của Phan Ngọc) cho thấy đặc điểm độc đáo của sự tiếp biến Phật giáo trong văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa người Việt miền Tây Nam Bộ nói riêng.

1. Miền đất sùng mộ Phật giáo

Cũng như quá trình khẩn hoang đã bắt đầu ở Tây Nam Bộ muộn hơn Đông Nam Bộ, Phật giáo du nhập Tây Nam Bộ muộn hơn Đông Nam Bộ. Các ngôi chùa cổ nhất Nam Bộ đều ở miền Đông, như Bửu

Phong, Long Thiền, Đại Giác (khoảng giữa tk XVII) thuộc Cù Lao Phố (Đồng Nai ngày nay), Từ Ân, Khải Tường, Kim Chương, Tập Phước, Giác Lâm (khoảng nửa đầu tk XVII) thuộc Gia Định... Những ngôi chùa sớm nhất ở miền Tây Nam Bộ được xây dựng muộn hơn, khoảng cuối tk XVIII (chùa Phước Lâm - Tiền Giang, chùa Bửu Hưng - Đồng Tháp) đầu thế kỷ XIX (chùa Bửu Lâm - Tiền Giang, 1803).

Tuy du nhập muộn nhưng Phật giáo đã nhanh chóng bén rễ sâu ở miền đất này.

Ở Việt Nam, đến 70-80% người dân có cảm tình, có thiên hướng, có tâm thức Phật giáo, tuy nhiên, số Phật tử, theo thống kê chính thức của Nhà nước năm 1999, chỉ có khoảng 10 triệu, chiếm gần 12% dân số. Với 19,2%, tỉ lệ Phật tử trên số dân của Tây Nam Bộ cao hơn tỉ lệ trung bình của cả nước, cao hơn tỉ lệ của Đông Nam Bộ và cao hơn nhiều so với Bắc Bộ.

Bắc Bộ

Đông Nam Bộ

Tây Nam Bộ

Dân số

16.838.837

11.709.923

16.130.675

Số lượng Phật tử

633.335

1.984.932

3.102.910

Tỉ lệ %

3,8%

17%

19,2%







Khảo sát công trình TSDTVN, trong 200 vị danh tăng Việt Nam thế kỷ XX được tôn vinh, có đến 71 vị danh tăng sinh quán ở miền Tây Nam Bộ, chiếm 35,5% tổng số danh tăng cả nước. Chưa kể rất nhiều vị sinh ở miền Trung hay Đông Nam Bộ nhưng cuộc đời tu tập, hành đạo gắn với miền Tây Nam Bộ.

Bắc bộ

Đông Nam bộ

Tây Nam bộ

Số vị danh tăng

31

18

71

Tỉ lệ

15,5%

9%

33,5%







Niềm sùng mộ với Phật giáo thể hiện rõ nét trong thái độ đối với việc xuất gia, tu tập.

Khảo sát công trình TSDTVN, ta thấy các danh tăng miền Tây Nam Bộ phần nhiều xuất thân trong những gia đình có truyền thống đạo đức nhân ái, kính tín Tam bảo. Nhiều trường hợp, song thân của các vị là cư sĩ hoặc thường lễ chùa, không hiếm khi cơ duyên khiến các vị đến với Phật giáo là ở những lần theo mẹ lên chùa, khi lên chùa cầu siêu cho cha... Nhiều trường hợp song thân cho phép, song thân trực tiếp dẫn con tới chùa cho làm lễ quy y. Một số vị, khi xuất gia, thoạt tiên đã ở ngôi chùa có người ông, người cậu, người anh của mình trụ trì / tu tập, nên “trong đạo nghĩa thầy trò còn có tình huyết thống”. Không hiếm vị danh tăng có nhiều anh chị em trong gia đình cùng xuất gia, thậm chí cùng thành những vị tăng có uy tín (3 trong số 7 anh chị em của HT. Thích Đạt Thanh, cả 4 anh chị em trong gia đình HT. Thích Bửu Lai, 5 trong 7 anh chị em của HT. Thích Huệ Hưng, cả 6 anh em của HT. Thích Đạt Hảo…).

Không hiếm các vị danh tăng xuất gia từ khi còn nhỏ (6-7-8-9-11-12 tuổi…). HT. Thích Huệ Pháp từ nhỏ đã nặn tượng Phật bằng đất. HT. Thích Thiện Hoa quy y từ nhỏ, lấy pháp danh làm thế danh…. Một số vị trước khi xuất gia đã cất am tu, cốc nhỏ trong vườn, nhà, tự cạo tóc, ăn chay, nằm đất, học hành suy niệm (HT. Thích Chánh Hậu, HT. Thích Huệ Pháp, Tổ Minh Đăng Quang…). Bên cạnh đó, cũng có những vị đã kết hôn, lập nghiệp, thành đạt trong đời, vẫn quyết lòng theo Phật sau khi thu xếp trách nhiệm gia đình. (HT. Thích Chánh Hậu khuyên vợ về bên ngoại rồi quy y, người vợ của ông sau này cũng trở thành ni sư. HT. Thích Bổn Viên từ chùa về thăm nhà, thấy mẹ bệnh nặng đã tận tình chăm sóc, sau đưa mẹ về chùa, hướng dẫn tu tập. HT. Thích Hoàng Đức, HT. Thích Bửu Lai xuất gia ở tuổi 47, 54…).

Niềm sùng mộ với Phật giáo của giới Phật tử cũng như đông đảo quần chúng miền Tây Nam Bộ thể hiện qua nhiều hoạt động hữu tâm với Phật sự. Nổi bật nhất là việc kiến thiết, tu bổ chùa chiền. Nếu ở Bắc Bộ, “đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, chùa chiền được nhà nước hoặc làng xã xây dựng, thì ở Nam Bộ, nhiều chùa do tư nhân xây dựng. Chính các vị danh tăng hoặc song thân của họ, không hiếm trường hợp, “cải gia vi tự”, cải tạo ngôi nhà từ đường thành ngôi Tam bảo, lập tịnh thất gần nhà, bỏ tiền xây chùa (HT. Thích Đạt Hảo, HT. Thích Định Quang, HT. Thích Đạt Thanh, HT. Thích Từ Huệ…). Qua cuộc đời các vị danh tăng, ta thấy rất phổ biến hiện tượng những đại thí chủ, những người giàu có (điền chủ, bá hộ, thương nhân, doanh nhân…) hiến đất dựng cơ sở tôn giáo, phát tâm xây chùa, rồi cung hiến cho các vị danh tăng mà họ kính tín hoặc cung thỉnh các vị về trụ trì. Hầu hết các vị danh tăng đều có công rất lớn trong việc xây dựng, trùng tu các cơ sở tôn giáo. Nhiều vị danh tăng trong đời đã vận động quyên góp, tổ chức kiến thiết, tôn tạo hàng chục chùa chiền. (HT. Thích Minh Trực đứng ra xây dựng mười mấy ngôi chùa cùng mang tên Phật Bửu tại nhiều tỉnh miền Trung và miền Tây, miền Đông Nam Bộ. HT. Thích Từ Huệ tổ chức xây dựng 12 ngôi Đạo tràng tịnh xá…).

Theo thống kê chính thức, đến năm 2007, cả nước có 14.321 ngôi chùa, tịnh xá, thiền viện Phật giáo, trong khi đó, ở Nam Bộ chỉ đến năm 1963 đã có tới 4.769 ngôi chùa (so với toàn bộ những cơ sở tu tập, thờ phụng Phật giáo các loại của cả nước, đã tăng số lượng khá nhiều sau gần nửa thập kỷ, vẫn chiếm %). Miền Tây Nam Bộ có nhiều chùa hơn hẳn so với Đông Nam Bộ. Trước thập niên 60 của thế kỷ XX, miền Tây Nam Bộ có 1.925 ngôi chùa, nhiều gấp ba so với 687 ngôi chùa của Đông Nam Bộ. [Trần Hồng Liên 2004: 35].

Bái Đính - Ninh Bình được xem là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam hiện nay, mới được xây dựng gần đây. Ngôi chùa lớn nhất Nam Bộ tọa lạc ở miền Tây, chính là chùa Vĩnh Tràng - Mỹ Tho (gần 2 ha).

Tây Nam Bộ không có những pho tượng Phật lớn nhất nước, nhưng là nơi có những ngôi chùa đạt kỷ lục nhiều tượng Phật, tượng Bồ-tát nhất nước, mà điều đáng nói là trường hợp tất cả các pho tượng chỉ do một cá nhân tạo tác suốt một thời gian dài ròng rã với lòng kính ngưỡng Phật Pháp. Như chùa Phật Quang (Sóc Trăng) với trên 300 pho tượng do tu sĩ Thích Huệ Chơn đắp bằng xi-măng trong hơn 40 năm, chùa Bửu Sơn (còn gọi là chùa Đất Sét - Sóc Trăng) với 1.901 bức tượng Phật (chưa kể hơn 200 tượng thú, bảo tháp, lư hương...), tất cả đều được cư sĩ Ngô Kim Tòng đắp bằng đất sét trộn ô dước. Ông Ngô Kim Tòng còn tạo 8 cây nến khổng lồ (mỗi cây khoảng 200kg, cao 1,6m, ước cháy liên tục khoảng 70 năm, trong đó, 6 cây lớn chưa đốt, 2 cây nhỏ hơn đang cháy); những cây hương / nhang cao 1,5m (3 cây vẫn chưa đốt).

Có thể thấy Nam Bộ là vùng trù mật nhất của Phật giáo Việt Nam, trong đó, Tây Nam Bộ còn đậm hơn Đông Nam Bộ.

