Cha Mẹ: Thầy Dẫn Đạo Của Con - Vĩnh Hảo

22 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 71114)

CHA MẸ: THẦY DẪN ĐẠO CỦA CON
Vĩnh Hảo

Mỗi khuya thức dậy, nghe mõ nhịp nhàng, nghe chuông nhẹ điểm, hòa trong tiếng tụng kinh nho nhỏ mà tha thiết chân thành của mẹ; gần đó, hồng chung chùa sư nữ Vạn Thạnh ngân vang, xa xa vẳng tiếng chuông Hải Đức dội về. Tất cả những thanh âm thiền vị, sâu lắng và đẹp đẽ nhất đã nuôi dưỡng tâm hồn nhạy cảm của tôi từ lúc bé thơ.

Tôi lớn lên từ chiếc nôi đó. Chiếc nôi đặt giữa thành phố Nha Trang bé nhỏ, hiền hòa. Trở mình, chợp mắt, có thể nhìn thấy dáng mẹ trang nghiêm trong chiếc áo tràng lam, một mình trì tụng kinh Pháp Hoa cùng lúc với thời công phu khuya của các chùa lớn nhỏ chung quanh. Những hình ảnh và âm thanh ấy có lẽ được ghi lại rõ rệt vào tuổi lên năm, lên bảy; và đi ngược thời gian xa hơn nữa, tôi đoán chừng có cậu bé chưa thôi nôi, nằm im, mở mắt thao láo, dõng tai lắng nghe tiếng chuông mõ và giọng tụng kinh trầm ấm của mẹ hiền mỗi khuya.

Thế rồi lớn khôn lên một chút, tôi đã biết đi chùa sư nữ để tụng kinh Pháp Hoa vào mỗi tối. Tụng đọc lại những lời kinh mà mẹ tụng hàng ngày trước đó. Mỗi tối, mỗi tối, và mỗi tối tụng đọc, lời kinh lan thấm trong máu huyết tôi, để rồi một ngày nọ, tôi xin đi tu. Chuyện đi tu không đơn giản. Nhà đông người, người ý này, người ý nọ. Nhưng ba mẹ cũng đã chiều theo ý tôi. Nha Trang nhiều chùa, nhiều thầy, mẹ phân tích và so sánh cho con từng nơi, cho phép con chọn lựa. Con đã chọn vị thầy khó nhất, và ngôi chùa ở trên đồi cao nhất: chùa Hải Đức! Tập luyện và học kinh từ chùa sư nữ gần nhà, rồi xuất gia nơi ngôi chùa có tiếng chuông linh thiêng điểm vào tâm con mỗi sớm. Con trở thành chú tiểu từ đó.

Lần đầu về thăm nhà, bỡ ngỡ như một người khách. Đi tu khó không, khổ nhọc không? Ánh mắt ba nhìn tôi như trào ra những câu hỏi ấy. Không, ba ơi, con vui lắm, con không thấy khổ. Ở chùa, thức dậy lúc ba giờ rưỡi sáng ngồi nghe chuông, niệm Phật, đọc các kệ chú, rồi bốn giờ tụng thời công phu khuya, giống như thuở bé con thức giấc nghe me tụng đọc kinh Pháp Hoa, không khó đâu. Ba không bật ra câu hỏi, tôi cũng không buông ra câu trả lời. Cha con nhìn nhau, thương yêu, đầm ấm.

Một lần khác thăm nhà, chỉ có ba mẹ ngồi bên con, chú tiểu ngơ ngác. Ba ôm vai con, nói:

“Chị con du học bên Mỹ đã lấy bằng tiến sĩ văn chương, dạy đại học bên đó, ba mẹ rất vui, rất hãnh diện. Nhưng ba có thể nói rằng có một đứa con xuất gia, ba me cảm thấy phước báo vô cùng, không niềm vui nào to lớn hơn.”

Mẹ gật gù tán đồng, đôi mắt tràn thương yêu nhìn chú tiểu:

“Đúng vậy, đúng vậy đó con.”

Ba mẹ đâu nói chi nhiều. Chỉ ngần ấy thôi. Tiễn con về với chùa, theo thầy bạn. Một năm, hai năm, ba năm… Con mỗi lúc một xa, không thường về thăm nhà. Sinh nhật chú tiểu, mẹ lên chùa thăm con, âm thầm tặng một bài thơ, gói theo hộp bánh dẻo.

