- Ni trưởng Mahā Pajāpatī Gotamī (Vị Ni trưởng thánh hạnh và gương mẫu)
- Tỳ-khưu-ni Yasodharā (Bậc đại thần thông)
- Thánh nữ Visākhā (Nữ đại thí chủ)
- Tỳ-khưu-ni Khemā (Trí tuệ đệ nhất)
- Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā (Cô gái hoa sen)
- Hoàng hậu Sāmāvatī hiền đức và pháp sư thị nữ Khujjuttarā lưng gù
- Tỳ-khưu-ni Dhammadinnā (Thuyết pháp đệ nhất)
- Nữ Thánh đệ tử Uttarā và cô kỹ nữ Sirimā
- Tỳ-khưu-ni Bhaddā Kuṇḍalakesā (Nữ đạo sĩ tóc quăn biện tài)
- Tỳ-khưu-ni Paṭācārā (Đệ nhất thông Luật)
- Tỳ-khưu-ni Ambapālī (Hoàng hậu kỹ nữ)
- Tỳ-khưu-ni Kisā-Gotamī (Đệ nhất mặc y thô tháo)
- Hoàng hậu Mallikā (Cận sự nữ xuất sắc)
- Cận sự nữ Suppiyā (Cúng dường thịt đùi)
- Mẹ Mātikagama! (Người hộ độ tuyệt vời)
- Tỳ-khưu-ni Subhā (Người cho con mắt đẹp)
- Hoàng hậu Mahāmāyā (Phật mẫu)
- Puṇṇikā (Cô gái nô lệ đội nước)1- Phụ lục: Chuyện tỳ khưu Dasaka
- Cô con gái người thợ dệt (Vào dòng trước khi chết) - Phụ lục: Tùy niệm sự chết
- Cô bé Puṇṇā & nàng Sujātā (Cúng dường vi diệu)
- Tỳ-khưu-ni Prakirti (Cô gái hạ tiện yêu đại đức Ānanda)
Nhà Xuất Bản Văn Học
Đệ tử Chánh Trí diễn đọc
Hoàng hậu Mallikā
(Cận sự nữ xuất sắc)
Hôm ấy, đức Phật đón tiếp bà Mallikā, là chánh hậu của đức vua Pāsenadi (Ba-tư-nặc), và ngài đã biết rõ về người phụ nữ ấy. Cô ta vốn là con gái của một ông chủ cửa hàng làm tràng hoa. Có lần cô ta đặt bát cho đức Phật một món cháo với tâm hoan hỷ, khuôn mặt rạng rỡ, ngài đã nói với tôn giả Ānanda bên cạnh rằng: “Cô gái này, sau này sẽ trở thành chánh hậu của đức vua Pāsenadi nước Kosala đấy”. Và quả thật vậy, trong một lần thất trận, quân binh tan rã1, đức vua một mình một ngựa đi lạc vào vườn hoa của một cô gái. Mallikā lúc ấy mới mười sáu tuổi, cô đâu có biết đấy là ông vua; chỉ thấy một vị tướng quân rã rời, mệt mỏi nên cô đã tận tình
1 Ở đây cần một ghi chú: Rất nhiều tư liệu nói đây là trận chiến mà ông thất trận với đức vua Ạjātasattu, là cháu của ông. Tuy nhiên, chúng ta nên để ý là khi thấy cháu mình vô lương tâm giết cha để soán ngôi, lại còn (bằng cách) đày vua cha Bimbisāra vào ngục tối và bỏ đói, đức vua Pāsenadi mới tức giận, mang quân trừng phạt cháu, nhưng ông bị thua. Việc này chỉ xảy ra khi ông đã già, đã trên bảy mươi tuổi, ít năm sau là mất khi bị soán đoạt binh quyền. Nếu đức vua gặp cô gái làm tràng hoa, Mallikā, sau lần thất trận này thì giải thích làm sao, bà Mallikā đã phụ tá cho ông trong nhiều lãnh vực, khi ông sức cường, lực tráng, uy danh hiển hách cầm quyền trị nước, lại có một thời gian dài cùng với đức vua hộ độ đức Phật và Tăng chúng? Lại có một cô con gái đã khá lớn nữa?
chăm sóc cái ăn, cái uống một cách tự nhiên và vui vẻ. Bị hấp dẫn bởi giọng nói thanh tao, tiếng cười hồn nhiên và ánh mắt, và bàn tay dịu dàng của cô gái làm tràng hoa, khi về triều, đức vua đã tổ chức một cuộc đón rước trọng thể cô ta vào cung, phong làm chánh hậu.
Đức Phật biết bà được đức vua Pāsenadī rất thương yêu và quý trọng; nhưng ngài lại lựa chọn cách đón tiếp rất giản dị là ở giữa vườn cây.
Sau khi chào hỏi xã giao, bà ngồi trên chiếc ghế thấp đã được soạn sẵn, hỏi đức Phật quan niệm như thế nào về hạnh phúc đời người; và quả thật có hạnh phúc thật sự trên cuộc đời này không?
- Nó có đấy, thưa lệnh bà! Đức Phật nói – nhưng theo Như Lai biết và thấy thì nó bấp bênh, chông chênh, giả tạm, thoáng có, thoáng mất, thay đổi, biến hoại... đúng như tính chất của Pháp!
- Pháp, tính chất của pháp, từ này tôi chưa nắm bắt được ngữ nghĩa của nó, thưa đức Thế Tôn!
“Pháp” - thế là đức Phật bắt đầu giảng nói về bản chất của tất cả pháp hữu vi, bất cứ cái gì được cấu tạo, kết hợp đều chịu chung định luật vô thường, không có tự tính, không có ngã tính như thế nào! Ngay cả các quan niệm, ý nghĩ, cả các trạng thái tâm lý như buồn vui, thương ghét, khổ lạc cũng chịu chung định luật ấy, nên nó đưa đến dukkha! Rồi đức Phật thuyết rõ cho bà nghe về dukkha, khổ đế, nó chi phối tất thảy chúng sanh trong ba giới, bốn loài... như thế nào!
Buổi gặp gỡ đầu tiên là như vậy. Vài ba hôm sau, bà chánh hậu Mallikā lại đến Kỳ Viên, và lúc nào cũng chỉ vài thị nữ theo hầu. Lần này, đức Phật chưa thuyết về nguyên nhân dukkha (tập đế), mà ngài nói đến các cảnh trời, thuận thứ những cái gọi là “hạnh phúc” từ thấp lên cao, nhân và quả, tâm và cảnh như thế nào. Buổi khác, đức Phật lại thiện xảo mở ra cảnh giới cao hơn, về những chúng sanh xem các dục vật chất là hạ liệt, thấp kém; họ đã tu tập và thành tựu những hạnh phúc tinh thần, cao hơn hạnh phúc vật chất không biết bao nhiêu mà kể...
