Liên Trì Đại Sư

16 Tháng Mười Hai 201000:00(Xem: 18169)

QUÊ HƯƠNG CỰC LẠC

Việt Dịch: HT Thích Thiền Tâm
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản

Liên Trì Đại Sư

(Đại sư là vị tổ thứ tám trong Liên Tông, húy Châu Hoằng, họ Trầm, người ở đất Nhân Hòa. Lúc ban sơ, ngài nương theo Tánh Thiên Hòa Thượng xuất gia, sau khi thọ đại giới, lại đi khắp nơi tham học với các bậc tri thức. Khi Đại sư lễ thánh tích ở non Ngũ Đài, cảm đức Văn Thù phóng quang. Đi đến núi Vân Thê, thấy cảnh trí u tịch, ngài có ý muốn ở đó suốt đời. Dân chúng ở vùng núi ấy thường bị khổ vì nạn hổ, đại sư tụng kinh thí thực hổ đều lẩn tránh. Gặp năm trời hạn, ngài đi dọc theo bờ ruộng niệm Phật, gót chân đi đến đâu, mưa rơi đến đó. Từ ấy, người qui hướng càng ngày càng đông, đại sư đều dùng môn niệm Phật mà nhiếp hóa. Ngài có trứ tác pho Vân Thê pháp vựng, gồm hai mươi mấy thứ sách, đại khái đều đề xướng về Tịnh Độ. Trước khi lâm chung, đại sư từ giã khắp các đệ tử và hàng cố cựu, khuyên chân thật niệm Phật. Đến kỳ hạn, ngài ngồi niệm Phật mà hóa, thọ 81 tuổi. 

Đại sư nói: “Niệm Phật có mặc trì, cao thinh trì, kim cang trì. Nhưng niệm thầm (mặc trì) thì dễ hôn trầm, niệm lớn tiếng (cao thinh trì) cảm thấy phí sức, duy dùng pháp kim cang trì, se sẻ động môi lưỡi mà niệm, là có thể bền lâu. Nhưng cũng không nên chấp định, hoặc khi niệm theo lối kim cang trì thấy phí sức, thì không ngại gì mặc trì, nếu hôn trầm lại đổi dùng phép cao thinh. Tâm hôn loạn đã lâu, không thể một lúc mà an định được, cho nên người niệm Phật nếu tâm không thanh tịnh đừng qúa vội lo, chỉ cần khi niệm mỗi chữ mỗi câu đều do nơi tâm phát ra, dụng công bền lâu, tự có hiệu qủa. 

Tạp niệm là bịnh, niệm Phật là thuốc, niệm Phật chính để trị tạp niệm, mà không thấy hiệu qủa, là do dụng công chưa được chơn thiết. Cho nên khi tạp niệm nổi lên, phải chuyên lòng gia công niệm, mỗi chữ mỗi câu tinh nhất không xao lãng, thì tạp niệm tự dứt. Trong lúc muôn niệm rối ren, chính là thời khắc dụng công phu, mỗi khi tán loạn liền mau thâu nhiếp lại cứ như thế mãi, lâu ngày công phu thuần thục, tụ nhiên vọng niệm không sanh. Vả lại, người biết được vọng niệm nhiều, là do nhờ niệm Phật; lúc không niệm, vọng tâm như sóng nổi nước trào không giây phút nào dừng nghỉ, khi ấy đâu có tự biết được ư? 

Người học Phật, đừng qúa theo hình thức bên ngoài, chỉ qúi tu hành chân thật. Hàng cư sĩ tại gia không cần phải cạo tóc mặc đồ dà, tự có thể để tóc mặc áo tràng mà niệm Phật. Người ưa thích thanh vắng, không cần phải đánh chuông đánh mõ, tự có thể yên lặng mà niệm Phật. Người sợ công việc phiền phức, không cần kết bè lập hội, tự có thể đóng cửa mà niệm Phật. Người biết chữ, không nhất định phải vào chùa nghe kinh, tự có thể xem kinh y theo lời dạy trong ấy mà niệm Phật. Trải qua ngàn dặm đi hành hương ở các danh sơn, không bằng ngồi yên nơi nhà mà niệm Phật.

Cúng dường những vị sư không chân chánh, không bằng hiếu thuận cha mẹ mà niệm Phật. Giao du với nhiều bạn bè kém đạo đức, không bằng kẻ dốt nát chuyên niệm Phật. Hạnh thấp mà vọng nói đạo lý cao sâu, không bằng kẻ chất phác giữ giới niệm Phật. Tánh háo kỳ, ưa cầu sự linh thông của ma qủi, không bằng chánh tín nhân qủa mà niệm Phật. Nói tóm lại, người niệm Phật giữ lòng ngay, dứt hạnh ác, gọi là thiện nhân. Người niệm Phật tỏ tâm tánh, dứt hoặc nghiệp, gọi là thánh nhân. 

Xin khuyên những người rất thanh nhàn, việc gia đình con cái đã lo xong, dưới trên rỗi rảnh, nên đem hết tâm lực mà niệm Phật, mỗi ngày từ số ngàn đến muôn câu. Xin khuyên những người duyên đời bận buộc qúa nhiều, nhọc nhằn vì việc công, bôn ba vì gia sự, tuy ít khi rỗi rảnh nhưng mỗi buổi sớm mai cố gắng nhín chút thời giờ, niệm Phật chừng mười hơi, ngoài ra lúc nào rảnh, niệm xen vào trăm câu. 

Lúc ta còn đi tham phương học đạo, nghe Biện Dung thiền sư tông phong rất thạnh, bèn đến nơi cầu pháp, đôi ba phen qùy lại thưa hỏi, thiền sư bảo: “Ngươi nên giữ bổn phận, không nên tham cầu danh lợi, đừng chạy theo duyên ngoài, chỉ cần phân minh lý nhân qủa, một lòng chuyên niệm Phật mà thôi”. Ta liền lãnh giáo lui ra. Bấy giờ các bạn đồng hành đều cả cười, bảo: “Từ ngàn dặm đến đây, chỉ mong được nghe những lời cao siêu thâm diệu, té ra chỉ lãnh mấy câu không đáng nửa đồng tiền! Giá mấy câu ấy, ai nói không được!. Ta đáp: “Đó mới là chỗ tốt của thiền sư. Chúng ta khát ngưỡng mong mến từ ngàn dậm đến đây, ngài không nói lời chi huyền diệu để lấn lướt kẻ dưới, chỉ chất phát thật thà, đem chỗ công phu thiết cận song tinh yếu, chính mình đã thể nhận, mà khuyên bảo dặn dò. Cái hay của ngài chính ở nơi đó”. Đến nay ta vẫn còn tuân giữ mấy lời ấy, không dám quên lãng.

Lời phụ: “Giữ bổn phận, không tham danh lợi, không theo duyên ngoài, rõ lý nhân qủa, chuyên niệm Phật.”. Lời này xem như cạn cợt tầm thường, xong thật rất cao sâu, mầu nhiệm, tuy là giản dị, song bao quát kinh nghĩa, gom thành chỗ tinh yếu của một đời tu. Giữ đúng theo đây, xét kỹ lại, đã có mấy ai làm được? Cho nên kẻ nông cạn tất xem thường lời nói này; người ưa nói lý huyền, xem mình là cao siêu vô ngại, quyết không làm đúng được như lời này. Nếu chẳng phải bậc đã từng kinh nghiệm như ngài Biện Dung, không thể thốt ra được lời này; và nếu chẳng phải bậc chân tu như ngài Liên Trì cũng không thể lãnh thọ được lời này.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 10642)
Kinh tạng còn ghi lại khá nhiều trường hợp Đức Phật đích thân trợ niệm hoặc dạy các đệ tử đi trợ niệm cho người bệnh hoặc người sắp lâm chung.
23 Tháng Năm 2015(Xem: 7917)
Có một pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là Niệm Phật.
17 Tháng Năm 2015(Xem: 10699)
Người Niệm Phật phải dấy tâm chí sâu xa mà cảm mộ ân đức của Tam Bảo, tưởng nhớ công lao của cha mẹ, thiện tri thức và của hết thảy chúng sanh.v.v... Nhờ vậy mà từ bi dần dần nẩy nở, ngọn lửa trí tuệ từ từ bừng cháy, môn tu niệm Phật mới dễ dàng thành tựu.
06 Tháng Năm 2015(Xem: 11150)
Có quan niệm cho rằng, người tu pháp môn Tịnh độ mà đọc tụng, nghiên cứu kinh điển, học tập giáo pháp ngoài các kinh Tịnh độ, và hành thiện tu phước (làm các việc cúng dường, bố thí-từ thiện) là tạp tu; chỉ niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà là đủ, đó gọi là chuyên tu.
25 Tháng Tư 2015(Xem: 41781)
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”, hiện tại vẫn là Phật. Chẳng qua hiện tại, bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên biến thành như vầy. Nếu buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn cùng Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật Như Lai, Tỳ Lô Giá Na Phật,… không hề khác nhau
25 Tháng Tư 2015(Xem: 8547)
A Di Đà Phật vốn là Chân tâm, Tự tánh của mình, nếu mình không chăm lo tu hành, niệm Phật để quay trở về với Tự Tánh Di Đà của chính mình thì làm sao thấy được Tịnh độ.
03 Tháng Tư 2015(Xem: 11108)
Giữa phá giới và phá chấp luôn có mối liên hệ mật thiết. Phá chấp lúc công phu hành trì chưa nhuần nhuyễn sẽ khiến người tu phá giới; từ đó dễ chừng phá kiến, lạc luôn vào đường tà.
11 Tháng Hai 2015(Xem: 6172)
Những người như chúng ta là không thành thật, cho nên ta không thể thành tựu. Người thành thật thì quyết định có thành tựu, vì người thành thật không có tạp niệm, người thành thật không có phân biệt chấp trước, cho nên tâm của họ là thanh tịnh. Tâm của chúng ta không thanh tịnh, tại vì sao không thanh tịnh? Vì chúng ta có phân biệt, có chấp trước, nên tâm của chúng ta không thanh tịnh.
29 Tháng Giêng 2015(Xem: 5266)