- Lời Giới Thiệu Bản Việt Dịch Sách An Sĩ Toàn Thư
- Lời Tựa Đầu Tiên Của Sách Giảng Rộng Bài Văn Âm Chất
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (1)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (2)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (3)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (4)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (5)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (6)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (7)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (8)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (9)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (10)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (11)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (12)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (13)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (14)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (15)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (16)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (17)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (18)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (19)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (20)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (21)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (22)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (23)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (24)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (25)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (26)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (27)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (28)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (29)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (30)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (31)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (32)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (33)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (34)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (35)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (36)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (37)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (38)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (27)
Giảng rộng
(Trong nguyên bản Hán văn phần này bị mất 5 hàng, mỗi hàng 20 chữ, cả thảy là 100 chữ Hán.)
... ... Trâu có thể thay người kéo cày, nhưng không tự thoát được việc bị người giết hại, đó là vì nó không nói được tiếng người. Chúng ta có miệng nói được thành lời, có tay viết được thành văn, vì sao không thay những con vật tội nghiệp ấy mà lên tiếng kêu van xin tha mạng? Vì thế nên làm ra khúc ca ngắn dưới đây, hy vọng có thể cảm động lòng người:
Khúc ca trâu cày xin tha mạng
Roi lớn quất trâu cày,
Sao không nhanh nhanh bước?
Trâu cày mắt rướm lệ,
Mỗi bước mỗi ngoái nhìn.
Cổ nặng ách, chân mỏi,
Khổ sở không nói được.
Mong ruộng lúa được mùa,
Trâu bệnh, xơ xác lông.
Nỡ quên công nhọc nhằn,
Gọi đồ tể thịt trâu.
Oan ức không nói được,
Lôi đi còn nán lại.
Hốt nhiên nói thành lời,
Vừa lạy vừa khóc lóc:
“Từ khi đến nhà ông,
Đền đáp ông không bạc,
Đã hết sức cày bừa,
Lại cam chịu roi vọt.
Ăn uống toàn cỏ, nước,
Chưa từng chê đạm bạc.
Chịu muôn ngàn khổ nhọc,
Lúa mới trổ thành bông.
Nay lúa vừa nặng hạt,
Bán tôi cho người giết.
Ông lấy tiền của tôi,
Trả tôi sự tàn độc.
Ruột đứt, xương buốt đau,
Lột da khi còn sống.
Tha tôi sống qua đông,
Trời ban ông phước lành.
Ông đã có con yêu,
Tôi cũng thương cốt nhục.
Nếu đã quyết giết tôi,
Mong thương tha nghé nhỏ.
Xin dặn dò trẻ chăn,
Đừng hành hạ trâu cày.
Tự hận tôi đời trước,
Sao lại tham thịt trâu?
Nửa cân trả tám lạng,
Lẽ ấy quá rõ ràng.
Khi quan cấm giết trâu,
Tôi nhận tiền đút lót,
Tha cho bọn đồ tể,
Nuôi vợ con no đủ,
Đâu biết có ngày nay,
Báo ứng nhanh đến thế!
Không thấy người từ tâm,
Đọa súc sinh, cầm thú.
Chỉ thấy kẻ giết hại,
Lâm chung quỷ ác lôi.
Ba đời kiêng thịt trâu,
Khoa bảng sớm vinh hiển.
Oan trái ăn nuốt nhau,
Xoay trong vòng luẩn quẩn.
Tôi đã tạo nghiệp ác,
Ông đừng giẫm chân theo.
Trâu khóc trâu sau nữa,
Khổ não nối nhau chịu.
Bài xin tha mạng này,
Mong ông thường đọc lại.
Trưng dẫn sự tích
Ba mươi hai mạng người
Trong thành Xá-vệ có một vị trưởng giả, người thiếp nhỏ nhất của ông tên là Tỳ-xá-ly, hết sức thông minh tài trí, được vua Ba-tư-nặc thương đối đãi như em gái.
Nhà ông có 32 người con, người nào cũng có sức mạnh địch nổi ngàn người. Người con út một hôm cưỡi voi đang đi qua cầu, bỗng gặp con trai của quan Tể tướng, lại lấn ông ta ngã xuống cầu bị thương. Con trai Tể tướng ôm hận trong lòng, bí mật nghĩ cách báo thù, liền chế tạo 32 cây roi ngựa bằng thất bảo, mỗi cây đều giấu dao nhọn bên trong. Xong mang đến nhà Tỳ-xá-ly, tặng cho 32 người con của ông mỗi người một cây.
Sau đó lại mật tâu lên vua rằng 32 người con của ông Tỳ-xá-ly ỷ sức thiên hạ không ai địch nổi nên đã âm thầm có ý phản nghịch, hiện đã giấu dao nhọn bên trong roi ngựa, chờ dịp sẽ ra tay. Vua cho cho người tra xét thấy đúng là có việc giấu dao nhọn trong roi ngựa nên tin lời, lập tức ra lệnh bắt 32 anh em nhà Tỳ-xá-ly chém đầu tất cả. Chém xong, lại mang 32 cái thủ cấp cho vào thùng niêm kín rồi gửi đến nhà ông Tỳ-xá-ly.
Cùng ngày hôm đó, ông Tỳ-xá-ly thỉnh Phật và chư tăng đến nhà thiết trai cúng dường, thấy nhà vua cho mang đến một cái thùng lớn thì nghĩ rằng chắc hẳn đức vua góp phần cùng gia đình mình cúng dường lên đức Phật, lấy làm hoan hỷ định mở ra ngay, nhưng đức Phật ngăn lại.
Sau khi chư tăng thọ trai, đức Phật vì ông Tỳ-xá-ly mà thuyết pháp. Nghe xong, ông liền chứng quả A-na-hàm. Bấy giờ mọi người mới mở cái thùng của đức vua gửi đến, liền nhìn thấy 32 cái đầu của những người con ông Tỳ-xá-ly. Khi ấy trưởng giả đã chứng thánh quả, dứt trừ ái dục nên không còn sinh tâm oán hận.
Tuy nhiên, gia đình phía vợ của 32 người kia đều là các nhà đại quý tộc, nhiều quyền thế. Những người này tức giận lắm, cùng nhau tập hợp binh mã quyết báo thù nhà vua. Nhà vua bấy giờ hết sức kinh hãi, nhanh chân chạy trốn đến tinh xá Kỳ Hoàn là nơi đức Phật đang ngự. Quân lính các nhà kia cùng kéo đến vây kín tinh xá, chờ giết cho bằng được đức vua.
Khi ấy, tôn giả A-nan liền thưa hỏi nguyên do việc này. Đức Phật dạy: “Trong đời quá khứ, 32 người này cùng nhau bắt trộm một con trâu, mang về nhà một bà lão để giết thịt. Bà lão này rất vui mừng, liền chuẩn bị đầy đủ dao thớt các thứ để giết mổ trâu. Giết trâu rồi, mọi người cùng nhau ăn uống no say. Con trâu bị giết, nay chính là đức vua. Những kẻ bắt trộm trâu, nay là 32 người vừa bị giết. Lão bà tán trợ việc giết trâu, nay chính là trưởng giả Tỳ-xá-ly. Do tội giết hại, nên 32 người này trải qua nhiều đời vẫn thường bị người khác giết hại. Lão bà thấy người khác ra tay giết hại mà sinh tâm vui mừng, tán trợ, nên trải qua nhiều kiếp vẫn thường rơi vào cảnh phải đau buồn sầu khổ vì thấy 32 người kia bị giết.”
Khi đức Phật nói ra nhân duyên đời quá khứ như thế, những gia đình phía vợ của 32 người kia lập tức nguôi giận, không còn dám chống nghịch với vua, cùng xin nhận lỗi. Đức vua cũng hoan hỷ bỏ qua không bắt tội.
Lời bàn
Việc 32 người này được sinh vào nhà giàu có quyền quý cũng có nguyên do. Đức Phật dạy rằng: “Vào thời đức Phật Ca-diếp trong quá khứ, có một phụ nữ dùng bột hương thơm đắp lên tháp Phật để cúng dường, có 32 người cùng đến trợ giúp cho công việc ấy. Do nhân duyên đó nên những người ấy trải qua nhiều kiếp thường được sinh vào nhà tôn quý, thường làm mẹ con với nhau. Đến nay được gặp Phật, tất cả đều được dẫn dắt vào Chánh đạo.
Một con trâu trả ba món nợ
Triều Minh, trong khoảng niên hiệu Vạn Lịch, vào năm Kỷ Sửu, ở vùng Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây có người chủ thuyền là Vương Ngạn Tu, có vay của nhà phú ông nọ một lượng tám quan tiền, chưa kịp trả thì đã chết.
Một hôm, phú ông bỗng nhìn thấy Vương Ngạn Tu mang thắt lưng màu trắng chạy vào chuồng trâu. Chẳng bao lâu sau, người nhà báo trâu mẹ sinh được một con nghé. Phú ông đến xem, liền thấy bên hông trâu có một vệt lông dài màu trắng như hình cái thắt lưng.
Đến lúc trâu lớn, phú ông bảo người chăn trâu mang đi bán, dặn chỉ bán đúng một lượng tám tiền thôi. Giữa đường, gặp người mổ trâu họ Hà liền bán được trâu đúng theo giá ấy. Ngay sau đó, có người nông dân thấy trâu khoẻ mạnh, muốn mua về cày ruộng nên trả lên đến hai lượng sáu tiền để mua. Con trâu về cày ruộng rất giỏi, lại tự ý đi không cần người thúc đẩy. Nhưng rồi một hôm, trâu tự nhiên ngã lăn ra chết dưới sườn núi.
Người nông dân giận lắm, tìm biết được trâu ấy do nhà phú ông nọ bán ra, liền đến cật vấn, vì sao con trâu như thế mà chỉ bán với giá một lượng tám tiền. Phú ông nói: “Con trâu ấy chính là Vương Ngạn Tu thác sinh. Ông ấy chỉ nợ tôi một lượng tám tiền, nên bán đúng giá đó thôi.” Đồ tể họ Hà nghe như vậy mới chợt nhớ ra, liền nói: “Vương Ngạn Tu còn thiếu tiền thịt của tôi tám tiền, hóa ra vì thế mà tôi bán trâu lại được lãi đúng tám tiền.” Người nông dân suy nghĩ một lúc lâu, cũng chợt nhớ ra, nói: “Tôi cũng có thiếu tiền Vương Ngạn Tu chưa trả, nay mua trâu bị chết, ấy là đã trả lại số tiền ấy.”
Mọi người nghe biết sự việc, ai ai cũng cho là hết sức kỳ lạ.
Lời bàn
Triều đình cấm giết trâu cày, luật ấy đã có văn bản rõ ràng. Chỉ có điều thật uổng treo bảng cấm, vì chuyện giết mổ thịt trâu vẫn y nguyên như trước chẳng hề thay đổi, lệnh cấm do đó không đạt được hiệu quả.
Giá như có thể lệnh cho nhân dân, bất kỳ ai nhìn thấy thịt trâu cũng đều có thể xem đó là tang vật mà mang đến báo quan. Nha dịch cũng một lòng không ngăn trở, lập tức bắt giữ người bán thịt trâu, từ đó truy xét tận cùng cho đến nơi đã giết trâu, rồi tịch thu phá hủy toàn bộ những dụng cụ giết mổ, nồi nấu.... Mỗi lần như thế, nên phạt nặng người chủ lò mổ, rồi dùng tiền phạt ấy mà thưởng cho những người tố giác việc giết, bán thịt trâu. Ngoài ra, hàng tháng đều bí mật phái người điều tra, dò hỏi trong dân chúng. Làm được như thế, ắt sẽ không còn tệ nạn bao che giấu giếm việc giết thịt trâu cày.
Không vất bỏ giấy có chữ viết
Giảng rộng
Con người sở dĩ có thể trở thành tôn quý nhất trong muôn loài là vì miệng có thể nói thành lời, tay có thể viết thành văn. Tay có thể viết thành văn chương, đó cũng xem như tay có thể nói được thành lời. Nhưng lời từ miệng nói ra, chỉ những người gần gũi chung quanh mới nghe được, còn văn chương được viết ra lại có thể truyền xa vạn dặm. Lời từ miệng nói ra chỉ nghe được nhất thời, còn văn chương có thể lưu truyền mãi mãi cho hậu thế. Lời từ miệng nói ra phải dùng tai để nghe, còn văn chương có thể dùng mắt để đọc. Lời từ miệng nói ra, người nghe chốc lát đã thấy mỏi mệt, còn văn chương để lại đến ngàn đời sau người đọc cũng không chán mệt.
Thế nên, chữ viết thật có công lao to lớn biết bao đối với con người! Trong đời này nếu không có chữ viết, ắt quan lại chẳng dựa vào đâu để trị dân, chính lệnh đưa ra chẳng lấy gì làm bằng cứ. Như vậy đâu chỉ không an ổn được việc nhà, mà cũng chẳng thể nào trị yên việc nước. Con người chịu ơn chữ viết lớn lao như thế, há có thể khinh rẻ vất bỏ giấy có chữ viết được sao?
Giấy có chữ viết tất nhiên không thể vất bỏ, ý nghĩa của chữ viết lại càng không được vất bỏ. Như người cãi lời cha mẹ, đó là suốt đời vất bỏ ý nghĩa của chữ “hiếu”; không đối xử tốt với anh chị, đó là suốt đời vất bỏ ý nghĩa của chữ “đễ”. Cứ như thế mà lần lượt suy xét lại từng điểm một, ắt là những ý nghĩa của chữ viết bị ta vất bỏ quả thật không ít!
Có những người dùng giấy có chữ viết để bao gói hàng hóa, dán phết cửa sổ, rồi vất bỏ lung tung, lại cho rằng những thứ mình vất bỏ đó bất quá cũng chỉ là giấy có chữ viết mà thôi. Lại có người nghi ngờ chuyện Thương Hiệt sáng tạo chữ viết, khai mở nguồn văn tự cho muôn đời thì trời mưa xuống lúa thóc cũng hợp lý, nhưng sao có chuyện quỷ thần khóc lóc về đêm? Đó là vì thật không biết rằng, văn tự của thế gian nếu đã có chỗ dùng chính đáng, ắt cũng có chỗ dùng tà vạy. Do chỗ dùng chính đáng nên trời mưa xuống lúa thóc, lại do chỗ dùng tà vạy nên quỷ thần khóc lóc về đêm.
Trưng dẫn sự tích
Đốt kinh bị tuyệt tự
Ở tỉnh Thiểm Tây, về phía tây huyện Vũ Công có một ngôi chùa, trong chùa từng có một tạng kinh Phật bị hư hoại. Thuở còn niên thiếu, Khang Đối Sơn có lần cùng với năm người bạn học chung trường đến chùa đọc sách. Khi ấy đang tiết trời mùa đông giá rét, bốn người trong bọn bèn lấy những quyển kinh bị rách mang ra đốt để sưởi ấm, một người thì đốt để đun nước rửa mặt. Khang Đối Sơn trong lòng chê trách những người ấy nhưng không dám nói ra.
Đêm đó, Đối Sơn nằm mộng thấy có ba vị quan thiết lập án đường uy nghiêm xét xử, đều tỏ vẻ giận dữ phẫn nộ đối với những người đốt kinh sưởi ấm, phán rằng: “Cả nhà các ngươi rồi sẽ chết sạch, không người nối dòng.” Lại quay sang người đốt kinh đun nước, phán rằng: “Ngày sau ngươi sẽ không bao giờ được vinh hiển.” Các vị ấy lại quở trách Khương Đối Sơn rằng: “Tại sao ngươi thấy việc ấy mà không nói gì?” Đối Sơn thưa: “Con nhỏ tuổi hơn bọn họ, dù biết việc ấy không nên làm, nhưng chẳng dám nói ra.” Vị quan nói: “Một lời khuyên can, giải thích cũng có thể được miễn tội. Nhưng thôi nay tạm tha cho ngươi.”
Khương Đối Sơn tỉnh dậy, liền chép chuyện này vào phía sau của một quyển sách để ghi nhớ. Chưa được mấy năm sau, cả bốn người từng đốt kinh sưởi ấm đều mắc bệnh dịch chết sạch cả nhà. Còn người đốt kinh đun nước, trải bao nhiêu lần thi cử đều gặp trắc trở, cuối cùng cả đời chỉ loay hoay với nghề dạy trẻ.
Lời bàn
Sách vở thế gian khi hư hoại không còn đọc được đều có thể đốt đi, nhưng riêng kinh Phật thì dù gì cũng không thể đốt. Bởi vì kinh Phật mang đến phước đức và trí tuệ cho người, vượt xa mọi sách vở của thế gian. Tuy cùng là một chữ, nhưng trong đó ý nghĩa lại có thể nặng, nhẹ, khinh, trọng khác nhau một trời một vực, không hề giống nhau. Như các thiên văn chương điển, mô, thệ, cáo mẫu mực trong kinh Thư tất nhiên không thể xếp cùng loại với văn chương tiểu thuyết. Nay lấy người biết chữ mà so sánh với người mù chữ, ắt người biết chữ được xem là hơn; lấy người biết chữ qua loa sơ lược mà so sánh với người học nhiều hiểu rộng, thông suốt việc xưa nay, ắt người học nhiều hiểu rộng phải được xem là hơn. Sách vở thế gian chỉ có thể nói về những chuyện thế sự trong thiên hạ, không thể rõ biết thấu suốt những gì vượt ra khỏi vòm trời này. Nếu người rộng đọc nhiều kinh Phật, ắt sâu thì có thể hiểu đến tận những chuyện thần kỳ nơi chốn long cung, dưới đáy biển, rộng xa thì có thể hiểu đến những chuyện đời trước đời sau, cho đến chỗ mênh mông của biết bao nhiêu cõi nước trong mười phương, hết thảy những việc như thế đều có thể hiểu qua đại lược, mà chỗ hoài bão cũng được nuôi dưỡng vượt xa hẳn những kẻ tầm thường.
Đối với người mù chữ, nếu nói với họ chuyện trị nước các đời vua Đường, Ngu, Tam đại, hoặc những danh xưng như Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng... ắt họ phải hết sức kinh ngạc khi được nghe. Cũng vậy, đối với kẻ xưa nay chỉ đọc sách vở của thế gian, nếu cho họ nghe những lời văn trong Ba tạng kinh điển của nhà Phật, những điều đức Phật đã thuyết dạy trong bốn mươi chín năm, ắt họ cũng sẽ kinh ngạc, khó lòng cứu xét. Những khuynh hướng như vậy cũng là lẽ tất nhiên. Theo đó mà xét, những lời dạy về nhân duyên bỏ ác tu thiện, về tông chỉ truyền riêng ngoài giáo điển, vốn là kinh điển do đức Phật nói ra, nếu đem đốt bỏ đi thì sao có thể không mắc tội? Huống chi lại xem thường đến mức dùng đốt để sưởi ấm, đốt để đun nước, ắt là rồi sẽ phải đọa vào địa ngục mãi mãi, chịu khổ não đời đời kiếp kiếp, không có lúc được thoát ra. Chỉ riêng trong đời này bị chết sạch cả nhà, bị rơi vào cảnh cùng khốn, quả thật cũng chưa đủ để đền hết tội nghiệt.
Hỏi: Kinh điển còn nguyên vẹn, tất nhiên không thể đốt, nhưng kinh sách đã hư nát thì làm sao?
Đáp: Nếu đã hư nát quá nhiều, đến nỗi không đọc được nữa thì có thể đốt, rồi dùng túi sạch đựng tro ấy mang rải ra sông biển. Đến như chữ Vạn là tâm ấn của đức Như Lai thì càng không thể xem thường.
Đổ tro bừa bãi phải giảm tuổi thọ
Ở trấn Tra Khê, huyện Tân Hóa thuộc tỉnh Hồ Nam có người tên Chu Ninh Ước, tự là Sỹ Phong, rất thích môn thư pháp. Trong khoảng niên hiệu Khang Hy triều Thanh, vào tháng 2 năm Ất Sửu, ông bất ngờ mắc bệnh nhẹ rồi chết, bạn bè thân thiết đều đến khóc thương. Bỗng nhiên ông sống lại, bảo mọi người rằng: “Tuổi thọ của tôi vốn được 42 năm, nhưng vì thường ngày chuyên cần luyện viết chữ, viết rồi tùy tiện đốt bỏ, mang tro đổ vất bừa bãi, không có sự kính trọng quý tiếc. Âm ty ghi chép lỗi lầm đó của tôi, giảm bớt 5 năm tuổi thọ, nên nay 37 tuổi đã mà số mạng đã dứt. Quý vị nên biết, khi đốt giấy có chữ viết, phải cẩn thận không đổ vất tro bừa bãi.”
Nói xong thì nhắm mắt qua đời.
Lời bàn
Nếu nói rằng chữ viết đã đốt thành tro có thể vứt bỏ, thì các đạo sỹ đốt tấu chương cũng xem như vứt bỏ. Đến như các loại đồ dùng bằng tre, gỗ, sành sứ mà có chữ viết trên đó, hay các loại gạch ngói có in những chữ phúc, thọ làm hiệu, lại để chôn vùi lâu ngày trong những chỗ phẩn dơ ô uế, những việc như vậy cũng cần phải ngăn cấm.
Đốt sách dơ nhớp chịu quả báo tức thì
Ở Tường Sinh, Côn Sơn có người tên Cát Tử Hòa. Vào triều Thanh, niên hiệu Khang Hy năm thứ 26, thường đọc sách dưới lầu phía tây điện Dược Sư, phía trên là phòng nằm nghỉ. Một hôm ở phòng trên lỡ tay làm nghiêng đổ nước trong bô phẩn, nước phẩn dơ theo kẽ ván sàn chảy xuống nhằm chỗ quyển sách Tử Hòa đang đọc, làm nhớp một đoạn có mấy chữ “Thành Gián nói với Tề Cảnh Công”. Tử Hòa bèn xé trang sách bị dơ ấy ra, nhúng vào nước, nhưng chưa rửa thật sạch đã lấy ra rồi để khô mà đốt bỏ.
Không ngờ đến kỳ thi, đề mục thứ ba lại rơi đúng vào đoạn “Thành Gián nói với Tề Cảnh Công”. Tử Hòa viết bài này, đến câu “Chu Công há lại dối gạt ta sao?” chẳng biết vì sao lại vô ý bỏ sót mất một chữ, do đó mà bị đánh rớt.
Lời bàn
Giấy có chữ viết bị dơ nhớp mà mang đốt, tội ấy không nhỏ. Đúng ra phải rửa cho thật sạch, sau đó mới có thể để khô rồi đốt, mang tro rải xuống sông biển.
Không mưu mô lấy tài sản người khác
Giảng rộng
Tài sản riêng mà mỗi người có được đều do phước đức của tự thân, hoàn toàn không thể do mưu mô mà có. Khổng Tử nói: “Nếu giàu sang phú quý có thể cầu mà được, dù bảo ta cầm roi theo hầu đánh xe ngựa, ta cũng xin vui vẻ làm. Bằng như phú quý không thể cầu mà được, ắt ta sẽ làm theo những gì tự ta thấy là tốt đẹp vậy.” Cầu còn không thể được, huống chi lại dùng mưu mô mà có được sao?
Mưu mô chiếm đoạt tài sản của người, chung quy chỉ vì muốn nuôi sống gia đình mình, cũng mong để lại tài sản một đời cho con cho cháu, thậm chí có thể vì vợ con mà cam tâm làm những việc xấu xa hèn hạ, người như thế thật khó tính đếm hết.
Luận Tỳ-bà-sa nói rằng: “Cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc trong gia đình chỉ làm tăng thêm sự tham cầu, chẳng bao giờ thấy đủ, thấy chán. Nếu như biết được rằng con cái là người đến đòi nợ ta, gia đình là chỗ tụ hội bao điều oan nghiệp, ắt có thể bừng tỉnh giấc mộng đời, hết thảy bao nhiêu tâm bệnh khổ não không cần trị liệu cũng tự nhiên dứt sạch.” Dù chưa được như thế, lẽ nào lại muốn kết thêm nhiều oan nghiệp oán thù, nhúng tay vào nhiều điều xấu ác?
Quỷ oan báo mộng cho mẹ
Thời Nam Bắc triều, đời Lưu Tống, trong khoảng niên hiệu Nguyên Gia, Gia Cát Hộ làm quan thái thú Nguyên Chân, bất ngờ mắc bệnh qua đời. Khi ấy, gia quyến đều đang ở Dương Đô, chỉ có đứa con trưởng mới 19 tuổi là Nguyên Sùng theo đưa linh cữu về quê. Có tên gia nhân của Gia Cát Hộ là Hà Pháp Tăng, tham tiền nên cố ý đẩy Nguyên Sùng xuống sông rồi cùng một tên đồng bọn cướp lấy tiền bạc chia nhau.
Đêm ấy, mẹ của Nguyên Sùng là bà Trần thị nằm mộng thấy Nguyên Sùng hiện về kể rõ chi tiết việc cha chết như thế nào, cho đến lúc mình bị Hà Pháp Tăng xô xuống sông chết, đau thương không nói hết. Sùng lại nói: “Đường xa đi gấp nên mệt lắm, để con nằm nghỉ tạm chốc lát trên giường bên cửa sổ.” Nói xong thì nằm dài ra trên giường, đầu tựa vào song cửa sổ. Quang cảnh nhìn thấy trong mộng rõ ràng như thật, Trần thị đau đớn khóc lóc rồi mới giật mình tỉnh dậy, liền cầm đèn soi trên giường, quả nhiên thấy có chỗ hơi ẩm giống như người nằm. Cả nhà đều hoảng hốt gào khóc.
Bấy giờ, Trần thị có mấy người em cô cậu là Từ Đạo Lập đang làm Trưởng sử Giao Châu, Từ Sâm Chi làm Thái thú Giao Châu, liền nhờ họ điều tra sự việc. Quả nhiên đúng thật như những lời trong mộng, liền bắt lấy hai tên hung thủ mang ra xét xử theo pháp luật.
Lời bàn
Nếu suy xét cho cặn kẽ thì việc thừa cơ hội người khác đang chịu tang trong ba năm mà giết hại chỉ để mưu cướp tài sản, rốt cùng là do đạo đức chính nghĩa không đủ giúp ích cho người, hay bởi con người đã cô phụ đạo đức chính nghĩa?
Cầm giáo tự đâm
Vùng Huy Lăng thuộc tỉnh Giang Tô có người tên Lương Thạch Trụ, nhà giàu có, sinh được một đứa con trai, hết sức thương yêu. Niên hiệu Thuận Trị năm cuối cùng, đứa con ấy được mười chín tuổi, bị bệnh nặng, Thạch Trụ đau buồn lắm. Một hôm, đứa con bỗng gọi tên Thạch Trụ mà nói rằng: “Tôi đời trước chính là người mang tên ấy họ ấy... ở Từ Châu, có 300 lượng bạc, cùng ông đi buôn chung. Tôi bị bệnh lỵ, giữa đường vào nhà xí đi tiêu, ông thừa cơ hội dùng mũi nhọn xuyên qua một lỗ trống ở vách nhà xí mà đâm vào giữa ngực tôi đến chết. Sau đó ông tự cắt tay cho chảy máu để làm bằng chứng nói với gia đình tôi là giữa đường tôi bị bọn cướp giết chết. Sau khi chết, tôi thác sinh vào nhà họ Vương ở Huy Lăng. Cách đây 20 năm, tôi chính là người họ Vương mang tên ấy... Ngày đó, sau khi tôi chết thì 3 năm sau ông chết, rồi cũng thác sinh ở Huy Lăng, chính là thân ông ngày nay. Những năm trước tôi tìm ông không gặp, tình cờ một hôm vào huyện nộp tiền, bỗng gặp ông ngay phía trước. Khi ấy tôi lập tức nổi giận, dùng nắm đấm nện ông, nhưng tự mình cũng chẳng hiểu vì sao lại giận dữ như thế. Khi ấy ông cho là tôi kẻ mất trí nên không lưu tâm. Tôi không trả thù được ông, trở về sinh lòng buồn giận phẫn uất, mấy ngày sau thì chết, cuối cùng lại thác sinh làm con ông, nay đã mười chín tuổi. Tính ra từ khi tôi bị bệnh đậu mùa, ông tốn kém một số tiền, mời thầy dạy học cho tôi tốn kém một số tiền, cưới vợ cho tôi tốn kém một số tiền, tôi đi thi lại tốn kém một số tiền, cộng thêm các khoản tốn kém linh tinh khác nữa cũng đã trả đủ số tiền cướp đoạt của tôi, tuy là mạng sống của tôi vẫn chưa đền lại được. Nhưng bao năm qua ông đối đãi với tôi quá nặng tình, tôi thật không nỡ nhắc lại chuyện cũ nữa, nay xin từ biệt. Tôi chỉ sợ Diêm vương nơi âm phủ không tha thứ cho tội của ông mà thôi.” Nói xong thì chết.
Từ đó Lương Thạch Trụ đêm ngày than khóc, lại nói với mọi người rằng: “Con tôi hiếu thảo, thông minh, vì sợ tôi đau buồn nên mới bịa ra những chuyện như vậy. Trong thiên hạ liệu ở đâu lại có được tình cha con như thế chăng?”
Rồi không lâu sau, Thạch Trụ lấy một cây thương mài thật sắc, có ai hỏi thì nói: “Năm nay mất mùa, nhà tôi lại ở cuối thôn vắng vẻ nên phải chuẩn bị để khi cần thì có thể tự vệ.” Một hôm, Thạch Trụ đặt cán thương quay vào tường, quay đầu nhọn ra ngoài hướng vào ngực mình rồi bỗng nhiên kêu lớn: “Con đợi ta tự đâm là được rồi.” Liền hướng về phía mũi nhọn, lấy hết sức mà lao vào. Mũi thương đâm sâu vào ngực đến bảy tám tấc, ghim thấu tận xương.
Lời bàn
Dương gian có thể có những người chịu ơn không báo đáp, nhưng âm phủ thì không một món nợ nào có thể không đền trả. Người đời chỉ biết món nợ trong đời này là nặng, chẳng biết rằng món nợ để qua đời sau lại càng nặng hơn. Người đi đòi món nợ trong đời này, chỉ đến trước cửa chứ không dám vào nhà vì sợ chủ nhà giận tức, căm ghét. Nhưng người đi đòi món nợ từ đời trước để lại thì vào tận trong nhà kẻ trốn nợ, an nhiên nằm đó mà khiến cho cả vợ chồng kẻ mắc nợ phải đủ điều trân quý mình, phải chăm lo bú mớm bồng ẵm, cho đến lúc lớn khôn thì lập tức phá sạch cả sản nghiệp, ruộng vườn nhà cửa, đến một cây kim ngọn cỏ cũng không chừa. Nhớ lại nửa đời khổ công gầy dựng, không khỏi như người bỏ vốn cầu lãi, cuối cùng lại uổng công làm thân trâu ngựa cho người, chẳng phải thật ngu si mà đáng thương lắm sao?
Ba lần thác sinh
Tỉnh An Huy, huyện Đồng Thành có nhà nho tên Diêu Đông Lãng, sinh được một đứa con trai, lên mười tuổi thì bệnh nặng, sắp chết. Cha mẹ đau buồn thương tiếc, nói với con rằng: “Con quả thật không có duyên làm con chúng ta nữa sao?”
Đứa trẻ bỗng nói giọng người phương bắc, bảo Diêu Đông Lãng rằng: “Trước đây tôi là một vị tăng ở Sơn Đông, mang tên ấy họ ấy... Tôi dành dụm tích chứa được 30 lượng bạc, có vị sư huynh rình biết được nên xô tôi xuống nước để đoạt lấy tiền. Khi ấy tôi kêu cứu với Bồ Tát Quán Âm, liền thấy ngài hiện ra bảo rằng: “Số mạng ngươi đã hết nên mới gặp việc xấu ác này.” Thế là tôi chết chìm. Người dân ở đó báo sự việc lên quan, lúc bấy giờ chính ông đang làm quan huyện ở đó. Sư huynh tôi liền lấy ba mươi lượng bạc của tôi mà dâng cho ông, nhân đó sự việc liền bị ém nhẹm. Tôi vì nỗi oan chưa rửa sạch nên thác sinh làm em trai ông, tức là Diêu Tung Thiệu đã chết. Khi ấy tôi theo ông suốt hơn 20 năm mà chưa đòi được nợ cũ, nên lúc chết rồi lại thác sinh làm con ông. Mười năm qua, ông tốn kém với tôi cũng đã hoàn trả gần đủ số bạc 30 lượng rồi, tôi phải đi thôi. Hiện trong nhà ông có một cây gậy mà tôi rất thích, xin ông đốt tặng tôi, cũng là thêm vào vừa đủ số tiền ngày xưa. Vị sư huynh ngày trước của tôi nay cũng vì muốn đòi số tiền đó mà thác sinh làm con gái đầu của ông, nay đã gả cho nhà họ Phan ở Lật Dương, hiện có thai sắp sinh nở. Bây giờ sau khi chết, tôi sẽ thác sinh vào nhà đó để đòi món nợ sinh mạng.” Đứa trẻ nói xong những lời này thì chết.
Lời bàn
Chuyện này xảy ra hồi trước tháng 5 năm Ất Mão trong khoảng niên hiệu Khang Hy triều Thanh. Cho nên có thể thấy rằng, cha mẹ, anh em, vợ chồng, quyến thuộc với nhau, hết thảy đều có quan hệ oan trái theo nhau. Lúc chưa nói rõ sự việc ra thì nhìn thấy trước mắt đều là những người ruột thịt thân thích, nếu được người sáng suốt thấu rõ chỉ ra cho biết sự thật, hẳn sẽ thấy chung quanh mình đều toàn là những kẻ theo đòi nợ cũ. Thế nhưng người đời lại muốn vì những kẻ theo đòi nợ đó mà tích lũy tiền tài, kết thêm thù oán, thật không thể hiểu nổi ấy là tâm địa gì?
Gửi ý kiến của bạn