Chương 14. Phật Thừa Hay Đại Thừa Không Phải Là Bà La Môn Giáo.

10 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 12503)
doithoai-thaythonglac

CHƯƠNG XIV

PHẬT THỪA HAY ĐẠI THỪA KHÔNG PHẢI LÀ BÀ LA MÔN GIÁO.

A. TRÍCH DẪN:

 Sách Đường Về Xứ Phật, tập 1, TTL viết[1]: Phần đông, Phật tử hiện giờ không cung kính và tôn trọng chánh pháp của Đạo Phật, họ thường tôn kính giáo pháp phát triển Đại Thừa của Bà La Môn và luôn luôn tu hành theo giáo pháp trừu tượng mê tín đó, mặc dù kết quả tu hành chẳng ra gì. Nếu ai mạnh dạn nói rằng, giáo pháp phát triển Đại Thừa không phải là của Phật thuyết, đó là giáo pháp mê tín của ngoại đạo Bà La Môn, thì họ căm tức và tìm mọi cách chống lại. Đôi khi còn dùng những lời lẽ xỉ vả, mạt sát, một cách hung tợn và bảo thủ.”

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 2, TTL viết:Cho nên giáo lý của các Tổ là giáo lý vay mượn của Bà La Môn Giáo thuộc hệ thống kinh Vệ Đà.”

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 3, TTL viết: Hiểu biết rất rõ điều này nên các giáo sĩ Bà La Môn thừa nước đục thả câu tức là thừa lúc Phật Giáo không có người tu chứng, nên soạn viết kinh sách lồng Giáo lý Bà La Môn vào giáo pháp của Phật để biến tu sĩ Phật Giáo thành các tu sĩ Bà La Môn mà các tu sĩ Phật Giáo không hay biết. Các tu sĩ này vẩn cứ ngỡ tưởng mình là tu sĩ Phật Giáo khi tu tập theo các kinh sách được biên soạn này.” 

Bài giảng Làm Chủ Sanh Già Bệnh Chết, TTL viết:Trên hành tinh này, nếu người có trí, có mắt, thì sẽ nhận xét thấy những gì còn lưu lại gọi là Phật Giáo, thì không chính đó là của Phật Giáo mà là của Bà La Môn Giáo. Chính các tu sĩ Phật Giáo hiện giờ, họ cũng đang lầm chính họ, họ tưởng họ là tu sĩ Phật Giáo, nhưng sự thật họ là những tu sĩ Bà La Môn.”

Bài giảng Bồ Tát Bịnh Vì Chúng Sanh Bịnh, TTL viết:Trên bước đường hoằng hóa độ sanh của Phật Giáo, các vị lãnh đạo Phật Giáo, lúc bấy giờ nguồn gốc là những giáo sĩ Bà La Môn và lục sư ngoại đạo. Vì thế kinh sách phát triển của Đại Thừa, do các vị này biên soạn và viết ra, nên các ngài cố tình dìm giáo lý của Đức Phật xuống và lồng giáo lý của mình vào, để phát triển một Phật Giáo mới mang tên là Phật Giáo Đại thừa.”

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 6, TTL viết:Đạo Phật khó, chỉ vì chúng ta bị lừa đảo bằng các pháp môn của Bà La Môn giả hiệu pháp môn của Phật, nên chúng ta tu sai pháp, lạc pháp, không có kết quả cụ thể, phần nhiều là lý thuyết suông.”

Sách Đường Về Xứ Phật, tập 7, TTL viết:Càng đọc, quý vị càng thấy rõ âm mưu, thâm độc của Bà La Môn quyết tâm diệt sạch Phật Giáo trên hành tinh này. Các nhà sư Bà La Môn rất khéo léo, thay thế danh từ Bà La Môn Giáo bằng danh từ Phật Giáo Đại Thừa, khiến cho mọi người tín đồ lầm lạc, cứ ngỡ đó là Phật Giáo chân chánh. Và những kinh sách ngoại đạo đó, quý vị cũng tưởng là kinh sách của Đức Phật thuyết.”

B. SO SÁNH:

 TTL cho rằng Kinh Đại Thừa là của Bà La Môn Giáo, nhưng TTL không chứng minh Kinh Đại Thừa có những điểm nào, những đoạn văn nào cho biết Kinh Đại Thừa chịu ảnh hưởng tư tưởng Bà La Môn Giáo. Ngược lại, nhờ tham khảo Tạng Kinh Nikāya, NH đã chứng minh ở các chương trên, TTL dùng quan điểm riêng của chính TTL để viết các sách, rồi cho những ý kiến, những quan điểm riêng của TTL là lời Đức Thế Tôn dạy. Từ đó suy ra, TTL cũng dùng quan điểm riêng của chính TTL để giảng và viết rằng Đại Thừa là Bà La Môn Giáo.

Khi so sánh Phật Thừa hay Đại Thừa và Bà La Môn Giáo, chúng ta so sánh hai điểm chính:

- Giáo chủ.

- Giáo lý.

Khi so sánh hai điểm này, chúng ta thấy Phật Thừa hay Đại Thừa hoàn toàn khác biệt với Bà La Môn Giáo.

I. GIÁO CHỦ:

Chúng ta thấy có sự khác nhau giữa hai đấng Giáo Chủ. Bà La Môn Giáo thờ Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa, Phạm Thiên (S: Brahmā), Kṛṣṇa, v.v… Ngược lại, Phật Giáo thờ Đức Thế Tôn Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

1. BÀ LA MÔN GIÁO:

Bà La Môn Giáo (E: Brahmanism) hay Ấn Độ Giáo (E: Hinduism) cho rằng con người sinh ra từ Thượng Đế, Thần Chủ Tể Brahmanaspati, hay Thần Brahmā (Phạm Thiên), hay từ Đức Thượng Đế Tối Cao Kṛṣṇa, v.v..., tùy theo tên tôn xưng của mỗi trường phái. Thượng Đế là Đấng toàn năng, tạo dựng nên trời đất, loài người, các loài vật khác và cây cỏ, v.v… Bốn giai cấp tại Ấn Độ cũng được sinh ra từ Thượng Đế. Giai cấp Bà-la-môn (S: Brāhmana), tầng lớp Tăng lữ, sinh ra từ miệng của Thần Brahmā; giai cấp Sát-đế-lợi (S: Kṣatriya), tầng lớp lãnh đạo, sinh ra từ hai vai; giai cấp Phệ-xá (S: Vaiśya), tầng lớp thương nhân, sinh ra từ bắp vế và giai cấp Thủ-đà-la (S: Śūdra), tầng lớp nô lệ, sinh ra từ hai gót chân của Thần Brahmā.

Thế nên, nếu có người hỏi, Thần Chủ Tể Brahmanaspati hay Thần Brahmā sinh ra loài người, vậy Thần Chủ Tể Brahmanaspati hay Thần Brahmā do ai sinh? Câu hỏi sẽ không được trả lời. Nếu họ trả lời đó là “Đấng tự sinh”, thì cũng giống như không trả lời.

2. BỒ TÁT LONG THỌ, QUÝ THẦY, QUÝ PHẬT TỬ PHÊ BÌNH VỀ ĐẤNG THƯỢNG ĐẾ CỦA BÀ LA MÔN GIÁO VÀ CÁC TÔN GIÁO KHÁC:

Thập Nhị Môn Luận[2], Bồ Tát Long Thọ dạy:

Nếu Trời (Thượng Đế, Tạo Hóa, Tự Tại Thiên, đấng Tạo Hóa tự mình có thể hiện hữu mà không nhờ vào những nhân duyên khác) sanh ra tất cả chúng sanh thì Trời đã không khiến chúng sanh phải khổ. Vì vậy người ta không nên nói rằng Trời sinh ra khổ.

Hỏi: Tất cả chúng sanh do Trời sanh ra, đau khổ và hạnh phúc cũng do Trời gây ra. Vì chúng sanh không biết nguyên nhân của hạnh phúc cho nên Trời tạo ra khổ.

Đáp: Nếu chúng sanh là con của Trời thì Trời đã dùng hạnh phúc để che đậy khổ và đã không gây ra khổ cho chúng sanh. Và những người tôn thờ Trời không phải chịu khổ mà chỉ hưởng hạnh phúc. Nhưng trên thực tế không đúng như vậy. Con người tự tác động và họ có cả hạnh phúc lẫn khổ đau, và họ nhận được tưởng thưởng theo luật nhân duyên. Tất cả những điều này chẳng phải do Trời tạo ra.

Nếu Trời tự hiện hữu thì chắc hẳn Ngài chẳng cần thứ gì. Nếu Ngài cần thứ gì thì Ngài không được coi là tự hiện hữu (tự tại). Nếu Ngài không cần thứ gì thì tại sao Ngài tạo biến hóa, giống như đứa trẻ con chơi đùa, để tạo ra chúng sanh?

Nếu Trời tạo ra tất cả chúng sanh thì ai đã tạo ra Ngài? Nói rằng Trời tự tạo ra chính Ngài thì không thể đúng, vì không có thứ gì có thể tự tạo ra chính mình. Nếu Ngài do một tạo hóa khác tạo ra thì Ngài chẳng phải tự hiện hữu.

Nếu Trời là đấng tạo hóa toàn năng thì không thể có chướng ngại gì trong tiến trình tạo tác của Ngài; Ngài có thể tức thời tạo mọi thứ. Kinh sách viết về Trời nói: Trời muốn tạo ra vạn vật. Ngài thực hành khổ hạnh và tạo các loài côn trùng bò dưới đất. Rồi Ngài lại thực hành khổ hạnh và tạo ra tất cả loài chim bay. Rồi Ngài lại thực hành khổ hạnh và tạo ra con người và thiên thần. Nếu như các loài trùng, chim, người và thiên thần lần lượt do những hành vi khổ hạnh sanh ra, thì chúng ta nên biết rằng chúng sanh được sanh ra từ nghiệp và nhân duyên chứ chẳng phải do Trời thực hành những hành vi khổ hạnh.

Nếu Trời là đấng tạo hóa của vạn vật thì Ngài tạo chúng ở đâu? Có phải chính Ngài tạo ra nơi đó không? Hay là ai khác tạo ra nơi đó? Nếu nơi đó do Trời tạo ra thì Ngài tạo ra nó ở đâu? Nếu Ngài đứng ở nơi khác để tạo ra nơi này thì ai tạo ra cái nơi khác đó? Những câu hỏi này sẽ vô tận. Nếu nơi khác đó do ai khác tạo ra thì phải có hai Trời, nhưng điều này không thể đúng. Vì vậy, vạn vật trong vũ trụ chẳng phải do Trời tạo ra.

Nếu Trời là tạo hóa thì tại sao Ngài phải thực hành khổ hạnh giống như thể Ngài thờ phụng và cầu xin một đấng nào khác để đạt được ý nguyện của Ngài? Nếu Ngài phải thực hành khổ hạnh cầu xin ân huệ của ai khác thì chúng ta nên biết rằng Trời chẳng phải là tự hiện hữu…

Sách dịch và chú giải Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Hòa Thượng Thích Trí Thủ viết[3]: “Ai có nghiên cứu Phật Giáo cũng đều biết rằng tinh hoa của Pháp mà Phật dạy chỉ trụ lại một điểm và chỉ một điểm mà thôi. Đó là duyên khởi, cũng gọi là duyên sanh. Phật Giáo sở dĩ khác với các Thần Giáo chỉ một điểm này và ở một điểm này. Và ai đã thừa nhận luật duyên khởi thì không thể nào thừa nhận một Đấng Tạo Hóa sáng thế nữa. Người đó trên hình thức, dù có theo đạo Phật hay không theo đạo Phật, cũng đã là Phật tử trên bình diện tư tưởng rồi. Ngược lại, dù là Tăng Sĩ, nhưng nếu không thông suốt duyên khởi, thì đó cũng chỉ là ngoại đạo trá hình. Nói thế, cốt để nhấn mạnh vai trò chỉ đạo, vai trò tiên quyết của luật duyên khởi trong toàn bộ giáo pháp Phật. Không có duyên khởi, không có Phật Giáo, cũng như không có Bát Nhã thì không có Đại Thừa... Khi đã thừa nhận duyên khởi thì đương nhiên phải thừa nhận hai hệ luận gắn liền với duyên khởi, đó là vô ngã và vô thường”.

Thông điệp hướng về thế kỷ thứ 21, Hòa Thượng Thích Huyền Quang viết[4]: “Về mặt vũ trụ quan, cái nhìn của con người cũng đã thay đổi. Thiên nhiên từ hình ảnh hợp thể của những hạt nguyên tử đặc cứng, cuối cùng xuất hiện như là giả tượng của những gói năng lượng không định hình, tồn tại như dòng thác của những hạt giống liên tục chảy xiết nhưng không hề trôi chảy vì chúng xuất hiện và biến mất trong từng khoảnh khắc sát na tâm. Trái đất không còn là một khối vật thể duy nhất trong vũ trụ được sáng tạo từ hư vô để tôn vinh quyền năng siêu việt của Đấng Tạo Hóa, mà chỉ là khối ngưng kết nhất thời trong chu kỳ vô tận thành-trụ-hoại-không theo quy luật tương quan duyên khởi. Chân lý mặc khải, đã từng được bảo vệ bằng quyền lực và bạo lực, nay chỉ còn là những giá trị ước lệ... Theo Phật Giáo, trái đất này được mệnh danh là ngũ thú tạp cư địa, là trú xứ của con người và các loài động vật; có thiên đường, cũng có địa ngục. Nhiều khi còn là thế giới của loài quỷ đói. Đây chính môi trường hành đạo của các Bồ Tát, và đây cũng là chỗ của các Đức Phật nhập Niết Bàn. Do đó, lịch sử hai nghìn năm chỉ là một giai đoạn ngắn trong một chu kỳ sinh thành và huỷ diệt của thế giới, và của vũ trụ. Nơi này, một thế giới huỷ diệt thì nơi kia một thế giới mới được hình thành. Không thể biết được bắt đầu từ đâu và chấm dứt từ đâu. Chỉ có giới hạn tận cùng của trí năng, không có giới hạn tận cùng của sự sống”.

Bài viết Ngón tay chỉ trăng, đạo hữu Tâm Tràng Ngô Trọng Anh viết[5]: “Từ lâu nhân loại chấp nhận rằng phải có Đấng Tạo Hóa sinh ra vũ trụ đặt vũ trụ vào một không gian trống rỗng. Khoa học cho biết chính vũ trụ ‘tạo ra không gian để rải thời gian vào’, không có chuyện không gian trống rỗng có sẳn, hay nói một cách khác, có sự tương đương giữa không gian/thời gian và vật chất. Cái gọi là không gian/thời gian/vật chất bất khả tư nghì ấy chính là chân tướng của Tánh không Tâm linh. Sau đây là một đoạn phủ nhận việc cho rằng vũ trụ bành trướng trong không gian trống rỗng, trích trong đặc san Newsweek, tôi xin tạm dịch như sau: “Lập luận ấy sai vì vũ trụ gồm tất cả những gì đang có như vậy. Không hề có một không gian nào ở ngoài vũ trụ để có thể bành trướng vào đó. (Nếu có một không gian phụ trội thì không gian ấy, theo định nghĩa, cũng là thành phần của vũ trụ). Trái lại, vũ trụ nẩy nở bằng cách lấy hư vô trên thực tế để sáng tạo khoảng không gian ngăn cách những tổ hợp thiên hà[6]”.

Có thể có những người tin theo các tôn giáo thần quyền và nói rằng: “Tin Thượng Đế thì sau khi chết được về Thiên Đàng, ngược lại chối bỏ Thượng Đế, không tin Thượng Đế thì sau khi chết sẽ bị xuống hỏa ngục hay địa ngục đời đời. Thượng Đế có quyền thưởng thiện phạt ác, những người Phật Giáo không sợ Thượng Đế sao?”

Phật Giáo quan niệm Thượng Đế của các tôn giáo khác chỉ là những chúng sanh ở cõi khác cao hơn cõi người mà thôi. Họ sống hưởng thụ sung sướng hạnh phúc trong thời gian rất dài, nhưng sau khi chết, họ vẫn bị sanh trở lại trong ba cõi[7], sáu đường.[8]

Người theo Phật Giáo kể cả Nam Tông (Nguyên Thủy, Theravada) và Bắc Tông (Phật Thừa hay Đại Thừa) đều không sùng bái Thượng Đế. Người Phật Giáo xem Thượng Đế chỉ là một chúng sanh cao hơn cõi người mà thôi. Người theo Đạo Phật cũng không sợ Thượng Đế và tin rằng hầu hết chư Thiên, Thiện Thần trong ba cõi kể cả Thượng Đế đều tin theo Phật Pháp và ủng hộ Phật Pháp. Họ giống như những viên chức chính quyền, viên chức quân sự, viên chức cảnh sát, có quyền xét hỏi mọi người, bắt giữ bọn làm ác, bọn phá hoại. Các viên chức chính quyền, quân sự, cảnh sát trên cũng hoạt động đúng theo luật pháp làm lành, lánh dữ, cho nên những người theo đạo Phật không sợ họ.

II. GIÁO LÝ:

1. BÀ LA MÔN GIÁO

Giáo lý của Bà La Môn Giáo dựa vào các kinh chính sau đây:

1. Rig Véda: Rig có nghĩa là “tán ca, thi ca”. Veda do ngữ căn là vid, nghĩa là hiểu biết. Theo Thánh điển Bà La Môn Giáo Veda nghĩa là trí thức trên tất cả, là toàn năng. Đây là những bài Thánh tán ca dùng để cầu khẩn, cầu nguyện và xưng tụng các bậc Thần thượng đẳng, như Phạm Thiên (S: Brahma), Thần Chủ Tể Brahmanaspati, v.v...

2. Sama Véda: Gồm những bài văn ca chầu trong khi hành lễ.

3. Yajur Véda: Nghi thức cúng tế các vị Thần linh.

4. Atharva Véda: Gồm những bài kinh cúng cầu đảo, cầu phúc cầu tài. Nói chung đây là những bài “chú” bí hiểm của loại thầy cúng chuyên về bùa phép.

Bốn bộ này đều có những quyển chủ yếu và những quyển thứ yếu. Loại chủ yếu gọi là Samhita và được gọi là “Thánh Kinh Véda”, tùy theo ý nghĩa nội dung của mỗi loại và được xếp vào một ngành của nền văn học dân tộc như:

1. Loại Tế Nghi Thư hay Phạm Thư (S: Brahmana): Gồm những bài văn chương hay nhất để ca tụng các vị Thần thượng đẳng.

2. Loại Sâm Lâm Thư (S: Ārayaka): Hán âm: A-xà-đa-ca, A-lan-nhã-ca. A-lan-nhã-ca nghĩa là rừng cây, Sâm-lâm-thư là bộ sách mà “Người lánh đời ẩn cư trong rừng rậm đọc tụng”. Sách này là phần phụ thuộc của Phạm Thư, dành cho những tín đồ Bà-la-môn giáo học tập trong thời kỳ ở ẩn trong rừng. Ghi chép những điều huyền bí của Bà La Môn Giáo. Những người hiểu về Sâm Lâm Thư được tôn trọng gần ngang với giới Bà La Môn vì nhờ họ hiểu được những tư tưởng cao siêu của Đạo Bà La Môn. Sâm-lâm-thư và Áo-nghĩa-thư có thể được xem là Tục biên của Phạm Thư. Nội dung chính của Sâm-lâm-thư là trình bày lý luận về tế tự, những vấn đề quan hệ giữa người với nhau, quan hệ giữa thần linh và thiên nhiên. Sâm Lâm Thư chú trọng về hình thức và thần học.

3. Loại Áo Nghĩa Thư (S: Upaniad): Giải thích những lẽ sâu xa huyền bí về triết học của Đạo Bà La Môn. Áo Nghĩa Thư lấy việc giải thích rõ ý nghĩa cùng cực của Védas làm mục đích, kế tục tư tưởng triết học ở thời kỳ cuối Védas và phát huy ý kiến mới, nó được gọi là Vedānta (Hán âm: Phệ đàn đa).

Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, nói về sự sáng tạo ra vũ trụ, các kinh điển Vedas đã viết [9]: “Sáng tạo nên vũ trụ thế giới là do Thần chủ tể Brahmanaspati. Nguyên lai của danh từ này là gốc ở thánh ngữ Brahman trong các bài thánh tán ca về vị Thượng đế chủ tể này. Thánh tán ca xưng tụng công đức của Thần Brahmanaspati như sau:“Người là tay thợ tuyệt kỹ, đắp lò quạt lửa xong Người muốn làm ra cái gì là Người làm ra ngay cái ấy thực hoàn hảo”.

Lại có những bài thánh tán ca khác gọi Thần chủ tể sáng tạo này là Hoàng Kim Thai Tử (Hiranyagarbha). Theo những bài ca xưng tụng về loại này thì giữa không gian mù mịt hỗn mang mang là Hoàng Kim Thai Tử sinh ra. Rồi ở giữa khoảng mang mang vô tận đó, Ngài mới phân lập thành Trời và Đất, an vị cho Trời ở trên Đất ở dưới, nặn cho núi cao, khoét cho biển sâu, ban sinh khí cho chư Thần, tạo sinh thế cho muôn loài, trao quyền hành chi phối muôn loài cho chư Thần, và cuối cùng là quy định trật tự từ Trời Đất, Thần linh cho đến muôn loài. Bởi vậy, xưng tụng về công đức sáng tạo của Hoàng Kim Thai Tử có những câu như: “Con tôn phục Ngài là đấng tối thượng và duy nhất trong vũ trụ thế gian. Ngài là đấng tột bực ở trên hết các vị Thần Linh”.

Lại theo như bài thánh tán ca nhan đề “Nhớ công ơn Ngài là đấng vạn năng cấu tạo nên muôn loài (Vis-Karman) có tả hình dung của Hoàng Kim Thai Tử là mắt vuông, mặt vuông, cổ tay vuông, chân vuông. Ngài dùng hai cánh tay khỏe như cặp cánh mà quạt vào lò để tạo nên Trời Đất. Ngài chất củi vào trong lò, mỗi khi Ngài quạt là tro than bay vung khắp tất cả, tro than bay tới đâu là không gian rộng tới đó, và rớt xuống đâu là vạn vật sinh ra ở đó. Ngài là vị Thần duy nhất sáng tạo nên vũ trụ”.

Còn sách Śrī Īśopanisad cho rằng Kṛṣṇa là Thượng Đế Tối Cao, sáng tạo nên tất cả, kể cả Brahmā (Phạm Thiên), Visnu và Śiva, viết[10]: “Đấng Tối Cao Kṛṣṇa là Đức Thượng Đế khởi thủy, và tất cả tồn tại đều sinh ra từ Ngài. Trong “Bhagavad-gītā (10.8) Đấng Tối Cao nói:

Aham sarvasya prabhavo

Mattah sarvam pravartate

Iti matvā bhajante mām

Budhā bhāva-samanvitā

“Ta là nguồn gốc của tất cả thế giới tinh thần và vật chất. Tất cả sinh ra từ Ta. Những người minh mẫn, là những người hiểu rất rõ điều đó, sẽ hiến mình cho sự phục vụ trung thành đối với Ta và hết lòng thờ phụng Ta”.

Ở đây tự Đấng Tối Cao mô tả rất chính xác về Mình. Từ sarvasy prahbavah chỉ rõ rằng Kṛṣṇa là người sáng tạo nên tất cả, kể cả Brahma, Visnu và Śiva. Ba vị Thần chính đó của thế giới vật chất được sáng tạo bởi Đấng Tối Cao nên Đấng Tối Cao là người sáng tạo ra tất cả mọi tồn tại của thế giới tinh thần và thế giới vật chất. Trong “Atharva Veda” (Gopāla-tāpanī Upanisad 1.24) cũng nói rằng chính Đấng Tối Cao Śrī Kṛṣṇa đã có từ trước khi Brahmā sáng tạo và đã truyền cho Brahmā kiến thức Veda”.

Quan niệm của Bà La Môn Giáo, chính Đại Ngã Brahman sinh ra vạn vật, giải thoát là trở về hòa nhập với Đại Ngã Brahman, nơi sinh ra vạn vật. Bà La Môn Giáo hay Ấn Độ Giáo có nhiều trường phái khác khau, như Kỳ Na Giáo (E: Jainism) được truyền đến ngày nay, giáo chủ của Kỳ Na Giáo là Ni-Kiền-Tử (S: Nirgrantha-putra, gọi đủ là: Nirgrantha-jñāputra, P: Nigrantha Nātaputta), một trong Lục Sư Ngoại Đạo có từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế. Và sau này Sáu Phái Triết Học Ấn Độ hay còn gọi là Lục Đại Học Phái có ảnh hưởng lớn trong giáo lý của Ấn Độ Giáo, thế nên chúng ta tìm hiểu về niên đại xuất xứ và giáo lý của họ.

A. LỤC SƯ NGOẠI ĐẠO:

Lục Sư Ngoại Đạo (H: 六 师 外 道): Sáu vị sư ngoại đạo ở Ấn Độ vào thời Đức Thế Tôn còn tại thế. Sáu vị này chủ trương khác với Đức Thế Tôn.

1. Phú Lan Na Ca Diếp (H: 富 阑 那 迦 叶, S: Pūraṇa Kāśyapa, P: Purāṇa Kassapa): Chủ trương thuyết không nghiệp báo, vô nghiệp. Phủ nhận kết quả của hành động tốt hay xấu. Tương truyền Pūrana Kassapa vốn là con của một người nô lệ trong Bà-la-môn giáo, đẻ ở chuồng bò và sống trong chuồng bò đến lớn. Sau đó bỏ chủ nhà trốn sang miền Đông Ấn Độ. Chủ nhà cho người đuổi theo lột sạch quần áo, thế là ông cứ ở truồng như vậy cho đến hết đời. 

2. Mạt Già Lê Cù Xá Lợi (H: 末 伽 梨 拘 舍 利, S: Maskarī Gośāliputra, P: Makkhali Gosāla): Ông là đạo trưởng lãnh đạo tôn giáo Ajivika. Chủ trương luật định mệnh. Phủ nhận luật nhân quả, cho rằng hạnh phúc hay đau khổ là tự nhiên chứ không do nhân duyên. Không có nhân, không có duyên, các loài hữu tình bị nhiễm ô. Không nhân, không duyên các loài hữu tình được thanh tịnh. Chủ trương thuyết luân hồi tịnh hóa. Ví như một cuộn chỉ được tung ra sẽ được kéo dài đến mức nào đó. Cũng như vậy, kẻ ngu, người hiền sau khi lưu chuyển luân hồi sẽ trừ tận khổ đau. Kinh Phật gọi là Tà mệnh ngoại đạo (S: Ajivika hay Ajivivaka).

3. A-Kỳ-Đa Xí-Xá-Khâm-Bà-La (H: 阿 耆 多 翅 舍 欽 婆 罗, S: Ajitakeśakambala, P: Ajita Kesakambāla): Chủ trương mọi thứ đều đoạn diệt, cuối cùng chỉ còn lại tứ đại, đất nước gió lửa. Kẻ ngu, người hiền, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ đoạn diệt, tiêu tán, không còn tồn tại sau khi chết. Đây là phái duy vật khoái lạc ở miền Đông Ấn thời xưa. Người ta gọi luận thuyết này Thuận thế. Kinh Phật gọi là Thuận thế ngoại đạo (S: Lokayata hay Lokayatika) hay còn gọi là phái Hiện thực (S: Carvaka).

4. Bà-phù-đả Ca-chiên-diên (H: 婆 扶 嚲 迦 栴 衍, P: Pakudha Kaccāyana): Chủ trương con người do bảy thân hay bảy yếu tố trong không gian hợp lại mà thành. Bảy yếu tố hay bảy thân là: Đất, nước, gió, lửa, sướng, khổ và mạng sống. Bảy yếu tố hay bảy thân này có năng lực: tự tạo, tự tụ, tự hoạt, tự tán, không có quyền năng nào tạo ra được nó, cũng không có quyền năng nào hủy diệt được nó. Theo thuyết bảy đại, không có người giết, cũng không có kẻ bị giết, mà chỉ có sự chuyển hóa những yếu tố vật chất mà thôi. Khi một ai dùng lưỡi kiếm chém đầu, thì không có ai tước đoạt mạng sống của ai cả, lưỡi kiếm chỉ rơi vào giữa bảy yếu tố hay bảy thân mà thôi.

5. Ni-Kiền-Tử  (H: 尼 乾 子, S: Nirgrantha-putra, gọi đủ là: Nirgrantha-jñāputra, P: Nigrantha Nātaputta): Ông là sư tổ sáng lập nên tôn giáo Jaina hay Jina (Kỳ-na giáo). Jina hay Jaina nghĩa là: Bậc ẩn sĩ đạt đến chỗ đức hạnh siêu tuyệt. Vậy Jaina là tôn giáo đưa người tu hành cùng tín đồ đến tuyệt đỉnh của đạo đức. Khi có những cuộc tranh luận ông thường phê bình rằng: “Sự vật trên thế gian hiện ra “dưới muôn vàn trạng thái, nếu không xét đến tổng quát của nguyên lý cấu tạo sự vật mà chỉ nhìn vào một khía cạnh, chỉ luận về một trạng thái đã thực hiện của sự vật thì dẫu có tranh biện đến suốt đời cũng không đạt tới lẽ phải”. Ông chủ trương khổ, sướng, tội, phúc “có lẽ” đều do đời trước ắt phải đền bồi, chẳng phải do đời nay mà quyết định được. Do chủ trương này, người ta gọi Kỳ-na giáo (Jaina) là chủ nghĩa bất định (P: Syadvada) hay chủ nghĩa tương đối (P: Anekantavada). Một người Nigrantha sống chế ngự bởi bốn thứ cấm giới: 1. Gìn giữ đối với tất cả các loại nước. 2. Gìn giữ đối với mọi ác pháp. 3. Sống tẩy sạch tất cả ác pháp. 4. Sống với ý chí gìn giữ đối với tất cả các ác pháp. Nếu sống đúng theo bốn cấm giới này được gọi là một vị đã đi đến đích (P: Gatatto), một vị đã điều phục được tự tâm (P: Yatatto), một vị đã an trú được tự tâm (P: Thitatto). Người tu theo đạo này phải giữ 5 giới: Không sát sanh, không nói dối, không trộm cắp, không dâm dục, không giữ của riêng. Bởi giáo điều dạy không giữ của riêng nên Nigrantha Nātaputta tức Mahavira không quàng lấy một manh vải vào người, chỉ sống trần truồng. Người ta gọi phái này là phái Lõa thể hay Lõa hình (Digambara), còn gọi là Lý Hệ ngoại đạo (Nirgrantha). Họ khỏa thân suốt bốn mùa, còn nhịn ăn định kỳ. Bởi nhịn ăn thường xuyên và định kỳ nên cơ thể khẳng khiu gầy đét như nhánh mai già. Càng khổ luyện nhịn ăn bao nhiêu càng được tiếng đạo hạnh cao bấy nhiêu. 

6. Tán-nhã-di Tỳ-la-lê-phất (H: 赞 雅 怡 毗 罗 梨 弗, S: Sañjayavairaṭiputra, P: Sanjayavelaṭṭhiputta): Chủ trương Hoài nghi, Ngụy biện luận, người ta cũng xếp nó vào loại Bất khả tri luận (ajnanavada). Ví dụ: Nếu anh hỏi: Có một thế giới khác không? Nếu tôi nghĩ: Có một thế giới khác, tôi có thể trả lời với anh: Có một thế giới khác. Nhưng tôi không nói là như vậy, tôi không nói là như kia, tôi không nói là khác như thế, tôi không nói là không phải thế, tôi không nói là không không phải thế. Các câu hỏi khác, ông cũng trả lời tương tự. Ông thường nói: “Kìa như con lươn sờ sờ ra đó, mò nắm được nó rồi mà nó còn chuồn đi mất. Huống chi đối với những vấn đề trông không ra, sờ không được, nhìn không thấy, thì căn cứ vào đâu mà quyết đoán được?”

Có nhiều bậc tu hành xuất gia, trước ở trong Lục Sư Ngoại Đạo, sau theo Đức Thế Tôn, xuất gia và đắc quả A La Hán. Nhiều đệ tử tại gia của Lục Sư Ngoại Đạo, sau cũng quy y Đức Thế Tôn.

B. SÁU PHÁI TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ:

Sách Sáu Phái Triết Học Ấn Độ ra đời sau Đức Phật[11], NH đã chứng minh sáu phái này ra đời sau Đức Thế Tôn xuất thế và có những phái chịu ảnh hưởng tư tưởng của Phật Giáo. (Vui lòng xem thêm sách Sáu Phái Triết Học Ấn Độ ra đời sau Đức Phật của cùng tác giả và chương 17 trong sách này: “Ấn Độ Giáo hay Bà La Môn Giáo đã chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Thừa”).

1. Phái Tự Tại Thiên (S:Vedānta):

Sơ lược giáo lý của phái này:

Phái Tự Tại Thiên (H:自 在 天, Sanskrit: Vedānta) hay Tự Tại Thiên học phái (H: 自 在 天 学 派), dịch âm là Phệ-đàn-đà. Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang: “Phệ Đàn Đa Học Phái (H: 吠 檀 多学 派, S: Vedānta). Một học phái chuyên nghiên cứu về nghĩa lý thâm áo của Phệ-đà (H: 吠 陀, S: Veda), lấy Áo Nghĩa Thư (H: 奥 义书, S: Upaniṣad) làm kinh điển y cứ, chủ trương Phạm (H: 梵, S: Brahmā) là thực tại tối cao. Đây là một học phái chính thống có thế lực nhất trong 6 phái triết học Ấn Độ cổ đại.

Phái này thành lập vào khoảng thế kỷ thứ I, thỉ tổ là ông Bādarāyaṇa (Bạt-đà-la-diễn-na). Nội dung tư tưởng của phái này căn cứ vào cổ Áo Nghĩa Thư (S: Aupaniṣada), những sách vở của phái này được biên tập vào khoảng thế kỷ V.

Phái này lấy Phạm Kinh (H: 梵 经, S: Brahma-sūtra) làm Thánh điển căn bản, nêu cao tư tưởng Phạm (H: 梵, S: Brahma), Ngã (H: 我, S: Ātman) trong Áo Nghĩa Thư (H: 奥 义书). Về sau cũng gọi là kinh Phệ-đàn-đa (S: Vedānta-sūtra) hoặc kinh Căn Bản Tư Duy (S: Sārīraka-Mīnaṃsā-sūtra). Thuyết này chủ trương “Phạm” là Ngã tối cao, cũng là căn nguyên sinh thành vũ trụ, muôn vật đều do đây chuyển biến huyễn hiện, sự tồn tại của thân thể đều do “Phạm” mà ra, “Ngã” là một phần của “Phạm” sinh ra nên “Ngã” không thể là quả của Phạm, đây là lý do Phạm cũng ở nơi một phần Ngã. Quan hệ của 2 thứ này giống như sự quan hệ bất nhất bất dị được hình thành giữa vũ trụ vạn vật với vũ trụ tinh thần, cho nên đề xướng thuyết Phạm Ngã bất nhất bất dị (S: Bhedābheda).

 Bà-la-môn (H: 婆 罗 门, S: Brāhmana) chính thống cho Áo Nghĩa Thư là sự tồn tại tuyệt đối (Áo Nghĩa thư là một bộ sách quan trọng của Phệ-đà), phái này tuy công nhận Phệ-đà tồn tại ở trong Áo Nghĩa thư, nhưng có giá trị cao hơn. Tuy nhiên tinh thần căn bản của phái này phát huy tư tưởng Phạm Ngã trong Áo Nghĩa thư, nên nói chung vẫn thuộc tư tưởng Bà-la-môn chính thống.

 Bởi văn chương kinh Phệ-đàn-đa đơn giản và hàm súc nên các học giả các phái chú giải kinh này rất nhiều, như Mandukya-kārika của ông Gaudapāda (Cao-đạt-phạ-đạt), Căn Bản Tư Duy Kinh Chú của ông Śaṅkarācāya (Thương-yết-la A-xà-lê), Phạm Kinh Chú của ông Rāmānuja (La-na-noa-giá), Phệ-đàn-đa Tinh Yếu (S: Vedān-tarāsa) của ông Sadānanda (Sa-đạt-nan-đà)...

 Về sau, Sankarācārya chịu ảnh hưởng của học phái Du-già (H: 瑜伽) và tư tưởng Trung Quán (H: 中 观) của Phật Giáo, phát triển tư tưởng trong Māndūkya-kāritā của ông Gandapāda thành Bất Nhị Nguyên Luận (S: Advaitavāda), chủ xướng Phạm Ngã nhất nguyên là chân thật thường trụ, chẳng sinh, chẳng diệt, nghĩa là tất cả đều do thức biến hiện.

Ông Bhāskasa (Ba-tư-gia-la) phản đối thuyết của ông Sankarācārya, lập riêng thuyết Bất nhất bất dị, cho Phạm là thực tại tối cao, cũng thừa nhận thế giới và loài hữu tình thật có.

 Thế kỷ XI, ông Rāmānujia lại phản đối, lập ra Chế Hạn Nhất Nguyên Luận (S: Viśiṣṭādvaita), chủ trương Phạm tức là thần Ti-sắc-nô (S: Viṣṇu), trong thân ấy bao gồm vật chất và cá nhân. Ngã, đương lúc Phạm khởi chuyển biến, vật chất trở thành khí thế giới và thân hữu tình, cá nhân Ngã trở thành linh hồn, tức là vật chất và cá nhân Ngã chỉ là thuộc tính của Phạm, chẳng phải hoàn toàn tương đồng với Phạm. Hai phái này cùng “Bất nhị nhất nguyên luận” đồng thời lưu truyền đến nay, hợp thành một học phái lớn mạnh.

 Ngoài ra, ông Nimbārka (Ninh-ba-nhì-ca) phái Tì-sắc-nô chịu ảnh hưởng của ông Ramanuja xướng thuyết Bất nhất bất dị.

 Vào thế kỷ XII, ông Madhva (Ma-đà-bà) soạn sách chú thích kinh Phệ-đàn-đa, đề xướng thuyết Nhị nguyên (Dvaita), chủ trương cái Ngã tối cao (Thần tì-sắc-nô) và Ngã cá nhân cùng vật chất không đồng nhau.

Giữa thế kỷ XIII, ông Ānandagiri (A-nan-đa kiết lợi) lại chú giải các chú thích của kinh Phệ-đàn-đa và chú giải của ông Sankara.

 Thế kỷ XIV, ông Vidyāraṇya (Duy-đô-á-lạp-ni-nha) soạn Pañdaśī, đề xướng thuyết Bất nhị tuyệt đối.

Khoảng thế kỷ XV, XVI, ông Vallabha (Ba-nhĩ-la-ba) chủ trương thuyết Thanh tịnh bất nhị (S: Suddhādvaita), nghĩa là cá nhân Ngã, vật chất cùng Phạm là bất nhị. Tóm lại, lý luận của các phái Phệ-đàn-đa đều lấy Phạm Ngã nhất như làm nguyên lý tuyệt đối, hiện đang thịnh hành là dòng phái chính của trào lưu tư tưởng Ấn Độ.

 Theo: Ấn Độ Triết Học Phái Luận (Lương Thấu Minh); Ấn Độ Lục Phái Triết Học Cương Yếu (Lí Thế Kiệt); Ấn Độ Triết Học Nghiên Cứu 1 (Vũ Tĩnh Bá Thọ); G. Thibaut, The Vedànta-sūtra; P. Deussen, Das Systen des Vedānta; M. Walleser, Der altere vedānta.”

Sách 2500 nãm Phật giáo (2500 Year of Buddhism, viết[12]: “Theo Phật Lịch Nguyên Thủy thì Đức Phật nhập diệt vào nãm 544 trýớc Công nguyên (Chữ khắc tại Bodh Gaya ghi thời ðiểm Đại Bát Niết Bàn là nãm 544 trýớc Công nguyên)”. Theo sách trên, Đức Thế Tôn Đản Sinh nãm 624 trýớc Dýõng lịch và nhập Đại Niết Bàn nãm 544 trýớc Dýõng Lịch.

Như vậy phái Vedānta ra đời do Bạt Đa La Diễn Na (S: Bādarāyaṇa) sáng lập khoảng thế kỷ I Tây Lịch, tức là sau khi Đức Thế Tôn nhập Đại Niết Bàn hơn 544 năm và biên soạn khoảng thế kỷ V, sau khi Đức Thế Tôn nhập Đại Niết Bàn hơn 1000 năm. Phái Vedānta có nhiều học giả chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo.

2. Phái Thanh Thường Trú (S: Mīmamsā, Di-Man-Tát):

Phái này ra đời sau Đức Thế Tôn xuất thế gần 400 năm.

Sơ lược giáo lý của phái này:

Phái Thanh thường trú (H: 声 常 住 派, S: Mīmāṃsā) hay phái Di-man-tát (H: 弥 曼 萨 派), còn có tên là phái Di-man-sai (H: 弥 曼 差 派), Di-mâu-sa học phái (H: 弥 矛 沙 学 派), Di-tức-già học phái (H: 弥 息 伽 学 派). Kinh điển Phật giáo còn gọi phái này là Thanh Hiển Luận (H: 声 显 论), Tùng Duyên Hiển Liễu Tông (H: 从 缘 显 了 宗). Đây là một trong sáu phái triết học Ấn Độ, chuyên nghiên cứu kinh Phệ-đà (H: 吠 阤, S: Védas), xem trọng tế tự và chủ trương âm thanh thường trú. Kinh điển của phái này có kinh Tiền Di-man-sai, hay kinh Di-man-sai (S: Mīmāṃsā-sūtra).

 Từ Điển Phật Học Huệ Quang[13] tóm tắt về kinh Di-man-sai như sau: “Di Man Sai Kinh (S: Mīmāṃā-sutra). Bộ Thánh điển căn bản của học phái Mīmāṃsā, một trong 6 phái triết học Ấn Độ. Tương truyền Jaimini soạn vào khoảng thế kỷ II, III trước TL, đến thế kỷ II sau Tây Lịch, lại do người đời sau gom chép thành 12 chương, 60 tiết. Đây là Thánh điển có số lượng lớn nhất trong các bộ Thánh điển của 6 môn phái.

 Kinh này chủ trương âm thanh là một thực tại trong vũ trụ, tất cả lời cầu nguyện đều có đủ sức mạnh thần bí tuyệt đối, đó là Thanh Thường Trụ Luận (H: 声 常 住 论). Nội dung chính luận thuật về giáo pháp và giáo lệnh trong Thánh điển Phệ-đà, gắn liền với đời sống hằng ngày của người Aryan, vì ngay trong hành vi, lời nói hằng ngày của họ đều được quy định bằng nghi thức tế tự mang đầy tính chất quyền uy.

 Về hình thức, có thể chia bộ kinh này làm 2 loại: Thần ca (S: Mantra) và Phạm thư (S: Brāhmana). Nhưng nội dung thì có thể chia làm 5 loại là:

1. Nghi quỹ (S: Vidhi): Quy định hình thức tế lễ.

2. Thần ca: Ba thứ Phệ-đà bản tập: Tán ca, ca vịnh, tế từ.

3. Danh xưng (S: Nāmadheya): Những tên gọi điển tế trong các Thánh điển Phệ-đà như Hỏa tế, Tân mãn nguyệt tế.

4. Cấm chế (S: Niṣedha): Các việc không được làm trong khi cúng tế.

5. Thích nghĩa (S: Arthavāda): Nói về cội nguồn và công đức của tế nghi ấy.

Theo: Ấn Độ Triết Học Nghiên Cứu 1 (Vũ Tĩnh Bá Thọ)”.

 Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, viết[14]: “Phái Mīmāṃsā chủ trương “thanh thường luận” vì đó là những âm vận in đậm vào cùng khắp không gian với thường trú tính nên cứ tự lưu truyền đến vĩnh viễn, không thể nào tan mất đi được. Thế nên, thánh kinh Védas đâu có phải là văn chương phàm nhân mà là lời nói của Thần in đâm ra, gởi vào đấy. Vì vậy, Thánh kinh mới có tự nhiên thường trú tính. Người ta cứ cho rằng, lời nói chỉ là một loại âm thanh, nói ra rồi tan đi là một ngộ nhận lớn về giá trị lời nói. Lời nói là cái cầu môi giới xây bằng âm thanh để lộ những ý nghĩa của tư tưởng là tinh thần, tinh thần là vĩnh cửu thì lời nói bao giờ cũng đồng nhất thường trú với tinh thần. Triết gia Upavarsa (450 – 500 dương lịch) cho rằng, lời nói là âmcủa chữ varna do Thần minh nghĩ ra để có các truyền mệnh lệnh của đấng Thượng Tôn xuống dân gian. Thế nên thế nhân, dầu kinh nghiệm và khôn ngoan sung mãn đến mấy cũng không thể nào chế ra được văn tự, mà văn tự là công nghiệp của Thần minh lưu lại cho nhân loại. Thánh điển Védas gồm cả lời nói lẫn văn tự thì đâu có phải là sách vở, mà là giáo lệnh (codana). Cho nên, con người chỉ có phận sự tuyệt đối phụng tuân giáo điều và phục tùng mệnh lệnh của Thánh kinh mà thôi. Việc tuân phụng phục tùng ấy được gọi là Pháp đấy.

 Lại đến những nghi thức lễ nghi do học phái Mīmāṃsā quy định thì học phái này khuyến hóa rằng, nếu tổ chức tế lễ y như thể thức và tụng nguyện cầu khẩn y như văn bài là được hưởng phúc “dư lực” cả về phần thể lẫn phần hồn. Những người được hưởng dư lực này, đều được chư Thần xếp vào hạng tân đắc lực (apuvra). Khi đã được nhập hạng tân đắc lực mà vẫn nhất-tâm tuân phụng chính đạo theo Mimamsa-sutra, the thiện ý của Thánh kinh Védas sẽ được dẫn độ lai sinh, vĩnh viễn cực vinh hoa (abhyudaya), phúc lạc nơi thiên giới”.

3. Phái Chánh Lý Luận (S: Nyāyika hay Nyāya):

Phái này ra đời sau Đức Thế Tôn xuất thế hơn 700 năm.

Sơ lược giáo lý phái Niyāya:

Phái Chánh Lý Luận (H: 正 理 论 派, S: Nyāyika hay Nyāya) hay phái Ni-dạ-ya (H: 尼 夜 耶 派), nghiên cứu về khoa luận lý học và nói rằng người tu hành có thể giải thoát ngay trong đời hiện tại.

Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, viết[15]: “Nghiên cứu đại cương học thuyết của phái Nyaya, ta thấy về phần hình nhi thượng có nhiều điểm giống với học thuyết của phái Vaiśeṣika. Đối với vấn đề triền miên khổ não ưu tư của con người, học phái Nyaya cho rằng, căn nguyên của khổ não là sự kiện con người phải hoạt động để duy trì sự sinh tồn. Vì phải duy trì sinh tồn nên phải hoạt động. Vì phải hoạt động mà con người đa mang tạp nhiễm, như : tham, sân, si, dục, hiềm, ố. Những khuyết điểm ấy phát sinh do tự trí của ta bị lu mờ lầm lẫn (S: Mithyajnana). Do đó, nếu con người tự giác đến căn nguyên gây nên những khuyết điểm ấy mà từ bỏ được mithyajnana (tự trí bị lu mờ lầm lẫn), con người sẽ nhận chân được thực tướng của mình. Nhận chân được thực tướng của mình rồi ta sẽ nhận chân được thực tướng của vạn vật và thế gian. Khi đã nhận chân được thực tướng của vạn vật và thế gian là tâm đã tự lâng lâng trong sáng mà từ bỏ được hết ưu tư khổ não. Tâm có được trong sáng rồi ta mới chuyển sang giai đoạn tu hành để tự giải thoát. Giải thoát theo thuyết Nyaya, không phải chờ đến lai sinh mà giải thoát ngay từ kiếp hiện sinh này. Người được giải thoát sẽ cắt lìa khỏi mọi mối dây luân hồi, không còn bị ràng buộc với “kiếp” với tử tử sinh sinh nữa. Và, để giải thoát ta cần triệt để tuân trì giới luật và tu tập tọa thiền.

 Đồng với học thuyết Vaiśeṣika, phái Nyāyika cũng chủ trương vũ trụ thế gian được cấu tạo nên do vô số những nguyên tử. Những nguyên tử này đều có đặc tính trường cữu, xưa nay vẫn vậy, không biến đổi, không tiêu diệt. Điểm thứ hai, về thực hữu Ātman, học phái Nyāyika cũng tích cực chứng minh rằng có. Về lời nói, cũng bài bác lập trường “ngôn ngữ thường trú” của học phái Mīmāṃsā.

 Để xác định phương pháp đạt tới chân trí thức, học phái Nyaya chia nhận thức ra làm hai loại:

Prāna: nghĩa là luợng (H: 量): Nhận thức đúng và a-prāna, phi lượng (H: 非 量): Nhận thức sai.

 Prāna có 4 phương pháp nhận thức:

1. Dùng trí giác trực tiếp (pratyaksa: hiện lượng) mà nhận thức.

2. Dùng suy luận (anumāna: tỉ lượng) mà nhận thức.

3. Dùng cách so sánh vật loại để nhận thức (upamāna)

Tỉ dụ khi học về loài trâu bò, phải hiểu rằng có hai loại khác nhau là giống trâu và giống bò. Vậy, học ấy là phải nhận thức để so sánh sự đồng âm dị tính, phân biệt rõ ràng, cốt không lầm giống này với giống khác.

4. Tin vào danh ngôn (sabda: Thánh giáo lượng hay Thánh lượng) học hỏi nhiều nơi ttánh kinh Védas, học rồi cần dốc tín vào thánh ngữ, thánh điển.

 Trên phương diện tỉ lượng (S: Anumāna), Nyaya thành lập ngũ phân tác pháp để làm thế nào suy luận đúng: Tôn (H: 尊, S: Pratitjna), nhân (H: 因, S: Hetu), dụ (H: 喻, S: Udāharana), hợp (H: 合, S: Upanaya) và kết (H: 结, S: Nigamana).

1. Tôn (H: 尊): Như thấy hỏa diệm sơn có lửa.

2. Nhân (H: 因): Biết trong hỏa diệm sơn có lửa, vì thấy có khói bốc lên.

3. Dụ (H: 喻): Xưa nay, hễ có khói là có lửa ví dụ như là nung, hễ khói lên khỏi nóc là trong lò có lửa.

4. Hợp (H: 合): Trên nóc có khói là trong lò có lửa, vậy trên miệng hỏa diệm sơn có khói là trong lòng hỏa diệm sơn cũng có lửa.

5. Kết (H: 结):Như vậy không thể nào lầm được nữa, khi biết rằng trong hỏa diệm sơn có lửa, để làm đích tin tưởng cho suy luận.

Tóm lại, toàn bộ học thuyết của học phái Nyāya bao gồm trong 16 vấn đề.

1. Phương pháp nhận thức. 2. Đối tượng nhận thức.

3. Nghi hoặc. 4. Động cơ.

5. Thực lộ 6. Định thuyết.

7. Chi phân 8. Tự biện.

9. Quyết định 10. Luận nghị.

11. Luận tránh 12. Luận kết.

13. Lý do ngộ nhận ngộ tưởng. 14. Ngụy biện.

15. Sỉ mạ (bị đàm tiếu) 16. Bại bắc (bị thất bại)”.

Sách Lịch sử Triết học Ấn Độ, viết[16]: “Thực ra, khoa luận lý học đã phát sinh rất sớm kể từ thời cổ Ấn-Độ. Ngay như bộ sách thuốc của Charaka (Charaka-samhita) đã có trước tác một thiên luận-giải về luận lý. Phật giáo cũng đã có trước tác bộ Phương Tiện Tâm Luận chuyên về luận lý. Có điều với Phật giáo, vấn đề đặt tên cho môn học có khác, đáng lẽ gọi luận lý thì lại là nhân minh[17]. Tuy nhiên, dẫu từ cổ thời đã có khoa luận lý, nhưng phải chờ đến khi học phái Nyāya này ra đời thời khoa luận lý mới được hệ thống hóa và quy củ thực đích của trọng tâm. Nói cách khác, chỉ có học phái Nyāya mới thành công trước nhất về ngành luận lý học. Danh từ “Nyāya” vốn nghĩa là luận lý hay chính lý. Về sau mới chuyển sang nghĩa là “nghiên cứu khoa luận lý học”. Đến đây, học phái Nyaya mới lấy tên của môn học làm tên của học phái mình. Người đầu tiên khởi xướng lên việcnghiên cứu về luận lý là học giả Gautama (biệt danh là Akasapada, tức Asāpāda, khoảng 50 – 150 hậu kỷ nguyên) nhưng phải chờ đến hơn một thế kỷ sau, khoảng 250 – 350 dương lịch mới có những học giả kế chí Gautama mà trước tác nên những thư điển căn bản của học phái, gọi chung là bộ Nyāya – sutra.”

5. Phái Thắng Luận (S: Vaiśeika):

Phái này ra đời sau Đức Thế Tôn xuất thế hơn 400 năm.

Sơ lược giáo lý phái này:

Phái Thắng Luận (H: 胜 论 派, S: Vaiśeṣika) hay phái Phệ-thế-sư-ca (H: 筮 世 师 迦), còn gọi là Tối Thắng học phái (H: 最 胜 学 派), Đa nguyên thực tại phái (H: 多 原 實 在 派), hay Thắng Luận Tông (H: 胜 论 宗). Học phái Thắng Luận, một trong sáu phái triết học Ấn Độ, một trong ngoại đạo tứ chấp, một trong 12 thứ ngoại đạo, một trong 16 tông của ngoại đạo Ấn Độ. Trong Thánh điển Nguyên Thủy Nikāya hoặc các sách ngoại đạo lưu hành vào thời Đức Phật còn tại thế đều không thấy nói đến học phái Thắng Luận và học thuyết của phái này. Theo đó chúng ta suy luận học phái Thắng Luận có sau khi Đức Phật Nhập Niết Bàn. Các học giả nghiên cứu nguyên điển cho rằng học phái này được thành lập vào khoảng thế kỷ III trưóc Tây lịch đến thế kỷ I, II sau Tây Lịch. Người sáng lập ra học thuyết này là Ưu-lâu-khư (S: Ulūka, còn có tên khác là Yết-na-đà, S: Kaṇāda). Theo truyền thuyết, Ulūka soạn Thắng Luận kinh (S: Vaiśeṣika-sūtra). Học thuyết này trước Ngài Long Thọ rất thịnh hành, thường tranh luận với Phật Giáo, như trong Quảng Bách Luận Bản, Bách Luận, Ngoại Đạo Tiểu Thừa Tứ Tông Luận của ngài Đề-bà, Trung Luận Thích của Ngài Thanh Mục, Bách Luận Thích của Ngài Bà-tẩu v.v.... đều có luận thuyết bác bỏ học phái Thắng Luận này. Về sau phái Vaiśeṣika (Thắng luận, H: 胜 论) hợp với phái Nyāyika (Chánh lý luận, H: 政 理 论) thành phái Nyāyika-Vaiśeṣika.

 Trường phái này là luận phái duy vật chuyên phân tích vũ trụ vạn hữu thành không gian. Kinh căn bản là kinh Thắng Luận. Thắng luận phân định về tiềm năng trí thức của con người. Trí thức sở dĩ được thành tựu là do hiện lượng (H: 现 量), tức trí giác trực tiếp và tỷ lượng (H: 仳 量), tức suy luận. Phái này lấy kinh điển Védas làm căn bản tối cao. Phái này lấy sáu nguyên lý (S: Ṣaṭpadārtha, 6 nguyên lý hay 6 cú nghĩa): Thực thể (Thực, H: 实), tính chất (Đức, H: 徳), vận động (Nghiệp, H: 业), phổ biến (Đồng, H: 同), đặc thù (Dị, H: 異), nội thuộc (Hòa hợp, H: 和 合) để nói về những hiện tượng.

1. Thực thể (Thực, H: ): Nguyên lý thực thể bao trùm năm nguyên lý kia. Nói cách khác, năm nguyên lý kia phải lấy nguyên lý thực thể làm căn cứ tạo thành và tồn tại. Nguyên lý thực thể do hợp nhân mà tạo thành chín thể khác nhau trên thế gian là: Địa, thủy, hỏa, phong, hư không, thời gian, phương hướng, atman (bản ngã) và ý. Địa, thuỷ hỏa phong là tứ đại, tứ đại tuy hình thể có khác, nhưng căn bản đều do vô số nguyên tử tạo thành. Nguyên tử là độc lập, đơn thuần, hình tròn, cực vi tế và không thể hủy diệt. Tính chất của nguyên tử khi hợp lại thì thành địa đó là hương, thành thủy đó là vị, thành hỏa đó là sắc, thành phong đó là xúc. Riêng thủy và hỏa còn có hữu tính nữa là thủy thì lạnh mà hỏa thì nóng và con người có thể biết được nguyên lý của lạnh và nóng đều là loại nguyên tử phức hợp thể, chỉ do trí giác của cảm quan mới nhận biết được.

2. Tính chất (Đức, H: ): Về tính chất hay đức (S: Guna), Thắng Luận nói có 17 loại:

1. Sắc. 2. Hương 3. Vị 4. Khả xúc tính. 5. Số. 6. Lượng. 7. Biệt dị tính (biệt thể). 8. Kết hợp. 9. Phân ly. 10. Bỉ thể (vật kia). 11. Thử thể (vật này). 12. Tác dụng tri giác. 13. Sung sướng (lạc). 14. Khổ. 15. Mong muốn (dục). 16. Hiềm ố (sân). 17. Quyết chí (cần, dũng).

3. Vận động (Nghiệp, H: ): Sức mạnh của nguyên lý vận động hay nghiệp trong thời buổi sơ khởi để làm nên hình hài và đặc hữu tính được gọi là bất khả kiến (adrsta). Kết quả tạo thành vật bất khả kiến đó chín thể loại khác nhau trên thế gian.

a. Địa: Có hương, vị sắc và xúc tính.

b. Thủy: Có vị, sắc, xúc tính, lưu động tính, niêm trước tính (sức hút nối gắn các vật thể lại với nhau).

c. Hỏa: Có sắc và khả xúc tính.

d. Phong: Có khả xúc tính.

e. Hư không: Là môi trường vận động bao la đến vô cùng vô tận của thực thể. Đó là nơi duy nhất thường trú, duy nhất biến hóa và duy nhất tồn tại thực thể. Đặc hữu tính của hư không là âm thanh, nhưng hư không không có vận động tính.

f. Thời gian: Tùy theo nhận thức chủ quan mà thực thể của nó là quá khứ, hiện tại và tương lai, hay là nhanh, là chậm, nhưng nó vốn dĩ là dòng liên tục duy nhất vô thủy, vô chung (không đầu, không cuối), không hoạt động, không tính chất.

g. Phương hướng: Cụ thể là bốn phương, Đông Tây Nam Bắc. Tính của nó là trước, sau, xa, gần.

h. Ātman hay Bản Ngã: Là một sự tồn tại thực sự, không phải hư, không phải giả. Thắng luận chứng minh như sau: Người sống khác người chết ở hơi thở, ở cặp mắt, ở ý tưởng. Người sống có những cảm quan để tạo cảm giác và thông cảm với cảm quan của người khác, của sinh vật khác. Người sống còn có bộ máy tri giác, để biết chán nản từ bỏ, biết sung sướng đam mê, có sở thích tìm cầu dục lạc, yêu tốt, ghét xấu, thu thập kinh nghiệm, nuôi dưỡng tinh thần thêm phấn khởi... Thế nên, không thể bảo không có sự tồn tại của bản ngã. Đã biết có bản ngã, nên biết có nguyên bản và tính cách hoạt động của bản ngã.

i. Ý: Nguyên bản của bản ngã là duy nhất thể, rồi bị cấu xé thành từng hạn định nhỏ một, đem phân phối vào mỗi người. Một phần nhỏ đó tạo thành cá tính sinh động của mỗi người. Cá tính sinh động dó là “ta” hay “chủ thể của ta”. Chủ thể đã là của ta, nên mọi đường lối suy nghĩ và ý (ý niệm) phát sinh nơi ta cũng là thực thể. Tức là ý đích thực là vật chất. Thân thể là vật chất, ý cũng là vật chất. Như thế con người là duy nhất thể, trong đó có sinh lực hoạt động. Cả vật thể và sinh lực đó cùng ở trong một khối lượng đại nguyên tử có bao hàm cơ quan cảm giác. Cơ quan này phối hợp với ý làm thành tri giác. Vậy, vật thể, cảm giác, ý, suy nghĩ, tri giác của ta đó là Atman của ta.

4. Phổ biến (đồng, H: ), đặc thù (dị, H: ): Thắng luận cho rằng về phổ biến hay đồng (S: Samanaya) và đặc thù hay khác biệt tức là dị (S: Visesa), hai nguyên lý này vừa ứng lẫn nhau, vừa đối lẫn nhau. Ứng lẫn nhau vì có phổ biến thần đồng nhất tính mới có hoạt động để biến thành đặc thù (dị). Đối lẫn nhau vì nguyên lý phổ biến trên thượng tầng bao quát để hòa đồng, mà khác biệt ở hạ tầng cá biệt, nằm ở mỗi nguyên tử để cố định tạo hình khác biệt (biến dị). Bao quát trên khắp thượng tầng để hòa đồng các nguyên lý cho nên phổ biến hay đồng là nguyên lý hữu tính. Còn tại mỗi nguyên tử cố định để tạo hình khác biệt là nguyên lý đặc thù. Mọi vật thể đều nằm trong cái thế giằng co với nhau, buông ra để hòa đồng của phổ biến và để tạo sự khác biệt (dị) nên vật thể nào cũng có tính phổ biến và đặc thù.

5. Nội thuộc (Hòa hợp, H: ): Bốn nguyên lý: Tính chất, vận động, phổ biến, đặc thù đều độc lập nhưng không bao giờ rời xa nhau. Chúng kết hợp với nhau mà nằm trong thực thể để nuôi dưỡng thực thể. Như thế thực thể là nguyên lý nội thuộc (samavaya) hay hòa hợp.

 Thắng Luận công nhận thánh điển Phệ-đà (H: 吠 陀, S: Védas), có những phần có giá trị, có những phần không giá trị chứ không phải là tuyệt đối. Thế nên, Thắng luận bài bác chủ trương lễ bái, khổ tu qua nhiều đời để được giải thoát. Thắng luận nói rằng, muốn giải thoát nên nghiên cứu rất nhiều để thấu triệt sáu cú nghĩa rồi mới tu hành. Nên biết rằng, ý dục che lấp Atman con người, nên Atman bị nhục thể đưa vào chỗ tối tăm, xấu xa. Thế nên để giải thoát Atman, giải thoát bản ngã, trước phải tự chế ý dục của mình theo phương pháp Yoga. Khi đã được giải thoát, phần Atman tức bản ngã được tháo ra khỏi vòng hòa hợp của 6 cú nghĩa để bất sinh bất diệt, vĩnh viễn an vui.

5. Phái Số Luận (S: Sakhya):

Phái này ra đời sau Đức Thế Tôn xuất thế gần 300 năm.

* Chúng ta nên phân biệt phái “Số Luận-Sakhya” (H: 数 论 外 道) này, một trong sáu phái triết học Ấn Độ, khác với tên “Số Luận” (H: 数 论) trong Phật Giáo, một tên gọi khác của Luận Tạng thuộc Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ (Tát-bà-đa bộ).

 a. Số của Số Luận (H: ) của Phật Giáo trong Luận Tạng (H: 论 藏) thuộc Nhất Thiết Hữu Bộ (H: 一 切 有 部) có hai nghĩa, một là Huệ Số (H: 慧 数), hai là Pháp Số (H: 法 数).

1. Huệ Số (H: 慧 数), trong Tam học của Tam Tạng, Nhất Thiết Hữu Bộ chú trọng về Abhidharma (A-tì-đàm), nên gọi là Tông A-tỳ-đàm. Giáo nghĩa của tông Abhidharma dùng Huệ học để đoạn hay chứng lý. Giáo nghĩa của Tông này đặt nặng Tâm Sở Hữu Pháp, nên thời xưa gọi là Tâm Số. Tông này dùng Huệ Số làm nền tảng nên Luận Tạng của họ cũng được gọi là Số Luận.

2. Pháp Số (H: 法 数), Nhất Thiết Hữu Bộ lập 75 pháp số. Tông này cũng là căn bản pháp số của Phật Giáo, nên giáo nghĩa hay Luận Tạng của họ cũng được gọi là Số Luận.

 Giáo nghĩa và tông chỉ của Số Luận A-tỳ-đàm của Phật Giáo hoàn toàn khác với Số Luận của ngoại đạo trong Sáu Phái Triết Học Ấn Độ.

 b. Giáo lý Số Luận-Sakhya (H: ) của ngoại đạo, chúng ta xem phần trích dẫn hai sách Lịch Sử Triết Học Ấn ĐộTừ Điển Phật Học Huệ Quang sau đây:

1. Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, viết[18]: “Triết thuyết căn bản của phái Sankiya là dung hòa tư tưởng của phái mình với thuyết nguyên lý duy nhất của phái Uddalaca trong phong trào triết học Upaniṣad để thành thuyết nhị nguyên thực hữu. Đệ nhất nguyên là Nguyên lý tinh thần tức phần tinh thần thuần tuý mà học phái Saṃkhya kêu là Puruṣa (Thần ngã) hay là Ātman. Đệ nhị nguyên là Nguyên lý vật chất tức phần căn bản của nguyên chất mà học phái này gọi là Prakṛiti (tự tính) hay là Pradhana. Phần này tức là nguyên lý chủ tạo nên mọi hiện tượng trên thế gian, là đấng chủ tể hay là bực phi-biến-dị (S: Avyakta)”.

2. Từ Điển Phật Học Huệ Quang, viết[19]: “Vào thời kỳ đầu, phái này (phái Số Luận) chủ trương tinh thần và vật chất thành “Ngã tối cao”, tức sử dụng lập trường Hữu Thần Luận và Nhất Nguyên Luận, đến thời kỳ cuối thì phủ nhận Ngã tối cao, trở thành Nhị Nguyên Luận trong Vô Thần Luận. Thần Ngã (S: Puruṣa) là ý thức thuần tuý, không có tác dụng, chỉ quán chiếu tự tính mà thôi. Tự tính theo thứ lớp triển khai thành Giác (S: Buddhi), Ngã mạn (S: Ahaṃkāra), Ngũ đại, Thập lục biến dị. Nguyên lý này và Thần ngã, Tự tính gọi chung là 25 đế. Tự tính (S: Prakṛti) có công năng giúp cho sự triển khai một thừa số duy nhất, yếu tố hình thành có 3 đức: Thuần chất (S: Sattva), kích chất (S: Rajas) và ế chất (P, S: Tamas). Thần ngã là sự thoát ly khỏi kết quả của vật chất được phát sanh sau khi đã triển khai. Khi Thần ngã tồn tại độc lập với vật chất thì được gọi là giải thoát”.

6. Phái Yoga (Tương Ưng Ngoại Đạo):

Phái Yoga (S: Yoga) hay Tương ưng (H: 相 应 派) tức là phái Du-già (H: 瑜 伽) còn gọi là Du-già Ngoại Đạo (H: 瑜 伽 外 道) hay Tương Ưng Ngoại Đạo (H: 镶 应 外 道). Phái Yoga chịu ảnh hưởng triết lý của các giáo phái Saṃkhya, Vedānta, và Upaniṣad. Triết học của phái này căn cứ vào học phái Số Luận mà lập luận, chỉ có khác là lập trường Hữu thần luận, chủ trương Thần Ngã (S: Puruṣa) là vị thần tối cao. Phái Yoga hay Du-già là một trong sáu phái triết học Ấn Độ chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất của tư tưởng Phật giáo. 

Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, viết[20]: “Nhận xét về chủ trương tổng quát của đạo phái Yoga, ta thấy Yoga chịu ảnh hưởng nhiều của Phật Giáo”. (Vui lòng xem thêm chương 17: Ấn Độ Giáo hay Bà La Môn Giáo đã chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Thừa).

Yoga phát triển đến bây giờ, có nhiều môn phái riêng biệt. Các môn phái đó tựu trung chia làm hai nhóm:

1. Nhóm duy vật: Thiên về vật chất, sưu tầm, học hỏi, luyện tập cho cơ thể được sống lâu, khỏe mạnh như

a. Hatha-yoga: Chuyên luyện tập về thể dục để được khỏe mạnh, sống lâu.

b. Kriya-yoga: Tu hành khổ hạnh.

2. Nhóm duy tâm: Thiên về tinh thần, phần lớn thiên về triết lý, đạo lý như: Rāja-yoga, Jnâna-yoga, Karma-yoga, Bhakti-yoga... Các phái này cũng nghiên cứu triết lý, tu hành dựa theo Duy Thức Tông của Phật giáo. Như các phái Raja-yoga, Janâ-yoga để ý Mạt-na thức; Karma-yoga, Bhkti-yoga để ý A-lại-da thức.

 Ngoài ra còn rất nhiều môn phái khác chuyên luyện tập thần thông như: Kundalini-yoga, luyện tập những thần chú như : Mantra-yoga, Tantra-yoga....

 Theo sách Yoga của học phái Yoga thì Yoga có hai nghĩa chính:

1. Yoga gốc ở chữ Phạn Yog, nghĩa là cái ách. Cái ách tượng trưng cho sự nô lệ, cho mọi sự khổ trong đời như sanh lão bệnh tử... Người tu sĩ Yoga là người học hỏi phương pháp để cổi cái ách khổ não đó. Cổi được cái ách là đã “giải thoát”, bởi vậy theo định nghĩa này thì Yoga là giải thoát.

2. Yoga là sự hiệp nhất hay thống nhất tâm thể về một mối.

- Theo như phái Hatha-Yoga thì có nghĩa là sự hiệp nhất âm dương (mặt trời và mặt trăng) để được sống lâu.

- Theo như phái Raja-Yoga thì hiệp nhất với đấng Ishvara, đấng Thượng đế, là tìm con đường đến nơi bất diệt.

 Ngoài ra Yoga còn có nghĩa là tương ưng, như tương ưng với cơ, cảnh, tướng, lý nhân quả v.v...

 Theo Từ Điển Phật Học Huệ Quang[21], nội dung kinh Du-già (S: Yoga-sutra) của đạo sĩ Patanjali bao gồm: “

1. Tam muội: Do tu tập ly dục để khống chế sự tác dụng của 5 tâm: So lường, điên đảo, phân biệt, ngủ nghỉ và ghi nhớ mà đạt đến cảnh địa tam muội.

2. Tám pháp thật tu:

a. Chế giới (S: Yama): Giữ 5 giới: Không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp, không dâm dục, không có của riêng.

b. Nội chế (Niyama): Bao hàm thanh tịnh, khổ hạnh, tu học, quy y vị thần tối cao.

c. Tọa pháp (S: Āsana): Dùng để giữ gìn thân thể cho được an định, sung sướng.

d. Điều tức (S: Prānayāna): Điều hòa hơi thở.

e. Chế cảm (S: Pratyāhāra): Xa lìa cảm quan và đối tượng.

f. Chấp trì (S: Dhārana): Định tâm tại một chỗ.

g. Tĩnh lự (S: Dhyāna): Sau khi định tâm, tập trung quán niệm.

h. Cảnh tam muội (S: Samādhi).

3. Nhờ thật tế tu hành đạt được tri thức, năng lực hơn người như rõ biết 3 đời quá khứ, hiện tại, vị lai, biết tâm người khác và tàng hình v.v...

4. Nhờ tu hành mà thoát ly tự tính (S: Prakṛti) được tồn tại độc lập (S: Kaivalya) cho đến hoàn thành sự giải thoát.

 Theo: Tôn Giáo Thần Bí Chủ Nghĩa (Ngạn Bổn Anh Phu).”

  • Du-già Tông, Du-già Hành Tông hay Du-già Hành Phái của Phật Giáo:

Chúng ta vui lòng phân biệt, trong Phật Giáo cũng có Du-già Tông, Du-già Hành Tông hay Du-già Hành Phái. Duy Thức Tông ở Ấn Độ cũng gọi là Du-già Tông, Mật Tông cũng gọi là Du-già Tông.

Từ Điển Phật Học Huệ Quang, viết[22]: “Du Già Phái. Tông phái Phật giáo Đại thừa thịnh hành ở Ấn Độ, lấy các luận Du-già Sư Địa... làm yếu chỉ tu hành, đối lập với phái Trung Quán.

Sơ Tổ là Luận Sư Di Lặc (H: 弥 勒 论 师) sống vào khoảng thế kỷ IV, V, lấy Luận Du-già Sư Địa, Biện Trung Biên Luận Tụng, Luận Đại Thừa Trang Nghiêm để đặt nền móng cho việc khai tông. Về sau, Ngài Vô Trước kế thừa yếu chỉ của giáo phái này mà soạn Luận Nhiếp Đại Thừa, Luận Hiển Dương Thánh Giáo, không bao lâu ngài Thế Thân tiếp nối, soạn Thập Địa Kinh Luận, Duy Thức Tam Thập Luận Tụng để mở rộng giáo thuyết. Đệ tử của Ngài Thế Thân là Trần Na cũng soạn các luận: Quán Sở Duyên Duyên, Nhập Du-già để xiển dương tư tưởng Du-già, soạn luận Nhân Minh Chính Lý Môn để xác định phương pháp lý luận Nhân Minh. Đồng thời có 2 đại luận sư là Thân Thắng và Hỏa Biện chú thích Duy Thức Tam Thập Luận Tụng của Ngài Thế Thân. Về sau, còn có các Luận sư: Đức Huệ, An Huệ, Hộ Pháp, Nan Đà, Thanh Biện, Giới Hiền, Tịnh Nguyệt, Thắng Hữu, Tối Thắng Tử, Trí Nguyệt, Pháp Tạng, Trí Quang, Vô Tính, Thân Quang, Đức Quang, nối tiếp nhau phát huy yếu chỉ Tam Tính Trung Đạo, đề xướng quán hạnh, lý vạn pháp duy thức để ngộ nhập tính Chân Như.

Phái Du-già đối lập với phái Trung Quán, 2 phái này thường bắt bẻ luận điểm của nhau. Nhưng vào đầu thế kỷ VIII, ngài Tịch Hộ và đệ tử là Liên Hoa Giới dung hợp tư tưởng giữa phái Trung Quán Tự Lập (S: Madhyamika-svātantrika) và phái Du-già, thành lập phái Du-già Trung Quán Tự Lập (S: Yogacara-madhyamika-svatantrika). Tư tưởng của phái này, về Thắng nghĩa đế thì sử dụng luận điểm của phái Trung Quán Tự Lập, còn về Thế tục đế thì y cứ lập trường của phái Du-già Duy Thức.

Phái Du-già được truyền vào Tây Tạng vào sau thế kỷ VIII, nhưng sau đó bị phái Trung Quán thu nhiếp, nên học phái Du-già Tự Lập không còn tồn tại.

Ở Trung Quốc, Kinh Bồ Tát Địa Trì tức Bồ-tát Địa trong luận Du-già Sư Địa do Đàm-vô-sấm dịch vào đời Bắc Lương, Kinh Bồ-tát Thiện Giới do Cầu-na-bạt-ma dịch vào đời Lưu Tống và Duy Thức Nhị Thập Luận, Thập Địa Kinh Luận do Bồ-đề-lưu-chi, Lặc-ma-na-đề, dịch vào thời Bắc Ngụy, là những bản dịch sớm nhất trong các kinh luận của phái Du-già. Về sau phái Du-già ở Trung Quốc dần dần chia làm tông Địa Luận và tông Nhiếp Luận. Tông Địa Luận lấy Thập Địa Kinh Luận làm tổng chỉ. Tông Nhiếp Luận lấy Luận Nhiếp Đại Thừa làm chính. Tuy 2 tông đồng lập thuyết “Bát thức duyên khởi”, nhưng Tông Địa Luận xem thức A-lại-da và Như Lai Tạng đều là chân thức, tông Nhiếp Luận thì xem thức A-lại-da là vọng thức, cho nên lập riêng thức A-ma-la thứ chín, đây là sự khác biệt lớn nhất trong luận điểm của 2 tông. Đến đời Đường, Ngài Huyền Trang dịch các bộ luận: Du-già Sư Địa, Hiển Dương Thánh Giáo, Biện Trung Biên v.v... và dịch tất cả các bộ “Duy Thức Tam Thập Tụng Thích Luận” của 10 Đại Luận sư, biên soạn thành “Luận Thành Duy Thức”, là giáo thuyết để triển khai tông Pháp Tướng, rất thịnh hành ở Trung Quốc và Nhật Bản.

 Theo: Đại Đường Tây Vực Ký 9, 10; Nam Hải Quý Nội Pháp Truyện 1, Ấn Độ Triết Học Nghiên Cứu 5 (Vũ Tĩnh Bá Thọ).”

3. PHẬT GIÁO:

Phật Giáo (S: Buddha-śāsana, Buddhānuśāsana, P: Buddha-sāsana, E: Buddhism) hoàn toàn khác biệt với Bà La Môn Giáo hay Ấn Độ Giáo.

Bà La Môn Giáo chủ trương có Thượng Đế, có Đấng Sáng Tạo, vũ trụ này do Thượng Đế sáng tạo ra, thuộc Thần Giáo, Nhất Thần Giáo, giống các tôn giáo khác.

Ngược lại, Phật Giáo Nam Tông (Theravada) và Bắc Tông (Phật Thừa hay Đại Thừa, Kim Cang Thừa, Tối Thượng Thừa, Thiền Tông Đông Độ, v.v…) đều chủ trương nguyên lý duyên khởi, do nhiều nhân duyên tác động hình thành, không có Đấng Sáng Tạo, không có Thượng Đế, không phải là Thần Giáo, không phải Đa Thần Giáo, không phải Phiếm Thần Giáo, không phải Nhất Thần Giáo. Phật Giáo là Đạo Giác Ngộ, là Đạo Trí Tuệ và Từ Bi, siêu việt Thần Giáo, siêu việt tất cả các Đấng Thần Linh, siêu việt Đa Thần Giáo, siêu việt Phiếm Thần Giáo, siêu việt Nhất Thần Giáo. Phật Giáo cũng không phải là Vô Thần như học giả Wille Durant và Giáo Hoàng John Paul II đã viết sai lầm.

a. Học giả Will Durant viết[23]: “Trong thuyết vô thần và trí thức luận duy tâm của Phật Tổ, cũng như quan niệm về Niết Bàn của Ngài, chúng ta thấy ảnh hưởng của Kapila”. Trong sách Sáu Phái Triết Học Ấn Độ Ra Đời Sau Đức Phật[24], NH đã viết học giả Will Durant sai lầm, và chứng minh Kapila sáng lập phái Số Luận (S: Saṃkhya) sau khi Đức Thế Tôn xuất thế khoảng 300 năm. Thế nên, Đức Thế Tôn không chịu ảnh hưởng tư tưởng của phái Số Luận. Sự thật, Kapila, vị khai tổ của phái Số Luận, chịu ảnh hưởng tư tưởng của Đức Thế Tôn.

b. Sách Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng, Giáo Hoàng John Paul II viết rằng Phật Giáo là Vô Thần, đã bị nhiều bậc Tôn Đức, học giả, Phật Tử, v.v… khắp nơi trên thế giới, thuộc Theravada, Đại Thừa… phản đối và viết Giáo Hoàng John Paul II sai lầm, không hiểu giáo lý Phật Giáo.

* NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CỦA GIÁO LÝ PHẬT GIÁO:

Tư tưởng Phật Giáo nằm trong Tam Tạng Kinh Điển, Kinh, Luật Luận. Tám vạn bốn ngàn pháp môn của Đức Thế Tôn dạy chỉ có một vị, đó là vị giải thoát. Lời dạy của Đức Thế Tôn ở trong 12 bộ Kinh. Kinh và Luật là Thánh ngôn của Đức Thế Tôn giảng dạy. 12 bộ Kinh gồm có:

1. Khế Kinh (S: Sūtra, Hán âm: Tu đa la), còn gọi là Trường Hàng. Tức là thể văn xuôi, ghi chép những lời dạy của Đức Thế Tôn.

2. Trùng Tụng (S: Geya, Hán âm: Kỳ dạ) còn gọi là Ứng Tụng. Là phần kệ giải thích cho rõ những giáo thuyết Khế Kinh đã dạy.

3. Thọ Ký (S: Vyākaraṇa, Hán âm: Hòa già la na) còn gọi là Ký Biệt. Đây là thể loại giải thích về giáo nghĩa, đời sau đặc biệt chỉ cho những lời ấn chứng trước của Đức Thế Tôn về các việc làm trong đời vị lai của các đệ tử.

4. Phúng Tụng (S: Gātha, Hán âm: Già đà) còn gọi là Cô Khởi. Thể loại kệ tụng độc lập, ghi chép những giáo thuyết của Đức Thế Tôn, không lặp lại ý nghĩa trong phần văn Trường Hàng như vai trò của Trùng Tụng.

5. Tự Thuyết (S: Udāna, Hán âm: Ưu đà na): Đức Thế Tôn tự khai thị giáo pháp, không cần đệ tử thưa hỏi.

6. Nhân Duyên (S: Nidāna, Hán âm: Ni đà na): Ghi chép nguyên nhân thuyết pháp, như phẩm Tựa của các Kinh.

7. Thí Dụ (S: Avadāna, Hán âm: A ba đà na): Dùng thí dụ để giảng dạy.

8. Bản Sự (S: Itivṛttaka, Hán âm: Y đế viết đa già): Thể loại ghi chép về hành trạng của Đức Thế Tôn và các đệ tử ở đời quá khứ, ngoài Bản Sinh Đàm. Hay là các câu Kinh mở đầu bằng câu “Phật như thị thuyết” cũng thuộc loại này.

9. Bản Sinh (S: Jātaka, Hán âm: Xà đà già): Thể loại ghi chép những hạnh đại từ đại bi mà Đức Thế Tôn tu hành trong các đời quá khứ.

10. Phương Quảng (S: Vaipulya, Hán âm: Tì Phật Lược): Các Kinh giảng nói giáo nghĩa sâu xa rộng lớn.

11. Vị Tằng Hữu Pháp (S: Adbhutadharma, Hán âm: A phù đà đạt ma): còn gọi là Hi Pháp. Thể loại Kinh ghi chép những việc hiếm có của Đức Thế Tôn và các đệ tử.

12. Luận Nghị (S: Upadeśa, Hán âm: Ưu bà đề xá): Thể loại Kinh ghi chép các việc Đức Thế Tôn nghị luận về thể tính các pháp, phân biệt rõ ràng ý nghĩa.

Nói chung, Tam Tạng Kinh Điển Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) và Phật Thừa (Đại Thừa) đều chú trọng tam vô lậu học Giới Định Tuệ, Ba Pháp Ấn.

* Ba Pháp Ấn là vô thường, vô ngã và Niết Bàn:

Kinh Tạp A Hàm, tập 1, Kinh số 262 viết[25]: “Sắc vô thường, thọ, tưởng, hành, thức vô thường; tất cả hành vô thường, tất cả pháp vô ngã, Niết-bàn tịch diệt”.

Luận Thành Thật viết[26]: “Trong Phật Pháp có ba pháp ấn: Tất cả vô ngã; các pháp hữu vi, niệm niệm vô thường; tịch diệt Niết Bàn. Với ba pháp ấn này, các Luận Giả không thể phá hoại được, vì là chân thật nên gọi thanh tịnh điều nhu.”

Luận Đại Trí Độ, viết[27]: “Phật nói ba pháp làm pháp ấn. Ấy là tất cả pháp hữu vi vô thường ấn; tất cả pháp vô ngã ấn; Niết Bàn tịch tịnh ấn”.

Và những nguyên lý căn bản của Phật Giáo gồm có:

- Nguyên lý Nhân Quả

- Nguyên lý về Nghiệp

- Nguyên lý Luân Hồi

- Nguyên lý Vô Thường

- Nguyên lý Tứ Vô Lượng Tâm

- Nguyên lý Tứ Nhiếp Pháp

- Nguyên lý Vô Ngã

- Nguyên lý Tứ Diệu Đế

- Nguyên lý Duyên Khởi

- Nguyên lý Không Tánh

- Nguyên lý Trung Đạo

- Nguyên lý Tương Dung

- Nguyên lý Viên Dung

- Nguyên lý Niết Bàn

Ngoài ra, Đức Thế Tôn dạy vô số pháp môn, như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, Tam Quy, Ngũ Giới, Thân Hành Niệm, Quán Tứ Niệm Xứ, Lục Hòa, Thập Thiện, Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân, Lục Độ Ba La Mật, Thập Độ Ba La Mật, v.v…

Chúng ta nên phân biệt, Bà La Môn Giáo hay Ấn Độ Giáo cũng dùng các danh từ như nhân quả, nghiệp, luân hồi, ba minh[28], v.v… nhưng ý nghĩa của các danh từ đó, khác với Phật Giáo. Và có những học phái của Bà La Môn Giáo hay Ấn Độ Giáo dùng những danh từ và tư tưởng Phật Giáo vào triết học của họ. (Vui lòng xem thêm chương 17: Ấn Độ Giáo hay Bà La Môn Giáo đã chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Thừa). Sau đây là sơ lược những nguyên lý chính của Phật Giáo.

1. NGUYÊN LÝ NHÂN QUẢ (S: Hetu-phala):

Nguyên lý nhân quả hay là định luật nhân quả, chỉ cho nguyên nhân và kết quả. Ngoại đạo cũng nói về nhân quả, nhưng khác với Phật Giáo.

Phật Quang Đại Từ Điển, viết[29]: “Về luận điểm nhân quả của ngoại đạo ở Ấn Độ thời xưa, có thể chia làm 4 loại mà Phật Giáo gọi là Ngoại đạo tứ chấp, hay đơn giản hơn là Tứ chấp. Đó là:

1. Nhân tà quả tà: Chủ trương nguyên nhân sinh ra muôn vật là do năng lực của trời Đại Tự Tại.

2. Không nhân có quả: Thừa nhận thế giới hiện tượng là quả, nhưng cho rằng nhân quả này khó tìm biết được, nên phủ định nguyên nhân sinh ra quả này.

3. Có nhân không quả: Thừa nhận thế giới hiện tượng là nhân, nhưng cho rằng kết quả của cái nhân đó khó có thể tìm biết được, nên phủ định kết quả của nhân này.

4. Không nhân không quả: Tức chối bỏ cả nhân lẫn quả.

Ngoài 4 luận điểm trên, trong tư tưởng Ấn Độ thời ấy còn có 2 luận thuyết nữa về nhân quả là:

1.Trong nhân có quả: Bà La Môn Giáo và học phái Số Luận (phái Số Luận ra đời sau Đức Thế Tôn xuất thế gần 300 năm[30]) chủ trương thế giới hiện tượng do quả hiển hiện, thì quả ấy ắt đã có trong nhân, tức trong nhân thường có tính của quả, cho nên tính chất của nhân và quả giống nhau.

2.Trong nhân không quả: Học phái Thắng Luận (phái Thắng Luận ra đời sau Đức Thế Tôn xuất thế hơn 400 năm[31]) và những nhà tư tưởng đối lập với Bà La Môn Giáo cho rằng phải có nhiều yếu tố căn bản kết hợp lại với nhau mới có thể sinh khởi thế giới hiện tượng. Tức họ chủ trương trong nhân chưa chắc đã có tính của quả và phải có nhiều nhân hòa hợp với nhau mới có thể sinh ra quả; bởi thế họ cho rằng tính chất của nhân và quả hoàn toàn không giống nhau. Luật thuyết này cũng có thể được gọi là Trong quả có nhân”.

Trong hệ thống giáo lý Phật Giáo, luật nhân quả là luận lý cơ bản để thuyết minh tất cả sự quan hệ của thế giới. Bởi trong sự hình thành hết tất cả các pháp, thì nhân là năng sinh, quả là sở sinh. Tức là pháp nào có năng lực sinh ra kết quả là nhân, còn pháp nào từ nhân mà sinh ra là quả. Nói về quan hệ nhân quả theo thời gian, thì nhân trước quả sau, gọi là Nhân Quả khác thời. Nhưng nói về mặt không gian thì giống nhau những cây lau nương tựa vào nhau mà đứng vững, đó là quan hệ nhân quả theo nghĩa rộng, gọi là Nhân Quả cùng thời. Luật nhân quả của Phật Giáo được các nhà khoa học hiện đại chấp nhận như là một định luật khoa học, áp dụng trong mọi sự kiện vật lý, hóa học... Trồng đậu được đậu, trồng dưa được dưa. Bài học ngàn vàng có câu: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó”. Gieo gió gặt bão. Phật Giáo dùng luật nhân quả thiện ác báo ứng như bóng theo hình, nối nhau không dứt để khuyên mọi người gắng sức bỏ ác làm lành, tu hành theo Đạo Phật để mau thoát khỏi luân hồi trong ba cõi[32], sáu đường[33].

Sách Nhẫn Nhục và Nhân Quả, viết[34]: “Vua DI-LAN-ĐÀ hỏi Ngài Tỳ-kheo Na-Tiên về nguyên nhân bất bình đẳng ở đời.

Bạch Ngài: “Người ta sanh ra ở đời ai cũng có đầu, tóc, mặt, mũi, tay chân, hình thể như nhau, nhưng tại sao:

Kẻ sống lâu người chết trẻ,

Kẻ được sức khỏe người phải ốm đau,

Kẻ tốt tướng, người lại xấu hình,

Kẻ oai thế, người hèn yếu,

Kẻ cao sang, người thấp thỏi,

Kẻ thông minh, người ngu dại. Tại sao họ không được đồng nhau?”

 Tâu Bệ hạ! Ấy cũng như trái trên cây thứ thì ngọt, thứ thì chua, thứ thì chát, thứ thì mặn, thứ thì đắng, thứ thì cay! Tại sao đồng là trái cây mà chúng nó chẳng giống nhau?

- Bạch Ngài! Tại hột giống khác nhau.

 Tâu bệ hạ! Người ta cũng như thế đó. Bởi duyên nghiệp của mỗi người chẳng giống nhau. Nghĩa là cái sở tâm, sở hành, từ trước của họ chẳng đồng nhau, nên địa vị và căn tánh của mỗi người phải khác nhau vậy.

 Vì thế nên mới có kẻ sống lâu, người chết trẻ, kẻ được sức khỏe người phải ốm đau, kẻ tốt tướng người lại xấu hình, kẻ oai thế người hèn yếu, kẻ cao sang người thấp thỏi, kẻ thông minh người ngu dại.

 Tâu Bệ hạ! Phật có phán rằng: “Do nơi sự lành hay sự dữ, mà mỗi người đã làm từ trước, đều có cái báo ứng về sau.”

 Thí dụ: Trước đã làm lành thì nay được sống lâu, sức khỏe tốt tướng, oai thế, cao sang, thông minh, trí huệ.

 Còn người đã làm ác, thì nay phải chết trẻ, ốm đau hoặc xấu hình (như tàn tật, cùi, phung, đui, điếc, câm ngọng, thấp thỏi, hèn yếu, ngu dại v.v…nhân nào quả nấy thật không sai chạy chút nào. Trong các cuộc luân hồi của con người, cái duyên nghiệp nó quản trị mình, nó nâng đỡ đùm bọc mình, nó ban thưởng mình, nó trừng phạt mình, chẳng khác nào đấng làm cha mẹ.)

Vua DI-LAN-ĐÀ khen hay lắm! Hay lắm!

Thật vậy!

Tùy theo nghiệp mỏng dày đã tạo.

Mà trí ngu bần phú khác nhau.

Nhưng dù khôn dại nghèo giàu,

Vẫn già vẫn chết vẫn đau khổ đời.

Những cái khổ hồi thời quá khứ,

Người đã quên thành thử không ghê,

Thật ra là một tràng mê,

Từ hồi vô thỉ kéo lê đến giờ.

Biết bao kiếp lên bờ xuống nước,

Khi thăng Tiên khi rớt lại phàm,

Lúc người lúc thú lam nham,

Kể sao hết chuyện thăng trầm tiền thân.

Khi thì phú khi bần tột hạng,

Lúc ấm no lúc chẳng áo cơm,

Khi ngói gạch khi lá rơm,

Khi thì quan tướng lúc làm tù nhân,

Kiếp thì bị treo chân lủng lẳng,

Kiếp thì ngồi chổng cẳng ra oai,

Kiếp thì chết chẳng chôn thây,

Kiếp thì tống táng chật ngoài chật trong.

Khi thì xác trôi sông chập chã.

Khi thì thây tan rã giữa đồng,

Kể sao hết chuyện não nùng,

Của tiền kiếp khách hồng trần đã mang.

Kiếp làm gái chịu đường chửa đẻ,

Kiếp làm trai con vợ đùm đề,

Khi thì trọn kiếp phu thê,

Khi thì bướm chán ong chê giữa chừng.

Có khi bị cùi phung xụi bại,

Có khi thì điên dại mù câm,

Sống không nhà cửa ăn nằm,

Lang thang đàng phố xin ăn qua ngày,

Có khi bị bọn trai lừa gạt,

Có kiếp thì bị thác vì tình,

Kiếp thì làm đĩ bán mình,

Kiếp thì cô quạnh trong tình cấm cung,

Kiếp thì được anh hùng vang dội,

Khi thì mang lấy tội phản thần.

Lúc thì quý tựa vàng cân,

Khi thì rẻ nát còn hơn con dòi!

Kiếp thì được người coi vua chúa!

Kiếp thì ra thân đứa ăn mày,

Mới cười kề khóc chua cay,

Cứ như thế đó đổi thay không ngừng,

Như lời đã vừa phân đoạn trước,

Giàu nghèo đều do tội phước mỏng dày,

Không cần phải hỏi nơi ai,

Tự mình suy cũng hiểu ngay thế nào?

Kiếp trước mở hồ bao bố thí,

Nên kiếp này địa vị giàu sang,

Kiếp này bỏn sẻn tham gian,

Kiếp sau đói khát nghèo nàn tả tơi.

Khen ai kiếp trước khéo tu?

Đời nay con cháu võng dù nghênh ngang.

Thương thay những kẻ không hiền,

Kiếp này kiếp khác trăm đường khổ đau.”

2. NGUYÊN LÝ VỀ NGHIỆP (S: Karman, P: Kamma, Hán âm: Yết ma):

Bà La Môn Giáo cũng nói về Nghiệp, nhưng chữ Nghiệp của Bà La Môn Giáo, khác với chữ Nghiệp của Phật Giáo. Báo Le Point, Pháp, phỏng vấn ông Philippe Cornu, tờ báo viết[35]: “Chữ « karma » (nghiệp). Trong Đạo Bà-la-môn thuộc hệ thống kinh điển Vệ-đà, karma tượng trưng cho một hành vi mang tính cách nghi lễ giúp hội nhập với thế giới thiêng liêng. Đối với Đạo Bà-la-môn cải tiến trong hệ thống kinh điển Upanisad, thì chữ karma lại mang ý nghĩa về luân lý: tùy theo hành vi mang phẩm tính thiện hay ác, sẽ tạo ra một loại khả năng tiềm tàng, và chính khả năng ấy sẽ chín muồi khi tái sinh trong một kiếp sống thuận lợi hay bất thuận lợi về sau. Ngoài ra, Ấn độ giáo lại chủ trương một hình thức định mệnh : chẳng hạn khi rơi vào một giai cấp nào thì phải tùy thuộc vào giai cấp ấy và không thể nào thoát ra được, bởi vì karma đã quyết định như thế. Trong khi đó đối với Phật giáo, karma là một hành vi, và trước hết là một ý đồ trong tâm thức. Phật giáo phân biệt rõ rệt karma nguyên thủy làm nguồn gốc và hậu quả phát sinh sau đó từ karma, đấy là hai thứ khác nhau không thể lầm lẫn được. Sự phát sinh của hậu quả không thể tránh khỏi, nếu ta không làm gì cả để hoá giải nó, và hơn thế nữa ta còn có thể tinh khiết hoá cả karma trước khi nó chín muồi. Mặt khác, karma không ép buộc con người phải sống một cách thụ động trong một cấu trúc xã hội đã quy định sẳn: mỗi cá nhân phải tự nắm lấy vận mệnh của mình để tự giải thoát cho chính mình ra khỏi karma, vì đó là một thứ động cơ thúc đẩy gây ra khổ đau, cần phải được khắc phục”. 

Theo Phật Giáo, nghiệp có nghĩa là tạo tác, chỉ cho những hoạt động của thân tâm, hành động, tác dụng, ý chí. Nếu kết hợp với quan hệ nhân quả thì nghiệp là năng lực được hình thành từ quá khứ, kéo dài đến hiện tại và tương lai. Nghiệp cũng bao gồm tư tưởng nhân quả báo ứng về hành vi thiện ác gây kết quả khổ, vui, và tư tưởng luân hồi trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Nghiệp là nhân sinh ra quả báo, vì thế cũng gọi là Nghiệp Nhân hay Nhân Nghiệp. Quả do Nghiệp mang lại, do Nghiệp mang lại gọi là Nghiệp Quả hay Nghiệp Báo. Sức dắt dẫn đưa đến Nghiệp Quả gọi là Nghiệp Lực. Do Nghiệp đưa đến quả báo khổ, gọi là nghiệp khổ. Ác nghiệp và phiền não gọi chung là Nghiệp Kết, Nghiệp Não. Chướng ngại do Nghiệp ác sinh ra gọi là Nghiệp Chướng, Nghiệp Lụy. Vì Nghiệp có khả năng chiêu cảm báo ứng nên cũng gọi là Nghiệp Cảm. Sống và chết không phải là số phận định trước cho mỗi chúng sinh, mà là một hậu thân của hành động, tức là nghiệp. Ai hành động phải nhận lấy hậu quả, có thể sớm, có thể muộn. Trong lúc nhận nghiệp cũ, người ta cũng đã gieo trồng những hạt giống mới, như thế tạo ra đời sống kế tiếp cao hay thấp, hạnh phúc hay đau khổ tùy theo những hành động trước kia của mình. Thế nên theo Phật Giáo, không có quan niệm về một Nguyên Nhân Tối Sơ, không có một Thượng Đế Sáng Tạo, không có một tạo hoá có quyền quyết định vạn vật.

Chỗ y cứ của tác dụng Nghiệp là con đường chung dẫn đến quả khổ, quả vui của các loài hữu tình, gọi là Nghiệp đạo (căn bản nghiệp đạo).

Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (P: Culakammavibhangasuttam), viết[36]:

Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt[37], có người ưu[38]?

-- Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.

-- Tôi không hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi. Lành thay nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi có thể hiểu nghĩa một cách rộng rãi điều mà Tôn giả Gotama nói một cách vắn tắt, không có giải nghĩa rộng rãi.

-- Vậy này Thanh niên, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:

-- Thưa vâng, Tôn giả.

Thanh niên Subha Todeyyaputta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này Thanh niên, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy được trường thọ. Con đường ấy đưa đến trường thọ, này Thanh niên, tức là từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình”.

Nghiệp được chia làm 3 loại: Thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ngữ nghiệp và ý nghiệp. Có hai loại nghiệp chính, là Thập Thiện Nghiệp Đạo và Thập Ác Nghiệp Đạo. Về Thập Thiện Nghiệp Đạo còn gọi là mười điều thiện hay thập thiện tức là mười điều lành:

A. Thân có ba: 1. Không sát sanh, tức là không giết hại sanh mạng mà phải phóng sanh, phải tha thứ khi kẻ khác làm hại đến mình. 2. Không trộm cắp mà phải bố thí. 3. Không tà hạnh tức là không thông dâm với vợ con, chồng con người khác mà phải biết kính nể họ.

B. Miệng có bốn: 4. Không vọng ngữ, tức là không nói láo mà phải nói thành thật. 5. Không ỷ ngữ, tức là không nói thêm bớt, ít xít ra nhiều mà phải nói đúng nhân nghĩa có lợi ích cho người. 6. Không lưỡng thiệt, tức là không nói đâm thọc, không nói theo kiểu đâm bị thóc thọc bị gạo, đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này mà phải nói cho người ta hòa hiệp thương yêu 7. Không ác khẩu, tức là không chửi mắng, không nói lời độc ác mà phải nói lời nhu thuận hiền lành.

C. Ý có ba: 8. Không tham lam mà phải nghĩ nhớ đến vô thường. 9. Không sân hận mà phải thật hành từ bi. 10. Không si mê tức là không tà kiến mà phải chú ý nghe và xem kinh điển, những lời Đức Thế Tôn dạy.

Ngược lại với mười điều thiện hay mười điều lành, tức là thập ác, hay mười điều ác. Người nào phạm đủ mười điều ác sau khi chết sẽ vào địa ngục. Nếu phạm ít hơn sau khi chết sẽ sinh làm quỷ đói, bàng sanh, những động vật đi bốn chân, không chân hay nhiều chân, v.v....

(Vui lòng xem thêm các sách nói về Nghiệp).

3. NGUYÊN LÝ LUÂN HỒI (S: Sasarā):

Bà La Môn Giáo cũng nói về Luân Hồi, nhưng chữ Luân Hồi của Bà La Môn Giáo, khác với chữ Luân Hồi của Phật Giáo. Báo Le Point, Pháp, phỏng vấn ông Philippe Cornu, tờ báo viết[39]: “Người ta cũng có thể tìm hiểu theo phương cách tương tợ đối với chữ « samsara » (luân hồi). Chữ samsara mang một ý nghĩa giống nhau trong cả hai nền triết học Bà-la-môn và Phật giáo, tức có nghĩa là sự hiện hữu dựa vào nhiều điều kiện. Nhưng đối với Ấn độ giáo, con người chỉ có thể thoát ra khỏi samsara khi nào linh hồn hay « cái ngã » (atman) được giải thoát để hội nhập với thể dạng Nhất Nguyên Vĩ Đại ; trong khi đó đối với Phật giáo, samsara trước hết là một sự quán nhận, phát sinh từ nhiều điều kiện, về một sự hiện hữu do karma và dục vọng của chính mình tạo tác, vì thế mỗi cá nhân phải tự giải thoát chính mình ra khỏi cảnh giới luân hồi. Vì vậy, cần phải định nghĩa trở lại các ngôn từ trong từng trường hợp một”.

Phật Quang Đại Từ Điển viết[40]: “Có điểm khác nhau là: Bà La Môn giáo cho rằng 4 giai cấp và tiện dân, trong quá trình luân hồi, đời đời kiếp kiếp vẫn y theo giai cấp ấy, không có gì thay đổi. Còn Phật giáo thì chủ trương rằng: Trước khi có nghiệp báo thì chúng sinh đều bình đẳng, nếu ở hạ đẳng mà kiếp này tu thiện đức, thì kiếp tới có thể sinh làm thượng đẳng, thậm chí có thể sinh lên cõi trời. Còn nếu kẻ thượng đẳng mà kiếp này làm ác, thì kiếp sau có thể sinh vào hạ đẳng, thậm chí sinh xuống địa ngục. Đây chính là nguyên nhân của sự bất bình đẳng ở nhân gian”.

Luân Hồi cũng gọi là sinh tử luân hồi, luân hồi chuyển sinh, lưu chuyển, luân chuyển, luân hồi sáu nẻo[41]. Luân là bánh xe, hồi là quay về điểm cũ, tức bánh xe quay vòng. Theo Phật Giáo, chúng sinh do hoặc nghiệp tham, sân, si chết kiếp này, rồi lại sinh kiếp khác giống như bánh xe cứ quay vòng trong ba cõi Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Muốn diệt khổ trong ba cõi, sáu đường phải tiêu trừ tham sân si…, hiểu biết và tu tập lý duyên khởi thì khổ luân hồi sẽ chấm dứt.

Báo Phật Giáo Việt Nam, Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh nói câu chuyện người tái sanh thành heo, Phật tử Ngọc Huệ ghi lại với nhan đề[42]: Ý Nghĩa Của Sự Sống Chết.

 “Thưa Quý vị, tôi có nghe kể lại câu chuyện sau đây, câu chuyện của một bà mẹ hóa kiếp thành heo. Có một bà mẹ sanh ra trong một gia đình hoàng phái, nghĩa là gia đình có họ hàng với nhà vua. Bà mẹ này trong thời gian sống có kẻ hầu người hạ sung sướng lắm. Thời gian qua, bà lo đánh bài đủ kiểu, vui chơi với bạn bè. Rồi cuối cùng bà mẹ này chết đi. Bà có người con trai vừa mới lập gia đình có con nhỏ. Một hôm, người con trai nằm mơ thấy mẹ báo mộng nói rằng, “ngày hôm đó, con hãy đi về làng đó, vào nhà ông X…, con hãy cố tìm cách đem mẹ về nhà con. Cũng trong giấc mơ đó, người mẹ bảo chính bà là con heo thứ bảy, trên đầu có đốm trắng.

 Người con trai vốn theo Tây học, xưa nay anh không tin vào mộng mị viễn vông. Nhưng vì thương mẹ, nên anh làm theo lời mẹ dặn. Anh tới làng Y, vào đúng nhà ông X để xem con heo đốm trắng. Thật đúng như lời mẹ anh nói, con heo nái trong nhà đang đẻ bầy heo con, và con heo sinh ra thứ bảy cũng có đốm trắng. Người con trai bắt đầu hơi tin, cứ suy nghĩ không lẽ mẹ mình là con heo này sao. Anh phân vân trong lòng, nhưng nhớ lời mẹ dặn quá kỹ lưỡng, nên anh mua con heo con đốm trắng về nhà. Con heo thật khó tánh.

 Để nuôi con heo, anh con trai làm một cái chuồng như nhiều chuồng heo khác ở miền Trung. Nhưng con heo cứ phá chuồng hết chỗ này đến chỗ kia. Đến bữa ăn, người con cũng lấy cám và chuối xắt nhỏ trộn vào. Con heo không ăn, chỉ đứng ngó mà thôi. Người con phải nói câu: “Mời mẹ xơi” con heo đi tới ăn liền. Đem nước tới cho con heo uống, nó không chịu uống. Người con phải nói: “Con mời mẹ uống nước”, nó mới chịu uống. Vì chuồng cây cứ bị heo phá, nên người con mua gạch bông về xây cái chuồng cho con heo ở, heo mới hết phá.

 Thời gian sau đó, anh con trai được giấy bảo lãnh sang Mỹ. Trong mục khai tên thân nhân, anh không thể khai tên con heo. Anh suy nghĩ mãi, mang theo thì không được, mà bỏ lại cũng không đành. Cuối cùng anh lên chùa Từ Hiếu, chùa mà Thiền Sư Nhất Hạnh tu học ở đó lúc còn nhỏ. Anh bạch với Sư Ông Trụ Trì cho con heo được ở trong chùa. Và anh xin cúng dường một số tiền để nhà chùa nuôi dưỡng con heo. Anh cũng thưa với Thầy Trụ Trì tiểu sử con heo qua giấc mộng của anh và anh xin nhà chùa nuôi heo kỹ lưỡng như anh đã nuôi.

 Về chùa, heo được săn sóc trong chuồng sạch sẽ, và công việc cho heo ăn uống được giao cho chú Tiểu nhỏ. Chú Tiểu nhỏ cũng cho heo ăn bình thường, heo không chịu ăn. Chú Tiểu bèn mời: “Mời bà ăn, mời bà uống nước”. Một hôm, có vị Hòa Thượng đến thăm chùa, vị Trụ Trì thuật chuyện con heo, và xin Hòa Thượng hãy cho heo quy y. Vị Trụ Trì liền đem chuông mő xuống chuồng mŕ lŕm lễ quy y cho heo, vŕ dạy heo vŕi lời. Từ đó, heo thay đổi hẳn. Đến giờ ăn, không cần mời, heo cũng ăn. Uống nước cũng vậy. Đến giờ chùa tụng công phu khuya và tối, heo lên nằm cạnh cửa chánh điện nghe kinh. Đến hết thời kinh, heo ủn ỉn về chuồng nằm ngủ. Bây giờ không biết con heo đó còn sống hay không?

 Thưa Quý vị, tôi kể câu chuyện này có liên hệ đến sự sống chết của con người. Chết không phải là hết, chết không phải là chấm dứt, mà có thể nói một cách ngược lại, chết là bắt đầu kiếp sống mới. Với kiếp sống mới đó, có thể làm người thông minh hay làm người u tối hay làm con vật nào đó tùy ở nơi mà Nhà Phật gọi là Nghiệp lực của mình. Quý vị phải biết rằng, chết không thể mang theo được nhà cửa, tiền tài, xe cộ, vợ chồng con cái mình v.v…Cái duy nhất mang theo là cái Tâm của mình. Cái Tâm đó chứa đựng tất cả năng lực do từng hành động, lời nói, tâm niệm trong cuộc sống mấy mươi năm trời của đời này tích lũy lại, cũng như mang theo tất cả năng lực đã chất chứa ở đó từ vô lượng kiếp về trước. Nghiệp lực là tất cả hành động tạo tác của mình trong kiếp sống này. Lúc chết, chúng ta chỉ mang theo Nghiệp lực, còn tất cả danh lợi, tiền tài, vợ con…phải để lại cho đời. Những Nghiệp lực đều ở trong A Lại Da Thức hay cái Tâm con người. Trong tận cùng thâm sâu Tâm thức, con người đã tạo ra nhiều năng lực, năng lực đó thiện hay ác, tốt hay xấu, trở thành những hạt giống. Những hạt giống đó quyết định Nghiệp lai sinh của mình tức là cuộc sống kế tiếp. 

 Một điều quan trọng là nếu mình sân hận tức tối trong giờ phút mình sắp chết, thì có thể mình sẽ đọa vào địa ngục, A Tu La hay Súc sinh. Nếu người chết tham lam cực độ, tiếc nuối bao nhiêu của cải đã tạo ra, tiếc nuối vợ con thì khi chết đi, người ấy có thể sẽ thành những oan hồn vất vưởng mà ta gọi là cô hồn.

 Trong đời sống bình thường, ít ai nghĩ tới những gì mình sẽ mang theo khi chết đi, chỉ lo tạo ra của cải vật chất thụ hưởng, không lo làm điều thiện, việc tốt. Do đó, khi sắp chết con người rất hoang mang, lo sợ, và nó trở thành nỗi ám ảnh khiến cho con người bối rối bất an…”

 Qua phần trích dẫn trên, chúng ta thấy, nếu không lo tu và làm việc thiện ngay từ bây giờ, để thoát khỏi sanh tử luân hồi hay là lên các cõi cao hơn, thì sẽ phải tái sanh vào các cảnh, như địa ngục, quỷ đói, bàng sanh, A Tu La khổ sở . Chúng ta cũng cảm khái cho thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết những vần thơ:

 “Ta còn để lại gì không?

Kìa non nước chảy, nọ sông cát bồi

 Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa khơi dặm về

 Trông ra bến thẳm bờ mê

Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương

 Ta van cát bụi bên đường

Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này”.

4. NGUYÊN LÝ VÔ THƯỜNG (S: Anityatā, Anitya; P:Anicca; Hán âm: A nễ đát dã):

Vô thường nghĩa là tất cả các pháp hữu vi do nhân duyên sinh đều không vĩnh viễn trường tồn, tất cả tuỳ thuộc bốn tướng sinh trụ dị diệt mà biến đổi từng sát na (S: Kṣana, P: Khaṇa)[43], xưa có nay không, nay có tương lai không, không lúc nào thường còn mãi mãi. “Tất cả các hành vô thường” là một trong Ba Pháp Ấn của Phật Giáo. Đối với nhân loại chịu cảnh sanh già bệnh chết, đó là vô thường. Cây cối sinh ra, lớn lên, ra hoa, kết quả, rồi cũng sẽ già, sẽ uá tàn, đó là vô thường. Ngược lại với vô thường là thường hay thường trụ.

Sách Trung Quán Luận dịch và giải, viết[44]: “Các ngành khoa học đã chứng minh: Không có một vật nào trên thế gian thường trụ cả. Xét trong một hệ thống kín, vật chất và năng lượng không mất đi cũng không sanh thêm (không sanh cũng không diệt). Nhưng các sự vật trong hệ thống kín này luôn chuyển biến từ dạng này sang dạng khác (không thường trụ).

Lấy một ví dụ ta sẽ thấy rất rõ:

Nước tự nhiên, thành phần chính là hidro và oxy (không tự có).

Gặp lạnh đóng băng, nóng bốc hơi, ở tầng khí quyển cao, nhiệt độ thấp, hơi nước ngưng tụ thành mây (không thường trụ)”.

Luận Đại Trí Độ, quyển 43, nêu ra hai loại vô thường:

1. Niệm niệm vô thường: Chỉ cho tất cả các pháp hữu vi sinh diệt trong từng sát na.

2. Tương tục vô thường: Các pháp liên tục hoại diệt, như con người hết thọ mệnh thì chết.

Kinh Đại Bát Niết Bàn, quyển hạ (Đại 1, 204) viết:

Chư hành vô thường

Thì sinh diệt pháp

Sinh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc”

(Dịch: Các hành vô thường

 Là pháp sinh diệt

 Sinh diệt diệt rồi

 Tịch diệt là vui).

Bài kệ trên chỉ rõ muôn vật trong vũ trụ, không một vật gì là thường trụ, không hoại diệt, dù vật đó lớn như dãi thiên hà, cũng theo chu kỳ sinh trụ dị diệt, cho đến vật nhỏ như vi trùng, v.v… cũng phải chịu vô thường hoại diệt. Hễ có sinh thì phải có diệt. Thế nên chỉ có cách thoát khỏi thế giới sinh diệt này mới đạt đến chân lý vắng lặng.

(Vui lòng xem thêm các sách viết về vô thường).

5. NGUYÊN LÝ TỨ VÔ LƯỢNG TÂM (S: Catvāry apramānāi, P: Catasso appamaññāi):

Cũng gọi là Tứ vô lượng, Tứ đẳng tâm, Tứ tâm, tức là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Bốn tinh thần phải có của Phật, Bồ Tát, Thanh Văn để cứu giúp khắp vô lượng chúng sinh khiến chúng sinh lìa khổ được vui. Trong Kinh Nhập Tức, Xuất Tức Niệm (Kinh Quán Niệm Hơi Thở) (P: Anāpānasati sutta)[45] Đức Thế Tôn dạy Tứ Vô Lượng Tâm. Luận Đại Trí Độ, quyển 20 cũng giải thích Tứ vô lượng tâm như sau:

a. Từ vô lượng tâm (S: Maitry apramāṇa, P: Metta apparmaññā):

Từ (S: Maitreya, Maitrī, P: Metti) là ban vui, là yêu quý tất cả chúng sinh (từ năng dữ nhất thiết chúng sinh chi lạc). Tâm từ là thiện chí, từ ái, tình thương vì lòng tốt, lòng thành thật ước mong tất cả chúng sinh được tốt đẹp và an lành, không phải tình thương thiên về xác thịt, hay trìu mến. Ngược lại với Từ là Sân hận hay ác ý. Vô lượng có nghĩa là nhiều vô số. Từ Vô Lượng Tâm là tâm duyên vô lượng chúng sinh, tư duy về phương pháp giúp đỡ, ban vui cho chúng sinh.

Kinh Tăng Chi Bộ, tập 4, viết[46]: “(V) (16) Từ

1. Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích. Thế nào là mười một?

2. Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng được loài Người ái mộ, được phi nhân ái một, chư Thiên bảo hộ, không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm, tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả); được sanh lên Phạm Thiên giới.

Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích”.

Kinh Tiểu Bộ, tập 1, viết[47]: “(XXII) (Ek III, 2) (It. 14)

Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:

Này các Tỷ-kheo, chớ có sợ hãi các công đức. Này các Tỷ-kheo, công đức là đồng nghĩa với an lạc, cái gì khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý, tức là công đức. Này các Tỷ-kheo, Ta thắng tri thọ hưởng quả dị thục, khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý trong một thời gian dài của các công đức đã làm trong một thời gian dài. Sau khi tu tập từ tâm trong bảy năm, Ta đã không trở lui lại đời này trong bảy tăng kiếp vaụ hoại kiếp. Trong thời kỳ kiếp tăng, Ta là chư Thiên Quang Âm; Trong thời kỳ kiếp giảm, Ta sanh trong lâu đài trống không ở Phạm Thiên. Tại đấy Ta là Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên bậc chinh phục, bậc không bị ai chinh phục, bậc nhìn thấy tất cả, bậc có quyền lực. Này các Tỷ-kheo, ba mươi sáu lần Ta đã là Thiên chủ Đế Thích. Nhiều trăm lần, Ta đã làm vua, vị vua Chuyển Luân, trị vì đúng pháp, bậc Pháp vương, bậc chiến thắng bốn phương, bậc đã đạt được sự an ổn trong quốc độ, bậc đầy đủ bảy báu. Còn nói gì khi Ta là vị vua ở địa phương. Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Quả này là do nghiệp nào Ta đã làm, là quả dị thục của nghiệp nào mà nay, Ta được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy? ". Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Đây là quả ba nghiệp Ta đã làm, là quả dị thục của ba nghiệp, do vậy Ta nay đựơc đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy. Tức là bố thí, nhiếp phục, chế ngự ".

Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.

Hãy để cho vị ấy,
Học tập về công đức,
Công đức là lạc căn,
Tối thượng trong tương lai,
Hãy tu tập bố thí,
Sống nếp sống an tịnh,
Và tu tập từ tâm.
Sau khi đã tu tập,
Các pháp này như vậy,
Tức là cả ba pháp,
Khiến an lạc sanh khởi,
Bậc Hiền trí được sanh
Trong thế giới an lạc,
Thế giới không sân hận
.

Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe”.

b. Bi vô lượng tâm (S: Karuṇāpramāṇa, P: Karuṇā appamaññā):

Bi (S, P: Karuṇa) là cứu khổ, là đồng cảm sự đau khổ của chúng sinh, làm tan biến nỗi đau khổ của người khác, trừ diệt sự khổ đau của họ (bi năng bạt nhất thiết chúng sinh chi khổ). Ngược lại với Bi là tánh hung bạo. Lòng bi của Đức Thế Tôn là trạng thái đồng tâm, đồng cảm, lấy sự khổ đau của chúng sinh làm sự khổ đau của mình để cứu giúp tất cả chúng sinh nên gọi là nên còn gọi là Đồng Thể Đại Bi. Và vì lòng Bi của Đức Thế Tôn rộng lớn vô biên vô cùng tận, nên gọi là Vô Cái Đại Bi, tức là lòng Bi vô cùng rộng lớn, không có gì rộng hơn, lớn hơn lòng Bi này.

c. Hỷ vô lượng tâm (S: Muditāpramāṇa, P: Muditā appamaññā):

Hỷ là cảm giác vui mừng trong lòng, là hoan hỷ. Hỷ vô lượng tâm là nghĩ đến việc vô lượng chúng sinh đã lìa khổ được vui, từ đáy lòng cảm thấy vui mừng.

Hỷ không phải là trạng thái thỏa thích suông, cũng không phải cảm tình riêng đối với người nào. Hỷ là lòng vui thích trước hạnh phúc của người khác, hoan hỷ vui mừng trước sự thành công của chúng sinh. Niềm vui phát xuất từ tâm tùy hỷ. Tùy là theo, hỷ là vui mừng, tùy hỷ là vui mừng theo. Khi thấy người khác làm điều lành, điều thiện, điều tốt đẹp, chúng ta phát tâm vui theo, đó là tùy hỷ. Ngược lại với Hỷ là ganh tỵ, tật đố. Người học theo Đạo Phật nên phát tâm tùy hỷ, đừng ganh tỵ, tật đố với sự thành công của kẻ khác. Không phải đợi chính mình làm được công đức mới vui, mà thấy ai làm việc thiện, việc lành, thấy người khác giàu sang, hạnh phúc, chúng ta đều phát tâm vui mừng theo. Chúng ta nên bỏ tâm ganh tỵ, tật đố, vì nó tương đương với tham lam, ích kỷ; có tham lam, ích kỷ thì có ganh tỵ, tật đố. Người bố thí, cúng dường, làm việc thiện, xả được tâm tham lam, ích kỷ; người tùy hỷ bỏ được tâm tật đố, ganh tỵ.

d. Xả vô lượng tâm (S: Upekṣāpramāṇa, P: Upekkhā appmaññā):

Xả (S: Upekṣā, P: Upekkhā, Upekhā) gọi đủ là hành xả, tức là buông bỏ, không vướng mắc, không bám víu bất kỳ thứ gì. Ngược lại với Xả là khát khao, ham muốn. Xả vô lượng tâm là nghĩ đến vô lượng chúng sinh, hết thảy đều bình đẳng, không phân biệt oán và thân.

Trong xã hội, chuyện được thua, thành bại, khiển trách, khen ngợi, ca tụng, hạnh phúc, khổ đau, phiền não là những sự việc thường xảy ra làm xúc động con người. Được khen ngợi, ca tụng thì vui thích, khoái chí; bị chê bai, chỉ trích, khiển trách, chửi mắng, vu cáo, phỉ báng thì buồn rầu, đau khổ, đó là lẽ thường của cuộc đời. Nhưng giữa cuộc thăng trầm của thế sự, Đức Thế Tôn dạy chúng ta luôn luôn thản nhiên, dùng tâm xả vững chắc như tảng đá to sừng sững, như mặt đất sẳn sàng thâu nhận tất cả mọi dơ sạch của cuộc đời, luôn an nhiên, vui vẻ, không tức giận, không buồn phiền.

6. NGUYÊN LÝ TỨ NHIẾP PHÁP (S: Catvāri saraha-vastūni, P: Cattni sagaha-vatthūni):

Cũng gọi là Tứ nhiếp sự, Tứ sự nhiếp pháp, Tứ tập vật. Gọi tắt là Tứ nhiếp, Tứ sự, Tứ pháp. Tức là bốn phương pháp người Phật Giáo dùng để thu nhiếp chúng sinh khiến họ sinh khởi tâm thân ái mà dẫn dắt họ vào Đạo Phật để đạt đến giác ngộ. Bốn phương pháp đó là:

a. Bố Thí Nhiếp (S: Dāna-sagraha): Cũng gọi là Bố thí nhiếp sự, Bố thí tuỳ nhiếp phương tiện, Huệ thí, Tùy nhiếp phương tiện. Tức là dùng tâm không ô nhiễm để bố thí tài vật (tài thí) và để truyền đạt chân lý (pháp thí). Nghĩa là, nếu chúng sinh nào thích tiền, tài vật, của cải thì cho tiền, tài vật, của cải; nếu họ thích nghe giáo lý Phật Giáo, ưa nghe pháp thì bố thí pháp khiến họ sinh tâm thân mến mà theo để học Phật Giáo.

Bố thí có ba phương cách: Tài thí, pháp thí và vô úy thí.

1. Tài thí: Tài là tiền của. Đem tiền của giúp đỡ người nghèo khổ, thiếu cơm, thiếu áo, những người gặp thiên tai, hoạn nạn, v.v... Tục ngữ có câu: “Miếng khi đói bằng gói khi no”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách đùm lá nát”. “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

2. Pháp thí: Pháp là giáo pháp, những lời dạy của Đức Thế Tôn, của Thánh Hiền Tăng là Tam Tạng Kinh Điển, Kinh Luật, Luận. Pháp thí là đem những giáo pháp quý báu đó giảng dạy cho chúng sinh. Nhờ thế chúng sinh được an vui hạnh phúc, làm lành lánh dữ, xã hội được tốt đẹp, tội ác giảm bớt hay hết hẳn, chúng sinh trong tương lai không còn bị đọa lạc vào tam đồ ác đạo[48], được vượt thoát khỏi bể khổ luân hồi trong ba cõi[49].

3. Vô úy thí: Vô úy là không sợ hãi. Vô úy thí là đem cái không sợ ra giúp đỡ chúng sinh. Người có lòng từ bi nên cố gắng làm cho chung quanh chúng ta có được sự bình tĩnh, an vui, không hoang mang, lo lắng sợ hãi.

Sách Làm Thế Nào Tôi Thực Hành Phật Giáo Tại Nhân Gian? Đại Sư Tinh Vân viết[50]: “CHÓP ĐỈNH VUI MỪNG

Nhiều năm qua, những tài xế taxi tại Hồng Kông thường không chở tu sĩ Phật Giáo. Họ nghĩ rằng, các tu sĩ Phật Giáo đầu cạo trọc mang đến họ xui xẻo, ngăn chận họ kiếm tiền và cản trở họ chiến thắng trong các cuộc đua.

Để thay đổi tâm tính của họ về Phật Giáo, tôi thường cho họ tiền tip lớn mỗi khi tôi đi taxi tại Hồng Kông. Dĩ nhiên tôi cũng muốn họ vui mừng và kiếm tiền.

Một ngày, khi đang thuyết pháp tại nhà trình diễn Hunghom Coliseum,[51] tôi nói rằng, “Những tu sĩ Phật giáo giống như những vị Trời, những chư Thiên mang giàu có và tinh thần tốt đẹp đến cho mọi người.” Khi tôi dứt lời, khán thính giả vỗ tay rất lớn.

Nhiều năm trôi qua, ngày nay người Hồng Kông đã hoàn toàn thay đổi về các tu sĩ Phật Giáo. Họ bắt đầu thích chúng tôi thuyết pháp, vì nó đã thay đổi tinh thần đời sống họ. Bây giờ những người Hồng Kông hiểu rằng sự suy nghĩ mới và quan điểm Phật Giáo là sự giàu có vô giá đối với họ.

Tôi đã cho tiền típ rất nhiều bởi vì đây là một hình thức bố thí. Đây là sự vui lòng cho đi và mang ra đức tính tử tế trong chúng tôi. Bây giờ, mỗi khi tôi đi taxi tại Hồng Kông, người tài xế không những không nhận tiền típ mà còn từ chối lấy tiền của tôi”.

b. Ái Ngữ Nhiếp (S: Priya-vāditasagraha): Cũng gọi là Năng nhiếp phương tiện ái ngữ nhiếp sự, Ái ngữ nhiếp phương tiện, Ái ngôn, ái ngữ. Nghĩa là tuỳ theo căn tính chúng sinh mà khéo dùng lời an ủi, khiến họ sinh tâm thân ái mà theo học Phật Giáo. Tục ngữ có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thật vậy, lời nói là của quý giá mà ai ai cũng có, không phân biệt giàu, nghèo, sang, hèn. Cũng cùng một lời nói mà người này sử dụng thì nên công việc, kẻ khác sử dụng thì thất bại, tán gia bại sản. Tại sao? Bởi, một bên thì lựa lời nói chuyện dịu dàng, êm ái, dễ nghe, dễ mến, nên việc làm thành công; còn bên kia thì nói chuyện cộc cằn, la lối, thô tục, nên người nghe chán ghét, làm trái lại ý mình và sự nghiệp dễ đi đến thất bại.

c. Lợi Hành Nhiếp (S: Arthacaryā-sagraha): Cũng gọi là Lợi hành nhiếp sự, Lợi ích nhiếp, Linh nhập phương tiện, Độ phương tiện, Lợi ích, Lợi nhân. Nghĩa là thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành, lợi ích cho chúng sinh khiến họ sinh tâm quý mến mà theo học Phật Giáo.

Kinh Lời Vàng (P: Dhammapada), Phẩm Bông Hoa, Đức Thế Tôn dạy[52]:

“Như ong chỉ lấy nhụy,

Không hại hương sắc hoa,

Cũng vậy vị Sa Môn

Ra vào giữa thôn làng”.

Thật vậy, người tu sĩ Phật Giáo không làm điều gì thiệt hại cho kẻ khác, không chống đối họ. Người tu sĩ Phật Giáo chỉ giúp đỡ mọi người, cứu giúp mọi người, làm những điều lợi ích tốt đẹp đến cho mọi người, được Đức Thế Tôn ví như ong lấy mật hoa, không làm hại hương sắc của hoa. Chỉ cần một ý nghĩ tốt, một lời giới thiệu tốt giúp đỡ những người xung quanh có công ăn việc làm, đó là lợi hành. Lập nhà thương, bệnh xá, trường học, cầu cống, đắp đường, dựng trại tế bần, cứu giúp cô nhi, giúp đỡ mọi người, v.v… đó là lợi hành.

 

d. Đồng Sự Nhiếp (S: Samānārthatā-sagraha): Cũng gọi là Đồng sự nhiếp sự, Đồng sự tùy phương tiện, Tùy chuyển phương tiện, Tùy thuận phương tiện, Đẳng lợi, Đẳng dữ, Đồng lợi, Đồng hành. Nghĩa là gần gũi chúng sinh để giúp đỡ cho họ, chia xẻ niềm vui buồn với họ, nêu cao gương lành đến cho họ, đồng thời Bồ Tát dùng pháp nhãn thấy căn tính chúng sinh mà phân thân thị hiện tùy theo sở thích của họ, khiến họ cùng hưởng lợi ích, nhân đó mà họ qúy mến và theo học Phật Giáo.

Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, viết[53]: “(II) (32) Nhiếp Pháp

1. - Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp pháp này. Thế nào là bốn?

Bố thí và ái ngữ,
Lợi hành và đồng sự
Hỡi các vị Tỷ-kheo,
Đây là bốn nhiếp pháp”.

Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, viết[54]: “(III) (253) Nhiếp Pháp

- Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp này. Thế nào là bốn?

- Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

Này các Tỷ-kheo, có bốn nhiếp pháp này”.

7. NGUYÊN LÝ VÔ NGÃ (S: Anātman, Nirātman; P: Anattan):

Ngã, “cái Ta”, (我, S: Ātman) nghĩa gốc là hô hấp, chuyển thành nghĩa sinh mệnh, tự kỷ, thân thể, tự ngã, bản chất, tự tính, chỉ chung cho chủ thể độc lập vĩnh viễn, tiềm ẩn trong nguồn gốc mọi vật và chi phối cá thể thống nhất.

Theo Bà La Môn Giáo, Brahman là Đại Ngã hay Ngã vũ trụ đại đồng, còn Ātman là Tiểu Ngã hay Ngã cá nhân. Bà-la-môn giáo cho rằng “cái Ta” (Ngã, 我, S: Ātman) vĩnh viễn bất biến (thường), độc lập tự tồn (nhất), là sở hữu chủ trung tâm (chủ), có năng lực, có năng lực chi phối (tể). Nghĩa là “cái Ta” (S: Ātman), một linh hồn bất diệt, trường tồn vĩnh viễn, chủ tể thường nhất, không thay đổi, tồn tại một cách độc lập.

Ngược lại, Phật Giáo chủ trương tất cả sự tồn tại không có cái Ngã, tất cả đều là Vô Ngã (H: 无 我, S: Anātman, Nirātman; P: Anattan) hay là Chư Pháp Vô Ngã. Vô ngã cũng gọi là phi thân, phi ngã, tức là “không có cái Ta”. Vô ngã được chia làm hai loại là Nhân vô ngã và Pháp vô ngã. “Tất cả các pháp vô ngã” là một trong Ba Pháp Ấn của Phật Giáo, là vấn đề vô cùng quan trọng cho nền tảng lý luận.

1. Nhân vô ngã: (cũng gọi là Ngã không): Nhân loại (người sống) do 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) giả hợp mà tạo thành, không có chủ thể sinh mệnh chân thực.

2. Pháp vô ngã: (cũng gọi là Pháp không): Hết thảy mọi sự sự vật vật trong vũ trụ này đều nương vào nhân duyên (các thứ điều kiện) mà sinh ra (giả thành lập), sự tồn tại này xưa nay vốn không có bản tính (tự tính) độc lập.

Vô ngã là không có một linh hồn trường tồn bất diệt, không có đấng sáng tạo vĩnh viễn, tất cả đều là do nhân duyên sinh ra, nương tựa lẫn nhau của các điều kiện. Mối quan hệ nương tựa này thì sinh ra huyễn diệt vô thường. Vì vô thường nên phải bị khổ đau, không được tự tại. Thế nên Đức Thế Tôn dạy Vô ngã, phân tích Khổ Đế trong Tứ Diệu Đế để mọi người tu tập thoát khỏi khổ đau, chứng đắc Niết-bàn. (Vui lòng xem thêm các sách viết về Vô Ngã).

8. NGUYÊN LÝ TỨ DIỆU ĐẾ (S: Satya, P: Sacca):

 Kinh Lời Vàng (P: Dhammapada), Phẩm Phật Đà, Đức Thế Tôn dạy[55]:

“Ai quy y Phật Đà

Chánh Pháp và Tăng Già

Ai dùng Chánh Tri Kiến

Thấy được Bốn Diệu Đế”.

Tứ Diệu Đế hay Tứ Đế là Bốn Diệu Đế, còn gọi là Tứ Thánh Đế, Tứ Chân Đế. Hán dịch là thẩm thực bất hư tức là chân thật không hư dối. Chỉ cho bốn lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo đều là chân thực không hư dối. Bốn lý này là chỗ thấy biết của các bậc Thánh nên còn gọi là Tứ Thánh Đế. Tứ Diệu Đế gồm có:

a. Khổ (P: Dukkha) hay Khổ Đế (S: Duḥkha-satya): Khổ là chỉ cho trạng thái thân tâm bị bức bách khổ sở, bất toại nguyện, sanh, già, bệnh, chết, ghét phải gần, thương phải xa, cầu mong không được; tóm lại, ngũ thủ uẩn là khổ. Xét cho cùng sự thật trong thế gian ba cõi Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới đều là khổ. Khổ Đế chính là chân đế về sinh tử trong luân hồi lục đạo quả thật là khổ.

 Kinh Sở Y Xứ , Đức Thế Tôn dạy[56]: “Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi, khổ, ưu não là khổ. Điều mong cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Này các Tỷ-kheo, đây là Khổ Thánh đế.”

b. Tập Đế (S: Samudaya-satya), hay Khổ tập (P: Dukkhasamudaya): Tập là chứa góp. Xét rõ sự thật thì tất cả phiền não hoặc nghiệp đều có năng lực chứa góp sinh tử trong ba cõi, sáu đường. Tập Đế hay Khổ Tập chính là chân đế về sự sinh khởi và nguyên nhân các nỗi thống khổ của chúng sinh. Nguyên nhân chính của các nỗi thống khổ của thế gian là ba ái: dục ái, hữu ái, phi hữu ái, gồm mười kiết sử tức là mười trói buộc: Năm hạ phần kiết sử và năm thượng phần kiết sử. Năm hạ phần kiết sử gồm: Thân kiến, nghi ngờ Tam Bảo, giới cấm thủ, dục tham, sân. Năm thượng phần kiết sử gồm: Sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử và vô minh. Và mười căn bản phiền não gồm: Tham, sân, si, mạn, nghi ngờ Tam Bảo, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến.

Kinh Sở Y Xứ , Đức Thế Tôn dạy[57]: “Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não. Như vầy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về Khổ tập”.

c. Diệt Đế (S: Nirodha-satya) hay là Khổ diệt (P: Dukkhanirodha): Diệt là tịch diệt. Thực chất về sự diệt khổ, đó là Niết Bàn, đây là xét rõ sự thật, khi chặt đức gốc khổ - tham, sân, si, dập tắt ái dục, dứt vô minh, không chấp thủ, vô nhiễm,… thì được khổ diệt thì chứng được các Thánh Quả và vào cảnh giới Niết Bàn. Diệt Đế chính là chân đế về sự diệt hết Khổ và Tập (tức là diệt hết khổ và nguyên nhân của khổ).

Kinh Sở Y Xứ, Đức Thế Tôn dạy[58]: “Do vô minh diệt không có tàn dư, nên các hành diệt. Do hành diệt, nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não đều diệt. Như vầy là sự đoạn diệt toàn bộ của khổ uẩn này. Này các Tỷ-kheo, Đây gọi là Thánh đế về Khổ diệt”.

d. Đạo Đế (S: Mārga-satya) hay là  Khổ Diệt Đạo Lộ (P: Dukkhanirodhagāminīpaṭipadā): Thực chất về con đường dẫn đến sự diệt khổ, đó là Bát Chánh Đạo, tóm lại là tam học Giới-Định-Tuệ. Đây là con đường Trung Đạo. Nói rộng về con đường dẫn đến sự diệt khổ là 37 Phẩm Trợ Giác Ngộ hay 37 Phẩm Trợ Đạo, trong đó bao gồm Bát Thánh đạo hay Bát Chánh Đạo; ở đây có hai chữ Đạo mang hai ý nghĩa khác nhau: Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo (P: 37 Bodhipakkhiya-dhamma, E: 37 Factors Leading To Enlightement), tức là 37 Phẩm Trợ Giác Ngộ, 37 Đạo Phẩm, hay 37 Yếu Tố Dẫn Đến Sự Giác Ngộ, chữ Đạo này là dịch từ chữ Bồ Đề (S, P: Bodhi) tức là Giác Ngộ. Còn Bát Chánh Đạo hay Bát Thánh Đạo (S: Āyāstangika-mārga, P: Ariyaṭṭhaṅgikamagga, E: Noble Eightfold Path) là Con Đường Tám Chánh. Chữ Đạo này mang ý nghĩa là con đường (S: Mārga, E: Path).

Kinh Sở Y Xứ , Đức Thế Tôn dạy[59]: “Đây là Thánh Đạo Tám Ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Thánh đế về con đường đưa đến Khổ diệt”.

Bát Chánh Đạo (H: 八 正 道) hay Bát Thánh Đạo (H: 八 圣 道, S: Āyāstangika-mārga, P: Ariyaṭṭhaṅgikamagga, E: Noble Eightfold Path) là Con Đường Tám Chánh, bản dịch của Hòa Thượng Minh Châu là Thánh Đạo Tám Nghành. Con Đường Tám Chánh này ví như cỗ xe có 8 ngựa kéo, hay chiếc xe ô tô có tám máy nên chạy rất nhanh, còn gọi tám phương tiện mầu nhiệm đưa chúng sinh đến đời sống chấm dứt đau khổ, đạt đến giải thoát, an lạc, đưa đến đời sống chí diệu, đưa đến Thánh quả, đắc Niết Bàn. Con Đường Tám Chánh gồm có: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Trong đó, hai chánh trên là Trí Tuệ, ba chánh kế tiếp là Giới Luật, ba chi cuối là Định, tức là tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ.

* Giới:

 - Chánh Ngữ

 - Chánh Nghiệp

 - Chánh Mạng

* Định:

 - Chánh Tinh Tấn

 - Chánh Niệm

 - Chánh Định

* Tuệ:

 - Chánh Kiến

 - Chánh Tư Duy.

1. Chánh Kiến (P: Sammādiṭṭhi, H: 正 见): Chánh là ngay thẳng, đúng đắn. Kiến là thấy, là nhận biết. Chánh Kiến hay Chánh Tri Kiến là thấy, nghe, hay, biết một cách ngay thẳng, công minh, đúng với sự thật khách quan, là trí tuệ thấy rõ ly Tứ Đế, thấy Tam Pháp Ấn (Khổ, Vô Thường, Vô Ngã), thấy thiện căn và bất thiện căn, thấy liên quan nhân quả, liên quan duyên khởi, nhân duyên sinh; chi phần bài trừ tà kiến. Chánh Kiến có hai loại là chánh kiến hữu lậu và chánh kiến vô lậu.

Đại Kinh Bốn Mươi (P: Mahacattarisakasuttam), Đức Thế Tôn dạy[60]: “Và này các Tỷ kheo, thế nào là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báu, đưa đến quả sanh y? Có bố thí, có cúng dường, có tế tự, có quả báo các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh; ở đời có các vị Sa-môn, Bà-la-môn, chánh hướng, chánh hạnh, sau khi với thượng trí tự mình chứng đạt đời này và đời khác lại tuyên bố lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo là chánh kiến hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh kiến thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi? Phàm cái gì, này các Tỷ-kheo, thuộc trí tuệ, tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến, đạo chi của một vị tu tập Thánh đạo, thành thục trong Thánh đạo, có vô lậu tâm, có Thánh tâm. Chánh kiến như vậy, này các Tỷ-kheo, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi”.

Kinh Tương Ưng Bộ, Đức Thế Tôn dạy[61]: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỷ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến”.

2. Chánh Tư Duy (P: Sammāsaṅkappo, H: 正 思 惟): Tư duy là suy nghĩ, nghiệm xét. Chánh tư duy là suy nghĩ, xét nghiệm chân chánh, tư tưởng đúng với lẽ phải, tức là suy nghĩ từ bỏ dục vọng, suy nghĩ không sân hận và suy nghĩ không làm hại kẻ khác; chi phần này bài trừ tà tư duy.

Người tu theo chánh tư duy, thường suy xét đạo lý, tránh những hành vi lỗi lầm, biết suy nghĩ về ba vô lậu học: Giới, Định, Tuệ, để tu tập và giải thoát; biết suy xét vô minh là nguyên nhân của đau khổ, là nguồn gốc của tội ác, tìm cho mình một phương pháp đúng đắn tu tập giải thoát cho chính mình và cho mọi người.

Đại Kinh Bốn Mươi (P: Mahacattarisakasuttam), Đức Thế Tôn dạy[62]: “Chánh tư duy, này các Tỷ-kheo, Ta nói có hai loại: Có loại chánh tư duy, này các Tỷ-kheo, hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y; có loại chánh tư duy, này các Tỷ-kheo, thuộc bậc Thánh vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi. Và này các Tỷ-kheo...ly dục tư duy, vô sân tư duy, bất hại tư duy, như vậy này các Tỷ-kheo, là chánh tư duy hữu lậu, thuộc phước báo, đưa đến quả sanh y... Phàm cái gì này các Tỷ-kheo, thuộc suy tư, tầm cầu, tư duy, một ngữ hành hoàn toàn chú tâm, chuyên tâm của một vị tu tập Thánh đạo, thành thục trong Thánh đạo, có vô lậu tâm, có Thánh tâm; chánh tư duy như vậy, này các Tỷ-kheo, thuộc bậc Thánh, vô lậu, siêu thế, thuộc đạo chi”.

3. Chánh Ngữ (P: Sammāvācā, H: 正 语): Ngữ là lời nói, Chánh Ngữ là khẩu thiện hạnh, nói chân thật, hòa hợp, dịu ngọt, công bình, ngay thẳng, lợi ích và hợp lý; chi phần ngăn trừ tà ngữ.

Người tu theo chánh ngữ không bao giờ nói sai, nói dối, không thiên vị, không xuyên tạc, không thấy dở nói hay, thường cẩn trọng lời nói, nói có suy nghĩ đúng lợi ích, chân thật. Chánh Ngữ là không nói láo (không vọng ngữ), không nói hai lưỡi, đến người này nói xấu người kia, đến người kia nói xấu người này (không lưỡng thiệt), không chửi mắng, nói thô tục (không ác khẩu), không nói phù phiếm (không ỷ ngữ) và nói lời từ hòa, êm ái dễ nghe.

4. Chánh Nghiệp (P: Sammākammantā, H: 正 业): Nghiệp là hành động, tạo tác. Dịch từ chữ Sanskrit: Karma. Chánh Nghiệp là thân thiện hạnh, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, là những hành động, việc làm chân chính, đúng hợp với lẽ phải, có lợi ích cho xã hội; chi phần ngăn trừ tà nghiệp.

Người theo đúng Chánh Nghiệp luôn luôn thận trọng, giữ gìn mọi hành động của mình, không làm tổn hại danh dự, tài sản, nghề nghiệp, địa vị, danh giá, hạnh phúc của người khác. Người sống chánh nghiệp không sát sanh mà phóng sanh, không trộm cắp mà bố thí, không tà hạnh trong các dục mà có cuộc sống đạo đức. Luôn luôn dùng trí tuệ, quán tưởng pháp chân chính, thường ngồi Thiền, niệm Phật, tụng Kinh, giữ gìn 3 nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, trong sạch.

5. Chánh Mạng (P: Sammā-ājīva, H: 正 命): Mạng là đời sống, sự sống. Chánh Mạng là sanh sống một cách chơn chánh bằng nghề nghiệp lương thiện (tức là hành nghề chân chánh).

Ngược lại với Chánh Mạng là tà mạng, tức là lừa đảo, dùng lời nói ngọt dịu, mê ly để dẫn dắt làm hại kẻ khác với mục đích mang lợi ích cho mình. Người sống theo chánh mạng sống cuộc đời ngay thật, không gian tham, không dối trá, không làm giàu trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác, khiến người khác phải đau khổ vì nghề nghiệp của mình. Người theo Chánh Mạng sống cuộc đời có ý nghĩa, lợi mình, lợi người.

6. Chánh Tinh Tấn (P: Sammāvāyāma, H: 正 星 晋): Tinh Tấn là siêng năng, chuyên cần. Chánh Tinh Tấn là siêng năng chuyên cần làm việc lợi ích cho mình cho người và xã hội, tức là bốn chánh cần; chi phần ngăn trừ tà tinh tấn.

Kinh Tương Ưng Bộ, viết[63]: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn,khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn”. Người theo đúng chánh tinh tấn quyết tâm tạo nghiệp vô lậu, xuất thế gian, lấy chánh trí làm lực, lấy Niết bàn làm nơi quy hướng, thực hành vô ngã, một lòng cố gắng thượng cầu Phật quả, hạ hóa chúng sanh.

7. Chánh Niệm (P: Sammāsati, H: 正 念): Niệm là ghi nhớ và cũng là nhận thức. Chánh Niệm là ghi nhớ, nhận thức những điều hay lẽ phải, những điều lợi cho mình và cho người, tức là tứ niệm xứ; chi phần ngăn trừ tà niệm. Chánh Niệm có 2 phần:

a. Chánh Ức Niệm (H: 正 亿 念): Ghi nhớ các điều lỗi lầm để sám hối, sửa đổi.

b. Chánh Quán Niệm (H: 正 观 念): Dùng tâm từ bi, để mở rộng lòng thương, quán niệm thân, thọ, tâm, pháp, nhận thức chính xác để sống đúng chánh pháp.

 Kinh Tương Ưng bộ, viết[64]: “Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Tỷ kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Tỷ kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ kheo, đây gọi là chánh niệm”. 

Kinh Trung Bộ, Đại Kinh Bốn Mươi, viết[65]: “Tà niệm, này các Tỷ kheo, do chánh niệm làm cho tiêu diệt và những ác bất thiện pháp được tà niệm duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh niệm. Và những thiện pháp được chánh niệm duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn”.

8. Chánh Định (P: Sammāsamādhi, H: 正 定): Định là nhiếp tâm an trụ vào một điểm duy nhất. Tâm định là yếu tố rất cần thiết giúp minh sát sự vật để thấy rõ thực tướng của vạn hữu. Chánh Định là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình và cho mọi người, định trong bốn thiền chứng (từ Sơ Thiền... đến Tứ Thiền); chi phần ngăn trừ tà định.

Các phương pháp Thiền trong Phật Giáo như Cửu Thứ Đệ Định (từ Sơ Thiền... đến Diệt Tận Định), quán tứ niệm xứ, quán nhân duyên, quán từ bi, quán giới phân biệt (phân biệt và quán tưởng sự giả hợp của 18 giới: căn, 6 trần, 6 thức để thấy không có thật ngã, để diệt trừ ngã chấp, pháp chấp) v.v... đều thuộc về Chánh Định.

Để lưu ý về sự quan trọng của Bát Thánh Đạo, Đức Thế Tôn dạy trong Kinh Tương Ưng bộ[66]: “- Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của luá mì hay sợi râu của luá mạch đặt hướng sai lạc, khi bị tay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu bị đặt hướng sai lạc. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, vì sợi râu bị đặt hướng sai lạc, con đường tu tập bị đặt hướng sai lạc, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể đạt Niết-bàn; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến bị đặt hướng sai lạc.

Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của luá mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu được đặt hướng chân chánh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kiến được đặt hướng chân chánh, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến được đặt hướng chân chánh.

 Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng đạt Niết-bàn?

 Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, liên hệ đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ây do kiến được đặt hướng chân chánh, nên đâm thủng vô minh, minh được sanh khởi, chứng được Niết-bàn”. 

(Vui lòng xem thêm các Kinh sách viết về Tứ Diệu Đế).

9. NGUYÊN LÝ DUYÊN KHỞI (S: Pratīya-samutpāda, P: Paticca-samuppāda):

Phật Giáo khác biệt với những tôn giáo khác, Phật Giáo không nói nguyên nhân đầu tiên do Thượng Đế sinh ra. Thế nên những ngành triết học về Thần Học như Bà La Môn Giáo và các tôn giáo khác không thể phát triển trong Phật Giáo. Đối với vấn đề lập ra thế giới, Phật Giáo chấp nhận bất kỳ học thuyết nào mà khoa học phát minh ra, thế nên không có sự xung đột nào giữa Phật Giáo và khoa học. Vũ trụ vạn hữu đều do duyên khởi, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Duyên khởi là tất cả thế giới hiện tượng trong toàn thể vũ trụ này đều do nhân duyên (các điều kiện) hòa hợp mà thành và cũng do nhân duyên mà tồn tại, biến hóa (vô thường) và tiêu diệt. Đức Thế Tôn dạy sự sinh thành, tồn tại và hoại diệt của sự vật trong thế giới là do sự tương quan, tác động.

Kinh Trung Bộ, tập 1, Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi (P: Mahahatthipadopamasuttam) viết[67]: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi”.

Nguyên lý duyên khởi có các loại:

- 12 Nhân duyên

- A lại da duyên khởi

- Chân như duyên khởi

- Pháp giới duyên khởi

a. Mười Hai Nhân Duyên:

Mười Hai Nhân Duyên hay Thập Nhị Nhân Duyên (H: 十 二 因 缘, S: Dvādaśaṅganpratīya-samutapada), cũng gọi là nhị lục chi duyên, Thập nhị chi duyên khởi, Thập nhị nhân duyên khởi, Thập nhị duyên khởi, Thập nhị duyên sinh, Thập nhị duyên môn, Thập nhị nhân sinh. Đây là mười hai điều kiện cấu thành sự sinh tồn của chúng sanh.12 điều kiện là: Vô Minh (S: Avidyā, P: Avijjā), Hành (S: Saṃskāra, P: Saṅkhāra), Thức (S: Vijñāna, P: Viññāṇa), Danh Sắc (S, P: Nāma-rūpa), Lục xứ hay Lục nhập (S: Ṣaḍ-āyatana), Xúc (S: Sparśa, P: Phassa), Thụ hay Thọ (S: Vedanā), Ái (S: Tṛṣṇā), Thủ (S, P: Upādāna), Hữu (S, P: Bhava), Sanh hay Sinh (S, P: Jāti) và Lão Tử (già chết) (S, P: Jarā-maraṇa).

Duyên khởi là chân lý vĩnh hằng bất biến, Đức Thế Tôn nhờ quán xét chân lý này mà được khai ngộ, đồng thời chỉ bày pháp này cho chúng sinh tu tập. Đứng về phương diện phương diện giá trị và ý nghĩa sống còn của chúng sinh mà quán xét ý nghĩa của 12 duyên khởi thì 12 duyên khởi cho thấy những khổ não của đời sống con người hình thành như thế nào (lưu chuyển môn) và làm thế nào để diệt trừ khổ não, đạt đến khai ngộ (hoàn diệt môn).

Trong 12 nhân duyên sự sinh tồn (Hữu) của loài người bắt đầu từ sự hoạt động của Thức, các hoạt động của Thức trở thành kinh nghiệm sinh hoạt (Hành). Hành bắt nguồn từ Vô Minh, chấp ngã thật có, chấp thân kiến, dính mắc vào sự vật của thế gian. Vô Minh là không thấy biết một cách đúng như thật, tức là trạng thái tinh thần mờ tối đối với sự vật, không thông suốt chân lý và không thể lý giải rõ ràng sự tướng, hoặc đạo lý, tức là không hiểu biết rõ ràng giáo lý Phật Giáo. Vô Minh là nhận thức sai lầm đối với bốn nguyên lý Tứ Diệu Đế của Phật Giáo. Vô Minh vẫn còn sau khi một người chết đi, là sự kết tinh của các hành động (Nghiệp, S: Karma) mà người đó đã tạo trong suốt cuộc đời. Hành động của một người là sự biểu lộ sinh động của tâm lý và vật lý. Tâm lý và vật lý tiềm tàng này có thể coi là nghiệp cảm, ảnh hưởng của hành động vẫn tồn tại sau khi hành động chấm dứt, và cái đó làm cho bánh xe sinh hóa vận chuyển tạo thành 12 nhân duyên không đầu mối, tiếp diễn từ đời này sang đời khác. Do sự tích lũy các hoạt động (Hành) mà hình thành nội dung của Thức. Nhưng sự hoạt động của Thức thông qua các cơ quan cảm giác (tức Lục xứ hay Lục nhập: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) mà tiếp xúc (Xúc) với những đối tượng nhận thức (tất cả tâm, vật – Danh sắc). Đây là sự cảm nhận (Thụ) về mặt chủ quan. Vô Minh và Khát Ái (Ái, tham yêu không chán) có quan hệ mật thiết với nhau. Thức của phàm phu lấy Vô Minh làm nội tướng, lấy Khát Ái làm ngoại tướng, Khát Ái là tướng căn bản của Thức, rồi từ đó phát triển nắm giữ tất cả làm ngã để trở thành ngã chấp (Thủ). Thức được huân tập bởi các hoạt động nhiễm ô này mà trải qua nỗi thống khổ của sinh già bệnh chết, sự vô thường ở thế gian.

Người ta thường xem thời gian đi theo một đường thẳng từ quá khứ xa xăm, ngang qua hiện tại và đi đến tương lai vô cùng vô tận. Tuy nhiên theo Đạo Phật, thời gian đi vòng tròn theo chuỗi 12 nhân duyên, không có khởi đầu, không có chấm dứt. Bánh xe sinh hóa là một vòng tròn không khởi điểm. Một sinh vật chết đi là không chấm dứt, ngay sau đó, một đời sống khác bắt đầu theo định luật sanh già bệnh chết rồi lại tái sanh, v.v… Từ vô minh dẫn đến hành động mù quáng và tiếp theo những giai đoạn kế tiếp. Trái lại, các bậc Thánh nhờ diệt được Vô Minh và Khát Ái nên các nỗi thống khổ sinh già chết của thế gian cũng diệt.

Kinh Tiểu Bộ, tập 1, viết[68]: “(I) (Ud 1)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn ở Uruvelā, trên bờ sông Neranjarā, dưới gốc cây Bồ đề, khi mới chứng Chánh Đẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh thứ nhứt, khéo thuận chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh, có các hành; duyên các hành, có thức; duyên thức, có danh sắc; duyên danh sắc, có sáu xứ; duyên sáu xứ, có xúc; duyên xúc, có thọ; duyên thọ, có ái; duyên ái, có thủ; duyên thủ, có hữu; duyên hữu, có sanh; duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này".

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:

1. Thật sự, khi các pháp,
Có mặt, hiện khởi lên,
Đối vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm hành thiền định,
Khi ấy, với vị ấy,
Các nghi hoặc tiêu trừ,
Vì quản tri hoàn toàn,
Pháp cùng với các nhân”.

Kinh Tiểu Bộ, tập 1, viết[69]: “(II) (Ud 2)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelā, trên bờ sông Neranjarā, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Đẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi kiết-già thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh giữa, khéo nghịch chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là, do vô minh diệt nên hành diệt; do hành diệt, nên thức diêt; do thức diệt, nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do Thọ diệt, nên ái diệt; do ái diệt, nên hữu diệt; Do hữu diệt, nên sanh diệt; do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.

2. Thật sự khi các pháp,
Có mặt, hiện khởi lên,
Đối với vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm, hành thiền định,
Khi ấy, với vị ấy,
Các nghi hoặc tiêu trừ,
Vì đã biết hoàn toàn,
Sự tiêu diệt các duyên”
.

Ai, và cái gì chịu trách nhiệm cho chuỗi 12 nhân duyên? Chúng ta có nguyên lý A Lại Da Duyên Khởi.

b. A Lại Da Duyên Khởi:

Nghiệp được tạo nên bởi tâm. Nhất thiết duy tâm tạo. Nếu khởi tâm tạo tác, phải chịu trách nhiệm về việc làm đó. Ý là một hành động của tâm.

Kinh Lời Vàng (P: Dhammapada), Phẩm Song Yếu, Đức Thế Tôn dạy[70]:

“Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư ô nhiễm

Khổ não sẽ theo ta

Như xe theo vật kéo

Tâm dẫn đầu mọi pháp

Tâm chủ, tâm tạo tác

Nếu nói hay hành động

Với tâm tư thanh tịnh

Hạnh phúc sẽ theo ta

Như bóng không rời hình”.

Tâm là cứ điểm căn bản của tất cả mọi hành động, lời nói hay ý nghĩ. Phật Giáo chủ trương: “Tam Giới Duy Tâm, Vạn Pháp Duy Thức”. Luật duyên sinh được đặt vào kho tàng tâm ý thức, A Lại Da Thức (S: Ālaya-vijñana) là Tàng Thức hay còn gọi là Thức Thứ Tám. Lý thuyết tâm thức của Đạo Phật hay học thuyết Duy Thức, chia thức thành 8 công năng: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức, thứ 7 là Mạt Na thức và thức thứ 8 là A Lại Da thức.

Nguyên lý A Lại Da Duyên Khởi chia Vô Minh của 12 Nhân Duyên thành Chủng Tử và Hiện Hành. Trong đó Vô Minh Chủng Tử thường theo chúng sinh, ngủ ngầm trong thức A Lại Da, gọi là Tùy Miên Vô Minh. Và, Vô Minh Hiện Hành trói buộc chúng sinh, quấn chúng sinh vào sinh tử luân hồi, vào thế giới mê lầm, gọi là Triền Vô Minh.

Nghiệp của mỗi người là do người đó tạo ra và thọ lãnh hậu quả của nó. Thế nên người đó có thể sửa đổi nghiệp xấu thành nghiệp tốt, thành thánh thiện, bằng cách cố gắng tạo ra những hạt giống (chủng tử) tốt và tiêu diệt những hạt giống xấu đang tiềm tàng trong Tàng Thức hay A Lại Da Thức để cho người xấu trở thành người tốt ngay trong đời hiện tại của thế gian này.

Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Đức Thế Tôn dạy[71]: “Tàng thức như biển cả, nghiệp tướng ví sóng mòi”.

Sách Khảo Nghiệp Duy Thức Học, viết[72]: “Vạn pháp trong vũ trụ mỗi khi sanh ra đều bắt nguồn từ nơi Hạt-Giống (Chủng-Tử). Không có một pháp nào sanh khởi mà không qua trạng thái Hạt-Giống làm căn bản. Những Hạt-Giống đây có một danh từ khác gọi là Nguyên-Nhân. Không có nguyên nhân thì nhất định không có kết quả và chúng ta mỗi khi nhìn thấy kết quả như thế nào thì sẽ biết được nguyên-nhân của chúng như thế đó.

Thí dụ: Một hạt Mít (Nguyên-nhân) không phải là cây Mít (Kết-quả) nhưng nếu như không có hạt Mít thì nhất định không có cây Mít và hạt Mít thì mọc lên cây Mít mà không thể mọc lên cây Xoài để thành trái Xoài. Nhân nào thì nhất định sẽ thành quả nấy, không thể sai lầm”.

Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Phẩm Chủng Tử, Đức Thế Tôn dạy[73]: “7. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Các chúng sanh có đầy đủ tà kiến, này các Tỷ-kheo, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

8. Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, do pháp ấy, các chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi lành, cõi Trời, cõi đời này, này các Tỷ-kheo, như chánh kiến. Các chúng sanh có đầy đủ chánh kiến, này các Tỷ-kheo, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi Trời, cõi đời này.

9. Đối với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến, phàm mọi khẩu hành... phàm mọi ý hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo tà kiến, phàm có tư tâm sở nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào, và phàm có các hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến không khả lạc, không khả hỷ, không khả ý, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao? Vì tánh ác của kiến, này các Tỷ-kheo.

Ví như, này các Tỷ-kheo, hột giống cây nimba, hay hột giống cây Kosātaki (một loại cây leo), hay hột giống cây mướp đắng, được gieo vào đất ướt. Phàm vị gì nó lấy lên từ đất, phàm vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh đắng, tánh cay, tánh không lạc của nó. Vì cớ sao? Vì tánh ác của hột giống, này các Tỷ-kheo.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người có tà kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành... Vì tánh ác của kiến, này các Tỷ-kheo.

10. Đối với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo chánh kiến, phàm mọi khẩu hành... phàm mọi ý hành hoàn toàn được thực hiện, được chấp nhận theo chánh kiến, phàm có tư tâm sở nào, phàm có quyết định nào, phàm có ước nguyện nào, và phàm có các hành nào, tất cả pháp ấy đưa đến khả lạc, khả hỷ, khả ý, đưa đến hạnh phúc, an lạc. Vì cớ sao? Vì tánh hiền thiện của kiến, này các Tỷ-kheo.

Ví như, này các Tỷ-kheo, hột giống cây mía, hay hột giống cây lúa, hay hột giống cây nho được gieo vào đất ướt. Phàm vị gì nó lấy lên từ đất, phàm vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh ngọt, thích ý, tánh ngon ngọt của nó. Vì cớ sao? Vì tánh hiền thiện của hột giống.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với người có chánh kiến, này các Tỷ-kheo, phàm mọi thân hành... Vì tánh hiền thiện của kiến, này các Tỷ-kheo”.

Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Dục tri tiền thế nhân,

 Kim sanh thọ giả thị,

 Dục tri lai thế quả,

 Kim sanh tác giả thị”.

(Dịch: Muốn biết đời trước như thế nào,

 Hãy nhìn kết quả thọ hưởng hạnh phúc hoặc đau khổ khi đang sống hiện tại.

 Muốn biết đời tương lai an lạc, hạnh phúc hoặc đau khổ như thế nào,

 Hãy nhìn sự việc đang làm hiện tại).

Những hạt giống (chủng tử) quá khứ, hiện hành và những chủng tử mới hỗ tương phụ thuộc lẫn nhau tạo thành vòng tròn mãi mãi, liên tục không dứt chính là A Lại Da Duyên Khởi.

Người tu hành dùng trí tuệ chuyển 8 thức thành 4 trí:

- 5 thức đầu (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức) thành Thành Sở Tác Trí.

- Ý thức thành Diệu Quan Sát Trí.

- Mạt Na thức thành Bình Đẳng Tánh Trí.

- A Lại Da thức thành Đại Viên Cảnh Trí.

(Vui lòng xem thêm Duy Thức Học).

c. Chân Như Duyên Khởi:

Chân Như hay Chơn Như (S: Bhūta-tathatā hoặc tathatā). Còn gọi là Như Như, Như Thực, Như Lai Tạng, Pháp Giới, Pháp Tính, Thực Tế, Thực Tướng, Pháp Thân, Phật Tính, Nhất Tâm, Tự Tính Thanh Tịnh Thân, Bất Tư Nghị Giới. Chân là chân thật, không hư dối. Như là bình đẳng như như, không sanh không diệt. Tướng Chân Như là Thật Tướng, Chân Tâm hay Viên Giác, đây là Thể. Phật Giáo Đại Thừa chủ trương: Bản tính của hết thảy sự tồn tại là Nhân Vô Ngã, Pháp Vô Ngã, bản tính ấy siêu việt các tính sai biệt, cho nên gọi là Chân Như; ví dụ như Tự Tính Pháp Thân của Chư Phật.

Chân Như cũng gọi là Như Lai Tạng (S: Tathāgatagarbha).

Như Lai Tạng có ba nghĩa:

1. Tánh Như Lai (Tánh Phật) bị các phiền não che đậy, tức là chỉ cho Chân Như còn bị triền phược; như vàng còn ở trong quặng chưa được lọc thành vàng.

2. Tánh Như Lai bao trùm tất cả pháp, bao trùm tất cả sự sự vật vật trong vũ trụ.

3. Tánh Như Lai là chỗ xuất sanh ra vô lượng công đức.

Tâm Chân Như là chỉ cho Chân Tâm. Chân Như hay Như Lai Tạng chỉ cho trạng thái chân thật của mọi sự sự vật vật trong vũ trụ, là cội nguồn của Đấng Giác Ngộ, là căn cơ của Giác Ngộ. Khi tĩnh, nó là tự thân của Giác Ngộ, nó không liên hệ đến thời gian hay không gian. Khi động, nó xuất hiện trong hình thức chúng sinh, tùy thuận theo thế gian và những sắc thái của đời sống. Thế nên Chân Như trong ý nghĩa tĩnh, nó là phi không gian, phi thời gian, vô thủy vô chung, bình đẳng, vô tướng, không thể dùng ngôn ngữ diễn tả được nó. Chân Như trong ý nghĩa động, nó có thể xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào.

d. Pháp Giới Duyên Khởi:

Pháp Giới (S: Dharmadhātu) nghĩa là “những yếu tố của nguyên lý” và có hai sắc thái:

1. Trạng thái Chân Như hay tính thể (Chân Như Môn).

2. Thế giới hiện tượng (Sinh Diệt Môn).

Pháp Giới duyên khởi còn gọi là Pháp Giới vô tận duyên khởi hay Vô Tận duyên khởi, hay Nhất Thừa duyên khởi.

Phật Giáo chủ trương không có một cái gì được tạo ra một cách riêng rẽ, không tự tính. Tất cả những sự sự vật vật trong vũ trụ khởi lên đều nương tựa lẫn nhau. Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Pháp Giới duyên khởi là cực điểm của lý thuyết nhân quả, đó cũng là kết luận của thuyết duyên khởi. Vì có nhân quả, luân hồi, nghiệp báo, nên Đức Thế Tôn dạy Tứ Diệu Đế và Mười Hai Nhân Duyên để vượt thoát luân hồi sanh tử trong ba cõi, sáu đường. Có Mười Hai Nhân Duyên chúng ta có A Lại Da duyên khởi. Vì A Lại Da Thức hay là Tàng Thức, chứa tất cả chủng tử huân tập trong vô số kiếp, chúng ta có Chân Như duyên khởi, có Như Lai Tạng duyên khởi. Vũ trụ là sự biểu hiện của Chân Như hay Như Lai Tạng. Đó cũng là duyên khởi của vũ trụ.

Phật Giáo phân biệt ra 4 loại vũ trụ:

1. Sự Pháp Giới: Thế giới hiện tượng của đời sống hiện thực.

2. Lý Pháp Giới: Thế giới của quy luật, định luật hay nguyên lý.

3. Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới: Thế giới thể hiện lý trong sự, sự trong lý, sự và lý cùng hòa điệu.

4. Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới: Thế giới tương giao hòa hiệp giữa tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ.

Pháp Giới duyên khởi chứng tỏ vạn vật trong vũ trụ có sự hòa điệu, tương quan tương duyên với nhau. Tất cả đều viên dung vô ngại. (Vui lòng xem thêm nguyên lý viên dung trong chương này).

10.  NGUYÊN LÝ KHÔNG TÁNH (S: Śūnyatā, P: Suññatā):

 Không (S: Śūnya), dịch âm là Thuấn Nhã, dịch ý là Không Vô, Không Hư, Không Tịch, Không Tịnh, Phi Hữu. Đối lại là Hữu. Tức là các sự vật tồn tại đều không có tự thể, thực ngã, thực thể… tư tưởng đó gọi là Không. Nói cách khác, “Không” là sự hư huyễn, không thực của sự vật, hoặc là sự rỗng lặng trong sáng của sự vật.

Tất cả mọi hiện tượng trên thế gian này đều tùy thuộc lẫn nhau, tất cả đều tương quan tương duyên với nhau, đều theo nguyên lý nhân duyên sinh, đều không có tự tánh, nên tự tánh là Không, Không Tánh hay Tánh Không (S: Śūnyatā, P: Suññatā) dịch âm là Thuấn Nhã Đa, cũng gọi là Không Môn, hay là Vô. Đây là chỉ cho tự tính Không, chân lý không, một tên khác của Chân Như.

Tư tưởng “Không” đã có từ thời Đức Thế Tôn còn tại thế, rõ ràng nhất là trong Phật Thừa hay Đại Thừa và là tư tưởng căn bản của hệ thống Kinh Bát Nhã.

Kinh Đại Không (P: Mahasunnatasuttam), Đức Thế Tôn dạy[74]: “Này Ananda, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú, an tọa, chuyên nhất, và an định nội tâm trên định tướng (samadhinimitte) đã đề cập về trước ấy. Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội không, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không. Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

Vị ấy tác ý ngoại không. Vị ấy tác ý nội ngoại không. Vị ấy tác ý bất động. Trong khi vị ấy tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú hướng đến bất động. Sự kiện là như vậy, này Ananda, vị Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tín, an trú, hướng đến bất động". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.”

Kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, viết[75]: “53. III. Dhammadinna (S.v,406)

1) Một thời, Thế Tôn trú ở Bārānasi, tại Isipatana, ở vườn nai.

2) Rồi cư sĩ Dhammadinna với năm trăm cư sĩ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, cư sĩ Dhammadinna bạch Thế Tôn:

3) -- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giảng dạy cho chúng con. Thế Tôn hãy giáo giới cho chúng con! Nhờ vậy chúng con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

-- Nếu vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập như sau: Các kinh điển nào do Như Lai thuyết giảng thâm sâu, nghĩa lý thâm sâu, siêu thế, liên hệ đến nghĩa không, cần phải thường thường được tìm đến và an trú (học hỏi). Như vậy, này Dhammadinna, các Ông cần phải học tập”.

Kinh Lăng Già Tâm Ấn, viết[76]: “Phật bảo Đại Huệ: Ta nói chẳng sanh chẳng diệt không đồng với ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt. Vì cớ sao? Vì ngoại đạo kia chấp có tánh tự tánh được tướng chẳng sanh chẳng biến, ta chẳng như thế, còn rơi vào loại có không. Đại Huệ! Ta nói lìa loại có không chẳng phải tánh chẳng phải không tánh, như các thứ huyễn mộng hiện, cho nên chẳng phải không tánh. Thế nào không tánh? Nghĩa là sắc không tự tánh tướng nhiếp thọ, vì hiện chẳng hiện, vì nhiếp chẳng nhiếp. Bởi lẽ ấy, tất cả tánh không chẳng phải không tánh. Chỉ giác tự tâm hiện lượng thì vọng tưởng chẳng sanh, an ổn vui vẻ, thế sự hằng dứt”.

Theo Duy Thức Tông, Chân Như là thực thể xa lìa Ngã chấp và Pháp chấp, cho nên tu không quán mà xa lìa ngã chấp và pháp chấp thì thực thể Chân Như mới hiển hiện, tức là nương vào Không mà hiển rõ thực tính. Thế nên Tánh Không, không có nghĩa là ngoan không, không có chi cả, mà nó chỉ cho cái “không có tự tính”, “không có những điều kiện riêng biệt”.

(Vui lòng xem thêm tham khảo Tạng Kinh Nikāya ở tiết mục nói về “Không” ở chương 4: Thầy Thông Lạc đắc Tứ Thiền nhưng NH còn nghi ngờ và Luận Đại Trí Độ nói về 18 Không, phần đọc thêm, ở chương 16: Nhiều vị Đại Luận Sư của Phật Thừa hay Đại Thừa phản đối Bà La Môn Giáo).

11. NGUYÊN LÝ TRUNG ĐẠO: (S: Madhyamā-pratipad, P: Majjhima-paipadā):

Trung Đạo cũng gọi là Trung Lộ, gọi tắt là Trung. Tức là con đường chính giữa, xa lìa hai bên cực đoan, tà chấp. Trung Đạo là lập trường căn bản của Phật Giáo, được cả Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) và Phật Thừa (Đại Thừa) đều xem trọng. Ý nghĩa của Trung Đạo tuy có cạn sâu khác nhau, nhưng các Tông dùng từ ngữ này để biểu thị trung tâm giáo lý của mình. 

Theo Tạng Kinh Nikāya, thái độ sống theo Bát Chánh Đạo là xa lìa chủ nghĩa khổ hạnh cực đoan và chủ nghĩa khoái lạc, nhờ đó hoàn thành trí tuệ, được giác ngộ, được Niết Bàn, vì thế Bát Chánh Đạo là Trung Đạo.

Nếu hiểu theo nguyên lý Duyên Khởi thì xa lìa Đoạn Kiến (cho sau khi chết là hết hẳn, không còn gì) và Thường Kiến (cho linh hồn tồn tại vĩnh viễn), hoặc Vô Kiến (cho thế giới là hư vô) và Hữu Kiến (cho vạn vật là có thật), do đó chính quán lý Duyên Khởi, 12 Nhân Duyên, là an trụ trong chính kiến Trung Đạo.

Loại Trung Đạo trước do Đức Thế Tôn giảng dạy khi Chuyển Pháp Luân lần đầu là Trung Đạo thuộc phương diện thực hành, còn loại Trung Đạo sau thuộc lãnh vực tư tưởng.

Luận Đại Trí Độ, quyển 6 (Đại 25, 107 thượng), viết: “Pháp môn do nhân duyên sinh gọi là Không Tướng, cũng gọi là Giả Danh, cũng gọi là Trung Đạo”. Trạng thái chân thực là trạng thái không có một điều kiện riêng biệt nào. Xem một đóa hoa, chúng ta thấy đóa hoa đó sẳn chứa những sự kiện đóa hoa đã sinh, đang nở, sẽ úa tàn, sẽ rụng. Hoa theo định luật vô thường. Hoa sinh ra từ cây, từ phân bón, từ ánh sáng mặt trời, từ nước, từ rác, v.v… Đó là cách nhìn Trung Đạo không thiên chấp.

12. NGUYÊN LÝ TƯƠNG DUNG:

Tương dung là sự hỗ tương đối đãi, hỗ tương quan sát từ mỗi phía, hỗ tương đồng nhất. Một số lý do chứng minh sự đồng nhất tính, ví dụ:

1. Hợp kim đồng và vàng được trộn lẫn.

2. Lòng bàn tay và lưng bàn tay, hoặc là hai mặt sấp ngửa của đồng tiền, v.v… đều trong một bàn tay, một đồng tiền...

3. Toàn diện là một thực thể trọn vẹn, như nước và sóng, nước được biểu hiện như là sóng, băng tuyết cũng là nước.

Ứng dụng quan trọng của sự đồng nhất này để nói về đồng nhất đời sống (sinh tử) và Niết Bàn, nước và sóng là một. Người tu hành tinh tấn đạt được hạnh phúc an lạc ngay trong đời hiện tại chứ không cần chờ đợi sau khi chết mới có kết quả.

13.  NGUYÊN LÝ VIÊN DUNG:

Chúng ta có đề cập nguyên lý Viên Dung trong phần Pháp Giới Duyên Khởi. Theo nguyên lý này, không có một sự sự vật vật nào hiện hữu bởi chính nó, tất cả các pháp đều vô tự tánh, tuỳ thuộc lẫn nhau. Đây là một thế giới được gọi là “Liên Hoa Tạng” hay “Nhất Chân Pháp Giới” hay Thế Giới “Hoa Nghiêm” (S: Avataṃsaka), tức là thế giới hay vũ trụ được trang nghiêm bằng hoa. Có bốn loại vũ trụ hay bốn Pháp Giới cần biết đó là:

a. Bốn Pháp Giới:

1. Lý Pháp Giới là thế giới của bản thể, nhất tâm chân như.

2. Sự Pháp Giới là các pháp sự sai biệt, thế giới của hiện tượng.

3. Lý Sự Vô Ngại Pháp Giới là lý sự dung hòa vô ngại. Thế giới của bản thể và thế giới của hiện tượng dung hòa với nhau, không chống trái nhau.

4. Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới là sự sự dung nhiếp không chướng ngại. Giữa những hiện tượng bao hàm, dung nhiếp, dung hòa với nhau, không chống trái nhau.

Y Bốn Pháp Giới lập Mười Huyền Môn hay Mười Cửa Huyền Diệu. Bốn Pháp Giới, Mười Cửa Huyền Diệu đều nhơn Sáu Tướng mà thành lập. Sáu Tướng là:

b. Sáu Tướng:

Sáu Tướng hay Lục Tướng: Là các tướng Tổng, Biệt, Đồng, Dị, Thành, Hoại.

1. Tướng Tổng: Cái nhiều trong cái một là Tướng Tổng, là Nhất Tâm Chân Như. Tất cả các pháp từ xưa đến nay lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng danh tự, rốt ráo bình đẳng, không khác, chỉ là nhất tâm, nên gọi là chân như, gọi là Nhất Pháp Giới Đại Tổng Tướng. Một pháp duyên khởi có đầy đủ nhiều phần. Ví dụ, thân người có đầy đủ các căn mắt tai mũi lưỡi, v.v… thành một tướng chung, căn nhà là tướng tổng gồm nhiều phần như cột, kèo, gạch, đá, v.v…

2. Tướng Biệt: Ở trong nhiều phần đó, các pháp nương tựa nhau mà hợp thành một pháp. Như thân người là một nhưng các căn mắt tai mũi lưỡi, v.v… khác nhau. Tướng biệt nương vào tướng tổng mà tồn tại, giúp cho tướng tổng được viên mãn, như căn nhà gồm các bộ phận như cột, kèo, gạch, đá, v.v…

3. Tướng Đồng: Cái Tổng được hình thành bởi nhiều thứ vốn là đồng nhất trong chính chúng. Nhiều phần hòa hợp nương nhau tạo thành một pháp nhưng không chống trái nhau, như các căn mỗi căn có đặc tính riêng, có tác dụng khác nhau, mà không trở ngại nhau. Như căn nhà có nhiều phần như cột, kèo, gạch, đá, v.v… hợp lực với nhau tạo thành căn nhà. Trong vũ trụ, Thánh, phàm, tịnh, nhiễm đều đồng một chân như.

4. Tướng Dị: Nhiều phần khác nhau cấu thành một pháp, như các căn khác nhau cấu tạo thành thân người. Như căn nhà mỗi phần khác nhau, nhưng cùng giúp nhau, cột, kèo, gạch, đá, v.v… khác nhau. Các pháp nhiễm tịnh, mỗi mỗi sai biệt. Đồng nhất tính của chúng được hiển bày trong sự khác nhau của mỗi pháp trong thể tánh của nó là tướng dị.

5. Tướng Thành: Nhiều đức nương nhau hợp thành một pháp, như các căn nương nhau thành thân người. Các cột, gạch, v.v… tạo thành căn nhà. Các pháp nhiễm tịnh đều từ một niệm duyên khởi mà thành. Nguyên lý duyên khởi của cái một và cái nhiều thành lập hợp tác diệu kỳ.

6. Tướng Hoại: Các căn trên cơ thể người, các pháp nhiễm tịnh mỗi thứ đều có vị trí của nó. Mỗi căn, mỗi pháp duy trì đặc tính riêng của nó, không kết hợp với nhau thì không trở thành toàn thể. Như cột, kèo, gạch, đá, v.v… mỗi mỗi tách riêng ra một nơi thì không thể thành lập được căn nhà.

Sáu Tướng thâu góp tất cả sự pháp nên viên dung thành Mười Huyền Môn. Mười Cửa Huyền Diệu, Mười Huyền Môn hay Thập Huyền Môn, còn gọi là Thập Huyền Duyên Khởi, chỉ cho mười môn sâu xa mầu nhiệm biểu thị tướng của Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới. Nếu thông suốt được nghĩa này thì có thể nhập vào biển huyền diệu của kinh Hoa Nghiêm.

c. Mười Cửa Huyền Diệu hay Mười Huyền Môn:

1. Đồng thời cụ túc tương ứng môn: Vô ngại hay huyền diệu của Tánh và Tướng. Tất cả hiện tượng đồng thời tương ứng, đồng thời hiện khởi, đồng thời đầy đủ theo lý duyên khởi mà thành lập, một và nhiều dung hợp nhau thành một thể, không có trước sau sai khác. Ví dụ: Con sư tử làm bằng vàng của Ngài Pháp Tạng. Sư tử (hiện tượng giới) có sinh diệt, vàng (bản thể) không sinh diệt. Sóng (hiện tượng giới) tuỳ thuộc theo gió, gió to sóng lớn, gió nhỏ sóng nhỏ, gió im sóng lặng, nhưng nước (bản thể) không bị hoại. Đứng về mặt tuyệt đối bản thể đích thực các pháp, không sinh không diệt, tự tại vô ngại. Vàng và sư tử cùng lúc (đồng thời) được thành lập, gọi là đồng thời cụ túc hay viên mãn cụ túc.

2. Quảng hiệp tự tại vô ngại môn: Vô ngại hay huyền diệu của lớn (rộng) và nhỏ (hẹp). Sự đối lập giữa rộng và hẹp về không gian, thông minh hay ngu độn, tựa hồ như mâu thuẫn nhau, nhưng chính sự mâu thuẫn đối lập ấy lại là môi giới của sự tương tức tương nhập, tất cả đều tương giao với nhau. Vì thế tự tại viên dung vô ngại. Khi chúng ta chú ý nhìn con sư tử thì thấy toàn thể con sư tử, không thấy gì khác. Nếu cùng lúc, tất cả giác quan đều nhiếp trọn con sư tử thì mỗi giác quan nhiếp riêng (từng bộ phận con sư tử) cũng không gây trở ngại cho sự nhiếp chung của các giác quan kia.

3. Nhất đa tương dung bất đồng môn: Vô ngại hay huyền diệu của một và nhiều (nhất, đa). Về tác dụng của hiện tượng thì trong một thì có nhiều, trong nhiều dung chứa một, tướng một và nhiều không ngăn ngại. Vàng và sư tử tuy khác nhau về tướng trạng nhưng vẫn viên dung về bản thể, tương hợp với nhau trong sự thành lập của chúng. Không có sự ngăn ngại nào giữa một và nhiều. Tuy nhiên, bên trong sự hợp nhất hoàn toàn và hài hòa này, mỗi Lý và Sự vẫn giữ vị trí và hiện hữu tồn tại riêng biệt của chính nó, vẫn duy trì như là một hoặc như là nhiều mà không hề xáo trộn.

4. Chư pháp tương tức tự tại môn: Vô ngại hay huyền diệu của tương tức, đồng nhất tính. Về thể của hiện tượng thì một và tất cả đắp đổi là không và có, cả hai đều nhất thể hoá, dung nhiếp lẫn nhau một cách tự tại vô ngại. Tất cả các bộ phận khác nhau của con sư tử cho tới mỗi đầu sợi lông đều gồm thâu con sư tử trong chừng mức tất cả chúng đều là vàng.

5. Ẩn mật hiển liễu câu thành môn: Vô ngại hay huyền diệu của ẩn và hiện. Về hiện tượng duyên khởi thì khi lấy “một” làm có mà hiện ra tướng, thì “nhiều” là không và ẩn kín không hiện. Tức ẩn và hiện nhất thể hoá lẫn nhau đồng thời thành lập, tất cả pháp và một pháp là nhất thể của nhau. Khi nhìn con sư tử, chúng ta chỉ thấy có sư tử, không thấy có vàng (sư tử hiện, vàng ẩn). Cũng như lúc nhìn vàng không thấy có hình tượng sư tử (vàng hiện, sư tử ẩn).

6. Vi tế tương dung an lập môn: Vô ngại hay huyền diệu của pháp vi tế. Khi dựa vào lý tương nhập để nói hiện tượng duyên khởi thì đặc biệt chú trọng ở điểm không hoại tự tướng. Tức trong mỗi hiện tượng, đem nhỏ hòa vào lớn, dùng một bao nhiếp nhiều, nhưng lớn và nhỏ hòa nhập vào nhau mà không loạn, không hoại tướng một và nhiều, trật tự vẫn rõ ràng. Vàng và sư tử, hoặc hiện hoặc ẩn, hoặc một hoặc nhiều. Trong nhiều chứa một trong một chứa nhiều, cực đại bao hàm cực tiểu, cực tiểu bao hàm cực đại.

7. Nhân đà la võng pháp giới môn: Vô ngại hay huyền diệu của lưới vua Trời Đế Thích (S: Śkra Devānām-indra, Hán âm: Thích Ca Đề Hoàn Nhân Đà La, gọi tắt là Thích Đề Hoàn Nhân hay Nhân Đà La). Những sự kiện thực tế của vũ trụ đều chen lẫn và chiếu rọi rực rỡ lẫn nhau, lớp lớp vô cùng vô tận, như lưới châu ngọc báu của vua Trời Đế Thích. Kinh Hoa Nghiêm dạy, trên nóc cung điện của Trời Đế Thích có treo vô số những đồ trang trí bằng vô số viên cẩm thạch, kim cương trong suốt. Chúng đan kết với nhau thành nhiều kiểu dáng vô cùng phức tạp. Do sự phản chiếu của ánh sáng, nên không những mỗi và mọi cái của những viên cẩm thạch, kim cương này phản chiếu toàn thể vũ trụ, bao gồm những lục địa, biển cả của thế giới loài người, v.v… mà đồng thời còn phản chiếu với nhau bao gồm tất cả những hình ảnh được phản chiếu trong mỗi và mọi viên cẩm thạch, kim cương không hề thiếu sót. Khi mỗi viên cẩm thạch, kim cương và những ảnh phản chiếu của nó được nhìn thấy trong tất cả những viên cẩm thạch, kim cương khác và ngược lại, thì các cảnh giới hàm dung các cảnh giới vô cùng vô tận, trùng trùng cảnh giới sẽ hiển hiện trước mắt. Tương tự kính vạn hoa. Thế nên, mỗi một vi trần đồng nhất, hoặc là một sự biểu hiện của thực tại tối thượng, nên nó hàm dung tất cả pháp. Toàn thân con sư tử, vàng, mắt, tai, lông, mỗi lỗ chân lông chứa một con sư tử vàng. Trong một pháp thâu tất cả pháp. Vạn pháp nhất như.

8. Thác sự hiển pháp sinh giải môn: Nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm nương vào sự pháp nhỏ nhặt mà được hiển bày. Sự được nương và lý được hiển không hai, không khác. Sự thuyết minh chân lý bằng những điển hình thực sự. Chân lý được biểu lộ trong sự vật và sự vật là nguồn gốc của sự hiểu biết, giác ngộ. Vì vạn pháp đều vô ngã, vô thường, duyên sinh nên các pháp đều không có ranh giới nhất định và gây chướng ngại lẫn nhau, mà còn dung thông dung nhiếp lẫn nhau để tạo nên vũ trụ có trật tự nhip nhàng. Con sư tử hay vật gì hiện bày trước mắt, nhưng tính vàng thì không bao giờ biến đổi, chỉ cho bản thể chân tâm.

9. Thập thế cách pháp dị thành môn: Vô ngại hay huyền diệu của mười thời gian (thập thế). Quá khứ, hiện tại và vị lai, mỗi thời đều chứa đựng ba thời, như thế tạo thành 9 thời, chúng hợp lại thành một thời duy nhất – chín và một, tất cả là mười thời. Con sư tử tượng trưng cho một pháp, mà mỗi pháp đều do nguyên nhân và các điều kiện (nhân duyên) nên vô ngã. Nó sanh diệt trong mỗi niệm, mỗi sát na (S:Kṣaṇa, P: Khaṇa) chớp mắt vô thường tiếp nối với nhau. Mỗi sát na chia làm 3 thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Mỗi thời chứa đựng ba thời (như trên) thành mười thời. Thời gian của 10 thời này tuy có gián cách, nhưng thời này thời kia tương tức tương nhập, trước sau dài ngắn đồng thời hiển hiện đầy đủ, thời và pháp không lìa nhau. Mặc dù theo quan điểm nào đó, chín thời này vốn tách biệt với nhau, duy trì sự hình thành riêng của chúng một cách riêng rẽ, nhưng trong thực tế tất cả chúng đều đồng thời hợp nhất một cách hài hòa trong sát na kỳ diệu không ngăn ngại. Bởi thời gian vốn không thể tách rời khỏi các biến cố, cho nên, nếu mỗi sát na trở thành vô ngại, thì tất cả các pháp sẽ tự động trở nên hợp nhất một cách hài hòa.

10.  Chủ bạn viên minh cụ đức môn: Vô ngại hay huyền diệu của chủ và khách. Trong những hiện tượng duyên khởi, khi nêu một hiện tượng nào thì hiện tượng đó là chủ, tất cả các hiện tượng khác là khách, cứ như thế làm chủ khác lẫn nhau, đầy đủ mọi đức. Chúng tạo thành một toàn thể viên toàn trên thực tế, cái này cái kia xen lẫn nhau. Vàng và sư tử đều viên dung vô ngại, làm chủ làm bạn với nhau. Sư tử chỉ cho pháp, vàng chỉ cho tâm chân như.

14. NGUYÊN LÝ NIẾT BÀN:

Niết Bàn (S: Nirvāṇa, P: Nibbāna): Cũng gọi là Nê hoàn, Niết Bàn Na, Nê Viết, Niết Lệ Bàn Na, Nê Phạ Nam, Nặc Phạ Nam. Hán dịch là: Tịch, Tịch diệt, Diệt, Diệt độ, Vô Sinh. Đồng nghĩa với Li Hệ, Tịnh Diệt, Giải Thoát.

Còn gọi là Bát Niết Bàn, Đại Bát Niết Bàn. Chữ “Bát” dịch âm của tiếng Sanskrit: Pari, nghĩa là hoàn toàn, dịch ý là Viên Tịch. Đại là to lớn, thù thắng. Đại Bát Niết Bàn cũng gọi là Đại Viên Tịch.

Niết Bàn nguyên nghĩa chỉ cho sự thổi tắt, hay biểu thị trạng thái thổi tắt, chỉ cho lửa phiền não đã bị thổi tắt. Đây là cảnh giới hoàn toàn giác ngộ. Cảnh giới này vượt ngoài sinh tử trong lục đạo (Trời, người, A Tu La, Bàng Sinh, Quỷ đói, Địa Ngục), hay còn gọi là vượt ra ngoài mê giới. Đây là mục đích cuối cùng của Phật Giáo còn gọi là Niết Bàn tịch tĩnh. Niết Bàn là vượt ra ngoài sinh tử, là hoàn toàn giải thoát.

Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Đức Thế Tôn dạy[77]: “Đạt được Như Lai tự giác Thánh trí, ta nói là Niết Bàn”.

Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Kinh Phật Tự Thuyết, Phẩm Pātaligāmiya, Đức Thế Tôn dạy[78]:

(I) (Ud 80)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana ngôi vườn ông Anāthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết giảng pháp thoại liên tưởng đến Niết-bàn cho các Tỷ-kheo, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Các Tỷ-kheo ấy chú tâm, tác ý, dồn tất cả tâm tư lắng nghe pháp.

Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:

- Này các Tỷ-kheo, có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có Hư không vô biên, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh; không có an trú, không có chuyện vận, không có sở duyên, đây là sự đoạn tận khổ đau.”

Theo Kinh trên, Niết Bàn vượt ngoài không gian, vượt ngoài thời gian, vượt ngoài thế giới hiện tượng, vượt ngoài nghiệp báo, vượt ngoài luân hồi sanh tử, vượt ngoài tứ cú (có, không, vừa có vừa không, không phải có, không phải không) không thể dùng ngôn từ hữu hạn của thế gian để giải thích được Niết Bàn. Niết Bàn là sự giải thoát cứu cánh viên mãn

C. KẾT LUẬN:

Qua sự so sánh giữa Bà La Môn Giáo và Phật Giáo trong chương này, chúng ta thấy Bà La Môn Giáo và Phật Giáo hoàn toàn khác nhau.

Phương cách giải thoát của Đạo Bà La Môn và các tôn giáo khác là Tiểu Ngã hòa nhập vào Đại Ngã, linh hồn bất diệt hiệp nhất với Thượng Đế, nơi sinh ra vạn vật.

Ngược lại, con đường giải thoát của Đạo Phật, Phật Thừa hay Đại Thừa là chuyển hóa nội tâm, dứt trừ mười kiết sử[79], dứt trừ những phiền não, tham, sân, mạn, nghi ngờ Tam Bảo, ác kiến, trần sa hoặc, vô minh hoặc, v.v…, biết Ba Pháp Ấn: Vô thường, Vô ngã, Niết Bàn, tu tập Giới Định Tuệ, 37 phẩm trợ đạo, Tứ vô lượng tâm, Lục độ, Thập độ, v.v… dùng Thiền Chỉ, Thiền Quán, quán chiếu vạn pháp, cắt đứt sợi dây xích mười hai nhân duyên trói buộc con người vào luân hồi lục đạo, dùng nguyên lý duyên khởi, dùng trí tuệ chuyển hóa tám thức: A Lại Da thức, Mạt Na thức, Ý thức, nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức) thành bốn trí: Đại Viên Cảnh Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quan Sát Trí, Thành Sở Tác Trí; dùng tâm Đại Bi để cứu độ chúng sinh. Niết Bàn của Phật Giáo là vượt ngoài sinh tử luân hồi, là hoàn toàn giải thoát. Thế nên giáo lý Phật Thừa hay Đại Thừa không phải là giáo lý Bà La Môn Giáo như một số người hiểu lầm.



[1] Thích Thông Lạc, Đường Về Xứ Phật, tập 1, Tu viện Chơn Như xuất bản, Phật Lịch 2549 – 2005, trang 28.

[2] Bồ Tát Long Thọ (S: Nāgārjuna), Thập Nhị Môn Luận, Thượng Tọa Thích Viên Lý dịch, Viện Triết Lý Việt Nam và Triết Học Thế Giới, xuất bản tại Hoa kỳ, năm 2000, trang 115 trở đi.

[3] Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, dịch lời Việt và Chú giải, Quảng Hương Tùng Thư xuất bản tại Hoa kỳ, năm 1982, trang 3.

[4] Tạp chí Phật Giáo Hải Ngoại, số 17, ấn hành tại Hoa kỳ, Phật lịch 2543 – 1999, trang 3 và 5.

[5] Như trên, trang 32.

[6] Newsweek, How the universe began. How it might end. Issued Nơvember 3, 1997, page 34: “But the common-sense idea that it is expanding into empty space is wrong. The universe is all there is; there is no space beyond it to expand into. (If there were extra space, it would be, by definition, part of the universe). Instead the universe expands by actually creating, out of nothing, new space between groups of galaxies”.

[7] Ba cõi: Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới.

[8] Sáu đường hay lục đạo là Trời, người, A-tu-la, bàng sanh, quỷ đói và những chúng sanh ở địa ngục.

[9] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, xuất bản tại Việt Nam năm 1967, trang 41~42.

[10] Đức Thánh Thiện Từ Bi A. C. Bhaktivedanta Swami Prabhupāda, Śrī Īśopanisad là kiến thức đưa con người gần lại với Kṛṣṇa, Đức Thượng Đế Tối Cao. Bản tiếng Việt, the Bhaktivedanta Book Trust xuất bản tại Hoa kỳ, năm 1994, trang 11.

[11] Tỳ Kheo Thích Nguyên Hải, Sáu Phái Triết Học Ấn Độ ra đời sau Đức Phật, Phật Quang Tùng Thư xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2553 – 2009.

[12] Giáo sư P. V. Bapat, Ph.D. chủ biên, 2500 năm Phật giáo (2500 Year of Buddhism), Nguyễn Đức Tư và Hữu Song dịch, nhà xuất bản văn hóa thông tin ấn hành năm 2002 tại Việt Nam, trang 15.

[13] Chủ biên Thích Minh Cảnh, Từ Điển Phật Học Huệ Quang, tập 2, trang 1055.

[14] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản tại Việt nam, năm 1967 tại Việt nam, trang 305~307

[15] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản tại Việt nam năm 1967, trang 316~319.

[16] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản tại Việt Nam, năm 1967, trang 315.

[17] Nhân minh (H: 因 明, S: Hetu-vidyā) của Phật giáo, thuộc về khoa luận lý học gồm có cổ nhân minh và tân nhân minh.

1. Cổ nhân minh (H: 古 因 明) lập ra năm chi: Tôn, nhân dụ, hợp, kết. Ví dụ:

Tôn (H: 尊): Âm thanh là vô thường.

Nhân (H: 因): Vì do tác động mà có.

Dụ (H: 喻): Như cái chuông.

Hợp (H: 合): Chuông do tác động mà có, chuông là vô thường, âm thanh do tác động mà có, âm thanh cũng vô thường.

Kết (H: 结): Nên biết âm thanh cũng vô thường.

2. Tân nhân minh (H: 新 因 明) do Bồ tát Trần Na (H: 陈 那 菩 萨, S: Dignāga) viết sách Nhân Minh Chánh Lý Môn Luận (H: 因 明 正 理 门 论), sửa đổi phương pháp nhân minh trước kia làm thành một hệ thống lý luận chặt chẽ. Đệ tử của Ngài Trần Na là Thiên Chủ (Thương Kiết La Chủ) thêm ý mình vào ý thầy và viết sách Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận (H: 因 明 入 正 理 论 , S: Nyaya-pravesa) thuyết minh về lý luận (chân năng lập, chân năng phá, tợ năng lập, tợ năng phá, chân hiện lượng, chân tỷ lượng, tợ hiện lượng, tợ tỷ lượng) và bỏ bớt hai chi cuối còn lại ba chi là: Tôn, Nhân, Dụ (trong Dụ gồm có đồng dụ và dị dụ) được lưu truyền đến ngày nay. Ví dụ:

Tôn (H: 尊): Âm thanh là vô thường.

Nhân (H: 因): Vì do nhân duyên tác động mà có.

Đồng dụ (H: 同 喻): Những gì do nhân duyên tác động mà có đều là vô thường (lý dụ), như cái chuông (sự dụ, hợp tác pháp).

Dị dụ (H: 異 喻): Những gì thường đều không do nhân duyên tác động mà có (lý dụ), như hư không (sự dụ, ly tác pháp).

 Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, Lối Vào Nhân Minh Học, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản tại Hoa kỳ, Phật lịch 2540 – 1997, trang 11 viết: “Nhân minh là một trong Ngũ minh học (H: 五 明 学), Ngũ minh học là năm môn học bao gồm tất cả mọi vấn đề mà người Ấn Độ xưa rất chú trọng. Phật giáo cũng rất chú trọng Ngũ minh. Như trong Luận Du-già-sư-địa, cuốn 38 nói: “Các Bồ-tát khi cầu chánh pháp, nên cầu ở đâu? Nên cầu ở Ngũ minh”.

Thứ nhất: Nội minh (H: 内 明) – Nghiên cứu giáo nghĩa của Tôn giáo mình. Đối với người Phật tử là nghiên cứu giáo nghĩa của Đức Thế Tôn.

Thứ hai: Nhân minh (H: 因 明) – Nghiên cứu phương thức luận lý, tức luận lý học.

Thứ ba: Thanh minh (H: 声 明) – Nghiên cứu ngôn ngữ, văn tự, cú pháp, tức ngữ học.

Thứ tư: Y phương minh (H: 医 方 明) - Tức y học.

Thứ năm: Công xảo minh (H: 功 巧 明) – Nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật, khoa học.

 Nhân minh học là môn học về phương thức lý luận. Nhưng sao không gọi là luận lý học mà lại gọi là nhân minh học? Đó là vì các lẽ sau:

Nhân, trước hết là nguyên nhân, lý do của sự vật, là điều cốt lõi được chú trọng nghiên cứu phát minh của môn học này. Thông hiểu minh bạch về nguyên nhân, lý do ấy nên gọi là Nhân minh. Nhưng thật thể của nhân có hai là sanh nhân và liễu nhân.

 Sanh nhân là như hạt lúa làm nhân trực tiếp sanh ra cây lúa, hạt lúa là sanh nhân của cây lúa. Liễu nhân là như cây lúa ở trong bóng tối, nhờ ánh sáng chiếu đến mà cây lúa được hiện rõ ra. Ánh sáng là liễu nhân của cây lúa... Sanh nhân thuộc của người lập luận; Liễu nhân thuộc của người nghe...”

[18] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản năm 1967 tại Việt nam, trang 292.

[19] Chủ biên Thích Minh Cảnh, Từ Điển Phật Học Huệ Quang, xuất bản tại Việt nam năm 2004, tập 4, trang 3963.

[20] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản năm 1967 tại Việt Nam, trang 299.

[21] Chủ biên Thích Minh Cảnh, Từ Điển Phật Học Huệ Quang, tập 2, xuất bản tại Việt Nam năm 2003, trang 1117.

[22] Như trên, trang 1118.

[23] Wille Durant, Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ, Nguyễn Hiến Lê dịch, T&T xuất bản tại Hoa Kỳ, năm 1989, trang 329.

[24]Tỳ Kheo Thích Nguyên Hải, Sáu Phái Triết Học Ấn Độ Ra Đời Sau Đức Phật, Phật Quang Tùng Thư xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2553 – 2009, trang 68~69.

[25] Kinh Tạp A Hàm, tập 1, Kinh số 262 , Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2537 – 1993, trang 508.

[26] Ngài Ha Lê Bạt Ma tạo, Thành Thật Luận, Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, dịch sang Hán Văn, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch ra Việt Văn, Phật Giáo Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2514, trang 19.

[27] Bồ Tát Long Thọ, Luận Đại Trí Độ, tập 4, Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản, Phật Lịch 2535 – 1991, trang 67.

[28] Ba minh của Bà La Môn Giáo khác với ba minh của Phật Giáo, vui lòng xem Kinh Tikanna, phần Tham khảo Tạng Kinh Nikāya, chương 5: Thầy Thông Lạc không đắc Tam Minh.

[29] Phật Quang Đại Từ Điển, tập 3, Tinh Vân Đại Sư chủ biên, hơn 50 học giả Phật Giáo trong Phật Quang Đại Tạng Kinh Biên Tu Ủy Viên Hội ở Đài Loan biên soạn, Hòa Thượng Thích Quảng Độ dịch, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, Phật Lịch 2545 – 2000, trang 3607~3608.

[30] Vui lòng xem sách Sáu Phái Triết Học Ấn Độ Ra Đời Sau Đức Phật, Tác giả: Tỳ Kheo Thích Nguyên Hải, Phật Quang Tùng Thư xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2553 – 2009, trang 32.

[31] Như trên, trang 30.

[32] Ba cõi: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.

[33] Sáu đường: Trời, người, A Tu La, bàng sanh, quỷ đói (ngạ quỷ) và địa ngục.

[34] Chơn Lý, Nhẫn Nhục và Nhân Quả, Diệu Quán Đạo Tràng ấn tống tại Hoa Kỳ, năm 1998 trang 55.

[35] Philippe Cornu, Số phận lạ lùng của Phật Giáo, Hoàng Phong dịch. Ông Philippe Cornu là đương kim Chủ Tịch Đại Học Phật Giáo Âu châu, Giảng Sư tại Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông phương (Inalco) của Pháp. Ông cũng là một học giả uyên bác về Phật Giáo, dịch nhiều kinh sách từ các tiếng Tây Tạng, Trung Hoa..., đồng thời ông cũng trước tác, viết báo và giảng dạy về Phật Giáo. Một trong những công trình đáng kể của ông là quyển Tự Điển Bách Khoa Phật Giáo. Sau đây là một bài báo ngắn do nữ ký giả Cathérine Golliau phỏng vấn ông, đăng trên một tờ tạp chí lớn của nước Pháp là Le Point (số ngoại lệ với chuyên đề về nền Văn Minh Ấn Độ, số 3 tháng 7 và 8, năm 2008). (Theo Hoàng Phong). Nguồn: http://www.quangduc.com

[36] Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt (P: Culakammavibhangasuttam), Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2536 – 1992, trang 474~476.

[37] Liệt hay hạ liệt, bị khinh bỉ, bị miệt thị, do nòi giống, bộ tộc, tài sản nghèo hèn, v.v… do quả báo của tà kiến, của si.

[38] Ưu hay cao sang, ngược lại với liệt hay hạ liệt. Do gặt hái quả báo vô si, quả báo không tà kiến.

[39] Philippe Cornu, Số phận lạ lùng của Phật Giáo, Hoàng Phong dịch. Ông Philippe Cornu là đương kim Chủ tịch Đại Học Phật Giáo Âu châu, Giảng sư tại Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông phương (Inalco) của Pháp. Ông cũng là một học giả uyên bác về Phật Giáo, dịch nhiều kinh sách từ các tiếng Tây Tạng, Trung Hoa..., đồng thời ông cũng trước tác, viết báo và giảng dạy về Phật Giáo. Một trong những công trình đáng kể của ông là quyển Tự Điển Bách Khoa Phật Giáo. Sau đây là một bài báo ngắn do nữ ký giả Cathérine Golliau phỏng vấn ông, đăng trên một tờ tạp chí lớn của nước Pháp là Le Point (số ngoại lệ với chuyên đề về nền Văn Minh Ấn Độ, số 3 tháng 7 và 8, năm 2008). (Theo Hoàng Phong). Nguồn: http://www.quangduc.com

[40] Phật Quang Đại Từ Điển, tập 3, Tinh Vân Đại Sư chủ biên, hơn 50 học giả Phật Giáo trong Phật Quang Đại Tạng Kinh Biên Tu Ủy Viên Hội ở Đài Loan biên soạn, Hòa Thượng Thích Quảng Độ dịch, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản, Phật Lịch 2545 – 2000, trang 2865.

[41] Sáu nẻo hay sáu đường, tức là lục đạo: Trời, người, A tu la, bàng sanh, quỷ đói, địa ngục.

[42] Báo Phật Giáo Việt Nam, xuất bản tại Hoa Kỳ, số 129, ra tháng 11 năm 2004, do Hòa Thượng Thích Mãn Giác làm chủ nhiệm, trang 9.

[43] Sát na (S: Kṣana, P: Khaṇa) là từ ngữ chỉ đơn vị thời gian rất ngắn, trong chớp mắt, nhỏ hơn nhiều so với một giây đồng hồ.

[44] Bồ Tát Long Thọ, Trung Quán Luận dịch và giải, CHT- Chánh Tấn Tuệ dịch và giải, nhà xuất bản Tôn Giáo, xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2545 – 2001, trang 19.

[45] Kinh Nhập Tức, Xuất Tức Niệm (Kinh Quán Niệm Hơi Thở) (P: Anāpānasati sutta), vui lòng xem chương 6: Thầy Thông Lạc không đắc Thánh Quả A La Hán, cũng không đắc quả vị nào trong Tứ Quả, phần: Tham khảo Tạng Kinh Nikāya.

[46] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 4, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2540 – 1996, trang 684~685.

[47] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2543 – 1999, trang 312~314.

[48] Tam đồ là Hỏa đồ (đường lửa), Đao đồ (đường dao, kiếm), và Huyết đồ (đường máu). Tam đồ ác đạo là ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, là những nơi do các nghiệp ác của thân, miệng, ý dẫn đến và phải chịu đọa lạc.

[49] Ba cõi: Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới.

[50] Đại Sư Tinh Vân, Làm Thế Nào Tôi Thực Hành Phật Giáo Tại Nhân Gian? How I Practice Humanistic Buddhism, Nhân Gian Phật Giáo Đích Tính Cách (人 间 佛 教 的 性 格), Tỳ Kheo Thích Nguyên Hải dịch, Phật Quang Tùng Thư xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2554 – 2010, trang 66~67.

[51] Nhà trình diễn thể thao chính tại Hồng Kông, bên cạnh Cửu Long.

[52] Kinh Lời Vàng (P: Dhammapada), Phẩm Bông Hoa, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Chùa Đại Bi Quan Âm xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2549 – 2005, trang 37.

[53] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Phẩm Bánh Xe, Kinh Nhiếp Pháp, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2540 – 1996, trang 610~611.

[54] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 2, Phẩm Thắng Trí, Kinh Nhiếp Pháp, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2540 – 1996, trang 289.

[55] Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Lời Vàng (P: Dhammapada), Phẩm Phật Đà, Chùa Đại Bi Quan Âm xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2549 – 2005, Kệ 190, trang 98.

[56] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Phẩm Lớn, Kinh Sở Y Xứ , Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2540 – 1996, trang 318.

[57] Như trên, trang 318.

[58] Như trên, trang 318.

[59] Như trên, trang 319.

[60] Đại Kinh Bốn Mươi (P: Mahacattarisakasuttam), Kinh Trung Bộ, tập 3, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản, Phật lịch 2536 – 1992, trang 238~239.

[61] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản Phật lịch 2537 – 1993, trang 20.

[62] Đại Kinh Bốn Mươi (P: Mahacattarisakasuttam), Kinh Trung Bộ, tập 3, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản, Phật lịch 2536 – 1992, trang 240~241.

[63] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản Phật Lịch 2537 – 1993, trang 20~21.

[64] Như trên, trang 21.

[65] Kinh Trung Bộ, tập 3, Đại Kinh Bốn Mươi, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản, Phật lịch 2536 – 1992, trang 246.

[66] Kinh Tương Ưng bộ, tập 5, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản, Phật lịch 2537 – 1993, trang 22~23.

[67] Kinh Trung Bộ, tập 1, Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi (P: Mahahatthipadopamasuttam), Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2536 – 1992, trang 422.

[68] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2543 – 1999, trang 115~116.

[69] Như trên, trang 116~117.

[70] Kinh Lời Vàng (P: Dhammapada), Phẩm Song Yếu, Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, Chùa Đại Bi Quan Âm xuất bản tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2549 – 2005, trang 16, kệ 1& 2.

[71] Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Thiền Sư Hàm Thị sớ giải, Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch, Suối Trắc Bá ấn tống tại Canada, năm 1995, trang 75.

[72] Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Khảo Nghiệm Duy Thức Học, Chùa Phật Tổ, ban Văn Hóa Xã Hội ấn hành tại Hoa Kỳ, Phật Lịch 2536 – 1992, trang 134.

[73] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, Phẩm Chủng Tử, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2540 – 1996, trang 68~70.

[74] Kinh Đại Không (P: Mahasunnatasuttam), Kinh Trung Bộ, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2536 – 1992, trang 305~306.

[75] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 5, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2537 – 1993, trang 591~593.

[76] Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Thiền Sư Hàm Thị sớ giải, Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch, Suối Trắc Bá ấn tống tại Canada, năm 1995, trang 278.

[77] Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Thiền Sư Hàm Thị sớ giải, Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch, Suối Trắc Bá ấn tống tại Canada, năm 1995, trang 280.

[78] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, Kinh Phật Tự Thuyết, Phẩm Pātaligāmiya, Đại Tạng Kinh Việt Nam xuất bản tại Việt Nam, Phật Lịch 2543 – 1999, trang 265~267.

[79] Mười kiết sử: Thân kiến, nghi ngờ Tam Bảo, Giới cấm thủ, Dục tham, sân, Sắc tham, Vô Sắc tham, Mạn, trạo cử, vô minh. Vui lòng xem thêm chương 6, tiết mục: Dứt trừ 10 kiết sử.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6456)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.