09 Luận Tọa Thiền

30 Tháng Mười 201000:00(Xem: 16000)

TRẦN THÁI TÔNG
KHÓA HƯ LỤC
Giảng Giải
THÍCH THANH TỪ
DL 1996 - PL 2540

LUẬN TỌA THIỀN

Dịch

Phàm người học đạo chỉ cầu kiến tánh. Tuy thọ được tất cả tịnh giới, mà không tọa thiền thì định lực chẳng sanh; định lực chẳng sanh thì vọng niệm không diệt, muốn được kiến tánh, thật là khó vậy. Đức Phật Thích-ca vào núi Tuyết, ngồi ngay thẳng sáu năm, chim cáp làm tổ trên đầu, cỏ tranh mọc xuyên qua bắp vế, mà thân tâm thản nhiên. Tử Cơ ngồi tựa ghế, thân như cây khô, tâm tợ tro tàn. Nhan Hồi ngồi quên, tay chân rời rã. Đuổi thông minh, lìa ngu trí, đồng với đại đạo. Đó là các bậc Thánh Hiền trong tam giáo ngày xưa, đã từng ngồi định.

Song đi đứng nằm ngồi đều là thiền, không phải chỉ riêng ngồi. Nhưng vì đi thì cất bước, đứng thì nhọc nhằn, nằm thì mờ mịt mà yên tĩnh, yên tĩnh thì cái nghĩ sanh, nghĩ sanh thì niệm khởi. Muốn dứt các niệm, nên tập ngồi thiền định. Nếu khi ngồi không dứt các niệm, tâm khỉ đua nhảy, ý vượn chạy rong, hoặc vọng tưởng mà biết tiền trần, hoặc vô ký mà quên tự tánh. Tựa giường, dựa vách, nhắm mắt che tròng ngủ gục, nước miếng chảy, đầu cúi, xương sống cong. Tuy giả danh là tọa thiền, mà ngồi dưới núi đen, trong hang quỉ. Cho nên Thiền sư Hoài Nhượng nói: “mài gạch muốn làm gương” là nói về người này vậy.

Vả lại, thiền có bốn thứ:

1. Tạo kế khác, ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Ngoại đạo thiền”.

2. Chánh tín nhân quả, cũng ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Phàm phu thiền”.

3. Rõ lý sanh (nhân) không, chứng đạo thiên chân mà tu, gọi là “Tiểu giáo thiền”.

4. Đạt nhân, pháp đều không mà tu, gọi là “Đại giáo thiền”.

Nay, người hậu học, cần lấy “Đại giáo thiền” làm chánh. Nơi đây tập tọa thiền dứt niệm, chớ sanh kiến giải.


Giảng

Phàm người học đạo chỉ cầu kiến tánh.

Đã nói về giới rồi phải nói đến định. Định tức là tọa thiền. Ngài nói người học đạo phải cầu kiến tánh, tức nhận ra bản tánh thanh tịnh sáng suốt của mình, gọi là kiến tánh.

Tuy thọ được tất cả tịnh giới, mà không tọa thiền thì định lực chẳng sanh.

Nghĩa là mình có được giới trong sạch là có phước, là tránh được phiền não, nhưng không tọa thiền thì sức định không mạnh.

Định lực chẳng sanh thì vọng niệm không diệt.

Không có sức định thì vọng niệm không diệt, nó cứ lăng xăng làm cho tâm mình rối loạn không an. Bởi vậy có giới rồi kế đó phải tọa thiền để tâm được định. Tâm được định thì vọng tưởng mới dừng.

Muốn được kiến tánh, thật là khó vậy.

Nếu vọng niệm chưa hết mà muốn được kiến tánh thật là khó. Bởi vì nếu tâm chưa dừng lặng mà muốn nhận ra được bản tánh thật là điều khó, không thể được. Cho nên đầu tiên là Giới, kế đó là Định. Định là nhờ sức tọa thiền. Nhờ tọa thiền tâm mới lặng. Tâm lặng thì tánh giác mới hiện tiền.

Đây dẫn chứng:

Đức Phật Thích-ca vào núi Tuyết, ngồi ngay thẳng sáu năm, chim cáp làm tổ trên đầu, cỏ tranh mọc xuyên qua bắp vế, mà thân tâm thản nhiên.

