Tổ thứ 8: TÔN GIẢ PHẬT-ĐÀ-NAN-ĐỀ

23 Tháng Bảy 201416:39(Xem: 3990)
PHẬT TỔ ĐẠO ẢNH
Hư Vân Lão Hòa Thượng kết tập
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật

Tổ thứ 8TÔN GIẢ PHẬT-ĐÀ-NAN-ĐỀ

 

 

Tổ thứ 8Tôn giả, Ca-Ma-La quốc nhân dã. Đỉnh hữu nhục kế, biện tài vô ngại. Sơ kiến Thất Tổ luận nghĩa, Tổ viết : “Nhân giả ! Luận tức bất nghĩa, nghĩa tức bất luận. Nhược nghĩ luận nghĩa, chung phi nghĩa luận.” Tôn giả tri Tổ nghĩa thắng, tâm tức khâm phục, viết : “Ngô nguyện cầu đạo, triêm cam lồ vị.” Tổ toại dữ thế độ thọ cụ, phó dĩ Đại Pháp, kệ viết : 

Tâm đồng hư không giới

Thị đẳng hư không pháp

Chứng đắc hư không thời

Vô thị vô phi pháp[1] 

Tôn giả đắc pháp dĩ, lãnh chúng hành hóa chí Đề-Già quốc, chuyển phó pháp ư Phục-Đà-Mật-Đa, tức hiện thần biến, khước phục bổn tòa, đoan nhiên thị tịch. Nhĩ thời chúng kiến bảo tháp, táng kỳ toàn thân.

 

Dịch :

 

Tôn giả là người nước Ca-Ma-La. Tôn giả có một cục thịt nổi lên trên đỉnh đầu, có tài biện luận lưu loát. Lần đầu gặp Tổ thứ bảy, tôn giả đến luận bàn về nghĩa lý. Tổ nói: “Nầy nhân giả ! Luận tức chẳng phải nghĩa, nghĩa tức chẳng phải luận. Nếu (suy) tính luận nghĩa thì trọn chẳng phải nghĩa luận.” Tôn giả biết rằng lý của Tổ cao vời, khởi lòng khâm phục, thưa rằng: “Con nguyện cầu đạo để được thưởng thức vị cam lồ.” Tổ bèn cho cắt tóc xuất gia thọ giới Cụ túc. Tổ truyền pháp và đọc kệ rằng : 

Tâm đồng với hư không

Chỉ cho pháp hư không

Khi đã chứng hư không

Hết pháp phi và thị 

Được pháp rồi, tôn giả lãnh các đệ tử đi du hóa. Đến nước Đề-Già thì truyền pháp lại cho Phục-Đà-Mật-Đa, xong hiện thần thông biến hóa, rồi trở lại chỗ cũ, ngồi ngay thị tịch. Lúc bấy giờ đồ chúng xây bảo tháp rồi an táng toàn thân trong đó. 

 

Tán viết :

Luận tức phi nghĩa

Nhất ngữ tiện liễu

Khuếch triệt linh nguyên

Tản khước trân bảo

Cam lồ môn khai

Tam canh nhật cảo

Kim chi cổ chi

Thanh quang kiểu kiểu.[2]

 

Dịch :

Luận tức chẳng phải nghĩa

Một lời liền khai ngộ

Quán triệt tới ngọn nguồn

Gạt mọi thứ quý giá

Cửa cam lồ rộng mở

Canh ba tợ trời sáng

Từ xưa cho đến nay

Thanh tịnh rực rỡ sang

 (Tuyên Hóa Thượng Nhân) 

 

Hoặc thuyết kệ viết :

 

Đỉnh sinh nhục kế thị chân nguyên

Tùy hình tướng hảo nguyện lực kiên

Vô ngại biện tài thâm bát nhã

Đại khai viên giải nghĩa luận huyền

Tâm đồng hư không siêu pháp giới

Lượng bao vũ trụ nhập vi tiên

Tức hiện thần biến hoàn bổn tọa

Tam canh cảo nhật tự minh thiên[3]

 (Tuyên Hóa Thượng Nhân tác)

 

Dịch :

Đỉnh đầu nhục kế rõ căn nguyên

Tướng tốt dáng hình nguyện lực kiên

Biện luận tài cao thâm bát nhã

Diễn đàn nghị luận nghĩa diệu huyền

Tâm đồng hư không siêu pháp giới

Lớn sánh trời đất, nhỏ vi trần

Hiện đủ thần thông về chỗ cũ

Mặt trời như mọc giữa đêm đen

  (Tuyên Hóa Thượng Nhân)

 

Giảng:

 

Tôn giả, Ca-Ma-La quốc nhân dã: Tổ thứ 8, Phật-Đà-Nan-Đề là người nước Ca-Ma-La, xứ Ấn-Độ. 

Đỉnh hữu nhục kế, biện tài vô ngại: Ngày tôn giả sanh ra đời, trên đỉnh đầu có một cục thịt, như chúng ta thấy trên hình tượng của ngài có một cục nổi lên trên chóp đầu. Ngài có tài biện luận, ai tranh luận với ngài cũng đều bị thua. 

Sơ kiến Thất Tổ luận nghĩa: Lần đầu tiên gặp tổ Bà-Tu-Mật, tôn giả tới để luận bàn nghĩa lý với Tổ. Đây là nói cái “nghĩa” ngoài “lời”, chẳng phải là “nghĩa luận”. 

Tổ viết: “Nhân giả! Luận tức bất nghĩa, nghĩa tức bất luận. Nhược nghĩ luận nghĩa, chung phi nghĩa luận.”: Tổ nói: “Nầy, nhân giả! Lý luận chẳng phải là chân nghĩa. ‘Nghĩa tức chẳng luận’, khi ta đã có chân nghĩa thì chẳng thể lý luận được. Nếu tính ‘luận nghĩa’, tức là mang chân lý ra luận bàn, chẳng hạn như khi ta khởi lên ý nghĩ nghiên cứu cái chân nghĩa, thì đó chẳng phải là chân lý. Nói ‘nghĩa’ là nói chân lý đích thực. 

Tôn giả tri Tổ nghĩa thắng, tâm tức khâm phục : Tôn giả biết nghĩa lý của Tổ cao vời vợi, vượt trội hơn mình, bởi cái “nghĩa” chân chánh đó không thể nói ra được, nên trong lòng cảm thấy bội phục vô cùng… viết : ‘Ngô nguyện cầu đạo, triêm cam lồ vị.” : mới thưa lại rằng: “Con xin nguyện theo Tổ cầu đạo đặng thưởng thức mùi vị cam lồ.” 

Tổ toại dữ thế độ thọ cụ, phó dĩ Đại Pháp, kệ viết : Tổ bèn cho cắt tóc xuất gia thọ giới Cụ túc, truyền cho pháp lớn tâm ấn, đọc kệ rằng: 

Tâm đồng hư không giới, thị đẳng hư không pháp: Tâm và hư không đồng một thể, nay ta chỉ cho ngươi cái pháp hư không đó. 

Chứng đắc hư không thời, vô thị vô phi pháp: Khi ngươi đã chứng được cái cảnh giới của hư không rồi thì đó là pháp “vô thị vô phi”, cái pháp mà chẳng còn cái nghĩa nào để bàn luận cả. 

Tôn giả đắc pháp dĩ, lãnh chúng hành hóa chí Đề-Già quốc, chuyển phó pháp ư Phục-Đà-Mật-Đa: Sau khi tôn giả được pháp, ngài lãnh các đệ tử đi du hóa các nơi. Khi đến nước Đề-Già, tôn giả truyền pháp tâm ấn lại cho vị tổ thứ 7 là Phục-Đà-Mật-Đa (Buddhamitra). 

Tức hiện thần biến, khước phục bổn tòa, đoan nhiên thị tịch: Sau đó, ngài liền thị hiện thần thông biến hóa, bay thân lên không, hiện ra mười tám phép biến, rồi trở về chỗ ngồi mà an nhiên thị tịch. 

Nhĩ thời chúng kiến bảo tháp, táng kỳ toàn thân: Lúc đó các đệ tử xây bảo tháp để an táng toàn thân ngài

 

Bài Tán : 

Luận tức phi nghĩa, nhất ngữ tiện liễu: Chân lý mà mang ra luận bàn hoặc tìm hiểu thì không phải là nghĩa của nó. Ngay khiTổ thứ 7 nói ra câu này, thì tổ thứ 8 liền khai ngộ. 

Khuếch triệt linh nguyên, tản khước trân bảo: Khi đã quán triệt được bổn lai diện mục, nghĩa là đã khai ngộ rồi thì các thứ của quý chẳng cần thiết nữa. 

Cam lồ môn khai, tam canh nhật cảo: Canh ba là lúc nửa đêm, mà trời đã sáng. Điều này ngụ ý rằng khi pháp môn cam lồ đã khai mở hành giả sẽ tỏa sáng từ trong tăm tối, giống như giữa đêm khuya mà trời hừng sáng. 

Kim chi cổ chi, thanh quang kiểu kiểu: Ngày nay như vậy, ngày xưa cũng vậy, thứ ánh sáng thanh tịnh đó, rực rỡ vô cùng!  

 

Bài kệ : 

Lại có người (Hòa Thượng nói chính mình) muốn kiếm thêm chuyện, làm bài kệ thô thiển như sau: 

Đỉnh sinh nhục kế thị chân nguyên: Cục thịt trên đỉnh đầu cho biết lai lịch người đó chẳng phải là tầm thường, vì gốc gác là từ chỗ Phật mà đến. 

Tùy hình tướng hảo nguyện lực kiên: Tướng tốt ở đây là nói cục thịt trên đỉnh đầu, một trong ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Nguyện lực thì kiên cường, bởi lời nguyện đã phát ra từ kiếp xưa vẫn luôn luôn giữ vững, không thay đổi. 

Vô ngại biện tài thâm bát nhã: Ngài có tài biện luận không bị ngăn ngại và có trí huệ thâm sâu. 

Đại khai viên giải nghĩa luận huyền: Một sự kỳ diệu diễn ra là có một cuộc nghị luận giữa tôn giả và Tổ thứ 7. Tổ nói luận là chẳng phải nghĩa, nghĩa là chẳng phải luận, suy diễn nghĩ bàn là chẳng phải nghĩa. Mấy chữ “nghĩa luận huyền” tức là ý này, rất là huyền diệu. 

Tâm đồng hư không siêu pháp giới: Cái tâm mà rỗng rang như hư không thì nó lớn lắm, vượt ra ngoài cả pháp giới. 

Lượng bao vũ trụ nhập vi tiên: Tâm lượng lớn bao trùm hết vũ trụ, lại cũng có thể thu gọn trong một hạt bụi nhỏ. Đây là lấy ý trong Kinh Hoa Nghiêm, nghĩa là đi vào cảnh giới của một vi trần, một hạt bụi nhỏ, trong cái nhỏ hiện ra tướng lớn, trong cái lớn hiện ra tướng nhỏ. Trong ba chử “nhập vi tiên” có chữ “tiên” dùng để giữ âm vận cho bài kệ. 

Tức hiện thần biến hoàn bản tọa: Tôn giả tức thời hiện thần thông biến hóa, sau đó lại trở về chỗ ngồi. 

Tam canh cảo nhật tự minh thiên: Tuy lúc đó là canh ba mà giống như lúc mặt trời mọc. “Tự” có nghĩa là tương tợ chớ thực ra lúc ấy trời chưa sáng.

 

 Thượng Nhân Tuyên Hóa giảng ngày mồng 1 tháng 3 năm 1978.


[1] 「心同虛空界,示等虛空法;證得虛空時,無是無非法。」

 

[2]論即非義 一語便了 廓徹靈源 撒卻珍寶
甘露門開 三更日杲 今之古之 清光皎皎

[3]頂生肉髻示真源 隨形相好願力堅
無礙辯才深般若 大開圓解義論玄
心同虛空超法界 量包宇宙入微先
即現神變還本座 三更杲日似明天

 



Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 7317)
Đây là bài nhận định tổng hợp của giáo sư Heinz Bechert, tóm tắt 21 bài viết đăng trong tuyển tập When Did the Buddha Live? được chính giáo sư làm tổng biên tập. Bài tóm tắt vô cùng công phu này đã đặt lại các vấn đề biên niên sử Tích Lan, Ấn Độ và các nước Phật giáo có liên hệ về cách tính niên đại của đức Phật.
07 Tháng Sáu 2015(Xem: 7157)
Mặc dù đã 2500 năm trôi qua, nhờ có Đức Phật, chúng ta đã hưởng được nhiều phước lợi qua sự cao cả, cùng sự vĩ đại của ngài về lòng từ bi, sự trí tuệ, và lòng trong sạch. Chúng ta còn đợi chờ thêm điều gì nữa?
01 Tháng Sáu 2015(Xem: 6789)
Bất cứ một tư tưởng triết học nào cũng đều chịu ảnh hưởng của bối cảnh xã hội, của nền văn hoá và của những tư tưởng triết học khác. Từ đó, tư tưởng của một triết gia có khi chịu ảnh hưởng của những người đi trước hoặc đương thời mà phát triển và quảng diễn thêm, nhưng cũng có khi phản kháng lại, hoặc phê bình để đi đến chỗ toàn thiện, hoặc để bênh vực cho tư tưởng của mình.
26 Tháng Năm 2015(Xem: 5434)
Con người sống qui tụ lại thành một xã hội, và phát triển tập thể này rộng lớn dần dần thành một quốc gia. Mỗi cá nhân trong tập thể đó không thể tự sống riêng mà cũng không thể có tự do hoàn toàn để muốn làm gì thì làm. Cá nhân trong tập thể phải tuân theo một số qui luật mà tập thể đưa ra để lấy nó làm tiêu chuẩn hướng dẩn đời sống của mình, và chính những tiêu chuẩn sống này sẽ giúp cá nhân hòa hợp được giữa cá nhân mình với người khác sống trong cùng một xã hội.
22 Tháng Năm 2015(Xem: 8317)
Có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo được du nhập một cách hài hoà vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai ngả giao thương với các nhà buôn Ấn Độ bằng đường thủy và giao lưu văn hoá với Trung Hoa bằng đường bộ.
01 Tháng Giêng 2015(Xem: 6804)
Sự khởi nguyên của Phật giáo Đại Thừa (Mahāyāna Buddhism) bị bao phủ trong bức màng quá khứ xa xôi, mãi ẩn khuất trong những tài liệu khảo cổ và những áng văn chương đã bị thất lạc. Nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo vẫn duy trì quan điểm rằng Phật giáo Đại Thừa bắt nguồn từ Đại Chúng Bộ (Mahāsāṁghika School).
07 Tháng Mười Một 2014(Xem: 14419)
Biểu đồ I.1: Thiền tông Ấn Độ Biểu đồ I.2: Thiền Ấn Độ Đến Trung Quốc Biểu đồ I.3: Thiền Trung Quốc – Huệ Năng và Môn Đệ Biểu đồ II.1: Dòng Mã Tổ Biểu đồ II.2: Dòng Mã Tổ Biểu đồ III.1: Tông Tào Động Biểu đồ IV.1: Tông Lâm Tế Biểu đồ IV.3: Dòng Lâm Tế – Viên Ngộ Biểu đồ V: Tông Vân Môn & Pháp Nhãn