14 Thơ Thiền Sư Nhất Sơn Nhất Ninh Tụng Tranh Chăn Trâu

26 Tháng Tám 201000:00(Xem: 13898)

PHẬT DẠY LUYỆN TÂM
NHƯ CHĂN TRÂU

Soạn Giả: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
DIỆU PHƯƠNG xuất bản 2010

- 14 -

 THƠ THIỀN SƯ

NHẤT SƠN NHẤT NINH

TỤNG TRANH CHĂN TRÂU

 

 Nhất Sơn Nhất Ninh (1247-1317) là một vị thiền sư Trung Quốc thuộc tông Lâm Tế. Sau khi nhà Tống bị Mông Cổ lật đổ, sư được Nguyên Thành Tông cử đến Nhật Bản để nối lại mối quan hệ - vốn bị gián đoạn từ khi Mông Cổ cố gắng xâm lấn nhiều lần. Sư vừa đặt chân lên đất Nhật (1299) liền bị nghi là gián điệp, bị bắt giam. Sau khi được tha, sư được cử trụ trì chùa Kiến Trường, rồi chùa Viên Giác. Năm 1312, Thiên hoàng Hậu Đề Hồ cử sư làm Phương trượng chùa Nam Thiền tại Kinh Đô. Sư truyền giao thiền pháp, môn đồ rất đông. Sư nổi danh không chỉ là một Thiền sư mà còn là một nghệ sĩ xuất trần, một hoạ sĩ tinh thông thư pháp.

 

 Đức Khổng Tử từng nói trong Luận Ngữ: “Tam thập nhi lập; Tứ thập nhi bất hoặc; Ngũ thập nhi tri thiên mệnh; Lục thập nhi nhĩ thuận; Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ.” (Hồi mười lăm tuổi ta để hết tâm trí vào việc học. Đến ba mươi tuổi, ta vững chí mà tiến lên đường đạo đức. Được bốn mươi tuổi tâm trí ta sáng suốt hiểu rõ việc phải trái, sự lý, chẳng còn nghi hoặc. Năm mươi tuổi ta biết mạng trời. Đến sáu mươi tuổi, bất cứ lời nói nào lọt vào tai thì ta hiểu ngay, chẳng cần phải suy nghĩ lâu dài. Được bảy mươi tuổi, trong tâm ta dù có muốn sự chi cũng chẳng hề trái phép.)

 

 Người đời sau cho rằng mười bài thơ tụng của thiền sư Nhất Sơn Nhất Ninh về bộ tranh “thập mục ngưu đồ” của thiền sư Phổ Minh là: “Lịch trình của mười giai đoạn từ phàm vào thánh, là cơ bản tinh thần của câu nói của đức Khổng Tử ngày xưa vì nếu so sánh ra thời đôi bên có sự phù hợp và bao trùm, chẳng qua một bên là thành Phật, một bên là thành thánh mà thôi”. 

 

 Soạn giả sau khi ghi bản dịch âm mười bài thơ này đã dịch thành mười bài thơ “lục bát”.

*

 

chantrau042

1. TẦM NGƯU

 

Bản vô hình tích khả cầu tầm

Vân thụ thương thương yên thảo thâm

Cước hạ tuy nhiên kỳ lộ biệt

Nham tiền khô mộc tự long ngâm.

 

1. TÌM TRÂU

 

Vốn không vết tích để tìm

Khói mây xanh biếc cỏ thêm xanh rờn

Dưới chân nẻo rẽ dọc ngang

Cây khô trước núi ngâm vang tiếng rồng.

 

chantrau044

 

2. KIẾN TÍCH

 

Thảo khòa lý tẩu lộ hà đa?

Chỉ thử đề sầm mạc thị ma?

Cước lực cùng biên trùng tiến bộ,

Ngang ngang đầu giác yếu phùng ngã.

 

2. THẤY DẤU

 

Cỏ sao nhiều lối xa gần?

Phải chăng đây chính dấu chân hiện tiền?

Đường cùng sức mỏi tiến thêm

Nghênh ngang sừng mũi lộ liền rõ ra.