Đây là chỉ lúc đức Phật tu khổ hạnh sáu năm, chim làm tổ trên đầu, cỏ mọc qua bắp vế, mà Ngài vẫn ngồi yên thiền định.

Tử Cơ ngồi tựa ghế, thân như cây khô, tâm tợ tro tàn.

Tử Cơ là người học đạo tiên. Người tu tiên cũng ngồi thiền định cho tâm yên lặng, khô kiệt không còn rối loạn nữa.

Nhan Hồi ngồi quên, tay chân rời rã.

Nhan Hồi là người tu theo Nho vẫn ngồi quên cả thân thể, buông thõng tay chân. Đây để chỉ tu theo Phật, Lão, Khổng đều phải nhờ thiền định.

Đuổi thông minh, lìa ngu trí, đồng với đại đạo.

Đại đạo là chỉ tánh giác thanh tịnh. Muốn được tánh giác thanh tịnh thì đừng giữ thông minh, ngu trí. Thông minh là cái suy nghĩ lanh lợi, bén nhạy của thế gian, trong nhà Phật gọi là thế trí biện thông tức là trí thế gian, chưa phải là chỗ chân thật, chỗ giác ngộ. Vì vậy nên nói đuổi thông minh, lìa ngu trí mới đồng với đại đạo. Không nên phân biệt trí ngu, chỉ khi nào tâm thản nhiên thanh tịnh, lúc đó mới sống được với đại đạo.

Đó là các bậc Thánh Hiền trong tam giáo ngày xưa, đã từng ngồi định.

Như vậy những bậc Thánh, bậc Hiền trong Phật giáo, Khổng và Lão vẫn ngồi thiền cho tâm được an định. Vì ngồi thiền mới có sức mạnh kềm chế được vọng tưởng, nếu không thì e không có khả năng chinh phục được nó.

Song đi đứng nằm ngồi đều là thiền, không phải chỉ riêng ngồi.

Tuy Ngài đề cao ngồi thiền, nhưng bây giờ Ngài nói lại, trong nhà thiền không phải chỉ ngồi mới thiền, mà đi đứng nằm ngồi đều là thiền.

Nhưng vì đi thì cất bước, đứng thì nhọc nhằn, nằm thì mờ mịt mà yên tĩnh, yên tĩnh thì cái nghĩ sanh, nghĩ sanh thì niệm khởi.

Ở đây nói mọi hành động đều là thiền, nhưng khi đi phải cất bước, cất bước thì có lăng xăng có động, mà động thì khó định. Đứng thì đứng lâu mỏi chân, cũng khó định. Nằm thì mờ mịt vì buồn ngủ, mà mờ mịt thì không có sức mạnh. Tuy nó hơi yên nhưng yên thì cái nghĩ dễ sanh, mà nghĩ sanh thì niệm khởi. Như vậy tuy đi đứng nằm đều được, nhưng không phải là thế ưu.

Muốn dứt các niệm nên tập ngồi thiền định.

Ngồi thiền là ưu hơn hết, bởi vậy bắt quí vị ngồi hai giờ là cái lý của tôi. Có ngồi nhiều rồi quí vị mới thấy kinh nghiệm tôi không sai. Nếu ngồi một giờ thì nửa giờ đầu rối bời, lúc hơi yên là hết giờ. Ngồi một giờ rưỡi thì nửa giờ đầu rối, nửa giờ kế hơi yên yên, nửa giờ sau vừa mới yên thì hết giờ. Ngồi hai giờ thì bỏ giờ đầu, còn giờ sau là giờ yên. Yên là sức mạnh. Ngoại trừ những người mới ngồi thì giờ sau là giờ chịu đựng, nhưng có chịu đựng rồi sẽ thắng. Còn người ngồi được lâu thì giờ sau mới yên, yên rồi sẽ thấy sức mạnh của thiền. Sức mạnh đó mới thắng được vọng tưởng, nếu không thì vọng tưởng cứ ào ào tuôn ra dừng không nổi. Bởi vậy, tu cần phải cố gắng chịu đựng mới thắng được, chớ không phải dễ dàng.

Nếu khi ngồi không dứt các niệm, tâm khỉ đua nhảy, ý vượn chạy rong, hoặc vọng tưởng mà biết tiền trần, hoặc vô ký mà quên tự tánh.