2. Phật giáo với sự đa dạng và tính dung hợp cao

Tây Nam Bộ cũng là miền đất đa dạng, phong phú các tôn giáo nhất trong cả nước. Ở đây, bên cạnh Phật giáo, còn có sự hoạt động của các tôn giáo lớn, ngoại nhập như đạo Bà La Môn, đạo Hồi, Công giáo, đạo Tin Lành cũng như các tôn giáo địa phương, từ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài đến Tịnh độ Cư sĩ... Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ đều được khai sinh và hoạt động chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ(1); ở những mức độ khác nhau, đều là những hình

thức Phật giáo mang tinh thần dân tộc của Việt Nam, mang đặc trưng văn hóa vùng. Đạo Cao Đài cũng thực hiện sự tổng hợp Đông - Tây dựa trên căn bản giáo lý, nghi lễ Phật giáo và tuy sinh ra, tập trung nơi thánh địa Tây Ninh ở Đông Nam Bộ nhưng cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với một số địa phương Tây Nam Bộ.

Có thể kể thí dụ về Cần Thơ được xem như “Tây Đô”, nơi tập trung “thủ phủ” của nhiều tôn giáo trong vùng: (1) Đối với Công giáo, năm 1960, Tòa thánh Vatican nâng giáo phận Cần Thơ thành giáo phận chính tòa (bao gồm các địa phương Phong Dinh, Ba Xuyên, Bạc Liêu, Chương Thiện) và đặt Tòa Giám mục, nhà thờ Chính Tòa tại đây. Năm 1988, Đại chủng viện Thánh Quý cũng được mở ở Cần Thơ để đào tạo linh mục cho giáo hội ở 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. (2) Đối với đạo Tin Lành, địa hạt Tây Nam Bộ (gồm các tỉnh phía Tây sông Hậu) được thành lập năm 1972, đặt trụ sở tại Cần Thơ. (3) Hệ phái Cao Đài Chiếu Minh Long Châu ra đời năm 1956, chọn Cần Thơ để xây dựng Tòa Thánh Long Châu. (4) Văn phòng của hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa của Nguyễn Long Châu cũng đặt tại Cần Thơ...

Riêng về Phật giáo, Tây Nam Bộ cũng là miền đất phong phú, đa dạng nhất nước về các giáo phái. Trong khi người Việt và người Hoa theo Phật giáo Bắc tông thì người Khmer theo Phật giáo Nam tông. Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) lại bao gồm cả Tịnh Độ tông, Thiền tông (Tào Động và Lâm Tế) lẫn Mật tông (Đông Mật và Tây Mật).

Bối cảnh như vậy nên không có gì ngạc nhiên khi Phật giáo của người Việt miền Tây Nam Bộ thể hiện tính dung hợp rộng rãi nhất, không những trong quan hệ giữa các giáo phái Phật giáo; quan hệ giữa Phật giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng khác mà còn cả trong quan hệ với Phật giáo của các chủng tộc khác (Hoa, Khmer).

Trước hết, về khả năng tích hợp những giáo phái Phật giáo khác nhau. Theo HT. Thích Minh Trực, “muốn nhiếp hóa đồ chúng dễ dàng, phải kết hợp cả Thiền lẫn Tịnh, cả Đốn lẫn Tiệm. Về Thiền, Ngài căn cứ vào yếu chỉ kinh tạng Đại Thừa đốn ngộ: Duy Ma Cật,

Viên Giác, Pháp Bảo Đàn… Về Tịnh độ, Ngài y cứ váo các kinh Di Đà Đại Bổn, Thiền Môn Nhựt tụng mà Ngài diễn dịch rất chu đáo để hướng dẫn đồ chúng trên đường tu học” [Thích Đồng Bổn 2002: 429]. Minh Đăng Quang đã kết hợp Bắc - Nam tông, trở thành vị Tổ đầu tiên của hệ phái Khất sĩ mang bản sắc Việt Nam. Ngài để lại bộ kinh Chơn Lý, gồm 69 tiểu luận, đúc kết căn bản giáo lý, phép luật của hệ phái Khất sĩ. Ngài “đã dung hợp những tinh hoa Phật pháp của cả Nam lẫn Bắc tông theo yếu chỉ trung đạo của Phật giáo. Theo đó, người Khất sĩ phải thực hiện đúng mục đích của hệ phái là: Trang bị tinh thần không mưu cầu tích trữ vật dụng, tiền bạc... không gia đình; mỗi sáng ôm bình bát đi khất thực, không ở nơi nào nhất định...”(2).

Người Việt miền Tây Nam Bộ cũng dễ dàng tích hợp Phật giáo với các tôn giáo khác và các tín ngưỡng dân gian. Tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, “vái tứ phương, tám hướng” vốn không xa lạ với cư dân Bắc Bộ lại càng đậm nét đối với những lưu dân khi họ đến vùng đất mới nhiều khó khăn, thách thức, nhiều bí ẩn, hoang sơ, cộng cư cùng các chủng tộc khác với những niềm tin và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng.

Sự dung hợp ấy được phản ánh trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, như Trần Ngọc Thêm đã nhận xét: “Lục Vân Tiên xuất thân là Nho sinh, khi gặp nạn thì nương nhờ cửa Phật, được ông Cọp và Sóng Thần cứu giúp (tín ngưỡng dân gian), rồi cuối cùng được Tiên ông (Đạo) chữa mắt sáng lại”. [Trần Ngọc Thêm].

Các hình thức tôn giáo địa phương ra đời và phát triển ở Tây Nam Bộ đều lấy yếu lý nhà Phật làm căn bản, tổng hòa các giáo phái Phật giáo đồng thời kết hợp với những tư tưởng Nho, Lão trên nền tảng đạo đức truyền thống của dân tộc. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đề xướng Tu Nhân Học Phật, trong đó, Học Phật là theo pháp môn Thiền Tịnh song tu, tùy duyên hóa độ. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tiếp tục tư tưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương, thực hiện trì niệm theo Thiền tông; hành xử theo Nho giáo; luyện tinh, khí, thần theo Lão giáo; ấn quyết thần chú theo Mật tông. Phật giáo Hòa Hảo phát triển, nâng cao tư tưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương, chủ trương tu tại gia hướng tới thành tựu Tây phương Cực lạc, nói cách khác, đã kết hợp Tịnh Độ tông và đạo Ông bà.

Chùa miền Bắc có một số trường hợp “tiền Phật hậu thần” thì chùa miền Tây Nam Bộ không hiếm khi là “tiền Phật hậu Mẫu”.

Đối với những gia đình theo Phật thì ở Bắc Bộ, trong ngôi nhà truyền thống thường thờ Phật và thờ tổ tiên chung một bàn thờ. Trong khi đó, ngôi nhà miền Tây Nam Bộ lại thường có nhiều bàn thờ: (1) Ban thờ Phật, (2) Ban thờ tổ tiên (3) Ban thờ thần Thổ địa, thần Tài (4) Ban thờ Táo Quân, (5) Ban thờ thiên... Những nhà quan quyền, khá giả ở gian giữa thờ Phật, có khi thờ cả Quan Công, hai bên là hai ban thờ nội, ngoại thân thuộc bên chồng (bên trái) và nội, ngoại thân thuộc bên vợ (bên phải). Nhà thường dân thì ở giữa có bàn thờ tổ tiên, trên cao là trang thờ Phật và các vị thần độ mạng. Ban thờ Thần Thổ địa, thần Tài được đặt trên sàn, thường là góc trái trong nhà, với bài vị “Ngũ phương ngũ thổ Long thần”, “Tiền chúa hậu chủ Tài thần”. Dưới bếp thờ Táo quân với bài vị “Định phước Táo quân”. Trước sân có bàn thiên / bàn vọng thiên, không có mái che, thờ chư thiên chư Phật.

Cộng cư cùng người Hoa, người Khmer nên Phật giáo của người Việt miền Tây Nam Bộ ở đây cũng mang dấu ấn của giao lưu, tiếp biến những ảnh hưởng văn hóa Hoa, Khmer. Các chùa Linh Quang (Vĩnh Long), Linh Sơn (Long An), Bửu Sơn, Phật Quang (Sóc Trăng)... có miếu thờ Niek Tà, thờ ông Tà hoặc thờ thần Vishnu (thể hiện ảnh hưởng Khmer). Nhiều chùa lại thể hiện ảnh hưởng Hoa như chùa Bửu Sơn (Sóc Trăng) thờ Phật Mẫu Diêu Trì, Ngọc Hoàng Thượng Đế, trăm quan cựu thần, Kim Tinh Thánh Mẫu, Thập điện Diêm Vương, Quan Thánh đế Quân, chùa Phật Quang (Sóc Trăng) thờ Bắc Đế, Thần Tử Vi, Thần Quang Địa, Tam Hoàng, Bạch Hầu, Cửu Vị Tinh Quân, Thổ thần, Năm bà Ngũ hành, Cửu Thiên Huyền Nữ, Chúa Tiên, Tỳ Lam..., chùa Hải Phước An Tự (Sóc Trăng) thờ Bà Mã Châu, Tiên Đồng Ngọc Nữ, Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ, Bắc Đế, Quan Thánh Đế Quân... [Trần Hồng Liên 2004 : 87]. Hòa thượng Thích Minh Đàng khi chủ xướng trùng tu chùa Vĩnh Tràng đã kết hợp kiến trúc ngôi chùa truyền thống Việt Nam với phong cách những ngôi chùa Khmer, chùa Trung Hoa, những sắc thái Champa, Thái Lan và cả dấu ấn mỹ thuật phương Tây (Pháp, La Mã).

Một số thành tố văn hóa nghệ thuật Hoa, Khmer cũng đi vào trong lễ hội ở các ngôi chùa của người việt miền Tây Nam Bộ. Như lễ kỵ Tổ Khánh Anh tại chùa Phước Hậu (Vĩnh Long) có diễn xướng cả múa lân của người Hoa lẫn những bản nhạc cổ Khmer...

Các chùa người Hoa, người Khmer ở Tây Nam Bộ với những cách thức tu tập, những lễ hội đặc thù (như lễ hội Mừng Năm mới Chôl Chnam Thmay của người Khmer, những lễ Rước Ông, Rước Bà trong các ngày vía Bà Mã Châu, ông Quan Thánh...) cũng thu hút sự tham gia và phần nào cũng ảnh hưởng đến người Việt. Trong Hồi ký của Sơn Nam có kể một chi tiết cảm động: Khi Sơn Nam chia tay gia đình đi học xa, mẹ đã cầm tay căn dặn tình nghĩa của người đàn bà Miên trong xóm từng nuôi Sơn Nam cùng con ruột của bà bằng chung một dòng sữa, mẹ cũng từng theo bà ta mà cầu phúc cho Sơn Nam bằng những nghi lễ, phong tục Khmer: “Năm đó, ở chùa Khmer xứ Sóc Xoài, chùa linh lắm, bày ra lễ Chô Thơ Mo, trước bệ Phật, tại chánh điện, người ta đào một lỗ khá to, nói là trẻ con muốn điều gì thì cha mẹ nên bỏ xuống lỗ những món có ý nghĩa, như cây kim, sợi chỉ để con gái may vá giỏi khi lớn lên. Người giàu sang thì bỏ xuống đó vài lượng vàng, vài chiếc cà rá, kiếp sau sẽ giàu hơn kiếp này. Bữa đó, má bắt chước, nhờ Cà Xúc (tên của bà ta) mua cây viết, bình mực, cái tập giấy để cho con tới đó bỏ xuống, trước bàn thờ Phật, lấy phước trong cõi đời này. Người ta đi chùa đông lắm, ai tin trời Phật thì má cũng tin”. Bút danh Sơn Nam chính là gắn với ơn nghĩa sâu đậm này của người “mẹ nuôi” Khmer [Sơn Nam 2009: Hồi ký, tập 1, chương 2].

Xin dừng lại phân tích một thí dụ là lễ hội Bà Chúa Xứ. Nếu cư dân miền Bắc nô nức trảy hội chùa Hương thì cư dân miền Nam đi lễ Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang suốt nhiều tháng trong năm. Trong thực tế, Bà Chúa Xứ còn được dân gian gọi là “Phật bà núi Sam”. Nơi thờ tự Bà được gọi là “miếu” mà cũng được gọi là “đền”, “chùa”.

Về ý nghĩa hình tượng Bà Chúa Xứ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Toàn viết: “Theo bước đường Nam tiến của dân tộc Việt, chúa Liễu đã từ Phủ Giày (Nam Định), Đền Sòng (Thanh Hóa) đi về phương Nam, tạm dừng ở điện Hòn Chén (Huế) và gặp bà Pô Nưga tại Nha Trang, gặp bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu) ở Tây Ninh và bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc... Tất cả các bà đều là một Mẹ duy nhất trong tâm thức của tín ngưỡng và tập tục thờ Mẫu của người Việt”. [Nguyễn Đức Toàn 1994 :55]. Nhà văn Sơn Nam viết: “Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miếu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền”. [Sơn Nam 1985 : 149-150] và cũng lại viết: “Bà Chúa Xứ, dạng đạo Lão dân gian, thu hút bá tánh nhiều nhất Nam Bộ” [Sơn Nam 1992 : 40]. “Đây là dạng tu tiên, một dạng như Tây Vương Mẫu, Cửu Thiên huyền nữ, hoặc Liễu hạnh công chúa...” [Sơn Nam 1987:157]. Sách Kiến thức phục vụ thuyết minh du lịch (NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1995) thì lý giải: “Do ảnh hưởng Phật giáo, Lão giáo cùng với các tín ngưỡng đồng bóng của dân gian... Và bà Chúa Xứ trở thành một dạng như “Phật Bà Quan Âm” (đối với người Việt), “Bà Mã Hậu” hay “Thiên Hậu Nương Nương” (đối với người Hoa)” [tr 345-346].

Chánh điện gồm hai lớp. Lớp trong cùng là nơi thờ Bà (...), hai bên là hai con hạc trắng biểu tượng cốt cách tiên thánh của Bà. Bên phải tượng Bà là một linga cũng bằng đá, đặt trên một hương án thờ, gọi là bàn thờ Cậu. Bên trái tượng Bà là hương án thờ một tượng gỗ chạm hình yoni, gọi là bàn thờ Cô. Lớp thứ hai là bàn thờ Hội đồng, sát liền hai tượng chim phượng. Hai bên trái, phải của bàn thờ Hội đồng là bàn thờ Tiền hiền khai khẩn (ở bên trái) và bàn thờ Hậu hiền khai cơ (ở bên phải)”(3).

Pho tượng vốn là tượng nam thần Vishnu thuộc nền văn hóa Óc Eo thế kỷ VI nhưng được thờ phụng như Phật bà đồng thời như thánh mẫu.

Lễ vía Bà, từ 23 đến 27 tháng 4 hàng năm, được cử hành với (1) Lễ tắm Bà (lễ mộc dục), (2) Lễ thỉnh sắc (rước sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu, người có công khẩn hoang, xây kênh Vĩnh Tế, cùng hai phu nhân từ Sơn Lăng về miếu Bà), (3) Lễ túc yết (dâng lễ vật là con heo trắng) và lễ xây chầu (hát bội), (4) Lễ chánh tế, (5) Lễ hồi sắc (đưa sắc và bài vị Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân về lại Sơn Lăng). Lộc của Bà gồm hoa trái cúng Bà, nước dùng trong lễ mộc dục, y áo lụa là gấm vóc đã đắp cho Bà, được chia cho dân chúng, mọi người tin tưởng rằng sẽ đem lại may mắn, tài lộc cho cả năm. Nhiều người còn vay lộc Bà để làm ăn, khi thành công đến lễ tạ (như với bà Chúa Kho ngoài Bắc). Truyền thuyết, điện thờ, nghi lễ đều cho thấy sự tổng hợp của thờ Phật, thờ mẫu, tín ngưỡng tiền hiền hậu hiền, tín ngưỡng thần Tài, dấu ấn giao lưu ảnh hưởng cả Việt - Khmer - Hoa.

Đôi câu liễn trong miếu Bà:

Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thị

Xiêm khả kinh, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lường

Tạm dịch:

Cầu nhất định ứng, ban nhất định linh, báo cho trong mộng

(Người) Xiêm phải sợ, (người) Thanh phải kính, ẩn ý khó lường.

Tôn xưng quyền lực huyền nhiệm của Bà mà cũng tiết lộ sáng rõ tính tổng hợp tôn giáo, tín ngưỡng ở đây.

3. Phật giáo với tính mở, tính năng động, tính khai phá

Tính năng động của Phật giáo Tây Nam Bộ cũng thể hiện rất rõ. Trước hết qua phong trào Chấn hưng Phật giáo, hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những thập niên 1920, 1930. Người đầu tiên phát sinh chí nguyện chấn hưng Phật giáo là Thiền sư Khánh Hòa (sinh ở Bến Tre), đã đi khắp các tổ đình ở Nam Kỳ kêu gọi các bậc tôn túc. Thiền sư Thiện Chiếu (sinh ở tỉnh Gò Công, nay là tỉnh Tiền Giang) năm 1927 ra cả Bắc Kỳ vận động nhưng không được hưởng ứng. Phong trào khởi xướng ở Nam Kỳ mà trước hết và chủ yếu là ở đồng bằng sông Cửu Long.

Những bậc Tăng sĩ tiên phong, đóng vai trò thống lĩnh cũng như những cư sĩ ủng hộ nhiệt tình trong phong trào chấn hưng Phật giáo, đại đa số sinh ra, hoạt động và ảnh hưởng mạnh mẽ ở miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh Thiền sư Khánh Hòa, Thiền sư Thiện Chiếu đã nhắc đến ở trên, là Thiền sư Pháp Hải (sinh ở Sa Đéc), Thiền sư Trí Thiền (sinh ở Rạch Giá)..., những cư sĩ hữu tâm như Phạm Văn Liêm, Nguyễn Văn Khỏe, Phạm Văn Luông, Nguyễn Văn Thọ, Huỳnh Thái Sửu, Ngo Trọng Tín, Trần Văn Giác, Thái Phước, Thái Khanh, Lữ Long Giao, Nguyễn Văn Nhơn... (phần lớn sinh ở Trà Vinh).

Các vị Tăng nổi bật của phong trào đều đọc rộng, hiểu biết phong trào chấn hưng Phật giáo ở khu vực và trên thế giới và vận dụng trong chấn hưng Phật giáo miền Tây Nam Bộ. HT. Thích Thiện Chiếu “giỏi chữ Nho, chữ Quan thoại, chữ Pháp”, tiếp xúc với các trào lưu văn hóa phương Tây, tân thư của Trung Hoa, Nhật Bản… ; HT. Thích Huệ Quang đọc sách tân thư, tìm hiểu kinh nghiệm chấn hưng Phật giáo của Trung Hoa, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia; HT. Thích Chánh Hậu, vốn gốc Minh hương, cũng tiếp thu ảnh hưởng của phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc.

Phong trào nhằm ba mục tiêu lớn: (1) Chỉnh đốn tăng già, (2) Kiến lập nhiều Phật học đường (3) Diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ. Ba mục tiêu này quan hệ chặt chẽ với nhau, đặt trọng tâm trên việc nâng cao trình độ tu học của Tăng sĩ, mở mang tâm trí của Phật tử, tín đồ.