Thấy căn trí và duyên với bà chánh hậu có thể bước cao hơn, đức Phật nói đến những hạnh phúc của các cõi trời vô sắc, là những hạnh phúc rất thanh lương, rất vi tế mà mọi người trên cõi đời này không thể quan niệm, khái niệm về nó được. Tuy nhiên, cả ba cõi ấy vẫn còn trầm luân, sanh tử. Cứu cánh giáo pháp của Như Lai là giải thoát tất thảy mọi ràng buộc trong ba cõi. Và muốn tu tập thì phải có chánh kiến như thế nào, lộ trình như thế nào. Đến đây, đức Phật mới giảng rộng về tập đế và con đường tu tập (đạo đế), để chấm dứt tất thảy mọi đau khổ, phiền não trên cuộc đời.
Vào cuối buổi giảng, bà chánh hậu có được đức tin chơn chánh vào con đường đi trước mặt1.
1 Tư liệu nào cũng nói bà đắc pháp nhãn; nhưng tôi không biết giải thích làm sao khi cuối đời, bà đọa địa ngục A-tỳ bảy ngày?! Vì bậc Nhập lưu không còn bị đọa vào bốn đường khổ!?
Trở về cung mà tâm bà còn hoan hỷ, nhẹ lâng lâng. Bà thuyết phục đức vua Pāsenadi:
- Bệ hạ nên đến đức Thế Tôn để nghe pháp một lần đi!
Đức vua mỉm cười:
- Vị ấy có nhiều thần thông lực, phải vậy chăng?
- Đồng ý là vậy, nhưng ý tiện thiếp muốn nói là giáo pháp kìa! Giáo pháp giác ngộ đấy!
Đức vua có vẻ nhíu mày:
- Ý nàng nói là vị ấy đúng là một vị Phật? Một vị Đại
A-la-hán thật sự trên đời này?
- Chắc hẳn vậy rồi.
Ngẫm ngợi một lát, vua hỏi:
- Hậu có biết xuất thân của vị ấy không?
- Thưa biết! Nhưng đâu cần phải lý lịch hoặc xuất thân?
- Cần thiết chứ! Rất cần thiết khi hỏi về tổ tông, dòng máu di truyền là khác! Ông ta là thái tử con vua Suddhodana, bộ lạc Sakyā, một vương quốc hiền hòa, nhỏ bé, chư hầu nhiều đời của Kosala! Từ xưa đến nay, dòng dõi sát-đế-lỵ - như chúng ta - chỉ xuất sinh những tướng quân, những minh quân vĩ đại, chứ không có trường hợp xuất sinh những sa-môn, những bà-la-môn, những giáo chủ vĩ đại!
Ngừng một lát, vua tiếp:
- Như thế, một vị Phật phải được xuất sinh từ dòng dõi bà-la-môn chính thống, trẫm mới tin được. Lại nữa, một vị Phật, ít ra thì tuổi tác cũng cỡ như các giáo chủ Makkhali Gosāla, Pakudha Kaccāyana, Nigaṇṭha Nāṭaputta, Ajita Kesambala, Sañjaya Velaṭṭhaputta kia chứ? Ông ta còn trẻ quá! Chỉ bằng tuổi trẫm là cùng!
Nói thì nói vậy, nhưng thấy hoàng hậu vốn là người có trí, lại không dễ dàng đặt đức tin không đúng chỗ nên đã nghe theo và sau đó trở thành đệ tử của đức Phật.
Việc đức vua Pāsenadi quy giáo đức Phật giản dị như vậy đấy, chỉ qua một lần đối thoại với bà Mallikā! Nhưng là một biến cố trọng đại đối với nước Kosala.
Từ khi đức vua phong Mallikā làm chánh hậu, ông bị triều thần phản đối vì cô ấy thuộc giai cấp thấp kém. Về sau, đức vua còn có ba vương phi khác, đó là Ubbīrī và hai chị em Somā và Sakulā1, nhưng đức vua đặc biệt sủng ái chánh hậu Mallikā. Bà là một cô gái diễm lệ, hiền thục, khéo léo luôn cận kề săn sóc an ủi ông, mỗi khi triều chính mệt mỏi. Vua rất quý trọng bà về tư cách xử sự, trí thông minh nên hay hỏi ý kiến bà về việc dùng người, thái độ khoan nhượng hoặc cứng rắn đối với chư hầu cũng như những điều lệ cương, nhu trong chính sách cai trị.
1 10 năm sau, vua Pāsenadi muốn được thân tình với dòng dõi Sakyā của Phật - mới xin cưới thêm vương phi Vāsabhakkhattiyā, cô công chúa con vua Mahānāma với nàng nữ tỳ - sinh ra thái tử Viḍūḍabha, là người nổi loạn chống vua cha và tiêu diệt dòng Sakyā sau này.
Hôm kia, đức vua Pāsenadi nằm thấy mộng dữ, cảm thấy lo sợ1. Một vị lão thần bà-la-môn đoán mộng, bảo là sắp có chuyện chẳng lành xảy đến cho đức vua nên giết cừu, dê, trâu, bò, ngựa, heo, gà, đồng nam, đồng nữ mỗi loại một trăm con, lấy đầu và máu tế lễ thần linh để tránh họa. Nghe lời, vua truyền sắm lễ vật, tế vật theo nghi thức truyền thống của đạo bà-la-môn là phải hy sinh hằng ngàn sinh linh, người và vật trong cuộc đại tế này. Chuyện loan ra, kinh thành náo loạn, ai cũng sợ mất con mất cháu nên kêu khóc vang trời.
Hay tin, hoàng hậu Mallikā lật đật đến can gián, khôn ngoan và sáng suốt khuyên vua đừng vội giết vật, nên đến thỉnh thị ý kiến của đức Phật xem sao. Nghe lời, đức vua đến Kỳ Viên hầu Phật, kể lại giấc mộng dữ của mình, mong được đức Phật tìm cách hóa giải tai họa.
Đức Phật nói:
- Hãy bình tĩnh, đại vương! Rồi Như Lai sẽ giải trừ tai họa cho! Bây giờ đại vương cho Như Lai được hỏi, khi mình giết một vật, cho đầu rơi, máu chảy thì lúc ấy, tâm mình là lành, tốt hay là xấu, ác?
- Tâm giết vật, sát vật thì làm sao mà lành, tốt được!
- Cảm ơn đại vương đã hiểu. Bây giờ cho Như Lai được hỏi tiếp - Giết một sanh mạng là xấu ác, giết một ngàn sanh mạng thì xấu ác tăng lên một ngàn lần. Chẳng lẽ nào lấy một ngàn lần xấu ác ấy để cầu nguyện, để van
1 Mahā Supina Jātaka.
vái thần linh giải trừ tai hoạ cho đại vương? Chẳng lẽ nào chúng ta có thể gieo một nhân đắng, một ngàn nhân đắng, lại có thể thu hoạch được một trái ngọt, một trái lành được sao? Đại vương là bậc có trí, hãy trả lời cho Như Lai nghe với nào?