Ở đây Ngài nói, khi ngồi cốt dứt vọng niệm, mà vọng niệm không dứt thì tâm, ý chạy lăng xăng loạn động. Như đang ngồi ở Thiền đường Trúc Lâm mà đi dạo chợ Đà Lạt, có khi chạy xuống Thường Chiếu, chạy khắp mọi nơi. Đó là tâm khỉ đua nhảy, ý vượn chạy rong.

Hoặc vọng tưởng mà biết tiền trần, hoặc vô ký mà quên tự tánh.

Vọng tưởng và vô ký là hai bệnh của người ngồi thiền. Vọng tưởng nhớ lại cảnh này cảnh nọ, hoặc hình ảnh của những ngày qua, biết là biết theo cái bóng của những việc đã qua. Vô ký là chuẩn bị hôn trầm. Nếu ngồi mà tỉnh sáng, thì không lìa tánh giác. Có nhiều người không hiểu, ngồi cứ cầu cho thấy tánh. Cần thấy tánh làm gì? Chỉ cần tỉnh sáng không vọng tưởng là đủ rồi. Sao vậy? Vì tánh hiện đó chớ đâu, còn cầu thấy chỉ là bệnh. Cho nên vô ký quên tự tánh là khi mờ mờ mịt mịt quên cái tỉnh sáng của mình.

Đây nói những bệnh:

Tựa giường, dựa vách, nhắm mắt che tròng ngủ gục, nước miếng chảy, đầu cúi, xương sống cong.

Đó là những bệnh của người ngồi thiền còn lôi thôi. Ngồi thiền mà ngồi trong mùng tựa giường, vừa mỏi muốn dựa vách cho đỡ mỏi, hoặc nhắm mắt một hồi rồi gục lên gục xuống, hoặc ngồi đầu cúi, nước miếng chảy xuống, xương sống cong. Người tập tu thiền có những bệnh ở trên đây cần phải ráng sửa.

Tuy giả danh là tọa thiền, mà ngồi dưới núi đen, trong hang quỉ.

Ngồi như vậy là giả danh ngồi thiền, vì bị mờ mờ mịt mịt đâu có thấy gì, mà quỉ thì ở trong bóng tối, nên nói là ngồi dưới núi đen, trong hang quỉ, chớ không phải ngồi trong nhà Phật, trong nhà thiền. Như vậy ngồi thiền phải ngồi cho ngay thẳng, không nương dựa vào vật gì, mắt mở nhỏ, không nên nhắm, đầu đừng cúi quá, không cho nước miếng chảy, xương sống thẳng, đó mới đúng cách tọa thiền.

Cho nên Thiền sư Hoài Nhượng nói: “mài gạch muốn làm gương” là nói về người này vậy.

Thiền sư Hoài Nhượng ở núi Nam Nhạc, một hôm Ngài đi dạo núi chơi, thấy một vị Sư ngồi thiền nghiêm chỉnh trên tảng đá, Ngài liền đến hỏi: Ông làm gì đây? Đáp: Dạ, con ngồi thiền. Hỏi: Ngồi thiền cầu làm gì? Đáp: Cầu thành Phật. Ngài im lặng trở về. Hôm sau Ngài trở lại, đến bên tảng đá vị Sư kia ngồi (vị Sư này sau là Mã Tổ Đạo Nhất), lấy một viên gạch ngồi mài. Vị Sư thấy lạ hỏi: Hòa thượng mài gạch để làm gì? Ngài đáp: Ta mài gạch để làm gương. Vị Sư thắc mắc hỏi: Mài gạch sao thành gương được? Đáp: Nếu mài gạch không thành gương được thì ngồi thiền đâu thể thành Phật được? Vị Sư giật mình hỏi lại: Ngồi thiền sao không thành Phật? Ngài giải thích: Ông học ngồi thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định. Nếu ông chấp ngồi là Phật tức là giết Phật. Như vậy Phật không phải chỉ ngồi mới có. Nếu ngồi mới gọi là Phật, thì lúc đi, đứng là ai? Vì Phật đâu phải chỉ ngồi, có khi Phật đi khất thực, không ngồi thì không phải Phật sao? Ngài nói như vậy để đánh thức vị Sư. Lại nữa, Phật là giác ngộ mà giác ngộ không phải chỉ riêng ở trạng thái ngồi mà cả trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi). Nếu chấp ngồi mới là Phật, đó là bệnh. Ở đây Ngài muốn nói nếu tu thiền mà cố chấp ngồi để thành Phật, rồi ngồi gục lên gục xuống, không tỉnh, không sáng, thì chẳng khác nào mài gạch muốn thành gương vậy!