Nhiều Hội Phật học ra đời, hoạt động thường triển khai những Phật học đường, đồng thời thành lập những tạp chí, nguyệt san Phật học, những nhà xuất bản, nhà in của Phật giáo. Nhiều danh tăng đã tham gia xây dựng, quản lý, giảng dạy, đóng góp bài vở... cho những cơ sở nghiên cứu - giáo dục - xuất bản này. Pháp Âm là tập san Phật học bằng Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, đặt cơ sở tại chùa Xoài Hột, Mỹ Tho năm 1927, ra số đầu tiên năm 1929. Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập năm 1931, ra mắt tạp chí Từ Bi Âm số đầu tiên năm 1932. Trụ sở hội và tạp chí lúc đầu đặt ở Sài Gòn, nhưng sau đó Thiền sư Khánh Hòa chuyển hoạt động về Trà Vinh. Thích học đường được xây dựng ở Sài Gòn nhưng mãi đến năm 1934 vẫn chưa khai giảng được do thiếu sự thống nhất trong ban tổ chức và những người tài trợ. Thiền sư Khánh Hòa phải tổ chức Liên đoàn Phật học xã, mở các Phật học đường lưu động lần lượt tại các chùa Long Hoa, Thiên Phước (Trà Vinh), Viên Giác (Bến Tre). Hội Lưỡng Xuyên Phật học cũng đóng trụ sở tại Trà Vinh năm 1934, do Thiền sư An Lạc, chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang) làm hội trưởng, tổ chức Phật học đường khai giảng cuối năm 1934, thành lập tạp chí Duy Tân năm 1935. Thiền sư Thiện Chiếu cùng Thiền sư Trí Thiền thành lập Hội Phật học kiêm tế ở Rạch Giá năm 1936, ra số đầu tiên của tạp chí Tiến Hóa năm 1938. Hội này cũng mở ở đây cô nhi viện Phật giáo được tổ chức theo kiểu Tây phương đầu tiên của Việt Nam. Ở Tây Nam Bộ cũng có những nhà xuất bản, nhà in của Phật giáo như Hương Đạo... Ưu thế của kỹ thuật in ấn, phát hành hiện đại của phương Tây đã được các tổ chức Phật giáo tận dụng để tăng sức mạnh truyền bá giáo pháp, truyền bá tri thức. Miền Tây Nam Bộ đã sớm đến với chữ Quốc ngữ, báo chí, in ấn phần nhiều do những đóng góp như vậy của các vị danh tăng trong phong trào Chấn hưng Phật giáo.

Đặc biệt quan tâm đến việc thỉnh kinh, dịch kinh, soạn kinh, học tập kinh sách cũng là một nét nổi bật của Phật giáo người Việt miền Tây Nam Bộ. Trong phong trào chấn hưng Phật giáo, cư sĩ Phật tử nhiều nơi, dưới sự vận động và tổ chức của các danh tăng, đã thỉnh và hiến cúng Tam tạng kinh (Tháng 8 năm 1929, các đàn việt thiện tín Trà Vinh chung sức hiến cúng bộ Đại tạng toàn bản, gồm có 750 quyển lớn, tôn trí tại chùa Linh Sơn để làm tài liệu cơ bản cho việc nghiên cứu...). Phật giáo Tây Nam Bộ có rất nhiều danh tăng (15 vị) kiên trì dịch kinh ra Quốc ngữ, biên soạn các kinh sách, để lại tổng số công trình nhiều hơn gấp nhiều lần so với danh tăng các khu vực khác. HT. Tịnh Sự dịch hoàn thành bộ Tạng luận Pali. HT. Hộ Tông là Tổ khai sơn của Phật giáo Nam tông người Việt, để lại 16 kinh sách mà Ngài phiên dịch và biên soạn. HT. Bửu Chơn để lại 19 kinh sách. HT. Thích Thiện Chiếu ngay cả khi nằm trên giường bệnh suốt 3 nămvẫn tiếp tục viết sách, để lại sự nghiệp trước tác 12 cuốn, nhiều cuốn được giới thanh niên, trí thức quan tâm, hứng thú vì những tư tưởng sâu sắc, mới mẻ. Ngài còn viết nhiều bài tranh luận với các nhà Tây học trên báo chí, nhiều nhất là ở báo Tân Phong. Trong khi đó, so với miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ rất ít các trí thức Nho học danh tiếng. Từ sự thịnh phát mạnh mẽ hơn của Phật học ở chính vùng này, có thể gợi suy nghĩ về học phong của miền Tây Nam Bộ, có lẽ cư dân ở đây đã hướng đến cái học, phần nhiều không để thi thố mà muốn thực sự giúp đời chăng?

Phong trào chấn hưng Phật giáo như vậy đã khởi phát từ Tây Nam Bộ, phát triển với vai trò thống lĩnh của Tây Nam Bộ, sau đó có ảnh hưởng đến Đông Nam Bộ và rồi Trung Bộ, Bắc Bộ. Trong phong trào này, có thể nhận diện Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học như đại diện cho các phái thiên hữu, trong khi đó Hội Phật học Kiêm tế đại diện cho các phái thiên tả. Lập trường Duy Tân, Tiến Hóa được chia sẻ bởi nhiều phái, như tên các tạp chí của họ cho thấy.

Đến như những phái thiên tả thì tư tưởng của những người thủ lĩnh, những người phát ngôn thực là táo bạo.

Thiện Chiếu, chủ soái của Phật học Kiêm tế chẳng hạn, năm 1932 đã viết: “Đau đớn thay! Lạ lùng thay! Muốn bênh vực cho rằng Phật giáo không phải là một đạo mê tín hoang đường, thì sờ sờ ra đó biết bao nhiêu là việc huyền hoặc dị đoan! Muốn bào chữa cho Phật giáo không phải là một đạo hữu thần, thì nhan nhản ra đó cũng cầu xin cũng chuộc tội, có khác nào những kẻ ỷ lại thần quyền! Muốn khoe Phật giáo là một đạo cứu đời thì hàng Phật tử (nếu) không phải chán đời mà lên non ẩn dạng ắt cũng ích kỷ chỉ lo quanh quẩn trong gia đình, chớ không biết gì đến công ích xã hội cả! Muốn nói Phật giáo là đạo thoát khổ, thì người có theo đạo có làm đạo cũng buồn rầu khiếp sợ, cũng theo hoàn cảnh mà đổi dời, cũng cực khổ lầm than, chỉ cứ trông đợi kiếp sau chớ không biết ra tay mà cải tạo! Như vậy bảo sao Phật giáo không tiêu diệt theo các tôn giáo trước khi thế giới đại đồng cho được? Thế thì người có nhiệt tâm với nhân loại quần sanh - phải lo tìm phương bổ cứu, duy trì, hay chỉ khoanh tay ngồi ngó và than vắn thở dài mà thôi?”. “Nếu thiệt có lòng muốn bổ cứu, duy trì Phật giáo là một chiếc thuyền tế độ ở giữa biển khổ sông mê, không nỡ để cho tiêu diệt theo các tôn giáo khác, thì chẳng những giáo hội (hay hạng người xuất gia), phải nghiên cứu Phật giáo, phát dương những ý hay nghĩa lạ ra cho thích hợp với chỗ nhu yếu của nhơn sanh, dẹp bỏ hết các việc mơ hồ trái lẽ, chớ quá chấp nê theo hủ tục, mà tín đồ (hay hạng người tại gia) cũng phải làm cho tròn cái bổn phận của một người tín ngưỡng Phật giáo, một cách chơn chánh, cũng phải kiểu chánh lại những chỗ sai lầm của Giáo hội (vì Giáo hội hiện thời là một Giáo hội hư hèn, không có trật tự), chớ nên vì ý riêng, vì tình cảm mà chia phe lập đảng, tin bướng theo càn. Được như vậy thì cái yến sáng Phật giáo mới mong chói lọi ở Đại Đồng thế giới sau này”.(4)

Tiến Hóa, tạp chí của Phật học Kiêm tế, thì công bố hiển ngôn rõ ràng sẽ tuyên truyền không chỉ cho Phật học mà còn cho “bất cứ học thuyết nào có đủ phương pháp làm chúng sanh khỏi khổ được vui”, tất cả những học thuyết nào ừ bi bác ái đều được xem là “Phật pháp” cả. Tiến Hóa chủ trương: (1) Phật tử phải học các khoa học để có sự giác ngộ mới, hiểu nguyên nhân những đau khổ của con người nằm trong kinh tế, chính trị-xã hội; hiểu rằng không có cõi Cực Lạc ở Tây phương; (2) Phật Thích Ca là bậc đại giác trong thời của Ngài nhưng “tri thức của Phật hồi ấy không thể bằng tri thức của toàn thể nhân loại sau này”.(5)

Chúng ta đã đề cập tính mở, tính năng động của Phật giáo miền Tây Nam Bộ qua dẫn chứng tiêu biểu nhất là phong trào chấn hưng Phật giáo. Còn có thể có những dẫn chứng khác.

Như là công cuộc khôi phục Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX, trong ba vị tăng có vai trò nổi bật nhất – Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Duy Lực và Thiền sư Nhất Hạnh, thì hai tên tuổi đầu tiên là các vị sinh ở Cần Thơ. Hòa thượng Thích Thanh Từ xây dựng Thiền phái Trúc Lâm Phụng Hoàng, theo đường lối Thiền Giáo song hành, dùng thiền để soi sáng kinh, dùng kinh để ấn chứng thiền. Hòa thượng Thích Duy Lực chủ trương tu Thiền theo lối tham thoại đầu.

Hoặc khảo sát từ công trình TSDTVN, ta cũng thấy nét năng động thể hiện rõ qua hành trạng các vị danh tăng miền Tây Nam Bộ. Quá trình tham học của nhiều danh tăng là quá trình vân du qua các ngôi chùa lớn ở nhiều địa phương, học với nhiều vị cao tăng thạc đức, khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, ra cả miền Trung, miền Bắc, như những con ong cần mẫn, nhờ đó hút được tinh hoa Phật pháp từ nhiều nguồn uy tín.(6)

Quá trình hoằng đạo của nhiều danh tăng cũng trải rộng qua nhiều tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, ra cả miền Trung. Năm 1957, HT. Thích Thiện Hoa chủ xướng và trực tiếp giảng dạy các khóa học mang tên Như Lai sứ giả huấn luyện trụ trì, các khóa huấn luyện Tăng Ni trở thành giảng sư có thể đi diễn giảng khắp nơi. Nhiều thế hệ Tăng Ni đã trưởng thành từ những khóa học đó, đi truyền giảng nhiều địa phương, đúng theo tinh thần Phật giáo “mang đến mọi người món quà lớn hơn mọi món quà là Phật pháp”.