Chiều thu thăm con ở chùa

“Đồi mùa thu trải lá
Non tây hút mặt trời

Sương lành thâu nắng ngã

Chuông chùa ngân chơi vơi…

Dưới thấp bước lên cao

Me để thành phố lại

Bỏ sắc đời hư hao

Quên chuyện đời khôn dại…

Bằng hai bàn tay không

Me ôm đầy tâm niệm

Khuyên con luyện chí đồng

Me quỳ dâng mật nguyện… 

Trở về cao xuống thấp

Sương mớm lá thu vàng

Trên đồi như nai nhỏ

Áo nhật-bình màu lam…” (*)

Mật nguyện của mẹ là gì, chưa bao giờ mẹ nói ra. Con cũng chưa bao giờ hỏi. Mẹ con lẳng lặng giao cảm tâm với tâm.

Mười năm, mười lăm năm, con trôi giạt những phương trời. Ba mẹ âm thầm dõi theo bóng con, học ở đâu, tu ở đâu, hành đạo ở đâu… Thoảng khi tương ngộ, chỉ im lặng nhìn con, chú tiểu năm xưa đã trưởng thành. Bao năm học đạo, phước duyên thọ giáo các bậc đạo hạnh chân tu, biết tâm chí hạnh nguyện bây giờ đặt ở cảnh giới nào!

Mười bảy năm, về thăm ba, thắp hương khóc tràn. Nhớ nụ cười ba hiền lành, bao dung… Con đứng nơi bàn thờ, tụng cho ba bài Tâm Kinh Bát Nhã như ba vẫn thường tụng mỗi ngày. Ba không thuộc nhiều kinh, ba chỉ biết tụng duy nhất bài kinh ngắn Bát Nhã. Giọng ba tụng lí nhí, nho nhỏ, không chuông không mõ. Giờ con cũng tụng cho ba, không mõ không chuông và không cả lời.

Hai mươi năm, giũ áo ca-sa, thôi không làm tiểu nữa. Mẹ vui con có bạn đời tốt, nhưng mẹ cứ khóc. Mẹ ơi, mẹ đừng khóc nữa. Dù thế nào, con vẫn còn là chú tiểu năm xưa đây mà! Con biết và con tin như vậy.

Mẹ thấy không? Hai mươi hai năm sau kể từ ngày xa mẹ, khi chân con hãy còn chập chững trong dòng đời, bỗng một phút quay nhìn, thấy mình chưa hề rời xa chốn ấy. Vẫn là cảnh giới cao đẹp, trong sáng, tĩnh lặng của năm nào. Từ đó, con đã viết tặng các chú tiểu, mà cũng là tặng ba mẹ: Thiên Thần Quét Lá. Tác phẩm ấy không nói gì cao siêu, chỉ nói cái chí nguyện ban đầu của người học đạo. Chí nguyện ấy, một khi đã phát khởi, làm sao có thể mất đi được? Dù không còn để chỏm, không còn mặc áo nâu, nhưng việc quét lá, là trách nhiệm của con kia mà! Con biết chí nguyện của con không kiên cường như mẹ mong đợi. Nhưng con đường, vâng, thưa mẹ, con đường ấy, con đã thấy.

Bốn mươi năm, nhìn lại. Tóc đã ngã hai màu trên đầu, mà lòng vẫn như con trẻ, thiết tha nhớ giọng đọc Bát Nhã của ba; nhớ lời kinh Pháp Hoa mẹ tụng; nhớ tiếng chuông chùa nuôi dưỡng tâm con từ ấu thời. Chính những âm thanh, ngôn từ, cảm xúc, ý chí, tâm tư ấy, đẩy con xa khỏi vòng tay yêu thương của ba mẹ đến mấy mươi năm. Và trên bước viễn hành, con đường càng lúc càng mở rộng theo sự dìu dắt bởi các bậc thầy của con. Nhưng con không bao giờ quên rằng, ba mẹ chính là những vị thầy dẫn đạo ban đầu, đưa con vào lộ trình thênh thang của một thiên thần quét lá.

California, ngày 19 tháng 7 năm 2011

CÙNG TÁC GỈA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5888)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5848)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6860)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6515)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5520)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4560)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10117)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.