Pháp quán tưởng đơn giản về bài cầu nguyện bảy dòng

12 Tháng Chín 201621:00(Xem: 4572)

PHÁP QUÁN TƯỞNG ĐƠN GIẢN VỀ
BÀI CẦU NGUYỆN BẢY DÒNG
Dodrupchen Rinpoche Jigme Tenpai Nyima[1] soạn 
Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

 

blankKính lễ Đạo sư!

Đây là một pháp quán tưởng vô cùng ngắn gọn và đơn giản để trì tụng Bài Cầu Nguyện Bảy Dòng tới Đạo Sư Tôn Quý Xứ Oddiyana.

Hãy sắp xếp bất kỳ vật phẩm cúng dường nào mà con có trước một bức tượng của Guru Rinpoche hay các vật đại diện khác của ba kiểu[2]. Tiếp đó, hướng về phía Tây Nam, hãy nhất tâm trì tụng lời cầu nguyện một cách du dương, như những dòng sau đây trong Lời Nguyện Bảy Chương:

Với giai điệu thiết tha, mong mỏi như đứa con gọi cha mẹ, Bằng âm thanh dịu ngọt như tiếng đàn ghi-ta hay tiếng sáo – Hãy cầu nguyện như vậy sáu lần trong suốt ngày đêm!

Bây giờ, hãy cùng xem xét từng từ trong Bài Cầu Nguyện Bảy Dòng và giải thích chúng một cách đơn giản:

HUM ở đây là lời mở đầu, một tiếng thỉnh cầu.

Lời cầu nguyện tiếp tục như sau:

Ở phía Tây Bắc xứ Oddiyana, trên hòn đảo ở giữa hồ Dhanakosa rộng lớn, ngài sinh ra một cách diệu kỳ ở giữa bông sen vĩ đại. Lúc ngài chào đời, vô số sự kiện vi diệu xuất hiện chẳng hạn chư Phật ban quán đỉnh, chư Không Hành Nữ dâng tặng những phẩm vật và lời tán thán. Bởi ngài là Vô Lượng Quang Phật về tinh túy, trong quá khứ ngài đã làm chủ sự thành tựu tối thắng, nhưng khi hóa hiện trong Ứng Hóa thân thuộc Liên Hoa Bộ để điều phục học trò trên khắp cõi Nam Thiệm Bộ Châu này và bởi ngài sinh ra từ một bông sen, ngài nổi tiếng ở khắp cõi giới của chư Không Hành Nam và Nữ là ‘Liên Hoa Sinh’. Ban đầu, ở Ấn Độ, ngài làm lợi lạc vô số đệ tử, bao gồm những vị vua như Indrabodhi, các hành giả du già [Yogi] như Đấng Dampa Sangye cùng những tín nữ cao quý như Công chúa Mandarava. Kế đó, ở Tây Tạng, ngài thiết lập giáo lý của Đức Phật một cách trọn vẹn, đưa vô số môn đồ nhân và phi nhân đến sự chín muồi và giải thoát. Để xoa dịu rủi ro của thời suy đồi, ngài chôn giấu hàng triệu kho tàng – nhiều vô số kể. Cuối cùng, ở Dravira, nhờ thần thông diệu kỳ và những chỉ dẫn, ngài trói buộc tramen bằng lời thề và nỗ lực vì hạnh phúc của loài người, trước khi xuất hiện ở cõi Tịnh Độ phi thường trên Núi Huy Hoàng Màu Đồng, giữa hồ nước lớn ở trung tâm Camara, hòn đảo của loài La-sát. Ở đó, trong cung điện Liên Hoa Quang tráng lệ, vây quanh bởi nhiều Không Hành trí tuệ và thế gian – cả nam và nữ – ngài an trụ cho tới ngày nay trong thân kim cương vượt sinh tử và chẳng hề suy giảm.

Quán chiếu những phẩm tính tuyệt hảo này một cách chi tiết, tâm thức chúng ta chắc chắn sẽ tràn ngập niềm tin và lòng sùng mộ.

Sau đó, lời cầu nguyện tiếp tục:

Con sẽ nương theo dấu chân ngài, hỡi Guru Rinpoche và thậm chí nếu con chẳng thể thực hành con đường cao cấp của giai đoạn phát triển và hoàn thiện, con vẫn nhất tâm cầu nguyện với lòng sùng mộ chí thành. Mặc dù thân ngài ở cõi La-sát, lòng bi mẫn của ngài chẳng bị ngăn che và trí tuệ của ngài thì không chướng cản, vì thế xin hãy đến đây, ngay lúc này, nhờ sức thần thông vi diệu nhanh như ý niệm. Hãy ban phước gia trì để ở đây và ngay bây giờ, chính giây phút này, mọi loại bệnh tật, sức mạnh ngăn cản, các hành động nguy hại và che chướng, thứ ảnh hưởng đến thân, khẩu và ý của chúng con, và mọi thứ ngăn cách chúng con với các cõi giới cao đầy vẻ nguy nga và sự tốt lành tối thượng, đều được an dịu và chúng con tự nhiên đạt được mọi thuận duyên, trường thọ, công đức, thịnh vượng và mọi phẩm tính của sự trao truyền kinh văn và chứng ngộ.

Hãy thành kính cầu nguyện, khẩn cầu lòng bi mẫn của bậc thầy và thỉnh mời ngài đến hoàn thành mong ước của con.

Điều tiếp theo giống như một sự tóm tắt lại lời cầu nguyện. Bởi ngài sở hữu vô số phẩm tính vô song, ‘Guru’ được nhắc đến ở đây là vị có những phẩm tính đặc biệt của một bậc thầy. Như một dấu hiệu cho thấy ngài thuộc về Liên Hoa Bộ và sinh ra từ hoa sen, chúng ta cất tiếng ‘Padma’ và cầu nguyện: ‘Xin ngài ban cho con mọi Siddhi [thành tựu] thông thường và siêu việt, HUM!’. Con có thể trì tụng thần chú này hàng nghìn lần trong mỗi thời công phu, một cách thanh tịnh và rõ ràng, không trộn lẫn với những lời nói bình phàm.

Bởi thậm chí hiện nay, Orgyen Rinpoche vẫn ngự trên Núi Huy Hoàng Màu Đồng, khi chúng ta xem ngài là ruộng phước đức, chẳng cần phải kết thúc thời khóa bằng việc hóa tán quán tưởng. Lúc kết thúc, hãy trì tụng Lời Cầu Nguyện Mong Ước Nhanh Chóng Thành Tựu (sampa nyurdrup) và hồi hướng công đức.

Những lợi lạc từ việc hành trì như vậy được miêu tả trong chính bản văn kho tàng:

Học trò nào của Ta cầu nguyện như vậy,

Chẳng nghi ngờ gì, họ sẽ được Ta bảo vệ,

Bởi họ là những thiện nam, tín nữ của chư Phật ba đời.

Chúng ta có thể tin tưởng về điều này bởi Đại Sư chẳng bao giờ lừa dối và điều quan trọng là thực hành với không mảy may nghi ngờ trong tâm.

Matibhadra đã viết lại những lời của Đức Tenpe Nyima như một sự nhắc nhở cho Sonam Palden.

Adam Pearcey chuyển dịch Anh ngữ.

Nguyên tác: A Simple Visualization for the Seven Line Prayer by Dodrupchen Jigme Tenpai Nyima.

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

Mọi sai sót là lỗi của người dịch, xin thành tâm sám hối trước Tam Bảo, Tam Gốc.

Mọi công đức có được xin hồi hướng hết thảy hữu tình chúng sinh, nguyện đồng thành Phật đạo.



[1] Dodrupchen Rinpoche Jigme Tenpai Nyima (1865-1926) là vị Dodrupchen thứ 3, một trong những đạo sư Tây Tạng xuất sắc nhất thời đó và là thầy của rất nhiều vị Lama vĩ đại, bao gồm cả Đức Jamyang Khyentse Chokyi Lodro. Ngài được Đức Dalai Lama vô cùng kính trọng, người thường gọi Ngài là “học giả vĩ đại và Yogi xuất chúng”. Các trước tác của Ngài là một trong những nguồn chính yếu mà Đức Dalai Lama sử dụng trong việc nghiên cứu Đại Viên Mãn và Đức Dalai Lama thường rất hay trích dẫn giáo lý của Dodrupchen Rinpoche.

[2] Những đại diện của thân, khẩu và ý giác ngộ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Năm 2015(Xem: 5129)
12 Tháng Năm 2015(Xem: 8780)
Để làm cuộc đời ta đầy ý nghĩa, ta cần một thực hành tâm linh. Trước hết, tôi sẽ đưa ra lời khuyên cho những ai không theo bất kỳ con đường tâm linh nào, sau đó cho những người đang ở trên con đường tu tập.
05 Tháng Năm 2015(Xem: 8649)
Trong Phật giáo Mật tông Tây tạng có nhiều pháp môn tu tập để đưa hành giả đến Tự chứng ngộ Phật tánh của mình. Được xếp hàng cao nhất trong tất cả các pháp môn đó là Đại Thủ Ấn (Mahāmudrā) của phái Khẩu Truyền (Kargyu) và Đại Hoàn Thiện (Dzogchen hay Ati-yoga) của phái Cổ Mật (Nyingma).
02 Tháng Năm 2015(Xem: 11340)
Giới là một hình thức vi tế không thấy trong sự tương tục tinh thần, là thứ hình thành thái độ. Một cách đặc biệt, nó là một sự kềm chế khỏi "một hành vi lỗi lầm", hoặc là một thứ tiêu cực một cách tự nhiên hay một việc mà Đức Phật ngăn cấm cho những cá nhân đặc thù đang tu tập để đạt đến những mục tiêu đặc biệt.
22 Tháng Tư 2015(Xem: 5528)
Pháp Luyện Tâm, hay lojong (blo sbyong), theo nguyên văn có nghĩa là “luyện tập hay tịnh hóa tâm”. Nó đề cập đến các pháp thiền quán mà ta áp dụng để tịnh hóa tâm, cũng như loại sách diễn tả những pháp tu này.
05 Tháng Tư 2015(Xem: 6097)
Mật thừa, theo ngài Tsong Khapa, là đạo lộ dành cho những hành giả có căn tánh Đại thừa thù thắng, do lòng đại bi muốn mau lẹ thành Phật độ thoát chúng sanh nên phát tâm dấn thân vào đạo lộ tu tập phương tiện viên mãn thâm sâu này. Dòng truyền thừa Mật pháp được truyền từ Ấn độ đến Nepal, Tây tạng, Trung quốc, rồi từ những quốc gia này kiện toàn thành những tông phái và truyền sang các quốc gia khác như Đại hàn, Mông cổ, Nhật bản, Việt nam, v.v…
04 Tháng Tư 2015(Xem: 7699)
Thượng sư Tsong Khapa, trong cuộc đời hoằng pháp, đã sáng tác nhiều tác phẩm rất giá trị, thế nhưng trong tất cả những sáng tác đó, chỉ có hai tác phẩm tiêu biểu được xem là vĩ đại nhất:
01 Tháng Tư 2015(Xem: 5682)
Ngài Tịch Thiên (Shantideva) là một trong những vị luận sư lỗi lạc nhất của thời kỳ sau trong quá trình phát triển tông phái Đại thừa, tác giả của bộ luận quan trọng là Nhập Bồ-tát hạnh.