Không chỉ như vậy, phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của nhiều vị danh tăng miền Tây Nam Bộ còn mở rộng ra nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. HT. Thích Huệ Pháp trên đường tầm sư học đạo đã sang Campuchia, Lào, Thái Lan suốt 10 năm, học những tinh hoa Phật pháp Nam tông và cả những bí pháp của họ. Tổ Minh Đăng Quang thoạt tiên cũng sang Campuchia học Phật pháp 4 năm. HT. Hộ Tông học tập Phật pháp ở Campuchia, trở về xây dựng Tổ đình Bửu Quang (tại ấp Gò Dưa, xã Tam Bình, huyện Thủ Đức, Sài Gòn) là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam tông người Việt. HT. Tịnh Sự học Phật pháp ở Campuchia, học tiếp ở Thái Lan 7 năm. HT. Thích Huệ Pháp đã dựng ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại Lào, HT. Tịnh Sự dựng chùa ở Campuchia cho Việt kiều tu tập. HT. Thích Huệ Hưng sang Campuchia giảng dạy Phật pháp. HT. Thích Thiện Quảng trong chuyến hành hương qua xứ Phật, đã được vua Thái Lan ngưỡng mộ đạo hạnh, xây cất chùa riêng cho Ngài, và Ngài đã ở lại hàng chục năm, hỗ trợ việc hoằng đạo cho Phật giáo Thái Lan. HT. Thích Huệ Pháp 10 năm vân du hóa đạo ở Lào, Campuchia, mang kinh sách sang tặng hai vương quốc này, góp phần “gieo giống Bồ đề khắp ba nước Đông Dương để Phật giáo được hoằng dương rộng rãi”. HT. Thích Duy Lực hoằng dương Thiền học tại Mỹ, Canada, Úc, Hồng Kông, Đài Loan…

Tính tổng hợp, tính năng động, tính mở của miền Tây Nam Bộ thể hiện thật rõ nét trong văn hóa Phật giáo ở đây. Có thể nói, Phật giáo miền Tây Nam Bộ mang tính khai phá, chứ không chỉ giữ gìn truyền thống.

4. Phật giáo với tính nhập thế mạnh mẽ

Trong tác phẩm Dương-Từ Hà-Mậu, sáng tác cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Đình Chiểu đã công kích Phật giáo về việc dẫn dắt người ta vào chùa, bỏ những trách nhiệm gia đình và xã hội:

- Tóc, râu là dạng nam nhi,

Của cha mẹ đúc can gì cạo đi?Tổ tiên chút đã đền chi,

Vùa hương, bát nước mấy khi phụng thờ.

- Làm người sao chẳng theo loài,

Thảo cha, ngay chúa đoái hoài chi đâu?

Đành lòng cạo hết tóc râu,

Đã âu bất hiếu, lại âu phản thần.

Sau này trong phong trào Chấn hưng Phật giáo, tạp chí Tiến Hóa của Hội Phật học Kiêm tế cũng chủ trương từ bỏ truyền thống Tăng sĩ “đầu trọc áo vuông”. Ký giả Tự Giác còn nêu gương một ông sư Nhật Bản tại Sài Gòn lúc bấy giờ theo Tân Tịnh độ, có tân học, thạo nhiều ngoại ngữ...(7). Tạp chí Pháp Âm (ra đời năm 1937), cơ quan ngôn luận của Hội Tịnh độ Cư sĩ (một phái thiên tả, ra đời năm 1935) cũng ủng hộ tư tưởng đó, chủ trương chỉ tu tại gia: “Hòa thượng Huệ Đăng chùa Thiên Thai Bà Rịa, Hòa thượng Từ Phong chùa Giác Hải Chợ lớn, Sư cụ Đỗ Văn Hỷ chùa Bà Đá v.v... đối với Phật giáo thế giới có ảnh hưởng bằng các vị “thế gian” như Âu Dương Kiến Vô, Dương Nhân Sơn, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Sylvain Lévi, Rhys David không?”.(8)

Đẩy đến cực đoan như vậy chỉ là ở một số cá nhân, một số phái, nửa cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX, trong tâm thức đau đáu trước tình hình nước nhà bị ngoại xâm, sốt sắng nhấn mạnh bao bổn phận thời thế mà người công dân có trách nhiệm phải lo toan gánh vác. Đó không phải thái độ phổ biến trong đông đảo dân chúng qua các thời kỳ.Vì như trên đã nói Tây Nam Bộ là miền đất sùng mộ Phật giáo. Thành ra, đúng hơn thì xuyên suốt và chủ yếu trong Phật giáo Tây Nam Bộ chính là tinh thần nhập thế mạnh mẽ, gắn với đạo lý dân tộc, đạo lý gia đình.

Chúng ta nhớ rằng, cũng trong Dương Từ Hà Mậu, Nguyễn Đình Chiểu để Tiên Nho ngồi bàn luận với nhau, rốt cuộc kết luận cốt lõi của Chính Đạo cần phải theo chính là ở trung quân ái quốc và trung hiếu tiết nghĩa.

Tính nhập thế của Phật giáo người Việt miền Tây Nam Bộ, nói cho cùng, không xa với quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu, được thể hiện ở những bổn phận đạo đức với dân tộc, với cộng đồng xã hội, với gia đình...

Trước hết, ở cấp độ dân tộc, đó là Trung với nước.

Phật giáo miền Tây Nam Bộ nổi bật tinh thần “Vì đạo pháp - Vì dân tộc”. Từ những năm 1920, nhiều vị danh tăng, nhiều ngôi chùa đã gắn với hoạt động yêu nước, chống ngoại xâm của các hội kín như Thiên Địa hội, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục… Nhiều vị danh sư cùng tăng chúng, Phật tử, tín đồ đã hỗ trợ, tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, Cách mạng Tháng Tám 1945. Rồi những hoạt động sôi nổi của Hội Phật giáo Cứu quốc sánh bước cùng dân tộc trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Geneve, thống nhất đất nước, đấu tranh chống chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm... Tăng chúng tạm xếp tăng bào lên đường cứu nước cứu dân. Mái chùa nhiều phen trở thành nơi trú náu cho những thanh niên đến tuổi nghĩa vụ quân sự để họ không phải cầm súng bắn vào anh em đồng bào (HT. Thích Huệ Hòa…).

Rất nhiều danh tăng đã đóng góp hết mình cho dân tộc. Họ vận động quyên góp tiền của, tài vật cho kháng chiến, tham gia in truyền đơn (HT. Thích Hoàng Minh…), chế tạo vũ khí (HT. Thích Pháp Tràng…). Nhiều chùa trở thành nơi hội họp, nơi che giấu cán bộ cách mạng (HT. Thích Bửu Chung cho đóng những hộc chứa lúa lớn trong chùa làm nơi ẩn trốn cho cán bộ, HT. Thích Thiên Trường canh cho cán bộ hội họp và khi có động, giấu cán bộ trong tủ thờ Hộ pháp có sức chứa đến 15 người…). Chùa Sắc Tứ Linh Thứu là trụ sở của Tạp chí Pháp Âm đồng thời cũng là trụ sở của Báo Dân Cày, nơi liên lạc của Tỉnh ủy Mỹ Tho. HT. Thích Đạt Hương tham gia đốt pháo lệnh cho phong trào tấn công “diệt ác phá kềm”. Vì hoạt động cách mạng, nhiều vị danh tăng bị mật thám theo dõi, bắt giam tra tấn, nhiều ngôi chùa bị dội bom, nhưng các vị vẫn một lòng sắt son với sự nghiệp của dân tộc. HT. Thích Pháp Long bị giam ở Chí Hòa, HT. Thích Hoàng Minh bị đày sang Lào, rồi bị giam ở Hỏa Lò, Kon Tum… Nhiều danh tăng bị đày ra Côn Đảo: HT. Thích Thành Đạo bị đày 4 năm; HT. Thích Thiện Chiếu bị tra tấn đến bại xuội; HT. Thích Trí Thiền bị đày 5 năm, tuyệt thực mà chết trong phòng giam; HT. Thích Đạt Thanh sau 4 năm tù khổ sai, vượt ngục, may mà được người thương gia trên con thuyền buôn cứu thoát… Nhiều vị danh tăng có lúc đã phải rời chùa, ra chiến khu (HT. Thích Thái Không), về đời thường hoạt động cho cách mạng (HT. Thích Thiện Chiếu)… Nhiều vị đã bị thương (HT. Thích Pháp Trừng), hy sinh trên đường tranh đấu, “giữa đường ngộ nạn, nhuộm máu với giang san” (HT. Thích Thiện QuảngThứ hai, ở cấp độ cộng đồng xã hội, đó là chữ Từ bi, Nhân ái.

Truyền thống Phật giáo Việt Nam coi trọng làm việc phúc đức cứu người hơn các lễ nghi hình thức:

Dù xây chín bậc thù đồ (phù đồ)

Không bằng làm phúc cứu cho một người.

Ở miền Tây Nam Bộ nói riêng, Nam Bộ nói chung, Phật tử, tín đồ, quần chúng cảm tình với Phật giáo nhiệt tâm làm Phật sự đồng thời hết sức tích cực, tự giác trong các hoạt động từ thiện, các phong trào cứu trợ xã hội.

Thực sự thì các phong trào phần lớn được khởi xướng không phải từ Tây Nam Bộ mà từ thành phố Hồ Chí Minh (phong trào xây dựng nhà tình nghĩa bắt đầu năm 1982, phong trào xây dựng nhà tình thương bắt đầu năm 2007 do chính quyền phát động, phong trào “Mắt lành thương chúng sinh”, “Xuân Từ Bi” cứu trợ nhân dân Nam Á và Đông Nam Á bị thiên tai do các tổ chức Phật giáo phát động...). Tuy nhiên, sự tham gia của miền Tây Nam Bộ cũng có nét riêng. Những người nông dân ở đây nhiều khi đời sống không mấy khấm khá vẫn chắt bóp dành dụm để sẻ chia, có khi chính họ cũng khốn khó trong mùa lũ vẫn hướng về đồng bào lũ lụt miền Trung, đúng theo nghĩa của câu tục ngữ “lá rách ít đùm lá rách nhiều” - biến thể mới của câu truyền thống “lá lành đùm lá rách”.

