Chương 17. Ấn Độ Giáo Hay Bà La Môn Giáo Đã Chịu Nhiều Ảnh Hưởng Tư Tưởng Phật Thừa.

12 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 7067)
doithoai-thaythonglac

CHƯƠNG XVII

ẤN ĐỘ GIÁO HAY BÀ LA MÔN GIÁO ĐÃ CHỊU NHIỀU ẢNH HƯỞNG TƯ TƯỞNG PHẬT THỪA.

 

Nếu chúng ta không xem kỹ Tạng Kinh Nikāya, các Kinh Phật Thừa hay Đại Thừa, các bộ luận của những Đại Luận Sư danh tiếng như các bậc Bồ Tát Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Pháp Sư Huyền Trang, Thiền Sư Hàm Thị, v.v… chúng ta sẽ dễ dàng nhầm lẫn, không biết đâu là Phật Giáo, đâu là Ấn Độ Giáo và cho rằng Phật Thừa hay Đại Thừa chịu ảnh hưởng Bà La Môn Giáo. Nhưng sự thật ngược lại, Ấn Độ Giáo hay Bà La Môn Giáo chịu rất nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo. Tuy nhiên hiện nay vẫn có một số người hiểu lầm là Phật Giáo và nhất là Phật Thừa hay Đại Thừa chịu ảnh hưởng tư tưởng Bà La Môn Giáo. Nguyên nhân chính của sự hiểu lầm là vì Phật Giáo tại Ấn Độ bị hủy diệt đến nỗi không còn có người Phật Giáo nào tại Ấn Độ để thắp nên những trang sử huy hoàng của Phật Giáo như những thế kỷ trước đó. Sự suy tàn của Phật Giáo tại Ấn Độ do nhiều nguyên nhân, do những hiện tượng nội tại và ngoại tại. Từ đó, những tư tưởng hay đẹp của Phật Giáo đã bị góp nhặt làm tư tưởng của Bà La Môn Giáo, Ấn Độ Giáo. Phật Giáo bị biến mất khỏi Ấn Độ. Hệ quả là một số người nghĩ rằng những tư tưởng hay đẹp là của Bà La Môn Giáo, thực ra nó là của Phật Giáo.

Có nhiều nguyên nhân khiến Phật Giáo bị tiêu diệt tại Ấn Độ. Nguyên nhân chính làm cho Phật Giáo bị tiêu diệt tại Ấn Độ là chính quyền Hồi giáo xâm lăng vào thế kỷ 13 trở đi. Còn các nguyên nhân khác, như Bà La Môn giáo chống Phật Giáo về vấn đề giai cấp, Bà La Môn Giáo phân biệt giai cấp, Đức Thế Tôn muốn mọi người bình đẳng, không phân chia giai cấp; vài vua chúa Ấn Độ chống Phật Giáo; Phật Giáo bị đồng hóa thành Ấn Giáo, v.v… chỉ là những nguyên nhân phụ. Tuy nhiên trước thế kỷ thứ 13, Phật Giáo đã phát triển rất rực rỡ tại Ấn Độ.

I. NHIỀU THẾ KỶ TRƯỚC KHI CHÍNH QUYỀN HỔI GIÁO XÂM LĂNG ẤN ĐỘ, PHẬT GIÁO ĐÃ PHÁT TRIỂN RẤT RỰC RỠ

Vào thế kỷ thứ VII, thời Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang (602 - 664) Phật Giáo tại Ấn Độ đã phát triển rất tốt đẹp.

Sách Bút Ký Đường Tăng[1] viết: “Bấy giờ vua Giới Nhật trở lại thành Khúc Nữ để cử hành Pháp hội[2]. Dân chúng đi theo lên đến mười vạn người, ở phía bờ nam sông Khắc Già. Vua Câu Ma La cũng có tới gần một vạn người đi theo ở phía bờ bắc sông Khắc Già. Hai đoàn người ngựa, thủy bộ dọc hai bên bờ sông, cùng tiến. Hai vua đi đầu có bốn quân chủng chỉnh tề hộ vệ. Có đoàn đi thuyền, có đội cỡi voi đánh trống, thổi kèn, tấu nhạc, có đủ kèn, trống, tù và, đàn cầm, đàn sắt, tiêu, sáo. Qua chín mười ngày thì về đến thành Khúc Nữ. Đến khu rừng Đại Hoa lâm bên bờ tây sông Khắc Già thì dừng lại. Lúc bấy giờ có vua của hơn hai mươi nước tham dự. Trước tiên, tiếp nhận thông cáo cho biết các đoàn tham dự Pháp hội bao gồm các nhân vật tài giỏi là Tăng nhân đạo Phật, đạo Bà-la-môn, các quan viên, binh sĩ kiệt xuất các nước. Trước tiên vua Giới Nhật cho xây dựng một ngôi chùa lớn, phía đông dựng lên một bảo đài cao hơn một trăm thước, dựng một tượng Phật bằng vàng ở giữa, cao lớn tương đương vua Giới Nhật. Phía nam đài xây một bảo đàn làm nơi tắm gội cho tượng Phật vàng. Phía tây bắc đài này mười bốn mười lăm dặm xây dựng một hành cung.

Bấy giờ là tháng hai mùa xuân. Các vị Sa môn, các đạo sĩ Bà-la-môn được chiêu đãi cơm nước trọng thể cho đến ngày hai mươi mốt. Hai bên đường từ hành cung đến ngôi chùa nhà cửa lâu đài san sát trang trí bằng các loại đá, cực kỳ hoa lệ. Nhạc công đứng hai bên đường tấu những bài nhạc cao nhã. Vua Giới Nhật cung thỉnh tượng Phật vàng trên chiếc kiệu cao hơn ba thước kéo bằng voi phủ rèm trân châu. Vua Giới Nhật ăn mặc như Đế Thích, cầm lọng đứng bên trái tượng Phật vàng. Vua Câu Ma La đóng vai Phạm Vương cầm phất trần trắng đứng hầu bên phải tượng Phật vàng. Hai bên có hơn năm trăm quân cỡi voi, mặc giáp trụ hộ vệ. Phía trước, phía sau, đội nhạc ngồi trên hơn một trăm con voi lớn đến diễn tấu. Vua Giới Nhật dọc đường tung các loại trân châu, vàng, bạc để cúng dường Tam Bảo. Đoàn đi đến trước Bảo đàn, dùng hương liệu, nước thơm đưa lên đài phía tây Bảo đàn, rồi đem hàng triệu áo Kiều xa da (áo cà sa) và châu báu ra cúng dường.

Lúc này chỉ có hai mươi vị Sa môn đi theo, các vua đảm nhiệm công việc thị vệ. Sau khi an trí Phật tượng xong, các phái học giả bắt đầu bàn luận, tìm hiểu chân lý thâm sâu của đạo Phật. Đến lúc trời sắp tối, đoàn người mới lên xe về hành cung nghỉ ngơi. Đến hôm sau lại bầu đoàn diễu hành như hôm rước Phật tượng. Ngày nào cũng thế cho đến khi kết thúc đại hội”.

Chúng ta biết áo Kiều xa da (áo cà sa) chỉ dành cho tu sĩ Phật Giáo mặc. Vua Giới Nhật và các vua nước khác đã cúng dường hàng triệu áo cà sa, tức tu sĩ Phật Giáo tại Ấn Độ lúc bấy giờ có đến hàng triệu người, hay ít ra cũng có hàng trăm ngàn người. Tức là Phật Giáo tại Ấn Độ lúc bấy giờ phát triển rất tốt đẹp.

Chúng ta thấy, thời Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, thế kỷ thứ VII các vua Giới Nhật (S: Sīlāditya), vua Câu Ma La (S: Kumāra) đã đóng vai Đế Thích và Phạm Thiên (S: Brahmā) đi hầu Đức Thế Tôn. Có lẽ họ đã nghĩ, họ là những vị vua cai trị xứ Ấn Độ, họ có thể thay mặt chư Thiên, họ xứng đáng đóng vai Ngài Đế Thích, Phạm Thiên Vương, bởi chư Thiên như Đế Thích, Phạm Thiên, đều tôn kính Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn là Thầy của tất cả Trời, Người. Đức Thế Tôn siêu đẳng, tuyệt vời hơn các vị Phạm Thiên, Đế Thích… rất nhiều mà tín ngưỡng Ấn Độ tôn xưng Phạm Vương làm Thượng Đế, làm các Thần Thượng Đẳng. Nhân cơ hội này xin NH đề nghị, trong các lễ Phật Đản, chúng ta nên có xe hoa, hai người đứng hai bên mặc áo đóng vai các Ngài Đế Thích cầm lọng đứng hầu bên trái tượng Đức Thế Tôn và Phạm Vương (S: Brahmā) cầm phất trần đứng hầu bên phải tượng Đức Thế Tôn. Nếu không có xe hoa, các chùa cũng nên làm cảnh này để chứng tỏ khi Đức Thế Tôn còn tại thế, quý Ngài Đế Thích và Phạm Vương, các bậc Thượng Đế của loài người, đã hầu Đức Thế Tôn.

Vào những thế kỷ VIII đến thế kỷ XI, Phật Giáo tại Ấn Độ cũng phát triển rất tốt đẹp, bằng chứng là các vị vua Tây Tạng đã thỉnh các bậc Cao Tăng Ấn Độ qua Tây Tạng dịch Kinh trong những thế kỷ này.

Sách Tôn Giả A Để Sa (Atisa, 982 – 1054), trang 37, viết[3]: “Vua thứ 37 là Xích Tùng Đức Thán (Tib: Thi-Sron-Detsan, 755-791). Vị vua này thỉnh hơn một trăm vị đại thiện xảo người Ấn Độ như Ngài Tịch Hộ (S: Santa-rakshita), Đại Sĩ Liên Hoa Sanh (S: Pama-Sambhava), phiên dịch Kinh Luận Hiển Giáo và Mật Giáo, độ chúng xuất gia, kiến lập các đại tự viện như Tang Da, v.v… Tất cả bản kinh tiếng Phạn, đa phần được tồn trữ tại chùa Tang Da”. Trang 73, viết: “Sau này, Nhạ Bạt Cẩn ([Tib: Ral-ppa-cen-tsan-ma], hay Xích Nhã Ba Kiên [Tib: Khri-ral-pa-can], 814-836) lên làm vua, cung kính Thánh giáo và thừa sự Tam Bảo lại càng tín thành các triều vua khác. Nhà vua cung thỉnh chư Cao Tăng Ấn Độ như Thắng Hữu, Thiên Chủ Giác, Giác Hữu, v.v…” Trang 79 viết: “Dịch Sư Mã Nhĩ Ba (Marpa, 1012-1097), người vùng La Lạp Cách (Tib: Lho-brag), pháp danh là Pháp Huệ, năm mười lăm tuổi theo Trác Di Thích Ca Trí Học Thanh Minh, rồi sang Ni Bạc Nhĩ ba lần, học tập Tứ Tọa Tích; vị này lại sang Ấn Độ ba lần thân cận các Đại Luận Sư như Na Lạc Ba (Naropa), Di Lặc Ba (Matripa), v.v…” Trang 114 và 115, viết: “Vào đương thời, quốc vương toàn vùng Tây Ấn, vốn là một vị Đại Vương tài trí vẹn toàn, có quyền thế oai hùng, và là vua của các vì vua. Nhà vua này cũng thường lễ bái Tôn Giả (A Để Sa – Atisa, 982-1054). Ngoài ra Tôn Giả cũng được các vì vua ở Nam Ấn như vua Krsna thường cung kính cúng dường. Vì vậy khi nghe tin Tôn Giả trên đường từ Ấn Độ, đi ngang Ni Bạc Nhĩ để sang Tây Tạng, vua nước Ni Bạc Nhĩ (Nepal) là Vô Biên Xưng (Anantakirti) liền kịp thời dẫn quan quân đến ngưỡng thỉnh, và cung nghinh Tôn Giả vào vương cung để cúng dường.

Như vậy chúng ta thấy, sau khi Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang qua Ấn Độ ở thế kỷ thứ VII, các thế kỷ thứ VIII, IX, X, XI, Phật Giáo tại Ấn Độ cũng đã phát triển rất mạnh.

Đến thế kỷ thứ 13 trở đi, Tăng Ni tín đồ Phật Giáo bị chính quyền Hồi Giáo giết hại rất man rợ, chùa chiền Phật Giáo bị đốt phá tan tành.

II. NHỮNG NGUYÊN NHÂN KHIẾN PHẬT GIÁO BỊ TIÊU DIỆT TẠI ẤN ĐỘ

A. Nguyên nhân chính khiến Phật giáo bị tiêu diệt tại Ấn Độ:

Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ[4] viết: “Khi Hồi giáo lan tràn vào Ấn Độ với thế mạnh như thác cuốn, thì trong phái Tantra-Giáo có ngành Thời Luận Tantra (Kalacakra Tantra) ra đời vào khoảng những năm 1027 – 1087 để chống lại sự lan tràn ấy. Để được thêm vây cánh, phái Thời Luận Tantra liên hợp với Ấn Độ giáo, Phật giáo, Siva-giáo và Visnu-giáo, tổ chức thành những đạo quân liên tôn diệt Hồi. Hai bên cứ nguyên trong vị trí mà kình chống nhau trong hai thế kỷ. (Trong hai thế kỷ này, khoa chiêm tinh và thuật tướng số cực thịnh). Vào khoảng từ năm 1203 trở lại, lực lượng liên tôn trên đây lại kết hợp thêm được phái Mật-giáo. Nhưng rồi kết quả bị thảm hại nên cư sĩ và Tăng Ni Phật giáo và Ấn Độ giáo bị giết hại vô vàn, và khu tự viện trung ương của Phật giáo và Ấn Độ giáo ở Vikramasila cũng bị quân đội Hồi giáo đốt phá tan hoang”.

Cũng sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, viết tiếp[5]: “Hồi giáo xâm nhập. Thực ra, từ thế kỷ VIII, các tín đồ Hồi giáo đã một lần do từ đường bộ thông thương miền Tây Bắc mà xâm lăng Ấn Độ nhưng bị đẩy lui. Sang đến thế kỷ XI, một dòng vua Ghaznévides người Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là Sultan Mahmud mới lại đem đại quân vào đánh phá, chiếm cứ đất đai và cai trị đến tận Khúc Nữ Thành (Kanauji). Trong số những tùy viên viễn chinh Ấn Độ với Sultan Mahmud, có một người tên Alberuni đã viết lưu đến nay nhiêu bài quân hành kỷ lục rất giá trị. Từ Khúc Nữ Thành, các đạo quân Hồi giáo lại tiếp tục đánh xuống, bại được dòng thổ vương Rajiput vốn là những tướng tài chỉ đạo, kháng cự mạnh mẽ nhất, để nắm được hết các vùng đồng bằng phì nhiêu, bao la, từ hải khẩu Indus miền Tây cho tới tân hạ vực sông Gange miền Đông, vào đầu thế kỷ XIII (1205). Điểm cần ghi nhớ là các quân Hồi giáo lan tràn tới đâu là các Tăng Ni Phật giáo bị sát hại đến đấy, cũng như chùa chiền tự viện đều bị đập phá sạch. Laị tiếp kể từ 1206, một tướng quân người Hồi là Katbud Din Aibak tự tôn làm vua, tức là Thái tổ của vương triều Islam. Triều đình Islam này (còn có tên là Nô Lệ Vương Triều) không bền được bao lâu, chỉ đến năm 1290 là bị các ngành trong vương tộc Pathan nổi lên đánh đổ và thay thế.

Trong những năm mà toàn quốc ở dưới sư cai trị của vương triều Islam, tại suốt một dãi sông Indus miền Tây, bị Thành cát Tư Hãn (Chingis Khan) đưa quân Mông vào đánh phá (1221) và chiếm đóng. Đến năm 1298, một tướng thuộc dòng dõi Thành-Cát Tư-Hãn là Timour Lenk, từ miền Tây đánh tới Delhi, chỉ đóng ở vùng này có 5 ngày nhưng thả quân cho đi cướp bóc bằng hết, giết hại đến trên mười vạn nhân mệnh, và khi rút về căn cứ chính của mình ở Samarkand thì bao nhiêu báu vật của cố đô này đều bị chuyển vận theo với vô số dân gian bắt đi làm nô lệ.

Sau này, cháu năm đời của Timour là Barhur Vương năm 1526, lại từ Samarkand tiến đánh tới Delhi và chiếm đóng luôn tại đây, lập thành đế quốc Mumghal (Mông Cổ) trên đất Ấn, Bahur Vương vốn là người cứng rắn và tàn bạo, chuyên dùng súng thần công để vây đánh dòng họ Rajiput là những người can đảm và bất khuất, thường hay dấy lên chống đối lại sự xâm lăng của người Mông Cổ.

Đến đời con của Bahur-vương là Akbar-đế (1542 – 1605), tiếp tục chinh phạt liền trong bốn mươi năm tại vị năm được toàn quốc Ấn độ (trừ mạn Đông Nam) nên tự xưng đế vị. Xưng đế vị rồi, Akbar-đế thiết lập chế độ quan trường mới, thi hành kiểm địa, bắt nông dân nạp thuế bằng vàng hay bạc, chứ không bằng thóc lúa. Ông bắt dân gian phải tôn trọng hoàng đế ngang với Thần Thánh, đặt ra những bài kinh tụng hoàng đế cũng như khấn tụng Thánh Thần, hay như thành một hoàng đế tôn giáo vậy. Tuy nhiên về ngoại giao, ông xử sự mềm dẻo với các tiểu vương thuộc dòng Hindu, ôn hòa và kết nạp Jaina-giáo, khiêm nhượng và mặc tình cho các linh mục Gia-Tô-giáo đi lại để hoằng đạo.

Vị vua kế là Jabanir (ở ngôi từ 1602 – 1707) lại dùng bạo lực để cưỡng ép dân gian theo Hồi giáo.

Trong khi hầu trọn lãnh thổ Ấn bị đặt dưới sự cai trị tàn bạo của người Mông Cổ và của khối tín đồ Hồi giáo ấy thì riêng có khoảng Đông Nam là thủy chung vẫn do vương triều Vijayanagara thống lĩnh (từ 1336 đến 1645) cho nên vùng này vẫn bảo tồn được tôn giáo Bà-la-môn với tất cả văn phong cổ truyền. Dân gian Đông Nam được thái bình liền mấy thế kỷ. Vả lại, địa lợi thuận tiện, rừng ở Bắc, ruộng ở Trung, bể ở Nam nên nghề buôn bán và xuất nhập khẩu tài nguyên thịnh đạt lắm. Sự thịnh đạt khiến nhiều nhà thương gia Ấu châu mơ ước, nên họ kế tiếp di cư đến lập nghiệp và kinh doanh rất đông đảo. Kể về miền Tây Ấn, vào trung khoảng thế kỷ thứ XVII tại tiểu quốc Maratha có người tên là Sivaji (1630 – 1680) hô hào nông dân cùng vũ trang đánh đuổi người Hồi giáo và toàn thắng, tiếp dựng lại Ấn Độ giáo tại tiểu quốc mình… Trong những thế kỷ trên đây, Phật giáo mất đất đứng trên đất Ấn, duy có Bà-la-môn giáo là vẫn giữ khối tín đồ trung thành cũ”.

Như vậy, chính quyền Hồi Giáo quyết tâm tiêu diệt Phật Giáo đến tận gốc rễ, còn các tôn giáo khác Kỳ Na Giáo (Jaina), Bà-la-môn Giáo, v.v… các vua chúa theo đạo Hồi vẫn để yên cho họ tiếp tục phát triển. Thế nên Ấn Độ Giáo mà tiền thân là Bà-la-môn Giáo có cơ hội phái triển trên toàn cõi Ấn Độ cho đến ngày nay.

Học giả D. C. Ahir, người Ấn Độ, viết[6]: “Sự xâm nhập của người Hồi Giáo đẩy mạnh sự điêu tàn của Phật Giáo trên đất Ấn. Khi người Hồi Giáo đến, họ có hai đối tượng trước mắt: 

- Thứ nhất là nắm quyền chính trị, 

- Thứ hai là truyền bá Hồi Giáo. 

Để đạt được mục đích thứ hai, họ có kế hoạch khử trừ những đền chùa Phật Giáo và Ấn Độ Giáo, các Tăng sĩ và thầy tế của Bà La Môn, vì chúng là những kho tàng tư tưởng tôn giáo. Họ có khuynh hướng chống những tu sĩ Phật Giáo, những người đã truyền bá thông điệp bình đẳng do đức Như Lai dạy. Khuynh hướng nầy được trù hoạch vì người Hồi Giáo, thấy rằng họ gặp khó khăn trong việc truyền dạy thông điệp tiên tri của họ về bình đẳng dưới quan điểm của những giáo lý tương tự như của Đức Phật. Do đó, những người Hồi giáo cuồng tín san bằng các tu viện, và thủ tiêu hầu hết các Tăng sĩ trong tu viện đó. Thiểu số may mắn thoát khỏi lưỡi gươm của Hồi giáo, họ phải chạy trốn để giữ mạng và tìm nơi ẩn náu ở những nước láng giềng. Hai ông vua Hồi Giáo đáng chú ý đã tàn phá những nơi thiêng liêng của Phật Giáo là Mahmud Gazinavi và Bakhtiaruddin Khilji. Ông vua trước đã cướp bóc những chùa chiền ở Kot Kangra (Mimachal Pradesh) vào thế kỷ thứ mười, và ông vua sau đã phá hũy những tu viện Nalanda, Vikramasla, và Odentapuri là những trụ sở sống động cho đến thế kỷ thứ mười hai. Nói về sự xâm lăng của Hồi Giáo, Tiến Sĩ Ambedkar nói: 

- Những người xâm lăng Hồi Giáo cướp phá những Đại Học kể ra một số ít là Nalanda, Vikramasila, Jagaddala, Odantapuri. Họ nhổ tận nền những tu viện Phật Giáo rãi khắp nơi trong nước. Tăng sĩ hàng ngàn người chạy trốn qua nước Nepal, Tây Tạng, và những xứ ngoài Ấn Độ. Một số rất lớn bị giết bởi những người lính Hồi Giáo. Tu sĩ Phật Giáo bị tàn hại dưới lưỡi gươm của những người xâm lăng Hồi Giáo như thế nào đã được các sử gia Hồi Giáo ghi lại. Tóm tắt tài liệu liên quan đến sự tàn sát tu sĩ Phật Giáo của tướng Hồi Giáo gây ra ở Bihar khi ông đem quân xâm lăng vào năm 1197 sau Tây lịch, Ông Vincent Smith viết: 

- Tướng Hồi Giáo đã làm cho mọi người biết tên ông trong lúc khủng bố bằng những cuộc viễn chinh cướp bóc nhiều lần ở Bihar, chiếm đoạt kinh đô bằng những trận đánh táo bạo. Sử gia đương thời, gặp một trong những người sống sót trong toán tấn công vào năm 1243 sau Tây lịch, và được cho biết là pháo đài của Bihar bị chiếm lấy do một nhóm quân chỉ gồm hai trăm kỵ binh, họ lao vào cửa Đông một cách dũng cảm và chiếm lấy vị trí. Một số lượng lớn đồ cướp bóc được thu thập và sự tàn sát những “Người Bà La Môn Đầu Trọc”, chỉ những tu sĩ Phật Giáo, hoàn toàn hoàn tất, và khi người chiến thắng tìm một người có thể giải thích được những sách trong thư viện các chùa, thì không còn tìm được một người nào còn sống để có thể đọc những sách đó. Chúng tôi được cho biết rằng: “Người ta khám phá ra rằng toàn bộ pháo đài ở thành phố đó là một trường cao đẳng, và theo cách nói của người Ấn Độ Giáo thì họ gọi là trường Bihar”. 

Sự tàn sát giới tu sĩ Phật Giáo do những người Hồi Giáo xâm lăng gây ra là như vậy. Vì muốn tiêu diệt Phật Giáo, nên Hồi Giáo giết giới tu sĩ Phật Giáo. Đó là cuộc khủng bố lớn lao nhất làm cho tôn giáo của Phật Đà suy tàn ở Ấn Độ. Tôn giáo cũng giống như ý thức hệ khác, có thể được duy trì chỉ bằng sự truyền bá. Nếu sự truyền bá thất bại, tôn giáo phải biến mất. Lưỡi gươm của Hồi Giáo gieo mạnh xuống giới tu sĩ. Họ bị tiêu diệt hay trốn thoát ra nước ngoài. Không còn ai ở lại để thắp sáng ngọn lửa Phật Giáo”. 

Thừa cơ hội chính quyền Hồi Giáo tiêu diệt Phật Giáo, một số người Ấn Độ Giáo chống đối Phật Giáo lợi dụng tình trạng dậu đổ bìm leo để tiếp tay tiêu diệt Phật Giáo, học giả D. C. Ahir viết tiếp[7]:

“Một số hành giả Ấn Độ Giáo lợi dụng tình trạng người Hồi Giáo gây ra trong việc xâm chiếm những nơi thờ phụng của Phật Giáo ở Bihar được Dharmasvamim, một người hành hương Tây Tạng viếng Bihar khoảng ba thế hệ sau cuộc tai biến, diễn tả một cách sống động. Theo ông Ratnabodhi, thư viện lớn nhất ở Nalanda, thoát khỏi sự tàn phá dưới bàn tay người Hồi Giáo, đã bị những khất sĩ Ấn Độ Giáo đốt cháy. Ông nói: 

- Họ (những người Ấn Độ Giáo) thực hiện một Yana, lễ tế lửa, và liệng những than hồng và tro lấy từ hầm tế vào những ngôi chùa Phật Giáo, v.v. Điều nầy gây nên một đám cháy lớn thiêu rụi Ratnabodhi, thư viện chín tầng của Đại Học Nalanda

Việc những kẻ đối lập Phật Giáo trong hàng ngũ Ấn Độ Giáo đã không lùi bước trong việc tàn phá những nơi thiêng liêng của Phật Giáo, ở những nơi khác cũng được thấy rõ từ những đống tro tàn, những hình ảnh bị đốt cháy, và xương của những tăng sĩ được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Sarnath và vùng phụ cận. Rõ ràng, các chùa bị thiêu hủy do những người cuồng tín và việc nầy dường như đã xãy ra nhiều lần, như thiếu tá Kittoe, người tiến hành công việc khai quật ở Sarnath vào năm 1851 đã nói: 

- Tất cả mọi thứ đều bị cướp phá và thiêu hủy, tu sĩ, chùa, tượng, tất cả cùng với nhau, vì ở một số nơi, xương, sắt, gỗ, và đá được tìm thấy từng khối lớn, và việc nầy xảy ra nhiều lần. 

Sự suy tàn của những trung tâm Phật Giáo thổi đến một ngọn gió định mệnh cho tín đồ Phật Giáo, họ không thể phục hồi trở lại nền tảng đã mất. Vì vậy, trải qua những thế kỷ kế tiếp, Phật Giáo một mặt bị chính những người hâm mộ thờ ơ, và mặt khác, hàng ngàn chùa chiền bị những kẻ đối lập hủy diệt, cướp bóc hay chiếm đoạt. Những công trình Phật Giáo tiếp tục bị tiêu hủy, cướp bóc trong nhiều thế kỷ chỉ vì vật chất, sẽ được cho thấy rõ ràng với một vài trích dẫn sau đây: 

1) Ngôi tháp tráng lệ Bharut ở Madhya Pradesh, từ đó nó được gọi tên và nổi tiếng khắp thế giối về những mẫu tinh vi nhất của Nghệ Thuật và Điêu Khắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, đã bị những người địa phương ngu dốt kéo sập chỉ để lấy gạch làm nhà riêng của họ. Cunningham, người đã khám phá và khai quật ngôi tháp nầy vào năm 1873-74, nói rằng làng ngày nay là Bharhut gồm đến hai trăm ngôi nhà đều hoàn toàn được xây bằng gạch lấy từ ngôi tháp này. Việc làm của dân làng Bharhut làm cho những làng lân cận bắt chước. Họ tháo dở một số lớn những cột trụ và chấn song mang về dựng nhà của họ. Cunningham đã khám phá ra sáu cây trụ ở làng kế bên là Batanmara và tám trụ ở Pathora. Ông cũng khám phá ra một số những tảng đá điêu khắc từng các chấn song của tháp trong hầu hết các làng rộng lớn xung quanh Bharhut, đặc biệt là ở Uchahara, Batamara, Pathora, và Madhogarh (hay Patharhat). 

2) Tháp Dharmarajika ở Sarnath bị Jagat Singh tháo dỡ vào năm 1794 chỉ để lấy gạch xây chợ ở Varanasi. Chợ nầy ngày nay được biết đến với tên là Jagatganj. Trụ của vua A-Dục cũng bị đập vỡ. 

3) Về ngôi tháp danh tiếng Amaravati ở Andhra Pradesh, V.R. Narla, một người có thẩm quyền về nghệ thuật Phật giáo ở Andhra, nói: 

- Hầu hết những tàn tích ngày nay đều rủi ro không còn. Ngay cả vào thời Đại Tá Colin Mackenzie người đã thấy tháp Amaravati vào cuối thế kỷ thứ mười tám, nhiều tảng đá hoa điêu khắc đã bị tiêu hủy. Chúng bị đào lên và đốt thành vôi do người cầm đầu ở nơi đây, người nầy vào năm 1797 đã dời tổng hành dinh về Amaravati, đám tro tàn của nó mang nhiều tính chất lịch sử và được truyền thống thánh hóa, và làm một sự cố gắng yếu ớt để dựng một thành phố mới gần chùa Amaresvara. Và ngay cả những tác phẩm điêu khắc thoát khỏi sự phá hoại văn hóa nầy, ngày nay cũng bị phân rải nhiều nơi. 

4- Vào năm 1840, ngôi tháp Phật giáo ở Gudivada trong xứ Andhra Pradesh bị phá hủy để lấy vật liệu sửa sang con đường giữa Bezwada và Bandar. Đề cập đến sự phá hoại văn hoá nầy, ông Rea nói: 

- Thật là hối tiếc, tất cả những công trình nầy đã phải chịu hủy hoại bởi những bàn tay của những người cầm vật liệu để xây dựng đường và những công việc tương tự. Mặc dù những công trình kiến trúc cổ xưa nhất còn tồn tại một nền văn minh cổ, tính chất thái cổ của chúng không có sự bảo vệ cho chúng khỏi những bàn tay tước đoạt”. 

B. Các nguyên nhân phụ khiến Phật giáo bị tiêu diệt tại Ấn Độ:

1. Phật Giáo muốn tất cả nhân loại đều bình đẳng, không kỳ thị chủng tộc và xóa bỏ bốn giai cấp của Bà La- Môn Giáo:

Theo kinh Thánh Rig Veda và pháp điển Ma Nô (S: Mānava-dharma-śāstra) của Bà La Môn Giáo, giai cấp Bà-la-môn được xếp hạng đầu, kế tiếp là giai cấp Sát-đế-lợi rồi Phệ xá, cuối cùng là giai cấp hạ tiện Thủ Đà La. Khi một ai bị phạm tội ngang nhau, giai cấp Bà-la-môn bị hình phạt nhẹ nhất, ngược lại giai cấp Thủ Đà La bị hình phạt rất nặng. Chỉ có dòng Bà La Môn mới có thể làm thầy tế, có thể dạy các kinh điển Védas cho người khác, đồng thời có quyền cưới một người con gái của bốn giai cấp làm vợ và nàng hầu. Bà La Môn Giáo đã xây dựng xã hội trên nguyên tắc bất bình đẳng để họ được rất nhiều quyền ưu tiên.

Ngược lại, Đức Thế Tôn dạy: “Không có sự phân biệt giai cấp khi mọi người đều có cùng dòng máu đỏ”. Tất cả mọi người trên thế gian này, đều bình đẳng, không kỳ thị, không phân biệt giai cấp. Cho đến ngày nay, hầu hết mọi người khắp thế giới đều công nhận mọi người đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp, không kỳ thị chủng tộc là đúng. Tuy nhiên, vào thời vua chúa tại Ấn Độ, nhiều người thuộc giai cấp Bà-la-môn chống đối việc này, vì họ bị mất quyền ưu tiên.

Học giả D. C. Ahir trích lời của học giả Har Dayal và viết[8]“Những thầy tế (Bà-la-môn) triệt tiêu ngôn ngữ Pali trên đất Ấn. Họ không những ghét tiếng Pali về phương diện giáo lý, triết học hay những giới luật của Đức Phật. Họ biết Đức Phật là một vị Thầy lớn lao và tôn sùng Ngài. Nhưng họ muốn rằng những lời dạy tuyệt vời của Đức Phật không được nghe thấy trên đất Ấn, vì những lời dạy nầy có năng lực phá hủy thành lũy giai cấp. Họ nói: “Dù tiếng Pali tiêu diệt; dù nước Ấn Độ tiêu diệt; nhưng giai cấp của chúng ta phải nắm quyền lãnh đạo.””

2. Thiếu sự bảo trợ của giới vua chúa:

Có những vua chúa đã bảo trợ Phật Giáo rất nhiệt thành, có những vua chúa thờ ơ bảo trợ vì họ theo Bà-la-môn Giáo, cũng có vài vua chúa chống đối và ngược đãi Phật Giáo.

Vào thời Đức Thế Tôn còn tại thế, do đức độ, phước trí trang nghiêm của Đức Thế Tôn nên tất cả các vua chúa, như vua Tịnh Phạn (S: Śuddhodana, P: Suddhodana), Ba Tư Nặc (S: Prasenajit, P: Pasenadi), Tần Bà Sa La (S, P: Bimbisāra), A Xà Thế (S: Ajātaśātru, P: Ajātassatu), v.v… đều nhiệt tình ủng hộ Đức Thế Tôn và Phật Giáo phát triển rất mạnh. Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, có các vua ủng hộ Phật Giáo rất nổi tiếng như vua A Dục (S: Aśoka, P: Asoka), vua Ca Nị Sắc Ca (S: Kaniṣka), v.v… Vào thời Bồ Tát Long Thọ (S: Nāgārjuna) có vua Dẫn Chính[9], v.v… ủng hộ Phật Giáo. Thế kỷ thứ VII, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang qua Ấn Độ, các vua Giới Nhật (S: Śīlādutya hay Harṣa-vardhana), vua Câu Ma La (S: Kumāra), v.v… đều là những vị vua ủng hộ Phật Giáo rất nổi tiếng và bảo trợ Phật Giáo trên phạm vi toàn cõi Ấn Độ. Phật Giáo tại các thời gian đó rất thịnh hành. Tuy nhiên khi các vương triều của các vua trên sụp đổ thì sự ủng hộ Phật Giáo cũng giảm dần.

Có những vị vua theo Bà La Môn Giáo không ủng hộ Phật Giáo, khi đó Phật Giáo kém phát triển, và cũng có vài vua chúa chống Phật Giáo khiến Phật Giáo lâm vào cảnh pháp nạn.

3. Vài vua chúa chống đối Phật Giáo:

Học giả D. C. Ahir viết[10]: “Bố Sa Mật Đa La (Pushyamitra), một tướng lãnh Bà La Môn dưới triều Brihadratha, vua cuối cùng của vương triều Khổng Tước (Maurya), là người đầu tiên ngược đãi Phật Giáo. Ông ám sát nhà vua vào năm 185 trước Tây lịch; soán lấy ngôi vua nước Ma Kiệt Đà (Magadha), cai trị bằng sự khủng bố. Một ông vua Ấn Độ Giáo khác đàn áp Phật Giáo là Sasanka, vua nước Gauda (Bengal), hành động phản bội đầu tiên của ông là giết Rajyavardhana vào năm 605 sau Tây lịch, anh của Harsha, vị hoàng đế Phật Giáo cuối cùng. Sasanka là một người thuộc giai cấp Bà La Môn và tín ngưỡng thần Shiva. Ông cuồng tín đến nổi trong cơn giận dữ ông đã phá hủy cây Bồ Đề. Ngài Huyền Trang ghé Bồ Đề Đạo Tràng vào năm 637 sau Tây lịch, vào khoảng ba thế hệ sau biến cố trên, ghi lại như sau: 

- Trong thời gian sau Sasanka-raja, một tín đồ dị giáo, phỉ báng Đạo Phật, và vì ganh ghét đã phá hủy những tu viện và chặt cây Bồ Đề, đào đến tận mạch nước dưới đất, nhưng ông không thể đào đến chổ rể tận cùng của nó. Sau đó ông dùng lửa đốt và tưới nước mía lên, với ý muốn tiêu diệt nó hoàn toàn, và không để lại một vết tích nào về sau. Ông cũng đã dời tượng Phật từ ngôi chùa gần cây Bồ Đề và thay vào bằng thần Shiva. Ông cũng đã liệng vào sông Hằng tảng đá thiêng liêng có dấu bàn chân của Đức Phật ở thành Hoa Thị (Pataliputra). Và để làm tròn những kế hoạch tội lỗi của ông, Sasanka được cho biết là đã tiêu diệt Tăng Sĩ trong khu vực Câu Thi La (Kushinagar)”. 

4. Có một số người nói vấn đề xuống dốc đạo đức của Tăng Ni Phật giáo gây nên Phật giáo bị tiêu diệt, nhưng thực tế đó là chuyện hoang đường:

Học giả D. C. Ahir viết[11]: “Quan điểm chung của các nhà học giả Ấn Độ là sự xao lãng và sa đọa trong đời sống Đạo Đức và Tâm Linh của giới tu sĩ Phật Giáo, Tăng cũng như Ni. Tuy nhiên nhìn dưới ánh sáng lịch sử, việc cho rằng sự xuống dốc về đạo đức của hàng ngũ Tăng Già Phật Giáo dường như là chuyện hoang đường không có những bằng chứng xác đáng”.

Và học giả D.C Ahir đã chứng minh như sau[12]: “Chúng tôi đồng ý rằng khi các ngôi chùa bắt đầu trở nên sung túc, tu sĩ Phật Giáo, một cách nào đó trở nên hướng về bản thân và từ bỏ bổn phận của họ đối với nhu cầu tâm linh và xã hội quần chúng. Và họ bắt đầu sống một cách thoải mái trong những tu viện và không tham gia vào lý tưởng phụng sự xã hội. Điều nầy cuối cùng đã ảnh hưởng một mức độ nào đó vào việc truyền bá và duy trì Giáo Pháp. Nhưng nói rằng Phật Giáo suy tàn vì sự sụp đổ của những tiêu chuẩn đạo đức trong hàng ngũ Tăng Già là điều không có gì bảo đảm. Không có một bằng chứng nào để củng cố lập luận nầy, ngoại trừ những danh hiệu đáng nghi ngờ gắn liền với một số địa điểm. Theo quan điểm của chúng tôi, những tên gọi bôi bác kia đã được tạo ra do những người Ấn Độ giáo quá khích, với chủ ý hạ nhục những chùa chiền Phật Giáo. Nhưng đối với trò tuyên truyền nham hiểm đó, không có một lý lẽ chứng minh cho những nhãn hiệu vô nghĩa gán cho những ngôi chùa Phật Giáo thiêng liêng. V.R. Narla nói: 

- Quả thật là chưng hửng và buồn không ít, vì rằng không những ở Ghantasila, nhưng ở Gudivada, Bhattiprola, China Ganjam, Pedda Ganjam, và một số nơi khác, những di tích của những ngôi chùa Phật Giáo thiêng liêng bị gán cho những tên nhơ bẩn như Langa Dibba và Bojamadani Dibba. Một ngoại lệ mà tôi biết là tháp Amaravati. Tên địa phương của nó là Dipala Dinne, có nghĩa là gò đèn. Nhưng ngay cả về những ngọn đèn, cũng có thể không phải chỉ cho sự tán tụng, vì trong thực tế tất cả những nơi có gò thuộc di tích Phật Giáo, có truyền thống địa phương là những gái ăn sương cư ngụ trên gò dùng đèn để làm hiệu. Có thể những tên xấu xa được gán cho những gò di tích Phật Giáo là nói lên sự việc Phật Giáo đã bị sự đàn áp của những người Ấn Độ Giáo cuồng tín về sau, hoặc có thể nó đánh dấu mức độ xuống thấp của Phật Giáo, trong thời gian cuối cùng khi nó mang hình thái của Kim Cang Thừa (Vajrayana) hay Sahajayana, những hình thái không khác với mật giáo phóng dật. Hai lý do trên, chúng tôi tin tưởng vào lý do thứ nhất nhiều hơn. 

Để chứng minh sự điên rồ của những lý lẽ sau, chúng tôi xin độc giả ghi nhớ những sự hành trì đồi bại hơn nhiều trong những đền Ấn Độ Giáo. Chúng tôi không có ý liệt kê ra đây một danh sách dài về những tội ác của những thầy tế Bà La Môn trong những năm tháng đó. Đoạn trích sau đây từ một bài viết của Ishwar Singh Bais cũng đủ để phản ảnh đời sống trong các đền Ấn Độ Giáo ngày xưa. Ông viết: 

- Những vũ nữ của mỗi đền được sắp hàng thứ nhì. Họ là những devadasis hay nô lệ của chư thần, nhưng họ được gọi bằng cái tên thô lậu của những gái điếm. Và trong thực tế, họ gắn bó với nghề nghiệp của họ để ban ân huệ cho người nào yêu cầu và được trả lại bằng tiền. Dường như ban đầu họ được dành riêng cho những thầy Bà La Môn mua vui. Và những người đàn bà nầy, được công chúng biết đến về sắc đẹp của họ, được hiến dâng một cách đặc biệt trong việc phụng sự các thần linh của Ấn Độ Giáo. Nhiệm vụ chính của họ gồm có múa và hát trong đền hai lần mỗi ngày, sáng và tối trong những cuộc lễ công cộng. Tất cả thời gian còn lại giữa những cuộc lễ, thì dùng vào những việc xấu hổ hơn, và một việc không phải là ít xảy ra, là ngay cả những đền thờ thiêng liêng cũng bị biến thành những nhà chứa. Xa hơn nữa, Có ít đền thờ mà vị thần ở đó không đòi quyền chữa trị bịnh không sinh đẻ của đàn bà. Thường thường những thầy tế khuyên họ ở lại qua đêm tại đền, nơi đây, họ nói thần linh cảm động với lòng thành của họ, có thể viếng họ trong tinh thần và sẽ giao hợp với họ. Với mánh khóe nầy, những thầy tế thỏa mãn dục vọng của họ. 

Ngoài những hành động trong những đền thờ Ấn Độ Giáo đã được đề cập, tầm quan trọng về những quan hệ dục tình trong Ấn Độ Giáo cũng được thấy rõ ràng trong những cảnh dâm đãng trên những bức tường của những đền thờ ở Konark, Khajuraho, v.v. Về những công trình điêu khắc ở Konark, A.L. Basham nói trong tác phẩm Kỳ Quan Ấn Độ: 

- Tính cách dâm đãng lộ liễu một cách hiếm có của nhiều công trình điêu khắc ở Kornark đã đem lại cho Chùa Đen một tiếng tăm nhơ nhớp. Những hình Maithuna, với những cặp ôm sát nhau hay đang trong tư thế giao hợp, được phổ biến là những nét trang trí đặc trưng của nhiều ngôi đền Ấn Độ, nhưng những hình ở Konark đặc biệt sống động. Những hình điêu khắc ở Khajuraho cũng tương tự. 

Như vậy chúng ta có thể không do dự nói rằng: Nếu ở đâu những tiêu chuẩn luân lý bị sa đọa, đó là những nơi cư ngụ của các thần và nữ thần Ấn Độ Giáo. Thật vậy, như Ishwar Singh Bais nói: 

- Trong nhiều đền thờ, và từ thế kỷ thứ tám sau Tây lịch về sau, trong hầu hết các đền thờ Ấn Độ Giáo, sự sa đọa bắt đầu và với đời sống trong đền biến nó thành địa ngục. Các thầy tế đã hy sinh sự cao thượng và đạo đức, chỉ giữ lại tham lam và dục vọng. Nếu Ấn Độ Giáo có thể nẩy nở dưới bầu không khí đồi bại đó, thì việc biến mất của Phật Giáo không rõ ràng, dù cho có một số sa đọa trong tiêu chuẩn luân lý của những người mộ đạo; vì vậy chúng tôi không chấp nhận điều nầy. Từ đó, chúng tôi quả quyết luận điệu gán cho sự thối nát trong các chùa chiền không phải là không có căn cứ mà còn có tác hại, và những lý do của sự suy tàn của Phật Giáo phải được tìm thấy ở chổ khác”.

5. Có người cho rằng Phật Giáo không tin Thượng Đế nên bị suy tàn tại Ấn Độ cũng là ý kiến sai lầm:

Học giả D. C. Ahir viết[13]: “Nói như Swami Vivekananda rằng: Phật Giáo phải chết, một cái chết tự nhiên trên đất Ấn Độ vì những đệ tử của Phật đã từ bỏ đấng Thượng Đế vĩnh hằng ra khỏi đất nước, cũng không đúng. Nếu đó là lý do thì tại sao Kỳ Na Giáo đã tồn tại trên đất Ấn khi Mahavira cũng không thừa nhận Thượng Đế là đấng Tối Cao. Tín đồ Kỳ Na giáo, cũng giống như Phật Giáo, không thừa nhận thẩm quyền của kinh điển Vệ Đà. Vì vậy, đó không phải là lý do suy tàn của Phật Giáo trên đất Ấn”.  

6. Bôi lọ về văn học:

Học giả D. C Ahir viết[14]: “Những người cuồng tín Bà La Môn không dừng lại ở đó. Họ tiếp tục thẳng tay gây sự hận thù và ghét bỏ đối với tín đồ Phật Giáo trải qua nhiều thế kỷ và giữ mãi tinh thần nầy cả trong văn học. Xin trích dẫn ra một số sau đây: 

a- Nikant trong tác phẩm Prayaschit Mayukha trích một bài thơ từ Manu (bộ luật tập cấp): - Nếu người nào chạm phải một tín đồ Phật giáo hay một tín đồ của Panchupat, Lokayataka, Nastika hay Mahapataki, người ấy phải tắm để tẩy uế. 

b- Cùng một giáo lý được Apraka dạy trong Smiriti. Vradha Harit đi xa hơn và tuyên bố rằng bước vào chùa Phật giáo là một tội lỗi cần phải tắm để thanh trừ tội lỗi đó. 

c- Sự việc gây ấn tượng nhất về thái độ nầy đối với tín đồ Phật giáo được tìm thấy trong vở kịch Mricchakatika. Trong màn Vii của vở kịch, người anh hùng Charudatta và bạn là Maitriya đang chờ Vasantasena ở quảng trường bên ngoài thành Ujjain. Cô nàng không đến và Charudatta quyết định rời quảng trường. Khi họ rời nơi đây, họ thấy vị sư Phật giáo tên là Samvakaha. Thấy ông ta, Charudatta nói: 

- Nầy bạn Maitriya, tôi đang nóng lòng muốn gặp Vasantasena. Nầy, hãy cùng đi. (Sau khi bước vài bước) A, đây là một cảnh tượng không may, một ông tăng Phật Giáo đang đi về hướng chúng ta. (Sau khi suy tư một chút) tốt, hãy để cho ông ta đi đường nầy, chúng ta sẽ đi con đường khác. (Rời sân khấu). 

Trong màn viii, vị tăng ở trong vườn lớn của Sakara, người anh rể của Vua. Nhìn thấy áo của ông ta trong một cái hồ, Sakara, theo sau là Vita, bật dậy và hăm dọa giết vị tăng. Sau đây là cuộc đối thoại giữa họ: 

Sakara: 

- Hãy dừng lại, ông thầy tu tồi bại. 

Tăng sĩ: 

- A! Đây là người anh rễ của Vua. Bởi vì có một số Tăng Sĩ xúc phạm đến nhà vua, nên nhà vua đánh đập bất cứ Tăng Sĩ nào ông gặp. 

Sakara: 

- Hãy dừng lại, ta sẽ bẻ chiếc đầu của ông như người ta bẻ một cộng rau dền trong tiệm ăn (Đánh ông ta). 

Vita: 

- Nầy bạn, đánh một tu sĩ khoác trên mình chiếc áo choàng, đã từ bỏ thế gian, là một việc không chính đáng. 

Tăng Sĩ vui mừng: 

- Xin hãy vui lòng, cư sĩ. 

Sakara: 

- Nầy bạn, coi đó. Hắn xỉ nhục tôi. 

Vita: 

- Ông ta nói gì? 

Sakara: 

- Hắn gọi tôi là cư sĩ. Tôi là tên thợ cạo hay sao? 

Vita: 

- Ồ! ông ta thật sự tán tụng anh như là một người sùng tín Đức Phật. 

Sakara: 

- Tại sao ông lại đến chỗ nầy? 

Tăng sĩ: 

- Để giặt những y phục nầy. 

Sakara: 

- A! ông là ông thầy đồi bại. Ngay cả tôi cũng không tắm trong ao nầy; ta sẽ giết ông bằng một trận đòn. 

Sau khi bị đánh thật nhiều, vị Tăng được cho đi. Đó là một tu sĩ Phật Giáo trong đám đông Ấn Độ Giáo. Ông ta bị xa lánh và tránh né. Cảm tưởng chán ghét đối với ông thật là lớn lao, đến nỗi người ta tránh né cả con đường mà ông ta đã đi qua. Cảm tưởng ghê tởm đậm đặc đến nỗi sự đi vào của một tín đồ Phật Giáo khiến cho người Ấn Độ Giáo phải đi ra. Người Bà La Môn được miễn tội tử hình, ngay cả còn được miễn hình phạt về thể xác. Nhưng tu sĩ Phật Giáo bị đánh đập và hành hạ không thương xót, không hối tiếc, như là không có gì sai lầm khi làm việc đó. 

d- Chanalya (Kautilya), một đại thần Bà La Môn nổi danh dưới thời vua Chiên Đà La Quật Đa (Chandragupa) của vương triều Khổng Tước (Maurya), cũng là một phần tử nằm trong chiến dịch gây hận thù đối với Phật Giáo. Ông nói: 

- Khi một người hưởng dụng bửa ăn cúng cho chư thần và tổ tiên, những người thuộc giòng Thích Ca (tín đồ Phật Giáo), Ajivaka, Thủ đà la, và những tù nhân đi đày, phải chịu một hình phạt một trăm Panas. 

e- Những tác giả của những Puranas (Thánh Thư) cũng tuyên truyền chống Phật Giáo không ít. Họ coi Đức Phật như là một Avtara (hóa thân) của Vishnu, nhưng đối xử Ngài với sự khinh miệt. 

- Thánh thư Brhannardiya coi một người Bà La Môn bước vào nhà của một tín đồ Phật Giáo là một tội lỗi lớn dù cho có gặp sự nguy hiểm lớn. 

- Thánh thư Agni tuyên bố rằng con của vua Tịnh Phạn dụ dỗ những người Daitya trở thành tín đồ Phật Giáo. 

- Thánh thư Vayu nói một cách khinh khi về Phật Giáo: Với hàm răng trắng, cặp mắt nhìn thẳng, đầu cạo trọc, và áo đỏ, những người Thủ Đà La sẽ thực hiện những hành vi tôn giáo”. 

7. Phật giáo bị đồng hóa:

Học giả D. C. Ahir viết[15]: “Để đối đầu tương xứng với Phật Giáo, Ấn Độ Giáo đã sớm tiến hành việc sửa đổi và tự biến dạng. Về việc nầy họ đã vũ trang hệ thống của họ bằng những tính chất tốt đẹp của Phật Giáo cả trong lý thuyết và thực hành. Trong tiến trình cải cách nầy, người Ấn Độ Giáo tiếp nhận lý tưởng Bất Sát (Ahimsa) và từ bỏ việc tế súc vật; và cũng bắt đầu tổ chức theo cách thức trong các tu viện Phật Giáo. Xa hơn, để chấm dứt việc đấu khẩu lâu dài và khó khăn để giành phần thắng của những tín đồ của hai tôn giáo, Đức Thích Tôn được họ đặt vào trong các thần Ấn Độ Giáo, như là một Hóa Thân (Avatara) của thần Vishnu. Và điều nầy được công bố trong quảng đại quần chúng do các tác giả Purana. Bên cạnh thánh thư Varaha, nói rằng nhờ tuân theo lời nguyện của Buddhavadasi, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đã được thần Vishnu xuống làm con dưới hình tướng Phật Đà. Đức Phật đã bị coi là một Avatara của Vishnu trong Matsya, Bhagavata, Garuda, và Linga Purana. Không chỉ vậy, những người thờ thần Shiva tiếp thâu những yếu tố tu viện và chiêm nghiệm của Phật Giáo, và những người thờ thần Vishnu tiếp thâu những yếu tố sùng bái và nhân đạo của Phật Giáo để bảo đảm tính phổ biến trong quần chúng. Những người thờ thần Vishnu còn sửa đổi thái độ của họ về vấn đề hệ thống giai cấp. Họ chấp nhận nó như là một thể chế xã hội, không chuyên chở một sự theo đuổi tôn giáo hay tâm linh nào. Như Tiến Sĩ Radhakrishnan nói: 

- Một tiến trình thâm nhập và sửa đổi từ từ đã phát triển, như việc ủng hộ thuyết cho rằng Đại Thừa Giáo chỉ là một giai đoạn phân phái trong trào lưu lớn những người thờ thần Vishnu, Tiểu Thừa Giáo, với tính chất khổ hạnh nhiều hơn, được coi như một phái của người thờ thần Shiva. Khi tín ngưỡng Bà La Môn khắc sâu tình thương mọi loài và sùng bái thần linh và tuyên bố rằng Đức Phật là hóa thân của Vishnu, hồi chuông báo tử của Phật Giáo ở Ấn Độ đã vang lên”. 

Như vậy từ việc Đức Thế Tôn dạy, Thần tạo hóa Phạm Thiên (S: Brahmā) là Thượng Đế vĩnh hằng linh thiêng nhất của của Bà La Môn Giáo chỉ là chúng sanh, phải chịu sự sanh tử luân hồi như tất cả các chúng sanh khác và đã có vị Phạm Thiên Sahampati[16] bay đến cầu thỉnh Đức Thế Tôn thuyết pháp. Ngược lại, những người Bà-la-môn Giáo chống đối Phật Giáo, nhân cơ hội chính quyền Hồi Giáo tàn sát Phật Giáo đã đổi lại Đức Thế Tôn là hóa thân của Thần Vishnu. Đây là một mưu kế rất thâm độc của Ấn Độ Giáo, mong rằng quý bạn vui lòng lưu ý, đừng lầm lẫn khi nói hay viết Chúa, Phật, Phạm Thiên, v.v… bằng nhau, giống nhau và gộp chung một chỗ, để khỏi phải bị sa vào lưới bẫy của họ.

8. Những nguyên nhân bên trong:

Học giả D. C. Ahir viết[17]: “Bên cạnh những nguyên nhân bên ngoài, chắc chắn là những nguyên nhân chính cho sự thoái hoá và biến mất của Phật Giáo, còn có một số ít những hạn chế và lầm lỗi bên trong cũng đã làm cho sự biến mất cuối cùng của Phật Giáo trên quê hương nó xảy ra một cách nhanh chóng. 

Chúng ta phải thừa nhận rằng chính những tín đồ Phật Giáo lãnh phần trách nhiệm lớn cho số phận đáng buồn của tôn giáo của họ. Đức Phật đã vạch ra con đường cho các vị Tỳ Kheo không những là người đi tìm sự giác ngộ bằng thực hành những giới luật đạo đức và tâm linh, nhưng cũng là người phụng sự xã hội hay là người bạn, triết gia và người hướng đạo cho quần chúng. Đức Phật là một vị thầy tôn giáo đầu tiên ở Ấn Độ, hay nói đúng hơn là toàn thế giới, cổ vũ những đệ tử của mình đi và đi khắp nơi vì hạnh phúc và lợi ích của nhiều người. Thêm nữa, Ngài là người đầu tiên đưa ra lý tưởng hy sinh, quên mình và phục vụ cho kẻ khác. Ngài nói rằng một Tỳ Kheo phải xin ăn, phải sống bằng vật bố thí, phải hạn chế chỉ ăn ngày một bữa. Theo những lời dạy của Thầy những vị Tỳ Kheo đầu tiên đã đạt đến những tiêu chuẩn cao nhất của lòng kính tín, hy sinh và phụng sự. Điều nầy đã thành tựu rực rỡ và làm cho Phật Pháp trở thành một tôn giáo phổ biến và được tôn kính nhất ở Ấn Độ. Nhưng bất hạnh thay, các Tăng Sĩ về sau đã không giữ những tiêu chuẩn dành cho họ. Khi các tu viện trở nên giàu có, thì hoạt động chính của họ được coi là đào sâu việc nghiên cứu từ chương thay vì truyền bá Giáo Pháp. Tăng Sĩ đánh mất sự giao hảo gần gũi với quần chúng, và tương quan giữa Tăng Sĩ và Cư Sĩ bị thụt lùi. Các vị Tỳ Kheo trở nên xao lãng và thụ động đối với những mục đích thực tiễn. Điều nầy làm cho Phật Giáo suy yếu. Tình trạng Tăng Già trong những năm chấm dứt thời kỳ vinh quang của Phật Giáo tại Ấn Độ có thể được đánh giá từ những điều mà Cunningham, một nhà khảo cổ, thám hiểm, và học giả vĩ đại nhất nói vấn đề nầy. Ông nói: 

- Phật Giáo đã thật sự trở nên một tín ngưỡng già nua và kiệt lực, những vị khất sĩ không còn đi khất thực, nhưng từ lâu đã được hổ trợ bằng đất đai dành riêng cho các tu viện. Các vị Sa Môn và Tỳ Kheo không giống như những người của thời xưa, những người uyên bác và trí tuệ, sự tiết độ về thân xác và sự nhứt tâm Thiền Quán, cộng với những chủ trương thực tiễn và gương mẫu trong sạch, đã kích thích lòng sùng kính của quần chúng. Những tín đồ Phật Giáo hiện đại rơi vào tình trạng mục nát, họ bằng lòng sống một đời sống thụ động trong những công việc tẻ nhạt hằng ngày của đời sống tu viện, nơi đó còn một vài dấu hiệu tôn giáo bề ngoài; nhưng không còn sự tha thiết nồng nhiệt trong sinh hoạt thiếu sinh khí của những công việc tẻ nhạt hằng ngày đó, và lòng hăng say đã có thời đốt cháy trong tim của mỗi người tu sĩ Phật Giáo trong việc truyền bá tôn giáo của họ đã dập tắt từ lâu. 

Trong những ngày xa xưa, Tăng Sĩ và tu viện là huyết mạch của Phật Giáo. Nó nẩy nở, bao giờ những tu viện còn, các Tăng Sĩ còn cẩn trọng. Một khi các Tăng Sĩ trở nên thờ ơ và đánh mất cái tầm nhìn vào sứ mệnh của họ, Phật Giáo suy tàn. Và khi các tu viện làm mồi cho sự phá hoại văn hoá, Phật Giáo đi đến chỗ sụp đổ hoàn toàn. Rất nhiều sách vở Phật Giáo, hầu hết được cất giữ trong các tu viện, cũng hoàn toàn biến mất ở Ấn Độ do sự phá hủy các tu viện. Lý do là những tín đồ Phật Giáo không có tổ chức Cư Sĩ để giảng dạy, truyền bá, và bảo vệ tôn giáo của họ. Với sự thiếu vắng những tổ chức như vậy, họ chỉ đứng nhìn mà không giúp được gì khi các tu viện bị cướp phá, xúc phạm và các Tăng Sĩ bị trục xuất hay giết hại. 

Sự thiếu vắng những tập quán và nghi thức cho những cuộc lễ lộc trong xã hội như đám cưới, v.v. của Phật Giáo cũng là một trong những yếu tố làm cho Phật Giáo suy tàn ở Ấn Độ”.

C. Hậu quả Phật Giáo bị tiêu diệt:

Học giả D. C. Ahir kết luận[18]: “Dù lý do nào đưa đến sự suy tàn và biến mất của Phật Giáo khỏi đất nước Ấn Độ đi nữa, một việc chắc chắn đó là điều bất hạnh nhất khi tôn giáo của Đức Phật, một tôn giáo hoàn cầu đầu tiên, đánh mất ảnh hưởng trên đất tổ của nó. Sự việc nầy xảy ra, Ấn Độ đã phải trả một giá rất đắt, đó là sự thật lịch sử. Nước Ấn Độ sung mãn cho đến khi Phật Giáo vẫn còn là một tôn giáo sống động, và khi Phật Giáo suy tàn, Ấn Độ đã mất đi tinh thần tự do, danh tiếng giảm sút, và sự tiến bộ bị ngăn trở”. 

Vì Phật Giáo bị tiêu diệt tại Ấn Độ từ thế kỷ 13 trở đi, nên đến thế kỷ 16, không còn nhân tài Phật Giáo tại Ấn Độ để tranh luận về tôn giáo nữa.

Nói chung người làm vua, nếu là vua thông minh thường có ý muốn lớn, họ muốn họ là Trời, là Thần Thánh hay ít nhất cũng là con của Trời (Thiên Tử) như các Hoàng Đế Trung Quốc. Giết tha, tha giết đều nằm trong tay vua, thế nên họ muốn xưng bất kỳ chức vụ, bất kỳ danh từ nào cũng được. Ví dụ vua Akbar-đế bắt dân chúng tôn sùng ông ngang với Thần Thánh, và đặt ra những bài kinh tụng hoàng đế giống như khấn tụng Thánh Thần. 

Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ viết[19]: “Đến đời con của Bahur-vương là Akbar-đế (1542 – 1605), tiếp tục chinh phạt liền trong bốn mươi năm tại vị năm được toàn quốc Ấn độ (trừ mạn Đông Nam) nên tự xưng đế vị. Xưng đế vị rồi, Akbar-đế thiết lập chế độ quan trường mới, thi hành kiểm địa, bắt nông dân nạp thuế bằng vàng hay bạc, chứ không bằng thóc lúa. Ông bắt dân gian phải tôn trọng hoàng đế ngang với Thần Thánh, đặt ra những bài kinh tụng hoàng đế cũng như khấn tụng Thánh Thần, hay như thành một hoàng đế tôn giáo vậy”.

Đại Đế Akbar là người Hồi Giáo, ông không biết chữ nhưng rất thông minh, ông nghe đâu nhớ đó. Ông có người vợ theo tín ngưỡng Ấn Độ Giáo nên ông khoan dung giúp đỡ cho Ấn Độ Giáo phát triển.

Sách 10 Đại Hoàng Đế Thế Giới viết[20]: “Do sự hiểu biết sâu sắc về chính trị, đã làm cho một vị Hoàng Đế là người tín ngưỡng Hồi Giáo như Akbar, đối với các tôn giáo khác vẫn có một chính sách khoan dung đúng mức, nhất là đối với Ấn Độ Giáo. Ông đã cưới một cô gái xinh đẹp thuộc bộ tộc Rajput về làm vợ, và cô gái này là người tín ngưỡng Ấn Độ Giáo. Có lẽ do đó mà đối với Ấn Độ Giáo ông cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng”.

Ông cũng cho nhiều học giả đại diện các tôn giáo đứng ra tranh cãi để tìm hiểu tôn giáo nào là tôn giáo hay nhất. Tuy nhiên lúc bấy giờ Phật Giáo đã bị tiêu diệt toàn cõi Ấn Độ, kinh sách Phật Giáo tại Ấn Độ thời đó không còn, nên không có người Phật Giáo nào đứng ra biện luận về tôn giáo, như các Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Bồ Tát Thế Thân, Ngài Đại Luận Sư Đức Huệ, v.v… để mọi người thấy rằng Đạo Phật hay nhất, Đạo Phật cao siêu hơn tất cả các tôn giáo khác. Thế nên vua Akbar tự lập ra một tôn giáo mới lấy tên là “Tôn giáo Thánh Thần” do chính ông làm giáo chủ. 

Sách 10 Đại Hoàng Đế Thế Giới, viết[21]: “Năm 1582, Akbar sáng lập ra “Tôn Giáo Thánh Thần” với giáo lý được tổng hợp từ các tôn giáo hiện hành và do ông làm giáo chủ. Tín đồ của tôn giáo Thánh Thần xem Akbar là “Tiên Tri”, khi họ gặp nhau thì nói lớn tên của Akbar, xem là một hình thức chào hỏi nhau. Tôn giáo Thánh Thần không có nhà thờ và cũng không có nghi lễ cầu phước, mà chỉ trong ngày thường thể hiện tinh thần thương yêu mạng sống của các loài vật, tận khả năng của mình lo việc bố thí, chẩn tế, và làm các việc thiện. Akbar không bắt buộc mọi người phải theo tôn giáo mới của mình, do vậy số người từ bỏ tôn giáo cũ để theo tôn giáo Thánh Thần cũng không đông. Trong số những tín đồ Hồi Giáo phản đối tôn giáo Thánh Thần cũng không phải ít. Nhưng Akbar không vì thế mà có ý dè dặt. Ông lấy phương thức mới này để thúc đẩy sự hòa hợp giữa các dân tộc và các tôn giáo.

Sách 10 Đại Hoàng Đế Thế Giới viết[22]: “Akbar là một người mù chữ hoàn toàn, nhưng điều đó không ngăn cản được sự tiếp nhận trình độ văn hóa cao và sâu. Vì Akbar là một con người rất tha thiết đối với việc tìm hiểu tri thức. Ông thường xuyên mời những người có tri thức cao vào trong cung để đọc những kinh sách cho ông nghe, và họ sẽ được trả tiền bồi dưỡng qua số trang mà họ đã được đọc. Ông là người có trí nhớ giỏi, tất cả những kinh sách được nghe qua ông đều nhớ từng chi tiết. Ông cũng thường mời những học giả có tiếng vào trong cung, để cùng họ bàn bạc về các vấn đề văn học, lịch sử, tôn giáo, có những học giả đã trở thành bạn thâm giao với ông. Như học giả Abu – I Fazl, người đã từng viết hai quyển sách nổi tiếng là “Ký sự về Akbar” và “Những thông lệ và những nguyên tắc của Akbar”, đã trở thành một người bạn thân và một cố vấn cho Akbar.

Những học giả nói trên do khác nhau về tín ngưỡng tôn giáo, nên thường có những ý kiến khác nhau trong một số vấn đề, và họ đã cãi với nhau đến đỏ mặt tía tai. Về sau, Akbar mạnh dạn cho xây một ngôi trường lớn rất đẹp tại thủ đô, và chọn ra một số học giả đại diện cho các tôn giáo và các tư tưởng như Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, đạo Parsis, đạo Zoroasterian, đạo Cơ Đốc v.v… thường xuyên tổ chức những cuộc tranh luận về tôn giáo. Cứ khi có thì giờ thì Akbar đến hội trường để tham dự. Những sự biện luận của các đại biểu nói trên, đã giúp cho Akbar hiểu được: “Tất cả các tôn giáo đều có phần xán lạn, nhưng trong sự xán lạn đó cũng có ít nhiều bóng tối.

Câu: “Những học giả nói trên do khác nhau về tín ngưỡng tôn giáo, nên thường có những ý kiến khác nhau trong một số vấn đề, và họ đã cãi nhau đến đỏ mặt tía tai”. Qua câu này chúng ta thấy thái độ của các học giả chắc chắn không phải là thái độ, hành vi của những tu sĩ Phật Giáo. Nếu tu sĩ Phật Giáo nào đó có hành vi “cãi nhau đến đỏ mặt tía tai”, chứng tỏ trình độ tu tập của họ chưa cao và không nhiều kiến thức, trí tuệ về Phật Giáo. Giả sử họ có nhiều kiến thức, trí tuệ, tu tập cao về Phật Giáo, nhưng khi tức giận lên, chắc chắn họ quên những lời Đức Thế Tôn dạy. Khi đã tức giận, họ làm sao có thể tranh cãi với những đạo khác, để chứng tỏ đệ tử của Đức Thế Tôn giỏi hơn, cao siêu hơn, tuyệt vời hơn so với những giáo chủ, đạo sư, chân sư, hiền triết, học giả… của các tôn giáo khác? Thế nên, khi nhìn thấy hành vi cử chỉ của các vị đại diện các tôn giáo khác, ngoài Phật Giáo, bởi thế kỷ XVI Phật Giáo bi tiêu diệt hoàn toàn tại Ấn Độ, Đại Đế Akbar tự lập nên một tôn giáo mới lấy tên là “Tôn Giáo Thánh Thần” là không có gì ngạc nhiên. Một người thông minh tài trí, có đầy đủ quyền lực hơn tất cả mọi người, lại không có một tư tưởng tôn giáo nào chứng minh rằng tư tưởng tôn giáo đó cao hơn tư tưởng của họ, thì họ tôn xưng chính họ là Thần Thánh là có lý của họ.

Thật ra, chỉ có tư tưởng Phật Giáo, những lời dạy vô cùng quý báu của Đức Thế Tôn, mới kềm chế được ý tưởng tự cao tự đại của họ, nhưng tiếc thay lúc bấy giờ Phật Giáo tại Ấn Độ đã bị tiêu diệt, không còn nhân tài có kiến thức, trí tuệ và công đức tu hành đứng ra tranh luận, để cho mọi người biết Phật Giáo hơn hẳn tất cả các tôn giáo khác. Phật Giáo cũng hơn hẳn tư tưởng của những người được xem là thông minh nhất thế giới, nhưng kém hiểu biết về tu tuệ do tu tập Thiền Quán mà có được.

Chuyện này không đơn giản. Bởi, mỗi tôn giáo đều cho tôn giáo của mình là số một, giáo chủ của mình là số một, giáo lý mình học là số một, không ai muốn mình thua người khác, không ai muốn giáo chủ của mình thua giáo chủ các tôn giáo khác. Tôn giáo nào cũng dạy điều hay lẽ phải, giúp cho con người hoàn thiện, giúp đỡ xã hội tốt đẹp hơn. Các tôn giáo không nên chống đối nhau, nhưng “hòa nhi bất đồng”. Ví dụ: Có 5 học sinh Tiểu Học, được học bởi 5 vị giáo sư khác nhau, 4 giáo sư kia đều có trình độ Trung Học, chỉ một giáo sư có trình độ Tiến Sĩ. Tuy nhiên tất cả các giáo sư đều đi vắng, còn lại 5 học sinh Tiểu Học bàn luận với nhau về trình độ, sự hiểu biết của mình và chứng minh giáo sư mình hơn giáo sư khác. Như vậy, người học sinh Tiểu Học được học với giáo sư trình độ Tiến Sĩ, muốn chứng tỏ là giáo sư họ giỏi hơn các giáo sư khác, kiến thức hiểu biết của người đó phải hơn hẳn bốn người kia, khi đó bốn người kia mới có thể đồng ý.

Chúng ta theo lời Đức Thế Tôn dạy, cố gắng tích cực tu hành đắc quả và hoằng pháp, noi gương các Tôn Giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ānanda, Phú Lâu Na, Ca Chiên Diên, v.v… khi Đức Thế Tôn còn tại thế, sẽ rất là quý giá.

Sách Đức Phật và Phật Pháp, viết[23]: “Này hỡi các Tỳ Khưu, Như Lai đã thoát ra khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay các cảnh Trời[24].

“Các con cũng vậy, này hỡi các Tỳ Khưu, các con cũng đã thoát ra khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay các cảnh Trời.

“Hãy ra đi, các Tỳ Khưu, đem sự tốt đẹp đến nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại[25]. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ Kheo, hãy hoằng dương Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng[26], vừa toàn thiện và trong sạch.

“Có những chúng sanh còn vướng ít nhiều cát bụi trong mắt và nếu không nghe được Giáo Pháp sẽ sa đọa. Cũng có những người sẽ am hiểu Giáo Pháp.

“Chính Như Lai cũng đi, Như Lai sẽ đi về hướng Uruvelā ở Senānigāma để hoằng dương Giáo Pháp.

“Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo Pháp cao siêu. Hãy mang sự tốt đẹp lại cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ”.

III. ẤN ĐỘ GIÁO HAY BÀ LA MÔN GIÁO CHỊU ẢNH HƯỞNG TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO:

Chư Tôn Thiền Đức, quý Phật Tử, học giả, những nhà khảo cổ… đã tìm thấy những tư tưởng gia Bà La Môn Giáo hay Ấn Độ Giáo đã chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo, nhất là chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Thừa hay Đại Thừa. 

Bài viết Truy Tìm Tự Ngã, Hòa Thượng Thích Tuệ Sĩ viết[27]:

“Kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa được kết tập không giống nhau. Kinh điển Nguyên thủy được kết tập theo dạng truyền khẩu; có những nét đẹp của nền văn học truyền khẩu. Kinh điển Đại thừa phần lớn được ký tải bằng văn tự, có những nét đẹp riêng của văn tự.

Văn học Đại thừa xuất hiện vào giai đoạn mà văn học Ấn Độ nói chung phát triển đến một hình thức nhất định, với văn chương thi ca, các thể loại về kịch, truyện, vốn rất ít được phổ biến trong thời Phật. Như kinh Pháp hoa chẳng hạn, mở đầu bằng nhân duyên Phật phóng quang, sau đó ngài Di-lặc hỏi, Văn-thù trả lời. Đó là phần mở đầu giới thiệu, như thường được thấy trong các thể loại kịch cổ. 

Trong kinh Kim-cang, chúng ta sẽ thấy không giống như kinh điển Đại Thừa khác, mà lại gần với Nguyên thủy ở chỗ Phật ôm bình bát khất thực xong rồi trở về Tinh xá. Sau bữa ăn, các vị tỳ-kheo thường tập hợp tại giảng đường để thảo luận giáo lý. Bấy giờ, trong đại chúng có sự hiện diện của Tu-bồ-đề; và ngài bắt đầu thưa hỏi. Ở đây, không mở đầu bằng sự phóng quang, hay những thần thông biến hóa khác. Nhìn từ ý nghĩa văn học, người ta giải thích rằng, những vấn đề được nêu trong kinh Kim-cang là những sự việc trong đời sống, là những cái ăn, cái uống, nghỉ ngơi, không phải trong thế giới huyền bí kỳ ảo như là của Hoa nghiêm, Pháp hoa.

Còn một nghĩa nữa mà chúng ta thấy có quan hệ đến lịch sử văn học. 

Trong các kinh điển Nguyên thủy, các vị tỳ-kheo buổi trưa sau khi thọ thực xong, nếu không tụ tập tại giảng đường, thì thường vắt tọa cụ trên vai, đi vào rừng, tìm đến một gốc cây mà ngồi nghỉ trưa. Có khi đức Phật ngồi ở một gốc cây, và các ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, cũng ngồi ở một gốc cây gần đó. Cho đến xế chiều, các tỳ-kheo ngồi gần đó liền đi tới ngài Xá-lợi-phất, tới đức Phật để đảnh lễ, hoặc thưa hỏi giáo lý. 

Trong kinh Kim-cang cũng thế; các tỳ-kheo tụ tập quanh đức Phật để chờ nghe Phật giảng Pháp.

Trong truyền thống Ấn Độ, các buổi giảng hay các lớp học của những người Bà-la-môn thường diễn ra giữa khu rừng, giữa cảnh thiên nhiên. Một lớp các đạo sĩ sống trong rừng, giảng giải ý nghĩa cũng như nghi thức Vệ-đà; tư tưởng triết học tôn giáo của họ được soạn tập thành bộ Sâm lâm thư. Đó là bộ Thánh điển về sau phát triển thành các Upanishad, tức Áo nghĩa thư.

Chúng ta nên hiểu tổng quát về Upanishad hay Áo nghĩa thư vì nó liên hệ tới kinh Kim-cang rất nhiều, là điểm để chúng ta có thể tin là kinh Kim-cang thật sự do Phật nói hay không. 

Một số vị nhận định kinh điển Bát-nhã từ hình thức kết cấu văn học đến nội dung tư tưởng, so sánh với các tập Upanishad, rồi kết luận Kim-cang cũng như toàn hệ Bát-nhã chỉ là một bộ phận của Upanishad, hay phỏng theo Upanishad; nghĩa là, không phải Phật thuyết.

Upanishad là giai đoạn phát triển cao của tư duy Ấn Độ, bắt đầu từ Vệ-đà. Có tất cả bốn bộ Vệ-đà, nhưng trong thời Phật chỉ mới xuất hiện có ba, mà kinh Phật gọi là Tam minh. Bà-la-môn tam minh là người thông thạo ba bộ Vệ-đà. “Minh” là từ Hán dịch của Vệ-đà. Thời Phật, chưa xuất hiện Upanishad.

Trên kia, chúng ta đã nói đến Sâm lâm thư. Đây là từ dịch tiếng Phạn Aranyaka. Ở nơi khác, chúng ta có nói các tỳ-kheo a-lan-nhã sống trong rừng thời đức Phật. A-lan-nhã là từ phiên âm của aranyaka. 

Luật tạng có kể, một thời, đức Phật nhập thất, không một tỳ-kheo nào được phép đến gần hương thất của Phật, trừ vị thị giả. Bấy giờ có một nhóm ba chục vị là những tỳ kheo a-lan-nhã đến thăm Phật. Vì Phật đang nhập thất, nên các vị tỳ-kheo tại trú xứ này ngăn cản. Nhưng các tỳ-kheo a-lan-nhã nói, họ được Phật cho phép đến gặp Ngài bất cứ lúc nào. Vì các vị này chỉ sống trong rừng nên ít có cơ hội gặp Phật. Rồi họ vẫn tới gõ cửa hương thất. Thật đáng kinh ngạc, từ trong thất đức Phật liền mở cửa.

Đức Phật truyền dạy những pháp gì cho các tỳ-kheo A-lan-nhã? Không có kinh điển nào tường thuật. Đức Phật đã có biệt thị đối với họ, tất cũng có giáo pháp biệt truyền cho họ. Pháp ấy là pháp gì? Kinh điển Nguyên thủy không đề cập.
Ngài Tu-bồ-đề cũng là một tỳ-kheo a-lan-nhã, như được xác định chính trong kinh Kim-cang. Truyền thống Pāli cũng xác nhận điều này.

Các tỳ-kheo a-lan-nhã thường tu tập Không tam muội, như được Phật nói trong kinh Đại không, Trung A-hàm. Sau thời Phật, các Trưởng lão chủ trì cuộc kết tập thứ hai cũng phần lớn tu tập Không tam muội, như được ghi chép trong Luật tạng. Các vị này cũng sống trong rừng. Không tam muội là thiền định y trên hành tướng vô ngã. Không và vô ngã là giáo nghĩa căn bản trong kinh Kim-cang. 

Kinh nói: Hết thảy pháp hữu vi đều là như chiêm bao, như huyễn thuật, v.v...; đó là nói về giáo nghĩa Tánh không và Vô ngã bằng kinh nghiệm trực giác hay thực chứng. Giáo nghĩa này về sau được các Bà-la-môn học Vệ-đà thay thế bằng học thuyết như huyễn tức māyā và hữu ngã tức ātman. Những điểm tư tưởng này là tinh yếu của các tập Upanishad. Nói một cách đại cương, thế giới này chỉ là huyễn hóa, vậy ta là ai, hay ta là cái gì, trong tấn tuồng huyễn hóa này? 

Như vậy có thể thấy ảnh hưởng của các tỳ-kheo a-lan-nhã đối với các đạo sĩ soạn tập Sâm lâm thư để rồi phát triển thành tư tưởng triết học Upanishad. Thế nhưng, về sau do sự phục hồi địa vị của giai cấp Bà-la-môn, những người Ấn Độ giáo thâu thái rất nhiều giáo nghĩa của Phật trong đó có giáo nghĩa Tánh không diễn thành như huyễn, rồi cho rằng tư tưởng Không trong các bộ Bát-nhã là do ảnh hưởng của Upanishad. Cũng có nhiều Phật tử tin điều này nên cho rằng kinh điển Bát-nhã cũng như của cả Đại thừa chịu ảnh hưởng của Bà-la-môn giáo, thay vì ngược lại”.

 Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, viết[28]:

“Tổng luận về ý nghĩa nội dung tổng quát bộ Thánh Truyền Thư Mandukya-karika, người ta còn gọi đấy là bộ Vô-Xúc Yoga (Asparsayoga). Vì rằng chủ thuyết chỉ về cái mà mọi người cho là đối tượng thực tại ở trước nhãn quan là giả hiệu, vô sai biệt, nhất nhất đều bình đẳng giả-hiệu-tính ở trong hư huyễn cả. Muốn đạt tới giác thức hư huyễn phải tu theo phép Thiền định. Khi mà tâm thức đã đạt đến hư huyễn rồi thì không còn thấy luận thuyết của bất cứ tông phái nào là mâu thuẫn, là dị đồng nữa để mà có thể chấp nhận tất cả. Thế nên, bình luận về Gaudapada, nhiều học giả cho rằng, ông tuy ở phái Védanta nhưng tâm hồn thời nhiễm nhiều Phật thuyết, không những từ tư tưởng mà đến cả những danh từ dùng để phát huy tư tưởng, ông cũng mượn rất nhiều của phái Trung Quán và phái Duy Thức để diễn đạt.

Đến khi Sankara (khoảng 700 – 750) xuất hiện, ông tiếp xứng đáng là triết gia cự phách trong học phái Védanta. Tư tưởng ông cao rộng đến độ không những đương thời phải khuất phục mà còn làm rường cột cho nhiều hệ phái triết học về thời trung cổ sau này, lấy đấy làm trung điểm suy luận bàn bạc”.

 Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, viết tiếp[29]:

 “Bình luận về học thuyết của Gaudapada và Sankara, giới thức giả Ấn Độ đặt chung hai học thuyết này vào một loại, gọi là học thuyết Maya (Mayavada) hay là Giả-Hiên-Thuyết (Vivartavada). Tổng chung, thuyết Giả Hiên chịu nhiều ảnh hưởng của Phật Giáo Đại Thừa, tuy nhiên, hai ông lại đứng trong học phái Védanta Bà-La-Môn lấy Brahman làm chủ-tể nên những người ghen ghét thường chế bỉu hai ông là phường Phật tử hai mặt (Pracchanna Buddha)”.

Sách Hành trình về phương Đông, viết[30]: “Tất cả nguyên nhân này đều chứa chấp trong Tàng thức (A Lại Da thức) và trở nên một động lực chi phối đời ta”. Trang 155 viết tiếp[31]: “Hiện nay, tất cả đang chuẩn bị cho một vận hội mới, đó là sự lâm phàm của đức chưởng giáo tương lai mà danh từ chính xác nhất gọi là Di Lặc Bồ Tát”. Rồi trang 172~173 viết[32]: “Trong mỗi chúng ta đều có các chủng tử xấu, tốt do các duyên, nghiệp từ tiền kiếp để lại. Tùy theo điều kiện bên ngoài mà những chủng tử này nẩy mầm, phát triển hay thui chột, không thể phát triển. Một người tu thân là một người biết mình, lo vun xới tinh thần để các nhân tốt phát triển giống như một người làm vườn lo trồng hoa và nhổ đi cỏ dại”.

Các câu trong sách Hành trình về phương Đông là tư tưởng Phật Giáo, mà Bà La Môn, tức Ấn Độ Giáo đã góp nhặt vào làm tư tưởng của Ấn Độ Giáo. Chúng ta thấy các danh từ như Tàng Thức (A Lại Da Thức), chủng tử là những danh từ trong Duy Thức Tông của Phật Giáo. Rồi Di Lặc Bồ Tát là vị Phật tương lai của Phật Giáo. Trong Tạng Kinh Nikāya có viết Phật Di Lặc.

Trong Ấn Độ Giáo hay Bà La Môn Giáo, các học phái Vedānta và Yoga đã chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo.

Phái Vedānta do Bạt Đa La Diễn Na (S: Bādarāyaṇa) sáng lập khoảng thế kỷ I Tây Lịch, tức là sau khi Đức Thế Tôn nhập Đại Niết Bàn hơn 544 năm và biên soạn khoảng thế kỷ V, tức là sau khi Đức Thế Tôn nhập Đại Niết Bàn hơn 1000 năm. Phái này có nhiều học giả như Cao-đạt-phạ-đạt (S: Gauḍapāda), Thương-yết-la-a-xà-lê (S: Śaṅkarācārya) đã chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo.

Phái Yoga còn gọi là Du-già ngoại đạo cũng là một trong sáu phái triết học Ấn Độ, theo tương truyền ra đời sau Đức Thế Tôn xuất thế khoảng 400 năm, còn thực tế phái này ra đời sau Đức Thế Tôn khoảng 900 năm. Phái này đã chịu rất nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo. 

Sách Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ, viết[33]: “Những gì được gọi là Yoga ngày nay thực sự chỉ là một sự phát triển sau đó. Patanjali (nhà hiền triết Ấn Độ, người sáng lập hệ thống triết học “Yoga”) đã sống sau thời Đức Phật khoảng 500 năm, và cố nhiên Yoga Sutra (hệ thống triết học Yoga) cho thấy rõ sự ảnh hưởng của những lời Đức Phật dạy trong đó”.

Sách Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, viết[34]: “Nhận xét về chủ trương tổng quát của đạo phái Yoga, ta thấy Yoga chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo”. Thật vậy, như “tám thức” trong Duy Thức Học của Phật Giáo được học phái Yoga chịu ảnh hưởng đầy đủ.

Sách Yoga Tổng Quát, viết[35]: “Yoga và Duy Thức Luận.

Theo trật tự xã hội trên thế giới thì nhân loại chia là ba cấp bực là: thượng lưu, trung lưu và hạ lưu.

Theo Duy Thức Luận (H: 惟 识 论) thì nhân loại trên thế giới dầu là bực thượng lưu, trung lưu hay hạ lưu đều thuộc vào ba hạng người sau đây:

1. Hạng người chú trọng về tiền tài, lợi lộc, háo danh, ưa uy quyền, ham mê sắc dục mà lại muốn sống lâu. Đó là hạng người mà sáu cái thức đầu, gọi là lục thức (H: 六 识), được phát triển mạnh.

2. Hạng người có tư tưởng độc tài trên mọi phương diện, lúc làm điều gì cũng muốn mình được trên hết mọi người, tưởng mình là chúa tể của mọi người (tùy theo cấp bực, lãnh vực hay vị trí). Họ chỉ lo nghĩ những điều lợi ích riêng cho họ. Họ thấy trên thế gian này chỉ có một mình họ và không còn có ai khác. Tư tưởng của họ làm việc không ngừng nghỉ để đáp ứng đòi hỏi của thức Mạt Na (H: 末 那 识). Ở hạng người này cái thức Mạt Na là cái thức thứ bảy được phát triển mạnh.

3. Hạng người thứ ba hay nghĩ đến việc tội, phước hay nghĩ đến chuyện viễn vông, xa vời những chuyện nhơn quần xã hội. Họ thường lo nghĩ đến những chưyện người khác và luôn luôn quên mình. Họ quên cái xác thân hiện hữu, họ không hề nghĩ tưởng những mưu sâu, kế độc để làm hại người khác và làm lợi riêng cho họ. Chính ở nơi hạng người này, cái thức A-Lai-Da (H: 阿 赖 耶 识) tương đồng với thuyết vô thức tập hợp của Freud là thức thứ tám có phần linh động hơn hết. A-Lại-Da là cái thức tàng trử, nó chứa đựng các sự việc mà tâm linh của con người đã trải qua trong nhiều kiếp luân hồi. Tóm lại A-Lại-Da là cái thức gợi cảm những điều nhơn quả và tìm lối thoát thân ra khỏi kiếp đời hiện tại”.

Đây là Bà La Môn Giáo chịu ảnh hưởng triết lý Duy Thức của Đại Thừa Phật Giáo.

Nếu có người cho rằng Phật Thừa hay Đại Thừa chịu ảnh hưởng tư tưởng của Bà La Môn Giáo là người đó rất sai lầm. Có nhiều nguyên nhân gây ra sự hiểu lầm, trong đó nguyên nhân chính là do chính quyền Hồi Giáo tàn sát Phật Giáo, từ đó khiến cho tại Ấn Độ chưa có các vị Phật Giáo công bố đến khắp thế giới để thấy sự khác biệt giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo hay Ấn Độ Giáo, như các vị Đại Luận Sư Đức Huệ, Bồ Tát Thế Thân, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, v.v… đã viết rõ ràng ở những thế kỷ trước khi chính quyền Hồi Giáo xâm lăng Ấn Độ. Hiện nay, sự thật đã chứng minh, nhờ các nhà khảo cổ cho biết niên đại xuất xứ của từng trường phái triết học Ấn Độ, và nhờ sự đối chiếu kinh sách Phật Giáo và Bà La Môn Giáo của Chư Tôn Thiền Đức, quý Phật Tử, học giả, v.v…, chúng ta thấy rõ ràng Ấn Độ Giáo hay Bà La Môn Giáo đã chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Phật Giáo, nhất là chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng Phật Thừa.



[1] Tam Tạng Trần Huyền Trang, Đại Đường Tây Vực Ký, Bút Ký Đường Tăng. Biên dịch: Tiến sĩ Lê Sơn, chú giải: Tiến sĩ Nhuế Truyền Minh, nhuận sắc: Hòa Thượng Thích Phước Sơn, nhà xuất bản Phương Đông, xuất bản tại Việt Nam năm 2006, trang 323~324.

[2] Pháp hội: là việc tập hợp Tăng lữ thuyết pháp, cúng Phật, bố thí. “Pháp Hoa Kinh – Phẩm Tùy Hỉ Công Đức” viết: “Người đến dự pháp hội được nghe kinh điển”. Ở đây chỉ Vô Già đại hội do vua Giới Nhật tổ chức.

[3] Thích Hằng Đạt soạn dịch, Tôn Giả A Để Sa - Atisa, xuất bản tại Hoa Kỳ, trang 72~115.

[4] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản tại Việt Nam năm 1967, trang 402~403.

[5] Như trên trang 409~412.

[6] A. C. Ahir, Vì sao Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ. Trần Đức Phi Bằng dịch.

Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org

[7] Như trên.

[8] Như trên.

[9] Tam Tạng Trần Huyền Trang, Đại Đường Tây Vực Ký, Bút Ký Đường Tăng. Biên dịch: Tiến sĩ Lê Sơn, chú giải: Tiến sĩ Nhuế Truyền Minh, nhuận sắc: Hòa Thượng Thích Phước Sơn, nhà xuất bản Phương Đông in tại Việt Nam trang 638.

[10] A. C. Ahir, Vì sao Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ. Trần Đức Phi Bằng dịch.

Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org

[11] Như trên.

[12] Như trên.

[13] Như trên.

[14] Như trên.

[15] Như trên.

[16] Phạm Thiên Sahampati biến mất từ thế giới Phạm Thiên và hiện ra ở thế giới loài người, cầu thỉnh Đức Thế Tôn thuyết pháp. Vui lòng xem thêm Kinh Thánh Cầu (P: Ariyapariyesanasuttam), kinh số 26, Trung Bộ Kinh.

[17] A. C. Ahir, Vì sao Phật giáo suy tàn tại Ấn Độ. Trần Đức Phi Bằng dịch.

Nguồn: http://www.thuvienhoasen.org

[18] Như trên.

[19] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, xuất bản tại Việt Nam trang 410~411.

[20] Chủ biên: Thẩm Kiên, 10 Đại Hoàng Đế Thế Giới. Người dịch: Phong Đảo, nhà sách Văn Lang, xuất bản tại Việt Nam năm 2003, trang 174.

[21] Chủ biên: Thẩm Kiên, 10 Đại Hoàng Đế Thế Giới, nhà sách Văn Lang xuất bản tại Việt Nam, năm 2003, trang 175~176.

[22] Như trên, trang 173~174.

[23] Nārada Mahā Thera, The Buddha and his teachings, Đức Phật và Phật Pháp. Phạm Kim Khánh dịch, Thích Ca Thiền Viện xuất bản tại Hoa kỳ, Phật lịch 2545 – 2001, trang 124~125.

[24]Mahāvagga, trang 19 – 20.

[25] Nên ghi nhận danh từ chư Thiên, các vị Trời (Deva).

[26] Chữ Pāli brahmacariya ở đây không có gì liên quan đến một vị Thần Linh hay Phạm Thiên, mà có nghĩa là cao quý, thiêng liêng. Công bố đời sống cao thượng có nghĩa là ban hành lễ xuất gia.

[27] Nguồn: TS Pháp Luân số 60.

[28] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch sử Triết học Ấn Độ, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản tại Việt Nam năm 1967, trang 372.

[29] Như trên, trang 376.

[30] Baird Spalding, Journey to the East, Hành trình về phương Đông. Nguyên Phong dịch, Người Việt tái bản tại Hoa kỳ, năm 1990, trang 52.

[31] Như trên, trang 155.

[32] Như trên, trang 172~173.

[33] Thiền Sư Goenka, Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ, Dịch giả: Tỳ Khưu Pháp Thông, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, xuất bản tại Việt Nam, năm 2006, trang 464.

[34] Hòa Thượng Thích Mãn Giác, Lịch Sử Triết Học Ấn Độ, Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản năm 1967 tại Việt nam, trang 299.

[35] Nawami, Yoga Tổng Quát, nhà sách Đông Nam Á tái bản tại Pháp năm 1984, trang 18~20.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
30 Tháng Ba 2015(Xem: 6456)
Tôi rất tiếc được biết đến Ngài Thích Thông Lạc hơn hai năm sau khi Ngài tịch diệt ... Vì khi nghe lại những bài giãng của Ngài thì có sanh ra vô vàn câu hỏi !!! Xin cám ơn quý vị đã cho nêu lên vài câu hỏi ở đây.