Miệng Từ Bỏ Nói Dối Hại Người

13 Tháng Giêng 201520:04(Xem: 5521)

KINH NGƯỜI ÁO TRẮNG
Thích Đạt Ma Phổ Giác


MIỆNG TỪ BỎ NÓI DỐI HẠI NGƯỜI 

Nói dối hay còn gọi là nói dốc, nói láo. Nói dối tức là chuyện có nói không, chuyện không nói có, hứa hẹn với người khác rồi nuốt lời. Tự mình nói dối để lừa gạt người dưới nhiều hình thức, rồi xúi bảo kẻ khác nói dối hoặc thích thú trong lời nói dối gạt và khen ngợi lời nói dối.

Mục đích của lời nói dối là để lường gạt người khác hoặc để người ta thương tâm mà giúp đỡ mình. Lời nói dối có nhiều cách, do ganh ghét tật đố mà nói dối để hại người khác. Một người nói dối thường gây ra nhiều tội lỗi bằng nhiều hình thức, cũng chỉ vì bảo vệ quyền lợi cho riêng mình.

Thành thật là một đức tính tốt đẹp được thể hiện nhân cách sống của chính mình, bao giờ cũng đem lại cho người niềm vui vô hạn. Những lời nói thành thực là chất liệu của sự thật thà chất phát không làm cho chúng ta tốn kém tiền bạc hay hao tổn sức lực, nhưng nó đem lại nhiều ích lợi và làm cho người nghe được an ủi, khích lệ và làm cho tình thân giữa ta với người khác được thêm thắm thiết đậm đà.

Thuốc đắng dã tật người thật mất lòng. Ở đời có những lời nói khó nghe, làm mất lòng ta, nhưng họ chỉ có ý tốt muốn ta thấy được lỗi lầm của mình mà sửa sai. Ta hãy nên cám ơn người đó.

Tuy thế, có những lời ngọt ngào, êm tai, rất được lòng ta, nhưng đó là những lời dối trá, xu nịnh, không hề tạo cho ta một điều tốt nào cả, đấy là những “lời ngọt mật chết ruồi” của những kẻ gian dối, điêu ngoa. Chính vì thế, mỗi ngày được sống, ta hãy biết chọn những lời hay ý đẹp mà nói, phù hợp với chân lý, để làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa của nhân loại.

Để đạt được những tình cảm trong lời ăn tiếng nói, ta cần phải biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực như nóng nảy, giận dữ, quát mắng, nhất là với những người thân yêu của chúng ta. Và một điều rất quan trọng nữa là ta nên suy nghĩ thật cẩn thận, trước khi muốn nói điều gì.

Dĩ nhiên, chúng ta không nên nói với nhau những lời giả dối. Trái lại, chúng ta cần nói lời thành thật với nhau bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Người cư sĩ tại gia luôn biết tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, sống  thật thà và can đảm nhận lỗi, khi mình mắc phải khuyết điểm mà cố gắng sửa sai.

Sống trung thực giúp ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu, kính trọng. Do đó, cây ngay không sợ chết đứng, người thật không sợ mích lòng. Thế gian ai cũng ưa thích nói lời chân thật, giúp cho con người biểu lộ sức mạnh nội tâm, đem đến sự tin tưởng trong mối quan hệ giao tế làm ăn.

Người Phật tử chân chính không nên có nói không, không nói có, bóp méo boi nhọ sự thật, thường xuyên tạc lẽ phải làm cho con người nghi kỵ thù hằn lẫn nhau.

Có những lời nói dối đưa đến ganh ghét, tật đố, tỵ hiềm lẫn nhau. Có những lời nói gian dối dẫn đến nghi kỵ chém giết, hận thù. Có những lời nói dối làm cho người ta tán gia, bại sản, cửa nát nhà tan. Có những lời nói dối đưa kẻ khác vào con đường tù tội, làm cho gia đình đổ vỡ phân ly. Có những lời nói dối làm cho sự nghiệp của người khác rơi vào hoàn cảnh bế tắc. Có những lời nói dối phá vỡ bình yên, hạnh phúc của người khác. Có lời nói dối làm cho gia đình người thân, bạn bè suốt đời không nhìn mặt nhau...như kẻ thù. Có những lời nói dối làm cho người ta uất giận nghẹn ngào, dẫn đến xuất huyết mà chết.

Lời nói chân thật có thể mang lại niềm an vui hạnh phúc cho nhiều người, giúp họ có niềm tin, ý chí và nghị lực trong cuộc sống để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nói lời từ ái, hòa nhã làm cho con người càng thêm gắng bó với nhau hơn.

Nói sự thật để bảo vệ chân lý sống cho nhân loại, bảo vệ lợi ích cho nhiều người thì dù có chết ta vẫn phải nói. Nhưng, nếu nói sự thật để làm cho người khác bị gục ngã, mà không được sống yêu thương và hiểu biết, thì ta phải khéo léo nói khác đi một chút.

Lời nói khéo léo giúp cho ta nâng đỡ được người kia lên, vượt qua biển khổ sông mê, nhờ vậy lúc nào cũng thấy cuộc đời là thiên đường của hạnh phúc. Một lời nói ác ý, có thể dìm con người ta xuống địa ngục trần gian, nên lúc nào cũng thấy đời là bể khổ trần ai.

Người dám phê bình ta, mà phê bình đúng, người đó là thầy ta, người hay khuyên nhủ ta làm điều tốt luôn an ủi ta, giúp ta vượt qua nghịch cảnh là bạn tốt, ta hãy nên kết thân với người này.

Người hay gian dối nịnh bợ tâng bốc ta để được quyền cao chức trọng, không sớm thì chày người đó sẽ hại ta trong nay mai. Quả thật sống trong thế gian này nếu không có lời nói thì con người không thể truyền thông hiểu biết cho nhau, để cùng nhau làm việc, để cùng nhau kết nối yêu thương, để cùng nhau sẻ chia, để cùng nhau tâm tình và để cùng nhau chia vui sớt khổ, bằng tình người trong cuộc sống.

Lời nói chân tình, lời nói thành thật, lời nói nhẹ nhàng, lời nói cảm thông, lời nói tha thứ, lời nói yêu thương là cách thức góp phần làm cho mình và người an vui hạnh phúc, ngay trong giờ phút hiện tại.

Hạnh lắng nghe của Bồ-tát Quán Thế Âm là một nghệ thuật để cho ta sống có hiểu biết và yêu thương, do đó mỗi người đều có hai tai, nhưng chỉ có một cái miệng. Miệng có hai nhiệm vụ một là được ăn để mà sống, hay là nói để truyền đạt thông tin hiểu biết cho nhau. Chính vì vậy ta có hai tai để lắng nghe nhiều hơn, ta lắng nghe và biết cảm thông nỗi đau của người khác.

Lời nói khi thốt ra ta lấy chữ tín làm đầu, không nên hứa rồi mà lỗi hẹn, không nên nói dối, nói xảo, nói xạo, vì những việc ngoài khả năng của ta, ta không nên hứa suông để làm người thất vọng hoặc dùng lời nói khéo để lừa bịp người khác.

Ta không nên nói việc gì khi chưa rõ sự thật, không nên vội vã phát biểu ý kiến hay loan tin để tránh gây hậu quả không tốt cho người khác. Để được kết nối yêu thương trong sự giao tiếp, ta cần phải nói rõ ràng chậm rãi, không quá nhanh và cũng không quá chậm, để người nghe dễ dàng tiếp thu mà cùng nhau sống hòa hợp.

Chính vì vậy lời nói là thước đo của lòng người, nên ta phải biết rèn luyện tu tập lời nói sao cho vừa lòng người, mà không phải bằng cách gian dối dua nịnh. Do đó học ăn thì dễ, nhưng học nói phải suốt đời chưa chắc đã làm xong, cho nên mọi người phải thận trọng trong lời nói để ta và người cùng sống yêu thương có hiểu biết.

Sống ở đời lý trí và tình cảm thường đi đôi với nhau. Tình cảm là con tim, lý trí là khối óc, nếu ta biết quân bình vận dụng khối óc và con tim nhịp nhàng thì cuộc sống mới được bình yên hạnh phúc. Con người quá tình cảm mà không có lý tri thì dễ trở thành gian dối hại người. Ngược lại, nếu có lý trí mà thiếu tình cảm thì đời sống con người trở nên khô khan.

Là người Phật tử chân chính, chúng ta hãy nên từ bỏ vĩnh viễn lời nói dối để hại người. Chư đại Bồ-tát, các bậc Thánh nhân cùng với những nhà nhân cách đạo đức dù họ có lìa bỏ thân mạng, bị sỉ nhục đắng cay, bị hành thân thể đau thương vẫn không nói dối để hại người!

Không nói dối mà còn hay nói lời chân thật là phẩm chất cao thượng, là đức tính quý báu của người cư sĩ tại gia. Lời nói rất quan trọng, có thể tác động tới tâm tư mọi người khiến họ hạnh phúc hay đau khổ. Do đó, chúng ta nguyện sẽ nói lời chân thật và không nói dối để tránh làm tổn hại người khác.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tám 2020(Xem: 10138)
06 Tháng Bảy 2016(Xem: 8578)
Đối nghịch, mâu thuẫn là hiện tượng thường xảy ra trong đời sống. Khi không thể giải quyết, nó đưa đến thù ghét và chiến tranh. Từ ngày có con người trên trái đất cho đến ngày nay, chiến tranh chưa bao giờ chấm dứt.
19 Tháng Năm 2016(Xem: 10432)
Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daijokyo) xuất xứ từ thời Vua Taisho (Đại Chánh) ở Nhật Bản từ đầu thế kỷ thứ 20. Đây là một bộ Đại Tạng Kinh của Bắc truyền được tổng hợp cũng như sự giảo chánh của các nhà học giả Phật Giáo Nhật Bản lúc đương thời qua các bộ Minh Đại Tạng, Càn Long Đại Tạng v.v… Tổng cộng gồm 100 quyển, dày mỏng khác nhau, mỗi quyển độ 1.000 đến 1.500 trang khổ lớn. Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh đã cho phiên dịch hoàn toàn sang tiếng Việt tại Đài Loan thành 203 cuốn(đã in được 93 cuốn), mỗi cuốn từ 800 đến 1.500 trang. Tổng cộng các bản dịch về Kinh, Luật, Luận của Đại Thừa không dưới 250.000 trang sách.
12 Tháng Năm 2016(Xem: 9853)
BÁT NHÃ BA LA MẬT là một trong những hệ tư tưởng của Đaị thừa Phật giáo Bắc tông. Bát Nhã Ba La Mật, Trung Hoa dịch: TRÍ TUỆ ĐÁO BỈ NGẠN. Thành ngữ đáo bỉ ngạn, chỉ cho sự viên vãn cứu kính, sự hoàn thành trọn vẹn về một lãnh vực tri thức, một công hạnh lợi tha, một sự giải thoát giác ngộ hoàn toàn..