Cuộc Đời Đức Chokgyur Lingpa

01 Tháng Mười Hai 201812:04(Xem: 5902)

CUỘC ĐỜI ĐỨC CHOKGYUR LINGPA
Orgyen Tobgyal Rinpoche[1] kể
Tulku Jigmey Khyentse và Erik Pema Kunsang chuyển dịch Anh ngữ
Pema Jyana (Liên Hoa Trí) chuyển dịch Việt ngữ

 

MỘT TIỂU SỬ VẮN TẮT

Chokgyur LingpaGiáo Pháp được giới thiệu lần đầu tiên đến Tây Tạng bởi Vua Lha Totori, sau đấy được thiết lập mạnh mẽ hơn trong triều đại của Vua Songtsen Gampo. Kế đó, Vua Trisong Deutsen đã làm lợi lạc Tây Tạng một cách lớn lao bằng cách thỉnh mời nhiều đạo sư vĩ đại, chẳng hạn Guru Rinpoche [Đạo sư Liên Hoa Sinh], Vimalamitra [Tôn giả Vô Cấu Hữu] và những vị khác, để Giáo Pháp được hoằng dương rộng khắp.

Vua Trisong Deutsen có ba người con trai. Vị thứ hai, Lhasey Lotsawa, cũng được biết đến là Murub Tsenpo, sau đó đã tái sinh mười ba lần làm Terton. Terton vĩ đại – Terchen Chokgyur Lingpa là vị cuối cùng trong những hóa thân này.

Đức Chokgyur Lingpa sinh ở Nangchen, một tỉnh của Kham thuộc miền Đông Tây Tạng. Họ của Ngài là Kyasu. Cha của Ngài là ông Pema Wangchuk và mẹ của Ngài là bà Tsering Yangtso. Sinh vào năm Sửu[2], các dấu hiệu cát tường chắc chắn đã xuất hiện vào thời điểm Ngài chào đời, nhưng không điều gì được tuyên bố rõ ràng về những chuyện như thế. Tên gọi đầu tiên của Ngài, mà cha mẹ đặt cho, là Norbu Tendzin.

Là một cậu bé, Ngài đi chăn gia súc. Ngày nọ, tại một địa điểm được gọi là Manika, Ngài gặp một Lama trong hình tướng vị hành khất (Atsara) Ấn Độ, người đã hỏi Ngài tên là gì. Ngài đáp, “Tên tôi là Norbu Tendzin”. “Nơi này được gọi là gì?”. “Manika,” Ngài nói. “Tên của thung lũng này là gì?”. “Nó được gọi là Arya Nang”. Vị hành khất Ấn Độ tuyên bố rằng, “Thật cát tường. Con sẽ trở nên khá nổi tiếng trên thế gian này”. Vị hành khất ấy chính là Guru Rinpoche.

Là một thanh niên, Đức Chokgyur Lingpa học đọc và viết một chút từ chú của Ngài nhưng Ngài không tiến hành những nghiên cứu cao hơn. Một ngày, Ngài tìm thấy Tsa-tsa và đặt nó vào trong túi. Khi Ngài đi qua ngôi nhà của một gia đình lớn, nhiều chó tấn công và cắn Ngài. Vài người đến xem Ngài có bị thương hay không. Khi họ cởi thắt lưng của Ngài, Tsa-tsa rơi xuống và đập vào một viên đá. Từ Tsa-tsa xuất hiện một cuộn giấy: [đó chính là] bản tóm tắt mọi Terma của Ngài.

Sau đấy, Đức Chokling đến Dragkar Dzongchung và phát lộ một Terma bao gồm một chày kim cương nhỏ, thứ vốn là sự hỗ trợ hành trì của hoàng tử Lhasey, con trai thứ hai của Vua Trisong Deutsen. Chày kim cương này hiện nằm trong hộp đựng thánh vật của Chokling Tulku trẻ tuổi ở Bir [Ấn Độ]. Terma này cũng có một chiếc gương nhỏ và một viên pha lê, thứ vốn là sự hỗ trợ hành trì của Tổ Garab Dorje. Cùng với chúng là hai mươi giáo lý để riêng Ngài thực hành và không được trao truyền cho người khác. Đây là Terma đầu tiên của Đức Chokgyur Lingpa.

Theo truyền thống địa phương, Đức Chokling sau đó trở thành một tu sĩTu viện Parmi Gonpa. Taklung Matrul Rinpoche, vị Lama đầu tiên mà Ngài gặp, đã trao cho Ngài những giới luật ban đầu. Từ Pawo Rinpoche thứ tám – Tsuklag Chokyi Gyalpo, Ngài thọ nhận quán đỉnh Lama Gongdu, một Terma của Tổ Sangye Lingpa. “Điều vô cùng quan trọng là con phải thực hành Pháp này”, Pawo Rinpoche khuyên như vậy.

Trong một thời gian dài, Ngài sống tại Tu viện Parmi thuộc trường phái Drikung Kagyu. Sau đấy, các luật lệ địa phương yêu cầu Ngài phải trở thành một tu sĩ ở Nangchen Gar, Tu viện dưới sự cai quản của đức vua Nangchen. Mỗi gia đình lớn phải gửi một người con trai đến Tu viện đó. Kyasu, là một gia đình lớn, cũng cần gửi một người con trai. Vì thế, Đức Chokgyur Lingpa đến Nangchen Gar, một Tu viện Drukpa Kagyu. Mặc dù Ngài đã tìm thấy nhiều Terma vào thời gian này, Ngài giữ chúng rất bí mật, chỉ kể cho Chogyal Dorje, vị cũng là một Terton.

Ở Nangchen Gar, Đức Chokling thọ nhận những chỉ dẫn tỉ mỉ về các truyền thống Mật thừa. Trở thành một chuyên gia về Cham, tức các vũ điệu Mật thừa, Ngài là vị dẫn dắt vũ điệu. Một vũ điệu gọi là Purba Tsarcham, điều đã được cử hành thường xuyên, vẫn được tiến hành ở Tu viện của Khamtrul Rinpoche tại Tashi Jong, Ấn Độ.

Một lần khi đang dẫn dắt các vũ điệu Mật thừa, Đức Chokling có linh kiến về Guru Rinpoche cùng hai mươi lăm đệ tử đang cử hành một vũ điệu khác; Ngài đã tham gia vào vũ điệu này, điều khiến những vũ công khác mắc lỗi. Khi người dẫn dắt sai lầm, tất cả sẽ mắc lỗi sai. Mọi người rất kinh ngạc và vị giám luật đến đánh Đức Chokling. Một điều như vậy chưa từng xảy ra tại Tu viện đó và kết quả là, Đức Chokgyur Lingpa bị trục xuất.

Sau đấy, Ngài đến Derge và sống tại Tu viện của Đức Jamgon Kongtrul. Lúc ấy, chẳng ai xem Ngài là một Terton. Khi Ngài nói với vài người rằng Ngài là Terton, Ngài bị chế nhạo và được gọi là Kya-ter hay vị Terton của Kyasu, họ của Ngài. Guru Rinpoche đã tiên đoán rằng Ngài sẽ không được công nhận và chẳng được biết đến cho đến năm hai mươi lăm tuổi.

Năm hai mươi lăm tuổi, Đức Chokgyur Lingpa viếng thăm Palpung Situ Rinpoche, người cũng được biết đến là Padma Nyinche Wangpo, vị được Guru Rinpoche thọ kýhóa thân chân chính của chính Ngài. Guru Rinpoche đã nói rằng, “Nếu con thỉnh cầu lời khuyên từ Ngài và đặt trọn niềm tin với Ngài, mọi chuyện sẽ thành công”. Đức Chokling gặp Situ Rinpoche (Padma Nyinche) vào tháng Giêng Thần Biến theo Âm lịch. Ngài cúng dường Situ Rinpoche một dao Phổ Ba và cho Situ Rinpoche xem các Terma của Ngài. Situ Rinpoche nói rằng, “Điều này có lẽ rất tốt. Năm nay, trời chẳng có mưa. Hãy cầu mưa và Ta sẽ xem xét liệu con có phải là một Terton”. Đức Chokling đã cầu mưa thành công và Situ Rinpoche nói rằng, “Con ắt hẳn là một Terton, nhưng một người giả mạo chỉ có thể trở thành kẻ lang băm. Là một Terton cũng chẳng có gì đặc biệt, mà phải là một người đầy tớ của Guru Rinpoche. Con sẽ phát lộ nhiều sa-ter [Terma đất], nhưng hãy giữ bí mật các Terma khác, chẳng hạn gong-ter”. Sau đấy, Ngài trao cho Đức Chokling một bức tượng Guru Rinpoche vốn được Tổ Sangye Lingpa tìm thấy và nói, “Hãy giữ bức tượng này” và yêu cầu Đức Chokling cử hành nghi lễ trường thọ để kéo dài thọ mạng của Ngài.

Sau đấy, Đức Chokling trở về gặp Ngài Jamgon Kongtrul. Ban đầu, Kongtrul Rinpoche không thọ nhận bất cứ quán đỉnh nào của Đức Chokling. Kongtrul Rinpoche rất bệnh và Ngài yêu cầu Đức Chokling cử hành một nghi lễ trường thọ. Nhiều người ở Derge giễu cợt Đức Chokgyur Lingpa; khi đưa Ngài đi cử hành nghi lễ tại các gia đình, họ bắt Ngài cưỡi yak thay vì ngựa. Tuy vậy, vài người thấy Ngài là rất mạnh mẽ.

Một ngày, Đức Chokling nói với Jamgon Kongtrul [Rinpoche] rằng Ngài muốn đến đỉnh lễ Đức Jamyang Khyentse Wangpo, vị đang sống tại Dzongsar ở Derge. Bởi Đức Jamyang Khyentse xuất thân từ một gia đình có tầm ảnh hưởng và cũng là một đạo sư vĩ đại, Đức Chokling thỉnh cầu Kongtrul Rinpoche viết một bức thư giới thiệu, nếu không Ngài sẽ chẳng có cơ hội được diện kiến. Đức Jamgon Kongtrul đã viết rằng, “Là bậc thấu suốt ba thời, Ngài cũng phải biết điều này. Kyasu Terton nói rằng ông ấy là một Terton. Con cảm thấy rằng ông ấy đúng là như vậy. Ông ấy đã phát lộ một Terma gọi là Padma Tsuktor mà ý nghĩatừ ngữ đều hoàn hảo; tuy nhiên, ông ấy không có nhiều học thức lắm và thậm chí chẳng thể tự mình viết một bức thư”. [chỉ là một vấn đề nhưng từ tất cả những điều trên, tôi có ấn tượng rằng vào thời điểm này Ngài Chokgyur Lingpa đã khá uyên bác và có thể viết dễ dàng]

Với bức thư giới thiệu này, Đức Chokgyur Lingpa đến đỉnh lễ Ngài Jamyang Khyentse. Khyentse Rinpoche chào đón Ngài ngay lập tức, nói rằng, Đức Chokling không khác biệt với Guru Rinpoche. Rinpoche cũng nói rằng, “Trong mười ba đời, chúng ta đã kết nối giống như cha và con”.

Đầu tiên, Đức Jamyang Khyentse đã ban cho Ngài Chokling trao truyền Yangsang Pudri và một Pháp Phổ Ba Kim Cương theo truyền thống Sakya của gia đình Khon. Ngài cũng ban quán đỉnh Lama Yangtig và lúc ấy, Đức Chokling thấy Ngài Jamyang Khyentse là Tổ Vimalamitra bằng xương bằng thịt. Một trận động đất và nhiều dấu hiệu diệu kỳ xảy ra. Hai vị đều thấy Ekajati, vị nói rằng, “Trong ba năm, hai vị sẽ nhận được một thành tựu lớn lao”, ám chỉ rằng hai vị sẽ cùng nhau phát lộ giáo lý Dzogchen Desum.

Hai mươi bảy tuổi, Đức Chokling thọ nhận quán đỉnh Yangdag Heruka từ Ngài Jamyang Khyentse. Ngài thấy Đức Jamyang Khyentse trở thành Yangdag Heruka, vị sau đó hòa tan vào đỉnh đầu Ngài. Điều này khai mở các nút thắt ở luân xa tim và từ đó trở đi, Ngài có thể cất lên những bài ca một cách tự tại.

Đức Chokgyur Lingpa cho Ngài Jamyang Khyentse xem cuộn kinh vàng của Tukdrub Barchey Kunsel, Sheldam Nyingjang và những giáo lý Terma khác. Về những giáo lý này, Khyentse Rinpoche nói rằng, “Ta cũng có một giáo lý Terma gọi là Tukdrub Deshek Dupa với ý nghĩa giống như của con; thậm chí từ ngữ cũng giống nhau. Vì thế, chúng ta cần kết hợp chúng thành một. Của Ta là gong-ter và của con là sa-ter, điều cát tường hơn”. Vì thế, Terma của Đức Jamyang Khyentse đã được kết hợp với Terma của Đức Chokling và Tukdrub Barchey Kunsel trở thành một Terma chung cho cả hai vị.

Đức Jamyang Khyentse sau đó bảo Ngài Chokling viết lại bất cứ Terma nào chưa được ghi chép. Khyentse Rinpoche trở thành thư ký, ghi lại phần lớn những giáo lý Terma của Ngài Chokling. Đó là lý do Đức Jamyang Khyentse đã viết rất nhiều Terma của Ngài Chokgyur Lingpa.

Một lần, hai vị cử hành một thực hành Terma cùng nhau và cả hai có linh kiến về Guru Rinpoche và Yeshe Tsogyal. Đức Jamyang Khyentse và Ngài Chokgyur Lingpa chẳng có nghi ngờ dù là nhỏ nhất về nhau. Khyentse Rinpoche thọ nhận mọi quán đỉnhkhẩu truyền về giáo lý Terma của Đức Chokling và Ngài xem Đức Chokling là không khác biệt với Guru Rinpoche. Cả hai đều nổi tiếng là những Terton giống như mặt trời và trăng.

Trong giai đoạn này, Đức Chokling thọ Bồ Tát giới từ Dabzang Rinpoche thứ nhất, người cũng được biết đến là Tenpa Rabgye, và đã không ăn thịt trong ba năm. Ngài sở hữu lòng bi mẫn của việc thấy mọi hữu tình chúng sinh trong tam giới không khác với mẹ ruột của chính mình.

Đã trở nên rất nổi tiếng, Đức Chokling đến đỉnh lễ Jamgon Kongtrul Rinpoche trên đường đến Nangchen để thành lập Tu viện của Ngài và phát lộ vài Terma. Khi Ngài kể với Kongtrul Rinpoche điều đã xảy ra giữa Ngài và Đức Jamyang Khyentse, Đức Kongtrul đáp rằng, “Ta đã nghi ngờ mọi chuyện sẽ thế. Bây giờ, con phải trao cho Ta một quán đỉnh. Nếu công đức của Ta không đủ để thọ quán đỉnh, ít nhất, hãy trao cho Ta một sự gia trì”. Ngài Chokling đáp rằng, “Ngài vốn là vị thầy gốc của con và sẽ là vị thứ hai nắm giữ những giáo lý của con, một hóa thân chân chính của Tổ Vairotsana. Bởi Ngài là thầy gốc của con, trước kia con không thể yêu cầu Ngài thọ nhận quán đỉnh từ con và Ngài cũng không thỉnh cầu điều đó. Vì thế, con đã chờ cho đến bây giờ”. Sau đấy, Ngài cúng dường quán đỉnh lên Kongtrul Rinpoche.

Đức Jamgon Kongtrul chịu đau đớn vì một căn bệnh giống như bệnh phong, điều liên quan đến đời quá khứ của Ngài là Vairotsana[3]. Ngài Chokling nói rằng, “Guru Rinpoche đã chôn giấu giáo lý Dorje Bechon[4]lợi lạc của riêng Ngài. Hãy thực hành một chút và Ngài sẽ nhanh chóng lành bệnh”.

Đức Chokgyur Lingpa, khi ấy đã rất nổi tiếng, đến Nangchen. Làm ngạc nhiên thậm chí hai vị Jamgon – Đức Khyentse và Đức Kongtrul, Ngài tìm thấy nhiều Terma ở đó – tổng cộng 36. Ngài lưu lại Kela ở Nangchen và theo một mệnh lệnh của Guru Rinpoche về việc thiết lập một Tu viện tại đó, Ngài thiết lập trụ xứ thứ hai của Ngài.

Lúc này, Đức Chokling có một linh kiến rằng Ngài Jamyang Khyentse bất khả phân với Guru Rinpoche. Từ hai mắt của Ngài, ánh sáng phóng ra, chạm đến một núi đá ở Kela gọi là Norbu Punsum. Guru Rinpoche to lớn cùng với bảy chủng tự mang tính biểu tượng xuất hiện trên đá. Cùng lúc, Đức Jamyang Khyentse có một linh kiến rằng Guru Rinpoche chỉ vào ngọn núi đó ở Kela. Ngài phái người đến gặp Đức Chokling với lời nhắn rằng có một Terma ở đó và yêu cầu Đức Chokling mang về cho Ngài. Terma này là Tukdrub Sampa Lhundrub và cùng với nó là một bức tượng nhỏ gọi là Ngodrub Palbar, thứ không khác biệt với Guru Rinpoche. Thậm chí một người đã phạm phải một trong năm tội ác lớn lao cũng sẽ được giải thoát nhờ nhìn thấy bức tượng này. Bức tượng vốn là sự hỗ trợ hành trì của Vua Trisong Deutsen. Đức Chokling đã trao bức tượng cho Ngài Khyentse bởi Khyentse Rinpoche mới là chủ nhân thực sự. Ngoài ra còn bảy chủng tự biểu tượng, mà từ đó, Ngài viết lại các giáo lý Tukdrub Yishin Norbu của pho Sampa Lhundrub. Chủng tự biểu tượng thứ sáu là một cội nguồn không vơi cạn của những giáo lý Terma. Bức tượng, hộp Terma và các chủng tự biểu tượng vẫn ở Sikkim và có thể được chiêm bái.

Như đại diện về thân linh thiêng của Terma Padma Tsuktor, Ngài tìm thấy một bức tượng Quán Thế Âm Khasarpani trong hình tướng Semnyi Ngalso, thứ được làm từ một trong những chiếc xương của Đức Bà Yeshe Tsogyal. Hiện tại, bức tượng nằm trong kho tàng của Đức Karmapa. Ngài cũng tìm thấy một trong những vương miện của Guru Rinpoche, thứ giải thoát qua sự thấy. Ban đầu, nó chỉ lớn bằng ngón tay cái, nhưng đã trở nên to hơn nhờ cử hành Pháp tu Terma. Vương miện này hiện thuộc về Dabzang Rinpoche ở Nepal.

Đức Chokling cũng tìm thấy Sabdun Phurba. Để lấy Terma này, Ngài đào một lỗ trong một ngọn núi nhỏ. Nhìn vào trong, Ngài thấy 75 dao Phổ Ba đang bắn ra những đốm lửa. Ngài lấy dao Phổ Ba chính, thứ làm từ đá zi. Các giáo lý Terma của pho Sabdun Phurba được viết trên cuộn kinh vàng ở nút của dao Phổ Ba. Dao Phổ Ba này hiện thuộc về Đức Karmapa. Dabzang Rinpoche có một dao Phổ Ba khác và Sabchu Rinpoche ở Nepal có dao Phổ Ba phối ngẫu. Khám phá nhiều Terma đáng ngạc nhiên khác theo những cách thức tương tự, danh tiếng của Ngài phát triển và số lượng thị giả cũng như đệ tử cũng vậy.

Yegyal Namkhadzo là địa điểm đặc biệt nhất liên quan đến các Terma của Đức Chokgyur Lingpa. Một ngọn núi tuyết phủ trắng, với những sườn núi đá trắng và nhiều cây, những ngọn đồi thấp được bao phủ bởi rừng cây và nhiều thác nước điểm tô phong cảnh. Địa điểm linh thiêng này có nhiều hang động nơi Guru Rinpoche, Yeshe Tsogyal và 25 đệ tử thực hành. Động của Guru Rinpoche là cao nhất. Chư vị đã ở đó trong bảy năm. Nhiều thần thông mà chư vị hiển bày vẫn có thể được thấy: những ngọn núi được chia thành hai và v.v. Nhiều con thú hoang như linh dương, hươu, gấu đỏ và báo lang thang khắp ngọn núi này. Mọi người rất kính trọng địa diểm linh thiêng này và đi nhiễu quanh nó. Thậm chí còn có con suối với nước chữa bệnh ở đó. Uống nhiều, người ta sẽ nôn và các bệnh tật được chữa lành, đặc biệt là ung thư. Mọi người từ khắp nơi, thậm chí Amdo và Trung Quốc, du hành đến đây để uống nước này. Những người quá đau ốm nên không thể du hành thường yêu cầu ai đó mang nước này về cho họ.

Trên sườn nam có một hang động mà khe hở nằm ở sau một thác nước. Khi mặt trời chiếu sáng vào trong, nó tràn ngập ánh cầu vồng. Bên ngoài, hoa cỏ tốt tươi và đá bên trong có màu ngọc lam. Động này được gọi là Yubar Drapuk, Động Lam Ngọc Rực Sáng. Từ động này, Đức Chokgyur Lingpa lấy ra đại diện về thân gọi là Ja-o Kyilba, Ánh Cầu Vồng Xoáy Rực Rỡgiáo lý Terma Kunsang Tuktig, giáo lý Maha-Ati sâu xa nhất, sở hữu ân phước lớn lao. Đại diện này hiện ở Tu viện Bir ở Ấn Độ, thuộc về sở hữu của Chokling Tulku. Cùng với Kunsang Tuktig, Ngài cũng rút ra giáo lý Kabgye Deshek Kundu từ Yubar Drapuk.

Gần đỉnh núi này là một động thực hành khác của Guru Rinpoche. Bên trong có một con đườngmọi người có thể đi trong nhiều ngày. Đi hướng lên trên, người ta sẽ lên đến đỉnh. Động có một tòa bằng đá, nơi Guru Rinpoche đã ngồi. Phía trên cửa hang, Ngài lấy ra cuộn kinh vàng Tukdrub Gongpa Kundu cũng như một bình lớn làm từ đá quý chứa đựng 25 bức hình nhỏ của Guru Rinpoche ngồi giữa thuốc thiêng. Đức Chokling lấy ra một trong số chúng. Để phần còn lại vào chỗ cũ, Ngài đóng lại núi đá. Địa điểm ở núi đá mà Ngài làm điều này vẫn có thể được thấy. Đại diện mà Ngài lấy ra được lưu giữ trong Tu viện Kela. Tôi không biết liệu người Trung Hoa có phá hủy nó hay không.

Sau khi ở tại Yegyal Namkhadzo, Ngài đến Derge và gặp Đức Jamgon Kongtrul, vị đã trao cho Ngài lời tán thán Kyilkhor Kundak, Thủ Lĩnh Của Mọi Mandala. Đức Kongtrul đỉnh lễ, nói rằng Ngài Chokling là Guru Rinpoche bằng xương bằng thịt.

Sau đấy, ba vị đạo sư Khyentse, Chokling và Kongtrul đồng ý cùng nhau tiến hành nhiều Phật sự ở Derge. Tại Mesho ở Derge, Tu viện Dzongsar thuộc nhánh Sakya nằm trên đỉnh một ngọn núi đá. Đức Jamyang Khyentse Wangpo có một ngôi nhà ở đó gọi là Tashi Chimey Drubpey Gatsal, Vườn Cát Tường Thành Tựu Bất Tử. Đi lên thung lũng đến một nơi gọi là Dzomnang, có một bãi đá cuội nơi những cây cao mọc lên. Từ bãi đá này, Đức Chokling lấy ra danh sách địa điểm các Terma. Ba đạo sư đã giảng dạy trong khi ở đó và tòa bằng đá của chư vị vẫn còn.

Được bao quanh bởi những vách núi trắng, thung lũng Mesho giống như một bông sen nở và các ngọn đồi được bao phủ bởi bãi cỏ và rừng cây. Hoa cỏ mọc tươi tốt vào mùa hè và nước chảy khắp nơi. Ở giữa, tâm của bông sen, là núi đá trắng lớn với một hang động ở trung tâm gọi là Padma Shelpuk, Động Pha Lê Liên Hoa. Núi đá, động và vùng xung quanh đều màu trắng. Hang động chứa nhiều bức hình và chủng tự tự sinh. Đức Bà Yeshe Tsogyal đã thực hành trong hang động nhỏ bên trái, nơi có những cửa sổ cũng tự nhiên xuất hiện, mặc dù chúng trông như do nhân tạo. Các động thực hành của Vairotsana và Shri Singha cùng với tòa tự hiện của chư vị nằm trên đỉnh của núi đá này.

Padma Shelpuk, mà mọi người gọi là Động Ma, là một hang động mà chẳng ai dám viếng thăm. Bất kỳ ai đến đó đã bị ăn ngay lập tức. Người ta thỉnh thoảng thấy một người phụ nữ một mắt mà họ nói là ma. Một người đàn ông hói đầu cưỡi dê cũng được nhìn thấy. Ba vị đạo sư Chokyur Lingpa, Jamyang Khyentse và Jamgon Kongtrul đã đến đó, biết rằng chư vị sẽ thọ nhận Terma Dzogchen Desum. Mọi người nói (về Đức Chokgyur Lingpa) rằng, “Hôm nay Kyater sẽ lấy ra một Terma. Ma sẽ ăn thịt ông ấy”. Người khác nói rằng “Bởi Đức Khyentse và Đức Kongtrul cũng ở đó, có thể ông ấy sẽ lấy được Terma”. Sau đấy, một đám đông đi theo ba đạo sư.

Nhiều cầu vồng xuất hiện trên trời. Đến nơi, chư vị dâng cúng dường khói lớn. Đức Kongtrul cúng dường Serkyem – lễ cúng dường lên chư Hộ Pháp và Đức Khyentse, cầm chày kim cương, cất lên Lhasum Damdrak, bài ca ra lệnh cho những thần địa phương. Mọi người nói (về Đức Jamyang Khyentse Wangpo), “Điều gì đó đặc biệt đang xảy ra hôm nay bởi Tulku Rinpoche đang làm”. Mọi người khi ấy được yêu cầu trì tụng thần chú Kim Cương Đạo Sưcầu khẩn đến Guru Rinpoche. Ba đạo sư và những vị khác đi vào hang động trong khi những người không thể vào trong đã đứng ở gần cửa.

Bởi mọi người đã trì tụng thần chú Kim Cương Đạo SưLời Nguyện Bảy Dòng, kinh nghiệm của Đức Chokgyur Lingpa trở nên mãnh liệt. Thông thường, bạn không thể chạm đến nó, nhưng Ngài đã bay lên và chạm đến trần nhà. Từ trần nhà, Ngài lấy ra hộp Terma chứa đựng Dzogchen Desum. Về các đối tượng Terma, Ngài lấy ra thuốc thiêng và cam lồ được gia trì bởi Tổ Shri Singha cũng như một ít tóc của Đức Bà Yeshe Tsogyal và Vairotsana. Hộp Terma được bọc bằng một trong những y áo của Guru Rinpoche. Đức Chokling ban phước gia trì cho Ngài Khyentse và Ngài Kongtrul cùng tất cả mọi người gần đó bằng hộp Terma. Bây giờ, mọi người biết rằng Ngài là một Terton chân chính. Đức Chokling nói rằng, “Tất cả những vị đã đến đây rất may mắn. Nếu mọi chuyện tiến triển, Ta còn nhiều việc phải làm. Lòng từ của Guru Rinpoche và vị phối ngẫu là không thể nghĩ bàn”. Đức Jamyang Khyentse tiếp tục, “Ngài Chokling là một Terton vĩ đại, một vị vô cùng tôn quý. Giáo lý Terma của Ngài cực kỳ quý báu, cũng như chính nơi này. Mọi người cần cúng dường và đi nhiễu. Ba chúng ta bây giờ đã mở cánh cửa đến địa điểm linh thiêng này. Khi chết, các con đều sẽ đến Núi Màu Đồng – Ta hứa điều này”.

Sau đó, chư vị cùng nhau du hành đến Tu viện Palpung, trụ xứ của Situ Rinpoche và cử hành Pháp hội Drubchen kết hợp Barchey Kunsel và Sampa Lhundrub Yishin Norbu. Tại Palpung, thông qua các linh kiến, Đức Chokgyur Lingpa biên soạn nhiều vũ điệu linh thiêng mới. Một hóa thân mới của Đức Padma Nyinche Wangpo với danh hiệu Padma Kunsang cũng có mặt lúc đó. Để xua tan chướng ngại cho cuộc đời Ngài, Đức Chokling cúng dường Ngài nhiều quán đỉnh và lễ cầu trường thọ.

Tiếp đó, chư vị đến trụ xứ của Đức Jamgon Kongtrul được biết đến là Tsadra Rinchen Drak [Đá Châu Báu Như Tsari], tọa lạc phía sau Palpung tại nơi có bức hình Heruka xuất hiện diệu kỳ trên đá. Ở đó, chư vị cử hành lễ Drubchen Lama Gongdu. Jamgon Kongtrul Rinpoche nói với Đức Chokling rằng, “Đây ắt hẳn là một địa điểm linh thiêng. Hãy biên soạn một cuốn sách hướng dẫn”. Đức Chokling đáp rằng, “Không cần phải biên soạn. Cuốn sách đã tồn tại như một Terma. Chúng ta đơn giản có thể viết lại từ đó”. Ghi chép lại, chư vị đã mở ra địa điểm linh thiêng, đưa mọi người đi xung quanhgiải thích tầm quan trọng. Ở bốn hướng có bốn dòng sông mà dòng nước là cam lồ của Đức Kim Cương Tát Đỏa. Có bốn hồ nước, với bốn Naga vĩ đại sinh sống, bốn ngọn đèo và ba cấp độ đi nhiễu: vòng thấp, trung và cao. Đức Chokling có nhiều linh kiến về Ekajati ở đó và chỉ cho mọi người những động thực hành của Guru Rinpoche và Yeshe Tsogyal. Tại nơi này, Ngài tìm thấy nhiều Terma, chủ yếu là Sangtik Korsum. Đức Jamgon Kongtrul đã dọn rất nhiều đất cùng châu báu để làm những bức tượng. Hàng nghìn người đã đến xem.

Tại nơi gọi là Tsitta Sangpuk, một tòa lớn bằng đá được dựng lên và Đức Jamgon Kongtrul đã ngồi trên đó. Ngài Khyentse và Ngài Chokling nói rằng, “Ngài là hóa thân của Vairotsana và là một Terton. Guru Rinpoche đã trao cho Ngài danh hiệu Terton là Chimey Tennyi Yungdrung Lingpa. Trong tương lai, Ngài phải phát lộ nhiều Terma”. Chư vị đã cử hành một lễ tấn phong vô cùng trang nghiêm.

Ngày nọ, ba vị đạoquyết định tổ chức đua ngựa để xem ai sẽ chiến thắng. Đức Chokling, trên con ngựa đốm, về nhất; theo sau là Đức Khyentse trên con ngựa xanh sậm. Đức Kongtrul về cuối và òa khóc như một đứa trẻ. Ngài than vãn, “Tôi thật bất hạnh”. Vài người nói rằng, “Jamgon Kongtrul vốn là một Lama vĩ đại nhưng Ngài lại khóc khi thua đua ngựa”. Số khác nói rằng điều đó là bởi Ngài già nhất. Lý do thực sự là họ đang xem ai sẽ đến Núi Màu Đồng trước tiên.

Trước đó, khi Đức Karmapa thứ 14 – Tekchok Dorje, du hành đến Kham, Ngài đã gặp Đức Chokgyur Lingpa và sau khi thọ nhận nhiều quán đỉnh, đã thỉnh mời Ngài đến miền Trung Tây Tạng. Đức Jamyang Khyentse và Đức Kongtrul lúc này yêu cầu Ngài Chokling đến Lhasa; vì thế, Ngài dần dần đi đến đó. Sau đấy, ở Lhasa, Ngài có nhiều môn đồ vân tập trong một trại lớn.

Trên đường đến Lhasa, Ngài đi qua một nơi gọi là Samten Kangsar. Đây là một vùng hoang vắng với một ngọn núi lớn có thể thấy từ rất khoảng cách của nhiều ngày du hành khi người ta đi qua đồng bằng. Ở đó, tuyết đã rơi suốt mười tám ngày và đêm; hầu hết ngựa và la đều chết. Không thể tìm thấy củi đốt, họ đập một trong những hộp trà để đun nước nóng. Sau đấy, họ đã đốt mọi thứ, thậm chí cả túi yên. Đức Chokling trở nên giận dữ, nói rằng, “Nếu hôm nay Ta không làm điều gì đó với Samten Kangsar, chúng ta sẽ tiếp tục gặp rắc rối”. Ngài bảo đạo sư nghi lễ chuẩn bị thêm một Torma cúng dường. Khi Ngài cử hành lời cầu nguyện Hộ Pháp solkha, Ngài bảo thầy tụng – umdzey hát lời hồi hướng chedok. Khi vị umdzey hát, Đức Chokling hơ Torma trên ngọn lửa phía trước Ngài cho đến khi phần đỉnh của bơ chảy xuống lớp thứ hai. Karmey Khenpo, đệ tử của Ngài, biết lý do Ngài làm điều này và bảo Ngài ném nó đi, nhưng Đức Chokling gầm gừ giận dữ. Karmey Khenpo không nói gì thêm.

Đêm đó, thời tiết trở nên quang đãng hơn và Đức Chokling nói, “Tối nay, chúng ta sẽ tiến hành vài bài tập du già tốt đẹp. Khi thời tiết xấu như vậy, chúng ta cần thực hành du già”. Họ đã tiến hành những bài tập theo giáo lý Miyowa. Một bài ca được gọi là Bài Ca Tuyết.

Họ thực hành các bài tập du già suốt đêm, cử hành chúng ba lần. Đầu tiên, họ chỉ thực hành beb-chung, sau đó, beb-chencuối cùng chỉ dor-beb. Khi trời sáng, Đức Chokling, vị có chiếc khăn mà Đức Karmapa đã trao cho Ngài khi Đức Karmapa viếng thăm Kham, làm ẩm nó và quấn quanh lưng. 65 hành giả đã có thể tiến hành các bài tập du già rất tốt. Họ đi nhiễu quanh trại và mọi người có thể thấy thân thể của Đức Chokling bừng bừng như thể đang cháy và bốc nhiều hơi nước.

Bởi mặt trời đã mọc, thời tiết rất tốt. Ngài nói, “Chúng ta cần tiếp tục thêm một chút”. Họ không thể cưỡi ngựa bởi tất cả ngựa và la đều đã chết, nhưng họ đã du hành một đoạn đường ngắn. Tuyết trên núi đã tan chảy trong đêm và bởi ngọn núi rất lớn, nước đang chảy khá nhanh. Họ đến một nơi và đã dựng lều.

Một người đàn ông cưỡi ngựa đến, mặc đồ trắng viền đen. Cột ngựa xong, ông ấy đi thẳng đến lều của Chokling Rinpoche trong khi mọi người nhìn theo, tự hỏi ông ấy là ai. Đỉnh lễ ba lần, ông ấy nói một chút. Đức Chokgyur Lingpa cũng nói. Thỉnh thoảng, Ngài trông có vẻ tức giận và vị kia thì sợ hãi. Khi ông ấy rời đi, Đức Chokling bảo mọi người nhìn xem ông ấy đi đâu, nhưng không ai có thể. Đức Chokling nói rằng, “Đó là Samten Kangsar”. Samten Kangsar đã than phiền rằng, “Hướng về Lhasa, các ông đã dâng những món cúng dường tịnh hóa lên Nyenchen Tanglha và các vị khác, nhưng chẳng cho tôi thứ gì. Bởi tôi cũng quan trọng, tôi đã tạo ra chướng ngại này. Nyenchen Tanglha và tôi là như nhau, đều chấp nhận mệnh lệnh của Guru Rinpoche theo cách thức tương tự”. Đức Choling đã đáp rằng, “Ông không giống. Có cần Ta gọi Nyenchen Tanglha ngay bây giờ không?”. Samten Kangsar đáp rằng, “Xin đừng làm thế, hôm qua Ngài đã thiêu đốt tôi rất nhiều”. Đỉnh núi hôm nay đã chuyển sang màu đen.

Sau đó, những tên cướp đang chờ đợi họ. Bởi đoàn người của Đức Chokling đều là Lama và tu sĩ, những tên cướp nói, “Họ trông rất giàu có, hãy cướp của họ” và chờ đợi đêm đến. Mỗi đêm, những tên cướp đã chờ, nhưng kế hoạch của họ đều bị phá ngang. Đức Chokling đã đặt chĩa ba khatvanga của Ngài phía sau lều và những tên cướp nói rằng nó bừng sáng đến mức mọi người đều có thể thấy. Chúng không dám đến. Một tối, chúng thề rằng, “Tối nay dù thế nào chúng ta cũng sẽ đi! Ban ngày trông bọn họ chẳng hung dữ gì. Bọn họ chỉ là Lama, tu sĩ và Yogi, trông rất giàu có. Chúng ta cần cướp của họ”. Vì thế, bọn chúng đồng ý và chờ đêm xuống.

Tối đó, Đức Chokling nói rằng, “Tối nay có lẽ chúng ta sẽ gặp phải vài vấn đề; vì thế, chúng ta cần cử hành Garbu”. Garbu giống như nói chuyện với chư Hộ Pháp. Đức Chokling yêu cầu Karmey Khenpo cử hành Garbu sau phần cúng dường Hộ Pháp. Sau đấy, Ngài bảo hai người thổi kèn xương, “Nubchen Sangye đã thổi kiểu khác. Hãy thổi như thế vào tối nay”. Dạy cho họ cách thổi, Ngài bảo họ thổi một lần. Ngài cũng bảo đạo sư nghi lễ phất mảnh lụa đen của chư Hộ Pháp, điều đã được thực hiện. Ngày nay, khi cắm trại, người ta vẫn thổi kèn xương theo truyền thống này. Đêm đó, những tên cướp đến, nhưng thấy toàn bộ khu trại được vây quanh bởi sói, họ không thể xâm nhập. Nhiều tên cướp khỏe mạnh nhất có thể vào trong được cho là đã bị sói ăn thịt. Sau đấy, những tên cướp này kể lại rằng có rất nhiều sói, nhưng mọi người bên trong trại thì chẳng thấy gì.

Đức Chokgyur Lingpa và đoàn của Ngài dần dần đi tiếp, nhưng bởi sự chậm trễ, họ đã đến quá muộn. Đức Chokling đến thẳng Tsurphu, trụ xứ của Đức Karmapa, nhưng Đức Tekchok Dorje đã lâm bệnh. Bởi hai vị đã không hạnh ngộ vào đúng thời điểm, Đức Karmapa ốm và vì thế không thể duy trì thêm vài năm.

Tại Tsurphu, Đức Chokling cử hành lễ Drubchen kết hợp Yangdag và Phổ Ba Kim Cương. Drukchen Rinpoche, Pawo Rinpoche, Gyaltsab Rinpoche và nhiều vị Lama dòng Kagyu khác đã thọ nhận vô số quán đỉnh từ Ngài và Ngài đã cử hành các vũ điệu. Truyền thống cử hành những vũ điệu này vẫn được gìn giữ không gián đoạn và hiện tiếp tục được cử hànhTu viện Rumtek, Sikkim.

Đức Chokling tiếp tục đến Lhasa. Ngài dâng nhiều món cúng dường trước bức tượng Jowo.  Một trong những giáo lý Terma của Ngài bao gồm lời cầu nguyện hoằng dương giáo lý mà Đức Bà Yeshe Tsogyal đã viết trên y áo của Vairotsana. Lời cầu nguyện này bắt đầu bằng “Chokchu duzhi …” và lần đầu tiên được trì tụng vào dịp này[5].

Đức Chokling cũng viếng thăm tất cả những chốn hành hương khác. Tại Samye, Ngài diện kiến Guru Rinpoche thực sự và rút ra một Terma, thứ bao gồm một chiếc nhẫn đeo ngón cái từ Tổ Nubchen Sangye Yeshe. Chư Hộ Pháp Gyalpo Pehar và Tsimara nhập vào hai tu sĩ Samye. Họ lạy dài, thỉnh cầu Đức Chokling cử hành Lhasum Damdrak trên đỉnh Núi Hepori. Họ thưa rằng, “Chúng ta cần nhiều nghi lễ hỗ trợ để Giáo Pháp duy trìTây Tạng trong thời gian dài”. Vì thế, Đức Chokling đã cử hành Lhasum Damdrak. Bởi Demo, vị nhiếp chính của Tây Tạng vào thời điểm đó, cũng mời Chokling Rinpoche đến cử hành những nghi lễ hỗ trợ cho chính phủ, đây là một sự trùng hợp cát tường.

Đức Chokling đã đến Chuwori và cử hành nghi lễ Lhasum Damdrak cát tường cũng như Nechen Jinbeb, một nghi thức để thánh hóa các địa điểm linh thiêng.

Sau đấy, theo lời thỉnh mời của Đức Minling Trichen, Ngài viếng thăm Tu viện Mindrol Ling và ban quán đỉnh Gyutrul Shitro – Huyễn Võng Chư Bổn Tôn An BìnhPhẫn Nộ theo truyền thống Kama. Ngài cũng ban các quán đỉnh cho nhiều giáo lý Terma của Ngài cũng như một bình giảng khẩu truyền về Mật điển Guhyagarbha.

Ngài đã du hành đến Tu viện Dorje Drak và ban nhiều quán đỉnh cũng như khẩu truyền về các giáo lý Terma của Ngài cho Lama tái sinh Dordrak Rigdzin Chenpo. Tương tự, Ngài đã viếng thăm nhiều Tu viện và địa điểm linh thiêng khác.

Kế đó, Đức Chokgyur Lingpa dần dần trở về Kham. Ngài đến Tu viện Benchen ở Gar và ban quán đỉnh cũng như khẩu truyền cho vị tái sinh Sangye Nyenpa. Sau đấy, Ngài đến Tu viện Thrangu, nơi Ngài ban cho Draleb Jamgon và chư Tăng của vị này nhiều trao truyền. Ở đó, Ngài cũng dạy những vũ điệu của Bạch Vô Lượng Thọ, điều vẫn được vị Thrangu Rinpoche hiện tại biết đến. Giống như vậy, Ngài viếng thăm nhiều Tu viện Sakya và ban các giáo lý Terma. Đặc biệt, nhiều người khi ấy đang thực hành Tukdrub Barchey Kunsel.

Dần dần, Đức Chokgyur Lingpa đến Riwoche, nơi Ngài vẫn ban thêm nhiều giáo lý. Ở Yegyal Namkhadzo gần Riwoche, Ngài thiết lập Tu viện Neten gọi là Tenchok Gyurme Ling, Lâu Đài Của Giáo Lý Thù Thắng Bất Biến, nơi trở thành trụ xứ tâm linh của Ngài. Trong khi con người xây dựng vào ban ngày, ban đêm, người ta thấy chư thiênma quỷ xây dựng. Tại đó, Ngài thiết lập nơi cư ngụ của tu sĩ, trong đó, khu nhà của Ngài được gọi là Sang-ngak Podrang, Cung Điện Mật Chú Bí Mật.

Vào ngày mười lăm trong tháng, Đức Chokgyur Lingpa đến làng Gowa, nơi có một chùa nhỏ. Ngài dự định ở lại năm ngày, ban giáo lýcử hành nghi lễ. Khi Ngài bước vào chùa, Ngài được phục vụ trà. Ngay khi trà được phục vụ, Ngài rời khỏi Pháp tòa và nhảy xuống những bậc thang, theo sau là Karmey Khenpo. Những con ngựa được buộc gần cửa, vẫn được thắng yên. Ngài nhảy lên con ngựa của Ngài. Chú ngựa biết điều gì đang xảy ra, đã xoay lại và bắt đầu chạy, mặc dù vẫn bị buộc dây. Karmey Khenpo lấy một con dao và cắt dây. Cả người và ngựa lao đi như bay. Có một con sông lớn trong vùng, nơi chẳng thể vượt qua nếu không có thuyền. Bởi đó là mùa hè, dòng nước lên rất cao. Các thị giả của Đức Chokling và mọi người đi theo để xem Ngài đang làm gì. Ngài cưỡi ngựa thẳng đến dòng sông và ở giữa dòng, biến mất dưới nước. Sau khoảng năm phút, Ngài xuất hiệnbờ bên kia. Trong chùa, Đức Bà Yeshe Tsogyal vừa ban cho Ngài tiên đoán về một con thủy quái ngậm cuộn kinh vàng. Miệng của nó sẽ đóng lại lúc mười hai giờ trưa và nếu vậy, trong vòng 60 năm tới, Ngài sẽ không thể lấy được Terma. Terma này bao gồm nhiều giáo lý về các thực hành phẫn nộ.

Đức Chokling lại du hành đến Derge, bây giờ đã là một Lama vĩ đại. Mọi người xem Ngài là Guru Rinpoche thực sự và Ngài đem lại lợi lạc lớn lao cho chúng sinh khác. Lúc này, Ngài được thỉnh mời đến Dzongsar ở Derge và từ đó, Ngài đã đến Rongmey. Ở Rongmey, Đức Khyentse và Đức Chokling tìm đến Ngài Jamgon Kongtrul. Đức Chokling nói với Khyentse Rinpoche rằng, “Một Terma quý báu sẽ được tìm thấy, nhưng Ngài cần mời vua của Derge”. Khyentse Rinpoche viết một bức thư và đức vua của Derge đã đến cùng nhiều thủ lĩnh, khiến cho vùng đất tràn ngập người và ngựa. Mọi người đã đến Karma Taktsang. Ở cuối của thị trấn có một hang động lớn, nơi Guru Rinpoche hóa hiện thành Dorje Drollo. Tại đó, Đức Chokgyur Lingpa hát nhiều bài ca, nói rằng, “Bây giờ Ta sẽ lấy ra vài Terma. Nếu mọi chuyện cát tườngtốt đẹp, Ta có nhiều việc cần làm cho Tây Tạng”. Thậm chí Khyentse Rinpoche cũng ngạc nhiên và cất lên nhiều bài ca. Đức Chokling bảo mọi người trì tụng thần chú Kim Cương Đạo Sư và lời cầu nguyện Dusum Sangye. Ngài nói, “Nếu ba chúng ta làm việc cùng nhau, chúng ta thực sự có thể làm được điều gì đó”. Tiến đến chỗ giấu Terma, Chokling Rinpoche làm một dấu trên cây thông, nói với vị bảo vệ của Terma trao nó cho Ngài. Sau đó, chư vị đến một núi đá. Đức Chokling mở đá và lấy ra một chày kim cương, giữ nó chìm một nửa trong đá để mọi người thấy. Ngài lấy ra một hộp Terma và để mọi người đến cụng đầu. Đó là Lamrim Yeshe Nyingpo. Chày kim cương này hiện nằm trong hộp đựng thánh vật của Đức Dzongsar Khyentse ở Sikkim.

Nói rằng, “Ta vẫn còn việc phải làm,” Đức Chokling lấy ra một lượng thuốc thiêng, thứ đến từ 25 đệ tử. Ngài yêu cầu mọi người rằng, “Tối nay đừng ngủ mà hãy trì tụng thần chú Kim Cương Đạo Sưcầu khẩn đến Guru Rinpoche”. Đức Chokling nói rằng Ngài vẫn còn việc phải hoàn thành. Đoàn người tiếp tục cất lên những bài ca suốt đêm. Đức Chokling cũng bảo đức vua và các thượng thư nhảy múa và hát ca. Hôm sau, họ đến những ngọn đồi giữa các núi đá. Giữa nhiều ngọn đồi nhỏ có một hồ nước gọi là Senge Yutso, Hồ Sư Tử Lam Ngọc. Hồ này đã đóng băng và mọi người được yêu cầu ném đá vào băng. Đa số mọi người đã làm và những người khỏe mạnh hơn ném viên đá to và băng trên hồ vỡ tan với những tiếng động lớn. Họ được bảo ném thêm đá, nhưng Kongtrul Rinpoche cảnh báo, “Đừng ném đá quá mạnh nếu không loài Naga sẽ bị phiền nhiễu”. Khyentse Rinpoche cười, “Ha ha, làm sao lại có Naga? Naga không tồn tại. Thứ gọi là Naga là trống rỗng. Nếu có Naga, chúng ta cần đánh thức chúng. Thậm chí nếu chúng có tồn tại, chúng vẫn là loài vật và Ta chẳng sợ. Vì thế, nếu có Naga, hãy để chúng đến!”. Sau đó, Ngài bắt đầu ném nhiều viên đá lớn.

Đức Chokgyur Lingpa cởi áo Yogi, buộc nó với thắt lưng và ném xuống hồ. Kéo nó trở lại, vẫn chẳng có gì. Sau đó, tràng hạt của Ngài đứt và Ngài nói, “Dù cho chúng ta không tìm được Terma, ít nhất chúng ta cần tìm lại các hạt”. Ngài bảo mọi người tìm kiếm và họ đã thấy chúng. Nói rằng, “Bây giờ, Ta cần tập trung vào Naga!”, Ngài lại ném y áo xuống hồ và kéo chúng lên. Hồ nước bây giờ đầy bọ cạp; cảm thấy sợ hãi đôi chút, Đức Chokling quay lại. Đức Jamyang Khyentse vỗ má Ngài và nói, “Là đại diện của Guru Rinpoche, sao Ngài lại sợ hãi? Hãy ném lại đi!”. Đức Chokling lại ném xuống và tìm thấy một khối vàng to bằng bụng con cừu. Hồ nước bây giờ đầy vàng và mọi người đã lấy một ít. Karpo Tsacho, đạo sư nghi lễ, có một bát bạc lớn để làm Torma và chất đầy bằng nước, nước này sau đó biến thành vàng.

Sau đấy, chẳng vì lý dođặc biệt, Đức Jamyang Khyentse trở nên rất giận dữ và đuổi mọi người bằng cách ném đá, khiến họ chạy đi. Ngài nói bất cứ ai Ngài dùng đá ném trúng hôm đó sẽ không tái sinh trong các cõi thấp. Nếu trong đó có vua của Derge, Giáo Pháp sẽ duy trì ở Derge trong thời gian dài nhưng đức vua đã chạy đi trước khi Ngài Chokling có thể ném trúng.

Họ cắm trại ở vùng thượng của thung lũng; Khyentse Rinpoche không còn giận dữ. Họ cắm trại gần nơi có nhiều thần chú Mani tự hiện; âm thanh thần chú đã tự dội vang đêm đó. Đức Chokling và những người khác đang nói về những thần chú Mani này, thảo luận liệu OM có cần ‘a-chung’ hay không. Karmey Khenpo nói rằng không, nhưng Đức Jamyang Khyentse tranh luận rằng thực sự là có. Ngài nói, “Nó cần năm trí tuệ”. Bởi sự thảo luận kéo dài lê thê, Đức Jamyang Khyentse lại trở nên giận dữ và bắt đầu ném đá, Ngài đánh Karmey Khenpo rất mạnh. Karmey Khenpo không chạy đi mà vẫn ngồi lại. Hôm đó, chướng ngại chính yếu của cuộc đời Khenpo đã được xua tan. Sau đấy, khi đã rất già và mù, ông ấy nói, “Ta sẽ không chết. Ta sẽ không bệnh. Tất cả đều nhờ Khyentse Rinpoche đã ném đá Ta”.

Ngài Jamgon Kongtrul rất sùng kính Mahakala Sáu Tay. Đức Chokling nói rằng, “Tôi đã lấy ra một Terma Mahakala với tượng đá đen được làm bởi Tổ Long Thọ từ mộ địa Rừng Lành. Tôi sẽ trao nó cho Ngài”. Jamgon Kongtrul Rinpoche vui mừng đến mức Ngài không thể ngủ trong hai hay ba ngày. Đức Chokling lấy Terma và trao cho Jamgon Kongtrul. Hiện nó vẫn ở Derge.

Tại nơi cư ngụ của Đức Jamyang Khyentse có một bức tượng đã nói với Đức Chokgyur Lingpa ba lần, “Lekso lekso rik kyi bu!” “Xuất sắc, xuất sắc, nam tử tôn quý”. Có một bình giảng dài liên quan đến giáo lý đó.

Sau đấy, Đức Chokgyur Lingpa đến Tu viện Dzogchen, nơi Ngài phát lộ nhiều Terma từ ngọn núi Dzogchen Kangtro và ban nhiều giáo lý. Trong khi Ngài đang cử hành một lễ Drubchen ở Dzogchen, Paltrul Rinpoche đến đỉnh lễ Ngài và được cúng dường một vài giáo lý Terma của Đức Chokling. Về phần mình, Đức Chokling đã thọ nhận một bình giảng khẩu truyền về Nhập Bồ Tát Hạnh. Một hôm, khi Đức Chokling đang ban quán đỉnh trường thọkhẩu truyền về Metok Trengdzey, Paltrul Rinpoche đứng dậy giữa đám đông và nói lớn tiếng, “Chẳng có sự khác biệt giữa Chokgyur Lingpa và Sangye Lingpa. Thọ nhận sự trao truyền này giống như thọ từ chính Sangye Lingpa. Hôm nay, nếu con hứa trì tụng thần chú Kim Cương Đạo Sư, con sẽ tái sinh ở Núi Màu Đồng”.

Sau đó, Đức Chokling đến [Tu viện] Shechen, nơi Ngài cử hành lễ Drubchen Yangdag và nhận được nhiều món cúng dường. Được thỉnh mời đến Kathok, Ngài phát lộ nhiều Terma và cử hành Tsechu Cham, vũ điệu về tám hóa hiện của Đức Liên Hoa Sinh. Trong vũ điệu, Đức Chokling cầm chày kim cương trong tay. Có một linh kiến rằng hầu hết Hộ Pháp của Tây Tạng đến và tôn kính Ngài, Đức Chokling bảo họ tuân lệnh của Guru Rinpoche. Họ đáp rằng, “Khi Ngài trao cho chúng tôi những mệnh lệnh, Ngài không khác Guru Rinpoche, nhưng Ngài cũng cần trao mệnh lệnh cho con người. Nếu con người chẳng làm gì thì chúng tôi cũng không thể”.

Đức Chokling cũng đến Tu viện Palyul và ban nhiều giáo lý Tersar cho Gyatrul Rinpoche. Ở cả hai Tu viện Palyul và Kathok, Ngài bắt đầu Duton, một vở kịch kỷ niệm việc Guru Rinpoche đến Tây Tạng. Rời Tu viện Palyul, Ngài du hành đến Golok.

Tại Yilung thuộc Derge, Ngài xây dựng nhiều Tu viện nhỏ. Hoàng gia thỉnh mời Ngài đến Tu viện Derge ở thủ phủ của Derge, nơi Ngài cử hành lễ Drubchen Kabgye cùng với Kongtrul Rinpoche và những vị khác. Vua của Derge là hóa thân con trai út của Vua Trisong Deutsen. Đức Chokling đã tìm thấy y phục của vị hoàng tử ấy.

Ngài cũng viếng thăm cung điện ở Dzongsho Deshek Dupa, nơi Ngài tìm thấy nhiều Terma và cử hành nhiều Drubchen. Ngài đã phát lộ thêm nhiều Terma ở Dagam Wangpuk thuộc Pawo Wangchen Drak. Trong Động Burmo, Ngài cũng tìm thấy nhiều Terma, bao gồm Pháp y của Tôn giả A Nanhạ y của Đức Bà Yeshe Tsogyal.

Theo một linh kiến, Đức Jamyang Khyentse khuyên Ngài Chokling đến Bhutan. “Nếu Ngài có thể phát lộ giáo lý Khandro Gongdu từ Karpo Drak ở Paro, Ngài sẽ đắc thân cầu vồng của sự đại chuyển hóa”. Nghĩ đến tương lai, Đức Chokling ban cho Jamgon Kongtrul Rinpoche vài quán đỉnh đặc biệt, trong đó có Shinje Tsedag và Chokyong Gongdu, và giao phó cho Đức Kongtrul mọi giáo lý Terma mà Ngài vẫn giữ bí mật.

Đức Chokgyur Lingpa dần dần tiến về Bhutan, nhưng bởi các thị giả không vâng lời, Ngài không thể đến đích. Ngài đã đến Tu viện Karmey, Tu viện Surmang và dần dần đến Tu viện Neten, nơi Ngài lâm bệnh. Các đệ tử đã cử hành nhiều nghi lễ, nhưng Ngài qua đời vào sáng ngày đầu tiên của tháng Năm. Trời đổ mưa hoa và trái đất rung động. Đức Jamyang Khyentse được hỏi về nhục thân. Ngài đáp rằng, nhục thân cần được đặt trong một bảo tháp và không hỏa thiêu. Vì thế, nhục thân của Đức Chokgyur Lingpa đã được trang hoàng bởi vương miện của Guru Rinpoche và y Yogi trắng mà Ngài đã ném xuống hồ. Đắp tất cả y áo, thân Ngài được đặt trong khoang tròn của một bảo tháp làm từ vàng, điểm tô bởi bạc cùng nhiều châu báu, rất nhiều trong số đó đến từ các Terma của Ngài. Bảo tháp được lưu giữ tại Tu viện ở Kela, trụ xứ chính yếu của Ngài. Năm 1969, người Trung Quốc đã phá hủy nó. Vài tu sĩ đã hỏa thiêu nhục thân của Ngài. Xá lợi hiện vẫn còn.

Đây là tiểu sử của Terchen Chokgyur Lingpa.

NHỮNG LINH KIẾN

Một lần, khi đang thực hành Konchok Chidu trong nhà, Đức Chokgyur Lingpa có một linh kiến về Guru Rinpoche cùng vị phối ngẫu. Từ đó trở đi, Ngài luôn luôn có thể nói chuyện với Guru Rinpoche như thể đang nói chuyện trực tiếp. Guru Rinpoche đã ban một tiên đoán và theo đó, Ngài đã nhập thất nghiêm ngặt phía trên Tu viện Karmey, tại Sang-ngak Podrang, Cung Điện Mật Chú Bí Mật, ‘trụ xứ về thân’ của Ngài. Trong thời gian này, Ngài có những linh kiến về nhiều Bổn tôn Yidam. Khi kinh nghiệm của Ngài trở nên mãnh liệt, Ngài thỉnh thoảng còn giữ chày và chuông lơ lửng phía trước. Kế đó, khi đang nhập thất trong ba năm phía trên Tolung Tsurphu, Tu viện của Gyalwa Karmapa, Ngài hiển bày mọi dấu hiệu của sự thành tựu trọn vẹn trong Maha Ati. Sau này, vì lợi ích của các đệ tử tương lai, Ngài đã biên soạn hai bình giảng về Trekcho và Togal, thứ giống như tinh túy của Ngài.

Giống như vậy, trước khi xây dựng Tu viện Neten, Ngài có linh kiến về thành tựu giả Ấn Độ Mitra-dzoki, một Atsara to béo của Ấn Độ, chỉ ngón tay về phía Neten và nói, “Hãy xây một Tu viện ở đó”.

Trong đời, Đức Chokling đã viếng thăm Núi Màu Đồng, cõi Tịnh độ của Guru Rinpoche, ba lần. Một lần từ Tu viện Karmey. Ngài nói với thị giả rằng, “Ta sẽ đóng cửa từ bên trong. Trong vòng một tuần, đừng cho ai vào phòng Ta”. Trong linh kiến của Ngài, bốn Không Hành Nữ (Dakini) giáng hạ từ trời, đặt trước Ngài một mảnh vải trắng với hình chày kim cương đôi trên đó và thỉnh cầu Ngài ngồi lên đó. Ngài ngồi xuống và chư Không Hành Nữ bay cùng với Ngài lên trời. Từ không trung, Ngài nhìn thấy Tsari Dagpa Shelri, Lhasa và nhiều nơi khácTây Tạng, cũng như Bồ Đề Đạo Tràng, sông Ni Liên Thiền (Nairanjana), Kushinagar và nhiều nơi khácẤn Độ. Sau đấy, chư vị bay về phía Tây và Ngài thấy Núi Malaya. Chư vị đáp xuống những thánh địa, nơi Ngài đi nhiễu và phát nguyện. Cuối cùng, đến Núi Huy Hoàng Màu Đồng, chư vị vượt biển bằng thuyền cùng với Songpo Labpey, một trong 25 đệ tử, là người lái thuyền. Chư vị thấy tất cả những thành trì của La sát và chư Không Hành Nữ giải thích rằng một hóa hiện của Guru Rinpoche sống ở mỗi thành trì trong tám hướng. Chư vị đi qua Khandro Sanglam, Con Đường Không Hành Nữ Bí Mật và đến Ngayab Palri, Núi Huy Hoàng trên Lục địa Chamara.

Đức Chokling thấy một cung điện bao la và diệu kỳ. Các hóa hiện của Guru Rinpoche tràn ngập không gian, đến và đi, được phóng ra và thu về. Guru Rinpoche cũng đang cưỡi một cỗ xe đi xung quanh cung điện bởi một Pháp hội Drubchen sắp bắt đầu. Chư Không Hành Nữ nói rằng, “Chúng ta hơi trễ. Chúng ta cần đến bốn cung điện của các hoạt động tức tai, tăng ích, kính ái và điều phục”. Đầu tiên, chư vị đến cung điện phía Đông, sau đó, các cung điện phía Nam, Tây và Bắc. Trong mỗi cung điện, một hóa hiện của Guru Rinpoche đang giảng dạy về một trong bốn hoạt động này. Đức Chokling thọ nhận sự gia trì ở cả bốn cung điện. Tại cung điện của sự điều phục, một lễ Dokpa[6] đang được cử hành. Taksham Nuden Dorje, Dudul Nuden Dorje và nhiều vị khác, tất cả hai mươi mốt vị Nuden Dorje, đang cử hành các vũ điệu. Sau đấy, những vũ điệu của Sangye Lingpa, Ratna Lingpa và mười ba vị Lingpa khác được cử hành và Đức Chokgyur Lingpa cũng tham gia.

Hai Không Hành Nữ đưa Đức Chokling đến một ngôi nhà nhỏ, nơi nhiều cô gái mười sáu tuổi đang cử hành nghi quỹ Dakini. Đức Chokling hỏi, “Cô gái nào là chính?”. Những người đồng hành của Ngài không trả lời mà cười khúc khích. Cuối cùng, một cô gái nói rằng, “Tôi là người mà Ngài luôn cầu nguyện đến. Ngài không biết tôi sao?”. Vô cùng ngạc nhiên, Đức Chokling lạy dài nhiều lần và thọ nhận nhiều lời khai thị từ Đức Bà Yeshe Tsogyal. Hai thị giả tan biến vào tim của Đức Bà Tsogyal. Ngài Chokling nghĩ, “Ta phải gặp Guru Rinpoche và viếng thăm tầng trung và thượng nữa. Không có người đồng hành, Ta sẽ chẳng biết đường”. Sau đấy, Đức Bà Yeshe Tsogyal cười và lại hóa hiện hai cô gái từ tim.

Ngài đến chùa trung tâm, nơi Guru Rinpoche ngự trên tòa lớn ở giữa. Nhiều người ở đó, bao gồm những học giảthành tựu giả Ấn ĐộTây Tạng, hai mươi lăm đệ tử, tất cả Terton, và Vua Trisong Deutsen cùng các con trai tham dự với vai trò là những vị thí chủ. Chokling Rinpoche dâng nhiều cúng phẩm cả thực sự lẫn quán tưởng lên Guru Rinpoche, vị sau đấy ban cho Ngài nhiều quán đỉnh, trao truyền, tiên đoán và chỉ dẫn. Tất cả chư Không Hành Nữ cử hành một cúng dường tiệc. Những bài ca kim cương dội vang từ trời. Đức Chokling tụng bài ca Daglu Pungkham với những vị khác đều lập tức tham dự. Đức Chokling nghĩ, “Đây là một bài ca của Tổ Longchenpa, nhưng họ tụng nó tại Núi Màu Đồng”. Một âm thanh từ trời nói rằng, “Giống như những Mật điển, các bài ca của Longchenpa tràn khắp mọi Tịnh độ”.

Dần dần, Ngài bước dần theo những bậc thang lên tầng trung, diện kiến Quán Thế Âm, thọ nhận quán đỉnh và trao truyền cho nhiều thực hành. Tiến về tầng thượng, Ngài diện kiến Đạo Sư Vô Lượng Thọ và thọ nhận nhiều Mật điển, trao truyền và sự gia trì trường thọ. Trở lại tầng dưới, hai Không Hành Nữ nói rằng, “Bây giờ, Ngài có thể trở về Tây Tạng”. Đức Chokling nghĩ, “Ta phải gặp Guru Rinpoche một lần nữa và thỉnh cầu thêm khai thị”. Guru Rinpoche đang ở hoa viên cùng với Vairotsana, Namkhai Nyingpo và nhiều đệ tử khác. Đức Chokling đã diện kiến và hỏi nhiều câu hỏi. Guru Rinpoche đặt tay lên đầu Đức Chokling, ban phước và trao cho Ngài nhiều chỉ dẫn. Các đệ tử khác cũng trao cho Ngài nhiều lời khuyên. Đức Chokgyur Lingpa nghĩ, “Ta cần gặp Đức Bà Yeshe Tsogyal một lần nữa”. Lập tức từ hư không có tiếng nói, “Chúng ta không bao giờ tách rời dù chỉ một khoảnh khắc. Ta sẽ luôn luôn hướng dẫn con khi cần. Chúng ta sẽ gặp lại nhau nhiều lần”. Cảm thấy hài lòng, Đức Chokling bay trở về và đến phòng ngay khi cửa phòng của Ngài chuẩn bị được mở. Một tuần đã trôi qua.

Chuyến viếng thăm thứ hai của Đức Chokling đến Núi Màu Đồng khá giống với chuyến đầu tiên. Nó xảy ra trong lúc xây dựng Tu viện Neten. Sau khi hoàn thành phần xây dựng chính yếu, một lễ Drubchen được cử hành. Các bức tường vẫn chưa hoàn thành; tuy nhiên, lễ Drubchen được cử hành bên trong. Qua những khe hở, Đức Chokling thấy nhiều tia sáng và cầu vồng. Một tia sáng chạm đến những bát sọ Amrita và Rakta và chúng bắt đầu sôi sục. Trong sự huyễn ảo, Ngài thấy Núi Màu Đồng, diện kiến Guru Rinpoche và thọ nhận các chỉ dẫn.

Lần thứ ba Ngài viếng thăm Núi Màu Đồng là trong một giấc mơ ở Tu viện Neten.

Từ Neten, Ngài hành hương quanh ngọn núi Yegyal Namkhadzo. Ở đó, Ngài có một linh kiến về nghìn vị Phật của kiếp này. Trong linh kiến, chư vị ban một bảo tháp vàng tỏa hào quang. Sau đấy, Ngài viếng thăm Yertsong và gặp gỡ Lui-de [tức Tôn giả Na Tiên – Nagasena], một trong mười sáu trưởng lão A La Hán, được vây quanh bởi năm trăm A La Hán.

Tại Tu viện Karmey, Ngài có một linh kiến về 27 Đức Karmapa, thấy chi tiết về cuộc đờicông hạnh của chư vị. Giải thích điều này cho những họa sĩ, Ngài yêu cầu họ vẽ chúng trên các bức tường của Tu viện. Tương tự, Ngài thấy các đời tái sinh của Situ Rinpoche: tám hóa thân Situ được gọi là Padma, những hóa thân của tám hóa hiện của Guru Rinpoche. Hiện tại là vị Situ thứ tư với danh hiệu Padma. Giống như vậy, sẽ có 17 hóa thân của Đức Chokgyur Lingpa. Ngài đã thấy cách mà chư vị sẽ làm lợi lạc cho giáo lýhữu tình chúng sinh.

Khi đang nhập thất thiền định Maha Ati ở Sang-ngak Podrang, Ngài thấy 12 vị Phật của truyền thừa Maha Ati. Ánh sáng từ tim của chư vị tan vào Ngài. Sau đấy, Ngài đã cho vẽ lại linh kiến này trên tường.

Ngài đã khai mở động thực hành của Tổ Vimalamitra trong thánh địa Riwo Wangshu. Ở đó, Ngài có linh kiến về Đức Vimalamitra xuất hiện trong ánh sáng xanh dương. Đức Vimalamitra ban cho Ngài Chokling nhiều chỉ dẫn khẩu truyền.

Ngài giao tiếp với chư Hộ Pháp và những vị bảo vệ giáo lý như thể nói chuyện với con người. Ngài cũng thấy Dutro Lhamo trong hình tướng một bà lão. Bà ấy đặt một ngọn đèn bơ lớn phía trước Ngài. Ban đầu, nó không sáng lắm; nhưng sau đó, bà lão khiến nó trở nên rất sáng. Vì thế, tất cả môn đồ và những hóa thân tương lai sẽ nhận được lợi lạc từ việc xem Dutro Lhamo là một vị Hộ Pháp.

Nhiều vị thần bản địa như Nyenchen Tanglha, Magyal Pomra đều chào đón Đức Chokling. Những phi nhân khác cũng đến thọ nhận giáo lý của Ngài, dâng lên những món cúng dường từ các cõi của Naga hay tương tự. Magyal Pomra trao cho Ngài một vương miện của Guru Rinpoche, vô cùng trang nghiêm, thứ cũng đã được đội bởi Vua Gesar. Chính quyền Tây Tạng sau này đã lấy nó. Đây chỉ là vài ví dụ về những linh kiến của Đức Chokgyur Lingpa.

Chokling Rinpoche qua đời vào ngày đầu tiên của tháng Năm và vào ngày 19, Đức Jamyang Khyentse thấy Ngài trong một linh kiến. Về phía Tây của thế giới này, Đức Chokgyur Lingpa đã hóa hiện một cõi Tịnh độ mới gọi là Padma Kepa, Cõi Giới Sen Phủ, nơi Ngài xuất hiện trong hình tướng của Báo thân Phật Padma Nyugu. Trong linh kiến này, Đức Jamyang Khyentse thọ nhận nhiều quán đỉnh, trao truyền và chỉ dẫn khẩu truyền, điều mà sau đó, Ngài viết lại thành các nghi quỹ. Đức Chokling hứa khả rằng những môn đồ tương lai sẽ tái sinh về cõi Tịnh độ đó ngay lập tức sau khi chết. Đây là di chúc của Đức Chokgyur Lingpa mà Ngài Jamyang Khyentse đã thọ nhận.

CÁC GIÁO LÝ

Đức Chokgyur Lingpa đã nhận được một danh sách liệt kê hơn một trăm địa điểm kho tàng Terma; nhưng đặc biệt, Ngài và Đức Jamyang Khyentse có điều được biết đến là bảy sự trao truyền, Kabab Dun.

Kama, truyền thống khẩu truyền của truyền thừa Nyingma, là sự trao truyền đầu tiên trong bảy trao truyền, bao gồm Do, Gyu và Sem, nghĩa là Dupeydo, Gyutrul và Semdey[7], thứ trong trường hợp này lại bao gồm Longdey và Men-ngak Dey. Chokling Rinpoche đã thọ nhận những giáo lý trọn vẹn này trong các quán đỉnhkhẩu truyền Nyingma Kama, Nyingma Gyubum, Kangyur và v.v. Thường xuyên ban trao truyền Kama, Ngài đã thiết lập truyền thống về thực hành này tại hai trụ xứ của Ngài. Các Terma của Ngài cũng thường chứa những từ ngữý nghĩa giống như Kama.

Sa-ter hay kho tàng đất là sự trao truyền thứ hai. Đức Chokgyur Lingpa đã phát lộ 37 Terma như vậy. Năm 13 tuổi, Ngài nhận được sự hỗ trợ hành trì của hoàng tử Lhasey. Tại Danyi Khala Rongo, Ngài phát lộ nghi quỹ cấp ngoại Tukdrub Barchey Kunsel, đầy đủ gốc và các nhánh; nghi quỹ cấp nội Sampa Lhundrub với gốc và các nhánh; và nghi quỹ bí mật Dorje Draktsal. Ngài cũng tìm thấy những chỉ dẫn khẩu truyền của Guru Rinpoche, được biết đến là Lamrim Yeshe Nyingpo, Con Đường Tuần Tự Của Tinh Túy Trí Tuệ. Từ Nabun Dzong, Ngài tìm thấy Terma Padma Tsuktor, một thực hành Quán Thế Âm. Từ phía sau Tu viện Ogmin Karmey, tại Damchen Drak, Ngài tìm thấy những giáo lý Zabpa Kordun. Tại Yegyal Namkhadzo, Ngài tìm thấy Tukdrub Gongpa Kundu và Sabdun Chalag với nhiều giáo lý Anu Yoga. Tại Mesho Dzomnang, trong động Padma Shelpuk, Ngài phát lộ Dzogchen Desum. Tại Sengchen Namdrak, Ngài tìm thấy Damcho Shokdey Drukpa. Tại Khandro Bumdzong, Ngài phát lộ Tukje Chenpo Gyutrul Drawa, Huyễn Võng Đại Bi Quan Âm. Tại Karmey Pelbeu, Ngài tìm thấy Mamo Chidu. Tại Dzogchen Rudam Sangtro, Ngài phát lộ Demchog Sangye Nyamjor. Đây là những kho tàng đất chính yếu, ngoài ra còn nhiều kho tàng khác.

Đức Chokling cũng tìm thấy hơn 100 bức tượng Guru Rinpoche linh thiêng, làm từ nhiều chất liệu khác nhau, cũng như các pháp khí khác như chày và dao Phổ Ba. Ngài đã tìm thấy vương miện và y áo của Guru Rinpoche, những món đồ của hai mươi lăm đệ tử và nhiều xá lợi của các thành tựu giả Ấn Độ. Hầu hết trong số này được lấy ra trước sự chứng kiến của nhiều người. Ngài đã phát lộ 100 giáo lý Nyingtig và một lượng lớn các chất liệu linh thiêng để thọ dụng. Ngài rút ra những vật liệu để làm tượng của Guru Rinpoche, đã làm nhiều bức và trao đi. Có rất nhiều câu chuyện vi diệutuyệt vời về cách Ngài lấy ra tất cả những kho tàng này.

Thứ ba trong bảy sự trao truyền là Yang-ter, sự tìm thấy lại và hoằng dương lại một Terma từ các đời quá khứ. Từ tiền thân là Sangye Lingpa, Đức Chokling đã phát lộ và sau đó giảng giải Gurdrak Hungmar Nyingtig. Vị phối ngẫu của Đức Dungtob Repa, Dakini Kunga Bum, có một giáo lý Terma gọi là Magyu Sangwey Lamkyer. Đức Chokling đã phát lộ lại như một Yang-ter và cúng dường lên Ngài Jamgon Kongtrul. Pháp này cũng nằm trong Rinchen Terdzo.

Gong-ter, kho tàng tâm, là sự trao truyền thứ tư. Một kho tàng tâm khởi lên, giống như cầu vồng trên trời, trong tâm của Terton, vị bất khả phân với Guru Rinpoche hay Bổn tôn Yidam. Kho tàng tâm của Đức Chokling là nghi quỹ Tara cùng với một bản văn dài về các thực hành giai đoạn phát triểnhoàn thiện.

Thứ năm là Je-dren, sự hồi nhớ. Đức Chokgyur Lingpa trước kia là Nub Kolungpa Yonten Gyatso, một đệ tử của Tổ Nubchen Sangye Yeshe. Nhớ điều này, Đức Chokling đã chép lại chúc thư gồm những chỉ dẫn khẩu truyền được gọi là Lung Dorje Kopa, được ban khi Bổn Sư của Ngài, Nubchen Sangye Yeshe, qua đời. Ngài cũng viết lại Garbu Nubkyi Khapho, phương pháp trì tụng thần chú Rulu Rulu và cử hành các vũ điệu của truyền thống Nubchen. Các bài tập du già của pho Lama Gongdu cũng được Ngài nhớ từ lần tái sinh làm Sangye Lingpa.

Dag-nang, linh kiến thanh tịnh, là sự trao truyền thứ sáu. Đức Chokling có những linh kiến về nhiều Bổn tôn ban cho Ngài các nghi quỹ. Một lần, Ngài có linh kiến rằng đại học giả Vimalamitra ban cho Ngài Vimala Zabtig, điều mà Ngài đã ghi lại sau đó.

Thứ bảy là Nyen-gyu, nghĩa là ‘dòng nhĩ truyền’, sự khẩu truyền từ miệng đến tai. Guru Rinpoche đã ban cho Đức Choling giáo lý Dzogchen Ati Zabdon Nyingtig trong năm phần khi Ngài viếng thăm Núi Màu Đồng.

Nói tóm lại, Đức Chokgyur Lingpa đã hoàn thành lời thọ ký nói rằng Ngài sẽ khai mở 25 thánh địa lớn và 100 thánh địa nhỏ.

Có 10 vị trì giữ truyền thừa chính yếu các Terma của Ngài và 25 vị phụ. Đức Jamyang Khyentse là xuất sắc nhất; những vị khác bao gồm hai vị Karmapa Tekchok Dorje và Khakyab Dorje, Ngài Situ Padma Nyinche Wangpo và Padma Kunsang, Jamgon Kongtrul, Dabzang Tulku, Drimey Shingkyong Gonpo, Minling Trichen, Palyul Gyatrul, Pawo Rinpoche, Sakya Gongma, Reding Tulku, hai con trai của Đức Chokling và Karmey Khenpo. Những vị trì giữ truyền thừa này sau đó đã trao các quán đỉnh của pho Chokling Tersar, kết tập, in ấn và thực hành những giáo lý, và biên soạn các bình giảng về chúng. Như thế, dòng truyền thừa của những giáo lý này vẫn tồn tại cho đến cả ngày nay.

Những giáo lý Terma của Đức Chokgyur Lingpa bao gồm 33 tập. Trước tác của Ngài gồm 12 tập nữa. Chi tiết về tất cả những giáo lý này có thể được tìm thấy trong những bảng nội dung tương ứng. Toàn bộ tuyển tập Chokling Tersar đã được in lại ở Delhi.

Hầu hết các giáo lý Terma của Đức Chokling là kho tàng đất, chỉ một vài trong số chúng thuộc về sáu kiểu trao truyền còn lại bởi Đức Chokling đã tuân theo mệnh lệnh của Ngài Situ Pema Nyinche Wangpo, người bảo Ngài chủ yếu lấy những kho tàng đất và để lại kho tàng khác.

HẬU DUỆ

WANGCHOK DORJE

Đức Chokgyur Lingpa có một con gái và một con trai với vị phối ngẫu Degah. Con trai, vị được gọi là Wangchok Dorje và cũng được biết đến là Tsewang Drakpa, là hóa thân của Vua Jah. Năm 16 tuổi, Ngài đã biên soạn nhiều bài ca và bình giảng vô cùng sâu xa. Là một vị thầy cực kỳ uyên bác, mọi người muốn Ngài trở thành một cư sĩ Mật thừa thay vì một tu sĩ vì lợi ích của huyết mạch. Tuy nhiên, Ngài nói Ngài thích là một hành giả tốt. Du hành đến Derge, Ngài gặp gỡ Paltrul Rinpoche ở tỉnh Golok. Ngài nói với Paltrul Rinpoche rằng Ngài muốn trở thành một tu sĩ; vì thế, Paltrul Rinpoche làm lễ xuất gia cho Ngài. Đức Jamyang Khyentse đã khóc như một cậu bé khi biết điều này và nói rằng, “Hôm nay, điều gì đó thực sự đã sai lầm”. Ngài Wangchok Dorje trở về Tu viện Dzongsar với cái đầu đã được cạo và nói, “Tôi muốn trở thành một khất sĩ và lang thang khắp nơi, không có nơi cư ngụ cố định”. Ngài luôn mặc áo choàng da cừu. Đức Jamyang Khyentse bảo với Ngài rằng, “Đừng nói như thế! Hãy trở về Tu viện Neten và nhập thất, nhưng trước hết hãy cho Ta tóc của con”. Wangchok Dorje trao cho Đức Jamyang Khyentse tóc của Ngài và sau đó đến Neten, nơi Ngài giám sát việc mở rộng Tu viện. Họ vẫn còn giữ tóc của Ngài. Mỗi sợi tóc của Wangchok Dorje được cho là có 100000 Dakini, chính Đức Jamyang Khyentse đã viết một chú thích về điều này. Ở tại Neten trong nhiều năm, Đức Wangchok Dorje qua đời năm 27 tuổi và không có con cái.

TSEWANG NORBU

Ở Derge, con gái của gia đình Somo Tsang có một người con trai với Đức Chokgyur Lingpa, được đặt tên là Tsewang Norbu. Là hóa thân của Tổ Yudra Nyingpo, Ngài trở thành bậc trì giữ giáo lý Dzogchen Desum. Khi Đức Chokgyur Lingpa trao truyền Dzogchen Desum, Ngài vẫn còn rất trẻ. Ngài đã nghiên cứu với Đức Jamyang Khyentse, Jamgon Kongtrul Rinpoche, Mipham Rinpoche và nhiều vị khác, trở nên vô cùng uyên bácđạt được cấp độ chứng ngộ cao nhờ thực hành. Ngài ở tại các Tu viện Neten và Kela trong thời gian dài, giúp Tu viện phát triển. Ngài thọ nhận trọn vẹn Tersar từ ba vị đạo sư Chokling, Khyentse và Kongtrul và trao lại cho những người khác.

Ngài đã trao truyền các quán đỉnh Dzogchen Desum cho vị Chokling thứ hai – Ngedon Drubpey Dorje. Dần dần, Ngài du hành khắp Tây Tạng cùng vị phối ngẫu, viếng thăm Lhasa, miền Trung Tây Tạng và Tsang. Ngài đã ban nhiều quán đỉnh và trao truyền của Chokling Tersar và có nhiều đệ tử. Sau này, vua của Bhutan, Orgyen Wangchuk, đã thỉnh mời Ngài đến Bhutan. Cuối cùng, Ngài trở về Tây Tạng. Bởi Ngài đã biên soạn nhiều sự sắp xếp cho giáo lý Chokling Tersar, Ngài đã giúp ích rất nhiều trong việc hoằng dương những giáo lý này. Ngài qua đời ở Lhasa năm 73 tuổi. Vài người hiện nay vẫn còn sống đã từng gặp Ngài. Cuộc đời Ngài khá lạ kỳ. Không may, Ngài không có con cái.

KONCHOK PALDRON

Chokling Rinpoche và vị phối ngẫu Degah cũng có một con gái, Konchok Paldron. Khi bà hỏi Đức Chokling liệu bà có nên trở thành một sư cô, Ngài bảo rằng bà ấy cần kết hôn. Bà ấy kết hôn với Orgyen Chopel, con trai của gia đình Tsangsar. Đức Chokling bảo rằng, “Yidam của con là Jetsun Tara”. Bà đã thực hành các nghi quỹ Tersar rất nhiều và đặc biệt, đã trì tụng nhiều thần chú của Bổn tôn Tara. Bà có linh kiến thực sự về Jetsun Tara ba lần. Sau này, bà nói rằng, “Mặc dù Ta sống một cuộc đời thế tục, Ta chẳng có mê mờ vào ban ngày và chỉ một chút vào ban đêm”. Bà vô cùng thông thạo các nghi lễtruyền thống Mật thừa.

Konchok Paldron thọ nhận nhiều giáo lý từ hai vị Jamgon, Chokgyur Lingpa, Mipham Rinpoche, Paltrul Rinpoche và các vị Karmapa. Bà đã đem đến những lợi lạc lớn lao cho giáo lý Tersar của Đức Chokgyur Lingpa.

Konchok Paldron thường gia trì gạo bằng cách trì tụng thần chú và thổi vào đó. Mọi người đeo gạo trong linh phù của họ, buộc quanh cổ dê, những linh phù này khiến họ không bị đạn bắn. Những người phụ nữ như Konchok Paldron là Không Hành Nữ chân chính.

Nhờ bà Konchok Paldron và Ngài Tsewang Norbu mà truyền thống và các giáo lý vẫn tồn tại. Khi qua đời ở Kela, bà tan hòa vào tâm của Jetsun Tara. Bà có bốn người con trai: Samten Gyatso, Chimey Dorje, Lama Sang-ngak và Akhu Tersey. Trước khi bà qua đời, cả bốn được gọi đến. Lúc ấy, vị tái sinh của Đức Jamgon Kongtrul, một người con của Đức Karmapa thứ 15 tên là Palden Khyentse Ozer, cũng sống tại Kela. Ngài cùng với bốn người con trai đã cử hành lễ tang và một lễ Drubchen. Một bảo tháp nhỏ được xây dựng để lưu giữ tro cốt của bà. Sau đây là thông tin về những người con trai của bà ấy.

SAMTEN GYATSO[8]

Ngài Samten Gyatso, con trai trưởng của Konchok Paldron, một hóa thân của Tổ Vimalamitra, là đệ tử của cả Đức Jamyang Khyentse và Kongtrul Rinpoche, cũng như của Đức Tsewang Norbu. Là một tu sĩ, Ngài không bao giờ ăn sau trưa và không dùng thịt hay rượu trong suốt cuộc đời. Vô cùng uyên bác, Ngài đã dành phần lớn cuộc đời để nhập thất, hoàn thành 100 triệu biến thần chú Phổ Ba Kim Cương. Ngài chủ yếu thực hành giáo lý Maha Ati theo pho Kunsang Tuktig và Chetsun Nyingtig. Ngài là bậc thầy gốc của Đức Karmapa thứ 15 – Khakyab Dorje. Được thỉnh mời đến Tsurphu ở miền Trung Tây Tạng, Ngài Samten Gyatso đã cúng dường Đức Khakyab Dorje toàn bộ trao truyền Chokling Tersar. Ngài dành phần lớn thời gian ở trụ xứ của Ngài tại Dzong-Go, một ngọn núi cao mà một phần được bao quanh bởi dòng sông lớn. Chỉ có một con đường nhỏ dẫn lên đỉnh, nơi có hai tầng đồng cỏ với cây cối rải rác.

Đức Samten Gyatso dành trọn cuộc đời để thực hành và giảng dạy Chokling Tersar. Khi vị tái sinh của Đức Jamgon Kongtrul, con trai của Đức Karmapa thứ 15, đến Kham, Ngài thọ nhận giáo lý Tersar từ Đức Samten Gyatso. Bên cạnh đó, Ngài Samten Gyatso cúng dường Đức Karmapa thứ 16 nhiều quán đỉnh và trao truyền và cũng là đạo sư của vua xứ Nangchen. Ngài rất có tầm ảnh hưởng và có năng lực cao cấp, chẳng hạn sự thấu suốt. Thân thể của Ngài hiếm khi có bóng. Khi Đức Samten Gyatso sắp qua đời, Tulku Urgyen dâng lên Ngài chỉ dẫn về 21 A. Ngài đơn giản gật đầu. Khi Samten Gyatso đã qua đời, mắt của Ngài nhìn lên trên và Ngài đang mỉm cười. Ngài trụ trong trạng thái thiền định trong ba ngày, ngồi thẳng, trước khi thân thể của Ngài được hỏa thiêu.

CHIMEY DORJE[9]

Người con trai thứ hai của Konchok Paldron là Chimey Dorje. Khi còn trẻ, Ngài là một cư sĩ nhưng khá khác với những người khác và có thể thi triển những thần thông khác nhau. Ngài đã duy trì là một cư sĩ với mái tóc dài, cầm một khẩu súng cùng một con dao dài cho đến năm 24 tuổi. Ngày nọ, khi Ngài đang là thị giả của Đức Samten Gyatso, họ đã gặp một vị Yogi, người đã lạy Chimey Dorje nhiều lần. Chime Dorje nói, “Đừng lạy tôi, tôi chỉ là người bình thường”. Vị kia không nghe, đáp rằng, “Ngài là cháu [ngoại] của Đức Chokgyur Lingpa và là hậu duệ của gia đình Tsangsar”. Đêm đó, Chimey Dorje nghĩ, “Mọi người cho là Ta đặc biệt, nhưng Ta chẳng có thiện hạnh nào”. Ngài đã thọ nhận những trao truyền từ cả Đức Jamyang Khyentse và Kongtrul Rinpoche, nhưng chỉ từ sau đó, Ngài mới bắt đầu thực hành Pháp. Ngài đã trở thành một hành giả Mật thừa và thọ nhận các quán đỉnh Rinchen Terdzo từ Đức Ngedon Drubpey Dorje. Bổn Sư của Ngài là Gewa Namrol, một vị Yogi và hành giả Phổ Ba Kim Cương, một đệ tử của Đức Ngedon Drubpey Dorje.

Đức Chimey Dorje đã mặc những bộ y trắng và tết tóc. Mọi người xem Ngài là một hóa thân của Tổ Phadampa Sangye. Chimey Dorje nhập thất nhiều năm, chủ yếu thực hành trì tụng từ Tersar. Tất cả chư Hộ Pháp nói rằng Ngài có thể ra mệnh lệnh cho họ như với đầy tớ. Ngày nọ, ngựa của Ngài bị trộm và Chimey Dorje yêu cầu Gyalpo Pehar hãy cho tên trộm xem một chút ma thuật. Tên trộm đang ở trong lều khi hắn ta bất ngờ thấy hai con khỉ to bằng con người đang nhe răng cười, một con từ khe hở trên mái và con kia từ cánh cửa. Hoảng sợ, hắn ta đem trả lại ngựa.

Thực hành chính yếu của Đức Chimey Dorje là Chod. Khi Ngài thực hành Chod, mọi người gần đó sẽ ngủ thiếp đi. Cha của tôi (Neten Chokling Tulku) đã thử nhiều cách khác nhau để khiến bản thân không ngủ, nhưng nhờ những năng lực diệu kỳ, Đức Chimey Dorje luôn biết được. Đức Chimey Dorje đã hiển bày mọi dấu hiệu của việc hoàn thiện thực hành Maha Ati. Cha của tôi có bảy viên xá lợi của Đức Phật và đã thỉnh cầu Đức Chimey Dorje nhân lên. Ngài đáp, “Ta sẽ cố gắng”, rồi đặt chúng vào trong một bình nhỏ, bọc lại bằng vải và niêm phong. Ngài cử hành lễ thánh hóa và khi bình được mở ra, nó chứa tới 70 viên xá lợi.

Là một cậu bé, cha tôi từng xin Đức Chimey Dorje một cây đũa thần giúp tàng hình. Ngài nói, “Ta sẽ ra lệnh cho Hộ Pháp”. Ngài gọi cha tôi vào hôm sau và nói, “Nhìn về phía Đông”. Từ đó, một con bò bay đến với một cây gậy trong mõm, đặt nó phía trước họ rồi lại bay đi. Đức Chimey Dorje bảo rằng, “Nếu con thực hành một chút, đây có thể là đũa thần của con”. Tuy nhiên, cây gậy sau này đã biến mất.

Con trai của Đức Chimey Dorje, Penjik, từng ốm liệt giường ở nơi cách Ngài một tháng du hành. Chimey Dorje quyết định thực hành Chod. Dù cho nơi ấy cách xa cả tháng du hành, cả Penjik và những người khác ở đó đều nghe thấy âm thanh của kèn xương.

Đức Chimey Dorje thường ban các trao truyền của Chokling Tersar cùng với nhiều giáo lý khác, bao gồm các chỉ dẫn Maha Ati. Ngài cũng ban khẩu truyền Kangyur. Ngài có rất nhiều đệ tử, vài người con trai và cũng vài cô con gái. Đây chỉ là vài chi tiết về Đức Chimey Dorje. (Ngài đã qua đời năm 1948 ở tuổi 63).

LAMA SANG-NGAK[10]

Lama Sang-ngak, người con trai thứ ba của Konchok Paldron, là một tu sĩ và cực kỳ uyên bác về truyền thống Chokling, chẳng hạn việc nặn Torma, trì tụng và v.v. Là đệ tử của cả Đức Jamyang Khyentse và Kongtrul Rinpoche, Ngài là một hành giả vĩ đại, người đã dành nhiều năm để nhập thất. Ngài nổi tiếng ở Kham về sự vô song trong trì tụng các thần chú. (Lama Sang-ngak qua đời năm 1949 ở tuổi 63).

TERSEY TULKU[11]

Tersey Tulku là con trai thứ tư của Konchok Paldron. Khi Ngài Wangchok Dorje, con trai thứ hai của Đức Chokling qua đời, mẹ của Ngài và những người khác đã hỏi Jamyang Khyentse Rinpoche về vị tái sinh. Khyentse Rinpoche đáp, “Cậu ấy sẽ tái sinh trong gia đình của em gái. Họ đã là họ hàng trong quá khứ và bây giờ sẽ là mẹ - con”. Tersey Tulku đã gặp hai vị Jamgon, cũng như Ngài Tsewang Norbu và Paltrul Rinpche, nhưng vị thầy gốc đặc biệt của Ngài là Đức Shakya Shri. Ngài được cho là đã đạt được sự chứng ngộ Đại Thủ Ấn sau khi gặp Đức Shakya Shri, nhưng Tersar vẫn là thực hành chính yếu của Ngài. Ngài là một hành giả cư sĩ Mật thừa với nhiều vị phối ngẫu. Uyên bác về truyền thống Chokling Tersar, Ngài đã biên soạn nhiều sự sắp xếp cho những giáo lý này cũng như nhiều điều khác. Nơi cư ngụ chính của Ngài là Tu viện Kela, nơi Ngài dành phần lớn thời gian để nhập thất. Ngài cũng đóng góp lớn lao cho sự phát triển của cả hai trụ xứ của Đức Chokling. Ngài đã phục hồi ngôi chùa ở Kela, làm nhiều bức tượng mới và cho khắc gỗ nhiều giáo lý Tersar. Tại Tu viện Neten, cá nhân Ngài đã làm 1000 bức tượng Guru Rinpoche.

Ngài đã mang bức tượng đại diện của Guru Rinpoche theo cùng bất kể đi đâu, xem đó thực sự là Guru Rinpoche. Việc đầu tiên Ngài làm mỗi sáng là thọ nhận bốn quán đỉnh và mỗi lần đều rớt nước mắt vì lòng sùng mộ. Ngài sống tại Tu viện Neten trong thời gian dài. Cha tôi kể rằng ông thường dậy sớm để xem liệu Tersey Tulku có đang khóc. Ngài đã ban nhiều trao truyền Tersar và có nhiều đệ tử, thường xuyên ban các chỉ dẫn Maha Ati. Dilgo Khyentse Rinpoche đã thọ nhiều giáo lý từ Ngài. Ngài qua đời vài năm trước khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng. Hiện tại, không có vị tái sinh nào của Ngài được công nhận nhưng ắt hẳn là có một. Chúng ta cần tìm kiếm vị ấy.

TULKU URGYEN

Đức Chimey Dorje có nhiều con trai. Tulku Urgyen là vị được kính trọng nhất hiện nay. Khi Ngài còn trẻ, Đức Karmapa thứ 15 – Khakyab Dorje đã công nhận Ngài ở Tsangsar Nargon và ban cho Ngài danh hiệu Karma Urgyen Chokdrub Palbar. Ngài sau đó được tấn phong tại Tu viện Nargon, nơi thuộc về trường phái Barom Kagyu. Ngài đã thọ nhận giáo lý Chokling Tersar từ hai trong số những người chú/bác và học đọc và các ngành khoa học với họ. Ngài ở cùng với Đức Samten Gyatso trong nhiều năm, thọ nhận nhiều giáo lý về Maha Ati. Ngài đã gặp Đức Kela Chokling – Konchok Tenpey Gyaltsen và là thị giả của vị này. Ngài cũng thọ nhận nhiều trao truyền từ một đệ tử thân thiết của Đức Jamgon Kongtrul – Kyungtrul Karjam.

Tulku Urgyen đến miền Trung Tây Tạng và thọ nhận Rinchen Terdzo từ Karsey Kongtrul – con trai của Đức Karmapa thứ 15. Ngài đã cúng dường toàn bộ trao truyền Chokling Tersar lên Đức Karmapa thứ 16 – Rangjung Rigpey Dorje và là một trong những Bổn Sư của vị này. Ở Lhasa, Ngài cúng dường trao truyền Dzogchen Desum lên Đức Dudjom Rinpoche. Minling Chung Rinpoche – Ngawang Chokyi Drakpa đã thỉnh cầu trao truyền Tersar từ Tulku Urgyen, người sắp phải đến Kham và vì vậy không thể trao truyền lúc đó. Bởi thế, Ngài nói, “Tôi đã cúng dường lên Đức Karmapa, Ngài có thể thọ nhận từ Đức Karmapa”, điều mà Chung Rinpoche đã làm sau đó. Tulku Urgyen sau đấy trở về Kham, trở lại miền Trung Tây Tạng sau khi Đức Samten Gyatso qua đời. Ở Tsurphu, Ngài cúng dường nhiều giáo lý lên Đức Karmapa và cũng hỗ trợ Ngài một cách đáng kể trong nhiều vấn đề chính trị. Sau đấy, Ngài dần dần tiến về Sikkim.

Tulku Urgyen đã hoàn thành nhập thất ba năm bốn lần. Ngài cũng thường xuyên cử hành các lễ Drubchen khác nhau theo truyền thống Chokling Tersar. Cha tôi, Đức Neten Chokling thứ ba, rất xem trọng Tulku Urgyen và vô cùng thân thiết với Ngài. Cha tôi xem Tulku Urgyen là mạng mạch của Chokling Tersar, cả truyền thừa tâm linhgia đình. Tulku Urgyen đã xây dựngphục hồi nhiều ngôi chùa. Trong phần sau của cuộc đời, Ngài phục hồi Tu viện ở Nepal gọi là Nagi Gompa, nơi Ngài thiết lập một Tăng đoàn gồm chư Tăng và Ni và thỉnh mời Đức Karmapa cùng các trưởng tử tâm linh viếng thăm.

Tại thánh địa Jarung Khashor ở Boudhanath, Nepal, Ngài xây dựng Tu viện Ka-Nying Shedrub Ling vĩ đại. Đức vua Nepal được mời đến tham dự lễ thánh hóa, điều được cử hành bởi Đức Karmapa. Đức Karmapa đã ban Kagyu Ngakdzo cho hàng nghìn người lúc đó. Tulku Urgyen cũng phục hồi thánh địa Động Asura và xây dựng một trung tâm nhập thất cho thực hành Chokling Tersar. Sau đấy, Ngài thỉnh mời Dilgo Khyentse Rinpoche đến Ka-Nying Shedrub Ling để trao truyền Chokling Tersar cho Chokling Tulku – vị Kela Chokling thứ tư, người sống ở đó, và nhiều Lama khác. Chư tăng của Ngài nghiên cứu rất nhiều và cử hành các lễ Drubchen của truyền thống Chokling. Hai người con trai của Tulku Urgyen quản lý Tu viện lớn, trong khi Ngài duy trì nhập thất tại ẩn thất Nagi Gompa.

Theo thỉnh cầu của Dilgo Khyentse Rinpoche, Tulku Urgyen đã ban nhiều trao truyền, bao gồm 100 quán đỉnh Chod, điều diễn ra trong năm ngày. Đức Dilgo Khyentse xem những quán đỉnh này là vô cùng quan trọng và chúng đã được thọ nhận bởi Dzongsar Khyentse Tulku, Dzogchen Rinpoche thứ bảy, Shechen Rabjam Rinpoche thứ bảy, hai vị Chokling Tulku và nhiều Lama khác. Tulku Urgyen là vị Lama đầu tiên hoằng dương truyền thống Phật giáo Tây Tạng ở Malaysia. Chuyến viếng thăm Malaysia thứ ba của Ngài là trong một hành trình thế giới, trong đó, Ngài viếng thăm Đức, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Scotland, Mỹ, Hongkong và Singapore. Tôi nghe nói rằng Ngài sở hữu ân phước gia trì cực kỳ lớn lao. Chúng ta không biết tiểu sử bí mật của Ngài, nhưng Dilgo Khyentse Rinpoche xem Ngài là hành giả Maha Ati xuất sắc nhất trên thế gian này. Ngài qua đời năm 1996 và tôi cầu nguyện rằng vị tái sinh của Ngài sẽ nhanh chóng được tìm thấy[12]. Ngài có nhiều con trai, những vị chính yếu là hai vị ở Ka-Nying Shedrub Ling. Con trai lớn, Chokyi Nyima, là một Tulku của truyền thừa Drikung Kagyu, được Đức Karmapa công nhận. Con trai thứ, một Tulku của Đức Kela Chokling, là hành giả cư sĩ Mật thừa và có hai con trai, một trong số đó được công nhận là Tulku của Đức Dilgo Khyentse.

TULKU CHOKYI NYIMA

Tulku Chokyi Nyima là con trai trưởng của Tulku Urgyen và sinh ra ở Tây Tạng. Mẹ của Ngài là bà Kunsang Dechen. Là một cậu bé, Ngài được Đức Karmapa công nhận là vị tái sinh của một Lama vĩ đại từ Tu viện Drikung Kagyu ở Bong. Ngài được tấn phong tại Tu viện Bong bởi chư tăng và dân chúng trong vùng. Theo truyền thống được các tiền thân thiết lập, Ngài viếng thăm Đức Dalai Lama, thăm Tu viện Sera và những nơi khác cùng nhiều người. Trước khi Trung Quốc chiếm Tây Tạng, cha Ngài đã đưa Ngài đến Sikkim.

Ở Rumtek và từ nhiều Lama và Khenpo ở những nơi khác, Ngài đã nghiên cứu tất cả triết học và khoa học và trở nên vô cùng uyên bác. Ngài thọ nhận vô số trao truyền từ Đức Karmapa, Dilgo Khyentse Rinpoche và cha Ngài. Hiện tại, Ngài đang điều hành Tu viện Ka-Nying Shedrub Ling.

Điều này hoàn thành truyền thừa gia đình của Đức Chokgyur Lingpa.

NHỮNG DÒNG TRUYỀN THỪA TÁI SINH

i) KELA CHOKLING

Khi Đức Chokgyur Lingpa qua đời, những người con trai của Ngài không có con cái; vì thế, hai vị Jamgon [tức Jamyang Khyentse Wangpo và Jamgon Kongtrul] cảm thấy rằng vị tái sinhcần thiết. Đức Chokgyur Lingpa thứ 2 – Konchok Tenpey Gyaltsen sau đó đã được tìm thấycông nhận. Ngài đến từ Derge và dòng họ của Ngài là Kyensa. Ngày nọ, thiết lập Ngài trên tòa cao, hai vị Jamgon đã cầu khẩn khía cạnh trí tuệ của Đức Chokgyur Lingpa trên bầu trời, điều sau đó tan vào Ngài, ban phước gia trì để Ngài trở nên bất khả phân với Đức Chokgyur Lingpa. Ngài Konchok Tenpey Gyaltsen sau đó có dòng tâm thức giống như Đức Chokgyur Lingpa. Vào ngày đăng ngôi, nhiều cầu vồng xuất hiện và một cơn mưa hoa rơi xuống.

Đức Jamyang Khyentse là vị thầy gốc thực sự của Ngài và Ngài cũng thọ nhận nhiều giáo lý từ Đức Jamgon Kongtrul và những Lama khác. Sau khi Ngài đã nhận được một sự giáo dục tốt đẹp, hai vị Jamgon nói rằng, “Hãy đến Kela. Hầu hết công việc của con là ở đó. Con cũng có những Terma”, hai vị tiếp tục hỏi Ngài, “Con muốn tiếp tục các giáo lý của cố đạo sư Chokling hay con muốn tìm các Terma của riêng mình?”. Ngài đáp, “Con sẽ tiếp tục các giáo lý của cố đạo sư Chokling”, điều làm hài lòng hai vị Jamgon. Hai vị nói rằng, “Chúng ta đã hy vọng rằng đó sẽ là câu trả lời của con. Dù con xây một ngôi chùa bằng đất tại Kela hay một ngôi chùa bằng vàng ở bất cứ nơi nào khác, công đức cũng như nhau”. Sau đấy, hai vị tiễn Ngài đi.

Tại Kela, Ngài gặp Đức Wangchok Dorje và đã cùng nhau nỗ lực, mở rộng chùa chiền, trung tâm thực hành, điện thờ và đúc tượng. Đức Kela Chokling đã cho khắc gỗ hơn 30 tập trong giáo lý Tersar. Ngài cử hành nhiều lễ Drubchen và vũ điệu theo truyền thống Chokling và cũng ban những giáo lý. Đức Dzongsar Khyentse Chokyi Lodro thọ nhận nhiều quán đỉnh và trao truyền từ Ngài. Một lần, trong lễ Drubchen Pháp Dược, tất cả thuốc đều biến thành những bức tượng Guru Rinpoche tự sinh. Ngài đã trì tụng hơn 100 triệu biến thần chú Kim Cương Đạo Sư và được mọi người xem là hoàn hảo về mọi chuyện.

Khi Tây TạngTrung Quốc đánh nhau, quân đội Trung Quốc đã bắt giam và xích Ngài lại. Nghĩ rằng bản thân sẽ chết, Ngài cầu nguyện đến Đức Jamyang Khyentse. Đức Jamyang Khyentse xuất hiện, lớn như ngọn núi, trong một linh kiến và nói rằng, “Hôm nay con không cần sợ hãi”. Đức Chokling sau đó nói với binh lính Trung Quốc rằng, “Ta không muốn gặp những binh lính bình thường, hãy đưa Ta đến gặp quan chức cao nhất”. Họ đưa Ngài đến gặp quan chức cao cấp nhất. Sau khi trò chuyện, vị quan chức này lại thích Ngài Kela Chokling và yêu cầu Ngài làm người hòa giải giữa Trung QuốcTây Tạng. Đức Chokling chấp thuận và đã sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo Trung QuốcTây Tạng; cả hai quốc gia đều kính trọng Ngài vì điều này. Sau đấy, Ngài hành hương đến miền Trung Tây Tạng.

Ngài đã làm lợi lạc truyền thống của Đức Chokgyur Lingpa một cách lớn lao. Nếu Ngài không cho khắc gỗ giáo lý Tersar, những giáo lý này có lẽ sẽ không tồn tại cho đến ngày nay. Tại chân núi Kela, Ngài thiết lập một trung tâm nhập thất. Trong nửa sau cuộc đời, Ngài đạt đến cấp độ được gọi là sự cạn kiệt của Pháp tính trong Maha Ati.

Khi còn là một cậu bé, cha tôi đã gặp Đức Kela Chokling. Đức Chokling đã công nhận cha tôi là một trong những vị Chokling Tulku và đã trao cho cha tôi nhiều giáo lý. Ngài thường nói rằng, “Khi chết, Ta sẽ tái sinh ở Yarlung, nơi tuyệt vời nhất trên khắp Tây Tạng”. Ngài đã sống thọ, qua đời năm 75 tuổi.

Vị tái sinh của Đức Kela Chokling sinh ra ở Yarlung, gần trụ xứ của Tổ Jigmey Lingpa và được Đức Karmapa công nhận. Vị Tulku sau đấy được đưa đến Kela và tấn phong. Ngài đã nghiên cứu rất chăm chỉ và mọi người hy vọng Ngài sẽ trở thành một Lama vĩ đại. Tuy nhiên, bởi những sự kiện bất hạnh xảy ra trái với mong muốn của Ngài, Ngài qua đời năm 13 tuổi. Vị Tulku này lại có hai tái sinh. Một vị, sinh ở Tinglung thuộc Derge, được Đức Khyentse Chokyi Lodro công nhận và đưa đến Tu viện Kela để đăng ngôi. Ngay sau đó, Trung Quốc chiếm Tây Tạng và Ngài đến Derge. Ngài hiện sống tại Kela dưới sự chiếm đóng của Trung Quốc.

Tại Tsurphu, Đức Karmapa thứ 16 – Rigpey Dorje đã công nhận một vị tái sinh khác của Đức Kela Chokling, con trai thứ hai của Tulku Urgyen, tên là Lungtok Gyatso. Sau khi đến Ấn Độ, Ngài được tấn phong tại Tu viện Rumtek và ban danh hiệu Dewey Dorje. Ngài đã hoàn thành nhiều sự nghiên cứu. Vị Tulku này của Đức Kela Chokling không phải là một người bình thường và đã có nhiều linh kiến về Guru Rinpoche. Đôi lúc, Ngài có những tiên đoán vô cùng đáng tin cậy. Tôi nghĩ rằng Ngài là một Terton tái sinh chân chính và tôi có sự xác quyết trọn vẹn rằng Ngài là một Tulku của Đức Chokgyur Lingpa trong truyền thừa Kela. Ngài đã kết hôn với Dechen Paldron, con gái của gia đình Terdhe và họ có hai con trai. Một người con trai đã được công nhận là vị Tulku của Đức Dilgo Khyentse. Mọi người giờ đây có những hy vọng lớn với người con trai này.

ii) NETEN CHOKLING

NGEDON DRUBPEY DORJE

Sau đây là dòng tái sinh của Đức Chokling ở Neten. Trước khi qua đời, Đức Chokgyur Lingpa trao cho Karmey Khenpo Rinchen Dargye một bức thư và bảo rằng, “Trong tương lai, con sẽ trở nên rất phiền muộn. Khi ấy, hãy mở bức thư này, nhưng trước đó thì đừng mở”. Karmey Khenpo giữ bức thư trong hộp đựng thánh vật. Sau đấy, khi Đức Chokgyur Lingpa qua đời, Khenpo trở nên vô cùng buồn bã bởi Đức Chokling không có hậu duệ nào. Lúc này, Khenpo mở bức thư, bên trong Đức Chokling viết rằng, “Ta sẽ trở lại ngôi nhà cũ của mình”. Karmey Khenpo đem bức thư đến cho Ngài Jamyang Khyentse, vị nói rằng, “Ta đã nghĩ mọi chuyện sẽ như vậy. Đây thực sự là bức thư của Đức Chokgyur Lingpa. Bây giờ, chúng ta cần một Tulku cho Tu viện Neten”.

Vị Tulku, sinh ra trong gia đình Kyasu, đã được tìm thấy và đặt tên là Ngedon Drubpey Dorje. Được đưa đến Tu viện Neten, từ khi còn nhỏ, Ngài đã vô cùng tuyệt vời, hiển bày nhiều thần thông. Ngài không nghe theo bất kỳ ai; vì thế, không ai có thể ra lệnh cho Ngài. Đôi khi, Ngài treo y áo trên những tia sáng mặt trời. Khi thầy giáo thọ của Ngài dạy đọc, Ngài chẳng học hỏi hay nghiên cứu gì, mà chỉ chơi. Thầy giáo thọ thường đánh Ngài, nhưng Ngài chẳng bao giờ sợ hãi. Dù cho thầy giáo thọ nhốt Ngài trong phòng, người ta vẫn thấy Ngài chơi bên ngoài.

Ngày nọ, Đức Neten Chokling đang chơi trên mái nhà và vị giám luật quở trách Ngài, định đánh Ngài. Cố gắng chạy trốn, Ngài nhảy từ mái của một tòa nhà ba tầng, nhưng đáp xuống an toàn. Khi thầy giáo thọ chạy xuống bắt Ngài, Ngài lại nhảy lên mái nhà. Nhưng bởi Ngài vẫn không thể đọc, thầy giáo thọ đánh Ngài. Hôm khác, Đức Wangchok Dorje nói với thầy giáo thọ này rằng, “Con không nên đánh cậu bé, trong dòng dõi gia đình của chúng ta, không thể nào không biết đọc. Nếu cậu bé không thể đọc, đó là nghiệp của cậu bé”. Khi Đức Neten Chokling lớn hơn, Ngài học đọc mà chẳng cần được dạy.

Ngài Ngedon Drubpey Dorje đã đến Derge và dành bảy năm thân cận Đức Jamyang Khyentse và Jamgon Kongtrul, thọ nhận những giáo lýchỉ dẫn khẩu truyền. Lần cuối cùng Đức Jamgon Kongtrul trao truyền Rinchen Terdzo, Ngài Neten Chokling chính là vị đạo sư của các nghi lễ. Sau đấy, Ngài đến trụ xứ Neten ở Kham.

Đức Ngedon Drubpey Dorje dành thời gian dài để nhập thất. Là một hành giả cư sĩ Mật thừa, vị phối ngẫu chính yếu của Ngài là Kunsang Chodron. Ngài có nhiều vị phối ngẫu khác, nhưng không có người con trai nào. Một hay hai người phụ nữ đến, tuyên bố rằng Ngài là cha của con họ, nhưng những đứa con sau đó lập tức chết. Khi được hỏi về điều này, Ngài đáp rằng, “Chúng không phải con trai của Ta, vì thế, Ekajati chắc đã không hài lòng”.

Hành vi của Đức Neten Chokling cực kỳ thô lỗ, giống như một đại thành tựu giả Ấn Độ. Ngài uống rất nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá. Khi mọi người đến gặp, Ngài yêu cầu phụ nữ và rượu. Sở hữu những năng lực cao cấp, Ngài có thể lập tức biết được ý nghĩ của các vị khác và sẽ vạch trần bất kỳ lỗi lầm ẩn giấu nào. Khi những Lama hay quan chức vĩ đại viếng thăm, những cậu bé đầy tớ sẽ được bảo đi vào phục vụ trà trong khi chẳng mặc gì và còn đánh rắm to.

Đức Ngedon Drubpey Dorje đã hoàn thiện mọi thực hành Maha Ati và thân của Ngài hiếm khi có bóng. Khenpo Ngakchung sau này đã gặp Ngài và nói rằng, “Ở bờ này của sông Hằng, không hành giả nào có sự chứng ngộ cao hơn”. Đức Dzongsar Khyentse Chokyi Lodro cũng du hành đến Neten và thọ nhận Dzogchen Desum từ vị Chokling này, người là đạo sư gốc của Ngài. Một ngày, Đức Chokyi Lodro nói với Chokling Rinpoche rằng, “Mọi người nói rằng Ngài có thể đọc rất nhanh. Tôi muốn kiểm tra điều đó”. Đức Khyentse mang đến Mật điển Kim Cương Thời Luân từ pho Kangyur và yêu cầu Ngài đọc. Chokling Rinpoche trả lời, “Tôi chẳng thể thấy gì, tôi không thể đọc”. Dzongsar Khyentse Rinpoche khẩn nài, “Ít nhất hãy đọc một chút!”. Sau đấy, Chokling Rinpoche bắt đầu đánh vần bản văn, từng chữ một. Khyentse Rinpoche yêu cầu, “Hãy đọc cẩn thận!”. Chokling Rinpoche đáp, “Nếu Ngài không thể cho tôi ngồi yên ổn, tôi đoán rằng tôi sẽ phải đọc, nhưng trước hết, tôi cần thuốc lá”. Ngài hít một hơi dài, lau ngón tay bằng một mảnh vải và bắt đầu đọc bản văn Kim Cương Thời Luân từ đầu đến cuối với tốc độ đáng ngạc nhiên. Ngài tuyên bố, “Tôi có thể thấy cả hai mặt cùng lúc, nhưng lưỡi của tôi chỉ có thể đọc điều được viết ở mặt trước!”.

Đức Ngedon Drubpey Dorje đã ban Rinchen Terdzo cho các đệ tử ba lần. Ngài trao truyền giáo lý Chokling Tersar bốn lần và Nyingtig Yabshi bảy lần. Ngài có nhiều đệ tử tuyệt vời và Ngài cũng hiển bày nhiều thần thông. Một ngày, khi Ngài đang cử hành vũ điệu Mật thừa, sét đánh trúng đầu Ngài, nhưng Ngài chẳng hề nao núng hay làm gián đoạn nghi lễ dù cho đá dưới chân Ngài vỡ tan.

Đức Neten Chokling thích những trò chơi mạo hiểm. Trong vùng của chúng tôi có một dòng sông lớn. Ngày nọ, Ngài muốn vượt sông bằng thuyền. Khi lên thuyền, Ngài lấy mái chèo và ném chúng qua mạn thuyền ở giữa dòng nước. Khi dòng nước cuốn con thuyền xuôi dòng, tất cả thị giả sợ hãi và nhắm chặt mắt trong khi Đức Chokling cười phá lên. Nhiều người sống dọc theo dòng sông và họ thét lên, “Thầy của chúng ta đang bị dòng sông cuốn đi!”. Họ chạy men theo bờ sông, nhưng dòng sông rất rộng và họ chẳng thể làm gì. Cuối cùng, con thuyền sắp gặp phải vài con ghềnh. Ngay trước khi đến đó, Đức Chokling chạm vào một tảng đá lớn và nói với Genyen Borang, một vị Naga sống trong dòng sông, “Bây giờ thế là đủ!”. Con thuyền lập tức đi ngược dòng, tay của Ngài để lại một dấu ấn sâu trên đá. Mặc dù không ai có thể đến đó, dấu vết vẫn có thể được thấy nhờ ống nhòm.

Đức Neten Chokling xây dựng một ngôi nhà nhỏ phía trên Tu viện Neten, nơi Ngài dành phần lớn thời gian để ngồi một cách điềm tĩnh với đôi mắt mở to. Đôi lúc, Ngài cười phá lên. Khi được hỏi tại sao, Ngài sẽ đáp rằng, ở nơi này hay nơi kia, ai đấy đang làm một chuyện gì đó buồn cười.

Năm 46 tuổi, Ngài đến Tu viện Riwoche. Trước khi rời Neten, Đức Chokling nói với mọi người rằng, “Ta sẽ không trở lại. Nếu con muốn gặp Ta, con phải đến gặp Ta”. Ngài gọi vị phối ngẫu và những bạn gái, trao cho họ lời khuyên và các món quà. Ngài nói, “Trong đời này, chúng ta sẽ không gặp lại, nhưng khi quý vị chết, Ta sẽ đến chào đón”.

Khoác lên bộ y áo đẹp nhất, Ngài yêu cầu những tu sĩ giàu có nhất của Ngài đồng hành và họ cưỡi ngựa, mặc y áo rất trang nghiêm. Tại Tu viện Riwoche, Ngài bắt đầu lễ Drubchen Sabdun Phurba ở khu Taklung Kagyu của Tu viện. Thỉnh thoảng trong lễ Drubchen, Ngài bị ốm. Một bác sĩ đã trao cho Ngài thuốc, nhưng Ngài không dùng. Đôi lúc khi Ngài dùng thuốc, Ngài lại đẩy nó ra qua đầu ngón tay. Kết thúc lễ Drubchen, Ngài nói, “Ngày mai chúng ta trở về Tu viện Neten”. Chỉ đi một quãng đường ngắn, họ dựng trại và không một chút nản lòng, Đức Chokling nói, “Tối nay chúng ta sẽ cắm trại phía dưới, chứ không phải trên đường. Chúng ta sẽ ngủ với đầu hướng xuống dưới, chứ không phải hướng lên thung lũng, bởi tối nay, Ta sẽ chết. Thân của Ta sẽ không duy trì trong tư thế thiền định. Buộc một sợi dây thật chặt quanh cổ, hãy đặt nó trong một cái bao và đem thẳng về Tu viện Neten. Vị Tulku của Ta sẽ lập tức tái sinh ở Derge”.

Tất cả những vị tu sĩ đồng hành đều rất trẻ, không ai hơn hai mươi lăm; vài vị nghĩ, “Có lẽ Ngài thực sự sẽ qua đời, Ngài có khả năng tiên đoán lớn lao”. Số khác nghĩ, “Chắc Ngài sẽ không chết, mà chỉ đơn giản lừa chúng ta. Hôm nay, Ngài đã cưỡi ngựa và hát nhiều bài ca”. Tuy vậy, đêm đó, Ngài đã qua đời. Những tu sĩ lớn tuổi nhất nói, “Ngài có lẽ đã qua đời. Chúng ta cần kiểm tra bằng cách để một sợi tóc dưới mũi Ngài”. Họ đã làm và tóc không di chuyển. Điều này xảy ra vào ngày ba của tháng Năm. Tất cả những tu sĩ trẻ bật khóc bởi Ngài đã mất. Vài vị nói, “Đừng khóc, thầy của chúng ta không giống những Lama khác. Chúng ta cần làm như Ngài đã nói”. Buộc một sợi dây quanh cổ Ngài, họ đặt Ngài trong một cái bao và đưa thi thể Ngài trở về Neten.

Nhiều dấu hiệu diệu kỳ đã xảy ra vào đêm đó. Dân chúng Riwoche nói, “Đêm qua có nhiều dấu hiệu. Đức Chokling chắc hẳn đã viên tịch. Chúng ta cần đến xem”. Họ đến, nhưng trước bình minh, những tu sĩ của Ngài đã rời đi. Nhục thân được hỏa thiêu tại Neten, nhiều xá lợi xuất hiện trong tro cốt. Tim không bị cháy mà vẫn đỏ và nguyên vẹn. Những xá lợi này được đặt trong một bảo tháp. Khi Trung Quốc phá hủy bảo tháp, một tu sĩ đã lấy xá lợi tim. Vài năm trước, vị ấy đã trao lại cho tôi, nhưng sau đó, tôi đã làm mất.

Đây là câu chuyện về cuộc đời Đức Neten Chokling – Ngedon Drubpey Dorje, vị cũng biên soạn nhiều tác phẩmchỉ dẫn.

PEMA GYURME[13]

Ngay khi Đức Ngedon Drubpey Dorje qua đời, Tu viện Neten đã cử vài tu sĩ đến Derge để tìm kiếm vị tái sinh. Khi họ hỏi Dzongsar Khyentse Rinpoche, Ngài đáp, “Có lẽ có một vị tái sinh. Ta có linh kiến và vị Tulku ở Derge”. Những tu sĩ muốn tìm Ngài ngay nhưng Dzongsar Khyentse Rinpoche nói, “Vị ấy ở Mesho, gần trụ xứ của Đức Jamyang Khyentse Wangpo, ở nơi được gọi là Bujo. Dòng họ của vị ấy là Tsamchok và mẹ của vị ấy là Pesang Drolma. Vị ấy vẫn còn trong bụng mẹ”.

Những tu sĩ đã chờ trong bốn tháng trước khi vị tái sinh thứ ba của Đức Neten Chokling chào đời. Dzongsar Khyentse Rinpoche đặt tên cho Ngài là Pema Gyurme. Sau đó, họ đã phát hiện ra cách mà Đức Dzongsar Khyentse biết về vị tái sinh. Vào khoảng ngày mười lăm của tháng Năm, Ngài chợp mắt và Đức Ngedon Drubpey Dorje xuất hiện trước Ngài, nói rằng, “Ta đã qua đời. Vị tái sinh của Ta sinh ra trong gia đình Tsamchok”. Dzongsar Khyentse Rinpoche viết lại điều này trong nhật ký. Sau này, Ngài đã cắt nó ra và trao cho một trong những người đầy tớ của chúng tôi. Hiện nay, chúng tôi vẫn giữ nó ở Bir.

Gia đình của Đức Pema Gyurme khá nghèo. Lên năm tuổi, Ngài được đưa đến Tu viện Neten, nơi Ngài nghiên cứu miên mật. Khi Ngài mười bảy tuổi, cùng với nhiều tu sĩ, Ngài đến gặp Đức Dzongsar Khyentse và thọ nhận nhiều giáo lý, bao gồm cả Bồ Tát giới. Ngài thọ nhận nhiều quán đỉnh và trao truyền từ Palpung Situ Rinpoche – Padma Wangchuk Gyalpo trước khi trở về trụ xứ ở Neten.

Đức Pema Gyurmey muốn thiết lập một Phật học viện ở Neten; vì thế, Ngài xây dựng một tòa nhà mới. Ngài đã thỉnh mời Đức Kyungtrul Karjam đến Tu viện Neten để ban Rinchen Terdzo. Sau khi hoàn thành những ngôi nhà cho học viện, Ngài thỉnh mời Đức Tsultrim Nyima, vị Khenpo cao cấp nhất từ Kathok và nghiên cứu 13 bản văn gốc của triết học, nhiều ngành khoa học và các chủ đề khác với vị này.

Năm 29 tuổi, Ngài nghĩ, “Điều này vẫn chưa đủ, tôi cần đến gặp Dzongsar Khyentse Rinpoche”. Ngài bí mật rời đi chỉ với một hay hai người. Dọc đường, một con la đi trước Ngài trên một con đường nhỏ trượt chân xuống vách núi đá rất dốc. Ngài kéo nó lại bằng một tay. Nhiều người đã thấy điều này. Ban đầu, Ngài nghĩ, “Ta chắc hẳn rất khỏe”; nhưng sau đấy, Ngài nhận ra rằng điều đó là hoạt động của chư Hộ Pháp. Ngài cử hành lễ cúng dường Solkha cho Ekajati mỗi ngày trong suốt hành trình để giúp Ngài đến Derge an toàn. Ekajati nói với Ngài rằng, “Nếu Ngài đang đến Derge, tôi sẽ giúp Ngài!”.

Đến Derge, Ngài diện kiến Dzongsar Khyentse Rinpoche. Đêm trước, Khyentse Rinpoche nằm mơ thấy Ekajati đến và nói rằng, “Bây giờ tôi giao phó Chokling Tulku cho Ngài”. Ngài nói với Chokling Rinpoche rằng, “Ekajati đã thực sự chăm sóc con”. Khi Đức Chokling đến Tu viện Neten lúc còn là một cậu bé, mẹ Ngài không đi cùng, nhưng Ngài luôn có một người mẹ đặc biệt mà chẳng ai khác có thể thấy. Sau này trong đời, Ngài nhận ra rằng đó ắt hẳn là Ekajati.

Từ Khyentse Rinpoche, Ngài thọ nhận Rinchen Terdzo, Dam Ngakdzo và nhiều giáo lý khác của tất cả các trường phái khác nhau. Ngày nọ, khi Khyentse Rinpoche truyền giới tu sĩ cho nhiều người, Ngài bảo với Chokling Rinpoche rằng, “Con cần trở thành một tu sĩ, nhưng con sẽ không duy trì là một tu sĩ trong tương lai. Không vị Chokling Tulku nào là tu sĩ. Trong tương lai, Ta sẽ không thể truyền giới”. Vì thế, Đức Chokling thọ cả giới Sa DiĐại Giới.

Đức Chokling Pema Gyurme đã nghiên cứu nhiều bản văn gốc với những vị Khenpo và thường xuyên tranh luận. Ngài cũng nghiên cứu ngôn ngữ và y học. Một ngày, khi đang tìm hiểu về biện chứng, Ngài chẳng thể hiểu điều gì. Ngài đã cầu nguyện đến Tổ Sakya Pandita, sau đấy gập sách lại và thiếp đi. Ngài nằm mơ thấy một tu sĩ với cái mũi khoằm dài, mang mũ học giả trên vai. Vị tu sĩ ngồi xuống bên cạnh Đức Chokling và hỏi, “Con đang học biện chứng à?”. Ngài đáp, “Vâng, nhưng con chẳng hiểu gì”. Vị tu sĩ nói, “Chẳng có gì không thể được hiểu”. Ngài mở cuốn sách ngay chỗ mà Đức Chokling không hiểu. Ngài giải thích một lần và Đức Chokling lập tức hiểu ra. Chokling Rinpoche hỏi, “Ngài là ai?”. Vị kia đáp, “Ta được gọi là Kunga Gyaltsen”. Đức Chokling lập tức tỉnh giấc và nghĩ rằng, “Một giấc mơ thật tuyệt!”. Mở cuốn sách, Ngài thấy rằng nó giống như trong giấc mơ.

Chokling Rinpoche thích những quang cảnh đẹp đẽ. Một đêm, Ngài nằm mơ thấy Ekajati, vị nói rằng, “Ngài thích những quang cảnh hùng vĩ, tôi sẽ cho Ngài xem một thứ: không chỉ thế giới này mà toàn bộ tam thiên đại thiên thế giới”. Lấy một con dao, bà ấy phanh ngực. Bên trong là không gian bao la với nhiều vũ trụhệ thống thế giới vân tập như mây, vô cùng rõ ràng.

Ngài thấy Ekajati trong một giấc mơ khác, đứng dạng chân; trên đầu, bà ấy có kiềng ba chân và bát sọ với một Torma, bên trong, Đạo Sư Dewa Chenpo an trụ, tỏa ánh cầu vồng lấp lánh. Khi Ngài nhìn, Guru Rinpoche tan vào Torma và Torma tan vào Rakta trong bát sọ, thứ bắt đầu sôi sục. Ekajati lập tức lấy bát sọ, trao nó cho Đức Chokling và nói, “Hãy uống nó!”. Ngài uống và tỉnh lại, say đến mức không thể đứng dậy.

Một hôm, Dzongsar Khyentse Rinpoche nói với Ngài về một hòn đá đặc biệt của Ekajati, thứ có thể được tìm thấy ở một nơi nhất định. Tìm thấy nó, Ngài đã trao lại cho Dzongsar Khyentse Rinpoche.

Ngài Chokling Pema Gyurme từng đến một nghĩa địa cùng với Gona Tulku để tìm vài sọ người. Họ tìm kiếm nhiều tử thi và Đức Chokling lấy được một sọ. Ngài giấu nó dưới giường, nơi mà nó phát ra tiếng ồn và nảy lên suốt đêm. Vài ngày sau, Dzongsar Khyentse Rinpoche hỏi có phải Ngài đã tìm thấy một sọ mới. Nhận ra rằng Dzongsar Khyentse Rinpoche sở hữu những năng lực cao cấp, Ngài trả lời là đúng. Đức Khyentse bảo rằng, “Ta cần sọ đó!”.

Sau khi lưu lại Dzongsar một khoảng thời gian, Ngài trở về trụ xứ. Ngài phát triển thêm trung tâm nhập thất đang tồn tại. Tại trung tâm nghiên cứu của tu sĩ, Tsultrim Nyima là vị Khenpo đầu tiên. Sau khi ông ấy qua đời, vị Khenpo tiếp theo là Kuma Rinchen, kế đó là Khenpo Palden. Vị thứ tư, Khenpo Yeshe Rigdzin, bị người Trung Quốc tống giam cùng với Khenpo Palden.

Đức Chokling cũng thiết lập nhiều điện thờ với những đại diện về thân, khẩu và ý của Đức Phật. Chúng bao gồm một bức tượng Guru Rinpoche cao một tầng, làm từ vàng và đồng, và những bức tượng lớn bằng người thật của 25 đệ tử.

Sau này, Đức Neten Chokling Pema Gyurme trở thành một hành giả cư sĩ Mật thừa và kết hôn với con gái của gia đình Langtsang.

Trong đời, Đức Chokling Pema Gyurme đã ban nhiều quán đỉnh và trao truyền, chủ yếu là Tersar, điều mà Ngài đã trao bốn lần. Vào lần đầu tiên, Ngài ban cho 40 Lama vĩ đại, Tulku và nhiều người khác tại Tu viện Neten. Trong quán đỉnh Sampa Lhundrub, tất cả gần như ngất xỉu. Sau đấy, mọi người hỏi, “Chuyện gì đã xảy ra, sao lại thế?”. Các đệ tử của Ngài đều đã có những linh kiến khác nhau và khóc vì sùng mộ. Trong những vị hứa sẽ thực hành Kunsang Tuktig có nhiều người sau đó có thể di chuyển tự tại qua đá cứng.

Lần thứ hai Ngài ban Tersar là tại Tu viện Nyishen, nơi Ngài có nhiều đệ tử. Trong quán đỉnh Sampa Lhundrub, chư Bổn tôn trí tuệ hòa nhập vào nhiều người, khiến họ có thể nói được Phạn ngữ. Trong lúc chuẩn bị cho quán đỉnh Tseringma, Ngài nghe thấy âm thanh từ bát sọ và khi Ngài nhìn xem, cam lồ đang sôi. Trong làn khói sương, Ngài thấy năm chị em Tseringma, những vị đã chơi trống cầm tay trước khi tan vào cam lồ.

Đức Chokling đã cử hành nhiều lễ Drubchen ở Kham. Một lần, trong lễ Drubchen Pháp Dược, thuốc khô đặt trong bát sọ sau đó đã biến thành cam lồ. Khi những thí chủ của Ngài qua đời và Ngài cử hành lễ chuyển di thần thức từ khoảng cách một ngày đi bộ, đầu của tử thi co giật và vài sợi tóc trên đỉnh đầu bật ra. Tương tự với tính cách của Neten Chokling Rinpoche đời trước, Ngài uống rất nhiều và cũng hút thuốc. Người ta đồn rằng Ngài có nhiều bạn gái. Ngài cũng thích súng và bắn súng rất giỏi.

Lần nọ, trên đường đến Lhasa, Dzongsar Khyentse Rinpoche viếng thăm Tu viện Neten. Vì lợi lạc của giáo lýchúng sinh, Đức Khyentse ra lệnh cho Ngài Chokling xây dựng một ngôi chùa mới ở nơi được gọi là Kawading, nơi mà ngôi chùa được xây dựng vào thời vua Songtsen Gampo đã đổ nát. Cùng với nhiều người, Ngài bắt đầu Phật sự này.

Đức Dzongsar Khyentse thông báo với Chokling Rinpoche về một số chướng ngạiyêu cầu Ngài cử hành lễ Dokpa về Pháp tu Yamantaka của Terchen Chokgyur Lingpa để xua tan chúng. Ngài đã nhập thất tại động Tsegyal. Đầu tiên, Ngài đặt một Torma Dokpa trong bát sắt lớn. Sau khi trì tụng Yamantaka trong bảy ngày, Ngài lấy Dokpa ra và đặt nó trên một tảng đá lớn. Khi người ta nhìn xem vào sáng hôm sau, cả Dokpa và bát đều hoàn toàn biến mất. Vài ngày sau, Ngài tiến hành trì tụng trong ba ngày, đặt Dokpa trên đĩa đá. Nó lại biến mất. Ngài chờ thêm ba ngày và lại thực hành, lần này, đặt Dokpa trong một đĩa nhỏ và trì tụng trong một ngày. Lúc chạng vạng, Ngài ra lệnh cho Yamantaka một cách mãnh liệt và trái đất rung động. Động của Ngài rất sâu và từ sâu bên trong có một âm thanh thấp dài, giống như tiếng bò rống cùng với sự di chuyển của Torma. Torma bốc cháy bay về bầu trời phía Nam và biến mất cùng với âm thanh. Tất cả thị giả của Ngài đều chạy ra ngoài trong sợ hãi. Bên trong, Đức Chokling tiếp tục tán thán và đánh trống. Trong linh kiến của Ngài, hang động xuất hiện đầy chó chạy khắp nơi. Một con chó dữ với sọc lao đến Ngài Chokling và thả một quả tim vẫn đập vào lòng Ngài. Sáng hôm sau, mọi người thấy nhiều máu trên tảng đá nơi Torma được đặt.

Để xây dựng chùa Kawading, Đức Chokling phải đến Nangchen. Một đêm, đang ngủ trong lều, Ngài nằm mơ thấy một trong những người bạn gái của Ngài nói rằng, “Thời kỳ này không tốt. Đức Dzongsar Khyentse đã đến Ấn Độ và Ngài cũng cần đi”. Tỉnh giấc, Ngài lập tức ra lệnh, “Thắng yên ngay lập tức” và đến Tu viện Neten, nơi Ngài bảo vài thí chủ và bạn bè đặc biệt rằng họ cần đến Ấn Độ. Họ đã chuẩn bị trong bảy ngày và sau đó khởi hành đến Lhasa. Mọi người nghĩ rằng Ngài bị điên, “Ngài chỉ vừa mới bắt đầu xây dựng một Tu viện, dành tất cả của cải của những hóa thân đời trước và giờ thì lại rời đi!”. Đôi lúc, Ngài nói Ngài sẽ không trở lại. Dù thế nào, Ngài đã đi thẳng đến Lhasa, chỉ mang theo một bộ giáo lý Chokling Tersar đầy đủ. Ngài viếng thăm những địa điểm linh thiêng của Lhasa, chẳng hạn Samye. Đã từng đến Lhasa trước kia, Ngài không ở lại lâu mà đi thẳng đến Sikkim và gặp Đức Dzongsar Khyentse, người mà Ngài cúng dường bức tượng Tsedrub Dorje Trengwa cũng như những nghi lễ trường thọ. Chokling Rinpoche nói rằng, “Nếu Đức Dzongsar Khyentse nhập thất ba tháng, Ngài sẽ trụ thế 113 năm”. Không may thay, điều này đã không xảy ra. Đức Dzongsar Khyentse sau đấy trả lại bức tượng và nói, “Nó không giúp ích cho đời này”. Kế đó, Chokling Rinpoche đi hành hươngẤn Độ và Nepal trước khi trở lại Sikkim. Là Pháp sư của hoàng gia, Ngài đã cử hành nhiều nghi lễ hỗ trợ.

Về sau, Dzongsar Khyentse Rinpoche qua đời và để hoàn thành những mong ước của đạo sư, Đức Chokling Pema Gyurme đã thực hiện một chuyến hành hương khác. Ở Nepal, nhiều hành giả Chokling Tersar thỉnh mời Ngài đến Nubri. Trên đường, Ngài đã ban Chokling Tersar cho hơn 200 Tăng và Ni tại Thar Drupche. Tại Tu viện Ru ở Nubri, Ngài ban Chokling Tersar cho hơn 500 người. Ngài cũng cử hành lễ Drubchen Tukdrub Barchey Kunsel và ban giảng giải cho Lamrim Yeshe Nyingpo. Mọi người kinh ngạc trước sự uyên bác của Ngài và những giáo lý của Ngài quá sâu xa nên đa số chẳng thể lĩnh hội.

Trở về Ấn Độ, Chokling Rinpoche gặp Ngài Karmapa ở House Khas, Delhi. Đức Karmapa bảo Ngài thành lập một trung tâmẤn Độ và trao cho Ngài nhiều lời khuyên. Sau đấy, Ngài đến Tso Pema và thành lập Padma Ewam Chogar, nơi Ngài cũng cử hành một lễ Drubchen. Ngài đã du hành đến nhiều nơi, cử hành Drubchen với đại chúng đông đảo.

Thời thanh niên, Đức Chokling có nhiều giấc mơ, trong đó, một người đàn ông mặc lá cây và vươn ra những cánh tay dài. Ngài từng hỏi tên và ông ấy nói rằng ông ấy là Shenpa, một trong những Hộ Pháp của Phổ Ba. Shenpa nói, “Trong tương lai, tôi sẽ cho Ngài một nơi ở Ấn Độ”. Về sau, với sự giúp đỡ từ nước ngoài, Ngài đã mua được một mảnh đất ở Bir. Ngài tiến hành các hoạt động xã hội để giúp đỡ người Tây Tạng nghèo khó. Hơn 1000 người, chủ yếu từ Derge và Nangchen, sống ở Bir, nơi Ngài xây nhà cho gần 300 gia đình. Ngài cũng bắt đầu xây dựng một Tu viện Neten thứ hai ở Ấn Độ, tên là Tenchok Gyurme Ling.

Cùng với Đức Karmapa, Khamtrul Rinpoche, Penor Rinpoche, Dzongnor Rinpoche, Kathok Ongtrul, những Lama khác và các thủ lĩnh Khampa, Ngài Chokling thành lập Hội Phúc Lợi Tây Tạng để giúp đỡ những người lưu vong nghèo khổ. Ngài trực tiếp giao thiệp với Chính Quyền Ấn Độ cũng như những hội cứu trợ nước ngoài. Vài quan chức cấp cao ở Hiệp Hội Hợp Tác Trung Ương Tây Tạng không vui về điều đó; vì thế, Ngài gặp phải một chút bất hòa với nhóm này.

Đức Chokling Pema Gyurme đã phát lộ nhiều giáo lý Terma và từ thuở nhỏ, đã có nhiều linh kiến về Núi Màu Đồng. Các chú thích về những linh kiến này đã bị thất lạc ở Tây Tạng. Từ Yegyal Namkhadzo, Ngài tìm thấy Khandro Gongdu Nyingpo. Tương tự, ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ngài có linh kiến về Senge Dongma và thọ nhận một Terma phi phàm. Tại Tso Pema, Ngài có nhiều linh kiến về Guru Rinpoche và thọ nhận những giáo lý về cách thức cầu khẩn chư Hộ Pháp của Tso Pema.

Ngài từng đi đến Varanasi cùng Khamtrul Rinpoche và hai vị ở trong một ngôi nhà gỗ một tầng. Buổi trưa, mọi người chợp mắt trong cái nóng khủng khiếp. Cảm thấy cần phải ra ngoài, Đức Chokling đứng dậy. Không rõ cách mà Ngài đã đến đó nhưng Ngài thấy bản thân trong một khu rừng, đang trò chuyện với một Atsara tôn quý, mặc áo da hổ. Vị ấy chính là Guru Rinpoche. Trao vài lời khuyên, những lời cuối cùng của Guru Rinpoche là: “Hẹn sớm gặp lại con!”. Đức Chokling quay đầu trở về, bước hai hay ba bước. Sau đấy, vẫn còn vài câu hỏi, Ngài nhìn quanh nhưng chẳng thấy người đàn ông đâu. Ngài lập tức cảm thấy như thể Ngài tỉnh dậy và thấy bản thân trong vườn nai ở Varanasi. Ngài không mang giày, đã đi thẳng từ giường. Ngài đã gặp rắc rối khi quay trở về.

Đức Chokling đã cử hành nhiều lễ Drubchen ở Bir. Năm 47 tuổi, Ngài gặp tai nạn trên đường từ Delhi và bất tỉnh vì nứt sọ. Sau đó, Ngài tỉnh lại, thở một hơi dài và qua đời. Đó là ngày 19 tháng 12. Không ai biết rằng Ngài đã để lại một bức thư khai thị. Dilgo Khyentse Rinpoche, Khamtrul Rinpoche, vị tái sinh của Đức Dzongsar Khyentse Chokyi Lodro, Dzongnor Rinpoche và những vị khác được thỉnh mời đến cử hành lễ trà tỳ. Một bảo tháp vàng, với ngọc báu và nhiều kim loại quý khác, được làm để tưởng nhớ Ngài. Nó lưu giữ xá lợi của Ngài và được đặt trong ngôi chùa ở Bir.

NETEN CHOKLING THỨ TƯ

Vị tái sinh của Ngài, Neten Chokling Rinpoche thứ tư, được công nhận bởi cả Đức Karmapa và Dilgo Khyentse Rinpoche. Sinh vào ngày mười tháng Tám trong một gia đình nghèo ở Bhutan, Ngài được Đức Karmapa đặt Pháp danh là Gyurme Dorje. Lên bảy tuổi, Ngài được đưa đến Tu viện ở Bir và tấn phong bởi Khyentse Rinpoche ở Clement Town tại Tu viện [Mindrolling] Ngedon Gatsal Ling. Trước khi đến Tu viện gốc, Ngài đã được tấn phong ở Rumtek dưới sự chủ trì của Đức Karmapa. Ngài đã thọ nhận các trao truyền Kangyur, Nyingma Gyubum, Nyingma Kama, Rinchen Terdzo và Chokling Tersar cũng như nhiều giáo lý khác từ Khyentse Rinpoche. Mọi người kể nhiều chuyện về Ngài, chẳng hạn Ngài đã để lại dấu chân trên đá, nhưng tôi chưa từng thấy chúng.

LỜI KẾT

Bởi tôi đã được yêu cầu kể về cuộc đời của Tổ Chokgyur Lingpa và đôi điều về những giáo lý của Ngài, năm chương này chứa đựng câu chuyện cuộc đời của Terchen Chokgyur Lingpa, những linh kiến, các giáo lý, những miêu tả ngắn gọn về các hậu duệ của Ngài, cũng như tiểu sử của các dòng truyền thừa tái sinh của hai Tu viện. Ở đây, tôi đã nói mọi thứ rất ngắn gọn và tự tại. Ngày tháng hay trình tự có thể không chính xác, nhưng đây là điều mà tôi đã nghe được. Bên cạnh tiểu sử của Chokling Terchen, không tác phẩm nào về những chủ đề này tồn tại.

Tashi Delek

Orgyen Tobgyal

 

Vào ngày 21 tháng 5 năm 1983, tôi đã kể lại cuộc đời của Chokling Terchen và những điều khác tại Chanteloube, nước Pháp. Tulku Jigmey [Khyentse] đã dịch sang Anh ngữ trong khi nó được ghi âm. Sau đó, tôi đã mở rộng và chỉnh sửa điều được ghi âm và điều này được chuyển dịch bởi Erik Pema Kunsang và ghi chép lại với sự giúp đỡ của nhiều Pháp hữu.

Bản này đã được hoàn thành trong lễ Drubchen Bạch Vô Lượng Thọ đầu tiên [theo truyền thống] của Tổ Chokgyur Lingpa vào ngày 12 tháng 2 năm 1984 và sau đó được Judith Amtzis chỉnh sửa tại Tu viện Ka-Nying Shedrub Ling, Nepal.

Cuốn sách này đã được Richard Arthure chỉnh sửa lại vào ngày 30 tháng 10 năm 1997 tại Ka-Nying Shedrub Ling, với mong ước rằng truyền thống và các giáo lý của Tổ Chokgyur Dechen Lingpa sẽ lan rộng và tiếp tục đem đến lợi lạc cho vô số chúng sinh.

Ấn bản mới này được chỉnh sửa bởi Michael Tweed tại Sky Canyon, Leggett Ca, tháng 10 năm 2000.

Pema Jyana (Liên Hoa Trí) chuyển dịch Việt ngữ.



[1] Theo Rigpawiki, Orgyen Tobgyal Rinpoche sinh năm 1951 ở Nangchen, Kham, miền Đông Tây Tạng. Ngài là con trai của Neten Chokling Rinpoche đời thứ 3. Mặc dù Ngài nổi tiếng là Gyalchen Tulku, hóa thân hoạt động của Tổ Taksham Nuden Dorje, Ngài không được chính thức công nhận là một vị tulku – đạo sư tái sinh – khi còn trẻ, bởi người ta nói rằng điều này sẽ gây ra nhiều chướng ngại cho cuộc đời Ngài. Ngài là anh trai của Khyentse Yeshe Rinpoche – Jamyang Gyaltsen và Dzigar Kongtrul Rinpoche và được trìu mến gọi là Abu Rinpoche (Abu nghĩa là anh trai trong phương ngôn vùng Kham).

[2] Năm 1829.

[3] Vairotsana gặp vấn đề với một vị hoàng hậu của Vua Trisong Deutsen. Lúc ấy, Vairotsana đang trao truyền giáo lý cho đức vua. Vị hoàng hậu này liên tục gây chướng ngại. Vairotsana đã cầu nguyện chư Hộ Pháp giúp xoa dịu hoàng hậu. Kết quả, bà ấy bị đau đầu trong sáu tháng. Vairotsana đã hoàn thành việc trao truyền. Tuy nhiên, vẫn có vài nghiệp còn dư sót. Khi tái sinh làm Jamgon Kongtrul, Ngài đã mắc phải căn bệnh đặc biệt này.

[4] Một hình tướng của Kim Cương Thủ.

[5] Đây là Lời Nguyện Kim Cương Giới nổi tiếng, đôi khi được gọi là Urgyen Soldeb.

[6] Theo Rigpawiki, Dokpa là một thực hành nhằm xua tan hay đẩy lùi nguy hại và tiêu cực.

[7] Dupeydo (‘dus pa’i mdo) là bản văn chính yếu của Anu Yoga. Gyutrul (sgyu ‘phrul) là bản văn chính yếu của Mật điển Maha Yoga. Semdey (sems sde) là Phần Tâm của Đại Viên Mãn Ati Yoga và trong trường hợp này cũng ban gồm hai phần khác: Longdey (klong sde) – Phần Hư Không và Men-ngak Dey (man ngag sde) – Phần Chỉ Dẫn.

[8] Vị Tulku của Tsangsar Ngaktrin.

[9] Vị Tulku của Tsangsar Sonam Yeshe.

[10] Vị Tulku của Gegyal Sertsa Gon.

[11] Vị Tulku của Tersey Tsewang Drakpa.

[12] Theo Rigpawiki, vị tái sinh của Ngài – Urgyen Jigme Rabsel Dawa, sinh năm 2001 và được Đức Trulshik Rinpoche công nhậnchính thức tấn phong ở Tu viện Ka-Nying Shedrub Ling vào năm 2008.

[13] Cha của tác giả.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Năm 2015(Xem: 5442)
12 Tháng Năm 2015(Xem: 9374)
Để làm cuộc đời ta đầy ý nghĩa, ta cần một thực hành tâm linh. Trước hết, tôi sẽ đưa ra lời khuyên cho những ai không theo bất kỳ con đường tâm linh nào, sau đó cho những người đang ở trên con đường tu tập.
05 Tháng Năm 2015(Xem: 8976)
Trong Phật giáo Mật tông Tây tạng có nhiều pháp môn tu tập để đưa hành giả đến Tự chứng ngộ Phật tánh của mình. Được xếp hàng cao nhất trong tất cả các pháp môn đó là Đại Thủ Ấn (Mahāmudrā) của phái Khẩu Truyền (Kargyu) và Đại Hoàn Thiện (Dzogchen hay Ati-yoga) của phái Cổ Mật (Nyingma).
02 Tháng Năm 2015(Xem: 11912)
Giới là một hình thức vi tế không thấy trong sự tương tục tinh thần, là thứ hình thành thái độ. Một cách đặc biệt, nó là một sự kềm chế khỏi "một hành vi lỗi lầm", hoặc là một thứ tiêu cực một cách tự nhiên hay một việc mà Đức Phật ngăn cấm cho những cá nhân đặc thù đang tu tập để đạt đến những mục tiêu đặc biệt.
22 Tháng Tư 2015(Xem: 5844)
Pháp Luyện Tâm, hay lojong (blo sbyong), theo nguyên văn có nghĩa là “luyện tập hay tịnh hóa tâm”. Nó đề cập đến các pháp thiền quán mà ta áp dụng để tịnh hóa tâm, cũng như loại sách diễn tả những pháp tu này.
05 Tháng Tư 2015(Xem: 6405)
Mật thừa, theo ngài Tsong Khapa, là đạo lộ dành cho những hành giả có căn tánh Đại thừa thù thắng, do lòng đại bi muốn mau lẹ thành Phật độ thoát chúng sanh nên phát tâm dấn thân vào đạo lộ tu tập phương tiện viên mãn thâm sâu này. Dòng truyền thừa Mật pháp được truyền từ Ấn độ đến Nepal, Tây tạng, Trung quốc, rồi từ những quốc gia này kiện toàn thành những tông phái và truyền sang các quốc gia khác như Đại hàn, Mông cổ, Nhật bản, Việt nam, v.v…
04 Tháng Tư 2015(Xem: 8186)
Thượng sư Tsong Khapa, trong cuộc đời hoằng pháp, đã sáng tác nhiều tác phẩm rất giá trị, thế nhưng trong tất cả những sáng tác đó, chỉ có hai tác phẩm tiêu biểu được xem là vĩ đại nhất:
01 Tháng Tư 2015(Xem: 5989)
Ngài Tịch Thiên (Shantideva) là một trong những vị luận sư lỗi lạc nhất của thời kỳ sau trong quá trình phát triển tông phái Đại thừa, tác giả của bộ luận quan trọng là Nhập Bồ-tát hạnh.