Ân Đức Đấng Sanh Thành

26 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 10926)

NHỮNG MÙA VU LAN
Thích Đức Niệm
Phật Học Viện Quốc Tế

Ân đức đấng sanh thành

longme_02Hôm nay chúng ta đang ở trong mùa Vu-Lan, mùa lá vàng rụng về cội, mùa khói hương mù sương nghi ngút quyện lấy lời nguyện cầu mang đến thế giới tâm linh, thế giới vô hình u hoài mầu nhiệm của các bậc ân đức sanh thành quá cố. Mỗi lần Vu-Lan đến khiến cho lòng người con thảo cháu hiền sống dậy nỗi nhớ niềm thương, mong được gần gũi với cha mẹ cùng những người thương thân ân đức của mình. Vu-Lan có nghĩa là giải-đảo-huyền, tức là giải cứu tội nhân bị khốn khổ được giải thoát an vui.

Cây có cội, nước có nguồn, làm con nên nhớ ân đức sanh thành dưỡng dục của mẹ cha ông bà tổ tiên. Người bộ hành trên lộ trình mệt mỏi ngồi nghỉ dưới gốc cây, còn có cảm tình thích mến tàng cây bóng mát. Người lỡ đường khát nước đói cơm được người cho cơm giúp nước, còn biết nói lời cảm ơn. Kẻ gặp lúc túng thiếu khốn cùng trong cơn nguy biến sa cơ thất thế được người giúp đỡ giải cứu, còn biết cúi đầu tỏ lòng tri ân. Khi lạc đường, hay lúc thất thời lỡ vận hoặc bệnh nặng được người chỉ dẫn giúp đỡ, còn biết nhớ ơn trả nghĩa, huống chi là cha mẹ, đấng đã tạo ra mình, đã suốt đời khổ công nhọc trí cho việc sanh thành dưỡng dục con từ thuở còn nằm trong thai, những ngày còn là hài nhi ngo ngoe trong nôi, đêm ngày bồng bế trên tay nhai cơm đút sữa, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, cho đến ngày con khôn lớn lập thành gia thất nên danh nên phận!? Người con đã tiếp nhận ân đức nuôi dưỡng chăm sóc nâng niu vỗ về của cha mẹ từng giây từng phút suốt quãng thời gian mang nặng đẻ đau cho đến ngày con bước vào đời chung cùng xã hội có danh vọng sự nghiệp. Ân đức cù lao ấy bút mực nào chép ghi cho hết, lời lẽ nào diễn tả cho cùng, lấy lượng nào đong:

Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ

Nếu không có cha mẹ thì đâu có ta. Nếu khi tiếng khóc chào đời của ta mà không có cha mẹ thương yêu săn sóc bao bọc nâng niu bú mớm thì ta không thể còn sống. Nếu con thiếu đi tình thương sữa ngọt, không được nâng niu bế bồng thì khó mà sống còn khôn lớn. Không có cha mẹ thì con khó mà hưởng được hoàn cảnh ngọt dịu nuông chiều, no cơm ấm áo. Không có cha mẹ, con sẽ khô cằn, cảm thấy thiếu vắng chất liệu dịu ngọt êm ấm. Không có tình thương của cha mẹ thì con khó được lớn khôn, sẽ không chốn nơi nương tựa ấm lòng. Mất cha mẹ là mất hết tất cả hoa tình thương yêu quý của cuộc đời, mất hết cả bầu trời tình thương mát dịu:

Em thấy em mất mẹ
Là mất cả bầu trời

Cha mẹ là đất trời tình thương. Cha mẹ là trăng sao soi sáng đêm trường mát dịu. Cha mẹ là ánh mặt trời sưởi ấm lòng con, là nguồn sống của con. Cha mẹ là suối nguồn sữa ngọt, là xôi nếp mật, là chuối hương thơm, là liễu rủ hồ trăng, là cành dương chi của mẹ hiền Quán-Âm cứu khổ, là nước cam lồ tưới mát lòng con, là nơi nương tựa vững chắc cuộc đời, là nguồn an ủi vô biên, là nguồn hy vọng tươi đẹp của đời con, là tiếng đàn muôn điệu của con trong mọi hoàn cảnh vui buồn.

Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi nhơn gian còn phiếm xuân cầm
Ai bảo em cuộc đời không đẹp
Khi em còn có mẹ trong tâm.

Khi con còn nhỏ, cha mẹ nâng niu chiều chuộng an ủi vỗ về ngày đêm không rời con. Kịp đến khi con vừa khôn lớn thì cũng đồng trong thời gian ấy, cha mẹ phải tảo tần một nắng hai sương để lo cho con ăn học thành người. Con vừa trưởng thành thì cha mẹ nghĩ đến công danh sự nghiệp, lập thành gia thất cho con.

Vì lập thành gia thất, vì công danh sự nghiệp, vì danh phận cho con mà lắm lúc cha mẹ phải thao thức quên ăn mất ngủ, nhịn ăn nhịn mặc cần kiệm dành dụm để lo hạnh phúc cho con. Vì an thân lập mạng tương lai cho con mà mẹ phải ngược xuôi thậm chí phải cúi lòn giao tiếp để cho con mình được tiến thân nở mặt nở mày.

Thương con, mẹ lo xa, hy sinh tất cả, kể cả danh dự và mạng sống của mình đôi lúc cũng chẳng màng.

Mẹ hy sinh tất cả
Hết quãng đời tuổi xanh
Cả thương yêu dịu ngọt
Rộng hơn biển trời thanh…

Chính vì cha mẹ quá thương con, lo lắng bảo toàn cho con hơn là chính con lo lắng cho tự bản thân con. Vì mẹ quá lo cho con mà đôi lúc làm cho con bực bội hiểu lầm tình thương của mẹ. Chính vì mẹ quá thương con, lo lắng săn sóc cho con, nên nhiều khi người con cảm thấy như bị ràng buộc gò bó. Nhưng con nào có biết nỗi niềm thương mến của mẹ đối với con bao la như không gian vô tận, vũ trụ vô cùng trùm khắp tất cả, như thanh khí trong lành nuôi sống vạn loài, như đại địa chắc dày che chở muôn vật.

Mẹ là cả một trời thương
Mẹ là nguồn sống thiên đường trần gian.

Chính cha mẹ cho con thân nầy. Đích thực cha mẹ dưỡng dục con khôn lớn thành người, chứ không phải trời thần thượng đế nào hết. Suốt trọn đời của cha mẹ đã trải tình thương bao la ân đức sâu dầy cho con như thế, nên bổn phận làm con không thể quên được. Nếu phận làm con không thương nghĩ báo đền ân đức sanh thành dưỡng dục như trời cao biển cả đó, thì cũng chớ nên nhẫn tâm có những hành vi ngôn ngữ thất đức như nói: “Thượng đế sanh tôi; không ăn đồ cúng cha mẹ; tôi cũng như cha mẹ đều do thượng đế tạo thành”, những điều nầy chẳng những làm cho cha mẹ đau buồn tủi phận, mà còn trái với luân thường đạo lý con người có niềm tin truyền thống Đông phương.

Nếu vì đắm mê ái tình, hay vì truy cầu công danh sự nghiệp, hoặc vì nghe theo ác đảng, hay mê tín tà thần ngoại đạo mà con bỏ quên cha mẹ ở một phương trời góc biển nào đó, hoặc chẳng phụng thờ cha mẹ, bỏ bê đấng sanh thành, thì hôm nay, ngày Vu-Lan báo hiếu là dịp tốt nhất, nên hồi tâm đem hết lòng thành, bày tỏ nghĩa cử hiếu kính hướng về cha mẹ. Cha mẹ hy sinh trọn đời trải hết tâm can không màng khổ nhục chỉ vì con, vì muốn lo cho con no cơm ấm áo an lành, vì tương lai hạnh phúc của con, ân đức ấy cao sâu vô tận, mà phận làm con không thương tưởng đến thì con biết thương tưởng ai? Người thân thương ân tình tạo ra đời mình, trọn đời hy sinh đem ân đức cho mình, ruột thịt của mình mà mình chẳng đoái hoài kính thương, đó không phải vong ơn bội nghĩa thì là gì? Và còn biết ơn nghĩa với ai? Những kẻ bội bạc vô tình đối với cha mẹ như vậy thì đối với gia đình vợ con chỉ là vấn đề lợi dụng tình cảm, đối với bạn bè chỉ là manh tâm đầu cơ thanh thế lợi dưỡng, đối với quốc gia xã hội chỉ là môi trường rúc rỉa tham ô để được vinh thân phì da mà thôi! Bởi vì hễ đã bất hiếu thì bất nhân bất nghĩa, đưa đến tâm niệm hành vi làm khổ cha mẹ, giết bạn hại thầy. Những kẻ vong ơn cha mẹ, bội nghĩa sư trưởng, lương lẹo bằng hữu để được quyền uy danh vọng lợi dưỡng thì những kẻ đó nhất định phải là những kẻ vong bản, phản dân tộc, hại quốc gia, đạp lên mạng sống của tha nhân để vinh thân, vui trên cái khổ của người khác để được quyền lực, giàu trên cái nghèo của đồng loại, và mạnh bước đến bờ hố thẳm tội lỗi, không ngại dùng độc tài sắt máu làm khổ dân hại nước, đưa đồng loại và tổ quốc đến chỗ khốn cùng băng hoại lầm than. Tất cả những hậu quả của bất lương ác độc, bất nghĩa bất trung bất tín đều bắt nguồn từ bất hiếu mà ra. Hiếu đạo trọng đại như vậy, nên cổ đức nói: “Hiếu vi vạn hạnh vi tiên”. Nghĩa là, hiếu đứng đầu trong muôn hạnh lành. Người không có tâm hiếu kính thì không phải là con người. Bởi con người thì có nhân tính, trí óc có hiểu biết , có trái tim rung cảm, có tình thương, có luân thường đạo lý, biết tri ân trọng nhân nghĩa.

Thế nên, muốn lập thân, thành công, muốn được đời trọng vọng, muốn sống đời đạo đức thăng hoa tiến bộ, thì trước nhất phải lập tâm hiếu kính với cha mẹ trong gia đình, rồi sau mới ra ngoài đối xử láng giềng quyến thuộc, giữ lấy trách nhiệm xã hội làng nước. Hiếu là đạo tu thân. Người muốn thành nhân, đạt hiền, chí thánh đều lấy hiếu làm gốc. Nên cổ đức nói: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”. Có nghĩa là ngàn quyển kinh, muôn quyển sách, công danh sự nghiệp, tiếng thơm muôn đời, đều lấy hiếu đạo làm đầu.

Nếu chẳng may cha mẹ đắm say cờ bạc rượu chè, mê tín đồng bóng, lầm vào tà giáo, ngoại đạo, ác đảng, bạn bất lương, hoặc chưa biết tu tâm dưỡng tánh, hoặc ngăn cản làm chướng ngại sự tu tập hành thiện của con cái, thì bổn phận làm con chớ nên vì thế mà nản lòng thối chí, trái lại, phải hết sức khôn khéo uyển chuyển dùng lời lẽ dịu ngọt, phương tiện quyền xảo để hướng thiện mẹ cha khởi lòng tin nhân quả luân hồi, phát tâm quy y Tam-Bảo, làm việc phước thiện, ấy là một cách báo đền ân nghĩa sanh thành dưỡng dục cao quý nhất. Làm được như vậy thì việc báo hiếu cả sự lẫn lý mới là vẹn toàn.

Cha mẹ còn nơi dương thế thì con nên gần gũi sớm hôm thăm viếng chăm sóc áo cơm, dưng nước thuốc thang. Cha mẹ qua đời, con nên noi gương hiếu hạnh Mục-Kiền-Liên tôn-giả, tùy theo khả năng mình mà cố gắng làm việc phước đức, cúng dường Tam-Bảo, trai tăng siêu độ để hồi hướng cho cha mẹ được siêu thoát luân hồi, sanh về cảnh giới an vui.

Nhờ phép Phật siêu sanh tịnh độ
Bóng hào quang cứu khổ độ u
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền rửa sạch, oán thù rũ không.

• Nhân quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng.
• Quả báo như bánh xe lăn theo chân bò kéo xe.
• Trời cao lồng lộng, nhưng mẩy lông không lọt.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5887)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 5848)
Nói đến nữ nhân người ta thường nghĩ đến cái đẹp về hình thức và sự nhỏ nhen ích kỷ về tâm tánh. Đó là sự nhận định một cách chung nhất từ xưa đến nay. Dù là như thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận rằng trong bất cứ một xã hội nào thì người nữ vẫn chịu nhiều đau khổ về tinh thần và thể xác hơn người nam. Là một bậc đại trí tuệ Đức Phật đã nhìn thấu tâm can của nữ nhân không vì thế mà Ngài chán ghét họ mà ngược lại Ngài còn thương họ hơn bất cứ ai trên đời này, bởi vì rằng Ngài có một tấm lòng độ lượng vô biên có thể dung chứa hết thảy mọi chúng sanh, mọi tập tính khó ưa, khó kham nhẫn nhất.
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6859)
16 Tháng Tám 2016(Xem: 6514)
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đến thế kỷ II thì Phật giáo đã định hình và phát triển khá mạnh mẽ, nhất là đã có sự thể nhập vào đời sống thực tiễn tại Giao Châu. Đây cũng là lý do tại sao giới trí thức Nho giáo và Lão giáo đặt vấn đề đạo Phật là đạo gì? Mâu Tử đã thẳng thắn trả lời: “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân” được ghi trong tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử 1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5518)
Đức Phật hay Đạo Phật tự ngàn xưa không những giới thiệu cho chúng ta có nhận thức được về sự KHỔ và con đường tu tập để đưa đến chấm dứt mọi sự khổ đau ngay trong hiện tại, mà còn giúp cho chúng ta có một tầm nhìn trong sáng để trang bị hoàn thiện về đạo lý “Nhân bản” của con người trên mọi sinh lộ của cuộc đời.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 4559)
(Rằm tháng 7 - đại lễ Vu Lan, tưởng niệm gương đại hiếu của tôn giả Moggallāna (Mục Kiền Liên) đối với mẹ trong cảnh khổ ngạ quỷ; nên phật tử theo truyền thống Đại Thừa xem ngày chư tăng ra hạ (rằm tháng 7) là ngày báo hiếu mẹ. Đấy là cả một tình cảm cao cả, trân trọng và thiêng liêng. Nhưng theo truyền thống Theravāda thì không có từ Vu Lan, không có đại lễ Vu Lan. Nếu là nội dung và ý nghĩa tương tự – thì phải là sau ngày chư tăng Nam tông ra hạ, nghĩa là sau ngày 16 Tháng 9 ÂL, đúng mùa đại lễ Dâng Y Kaṭhina)
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 10115)
Mong sao chớ hóa thành mây, / Lang thang mấy nẻo đường bay cuối trời. / Chỉ mơ hóa kiếp con người, / Ngả vào tay mẹ thuở ngày ấu thơ.