 

 

 

 

 

 

3. KIẾN NGƯU

 

Phong noãn u cầm chi thượng thinh,

Vũ dư nguyên thảo sắc vưu thanh,

Giả hồi dĩ đổ cừ đầu giác

Đới thị hào đoan tả bất thành.

 

3. THẤY TRÂU

 

Trên cành gió ấm chim kêu

Thảo nguyên mưa mãi, cỏ nhiều, xanh tươi

Đầu sừng gặp nó đây rồi

Mảy lông, họ Đới vẽ thời khó sao.

 

 

4. ĐẮC NGƯU

 

Tỵ khổng liêu thiên duệ chuyển cừ

Tùng kim cuồng dật tính tu trừ.

Tuyết sơn hương thảo hòa yên tế,

Thả yếu khu lai hướng thử cư.

 

4. ĐƯỢC TRÂU

 

Mũi vươn trời, kéo được liền

Nay nên trừ hết tính điên thói cuồng

Cỏ thơm núi tuyết nhoà sương

Nhắm sao đuổi nó về nương chốn này.

 

 

 

5. MỤC NGƯU

 

Tùy thời thủy thảo hoạt cừ thân,

Thuần tịnh hà tằng nhiễm nhất trần.

Miêu giá tự nhiên hồn bất phạm,

Thu lai phóng khứ khước tự do.

 

5. CHĂN TRÂU

 

Tùy thời nước cỏ nuôi thân

Sạch trơn há nhiễm bụi trần chút nao

Phạm đâu lúa mạ hoa màu

Bắt về, thả lại trước sau thỏa lòng.

 

 

 

6. KỴ NGƯU HỒI GIA

 

Luy ngưu dĩ thuần khước hồi gia,

Thụ hạ sài môn khải mộ hà.

Phóng giáo câu câu lan lý ngọa,

Tĩnh khan tân nguyệt quải thiềm nha.

 

6. CƯỠI TRÂU VỀ NHÀ

 

Trâu gày thuần bước về nhà

Dưới cây cửa mở chiều pha ráng trời

Trong chuồng nằm thở nghỉ ngơi

Lặng nhìn trăng mới treo nơi hiên ngoài.

 

 

 

7. VONG NGƯU TỒN NHÂN

 

Thoa lạp tùng thử bất nhập sơn,

Tiên thằng phao khước nhất thân nhàn.

Cánh vô hộc tốc lao khiên duệ,

Doanh đắc âu ca thúy ái gian.

 

7. QUÊN TRÂU CÒN NGƯỜI

 

Gom áo nón, không vào non

Roi dây vứt bỏ nhàn luôn thân rồi

Há đâu lo sợ kéo lôi

Ngợi ca thoả chí khoảng trời biếc xanh.

 

 

 

 

 

8. NHÂN NGƯU CỘNG VONG

 

Nhất niệm không thời vạn cảnh không,

Trùng trùng quan cách khoát nhiên thông.

Đông Tây Nam Bắc liễu vô tích,

Chỉ thử hư huyền hợp chính tông.

 

8. NGƯỜI TRÂU ĐỀU QUÊN

 

Một niệm không, vạn cảnh không

Ải quan muôn lớp tự thông mọi đường

Không còn vết tích bốn phương

Chỉ huyền hoặc đó hợp cùng chính tông.

 

 

 

9. PHẢN BẢN HOÀN NGUYÊN

 

Ký nhiên vô tác hữu hà công?

Nhãn kiến như manh thính tợ lung.

Giản thủy trạm như lam sắc bích,

Sơn hoa khai tợ cẩm cơ hồng.

 

9. TRỞ VỀ CỘI NGUỒN

 

Chẳng làm nên, có công chi?

Thấy nghe như thể khác gì điếc đui

Trong veo nước suối xanh tươi

Nở bừng hoa núi tựa nơi gấm hồng.

 

 

 

 

 

10. NHẬP TRIỀN THÙY THỦ

 

Hoán khước bì mao chuyển bộ lai,

Y hy điểu chủy dữ ngư tai.

Thông thân cố thị hồn nê thủy,

Ngã thử tông môn yếu đại khai.

 

10. THÕNG TAY VÀO CHỢ

 

Đổi thay da thịt vào đời

Mỏ chim mang cá đôi nơi mịt mùng

Khắp thân vốn đẫm nước bùn

Cho gia tộc mở rộng luôn cửa Thiền.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tám 2016(Xem: 6255)
Thiền là đề tài rất quan trọng trong đạo Phật, được đề cập rộng rãi trong kinh sách Phật giáo dưới nhiều hình thức và và trình bày nhiều phương pháp tu tập khác nhau. Sở dĩ như vậy là vì Thiền không gì khác là một lẽ sống thực nghiệm tự nội, tuần tự đưa đến cứu cánh giác ngộ mà bất kỳ người nào quyết tâm tu học theo giáo pháp của Phật cũng cần trải qua, nếu muốn tìm thấy an lạc và giải thoát thực sự. Càng thực nghiệm được nhiều thì an lạc càng tăng trưởng sâu lắng cùng lúc tâm thức càng tiến gần đến giác ngộ trọn vẹn. Có thể nói rằng Thiền là lối đi duy nhất tuần tự đưa con người rời khỏi phiền não khổ đau, đạt đến cứu cánh giải thoát mà không có con đường thứ hai. Trong bài kinh Niệm xứ (Satipatthànasutta) được xem là nền tảng của nếp sống thiền định Phật giáo, Đức Phật xác nhận: “Này các Tỷ-kheo, đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Tức là Bốn Niệm xứ”1.
08 Tháng Tám 2016(Xem: 5773)
10 Tháng Sáu 2016(Xem: 5803)
Phật dạy chúng ta tu thiền định cốt để buông xả các niệm tạp loạn, tâm lặng lẽ thanh tịnh. Theo kinh Nguyên thủy Phật dạy Bát chánh đạo, trong Bát chánh đạo từ Chánh kiến cho tới cuối cùng là Chánh định. Theo kinh Đại thừa Phật dạy Lục độ, thứ nhất là bố thí tới thứ năm là thiền định, thứ sáu là trí tuệ.
21 Tháng Tư 2016(Xem: 6147)
Nếu có gặp vấn đề gì khó khăn, đau buồn hay khổ sở hãy thiền định, và thực tập như vậy giải quyết tất cả những vấn đề của bạn thông qua việc thực hành này.
23 Tháng Ba 2016(Xem: 7567)
Vạch cỏ dày rậm để truy tìm Nước rộng núi thẳm đường lại xa Tâm mệt sức kiệt chẳng thấy đâu Chỉ nghe, cây phong, tiếng ve sầu
01 Tháng Mười Một 2015(Xem: 7276)
Đây thực sự là một kiểu kích thích tìm hiểu khoa học thần kinh, vì đã có những viên ngọc trí tuệ trong truyền thống thiền định - Đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên nói về điều này – rằng cách tốt nhất để chúng ta có được hạnh phúc là hãy độ lượng với những người khác. Và sự thực, bằng chứng khoa học cho thấy trong nhiều chân lý ấy, và cho thấy rằng có sự biến đổi có cấu trúc hệ thống trong não bộ có liên hệ tới các hành vi rộng lượng
29 Tháng Mười 2015(Xem: 15905)
Sự hiện hữu của ta bao gồm thân và tâm. Ta cần quan tâm đến cả hai, dầu thiền là một hoạt động của tâm, chứ không phải thân. Những câu hỏi của người mới bắt đầu hành thiền là: “Tôi phải ngồi như thế nào?” “Làm sao để không bị đau khi ngồi?”
26 Tháng Mười 2015(Xem: 7616)
Tâm Thiền, Tâm Ban Sơ được chúng tôi dịch từ nguyên tác, Zen Mind, Beginner’s Mind, gồm những bài tiểu tham do Shunryu Suzuki nói trực tiếp bằng tiếng Anh với đệ tử và được Marian Derby, một đệ tử thân cận của sư, thu âm trên băng, rồi chép lại, sau đó được Trudy Dixon, một đệ tử thân cận khác của sư, hiệu đính và sắp xếp lại thành sách.