Vả lại, thiền có bốn thứ:

1. Tạo kế khác, ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Ngoại đạo thiền”.

2. Chánh tín nhân quả, cũng ưa trên chán dưới mà tu, gọi là “Phàm phu thiền”.

3. Rõ lý sanh (nhân) không, chứng đạo thiên chân mà tu, gọi là “Tiểu giáo thiền”.

4. Đạt nhân, pháp đều không mà tu, gọi là “Đại giáo thiền”.

Ở chỗ khác theo lời giải của ngài Tông Mật có thêm cái thứ năm nữa là Tối thượng thừa thiền, đó là Thiền tông.

Tạo kế khác, ưa trên chán dưới mà tu, gọi là ‘Ngoại đạo thiền’.

 Tức là ưa ngồi thiền để có một cái gì bên ngoài tựa vào mình để được thành Thánh thành Thần; hoặc ngồi thiền để mong cầu có một sức mạnh thiêng liêng nào ở bên ngoài tựa vào mình, dầu sức mạnh đó có điện lực gì cũng thuộc về ngoại đạo thiền.

Chánh tín nhân quả, cũng ưa trên chán dưới mà tu, gọi là ‘Phàm phu thiền’.

 Nghĩa là nghe trong kinh Phật dạy, người tu được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền thì được sanh trên các cõi trời Sắc giới... Vì ham sanh ở các cõi trời Sắc giới mà tu để chứng các thứ thiền đó, nên gọi là phàm phu thiền. Tuy có tin nhân quả, nhưng kết quả chỉ sanh lên các cõi trời Sắc giới thôi.

Rõ lý sanh không, chứng đạo thiên chân mà tu, gọi là ‘Tiểu giáo thiền’.

Sanh không là rõ về thân con người không có ngã. Sanh không chỉ do cái nhân con người phá được ngã chấp, mà tu thiền chứng được đạo thì gọi là Tiểu thừa thiền hay Tiểu giáo thiền. Đây chứng được quả A-la-hán, giải thoát sanh tử.

Đạt nhân, pháp đều không mà tu, gọi là ‘Đại giáo thiền’.

Người tu phá được chấp ngã chấp pháp, cả hai đều không mà tu thì gọi là Đại giáo thiền hay Đại thừa thiền.

Nay người hậu học, cần lấy Đại giáo thiền làm chánh. Nơi đây tập tọa thiền dứt niệm, chớ sanh kiến giải.

Ngài khuyên người thời nay tu hành nên theo Đại giáo thiền, là thiền không còn chấp ngã, chấp pháp. Ngã là chỉ cho mình cho người, pháp là chỉ cho sự vật chung quanh. Cả hai đều không chấp gọi là Đại giáo thiền, cũng gọi là thiền Đại thừa. Pháp tu này mới giải thoát sanh tử cho mình và phát đại bi tâm cứu độ mọi người. Vì vậy Ngài khuyên chúng ta nên học theo Đại giáo thiền này mà tu dứt niệm, không nên sanh kiến giải.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Ba 2016(Xem: 13292)
Theo giáo lý Tịnh Độ Phật A Di Đà là vị Phật ánh sáng luôn soi chiếu thông suốt mọi cảnh giới, tiếp dẫn chúng sanh vãng sanh. Đại thừa triển khai chân lý Phật dạy với quan niệm Thế giới quan và Phật đà quan hoàn toàn không bị đóng khung trong quan niệm của Phật giáo Nguyên thủy. Niềm tin trọn vẹn về một bậc thầy giác ngộ viên mãn, đầy đủ oai lực từ bi và trí tuệ. Năng lực của Phật có từ trường rất mạnh đối với tâm thức người quán niệm. Người tu Tịnh Độ, cũng có niềm tin rằng bên ngoài có Phật A Di Đà, bên trong tâm mình có tánh Phật A Di Đà. Khi chưa giác ngộ thì còn bị phiền não che lấp tánh Di Đà, nay niệm Phật là phương tiện tuyệt vời để khôi phục tâm tánh ấy.
04 Tháng Mười Một 2015(Xem: 16963)
Tịnh Độ hay Quốc Độ của Chư Phật là từ dùng để chỉ Thế Giới đẹp đẽ, thanh tịnh, tôn nghiêm, là nơi các Đức Phật cùng hàng Thánh Giả và các Tín Chúng cư ngụ. Từ này khá xa lạ đối với nhiều tín đồ theo truyền thống Phật giáo Nam Truyền Theravāda. Theo quan niệm thông thường của truyền thống Theravāda thì ngoài những Đức Phật quá khứ đã nhập diệt và những Đức Phật tương lai chưa ra đời, thì trong thời điểm hiện tại không tồn tại một Đức Phật nào khác.
30 Tháng Mười 2015(Xem: 14785)
"A-di-đà kinh khắc trên đá ở Tương dương là do Trần Nhân Lăng đời Tùy viết, nét chữ thanh đẹp nên nhiều người hâm mộ. Đoạn từ câu 'nhất tâm bất loạn' trở xuống có thêm: Chuyên trì danh hiệu, dĩ xưng danh, cố chư tội tiêu diệt, tức thị đa thiện căn phước đức nhân duyên. Truyền bản ngày nay đã thoát mất hai mốt chữ này"
19 Tháng Mười 2015(Xem: 19273)
Trong thời gian qua, trên trang mạng Thư Viện Hoa Sen đã xảy ra nhiều tranh luận khá gay gắt về vấn đề đức Phật A-di-đà, nay thầy Phước Nguyên gửi cho ban biên tập cuốn tiểu luận nghiên cứu từ Tạng Kinh Sanskrit và Tây Tạng để phổ biến đến quý độc giả quan tâm.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 10825)
Người Phật tử Việt Nam xưa nay thường biết đến khái niệm Tịnh độ qua các kinh nói về Phật Di Đà (Amitābhasutra và Sukhavativyūhasutra) từ Hán tạng, vốn được phiên dịch từ kinh điển Sanskrit. Ở đó, cõi Tịnh độ hay Cực lạc (Phạn ngữ Sukhavatì) được mô tả là cảnh giới tuyệt vời với tất cả những sự thù thắng, trang nghiêm.
11 Tháng Mười 2015(Xem: 29345)
Hiện tại pháp môn niệm Phật đang rất phổ biến tại Việt Nam cũng như Trung Quốc và Đài Loan. Thượng tọa cũng đã giải thích, để được về Tây phương thì phải loại trừ tham, sân, si, còn đối với một người xuất gia muốn đạt được đến sự giải thoát chắc chắn phải tu tập giới-định-tuệ. Kinh A-di-đà có nói đến cảnh giới Tây phương cực lạc. Con muốn hỏi: Đức Phật A-di-đà có hay không, và khi niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà thì có được sanh về thế giới Tây phương hay không?
23 Tháng Chín 2015(Xem: 11932)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác.
13 Tháng Bảy 2015(Xem: 9368)
Đại sư Ấn Quang nói: “Kẻ câu nệ vào Tích môn thì bảo: “Trong tất cả pháp, mỗi pháp đều sai khác”. Kẻ khéo nhìn sẽ nói: “Trong tất cả pháp, pháp pháp đều viên thông”. Như bốn cửa thành, gần cửa nào thời vào cửa ấy. Cửa tuy khác nhau, nhưng đều đưa vào một thành chẳng khác.
27 Tháng Sáu 2015(Xem: 8615)
Bốn mươi sáu đại nguyện của Đức Phật A-di-đà là một bản đồ tu tập lý tưởng cho những ai đã phát Bồ-đề Tâm song song với bản nguyện muốn kiến lập tịnh độ ngay trong thế giới Ta-bà; đó cũng chính là tông dụng của Kinh Duy Ma Cật: “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh”.
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 10865)
Khi thảo luận về nhu cầu tinh thần của người sắp chết dưới cái nhìn Phật giáo, trước hết chúng ta cần phải xem xét một số điểm quan trọng, thí dụ như: