Lời Tựa Đầu Tiên Của Sách Giảng Rộng Bài Văn Âm Chất

19 Tháng Chín 201403:49(Xem: 9031)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014


Lời Tựa Đầu Tiên Của Sách Giảng Rộng Bài Văn Âm Chất


Kinh Dịch nói rằng: “Nhà nào thường làm việc thiện, ắt sẽ được nhiều điều tốt đẹp.” Kinh Thư viết: “Làm việc thiện được hưởng trăm điều tốt lành.” Sách Tả thị xuân thu cũng có nói: “Việc họa phúc vốn không ai định trước, chỉ là do con người tự chuốc lấy.” Thế nên biết rằng, những việc tốt lành hay tai họa vốn là lẽ tất nhiên trong trời đất. Tôn chỉ của Tam giáo vốn không khác nhau, đều cùng một lý. Nhà Nho khi nghe đến thuyết nhân quả là do nhà Phật nói ra, liền quy cho những chuyện như thuận đạo tốt, nghịch đạo xấu, nhân quả theo nhau như bóng với hình, như tiếng vọng với âm thanh... hết thảy đều là của nhà Phật. Lại cho rằng người chết rồi không còn có đời sau, làm thiện làm ác đều không có báo ứng... Nhưng ví như người không tin nhân quả thì chẳng có gì phải sợ sệt, rốt cùng hẳn chỉ muốn làm kẻ tiểu nhân mà thôi.
Đức Văn Xương Đế Quân, hiện thân hiền thánh trong đời để thuyết pháp, soạn ra bài văn Âm chất để răn dạy người đọc sách, ngay từ đầu đã viết rằng: “Ta trải qua mười bảy đời đều sinh ra làm kẻ sĩ...” Như vậy rõ ràng đời này quyết còn có đời sau, chưa từng dứt mất. Tiếp đó lại viết: “Người giữ lòng lành được như ta, trời ắt ban phúc”, cho thấy chuyện thiện ác rõ ràng là có báo ứng, không mảy may sai lệch. Đến cuối bài lại viết: “Ngưỡng vọng thánh hiền xưa, thận trọng xét mình không lầm lỗi; hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.” Thật càng biểu hiện rõ, chưa từng thấy ai có tấm lòng thương đời cứu người hết sức khó nhọc, chân thành chí thiết đến như thế, quả không phải việc nhà Nho chúng ta có thể gánh vác chu toàn, chẳng sợ làm hỏng việc mất sao?
Tiên sinh Chu An Sĩ đọc qua hết các sách của Tam giáo, chọn lọc các luận điểm của trăm nhà, rồi mang bài văn Âm chất của Văn Xương Đế Quân ra phân tích từng câu từng chữ thật tường tận, đưa vào các chú giải, chú thích, hết sức rõ ràng minh bạch, lại giảng rộng thêm vào những chỗ ý thú chưa trọn vẹn, phát huy những nghĩa lý mầu nhiệm trước đây chưa từng được nghe, gạn lọc bỏ đi những chuyện tầm thường hủ bại, viễn vông không đúng thật, dứt khoát phá trừ những kiến thức thiển cận, hạn hẹp, như thế suốt thông hơn mười vạn câu, lấy tên là Âm chất văn quảng nghĩa. Tiên sinh Tiêu Tụng Hy đọc qua hết sức ngợi khen thích thú, chỉ lấy làm tiếc vì việc khắc bản in còn dở dang chưa được nửa phần, lập tức đứng ra khởi xướng quyên góp cho việc này. Tiếp theo lại được các ông Cố Thọ Kỳ, Kim Nghiêu Phong, La Doãn Mai hợp lực hỗ trợ, huynh đệ tiếp nối nhau cùng gắng sức nên việc được thành tựu.
Khi việc khắc bản hoàn tất, Chu Tiên sinh muốn tôi viết cho lời tựa. Tôi đọc qua sách này rồi cảm thán rằng: “Tiên sinh đã có thể thương xót dùng lời răn dạy để sửa lỗi cho những kẻ sai lầm, các vị huynh đệ lại có thể cùng nhau quyên góp giúp sức làm nên việc tốt đẹp cho người đời. Tâm lành hội tụ, càng thêm huy hoàng lợi lạc, chỉ mong sao những ai có duyên may được đọc sách này đều tự thân ra sức thực hành, tự mình hướng thiện rồi dẫn dắt người khác cùng nhau tiến lên.”
Những lời vàng ngọc của Đế Quân không thể để đi vào quên lãng, ắt phải được rộng truyền đến tất cả những kẻ có lòng, đâu chỉ giới hạn ở năm ba người quân tử. Tôi thật kỳ vọng ở việc này lắm thay!
Lâu Đông Đường Tốn Hoa kính ghi
Văn Xương Đế Quân Âm chất văn
Đế Quân nói rằng: “Ta trải qua 17 đời sinh ra làm kẻ sĩ có quyền thế, chưa từng bạo ngược với dân, tàn khốc với thuộc cấp; thường cứu người khi nguy nan, giúp người khi khẩn thiết, thương xót người cô độc, khoan thứ kẻ lỗi lầm, rộng làm những việc phúc thiện, tích âm đức, thấu tận trời xanh. Nếu ai có thể giữ tâm hiền thiện như ta, ắt được trời ban phước lành. Do đó mà ta có lời răn dạy mọi người rằng:
‘Xưa Vu Công giữ việc xử án, xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa; họ Đậu giúp đỡ muôn người, một cội sinh năm cành quế; Tống Giao cứu đàn kiến, trúng tuyển trạng nguyên; Thúc Ngao chôn xác rắn, sau làm tể tướng. Muốn tạo ruộng phước rộng sâu, ắt phải dựa vào một tấm lòng này; ngày ngày thường dùng các phương tiện, làm đủ mọi việc lành, tích âm đức; lợi người lợi vật, làm thiện tích phước. Chính trực thay trời hành đạo dạy người, mở rộng lòng từ, vì nước cứu dân.
Đối xử với người phải giữ lòng trung, với cha mẹ ông bà phải hết lòng hiếu thảo; với anh em phải giữ lòng kính trọng, thương yêu lẫn nhau, với bạn hữu phải giữ lòng tin cậy. Hoặc phụng chân triều đẩu, hoặc thờ Phật học kinh, thường nhớ nghĩ làm theo lời Phật dạy. Báo đáp bốn ơn sâu, thực hành rộng khắp theo Tam giáo.
Giúp người khẩn cấp như cá mắc cạn; cứu người nguy nan như chim bị lưới siết. Xót thương trẻ mồ côi, giúp đỡ người góa bụa; kính trọng người già, thương kẻ nghèo khó; chu cấp cơm ăn áo mặc cho người lỡ đường đói rét; giúp quan quách cho nhà nghèo khó để thi hài người chết được ấm cúng. Nhà giàu sang phải nâng đỡ thân thích; mất mùa đói kém phải cứu giúp lối xóm. Cân đo phải công bằng, không được bán ra non, thu vào già. Với kẻ dưới phải khoan thứ, không nên khắc nghiệt, soi mói.
Nên góp phần in ấn rộng truyền kinh sách, xây dựng tu sửa chùa chiền, tu viện. Giúp thuốc thang cứu người bệnh khổ, giúp nước uống giải cơn khát cho người. Hoặc bỏ tiền mua vật sống phóng sinh, hoặc ăn chay từ bỏ sự giết hại. Mỗi khi cất bước, phải chú ý quan sát để không giẫm đạp các loài côn trùng; không đốt lửa gây cháy rừng cháy núi. Đêm tối giúp người đi đường có đèn soi sáng; sông rộng giúp thuyền bè đưa người qua lại. Không dùng lưới bắt các loài chim thú trên cạn, không dùng thuốc độc bắt các loài cá tôm dưới nước. Không giết thịt trâu cày; không vất bỏ giấy có chữ viết. Không mưu mô lấy tài sản người khác; không ganh tỵ với người có tài năng kỹ xảo. Không tư tình tà niệm với vợ người. Không xúi giục người trong việc tranh tụng. Không hủy hoại đường danh lợi của người khác, không làm tan vỡ chuyện hôn nhân của người. Không vì chuyện thù oán riêng mà làm cho anh em nhà người sinh chuyện bất hòa; không vì chút lợi nhỏ cho riêng mình mà khiến cha con người khác trở thành xung khắc. Không dựa vào quyền thế làm nhục kẻ hiền lương; không ỷ mình giàu sang khinh rẻ người cùng khốn.
Gặp người hiền thiện phải thân cận, gần gũi, vì có thể giúp ta tăng thêm đức tốt của tâm, hạnh lành của thân. Gặp người xấu ác phải xa lánh ngay, vì chỉ trong chớp mắt có thể mang đến cho ta tai họa khôn lường. Thường phải tu tập dẹp trừ điều xấu ác, phát huy những việc tốt lành; miệng nói ra những lời đúng thật thì trong lòng không được nghĩ điều sai quấy. Phát dọn gai góc lùm bụi chướng ngại đường sá, dọn sạch đá gạch ngăn giữa lối đi. Đường sá gập gềnh đã lâu năm thì góp sức tu sửa, san phẳng; sông rộng có ngàn vạn người thường qua lại thì ra công bắc cầu.
Lấy tình thương ngỏ lời dạy bảo, sửa lỗi cho người. Quyên góp tiền bạc giúp người thành tựu những điều tốt đẹp. Làm việc gì cũng noi theo đạo lý, nói ra lời nào cũng thuận với lòng người. Kính ngưỡng bậc thánh hiền tiên triết, dù đi đứng nằm ngồi vẫn thường nghĩ nhớ; cẩn thận giữ gìn phẩm hạnh để lúc một mình tĩnh tâm không thấy có gì phải hổ thẹn với lòng. Hết thảy việc ác quyết không làm, hết thảy việc lành xin vâng theo.
Vĩnh viễn không gặp điềm dữ, thường thường được thiện thần giúp đỡ. Phước báo đến nhanh thì tự thân được hưởng, chậm thì lưu lại đến cháu con. Trăm điều phúc lành đồng thời đến, ngàn việc tốt đẹp hội tụ về, chẳng phải nhờ việc tích tạo âm đức mà được như thế đó sao?
Phần bổ khuyết
Tiên sinh An Sĩ biên soạn sách này, từ những lý lẽ, sự kiện cho đến văn chương ý nghĩa đều trọn vẹn, chu đáo.
Tuy nhiên, có 5 sự việc là:
1. Hóa thân sau cùng của Đế Quân
2. Vu Công giữ việc xử án
3. Đậu thị giúp đỡ muôn người
4. Tống Giao cứu kiến
5. Thúc Ngao chôn xác rắn
Tiên sinh khi khảo xét các chuyện này, hoặc vì có những chuyện chưa từng được chính thức ghi chép, hoặc vì có những chuyện thấy đã đăng tải đầy đủ nơi các sách khác, người đời sau đều rõ biết, nên lược bỏ đi.
Thế nhưng, như thế thì những người chưa từng đọc qua nhiều sách vở hẳn không thể biết được những chuyện này. Đây quả thật là một điều hết sức đáng tiếc cho đời sau. Vì vậy, nay căn cứ vào các bản chú thích, dẫn chứng của bài văn Âm chất để ghi chép thêm vào bản in lần này các chuyện nói trên, khiến cho sự thật được rõ ràng.
Nhưng cũng chỉ là y theo nguyên văn mà chép lại, không sửa đổi gì cả.
Thích Ấn Quang kính ghi
Hóa thân sau cùng của Đế Quân
Đế Quân sinh vào đời nhà Tấn, họ Trương, tên Á, tổ tiên vốn người đất Việt, sau dời về đất Thục, sống ở Tử Đồng (Tứ Xuyên). Ngài lớn lên tuấn tú nho nhã, tánh tình phóng khoáng, độ lượng, văn chương diễm tuyệt, sáng rõ mà khoáng đãng, trở thành bậc thầy nơi đất Thục. Cảm khái trước thời cuộc bất ổn lúc bấy giờ, ngài lên đường chu du phương xa. Về sau, những môn nhân đã từng theo học liền cùng nhau lập đền thờ ngài, đề tên là Văn Xương Quân.
Vào đời nhà Đường, hai vị vua là Đường Huyền Tông và Đường Hy Tông nhân khi tránh giặc loạn chạy vào đất Thục, đều được ngài hiển linh bảo vệ, giúp đỡ. Giặc yên, vua xuống chiếu phong ngài là Tấn vương. Người đời sau tôn xưng là Đế, đều là do nơi lòng tôn kính đối với ngài.
Vu Công xử án, xây cổng lớn đợi xe bốn ngựa
Vu Công sinh vào thời nhà Hán, người quận Đông Hải, giữ chức quan coi việc xử án trong huyện. Quận Đông Hải có người thiếu phụ góa chồng hết sức hiếu thảo, quyết lòng ở vậy thủ tiết thờ chồng, nuôi dưỡng mẹ chồng vô cùng chu đáo. Mẹ chồng thương, sợ mình làm cản trở việc tái giá của con dâu, liền treo cổ tự vẫn. Đứa con gái bà lại vu cáo rằng cô con dâu đã bức tử mẹ chồng. Người góa phụ kia không sao tự mình biện bạch.
Vu Công biết là án oan, cố sức bảo vệ, nhưng quan thái thú khi ấy chẳng nghe lời. Người góa phụ bị xử tội chết. Liền sau đó quận Đông Hải bị hạn hán suốt 3 năm.
Nhân khi có quan thái thú mới đến thay, Vu Công mang vụ án oan trình lên. Quan thái thú nhờ ông đến trước mộ người góa phụ hiếu thảo bị oan mà cúng tế. Ngay sau đó trời đổ mưa lớn.
Vu Công làm việc, mỗi khi đưa ra nhận định, phán đoán quyết án đều được người dân kính phục nghe theo. Cổng lớn nhà ông bị đổ, các vị phụ lão hương thân cùng kéo đến bàn việc xây lại. Vu Công nói: “Nên làm cổng sao cho xe bốn ngựa sau này có thể đi qua được. Ta giữ việc xử án, tích chứa nhiều âm đức, chưa từng quyết xử oan uổng, con cháu sau này ắt phải hưng thịnh.”
Sau con trai ông có công lớn với nước nhà, quả nhiên làm đến chức Thừa tướng, được phong tước Bình Tây Hầu, con cháu đời đời được nối truyền giữ chức Ngự sử Đại phu.
Họ Đậu giúp đỡ muôn người, một cội sinh năm cành quế
Thời Ngũ đại, Đậu Vũ Quân người Yên Sơn, đã hơn 30 tuổi mà chưa có con. Một hôm nằm mộng thấy ông nội đã mất hiện về dạy rằng: “Con chẳng những là không có con, mà còn yểu mạng nữa. Nên sớm lo tu dưỡng phước đức, cầu chuyển mệnh trời.”
Đậu Vũ Quân do chuyện ấy mà nỗ lực làm nhiều việc thiện. Có người giúp việc trong nhà lấy trộm của ông hai trăm ngàn đồng tiền, chuyện vỡ lở, liền tự viết giấy bán đứa con gái nhỏ để bồi hoàn. Giấy viết rằng: “Tôi bán đứa con gái này vĩnh viễn, để bồi thường vào khoản tiền thiếu nợ.” Về sau, người này lại trốn đi mất. Đậu Vũ Quân thương xót, liền đốt giấy nợ, nhận đứa con gái ấy làm con nuôi, lớn lên lại lo chu đáo việc chọn nơi gả chồng. Những người thân thích nội ngoại, nhà ai có tang mà nghèo túng không thể lo liệu, ông đều xuất tiền giúp việc mai táng; nhà ai có con gái không đủ tiền lo việc cưới gả, ông cũng xuất tiền giúp cho.
Ông tính toán thu nhập trong mỗi năm, giữ lại vừa đủ chi dùng trong năm, còn bao nhiêu đều mang ra giúp đỡ người khác hết. Sinh hoạt trong gia đình lại hết sức cần kiệm, không vàng ngọc trang sức, không thê thiếp nàng hầu. Ông lập một thư viện ở góc phía nam trong nhà, sưu tập được đến hơn ngàn quyển sách, rồi mời thầy đến mở lớp dạy học cho những học trò mồ côi hoặc nghèo khó ở khắp nơi, cung cấp đầy đủ mọi nhu cầu ăn học. Những người nhờ ông giúp đỡ như thế về sau được hiển đạt rất nhiều.
Chẳng bao lâu sau, ông liên tiếp sinh được 5 người con trai, tất cả đều thông minh tuấn tú. Sau đó, ông lại nằm mộng thấy ông nội hiện về nói: “Từ nhiều năm nay, con làm được những việc công đức lớn lao lắm. Tên con nay đã được ghi trên sổ thiên tào, con sẽ sống thêm được 3 kỷ nữa. Năm đứa con rồi đầy đều sẽ được vinh hiển. Con nên cố gắng làm việc thiện nhiều hơn, không được lười nhác, thối thất tâm lành xưa nay.”
Về sau, con trưởng của ông là Đậu Nghi làm đến chức Lễ Bộ Thượng Thư. Con thứ là Đậu Nghiễm làm đến Lễ Bộ Thị Lang. Con thứ ba là Đậu Khản làm quan Tả Bổ Quyết. Con thứ tư là Đậu Xưng làm Tả Gián Nghị Đại phu, được tham gia những việc chính sự quan trọng. Con thứ năm là Đậu Hy làm quan Khởi Cư Lang. Tám người cháu sau đó cũng đều được vinh hiển phú quý.
Ông thọ đến 82 tuổi, một hôm không bệnh, trong lúc đang cùng thân quyến trò chuyện cười nói, bỗng an nhiên mà đi.
Bậc danh sĩ là Phùng Đạo có bài thơ tặng ông như sau:
Yên Sơn có Đậu Vũ Quân,
Dạy con theo đạo nghĩa nhân chí tình,
Cha lành một cội uy linh,
Sinh con hiển hách năm cành quế thơm.
Tống Giao cứu kiến, trúng tuyển trạng nguyên
Đời nhà Tống, có hai anh em là Tống Giao, Tống Kỳ. Một hôm đang cùng ngồi đọc sách, có vị tăng nhìn thấy, xem tướng mạo rồi nói: “Người em sẽ chiếm bảng khôi nguyên, người anh cũng sẽ đậu cao.”
Mùa xuân năm sau, vị tăng ấy gặp lại, vui mừng nói với người anh là Tống Giao rằng: “Con hẳn đã từng cứu sống được trăm vạn sinh mạng!” Tống Giao bật cười nói: “Con là học trò nghèo khổ, có sức đâu làm được việc như thế!”
Vị tăng nói: “Không nhất thiết phải là việc cứu người, dẫu muôn loài trùng bọ có sự sống đều kể là sinh mạng.”
Tống Giao nói: “Có một tổ kiến bị mưa lớn tràn ngập, con lấy cành trúc làm cầu cứu sống đàn kiến. Có lẽ là việc ấy chăng?”
Vị tăng nói: “Quả đúng vậy rồi. Do chuyện này mà năm nay em con tuy vẫn chiếm khôi nguyên, nhưng cuối cùng rồi con không thể kém nó.”
Đến kỳ công bố kết quả thi, quả nhiên Tống Kỳ đậu trạng nguyên. Triều đình lập biểu chương trình lên Thái hậu. Thái hậu xem qua, cho rằng em không thể đặt trên anh, liền phóng bút sửa bài Tống Giao thành đệ nhất, còn Tống Kỳ thì từ đệ nhất (一) thêm vào một nét thành đệ thập (十).
Khi ấy mới biết lời vị tăng đã nói quả nhiên không sai.
Thúc Ngao chôn rắn, sau làm tể tướng
Tôn Thúc Ngao người nước Sở, thuở thiếu thời thường đi chơi đó đây. Một hôm nhìn thấy con rắn có hai đầu, liền giết đi rồi đem chôn. Về nhà lo buồn bỏ ăn. Người mẹ gạn hỏi sự việc, Thúc Ngao khóc mà nói rằng: “Con nghe người ta nói rằng ai nhìn thấy rắn hai đầu ắt phải chết. Hôm nay con đã nhìn thấy, sợ rằng phải chết mà bỏ mẹ.”
Người mẹ hỏi: “Hiện giờ con rắn ấy ở đâu?”
Thúc Ngao đáp: “Con sợ có người khác nhìn thấy nó mang hại nên đã giết mang chôn đi rồi.”
Người mẹ nói: “Đừng lo, mẹ nghe nói rằng người làm việc tích âm đức ắt được báo ứng tốt đẹp. Con ngày sau ắt sẽ được hưng vượng nơi đất Sở này.”
Quả nhiên, về sau Tôn Thúc Ngao làm Lệnh Doãn, giữ quyền chính nước Sở.
Thư mục kinh sách tham khảo trong Tam giáo
1. A-dục vương kinh
2. A-xà-thế vương thọ quyết kinh
3. Bắc ngụy sử
4. Bách duyên kinh
5. Bà-sa luận
6. Bộ hư kinh
7. Bút thừa
8. Cảm ứng thiên khuyến trừng lục
9. Cát an phủ cựu chí
10. Chánh pháp niệm xứ kinh
11. Chiết phục la-hán kinh
12. Chu lễ
13. Chu thư dị ký
14. Cổ sử đàm uyển
15. Côn sơn huyện chí
16. Công quá cách
17. Danh thần ngôn hành lục
18. Di-lặc hạ sanh kinh
19. Đại A-di-đà kinh
20. Đại Bảo Tích kinh
21. Đại Bát Niết-bàn kinh
22. Đại Bát-nhã kinh
23. Đại phương quảng tổng trì kinh
24. Đại quyền Bồ tát kinh
25. Đại tạng nhứt lãm
26. Đại tập kinh
27. Đại Trí độ luận
28. Đạo tạng pháp luân kinh
29. Đạo tạng toàn tập chú
30. Đồng nhơn phủ chí
31. Đường thư
32. Giải thoát yếu môn
33. Hán pháp bổn nội truyện
34. Hán thư
35. Hiền ngu nhơn duyên kinh
36. Hiện quả tùy lục
37. Hộ pháp luận
38. Hoa nghiêm kinh
39. Hoang chánh bị lãm
40. Hoằng minh tập
41. Hoàng minh thông kỷ
42. Học sĩ yếu châm
43. Khởi thế nhơn bổn kinh
44. Khổng tử tập ngữ
45. Kim cang kinh giải
46. Kim sử
47. Kim thang biên
48. Kinh luật dị tướng
49. Lăng nghiêm kinh
50. Lão tử thăng huyền kinh
51. Lập thế A-tỳ đàm luận
52. Lâu thán chánh pháp kinh
53. Lâu-chí trưởng giả kinh
54. Lễ ký
55. Liệt tử
56. Linh bảo kinh
57. Lương Cao tăng truyện
58. Lương hoàng bảo sám
59. Lương thư
60. Mặc tử truyện
61. Minh báo thập di
62. Minh tường ký
63. Mộng khê bút đàm
64. Nam xương phủ chí
65. Nghiệp báo sai biệt kinh
66. Ngũ mẫu tử kinh
67. Nhật minh Bồ tát kinh
68. Nhật tri lục
69. Phân biệt công đức kinh
70. Pháp cú dụ kinh
71. Pháp giới an lập đồ
72. Pháp hoa kinh
73. Pháp hỷ chí
74. Pháp uyển châu lâm
75. Phát giác tịnh tâm kinh
76. Phật tổ thông tải
77. Phó pháp tạng kinh
78. Phước báo kinh
79. Quần tiên châu ngọc
80. Quảng nhơn lục
81. Quảng từ biên
82. Sa-di luật
83. Sử ký chánh nghĩa
84. Sử lâm
85. Tả truyện
86. Tam giáo bình tâm luận
87. Tam thiên phật danh kinh
88. Tấn thư
89. Tạp bảo tạng kinh
90. Tạp thí dụ kinh
91. Thái thượng thanh tịnh kinh
92. Thánh học tông truyện
93. Thiền bí yếu kinh
94. Thiên nhơn cảm thông kỷ
95. Thọ đề già kinh
96. Thư kinh
97. Thượng phẩm đại giới kinh
98. Thượng thanh kinh
99. Thượng trực thượng lý biên
100. Thụy châu phủ chí
101. Thủy sám duyên khởi
102. Tiểu học
103. Tiêu ma an chí kinh
104. Tịnh minh chơn kinh
105. Tô châu phủ chí
106. Tỏa vi quản kiến
107. Tống sử
108. Triều dã thiêm tải
109. Trúc song tam bút
110. Trường sanh yếu chỉ
111. Truy môn sùng hành lục
112. Truyền đăng lục
113. Tú hổ hiên thứ tập
114. Tứ phần luật
115. Tư trị thông giám
116. Tùng giang phủ chí
117. Tùy đường kỷ sự
118. Tùy thư
119. Ưu-bà-tắc giới kinh
120. Vân cấp thất tiên
121. Văn hiến thông khảo
122. Vận ngữ dương thu
123. Văn Xương hóa thư
124. Viên châu phủ chí
125. Xuất diệu kinh
126. Xương lê văn tập

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3449)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 10159)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4381)