Những Mẫu Hình Mới Trong Tư Duy Khoa Học

31 Tháng Tám 201000:00(Xem: 12502)
NHỮNG MẪU HÌNH MỚI TRONG TƯ DUY KHOA HỌC

Bây giờ tôi xin phép trở lại sáu tiêu chuẩn về những mẫu hình tư duy mới trong tư duy khoa học.

Tiêu chuẩn thứ nhất nói đến mối quan hệ giữa cái riêng biệt và cái toàn thể. Trong mẫu hình khoa học có tính cơ khí cổ điển, người ta tin rằng sự vận động của mỗi hệ thống phức tạp có thể được hiểu thông qua tính chất của từng thành phần riêng biệt. Một khi ta biết các thành phần riêng biệt - tính chất cơ bản của chúng và cơ chế tương tác của chúng - ta có thể suy ra, ít nhất về mặt nguyên lý, sự vận động của cái toàn thể. Vì thế nguyên tắc là nhằm tìm hiểu mọi hệ thống phức tạp, ta phá vỡ nó ra từng mảnh nhỏ. Bản thân các mảnh này không được dùng để giải thích gì thêm, trừ phi ta lại bẻ nhỏ chúng ra những mảnh nhỏ hơn. Cứ tiếp tục mãi trong quá trình này, ta luôn luôn sẽ đến một chỗ dừng, đó là tại một nơi mà ta có những hạt cơ bản xây dựng nên hệ thống: những yếu tố, những chất liệu, những hạt, và vân vân - với những tính chất mà ta không giải thích được nữa. Từ những đơn vị cơ bản này với những qui luật căn bản hay sự tương tác của chúng, ta sẽ xây dựng lại một toàn thể to lớn và tìm cách giải thích sự vận động của nó bằng tính chất của các thành phần riêng biệt. Cách này đã khởi đầu với Democritus trong thời thượng cổ Hy Lạp; đó là tiến trình đã được thành hình với Descartes và Newton, và đó la cách nhìn khoa học được thừa nhận đến thế kỷ 20.

Trong mẫu hình mới, mối liên hệ giữa cái toàn thể và cái riêng biệt đối xứng hơn nhiều. Ta tin rằng, trong lúc tính chất của cái riêng biệt dĩ nhiên giúp cho sự hiểu biết về cái toàn thể, đồng thời tính chất của cái riêng biệt cũng chỉ có thể được hiểu hết thông qua sự vận động của cái toàn thể. Cái toàn thể là chủ đạo, và một khi ta hiểu sự vận hành của cái toàn thể thì ta có thể suy ra, ít nhất trên mặt nguyên tắc, tính chất và cấu trúc tương tác của các thành phần riêng biệt. Sự thay đổi này trong mối quan hệ giữa cái toàn thể và cái riêng biệt xảy ra trong khoa học trước hết trong ngành vật lý, khi thuyết lượng tử được phát triển. Trong những năm đó, nhà vật lý phát hiện ra với sự kinh ngạc lớn lao rằng họ không thể sử dụng khái niệm của một thành phần - thí dụ một nguyên tử hay một hạt - trong nghĩa cổ điển. Thành phần riêng biệt không còn được định nghĩa rõ ràng được nữa. Chúng cho thấy nhiều tính chất khác nhau, tùy theo khuôn khổ thí nghiệm khác nhau.

Dần dần, nhà vật lý nhận ra rằng, thiên nhiên, trong lĩnh vực nguyên tử, không xuất hiện như một vũ trụ cơ học gồm có các đơn vị xây dựng cơ bản, mà như một mạng lưới của các mối liên hệ và rằng, cuối cùng, chẳng có thành phần riêng tư nào cả trong mạng lưới liên hệ chằng chịt đó. Cái mà ta gọi là thành phần chỉ là cấu trúc có một sự ổn định nhất định và gây nơi ta sự chú ý. Heisenberg là người bị ấn tượng hết sức mạnh về mối quan hệ mới của cái toàn thể và cái riêng biệt, đến nỗi ông đặt tên cho tác phẩm tự thuật đời mình là Der Teil und das Ganze (Cái riêng biệt và cái toàn thể).

Sự thừa nhận của tính thống nhất và mối liên hệ qua lại của mọi sự vật và biến cố, sự chứng thực rằng mọi hiện tượng đều là dạng xuất hiện của một cái nhất cơ bản, đó cũng là đặc trưng chung quan trọng nhất của thế giới quan phương Đông. Người ta có thể nói đó là cái cốt tủy của mọi quan niệm đó. Tất cả mọi sự vật được xem là liên hệ chằng chịt với nhau, không tách rời nhau, và chúng đều là cấu trúc của một thể thực tại cuối cùng.

Tiêu chuẩn thứ hai của mẫu hình tư duy mới trong khoa học liên hệ tới sự thay đổi, thay quan niệm về cơ cấu bằng quan niệm về tiến trình. Trong mẫu hình cũ, người ta nghĩ rằng có những cấu trúc cơ bản, và rồi có lực và cơ chế thông qua đó mà lực tác động, rồi vì thế mà sinh ra tiến trình. Trong mẫu hình mới, ta nghĩ tiến trình là chủ đạo, mỗi một cấu trúc mà ta quan sát được đều là dạng xuất hiện của một tiến trình cơ bản.

Tư duy tiến trình này đi vào vật lý với thuyết tương đối của Einstein. Sự nhận thức khối lượng là một dạng của năng lượng đã loại bỏ khái niệm của một chất liệu vật chất ra khỏi khoa học, và với sự loại bỏ này, nó không còn là một cấu trúc cơ bản nữa. Các hạt hạ nguyên tử không phải do bất cứ vật chất nào tạo thành; tất cả chúng đều là cấu trúc của năng lượng. Thế nhưng, năng lượng luôn luôn được kết hợp với hoạt động, với tiến trình, và điều này dẫn đến thực tế là các hạt hạ nguyên tử đều tự nó là động. Khi quan sát chúng, không bao giờ ta thấy chất liệu nào cả, cũng không cấu trúc cơ bản nào cả. Điều ta thấy chỉ là cấu trúc động của sự biến hóa liên tục từ cái này qua cái khác - một điệu vũ liên tục của năng lượng.

Tư duy tiến trình cũng là đặc trưng chủ yếu của truyền thống đạo học phương Đông. Phần lớn các khái niệm, linh ảnh và huyền thoại của họ đều chứa thời gian và biến đổi như là yếu tố cốt tủy. Càng nghiên cứu kinh sách của Ấn Độ giáo, Phật giáo và Lão giáo, ta càng thấy rõ trong tất cả giáo pháp đó, thế giới được nhận thức trong sự vận động, trôi chảy, và biến đổi. Rõ ràng là hình ảnh của điệu múa vũ trụ của Shiva, trong đó mọi sắc thể đều liên tục hình thành và biến hoại, đã mở cho tôi cặp mắt để thấy những tương đồng giữa vật lý hiện đại và đạo học phương Đông.

Trong vật lý hiện đại, hình ảnh vũ trụ như một bộ máy đã được thay thế bằng một cái toàn thể liên hệ chằng chịt lẫn nhau, trong đó các thành phần riêng biệt chủ yếu phụ thuộc lẫn nhau và cần phải được hiểu như những câú trúc của một tiến trình vũ trụ. Nhằm định nghĩa một vật thể trong mạng lưới đầy những liên hệ này, ta cắt rời một số liên hệ đó - một cách khái niệm, cũng như xem nó có một cách vật lý với thiết bị đo lường của chúng ta - và với cách đó ta cô lập một số cấu trúc và xem chúng là vật thể. Nhiều quan sát viên có thể làm nhiều cách khác nhau. Thí dụ khi ta xác định một electron, ta có thể cắt vài mối liên hệ của nó với thế giới còn lại bằng cách sử dụng nhiều phương pháp quan sát khác nhau. Vì thế mà electron có thể xuất hiện như một hạt, và nó có thể xuất hiện như một sóng. Điều ta thấy tùy thuộc nơi ta nhìn nó như thế nào.

Heisenberg chính là người đã mang vai trò hệ trọng của quan sát viên vào trong vật lý lượng tử. Theo Heisenberg, ta không bao giờ có thể nói về thiên nhiên mà không đồng thời nói về chính ta. Và đó sẽ là tiêu chuẩn thứ ba của tôi trong mẫu hình tư duy mới của khoa học. Tôi nghĩ rằng điều này có giá trị cho mọi khoa học hiện đại, và tôi muốn gọi nó là sự biến đổi từ khoa học khách quan qua khoa học bị nhận thức chi phối. Trong mẫu hình cũ, mô tả khoa học được cho là khách quan, tức là, độc lập với người quan sát và với quá trình nhận thức. Trong mẫu hình mới, ta tin rằng Epistemology - tức là khoa học về quá trình nhận thức - phải được đưa hẳn vào trong sự mô tả hiện tượng thiên nhiên. Tại điểm này chưa có một sự đồng thuận trong giới khoa học thế nào là Epistemology đúng nghĩa, nhưng có một sự đồng ý chung là Epistemology phải là một phần hội nhập trong mọi lý thuyết khoa học.

Ý niệm cho rằng tiến trình của nhận thức phải là một phần khăng khít của con người về thực tại thì mỗi học trò của đạo học đều biết rõ. 

Nhận thức tâm linh không bao giờ được đạt tới bằng loại quan sát khách quan, cách ly; luôn luôn nó đòi hỏi sự tham gia hoàn toàn của toàn bộ hành giả. Thực tế là, đạo học đi xa hơn nhiều so với quan điểm của Heisenberg. Trong vật lý lượng tử, người quan sát và vật bị quan sát không thể chia cắt, nhưng hai cái đó tiếp tục bị phân biệt. Còn đạo học, trong sự thiền định sâu xa thì sự phân biệt giữa người quan sát và vật bị quan sát hoàn toàn xóa nhòa, trong đó người và vật hòa nhập làm một.

Tiêu chuẩn thứ tư của mẫu hình tư duy mới, có thể là sâu sắc nhất trong tất cả và là khó chấp nhận nhất đối với nhà khoa học. Nó liên quan đến hình dung xưa cũ về nhận thức, xem nhận thức là một tòa kiến trúc. Nhà khoa học hay nói về những định luật căn bản, hay nói về nền tảng, hay cơ sở của một tòa kiến trúc của nhận thức. Kiến thức phải được xây dựng trên nền tảng vững vàng; có những hạt chất liệu cơ bản của vật chất; có những phương trình cơ bản, những hằng số cơ bản, những nguyên lý cơ bản. Hình tượng nhận thức là một toà kiến trúc với một nền tảng chắc chắn đã được sử dụng suốt trong nền khoa học và triết lý phương Tây từ mấy ngàn năm nay.

Tuy thế, nền tảng của nhận thức khoa học, không phải luôn luôn vững chắc. Chúng liên tục bị dời đổi và nhiều lần đã hoàn toàn bị đảo lộn. Bất cứ lúc nào mà một cuộc cách mạng khoa học quan trọng xảy ra, người ta đều cảm thấy nền tảng khoa học bị lay chuyển. Như Descartes viết trong tác phẩm nổi tiếng Discourse on Method (Thảo kuận về phương pháp) trong thời đại của ông: “Tôi nhận thấy rằng chẳng có gì chắc chắn để có thể xây dựng trên đó với nền tảng cứ bị thay đổi luôn thế này”. Sau đó Descartes đã xây dựng nên một nền khoa học mới trên nền tảng chắc chắn, nhưng ba trăm năm sau, Einstein trong tác phẩm tự thuật đời mình, đã viết những dòng sau đây về phát triển của vật lý lượng tử: “Hầu như đất dưới chân tôi bị sụt lở, không ở đâu còn thấy một nền tảng vững chắc nữa, mà trên đó người ta có thể xây dựng một điều gì”.

Lặp đi lặp lại suốt cả lịch sử khoa học, ta luôn luôn thấy nền tảng của nhận thức bị dời đổi, thậm chí bị nghiền nát. Mẫu hình này lại cho khoa học nhớ tới cảm giác như thế, nhưng có thể lần này là lần cuối; không phải là vì không có tiến bộ hay không có thay đổi nữa, mà vì sẽ không có nền tảng nào cả trong tương lai. Có lẽ chúng ta sẽ không thấy cần thiết, trong khoa học tương lai, phải xây dựng nhận thức của mình trên một nền tảng chắc chắn, và ta có thể thay thế hình ảnh của một tòa kiến trúc bằng hình ảnh của một mạng lưới. Cũng chính vì nếu nhìn thực tại quanh ta như một mạng lưới đầy mối liên hệ, thì sự mô tả - hay khái niệm, mô hình, lý thuyết - của ta cũng tạo thành một mạng lưới trình bày các hiện tượng được quan sát. Trong một mạng lưới như thế, không có cái gì là chủ yếu hay thứ yếu, và không có cái gì là cơ bản cả.

Hình ảnh mới về nhận thức như một mạng lưới, vắng bóng nền tảng là hết sức khó chịu đối với nhà khoa học. Nó được Geoffrey Chew là người đầu tiên nêu ra cách đây ba mươi năm trong thuyết Bootstrap (Dung thông) về hạt.

Theo thuyết Dung thông, thiên nhiên không thể được qui lại trên vài đơn vị cơ bản, như những hạt cơ bản vật chất, mà nó phải được hiểu một cách toàn bộ thông qua sự tự dung thông, sự tự tương thích. Sự vật hiện hữu thông qua mối liên hệ tương thích lẫn nhau giữa chúng, và tất cả mọi ngành vật lý chỉ việc tuân thủ đòi hỏi rằng mọi yếu tố phải tương thích lẫn nhau và với chính bản thân chúng.

Suốt ba mươi năm qua, cùng với các cộng sự, Chew đã sử dụng cách tiếp cận Dung thông để đề ra một lý thuyết phù hợp về hạt hạ nguyên tử, cùng với một triết lý chung về thiên nhiên. Triết lý Dung thông này không những khước từ ý niệm về hạt vật chất cơ bản, mà còn không chấp nhận bất cứ đơn vị gì là cơ bản - không có hằng số cơ bản, định luật hay phương trình. Vũ trụ vật chất chỉ được xem là một mạng lưới động gồm các biến cố tác động lên nhau. Không có tính chất nào của bất cứ thành phần riêng biệt nào của mạng lưới là cơ bản; tất cả chúng đều tuân thủ các tính chất của toàn thể các thành phần khác, và sự dung thông ăn khớp toàn bộ của những mối liên hệ chằng chịt của chúng là nhân tố xác định cấu trúc của toàn mạng lưới.

Theo ý kiến tôi, việc triết lý Dung thông không chấp nhận đơn vị cơ bản nào biến nó thành một trong những hệ thống sâu sắc của tư tưởng phương Tây. Đồng thời, nó xa lạ với truyền thống tư duy khoa học của ta, nên nó ít được các nhà vật lý chấp nhận. Tuy thế, sự từ chối chấp nhận đơn vị cơ bản thật ra là rất chung trong tư tưởng phương Đông, đặc biệt trong Phật giáo. Thật sự là sự tương phản giữa nhà Cơ bản và nhà Dung thông trong ngành vật lý hạt cũng song hành như sự tương phản giữa tư tưởng đang ngự trị tại phương Tây và phương Đông. Việc qui thiên nhiên về lại trên các đơn vị cơ sở chủ yếu là dựa trên cách tiếp cận tư tưởng của Hy lạp, nó sinh ra trong triết lý Hy Lạp với tính nhị nguyên của vật chất và tinh thần.Còn cái nhìn vũ trụ như là một mạng lưới đầy liên hệ, vắng bống đơn vị cơ sở, là đặc trưng của tư tưởng phương Đông. Người ta tìm thấy sự phát biểu rõ rệt nhất và luận giải rộng rãi nhất trong Đại thừa Phật giáo, và hồi tôi viết Đạo của vật lý, tôi đã đưa liên hệ mật thiết giữa vật lý Dung thông và triết lý đạo Phật lên đỉnh cao và chung quyết của chúng.

Tiêu chuẩn thứ tư cho mẫu hình tư duy mới mà tôi trình bày đến nay là nói tất cả mọi sự đều liên hệ chằng chịt lẫn nhau. Thiên nhiên được xem là một mạng lưới động gồm toàn liên hệ móc nối với nhau, nó chứa luôn cả người quan sát, như thành phần nội tại. Mỗi thành phần riêng biệt của mạng lưới này đều chỉ là những cấu trúc tương đối ổn định. Tương tự như thế, hiện tượng thiên nhiên được mô tả bằng một loạt những khái niệm, trong đó không thành phần nào là cơ bản hơn thành phần nào.

Khuôn khổ nhận thức mới này lập tức sinh ra nhiều câu hỏi. Nếu mỗi sự đều liên hệ đến mọi sự thì làm sao ta có hy vọng hiểu được sự vật? Vì rốt cuộc mọi hiện tượng thiên nhiên đều liên hệ lẫn nhau, muốn lý giải mỗi một sự, ta cần hiểu tất cả mọi sự khác, rõ ràng là điều không thể có. Điều làm cho lý thuyết Dung thông hay lý thuyết mạng lưới trở về một lý thuyết khoa học, là biến nó thành một phương cách nhận thức gần đúng. Nếu ta chấp nhận một sự nhận thức gần đúng về thiên nhiên, ta có thể mô tả một nhóm hiện tượng nhất định và bỏ qua một số hiện tượng khác ít quan trọng. Thế nên ta có thể giải thích nhiều hiện tượng bằng một ít hiện tượng khác và hệ quả là hiểu đó là những khía cạnh khác nhau của thiên nhiên trong cách gần đúng, không nhất thiết phải hiểu mọi sự tức khắc.

Quan niệm này là then chốt của tất cả mọi khoa học và đại diện tiêu chuẩn thứ năm của tôi: sự chuyển dịch từ mô tả chính xác qua mô tả gần đúng. Mẫu hình Cartesian được đặt trên lòng tin nơi tính chính xác của nhận thức khoa học, điều này đã được Descartes phát biểu. Trong mẫu hình mới, ta nhận định rằng tất cả mọi lý thuyết và phương thức khoa học đều hạn chế và chỉ là gần đúng. Khoa học không bao giờ cung cấp sự hiểu ngộ toàn triệt và dứt khoát cả. Nhà khoa học không làm việc với sự thực ( hiểu theo nghĩa của mối liên hệ chính xác giữa sự mô tả và hiện tượng được mô tả); họ chỉ làm việc với sự mô tả thực tại hạn chế và gần đúng. Phát biểu đẹp nhất cho tiêu chuẩn này mà tôi tìm thấy là của Louis Pasteur: “Khoa học tiến lên bằng các câu trả lời cho một loạt các câu hỏi ngày càng tinh tế, chúng đạt ngày càng sâu sắc đến cốt tủy của hiện tượng thiên nhiên

Một lần nữa, thật thú vị khi so sánh thái độ của khoa học hiện đại với thái độ của đạo học và ở đây, ta thấy một trong những khác biệt nổi bật giữa khoa học và đạo học. Nói chung đạo học không quan tâm đến nhận thức gần đúng. Họ quan tâm đến nhận thức tuyệt đối để hiểu về tính toàn thể của sự hiện hữu. Biết rõ mối liên hệ then chốt của mọi khía cạnh trong vũ trụ, họ thấy rằng muốn lý giải một thứ thì rốt cuộc phải chỉ ra nó liên hệ với mọi cái khác như thế nào. Vì điều đó không thể, thường nhà đạo học chỉ quả quyết rằng không sự vật riêng lẻ nào có thể giải thích trọn vẹn. Phần đông họ không lý giải sự vật mà coi trọng sự thực chứng trực tiếp, phi suy luận về tính nhất thể của vạn sự.

Cuối cùng, tiêu chuẩn cuối của tôi, không nói lên một quan sát mà là một biện hộ. Tôi tin rằng, trước sự đe dọa của thảm họa hạt nhân và sự tàn phá môi trường, con người chỉ có thể sống còn nếu ta biết thay đổi một cách triệt để phương pháp và giá trị làm nền tảng cho khoa học và kỹ thuật của chúng ta.Với tiêu chuẩn cuối này tôi muốn biện hộ cho việc dời chuyển từ thái độ ngự trị và kiểm soát thiên nhiên, trong đó có con người, đến một thái độ hợp tác và bất bạo động.

Khoa học kỹ thuật của chúng ta dựa trên lòng tin rằng hiểu được thiên nhiên tức là thiên nhiên bị đàn ông ngự trị. Tôi dùng chữ đàn ông ở đây có mục đích, vì tôi đang nói tới một mối liên hệ rất quan trọng giữa thế giới quan cơ học trong khoa học và hệ thống giá trị gia trưởng, của khuynh hướng nam tính muốn điều khiển mọi thứ. Trong lịch sử của khoa học và triết học phương Tây, mối liên hệ này thân thiện với Francis Bacon, vào thế kỷ 17, là người đã biện hộ cho phương pháp của khoa học thực nghiệm, bằng những từ say sưa hằn học. Thiên nhiên phải bị “săn lùng khi nó biến đổi”, Bacon viết, “bị trói vào việc phục dịch” và biến thành nô lệ”. Nó phải bị “chèn ép” và mục đích của nhà khoa học là “tra cho ra những bí ẩn của nó”. Hình ảnh kinh hoàng khi thiên nhiên phải bị tra tìm cho ra bằng các phương tiện cơ giới thật hết sức giống như sự tra tấn phụ nữ của tòa án vào thế kỷ 17, điều này rất quen thuộc với Bacon, ông là Tổng công tố viên của vua James I. ở đây, ta thấy mối liên hệ then chốt và đáng sợ giữa khoa học cơ giới và giá trị gia trưởng,nó cũng có tác động to lớn lên những phát triển sau đó của khoa học và kỹ thuật.

Trong thời kỳ trước thế kỷ 17, mục đích của khoa học là sự minh triết, sự tìm hiểu qui luật thiên nhiên, và hòa điệu với nó. Đến thế kỷ 17, thái độ sinh thái này đã biến thành ngược lại. Kể từ lúc Bacon xem mục đích khoa học là để chế ngự và điều khiển thiên nhiên, ngày nay cả khoa học lẫn kỹ thuật đều chủ yếu được dùng để phục vụ những mục đích nguy hiểm, tai hại và chống sinh thái.

Sự thay đổi thế giới quan đang diễn ra sẽ chứa đựng một sự thay đổi sâu sắc về giá trị; thực tế là sự thay đổi từ tâm can - từ ý định ngự trị và điều khiển thiên nhiên đến một thái độ hợp tác và bất bạo động. Thái độ như thế có tính sinh thái sâu xa và không hề đáng ngạc nhiên, đó cũng là thái độ đặc trưng của các truyền thống tâm linh.Các nhà minh triết ngày xưa của Trung quốc đã diễn tả điều này thật tuyệt vời: “Ai thuận theo lẽ trời, kẻ đó hoà mình trong dòng chảy của Đạo”.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn