Phật Dạy Kinh Người Áo Trắng

13 Tháng Giêng 201519:35(Xem: 5278)

KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG
Thích Đạt Ma Phổ Giác


PHẬT DẠY KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG

Tôi nghe như vầy. Một thời đức Phật ở chùa Kỳ Viên do Cấp Cô Độc, thái tử Kỳ-đà phát tâm hiến cúng. Vào sáng hôm nọ, ông Cấp Cô Độc cùng với năm trăm cư sĩ thuần thành viếng thăm, đảnh lễ ngài Xá-lợi-phất, rồi ngồi một bên. Ngài Xá-lợi-phất dùng nhiều phương tiện, thuyết pháp khai tâm cho các cư sĩ, mang lại niềm vui và sự khát ngưỡng đối với Tam bảo và sự thực tập con đường chuyển hóa.  

Ngài Xá-lợi-phất hướng dẫn tất cả đến viếng đức Phật, đầu thành năm vóc, đảnh lễ chân Người, rồi ngồi một bên, an trú trong chính niệm. Thế Tôn ân cần dạy bảo mọi người những điều cốt lõi mà người tại gia cần siêng thực hành, để được an vui.    

Này các đệ tử, nếu người áo trắng sống đời thanh cao, giữ gìn trọn vẹn năm điều đạo đức, tu tập đầy đủ bốn tâm cao thượng, có thể đạt được một cách dễ dàng phước và hạnh phúc ở trong hiện tại và biết chắc rằng không còn rơi rớt trong các nẻo ác: Địa ngục, ngạ quỷ và loài động vật trong kiếp tương lai. Đồng thời, người ấy đã được chắc chắn dự vào dòng thánh ở quả thứ nhất.   

Đạo đức thứ nhất: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa mọi sự giết hại, buông bỏ vũ khí, chấm dứt bạo động, tu tập từ bi, thương xót mọi loài, bảo vệ thiên nhiên, biết sống hổ thẹn, lương tâm trong sáng. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng nhổ tận gốc rễ tâm niệm giết hại, sống trong hạnh phúc và sự an vui.  

Đạo đức thứ hai: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa mọi sự trộm cắp, tôn trọng sở hữu hợp pháp của người, những gì không cho thì không được lấy; vui thích bố thí, cứu người giúp đời vượt qua nghèo khổ; lúc bố thí thì không cầu đền đáp. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng không bị tâm lý tham lam, bỏn sẻn, keo kiệt che lấp, sống trong liêm khiết, giàu lòng vị tha.   

Đạo đức thứ ba: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa tà dâm ngoại tình, sống hạnh chung thủy, bảo vệ hạnh phúc tất cả mọi người trong sự bảo hộ của cha và mẹ, hoặc cả cha mẹ, hoặc anh chị em, hoặc bên sui gia, hoặc người đồng tính, hoặc vợ chồng con của mình và người, cả kẻ cuồng dâm, bạo lực gia đình, hoặc kẻ bán phấn. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng không bị tâm lý hưởng thụ thấp kém làm mất hạnh phúc.      

Đạo đức thứ tư: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa những lời dối gạt, chấm dứt nói láo - tuyên bố sự thật, không nói chia rẽ - nói lời xây dựng, không nói thô tục - nói lời lịch sự, không nói tán gẫu - nói lời lợi lạc. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng an trú chính niệm, đáng được tin cậy, uy tín tăng trưởng.            

Đạo đức thứ năm: Đệ tử áo trắng quyết tâm xa lìa rượu và ma túy, các chất gây say; chấm dứt thói quen hưởng thụ độc tố; không tham gia  sản xuất, buôn bán các độc tố này. Nhờ thực tập này, đệ tử áo trắng giữ gìn sức khỏe và sống hạnh phúc với người thân thương. 

Này các đệ tử, làm người áo trắng, sống đời tại gia, hãy cố gắng giữ năm điều đạo đức vừa được tuyên thuyết, để sống hạnh phúc với nhiều phước báo trong hiện tại và mai sau.

Này các đệ tử, hãy lắng lòng nghe Như Lai giảng dạy phương pháp đạt được bốn tâm cao thượng trong hiện tại này, một cách dễ dàng với nhiều giá trị.      

Tâm cao thượng một: Đệ tử áo trắng quán niệm Như Lai là bậc Giác ngộ không còn dính mắc, bậc Minh Hạnh Túc, là bậc Thiện Thệ, bậc Thế Gian Giải, bậc Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, là Thiên Nhân Sư, là Phật, Thế Tôn. Nhờ quán niệm này, vọng tâm, dục niệm thảy đều tiêu diệt; không còn yếu tố bất thiện, uế nhiễm, sầu khổ, lo âu ảnh hưởng, chi phối. Nhờ quán tưởng Phật, tâm được lắng trong, đạt an vui lớn.      

Tâm cao thượng hai: Đệ tử áo trắng quán niệm chánh pháp được Phật giảng dạy tài tình dễ hiểu, có khả năng lớn đưa đến giải thoát mọi sự khổ đau và các phiền não; tâm được thư thái, không bị nóng bức, an vui lâu dài.        

Tâm cao thượng ba: Đệ tử áo trắng quán niệm Tăng đoàn của đức Như Lai, đi trên nẻo thiện, thánh đạo chân chánh, hướng theo giáo pháp, thực tập giáo pháp, sống đúng giáo pháp. Có vị đã chứng quả A-la-hán, quả A-na-hàm, quả Tư-đà-hàm, quả Tu-đà-hoàn, hoặc đang trên đường đạt các quả ấy. Tăng đoàn gồm đủ bốn đôi, tám bậc, thành tựu đạo đức, thiền định, trí tuệ, giải thoát cũng như tri kiến giải thoát. Thánh chúng như thế đáng được tôn kính, phụng sự, cúng dường, là ruộng phước tốt cho đời gieo trồng.      

Tâm cao thượng bốn: Đệ tử áo trắng quán niệm giới luật được Phật giảng dạy không có khuyết điểm, không bị tỳ vết, không bị nhơ uế, có khả năng lớn bảo hộ đạo đức, giúp người giữ giới an trú vững chãi trong cảnh giới Phật. Giới này thanh cao vốn được hiền trí khen ngợi, tiếp nhận, thực tập, truyền bá.    

Này các đệ tử, nên ghi nhớ rằng đệ tử áo trắng khi thực tập được bốn tâm cao thượng một cách trọn vẹn là đã chấm dứt các nẻo xấu ác, không còn đọa lạc địa ngục, ngạ quỷ và loài súc sanh, hướng đến chứng đắc quả Tu-đà-hoàn, ngay trong hiện tại. Người đệ tử ấy đi về nẻo giác, chuyển hóa phiền não, thanh tịnh thân tâm; qua lại tối đa bảy lần sinh tử trong cõi trời người là có thể đạt giác ngộ, giải thoát, không còn khổ đau.

Sau khi tuyên thuyết năm điều đạo đức, bốn tâm cao thượng, Thế Tôn ân cần trùng tuyên tóm tắt bằng một bài kệ dễ hiểu sau đây:    

Người tại gia sáng suốt,

Sợ các cảnh giới xấu,

Siêng thực tập chính pháp,

Chuyển hóa mọi khổ đau.    

Giữ năm điều đạo đức:

Không giết hại sự sống,

Chân thật, không trộm cắp,

Chung thủy trong hôn nhân,

Không nói lời tổn hại,

Không rượu và ma túy.    

Người đệ tử áo trắng

Thường thực tập niệm Phật,

Thường thực tập niệm Pháp,

Thường thực tập niệm Tăng,

Thường quán niệm đạo đức,

Nhờ đó, tâm thảnh thơi.     

Người đệ tử áo trắng

Hoan hỷ với bố thí,

Gieo trồng phước hiện tiền,

Khéo thực tập chính niệm,

Giác ngộ và giải thoát.      

Hãy quan sát đàn bò

Có con vàng, đỏ, trắng,

Một màu hoặc có đốm;

Dù bò màu sắc gì,

Hoặc xuất xứ từ đâu,

Giá trị thật của bò,

Là ở sức chuyên chở.

Là con bò hữu dụng

Phải có sức khỏe mạnh,

Kéo xe, chuyên chở nhiều,

Giúp chủ trong công việc.  

Trong thế giới con người

Dù xuất thân thế nào,

Già trẻ hay nam, nữ

Vua chúa hay thương gia

Tu sĩ hay thường dân,

Bất kỳ ai giữ giới,

Sống trong sạch, đứng đắn,

Trở thành người đạo đức,

Khéo vượt khổ, thảnh thơi,

Đạt được sự giác ngộ.

Cúng dường người như vậy

Sẽ được phước đức lớn.    

Như Lai không phân biệt

Giai cấp và nguồn gốc.

Kẻ không có tài đức

Không lợi lạc cho ai.

Cúng dường người như thế

Không có giá trị nhiều.                      

Phật tử siêng tu huệ,

Tâm hướng về Phật pháp,

Căn lành luôn tăng trưởng,

Hiện đời được hạnh phúc,

Khi chết tái sinh lành,

Qua lại trong trời người,

Nhiều nhất là bảy lần,

Tiếp tục tu nhân lành,

Đạt niết-bàn giải thoát.  

Nghe Phật dạy xong, ngài Xá-lợi-phất, Cấp Cô Độc và năm trăm cư sĩ cảm thấy hân hoan, phát nguyện làm theo những điều Phật dạy, đồng thời phát nguyện truyền bá lời Phật, đem lại lợi lạc cho khắp mọi người.

                                                              (Bản dịch Thích Nhật Từ)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 9092)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8096)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 9715)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9241)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..