Đức vua Pāsenadi thất sắc, nín lặng.
- Lại nữa – đức Phật nói tiếp - Nếu có thần linh, thì thần linh là một loại chúng sanh tiến hóa bậc cao, có phước báu thù thắng hơn cõi người. Chẳng lẽ nào, các vị thần linh ấy lại thích hưởng thụ đầu súc vật, máu súc vật do đại vương dâng cúng? Nếu quả có loại thần ấy, thì nó còn tệ mạt, hạ liệt, thấp thỏi hơn con người, nó là quỷ dữ, là ác thần, là ác dạ-xoa đấy! Bọn quỷ xấu ác, thiếu phước ấy lại có thể hộ trì, giải trừ tai họa cho đại vương được sao?
Nghe đến ngang đây, đức vua cảm thấy trí sáng, thông suốt được vấn đề:
- Xin đức Tôn sư cho đệ tử được nghe tiếp!
- Vậy thì phải làm ngược lại, tâu đại vương! Nghĩa là phải tác ý, phải khởi tâm làm một việc lành, tốt, một ngàn việc lành, tốt. Và chính nhờ năng lực một ngàn việc lành tốt kia thì tức khắc tai họa, nếu có, sẽ tự động được giải trừ!
- Đệ tử hoàn toàn lãnh hội, đã hoàn toàn thấy rõ sự sai lầm của sự tế vật. Nhưng vừa rồi, đức Tôn sư có sử dụng từ điều kiện cách, “nếu có”, đệ tử chưa hiểu rõ lắm!
- Đúng vậy! Đức Phật gật đầu - Như Lai thấy rõ rằng, chưa chắc đã có tai họa gì! Vì chiêm bao là lúc trạng thái tâm, trạng thái trí chập chờn, mơ màng, ở đấy là do các “tưởng” 1 đúc kết, vẽ vời không trung thực các hình ảnh hiện tại, quá khứ, vị lai mà thành! Có thể nó là lành tốt, có thể nó là xấu ác, các nhà chiêm tinh gia đoán mộng, từ xưa đến nay, họ cốt ý để mưu sinh, để kiếm tiền nhiều hơn là có lòng tốt với khổ chủ!
- Nếu nó xấu ác thật sự thì sao, thưa đức Tôn sư!
- Thì nên làm một ngàn điều lành, tốt để giải trừ hay nên làm một ngàn việc xấu ác để tăng thêm tội thì tùy ý đại vương vậy!
Với cách đặt vấn đề thiện xảo như vậy, trí tuệ như vậy, đức Phật đã làm cho đức vua biết cách bố thí, trì giới, làm các công đức, thiện sự, phước sự... sau này! Mà thật ra, bên sau có một người hỗ trợ, nâng đỡ tinh thần rất tích cực, đó là hoàng hậu Mallikā.
Thế rồi, ngay ngày hôm sau, đức vua cung thỉnh đức Phật và hội chúng một ngàn vị tỳ-khưu làm một cuộc cúng dường lớn tại cung điện. Đức Phật và chư Tăng đã đọc kệ phúc chúc, mong rằng với phước sự ấy, đức vua được tai qua nạn khỏi. Và quả thật, mấy ngày sau đó, đức vua cảm giác được an lành; và một làn gió mới, trong trẻo len vào đời sống tâm linh của nội cung, nội viện và cả triều thần. Hoàng hậu Mallikā là người sung sướng nhất, vì bà đúng là người bạn đời hiền thiện, cao quý, đã sáng suốt, đã dịu dàng đưa cánh tay hoa sen của mình dẫn dắt ông vua chồng quyền uy hiển hách đi vào chánh đạo! Ngoài
1 Tri giác – Saññā.
ra, cũng nhờ trí tuệ của bà mà đã cứu được sinh mạng cả hàng ngàn súc vật vô tội.
Hôm kia, đức Phật cho thanh niên Sunīta, một người gánh phân xuất gia rồi nhận chàng ta vào giáo hội; không mấy chốc, tin này được loan truyền ra, chấn động cả kinh thành Sāvatthi. Chuyện cũng đến tai đức vua Pāsenadi. Triều thần có người phản ứng, chống đối ra mặt; có người mỉm cười, có người im lặng.
Hoàng hậu Mallikā trong lòng thì tán thán đức Phật, nhưng bên ngoài giả vờ hỏi thăm quan điểm của đức vua như thế nào thì được ông ta trả lời rằng:
- Hậu là giai cấp Sūdra (thủ-đà-la)! Thuở trước, trẫm phong hậu làm chánh cung, dư luận nhân gian cũng ồn ào như vậy đấy. Trẫm đã cách mạng phá bỏ giai cấp từ độ ấy! Tuy rất âm thầm! Còn đức Tôn sư, trẫm mang máng hiểu ngài cũng muốn phá bỏ giai cấp kể từ khi hóa độ kỹ nữ Ambapālī! Ngài lại rất công khai, đường đường chính chính; nhất là cho anh chàng nô lệ xuất gia ngay bên vệ đường, trước mắt bàn dân thiên hạ! Đáng phục! Thật đáng khâm phục!
Hoàng hậu Mallikā rất vui sướng:
- Cảm ơn đại vương! Đại vương thật là tốt bụng! Rồi dè dặt nói tiếp - Có người, nhất là các giới cấp bà-la-môn, sát-đế-lỵ, các nhà giáo dục sẽ cho rằng đức Phật đã đảo lộn trật tự xã hội, không tôn trọng quy củ, truyền thống đạo lý từ ngàn xưa của cha ông, tâu bệ hạ!
Đức vua Pāsenadi cười rõ to rồi nói:
- Đạo lý à? Đạo lý à? Lấy bình phong đạo lý à? Con người lành tốt, hiền thiện mới là đạo lý đích thực, hậu à! Trẫm không đồng ý cái cách duy trì truyền thống ấy là đạo lý đâu! Cái đạo lý ấy là đạo lý hình thức, là cái đạo lý “rởm”, hậu à!
Chính kiến của đức vua tối cao trong cuộc đàm đạo với hoàng hậu Mallikā - chắc chắn là bị ảnh hưởng bởi tâm đạo nhiệt tình của bà - sau đó đến tai triều thần rồi không mấy chốc, lan khắp kinh thành. Thế là chỉ năm bảy ngày sau, dư luận im bặt!
Chánh hậu Mallikā còn tìm cách làm cho đức vua càng ngày càng đi sâu vào giáo pháp nữa.
* Nhân duyên đẹp, xấu, giàu, nghèo, sang, hèn của nữ nhân
Chuyện cô nữ tu ngoại đạo Sundarī và kỹ nữ Ciñcā- māṇavikā có sắc đẹp tuyệt trần nhưng cả hai đều bị chết thảm, người thì bị giết rồi bị chôn trong đống rác, người thì bị đất rút; sự kiện ấy đã dấy sinh trong lòng hoàng hậu Mallikā không biết bao nhiêu là câu hỏi, về nhân quả nhãn tiền cũng như sự “bí mật” của nghiệp!
Hôm kia, bà cùng với chừng một trăm thị nữ mang theo lễ phẩm đến Kỳ Viên cúng dường đức Phật và Tăng chúng; sau đó, bà xin được đảnh lễ, hầu Phật rồi thưa rằng:
- Bạch đức Thế Tôn! Hôm nay cho đệ tử được hỏi về những điểm giống nhau, khác nhau, liên hệ đến sự đẹp, xấu, giàu, nghèo, sang, hèn của tất thảy phụ nữ trên đời này?
- Cứ hỏi đi, này Mallikā! Đức Phật đáp - Có phải
hoàng hậu muốn hỏi về nhân, về quả, về duyên, về báo; mà từ đó, phát sanh những dị, đồng sai khác như trên của nghiệp?
- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!
Rồi những câu hỏi của hoàng hậu Mallikā được đúc kết, hệ thống lại như sau:
- Thứ nhất là do nhân gì, do duyên gì mà trên thế gian này có một số phụ nữ hình dong xấu xí, ngũ quan xiên lệch, da dẻ sần sùi, khô cằn; lại còn sống đời nghèo nàn, đói khổ trong thân phận tôi đòi, thấp hèn, hạ liệt làm cho ai cũng muốn tránh xa, không muốn gần gũi?
- Thứ hai, do nhân gì, do duyên gì mà có hạng phụ nữ tuy xấu xí như trên nhưng lại sống đời phú quý, có danh vọng, có địa vị cao sang, lộc tài phú túc, cháu con cùng kẻ hầu người hạ đông vui, thịnh mãn?
- Thứ ba, do nhân gì, duyên gì mà có hạng phụ nữ có ngũ quan cân đối thẩm mỹ, duyên dáng; nhan sắc vô cùng xinh đẹp, đi đến đâu ai cũng trầm trồ, tán thán, chiêm ngưỡng; nhưng lại sống đời nghèo khó, thiếu cơm, thiếu áo, chẳng có của cải tài sản gì, chẳng có địa vị, danh tiếng gì trong xã hội?
- Thứ tư, do nhân gì, do duyên gì mà có số phụ nữ hầu như toàn diện về ngũ quan, dung nghi và sắc đẹp mỹ lệ như trên; lại còn sống đời phú quý vinh hoa, toàn mãn về của cải tài sản, toàn mãn về lộc tài, toàn mãn về địa vị, danh vọng, chồng con, nô bộc, thường được thế gian tôn thờ, trọng vọng và chiêm ngưỡng!
Bạch đức Thế Tôn! Vậy là có bốn hạng phụ nữ như vậy trên đời này, xin đức Đạo sư từ bi vén mở bức màn tối tăm đang che phủ tâm trí của đệ tử, để gỡ rối tất thảy mọi hoài nghi thắc mắc cho đệ tử.
Sau khi nghe xong, đức Đạo sư thuyết giảng rằng:
- Này hoàng hậu Mallikā! Tóm tắt, vậy là có bốn hạng phụ nữ. Hạng thứ nhất, xấu xí, đói nghèo và bất hạnh. Hạng thứ hai, tuy xấu xí nhưng lại phú quý và vinh hoa. Hạng thứ ba, tuy có dung sắc xinh đẹp, mỹ lệ nhưng lại bất hạnh, đói nghèo. Và hạng thứ tư, vừa có dung sắc xinh đẹp, mỹ lệ vừa được sống trong phú quý, vinh hoa! Như Lai tóm tắt như vậy có đúng không, này Mallikā?
- Thưa vâng! Bạch đức Tôn sư!
- Hãy nghe đây, này Mallikā! Hãy nghe và hãy khéo chú tâm, thọ trì, Như Lai sẽ nói đây!
Trên thế gian này có hạng người phụ nữ tính tình nóng nảy, sân nộ bất thường, dễ dàng nổi cơn lôi đình khi có ai xâm phạm đến, dù chỉ là việc nhỏ mọn, vụn vặt. Một chút gì đó đụng đến “cái ta” của họ, họ liền tức khắc biểu hiện sự không hài lòng; thế là cơn nóng giận, sự dữ dằn bộc phát ngay, thường gây thù chuốc oán với người khác. Không những thế, hạng người nữ này không có đức tin với thiện pháp, không hoan hỷ tạo phước điền, không bao giờ bố thí cơm, nước, hoa quả, thuốc men, vật thơm, dầu thoa, nhu cầu phương tiện, vải vóc, y phục, đèn dầu, chỗ ở, chỗ nằm, ngồi... đến chư sa-môn, bà-la-môn hay cho người đói khổ. Ngoài ra, tính tình họ thường hay đố kỵ, ganh tỵ đối với những người có của cải tài sản; đem tâm tỵ hiềm với sự làm phước của người khác; ganh tỵ với những người có nhiều lợi lộc, người được quần chúng cung kính, mến mộ; và họ còn làm nhiều việc sái quấy, xấu ác khác nữa. Số phụ nữ này sau khi chết, bị nhiều quả báo đau khổ trong bốn ác đạo, nếu do ảnh hưởng một phước lành nào đó trong quá khứ, được tái sanh trở lại làm người thì sẽ rơi vào trường hợp hạng phụ nữ thứ nhất: Vừa xấu xí, đói nghèo vừa sống đời hạ liệt, bất hạnh - này Mallikā!
- Đệ tử nghe rõ rồi!
- Này Mallikā! Trong thế gian này, hạng phụ nữ có tính tình hung hãn, dữ dằn, dễ dàng nỗi cơn thịnh nộ như trường hợp thứ nhất; nhưng họ lại có đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí vật thực, y phục đến cho sa-môn, bà-la-môn hay những kẻ cơ cực, đói nghèo. Hạng nữ này còn có những đức tính tốt khác nữa, là họ không có tâm đố kỵ với những người nhiều lợi lộc; không ganh tỵ với những người được tán dương, khen ngợi, không tỵ hiềm đối với những người được sự cung kính, cúng dường. Ngoài ra, họ còn làm được nhiều việc đúng đắn, lành tốt khác nữa. Hạng phụ nữ này, sau khi lâm chung thường được sinh vào những cảnh giới tốt đẹp; tuy nhiên, nếu sanh trở lại làm người thì sẽ rơi vào trường hợp thứ hai: Tuy thân sắc xấu xí nhưng lại được cao sang, phú quý, này Mallikā!
- Đệ tử lãnh hội rồi, bạch đức Tôn sư!
- Trên thế gian này có hạng phụ nữ không có hoặc ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ hòa, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui. Nếu có ai lỡ nói lời khó nghe, đụng chạm, xúc phạm đến họ, họ cũng không bất bình, không giận dữ, không phẫn nộ; chẳng bao giờ hiềm hận ai, chẳng gây thù chuốc oán với ai. Tuy nhiên, họ không có đức tin, không có tâm tạo phước điền, không bố thí vật thực, y phục, chỗ ở đến các hàng sa-môn, bà-la-môn hay những người cơ hàn, đói khổ! Đã thế, họ lại có tâm đố kỵ với người nhiều lợi lộc; ganh tỵ với những người được sự tán dương khen ngợi, được sự thương yêu, quý mến, cung kính cúng dường của người khác; đồng thời họ còn có những hành động sai quấy, xấu ác khác nữa. Hạng phụ nữ này sau khi chết, nếu như tái sanh trở lại làm người thì họ rơi vào trường hợp thứ ba: Có dung nhan vô cùng xinh đẹp nhưng lại sống đời tối tăm, đói nghèo, bất hạnh, này Mallikā!
- Đệ tử biết nhân, biết quả rồi, bạch đức Đạo sư!
- Trên thế gian này, có số phụ nữ không có hoặc ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ ái, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui như hạng người thứ ba ở trên; họ còn có đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí vật thực, y phục đến cho sa-môn, bà-la-môn hay những kẻ cơ cực, đói nghèo. Hạng phụ này lại còn có những đức tính tốt khác nữa, là họ không có tâm đố kỵ với những người nhiều lợi lộc; không ganh tỵ với những người được tán dương, khen ngợi; không tỵ hiềm đối với những người được sự cung kính, cúng dường. Ngoài ra, họ còn làm được nhiều việc đúng đắn, lành tốt khác nữa. Hạng phụ nữ này sau khi lâm chung thường sanh vào những cảnh giới tốt đẹp; nếu sanh trở lại làm người thì họ rơi vào trường hợp thứ tư: Có dung sắc vô cùng mỹ lệ mà phước báu về tài sản, danh vọng, địa vị, chồng con, nô bộc thảy đều toàn mãn; được mọi người cung kính, quý trọng, này Mallikā!
Sau khi giảng giải, phân tích rõ nhân quả của bốn hạng phụ nữ trên đời, đức Thế Tôn kết luận như sau:
- Do tính tình nóng nảy hay giận dữ, nhiều sân hận, dễ chuốc oán, sinh thù, mặt mày luôn cau có, bẳn gắt: Chính chúng là nhân, là duyên, tạo nên hạnh nghiệp, sinh ra quả báo có khuôn mặt xấu xí, ngũ quan xiên lệch, da dẻ sần sùi, khó nhìn, khó ưa, này Mallikā!
Do không có đức tin, không có giữ giới, không biết bố thí: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo có đời sống cơ cực, đói khổ, thiếu cơm, rách áo, này Mallikā!
Do có tâm đố kỵ, ganh ghét, tỵ hiềm đối với những người có địa vị, danh vọng, tài sản: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo thấp hèn trong thân phận nô bộc, thị tỳ, nô lệ, dâm nữ... là thang bậc hạ liệt nhất trong xã hội, này Mallikā!
Do ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ hòa, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo có sắc thân xinh đẹp, da dẻ mịn màng, ngũ quan cân đối, tuyệt mỹ như là hiện thân tiên nữ trên đời này vậy, này Mallikā!
Do có đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí vật thực, y phục đến cho sa-môn, bà-la-môn hay những kẻ cơ cực, đói nghèo: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp tốt lành cho quả báo giàu sang, phú túc, thịnh mãn lộc tài, này Mallikā!
Do không có tâm đố kỵ với những người nhiều lợi lộc; không ganh tỵ với những người được tán dương, khen ngợi; không tỵ hiềm đối với những người được sự cung kính, cúng dường; ngoài ra, họ còn làm được nhiều việc đúng đắn, lành tốt khác nữa: Đó chính là nhân, là duyên, là hạnh nghiệp đưa đến quả báo cao sang, đạt địa vị, danh vọng tối thắng mà thế gian ai cũng kính trọng, tôn quý!
Đấy chính là sáu nhân, sáu duyên, sáu hành nghiệp đưa đến sáu quả báo, sáu hoàn cảnh với ngũ quan, dung sắc, tài lộc, địa vị, danh vọng khác nhau, này Mallikā!
Sau khi lắng nghe đức Phật thuyết giảng xong, bà chánh hậu bèn cung kính thưa rằng:
- Theo như sự phân tích, giảng giải cặn kẽ, chu đáo, hoàn hảo vừa rồi của đức Thế Tôn, đệ tử đã nắm rõ, đã biết chắc, đã tường minh ba nhân quả xấu nên loại trừ, ba nhân quả tốt nên hành theo. Vậy để lợi lạc, tấn hóa lâu dài cho đệ tử về sau, đệ tử xin phát nguyện dưới chân đức Thế Tôn rằng:
Từ rày về sau, đệ tử nguyện chừa bỏ tính tình nóng nảy, hay giận dữ, nhiều sân hận, dễ chuốc oán, sinh thù, mặt mày luôn cau có, bẳn gắt; phải lập tâm tu tập ít có tâm sân hận, luôn dịu dàng, từ hòa, mát mẻ, thần sắc luôn phấn chấn, tươi vui để có được sắc đẹp mỹ toàn hơn kiếp này nữa!
Từ rày về sau, đệ tử nguyện chừa bỏ tâm bủn xỉn, keo kiệt, rít róng; sống đời đầy đủ đức tin, có tâm tạo phước điền, biết bố thí vật thực, y phục đến cho sa-môn, bà-la- môn hay những kẻ cơ cực, đói nghèo để hưởng được giàu sang, mỹ toàn về của cải, tài sản hơn cả kiếp này nữa!
Từ rày về sau, đệ tử nguyện không đố kỵ với người nhiều lợi lộc; không ganh ghét, tỵ hiềm đối với những người được sự tán dương khen ngợi; còn hơn thế nữa, đệ tử sẽ kính trọng họ, hoan hỷ với họ để mai sau đệ tử sẽ được danh vọng và địa vị sang cả trong các cảnh giới hơn thế này nữa!
Kính bạch đức Thế Tôn! Trong quốc độ này tất cả những phụ nữ thuộc nhiều dòng tộc khác nhau, như bà- la-môn, hoàng tộc, chiến sĩ, thương gia thì đệ tử là người có địa vị cao quý đặc biệt hơn tất cả những người phụ nữ ấy. Những người phụ nữ ấy đều dưới quyền cai quản của đệ tử, do nhân thế nào, duyên như thế nào, đệ tử không còn một mảy may nghi ngờ gì nữa! Ngay chính trường hợp của hai cô gái có sắc đẹp tuyệt trần, đều có cái chết thảm, thân cận với nhóm tu sĩ hạ liệt, thân phận thấp hèn, đệ tử cũng hiểu nhân và duyên của họ rồi!
Kính bạch đức Thế Tôn! Đệ tử vô cùng hoan hỷ bởi lời dạy cao quý, quá sức rõ ràng của ngài! Kính xin đức Đạo sư chứng minh cho đệ tử một lần nữa, là một người cận sự nữ có đức tin trong sạch, thường xuyên hộ độ Tăng-già từ nay cho đến trọn đời.
Bài pháp này, do thích hợp cho phần đông đang mong cầu tạo phước hữu vi nên chư vị trưởng lão thường thay nhau thuyết giảng nhiều nơi; và lúc nào cũng cuốn hút hai hàng cư sĩ áo trắng, nhất là nữ giới.
*Thương yêu bản thân nhất
Hôm kia, đức vua Pāsenadi tự nghĩ:Cái đẹp của hoàng hậu Mallikā tuy không phải sắc nước hương trời gì, cũng chẳng phải lộng lẫy, kiêu sa như các hoàng phi; nhưng đức tính mềm mỏng, hiền hòa, đôn hậu ở nơi nàng thì không ai sánh bằng. Ta thương yêu nàng là ở chỗ đó; và ta đã ban cho nàng châu báu, quyền lực, kể cả xen bàn việc nước. Bây giờ, từ khi nàng gặp được giáo pháp của đức Tôn sư, cái đẹp nữ tính kia dường như lại càng đằm thắm, dịu dàng, kín đáo hơn thế nữa! Ôi! Ta thương yêu nàng xiết bao! Dẫu biết càng thương yêu thì càng đau khổ, sầu não nhưng ta không thể xa nàng được, dầu một ngày! Không giấu được cảm xúc, hôm kia, đức vua thổ lộ điều ấy, đắm đuối nhìn bà rồi nói:
- Ta thương yêu nàng như vậy nhưng không biết nàng thương yêu ta có như thế không?
- Dĩ nhiên là vậy rồi, tâu đại vương!
- Suy đi gẫm lại, trong những kẻ ta thương yêu thì nàng là người ta thương yêu nhất! Còn nàng thì sao? Ta có được nàng thương yêu nhất như thế chăng?
“Câu này đụng đến giáo pháp”, hoàng hậu Mallikā suy nghĩ cực nhanh rồi khôn khéo đáp:
- Thiếp thương yêu đại vương là điều chắc thật; và trên đời này, không có bất kỳ sự thương yêu nào, đối với người thứ hai, kể cả con cái, khả dĩ so sánh được. Tuy nhiên, nếu nói là thương yêu nhất thì điều đó nên xét lại cho chu đáo, cặn kẽ hơn... tâu đại vương!
Đức vua nhíu mày:
- Tại sao?
- Vì đức Thế Tôn có dạy trong một thời pháp rằng: “Trên thế gian, ai ai cũng thương yêu bản thân mình hơn tất thảy người khác, chúng sanh khác!”
Đức vua nhíu mày một lượt nữa:
- Thế là hậu thương yêu nhất là bản thân mình chứ không phải ta là người mà hậu thương yêu nhất?
Hoàng hậu Mallikā mỉm cười:
- Trước khi trả lời câu hỏi này, đại vương cho phép thiếp hỏi vài câu được chăng?
- Nàng cứ hỏi!
- Tại vì sao mà đại vương thương yêu đại tướng quân
Bandhula?
- À, việc ấy ta sẽ kể lại chuyện xưa. Thuở ấy, cùng học tại trường đại học ở Takkasilā, ta có hai người bạn thân. Một, đó là Bandhula, thái tử dòng tộc Malla, thành phố Kusinārā; hai, Mahāli, thái tử thuộc dòng tộc Licchavi, kinh thành Vesāli! Cả ba chúng ta đều học hành thông đạt, thay nhau đứng đầu lớp. Về nước, ta lên ngôi vua; thái tử Mahāli do biểu diễn võ nghệ bị mù mắt nên chỉ nhận một chức quan khiêm tốn. Thái tử Bandhula do bất mãn dòng tộc nên mang cả gia đình đến đây ở với ta, ta phong cho y chức đại nguyên soái thống lãnh ba quân1. Y rất giỏi, giỏi nhiều lãnh vực, riêng văn võ thì song toàn, chỉ có y ta mới tâm sự được chuyện này chuyện kia trong triều, ngoài nội. Có y làm đại tướng quân thì chẳng có ông vua nào dám cả gan vuốt râu hùm, manh tâm dòm ngó biên cương, lãnh thổ; nhờ vậy ta rất yên tâm, gối cao nằm ngủ... Một con người như thế ta không thương yêu làm sao được!
Hoàng hậu mỉm cười:
- Rất là chí lý! Đại vương thương yêu vị tướng quân ấy là vì y đang cầm lưỡi gươm thiêng bảo vệ sơn hà xã tắc cho đại vương?
- Đúng vậy!
- Còn muôn dân Kosala và Kāsi, đại vương thương yêu họ là vì sao?
- Vì nhờ muôn dân Kosala cung cấp lúa gạo, các ngành nghề thủ công, vũ khí, sức mạnh quân đội vô địch mà nước ta trở thành hùng cường và giàu mạnh... Nhờ muôn dân ở nước chư hầu Kāsi mà ta có được gỗ chiên-đàn, tơ lụa, gấm vóc, hương liệu, vòng hoa, tràng hoa, phấn sáp cùng những nghệ nhân, nghệ sỹ tuyệt vời... Ôi! Ta thương yêu họ lắm! Không có họ thì ta không có gì cả, không là cái gì cả...
- Thế thì nhờ họ mà đại vương trở thành một vị vua oai danh bốn biển, làm chúa chư hầu?
1 Mã binh, tượng binh, bộ binh.
- Quả vậy!
- Thế còn bé Vajirī ? Tại sao đại vương lại thương yêu tiểu công chúa?
- Tiếng khóc, nụ cười, sự vòi vĩnh, sự ngây thơ, hồn nhiên của nó làm ấm áp trái tim ta biết bao nhiêu! Ôi! Nó như là niềm vui, là sự sống thứ hai của ta vậy!
- Thế còn thiếp? Tại sao đại vương lại thương yêu thiếp?
- Nàng là người chia ngọt, sẻ bùi, nâng khăn sửa túi, đầu gối tay ấp của ta! Ôi! biết bao nhiêu là mặn nồng hương lửa, phải nói là ta thương yêu nàng là đệ nhất!
Đến đây, hoàng hậu Mallikā bắt đầu tấn công:
- Đại vương thương yêu tướng quân Bandhula vì y đã giữ gìn quốc độ cho đại vương! Đại vương thương yêu muôn dân Kosala và Kāsi vì nhờ họ mà đại vương oai danh bốn biển! Đại vương thương yêu bé Vajirī vì nó làm cho trái tim đại vương ấm áp! Đại vương thương yêu thiếp là vì thiếp nâng khăn sửa túi, đầu gối tay ấp cho đại vương! Tất cả sự tình ấy, tất cả sự thật ấy nói lên điều gì? Nó nói rằng, mọi sự thương yêu kia là vì đại vương, bởi đại vương, đổ dồn về cho đại vương; nói cách khác, điều ấy chứng tỏ đại vương thương yêu bản thân mình nhất! Vậy thì thuyết ngôn của đức Đạo sư:“Trên thế gian, ai ai cũng thương yêu bản thân mình hơn tất thảy người khác, chúng sanh khác!” là chân lý, là sự thật ngàn đời có phải thế chăng? Do vậy, nên thiếp không dám nói đại vương là người mà thiếp thương yêu nhất! Ai cũng thương yêu bản thân mình nhất, tâu đại vương!
Đức vua Pāsenadi nín lặng. Sự thật mà hoàng hậu
Mallikā minh giải với nhiều ví dụ cụ thể làm cho đức vua không thể cãi biện lấy một lời.
Bà còn cất giọng chậm rãi:
- Nếu đại vương chưa tin lời thiếp nói thì đại vương hãy đi yết kiến đức Đạo sư; ngài có thể giảng nói rộng rãi về điều ấy!
- Ta tin rồi! Đức Thế Tôn cùng tuổi với ta, dẫu ta là vua nhưng ta cảm giác ngài ngại khi gặp vị ấy. Có cái gì nơi vị ấy thanh tịnh quá, uy nghiêm quá, cao cả quá nên ta sợ! Vậy nàng có nghe đức Đạo sư đã từng giảng giải rộng rãi về điều ấy như thế nào, hãy nói lại cho ta nghe cũng được!
Đọc được sự thành khẩn của đức vua nên hoàng hậu xem đây là cơ hội bằng vàng ròng để đưa đức vua vào giáo pháp nên bà tuyên thuyết:
- Tâu đại vương! Đức Thế Tôn bảo, những người ác giới, tà hạnh, thực hiện những việc xấu xa, độc ác thì vô tình đã tự ghét bỏ bản thân; vì khi làm vậy, họ đã tự tạo cảnh giới đau khổ, thống khổ cho mình trong bốn đường ác. Nhưng những người có giới hạnh, có bố thí, có đức tin, làm những việc lành tốt là biết thương yêu bản thân; vì khi thực hiện như vậy, họ đã tự tạo cảnh giới an vui, hạnh phúc cho mình trong các cõi người và cõi trời!
Vậy người biết thương yêu bản thân mình một cách chơn chánh thì còn phải biết thương yêu và kính trọng Tam Bảo, là đức Phật, đức Pháp, đức Tăng nữa. Tại sao vậy? Vì trọn vẹn ý nghĩa Tam Bảo, chứa đựng trong Tam Bảo gồm có những năng lực giác tánh, tinh minh, là sự thật, là chân lý muôn đời, là nguồn sáng, là trí tuệ; là ngọn đèn minh triết cao cả và xán lạn soi đường, chỉ lối cho ta từ chỗ tối tăm và mê mờ đến nơi sáng sủa và quang minh, tâu đại vương!
- Ta biết rồi! Ta thấy rồi!
- Còn nữa, tâu đại vương! Khi ta có sự thương yêu bản thân mình một cách chơn chánh như thế rồi, từ cái tâm ấy sẽ phát sanh nhiều điều kỳ diệu nữa. Đức Thế Tôn còn dạy rằng: Khi bản thân mình biết khổ, biết vui thì bản thân chúng sanh khác cũng biết khổ, biết vui như thế. Vậy đừng vì lợi mình mà hại người, đừng vì bản thân mình mà tạo đau khổ cho người khác. Nghĩ thế, vị ấy bắt đầu bỏ đao, bỏ gậy, bỏ trượng, bỏ kiếm; bỏ sát sanh hại vật; bỏ trộm cắp, bỏ lấy cướp của người; bỏ tà dâm, tà hạnh; bỏ nói dối, nói láo, bỏ nói đâm thọc, ác ngữ; bỏ rượu men, rượu nấu... để bản thân mình được an vui mà người khác, chúng sanh khác cũng được an vui như thế. Cuối cùng, hóa ra thương yêu bản thân mình đồng nghĩa với thương yêu chúng sanh muôn loại, cùng dẫn dắt nhau trên con đường tu tập, tâu đại vương!
Đức vua Pāsenadi mỉm cười, vừa như nói thật vừa như đùa bỡn:
- Không cãi được! Không có một kẽ hở nào để cho cái tâm, cái trí “tà đạo” của ta xen vào đấy được! Thật tuyệt vời thay là miệng lưỡi đệ tử tôn giả Gotama! Bái phục! Bái phục!Hoàng hậu Mallikā cau mày:
- Là một đấng minh quân, bệ hạ có nên ăn nói thiếu nghiêm túc như thế hay chăng?
- Thôi! Ta biết lỗi rồi!
- Đại vương phải biết thương yêu bản thân mình một cách chơn chính chứ?
- Nhất định như vậy rồi!
- Cảm ơn đại vương!
Hoàng hậu Mallikā dịu dàng mỉm cười, cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản; tuy nhiên, bà có mang một trọng tội với đức vua, đã nhiều năm về trước, lâu lâu nó lại trở về ám ảnh! Và câu chuyện như sau: Số là lần ấy hoàng hậu vào phòng tắm không để ý con chó cưng của bà cũng vào theo. Khi khom mình cúi xuống, không ngờ, con chó thấy vậy đã làm hạnh “bất tịnh” với bà. Và bà lại để yên. Từ tầng trên cung điện, qua lớp cửa kính, tình cờ đức vua nhìn thấy hết. Ông đi xuống và lần đầu tiên, đã mắng nhiếc bà một cách thậm tệ. Bà vốn lanh trí nên tìm cách chối quanh, chống chế: “Đại vương đừng nghĩ oan cho thiếp. Cái phòng ấy kỳ lạ lắm. Ai ở trong đó, người khác nhìn vào đều thấy những hình ảnh quái gở!” Đức vua vốn thật thà nên hỏi lại: “Quả có thế sao?” Bà nói: “Thì đại vương cứ vào đấy thử xem?” Đức vua đi vào trong, vừa khép cửa lại thì ngoài này, bà đã la lên: “Đại vương làm cái gì xấu hổ với con dê cái như vậy?” Đức vua lại cãi: “Ta có làm gì đâu!” Bà bèn nói dối: “Chính mắt thiếp trông thấy rõ ràng mà!”
Tin chuyện ấy, đức vua bỏ qua không cật vấn lại nữa.
Tuy nhiên, hoàng hậu Mallikā luôn cảm thấy bất an.
Dầu đã dối gạt được nhà vua, nhưng bà đã phạm một tội trọng. Chuyện ấy đức Phật biết, chư vị trưởng lão Tăng Ni có thắng trí đều biết, do vậy bà luôn hổ thẹn ở trong lòng. Từ độ ấy, bà thầm nguyện trong lòng, phải tu tập cho tốt hơn, làm việc lành cho nhiều hơn. Trọng lượng tội lỗi dù chỉ bằng một hạt cát, nó sẽ chìm, rơi xuống bốn đường ác. Nhưng trọng lượng tội lỗi của một viên đá to, nằm trong lòng chiếc ghe thiện pháp lớn, nó không bị chìm, sẽ được nổi. Bà còn nhớ mãi nội dung một thời pháp về thiện, về ác mà đức Phật đã đưa ra hình ảnh ấn tượng ấy. Do vậy, bà đã đặt bát và cúng dường tứ sự rất nhiều đến đức Phật và Tăng chúng, ngân khoản lên đến một trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng. Riêng đức Phật thì bà đã cúng dường đến ngài bốn món bảo vật vô giá, đó là: Một chiếc lọng trắng, một chiếc giường, một ghế ngồi và một vật đỡ chân. Tất cả chúng đều bằng châu báu, và chỉ để chưng bày chứ đức Thế Tôn không bao giờ sử dụng.
Chuyện kể rằng, hoàng hậu Mallikā lúc hấp hối, bao nhiêu việc làm tốt đẹp ở trong đời, bà lại quên hết, nhưng cái hình ảnh xấu xa kia nó lại hiện ra, chi phối trọn vẹn tâm thức cuối cùng, lập trình cận tử nghiệp, đưa bà đọa sanh địa ngục A-tỳ.
Đức vua Pāsenadi rất yêu thương hoàng hậu Mallikā nên đau thương, buồn khổ vô cùng. Lễ hỏa táng xong, đức vua đến gặp đức Phật, ý muốn hỏi xem bà tái sanh ở đâu.
Đức Thế Tôn biết rõ chuyện, biết đức vua rất sủng ái hoàng hậu Mallikā, nếu cho biết cảnh giới hiện tại của bà thì ông ta càng đau khổ hơn. Lại nữa, nếu biết bà, một người có đức tin kiên cố, bố thí cúng dường rất nhiều và rất chí thành mà rơi vào địa ngục, thì số phận của nhà vua sau này sẽ ra sao? Và như thế, mọi đức tin trong ông ta sẽ tiêu tùng hết.
Vì nghĩ vậy nên đức Phật đã khôn khéo dùng thần lực siêu nhiên làm cho đức vua quên hẳn lý do đi đến tịnh xá, ngài chỉ thuyết pháp, đức vua nghe xong lại hoan hỷ hồi cung. Chuyện lặp lại như thế suốt bảy ngày, đức vua chỉ có việc bực mình, tự trách mình, tại sao trí nhớ càng lúc càng tệ mạt, kém cỏi như thế!
Còn hoàng hậu Mallikā, sau bảy ngày thống khổ trong địa ngục để trả quả, do năng lực phước thiện quá lớn nâng đỡ, đưa bà hóa sanh vào cung trời Đâu Suất.
Vào ngày thứ tám, đức Phật một mình ôm bát khất thực đi đến hoàng cung. Đức vua nghe tin, thỉnh ngài vào thượng điện, nhưng đức Phật chỉ muốn ngồi nơi nhà để xe.
Sau khi cúng dường đầy bát các thức ăn thượng vị loại cứng, loại mềm cho đức Phật, nhà vua đảnh lễ ngài rồi hỏi lại câu đã quên suốt bảy ngày qua, tức là chỗ tái sanh của hoàng hậu.
Đức Thế Tôn mỉm cười:
- Hiện tại, bà đang thọ hưởng thiên lạc tại cung trời
Đâu Suất, tâu đại vương!
Nghe vậy, đức vua cảm thấy được an ủi một phần nào, nhưng nỗi nhớ thương hoàng hậu vẫn không nguôi:
- Bạch Thế Tôn! Từ khi nàng đi về cõi khác, tôi cảm giác như mất hẳn sự sống.
Đức Phật an ủi:
- Đại vương chớ nên đau lòng. Đó là quy luật bất biến cho mọi chúng sanh, không ai có thể tránh được. Nhưng trường hợp hoàng hậu thì đại vương nên mừng vui cho bà mới phải!
- Tại sao?
- Vì do công hạnh, phước báu của bà, bà mất đi giống như đổi mới chiếc xe khác trân quý hơn vậy thôi!
- Tôi chưa được hiểu.
Đức Phật đưa tay chỉ vào một chiếc xe:
- Đại vương, xe này của ai?
- Bạch Thế Tôn, của ông tôi.
- Còn xe này?
- Của phụ vương tôi, bạch Thế Tôn.
- Còn xe kia?
- Của tôi!
Đức Phật mỉm cười:
- Hóa ra chiếc xe của cha lại mới hơn chiếc xe của ông nội, chiếc xe của con lại mới hơn chiếc xe của cha. Hoàng hậu vừa tậu được một chiếc xe mới nhất, đẹp nhất ở cung trời Đâu Suất đấy, đại vương!
Thấy đức vua đã hiểu sự thật ấy rồi, đức Phật lại giảng sâu hơn về pháp:
- Nhưng những chiếc xe được trang hoàng lộng lẫy, đẹp đẽ, trân quý thế kia rồi cũng đến lúc cũ hư, tàn tạ, hoại mục. Cái thân Như Lai cũng thế mà cái thân của đức vua cũng vậy, nó sẽ lão suy và già yếu. Chỉ có giáo pháp trong tâm của bậc thiện trí1 nó mới không bị chi phối bởi hư mục, già lão. Thấy biết được vậy, những bậc thiện trí trên đời này phải biết làm cho sáng tỏ giáo pháp ấy đến những người lành, người tốt, tâu đại vương!
Những lời giảng ấy của đức Phật được cô đọng trong bài kệ:
Xe vua đẹp đẽ dường bao
Trang hoàng lộng lẫy, hư hao đến kỳ
Thân này đến lúc lão suy
Pháp bậc thiện trí vô vi chẳng già
Pháp của đức Gotama
Sáng tỏ chân lý, chan hòa thiện nhân!2
Đức vua tín thọ lời dạy của đức Phật, đã đỡ buồn khổ và xem ngài như chỗ nương tựa tinh thần một cách vững chắc. Kết quả ấy, một phần công lao là nhờ vào bà hoàng hậu yêu quý của ông vậy.
Nhưng đức vua đâu có biết rằng, Sujātā trong Sujāta- Jātaka3, Kinnarī trong Bhllāṭiya-Jātaka4, và Sambula trong
1 Ý nói bậc Thánh A-la-hán.
2 Pháp Cú 151: “Jiiranti ve rārathā sucittā atho sārīraṃ pi janaṃ upeti; sataṃ ca dhammo na jaraṃ upeti santo have sabbhi pavedayanti”.
3 J.iii.22.
4 J.iv.444.