Qua khảo sát TSDTVN, ta thấy các danh tăng đều nêu gương, vận động Tăng chúng, Phật tử, tín đồ làm các công việc phúc lợi xã hội và làm từ thiện. Ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, nhiều cây cầu, bến đò được những cá nhân các cư sĩ, tín đồ Phật giáo bỏ tiền xây dựng giúp cho dân chúng đi lại dễ dàng. Người dân Cần Giuộc, Long An vẫn còn nhắc mãi cầu ông Thìn, bến đò bà Tổng Sách do nội Cao Tổ và ngoại Tổ của HT. Thích Từ Nhẫn xây. HT. Thích Từ Nhẫn nhiều lần tổ chức thủy lục trai đàn lớn để cầu siêu cho những người chết đuối sông rạch, dân chúng mang ơn sâu sắc. HT. Thích Nhựt Minh vận động quyên góp, chủ trì việc xây Bảo tượng Quan Thế Âm cao 20 mét ở Kiên Giang đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân địa phương, nhất là ngư dân cầu mong ơn tế độ của Bồ-tát cho những chuyến đi biển. Nhiều chùa mở các cô nhi viện, ký nhi viện nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật; trại dưỡng lão, hội tương tế giúp người già cô độc; mở trường mẫu giáo, lớp học tình thương cho trẻ em nhà nghèo. HT. Thích Thiện Hoa mở những lớp học ban đêm xóa nạn mù chữ, chính Ngài còn biên soạn tập sách Vần chữ O đơn giản, giúp người học dễ tiếp thu. Không hiếm chùa xây nghĩa trang, lò thiêu tại chùa cho những người chết nghèo khổ. Nhiều chùa cứu trợ đồng bào bị thiên tai; giúp đồng bào nghèo khó mỗi dịp Phật đản, Vu lan, Tết Nguyên đán…

Thứ ba, ở cấp độ gia đình. Đạo lý gia đình chịu ảnh hưởng Phật giáo đặc biệt nổi bật trong chữ Hiếu.

Cư dân Nam Bộ đã kế thừa những bài ca dao, tục ngữ truyền thống từ Bắc và Trung Bộ đề cao Hiếu với cha mẹ như con đường tu tập chân chính nhất:

- Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu

- Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ bằng ba tu chùa

- Bụt nhà không thiêng, thờ Thích Ca ngoài đường

Đồng thời, có thể thấy ca dao, tục ngữ về nội dung này ở Nam Bộ được bổ sung thêm rất nhiều, phong phú về số lượng và đa dạng về nội dung.

- Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật .

- Phật dạy chữ hiếu làm đầu

Mà ai giữ được đạo mầu mới trao.

- Vai mang bức tượng Di Đà

Hiếu Trung ta giữ, gian tà mặc ai.

- Ai về lập miếu thờ vua

Lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.

- Chuối chát măng khô bốn mùa chịu khổ

Em tu hành anh chỉ chỗ em tu

Kìa kìa hai vị Phật sinh

Cha già mẹ yếu em bỏ đành đi tu.

- Cha già là Phật Thích Ca

Mẹ già đích thị Phật Bà Quan Âm.

- Trong nhà đầu bạc phơ phơ

Tây sinh Bồ tát phượng thờ vi tiên.

Chữ Hiếu của Nho gia đòi hỏi con cái vâng lời, phụng dưỡng, thờ kính cha mẹ. Người con hiếu theo quan niệm đạo đức Phật giáo còn phải biết hướng mẹ cha về niềm tin Chánh pháp, khuyến khích cha mẹ tu tập, từ bỏ tham, sân, si gây khổ đau, nghiệp chướng cho họ để cha mẹ được giải thoát. Thế mới là báo ân cha mẹ một cách triệt để và toàn diện nhất:

- Sắc thân hiếu dưỡng ân cần

Đâu quên giáo đạo tinh thần mẹ cha.

- Dốc lòng niệm Phật không lơi

Cầu cho cha mẹ thác thời siêu sanh

Khuyên mẹ niệm Phật cho chuyên

Thì hoa sen đợi ở bên Liên trì.

Chính quan niệm này lý giải vì sao ở Nam Bộ nói chung, miền Tây Nam Bộ nói riêng, nhiều người xuất gia và gia đình họ không đặt đối lập việc tu hành với bổn phận hiếu đễ, vì xuất gia tu hành vẫn là giúp lợi lạc tâm linh, phúc đức cho cha mẹ, gia đình.

Nếu trong chữ Hiếu của Nho gia, hình ảnh người cha đóng vai trò chủ đạo thì chữ Hiếu mang ảnh hưởng Phật giáo lại có phần hướng về người mẹ. Vu Lan gắn với câu chuyện cảm động của “Hiếu thân Bồ-tát” Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi địa ngục. Từ lâu, rằm tháng Bảy được xem là một dịp lễ trọng: “Cúng lễ quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”. Tuy nhiên, ở Nam Bộ, Vu Lan như Đại lễ Báo hiếu đã được gia tăng sắc thái mới từ bài đoản văn “Bông hồng cài áo” năm 1962 của Thích Nhất Hạnh kể về tục lệ cài một bông hoa trên áo trong ngày Mother’s Day của người Nhật. Ông viết: “Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan(9).” Bông hoa mà cô sinh viên Nhật cài cho Thích Nhất Hạnh ở Đông Kinh là bông cẩm chướng, nhưng ông nghĩ người Việt có thể dùng bông hồng. Vu Lan năm 1962, lần đầu tiên tục lệ bông hồng cài áo được thực hiện ở chùa Xá Lợi (Sài Gòn). Đầu năm 1965 Nhà xuất bản Lá Bối ở Sài Gòn xuất bản cuốn Bông Hồng Cài Áo và đây là cuốn sách được tái bản nhiều lần, được biết

đến nhiều nhất của Thích Nhất Hạnh. Tiếp theo, bài hát Bông hồng cài áo do Phạm Thế Mỹ sáng tác năm 1967, qua giọng ca Khánh Ly và nhiều ca sĩ lừng danh khác, nhanh chóng chinh phục trái tim quần chúng và trở thành nhạc phẩm gắn với nghi thức Vu Lan. Nghi thức Bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan trở thành điểm sáng trong văn hóa Phật giáo của người Việt Nam Bộ nói chung, trong đó có miền Tây Nam Bộ.

Trong CDTNPGVN có 17 bài ca dao về tâm tình của những người con mùa Vu Lan, nguyện cầu cho cha mẹ, người trong kiếp sống hiện tiền được an lành, người rời cõi thế được sinh về Lạc thổ:

- Lên chùa dự lễ Vu Lan

Cầu cho cha mẹ thoát đàng tử sinh.

- Nhớ ngày xá tội vong nhân

Lên chùa lạy Phật đền ơn sinh thành.

Hiếu với cha mẹ trong đạo đức Phật giáo còn mở rộng thành tình thương yêu muôn loài chúng sinh bởi theo triết lý Luân hồi, qua vô vàn những kiếp sống, tất cả chúng sinh có thể đều từng là cha mẹ ta:

- Song thân đâu phải một đời

Vậy nên thương cả muôn loài mới hay.

Tư tưởng này là một cơ sở cho nghi lễ phóng sinh, được thực hành trong Phật giáo người Việt Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng ở mức độ phổ biến rộng rãi, thường xuyên hơn nhiều so với Bắc Bộ.

Có thể hình dung trong văn hóa Phật giáo của người Việt Nam Bộ, đặc biệt là Tây Nam Bộ khuynh hướng Phật giáo nhập thế, khuynh hướng thực hành Phật giáo như một triết học đạo đức hơn là một tôn giáo.

Cũng trên nền tảng đó, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa coi trọng việc báo đáp ân cha mẹ cùng với ân đất nước, ân đồng bào, đồng loại, ân Tam bảo; nhấn mạnh giá trị của cả chữ Hiếu và chữ Nghĩa, đã dễ dàng phát huy ảnh hưởng trong cộng đồng cư dân Tây Nam Bộ.

Chữ Trung với nước, chữ Hiếu với mẹ cha, gia đình, dòng tộc, chữ Từ bi, Nhân ái với đồng bào, đồng loại, muôn loài chúng sinh đã kết hợp tinh thần Chánh pháp cùng những gốc rễ luân lý nhân bản sâu xa trong truyền thống dân tộc. Tính nhập thế trên cơ sở như vậy có thể xem là tiêu biểu cho cách thức cấu trúc hệ giá trị đạo đức Phật giáo ở Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng, vừa mang bản sắc dân tộc vừa thể hiện đặc trưng văn hóa vùng.

5. Phật giáo với tính thực tiễn, tính bình dân, tính dân chủ

Như một hệ quả của xu hướng nhập thế mạnh mẽ, Phật giáo Tây Nam Bộ còn thể hiện rất rõ tính thực tiễn, tính bình dân, tính dân chủ.

Có thể thấy điều này trước hết ở sự lựa chọn các tông phái Phật giáo. Vùng này không chuộng các yếu tố trừu tượng cao siêu.

Mật tông, đặc biệt là Tây Mật (Mật tông Tây Tạng) với sự nhấn mạnh trên yếu tố nghi thức thần bí, mật ngôn (qua quán đảnh - “wang”, khẩu truyền nghi quỹ - “lung”, giảng dạy nghi quỹ - “trid” để truyền thừa ân sủng) ảnh hưởng hầu như không đáng kể ở Tây Nam Bộ. Ngôi chùa Tây Tạng được xem như “dấu ấn đầu tiên” của Tây Mật ở Việt Nam được hình thành ở Bình Dương (Đông Nam Bộ). Tây Mật hiện có khoảng 15.000 hành giả khắp Việt Nam, cũng chủ yếu tập trung ở Bắc Bộ (Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Việt Trì) và Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đồng Nai), Tây Nguyên (Lâm Đồng), chỉ rất ít ở Tây Nam Bộ (Cà Mau).(10)

Đại thừa (Bắc tông), như con đường rộng rãi nhất độ cho đông đảo chúng sinh, là tông phái Phật giáo du nhập sớm nhất và phổ biến nhất ở Tây Nam Bộ.

Tiểu thừa (Nam tông) mãi đến năm 1938 mới xuất hiện trong người Việt Nam Bộ, do Hộ Tông (sinh ở An Giang) tu học từ Cam­puchia mang về. Song, ảnh hưởng của tông phái Phật giáo này ở Tây Nam Bộ không mấy quan trọng, mà chủ yếu là ở Đông Nam Bộ và Trung Bộ (ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy đầu tiên là Tổ đình Bửu Quang được thành lập tại Thủ Đức, tiếp nối là 14 ngôi chùa lần lượt được thành lập ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Vũng Tàu...).

Khất sĩ, do Minh Đăng Quang (sinh ở Vĩnh Long) khai sáng năm 1943-1944, là hệ phái riêng có tại Việt Nam, chủ trương “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, đơn giản hóa giáo lý cũng như nghi lễ, chỉ thực hành khất thực giáo hóa độ sinh. Từ Tây Nam Bộ, hệ phái này ảnh hưởng qua Đông Nam Bộ rồi ra đến Trung Bộ, Tây Nguyên.

Tính thực tiễn của Phật giáo Tây Nam Bộ cũng thấy rõ trong sử lý kinh sách. Hướng đến việc truyền bá Phật pháp sao cho đáp ứng nguyện vọng và phù hợp trình độ của đông đảo cư dân miền Tây Nam Bộ vốn chủ yếu là những người nông dân, những công trình dịch và biên soạn kinh sách của các danh tăng phần nhiều đều là chuyển sang

Quốc ngữ, trích yếu những tác phẩm cốt lõi, những giáo lý căn bản, những hướng dẫn giáo lý Phật giáo phổ thông (Thí dụ HT. Thích Thiện Hoa để lại 80 cuốn với 8 loại chuyên đề, trong đó có Phật học phổ thông – 12 quyển, Bản đồ tu Phật – 10 quyển, Phật học giáo khoa các trường Bồ đề, Giáo lý dạy gia đình Phật tử, Bài học Ngàn Vàng – 8 tập, Đại cương Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Viên Giác lược giải, Tâm Kinh, các loại tạp luận, sự tích…; Trong các công trình của HT. Thích Thiện Chiếu có Phật giáo tổng yếu, Phật học vấn đáp, Tại sao tôi cảm ơn đạo Phật…). Trong nhiều kinh sách mà HT. Thích Đạt Thanh để lại có bộ Tân Lục Vân Tiên truyện, Ngài sáng tác, dựa trên tình yêu của cư dân Tây Nam Bộ đối với danh tác của cụ Đồ Chiểu để truyền bá những bài học Phật giáo chính là đạo làm người. Khi giảng kinh cũng như dịch và viết sách, HT. Thích Từ Huệ luôn “dùng những lời lẽ bình dị, đơn giản, thấm sâu vào lòng những tín đồ Phật tử”(11). HT. Thích Thiện Chiếu “hướng dẫn Phật tử nghi thức thực hành thờ cúng Phật đơn giản, nhưng vẫn tròn đầy niềm tin nơi Chánh pháp”.

Để Phật giáo dễ dàng đến với quần chúng nhân dân, các Tăng sĩ còn thường xuyên thể hiện tư tưởng giáo lý qua hình thức thơ ca, dễ nhớ dễ thuộc. Trong CDTNPGVN mà HT. Thích Trung Hậu sưu tập, có thể nhận thấy khá nhiều câu như vậy. Những câu không thực sự là ca dao này nhiều trường hợp có thể không dùng lục bát mà sử dụng ngũ ngôn hoặc thể thơ tương đối tự do, có khi xen những từ Hán Việt, những thuật ngữ tôn giáo khá chuyên biệt, hoặc có khi xuất hiện cả hô ngữ “Chúng sinh ơi!” cho thấy chủ thể phát ngôn thuộc giới tu hành:

- Cảnh Tây thiên là miền cực lạc

Cõi Ta bà ngũ trọc đau khổ trần ai

Chúng sanh ơi! Mau mau theo gót Phật Như Lai

Lánh nơi dục giới qua đài Tây phương.

Hoặc có những trường hợp đề cập lòng trần, mùi trần, bụi trần ô trọc, rời bỏ trần gian tìm kiếm sạch trong, về cơ bản, không tiêu biểu cho quan niệm giá trị của quần chúng nhân dân:

- Ai mô mộ cảnh ưa Thiền

Lòng trần rũ sạch nhơn nhơn ra về.

Bộ phận những câu như vậy có thể khiến các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian phê phán tiêu chí phân loại, sưu tập của người biên soạn

CDTNPGVN, nhưng lại là nguồn tư liệu minh chứng cho một phương thức truyền Pháp dựa vào sức mạnh thơ ca dân gian của các Tăng sĩ Nam Bộ. Khá nhiều những câu thơ vốn do Tăng sĩ, cư sĩ sáng tác đã lưu truyền trong dân gian và trở thành như tài sản tinh thần quen thuộc của họ.

Đặc biệt cần nói đến các tôn giáo địa phương dựa trên nền tảng Phật giáo của Nam Bộ, như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo đều vận dụng “sấm vãn” / “sám giảng” / “sấm giảng” thường bằng thơ lục bát, giảng về thời hạ ngươn mạt pháp và khuyên người đời tu tập, làm lành lánh dữ. Riêng Sám giảng người đời của ông Vãi bán khoai (Bửu Sơn Kỳ Hương) gồm 11 cuốn (tổng cộng 2.422 câu) và ba bài kệ (128 câu). Đức Bổn sư Ngô Lợi (Tứ Ân Hiếu Nghĩa) thì có Sám giảng Ngũ giáo:

Một lòng giữ vẹn tứ ân,

Phụng thờ khuya sớm ân cần đừng sai.

Gắng công niệm Phật hôm mai,

Trì tâm thì đặng thiếc mài nên kim.

Giáo lý của Phật giáo Hòa Hảo gồm 6 cuốn của Huỳnh Phú Sổ thì trong đó 4 cuốn là Sấm khuyên người đi tu niệm, Kệ của người Khùng, Sấm giảng, Giác mê tâm kệ.

Tu không cần lạy cần quỳ,

Ngồi đâu cũng sửa vậy thì mới mau.

Nhà văn Sơn Nam đã viết khảo luận về những sấm, vãn này, gọi đó là “tâm ca” - “kinh nhật tụng của mọi gia đình” miền biên giới Việt Miên, gần dãy Thất Sơn, Châu Đốc: “Nhiều đoạn trong sấm vãn đã thật sự trở thành ca dao” khiến cho “ca dao Miền Nam đã mang sắc thái đặc biệt, hồi đầu thế kỷ; đã là tín đồ thì ai cũng thuộc vài chục vài trăm câu, gặp những trường hợp khó khăn về sanh kế, về thiên tai thì đem ra mà dẫn chứng, để lấy lòng tin”(12).

Tính thực tiễn của Phật giáo Tây Nam Bộ còn thể hiện qua quan điểm đào tạo Tăng tài. Như trên đã nói, trong phong trào Chấn hưng Phật giáo, nhiều Hội Phật học chú ý mở Phật đường, nhiều danh tăng mở trường gia giáo, tham gia giảng huấn. Theo HT. Thích Thiện Chiếu, Tăng Ni cần phải hiểu biết sâu rộng cả nội điển (Phật học) lẫn

ngoại điển (kiến thức xã hội). Trong đào tạo Tăng Ni, nhiều danh tăng miền Tây Nam Bộ thấm nhuần điều đó. HT. Thích Chánh Hậu thường mời các bậc túc nho, phần nhiều là các chiến sĩ Văn Thân, Cần Vương lánh nạn ẩn tích và các bậc lương y trong vùng đến giảng dạy cho Tăng Ni. Với ý thức gắn bó Phật học và các khoa học đời sống, nhiều vị danh tăng, trước hoặc sau khi xuất gia, đã theo học nghề thuốc (HT. Thích Khánh Thông học Đông y với cụ Đồ Chiểu, HT. Thích Quảng Ân học với cha mình…). HT. Thích Thiện Hoa dạy cho Tăng Ni cả Phật pháp lẫn kiến thức chẩn trị y học, đem nghề thuốc chữa bệnh cứu đời. HT. Thích Huệ Pháp nhờ tài cứu chữa những bệnh nan y, được xem là vị “Phật sống”, được vời sang chữa bệnh cho Hoàng Thái hậu Campuchia và được xứ này kính vọng. Tài thầy thuốc của nhiều vị danh tăng đã trở thành phương tiện giúp cảm hóa dân chúng - có những tín đồ cảm công ơn cứu sống của các vị đã cúng hiến chùa chiền hay đi theo con đường tu tập. Nhiều vị danh tăng mở các phòng thuốc phước thiện, các bệnh xá trong chùa cứu giúp người nghèo khó. HT. Pháp Trị kiến tạo ở Thủ Đức “một Xá Lợi Phật Đài nguy nga đồ sộ bên cả một rừng cây thuốc Nam phong phú, giúp ích thiết thực cho đời và đạo”(13).

Song song với việc chú trọng đào tạo Tăng tài là quan tâm giáo dục phổ thông cho đông đảo quần chúng. Một đóng góp lớn đặc biệt của giới cư sĩ Phật tử người Việt Nam Bộ là xây dựng và phát triển hệ thống trường Bồ Đề. Thành phần Ban Giám hiệu, Ban Bảo trợ, Văn phòng và nhất là lực lượng giáo sư phần lớn đều là các cư sĩ Phật tử. Chỉ tính đến năm 1963, đã có 163 trường Bồ Đề tại Nam Bộ.

Phật giáo người Việt miền Tây Nam Bộ, trên tinh thần thực tiễn, thậm chí không tách rời với hoạt động kinh tế, sản xuất. Tên của Hội Phật học Kiêm tế có nghĩa quan tâm cả học Phật lẫn xúc tiến cơ hội thực hành kinh bang tế thế. Trong những nhân vật quan trọng của ban lãnh đạo Hội, Thiền sư Thiện Chiếu mời khá nhiều thương gia, đại thương gia. HT. Bửu Chung khi trụ trì ở chùa Phi Lai, Châu Đốc, chủ trương làm kinh tế để chùa có thể tự cấp tự túc. Nhận thấy ruộng gò cho năng suất thấp, Ngài cho đào đất nung gạch bán, gạch của chùa với hiệu Bửu Tân Long nổi tiếng, tiêu thụ tận Sài Gòn, mà ruộng được hạ sâu trở nên màu mỡ hơn, trồng được hai vụ lúa. HT. Thích Duy Lực sau bao năm sống ở Mỹ trở về đã thành lập một trang trại lớn trồng rau sạch tại huyện Củ Chi để làm kinh tế tự túc cho Thiền đường.

Phật giáo miền Tây Nam Bộ cũng thể hiện tính dân chủ cao.

Nhiều danh tăng trong quá trình hoằng đạo, quan tâm giúp đỡ sự tiến bộ của hàng hậu bối, chăm lo lập Tổng đoàn Thanh niên Tăng Ni (HT. Thích Minh Đức), xuất bản tập san Phật học Tân thanh niên (HT. Thích Thiện Chiếu)...

Nhiều danh tăng quan tâm đến cả Tăng lẫn Ni, mở Ni trường Phật học (HT. Thích Khánh Hòa. HT. Thích Thiện Hoa…), mở các khóa học Như Lai sứ giả huấn luyện trụ trì, huấn luyện giảng viên cho cả các Ni (HT. Thích Liễu Thiện, HT. Thích Thiện Hoa…). Do vậy, ở miền Tây Nam Bộ, Ni giới hoạt động rất mạnh, nhiều Ni là giảng sư thuyết pháp.

Một số danh tăng huấn luyện cho cả các cư sĩ để họ cũng có thể trở thành giảng viên, mang bài học Phật giáo đến đông đảo quần chúng.

Khi giáo hóa quần chúng, ngay cả những người lầm lỗi, các danh tăng cũng không xa lánh. Năm Đinh Hợi (1947), HT. Thích Minh Đức đến vùng Chợ Lớn dựng thảo am để vận động quần chúng ủng hộ kháng chiến, đã “chọn Bến Hàm Tử là nơi gần chợ và nhiều dân cư lao động, đồng thời có nhiều tệ nạn xã hội nhất, dựng một ngôi chùa nhỏ đặt tên Tăng Phường, hiệu Giác Hoàng để thực hiện nhiệm vụ được giao đồng thời khuyến hóa quần chúng tu tập. Riêng Ngài hàng năm tại đây, vào mùa kiết hạ, tháng giêng và tháng chín Ngài chuyên tu “Chuẩn Đề ngũ hối sám nghi”. Đây là phương pháp tu mà Ngài cho là chóng đạt được Phật lực cần thiết để cảm hóa người khác”(14) .

KẾT LUẬN

Tới Tây Nam Bộ, miền đất trẻ nhất nước, trong bối cảnh công cuộc khẩn hoang nhiều thử thách mà cũng nhiều cơ hội, cộng cư với các chủng tộc Hoa-Chăm-Khmer và ở vị thế tiền tiêu giao lưu tiếp xúc với phương Tây thời hiện đại, Phật giáo người Việt đã mang thêm những đặc trưng riêng. Đây là vùng văn hóa mà Phật giáo đã du nhập muộn nhất cũng là nơi sùng mộ Phật giáo nhất nước; Phật giáo có sự đa dạng và tính dung hợp cao; tính mở, tính năng động, tính khai phá phóng khoáng; tính nhập thế mạnh mẽ; tính thực tiễn, tính bình dân và tính dân chủ nổi bật. Đặc điểm văn hóa Phật giáo Tây Nam Bộ để lại dấu ấn rõ nét trên nhiều phương diện nhận thức, tổ chức, ứng xử trong văn hóa vùng này, trong đó quan trọng nhất là ảnh hưởng tạo

dựng nền tảng đạo đức của cư dân địa phương. Hành trang tinh thần quý báu đó hết sức có ý nghĩa trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc ở Tây Nam Bộ, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa đất nước trên cơ sở tích hợp những tinh hoa văn minh nhân loại và truyền thống văn hóa phương Đông.

Tp. Hồ Chí Minh, 13 tháng 3 năm 2012

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lệ Như Thích Trung Hậu (sưu tầm và giới thiệu) 2001: Những truyện cổ Việt Nam mang màu sắc Phật giáo. NXB. Tôn giáo.

2. Lệ Như Thích Trung Hậu (sưu tầm và giới thiệu) 2002: Ca dao tục ngữ Phật giáo Việt Nam. Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Đức Toàn 1994: “Quan hệ Chăm Việt trong lịch sử qua tín ngưỡng dân gian”. TC Dân tộc học số 4.

4. Nguyễn Lang 1974: Việt Nam Phật giáo sử luận. NXB Lá Bối.

5. Nguyễn Ngọc Tư 2005: Cánh đồng bất tận. NXB Trẻ Tp HCM.

6. Phan Thị Thu Hiền 2009: “Hệ giá trị đạo đức Phật giáo trong văn hóa Việt Nam (qua ca dao, tục ngữ)”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Hệ giá trị văn hóa truyền thống và sự chuyển đổi hệ giá trị trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa.

7. Phan Thị Thu Hiền 2010: “Một số đặc điểm văn hóa Phật giáo người Việt miền Tây Nam Bộ qua cuộc đời các vị danh tăng”. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn hóa phi vật thể người Việt miền Tây Nam Bộ, Trường ĐHKHXH&NV Tp.HCM phối hợp cùng TC Văn hóa Nghệ thuật tổ chức.

8. Phan Thị Thu Hiền 2011: “Cảm quan Phật giáo trong thế giới nghệ thuật của Cánh đồng bất tận”. Niên giám Bình luận văn học, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học Tp.HCM.

9. Sơn Nam 1985: Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa. NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.

10. Sơn Nam 1987: Lịch sử An Giang. NXB Tổng hợp An Giang

11. Sơn Nam 1992: Đình miễu và lễ hội dân gian. NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.

12. Sơn Nam 2009: Hồi ký. NXB Trẻ Tp. HCM.

13. Thích Đồng Bổn (chủ biên) 1995: Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX (Tập 1). Thành hội Phật giáo Tp. HCM.

14. Thích Đồng Bổn (chủ biên) 2002: Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX (Tập 2). NXB Tôn giáo.

15. Thích Quảng Kiến 2008: “Hành trì Mật tông Tây Tạng tại Việt Nam”. Nguyệt san Giác ngộ số 11.

16. Trần Hồng Liên 1995: Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam bộ Việt Nam. NXB. Khoa học Xã hội.

17. Trần Hồng Liên 2004: Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam Bộ. NXB Khoa học xã hội.

18. Trần Ngọc Thêm: “Tính cách văn hóa của người Việt Nam Bộ như một hệ thống”.


1. Bửu Sơn Kỳ Hương được khai sáng năm 1845 bởi Đoàn Minh Huyên (sinh ở Đồng Tháp, sau này tín đồ tôn xưng là đức Phật Thầy Tây An), phát triển ở Đồng Tháp Mười và An Giang.
Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Ngô Lợi (sinh ở Bến Tre, sau này được tôn xưng là đức Bổn Sư Núi Tượng) khai sáng năm 1870. Đạo này hoạt động mạnh ở An Giang. Phật giáo Hòa Hảo do Huỳnh Phú Sổ (sinh ở An Giang, sau này được xưng tụng là đức Huỳnh giáo chủ) khai sáng năm 1939. Đạo này ảnh hưởng rộng khắp, nay tập trung chủ yếu ở vùng tứ giác Long Xuyên. Tịnh độ Cư sĩ được khai sáng năm 1934 bởi Nguyễn Văn Bồng (sinh tại Đồng Tháp, sau này được tôn xưng là đức Tông Sư Minh Trí), phát triển rộng khắp Tây Nam Bộ, nay có mặt ở 24 tỉnh thành từ Nha Trang đến Cà Mau.
2. Thích Đồng Bổn 1996 : 267.
3. Truyền thuyết về Miếu Bà Chúa Xứ [http://vietngu.caodai.net/index.php?option=com_content&view=article&id=479%3Atruyn-thuyt-v-miu-ba-chua-x&catid=44%3Abien-kho&Itemid=8&showall=1]
4. Thiện Chiếu 1932: Phật giáo vấn đáp. Chùa Hưng Long, Chợ Lớn xuất bản.
5. Tiến Hóa số 2, 1-2-1938.
6. HT. Thích Thiện Hoa ra Huế, Quy Nhơn tu học đạo suốt 8 năm…
7. Tiến Hóa số 9, 9-1938.
8. Pháp Âm số 12, tháng Chạp 1937.
9. http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanchuong/truyen_ngan/bonghongcaiao.htm.
10. Thích Quảng Kiến 2008.
11. Thích Đồng Bổn 2002: 745.
12. http://www.dieungu.org/D_1-2_2-94_4-10057_5-50_6-1_17-45_14-1_15-1/
13. Thích Đồng Bổn 2002: 672.
14. Thích Đồng Bổn 1996: 422.



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn