Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (2)

20 Tháng Chín 201402:26(Xem: 8502)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (2)

Quả nhiên, sau đó tại Nam thôn gần Thương Hiệt Đài tìm được một cụ già tên Vương An, đã thọ đến 180 tuổi, kể lại rằng đã từng chính mắt được thấy việc tạc tượng ở chùa Tam Hợp, nhưng nay già quá không thể làm được nữa. Liền tìm kiếm trong cùng thôn ấy, thuê được 4 người thợ, tạo thành một tượng Phật bằng đồng. 

Mục Công vui mừng, liền cho xây dựng một tòa lầu gác trên nền đài, cao đến 300 thước để cúng dường tượng Phật, thuở ấy gọi là Cao Tứ Đài. (Trích từ các sách Thiên nhân cảm thông ký -天人感通記 - và Pháp uyển châu lâm - 法苑珠林)
Thật ra, vào thời Tây Hán, Dương Hùng, Lưu Hướng trong khi sưu tầm các tàng thư cũng rất thường gặp kinh Phật được cất giữ trong đó. Có thể thấy rằng những lời của Khổng tử cùng với những gì Đế Quân đã được nghe đều không phải là vô căn cứ. Chỉ tiếc là thời ấy kinh điển Phật giáo chưa được chính thức truyền đến, nên những sự việc ghi chép lại đều quá sơ lược.
Động lòng nhập thai
Đế Quân kể rằng: Ta rời bỏ nhân gian rồi, liền hướng về phương Tây. Vừa đi đến Quân sơn ở hồ Động Đình, nhìn thấy phong cảnh xinh đẹp khởi tâm ưa thích, liền lưu lại đó một lúc. Trong lòng ta lúc bấy giờ, trên không bị uy thế của thiên tử, triều quy khống chế, dưới cũng không thân quyến cốt nhục buộc ràng, hốt nhiên vượt thoát ra ngoài vòng trần thế, thật là một niềm an lạc không cùng tận. Được một lúc lâu, bỗng có hai tiên đồng từ trời cao giáng hạ, bảo ta từ nay làm chủ Quân sơn, kiêm luôn việc cai quản hồ Động Đình.
Ngày nọ, có một thiếu phụ khoảng hơn ba mươi tuổi, khóc lóc tìm đến núi cúng tế rồi khấn rằng: “Chồng tôi bất hạnh đắc tội với vua, bị đày ra phương nam xa xôi đến chết, đường xa vạn dặm khó lòng đưa quan quách về. Đau đớn trong lòng, thương cho cha mẹ chồng già yếu, hiện tôi lại đang mang thai. Nguyện sơn thần linh thiêng xét rõ, chồng tôi vốn chỉ vì lòng trung mà bị kết tội, thương cho cha mẹ chồng tôi nay tuổi đã xế chiều, không người nương tựa, xin cho tôi sinh hạ một đứa con trai để nối dòng họ Trương, dẫu tôi có chết cũng không phải hối tiếc.”
Ta đang ở trên mây cao, nghe lời khấn ấy bỗng khởi tâm thương cảm, xúc động không kiềm lại được, nước mắt chảy ròng. Ngay khi đó bỗng nhiên cảm thấy thân thể nặng nề, lập tức rơi xuống, nhập vào bào thai của người thiếu phụ, tối tăm không còn biết gì nữa cả. Một thời gian lâu sau, bỗng nghe có tiếng người kêu lên: “Là con trai, con trai!” Ta mở mắt nhìn, thấy thân thể đang nằm trong chậu tắm, vậy là đã tái sinh nơi trần thế.
Lời bàn
Biển sinh tử mênh mông, một lần qua không khỏi khởi tâm đam mê, ái nhiễm, do đó mà thành đọa lạc. Nếu không phải bậc tu hành chân chánh vĩ đại, ắt không thể riêng mình tự đến tự đi giữa vòng sinh tử mà không bị mê lấp chân tánh.
Đế Quân trước đó được nghe đạo pháp, trong lòng vốn dĩ muốn về Tây phương, chỉ vì một niệm khởi sinh, lưu luyến cảnh trời mây non nước mà bị trói giữ nơi Quân sơn, hồ Động Đình. Tuy trong tâm tuyệt nhiên không có ý tưởng muốn được làm sơn thần thủy bá, mà bỗng dưng do niệm khởi đã rơi vào cảnh giới của thần minh, hưởng đồ cúng tế.
Cho đến khởi tâm thương xót thiếu phụ nhà họ Trương, vốn dĩ cũng là một niệm lành, nhưng hẳn không hề dự tính đến việc sinh làm con bà ấy. Nhưng một khi tình khởi đã hướng đến, lập tức đọa lạc nhập vào bào thai. Rồi khi biết thân mình đã ở trong chậu tắm, thì dù có quyết lòng muốn thoát ra cũng chẳng còn được nữa.
Đến như Đế Quân mà còn không tự chủ được như thế, huống chi những kẻ còn chìm sâu trong biển nghiệp mông lung!
Hiếu thảo không thẹn với lòng
Đế Quân kể rằng: Thân phụ ta họ Trương, tên húy là Vô Kỵ, làm quan Bảo Thị dưới triều Chu Lệ Vương. Khi ấy, vua đàn áp những người chỉ ra lỗi lầm của mình, thậm chí giam cầm. Vua giận cha ta thẳng thắn can gián, đày đi Phiên Dung cho đến chết. Khi ấy ta còn nhỏ, theo mẹ đến Phiên Dung đưa di thể cha ta về an táng ở Hà Sóc.
Năm ta được mười tuổi đến trường học, lấy tên tự Trung Tự, là có ý muốn nối theo chí hướng cha ta. Đến tuổi trưởng thành, khi ông nội ta qua đời, tên tự của ta là Trọng. Mẹ ta hiền thục sáng suốt, hết lòng dạy dỗ cho ta.
Đến khi Chu Tuyên Vương lên nối ngôi, ban chiếu xem xét lại đối với hậu duệ của những người trước đây bị chết vì sai lầm của vua trước. Ta vâng lời dạy của mẫu thân, đến kinh thành dâng biểu minh oan cho cha. Tuyên Vương ban chiếu khôi phục quan chức cho cha ta, ban tên thụy là Hiến, lại phong ta làm quan Bảo Thị, nối chức cha ta.
Ta có người anh trai tên Trương Doãn Tư, không may mất sớm, mẹ ta đau buồn khôn nguôi. Ta thường lấy việc con thứ có thể kham nhận nối dõi thay cho huynh trưởng để an ủi mẫu thân.
Khi bà nội ta là Triệu thị qua đời, không lâu sau ông nội cũng tạ thế, ta lấy danh phận là cháu nội, thay cha chịu tang ông bà trong 3 năm. Do bi thương quá độ nên thân thể suy kiệt, trong triều ngoài nội đều nghe biết, ngợi khen ta là hiếu thảo. Do đó mà người đời hết lòng kính trọng, mỗi khi gặp ta chỉ gọi bằng tên tự, không dùng tục danh.
Lời bàn
Đây chính là chuyện Trương Trọng hết lòng hiếu thảo được đề cập trong kinh Thi. Người mẹ của Đế Quân chính là thiếu phụ ngày trước đến cầu đảo ở Quân sơn. Ngày ấy bà chưa làm mẹ, nên Đế Quân là người được bà lễ bái; đến khi đã là mẹ con rồi, bà ấy lại nhận sự lễ bái của Đế Quân. Nhưng rốt lại thì ai là người nên lễ bái, ai không nên lễ bái? Cho nên, xét kỹ theo đạo Nho thì thấy năm mối luân thường là vuông vức, chính trực, mà xét thông suốt cả đạo Phật rồi thì mới thấy năm mối luân thường là tròn trịa, viên thông.
Trị tội dâm thần
Đế Quân kể rằng: “Khi ta đã là vua cai quản các núi, phàm hết thảy những việc thuộc về núi sông khe lạch phát sinh như lũ lụt, hạn hán, mùa màng được thất, những điềm báo lành dữ cát hung, cho đến xét công luận tội các thuộc cấp, đều do ta cai trị điều hành.
Thần núi Thanh Lê là Cao Ngư Sanh, có lòng ưa thích một cô thôn nữ trong vùng, liền bắt hồn về làm việc cưỡng bức dâm loạn. Sự việc bị long thần ở hồ Bạch Trì gần đó xét rõ cáo giác. Ta tra soát, gọi cả hồn dân nữ đến đối chất, Cao Ngư Sanh nhận tội. Sau đó trả hồn dân nữ, cô ấy liền sống lại. Ta phạt Cao Ngư Sanh 300 roi đánh vào sống lưng, cách chức.
Khi ấy dưới chân núi có người con hiếu thảo là Ngô Nghi Kiên đã qua đời, trước đây từng vì cha mà trích máu chép kinh Lăng-già, 4 quyển. Người này chết đã 3 năm, chưa nhận trách nhiệm gì. Ta liền tấu trình lên Ngọc Đế xin cho thay vào chỗ Cao Ngư Sanh, được chấp thuận. Từ đó, chư thần lớn nhỏ đều biết danh ta, hết lòng kính sợ.
Lời bàn
Trong Dục giới, chư thiên ở 6 cảnh trời đều vẫn còn dục niệm, chỉ là vì phước đức sâu dày nên giữ phần nặng, mà chuyện ưa thích nhục dục trở thành nhẹ hơn. Thần núi phạm tội, đại để hẳn là do phần tham dục vượt trội hơn, ưa thích nữ sắc mà làm việc bắt hồn, về lý mà xét cũng là điều có thể xảy ra.
Nối dòng Xích Đế
Đế Quân kể rằng: Ta thấy nhà Tần trị dân theo lối tàn khốc, xem dân như cỏ rác, liền tấu trình lên Ngọc Đế, xin được hóa thân xuống trần thế để dẫn dắt thiên hạ trong chốn lầm than, đưa người người đến chỗ an cư lạc nghiệp.
Ý trời khó biết, lại khiến ta làm người nối dõi của Xích Đế Tử. Uy trời đáng sợ, ta không dám cưỡng mệnh. Chợt có vị Đại thần Cửu Thiên Giám Sanh đến buộc ta phải thác sanh xuống trần thế ngay. Giữa điện Vân Tiêu, ta nhìn xuống thấy lửa cháy thiêu cung A Phòng của nhà Tần đã tàn rụi, trong cung điện mới lại thấy Hán Đế vừa cùng Thích cơ gặp gỡ thân mật. Đại thần Giám Sanh bảo ta: “Đó chính là Xích Đế Tử.” Ta vừa đưa mắt nhìn cho rõ, liền bị Đại thần Giám Sanh đẩy xuống. Ta ngã nhào, rơi xuống bên cạnh Hán Đế, nhằm bụng Thích Cơ. Hốt nhiên đến lúc nhận biết thì đã thành người.
Hán Đế từ lúc sinh ta, được cùng ta thần cốt tương tợ nên hành vi cử chỉ đều lộ vẻ phi phàm, về sau hết sức thương yêu ta. Đến khi tuổi già, có ý muốn lập ta làm thái tử, nhưng việc ấy cuối cùng không thành tựu. Hán Đế mất rồi, ta bị Lã Hậu sát hại. Mẹ ta cũng bị Lã Hậu giết chết một cách tàn độc đáng sợ. Ta vì quá mức oán hận, mỗi khi nghĩ đến việc này chỉ muốn hóa làm loài đại mãng xã suất nhiên để nuốt sống hết toàn gia tộc họ Lã vào bụng mới thỏa lòng.
Lời bàn
Tôi ngày trước mới bắt đầu đọc kinh sách đạo Phật, nghe đến thuyết “oán thân bình đẳng” cũng như “oán từ thân khởi” thì hết sức lạ lùng hoài nghi. Đến khi có thể tĩnh tâm quán xét lẽ xoay chuyển tuần hoàn của mọi sự việc, mới biết rằng những lập luận như thế nếu không phải bậc thánh nhân xuất thế ắt không thể đủ sức nói ra.
Lấy như việc Thích Cơ mà nói, theo lẽ thông thường thì phải xem Lã Hậu là kẻ oán, mà Hán Cao Tổ là người ân. Thế nhưng, Lã Hậu oán hận Thích Cơ hoàn toàn là do Cao Tổ trước đã sủng ái bà. Sự sủng ái ngày càng nhiều hơn, cho đến đã có ý muốn thay đổi thái tử, thì sự oán hận ngấm ngầm của Lã Hậu khi ấy cuối cùng không thể nào hóa giải được nữa. Giả sử như lúc Cao Tổ còn sống mà lấy tâm bình đẳng đối với cả hai người, không sủng ái Thích Cơ đến mức ấy, thì Thích Cơ đâu phải chịu tai họa tàn khốc như vậy? Do đó mà xét thì tuy Lã Hậu cố nhiên là kẻ oán cừu của Thích Cơ, nhưng Hán Cao Tổ há có thể xem là người ân hay sao? Than ôi! Đó chính là cái nguyên lý “oán tùng thân khởi”. Phàm sự oán cừu đều từ chỗ thân ái mà sinh khởi, hiểu như vậy rồi thì dù không muốn thực hành sự quán chiếu lẽ bình đẳng oán thân cũng không thể được.
Hóa rồng tại Cung Trì
Đế Quân kể rằng: Ta từ sau khi gặp cái họa Lã Hậu, trong lòng luôn nghĩ đến chuyện trả thù báo hận, không nhớ gì đến quá khứ đã từng tu tập chánh đạo. Tuy nhà họ Lã sau khi chết đã phải chịu sự trừng phạt khổ sở nơi âm ti, nhưng mối oan nghiệt với ta vẫn chưa dứt hết, nên lại thác sinh gặp nhau ở một bến sông vùng Đông Hải, thuộc huyện Cung Trì.
Con ngựa của quan huyện lệnh chính là Lã Hậu tái sinh. Mẹ ta là Thích Cơ ngày trước, cũng sinh ra tại huyện này, vẫn mang họ Thích, nhưng do đời trước thụ hưởng phước báo quá đáng nên đời này phải chịu cảnh nghèo cùng, tiều tụy. Bà lấy chồng họ Trương, lớn tuổi rồi vẫn chưa có con, vợ chồng nương nhau làm nghề cắt cỏ mà sống.
Một hôm, bà ra cắt cỏ ngoài đồng trống, chợt nghĩ đến việc mình tuổi tác đã cao mà vẫn chưa có con, trong lòng hết sức bi thương, rơi lệ khóc than, cầu nguyện với trời cao, lại cắt tay lấy máu nhỏ lên một hòn đá trong ao nơi đó rồi khấn rằng: “Nếu như dưới hòn đá này có con vật nào đang sinh sống, xin hãy về làm con ta.” Ta lúc ấy xúc động vì tấm lòng thành, bất giác thần thức lập tức chuyển nhập vào chỗ máu tươi. Hôm sau bà trở lại nhìn nơi hòn đá thì thấy vết máu đã hóa thành một con rắn thân dài một tấc, màu vàng lấp lánh, chính là ta đã thác sinh.
Mẹ ta mang ta về nuôi dưỡng, qua một năm thì trên đầu rắn bỗng mọc ra sừng, dưới bụng mọc chân, lại có khả năng biến hóa. Mỗi khi trời muốn mưa, ta lại dùng sức biến hóa cùng hỗ trợ. Thân ta ngày càng dài to, bụng càng lớn, mỗi khi gặp các loài dê, ngựa, chó, lợn... liền ăn nuốt cả.
Quan huyện có một con ngựa hay, chính là Lã Hậu tái sinh, ta bắt được cắn chết. Quan huyện liền bắt cha mẹ ta giam vào ngục, kỳ hạn trong 3 ngày nếu chưa bắt được ta sẽ xử 2 người tội chết. Hôm sau, ta liền hóa thành một nho sinh tìm đến xin gặp quan huyện, khuyên ông ta thả người. Quan huyện nói: “Vợ chồng lão họ Trương nuôi dưỡng con yêu xà, ăn nuốt gia súc dân làng đã lâu, nay lại ăn cả ngựa của ta. Ta muốn vì dân trừ hại, nhưng họ không chịu giao nó ra. Đó là họ tự làm yêu nghiệt, phải xử tội chết.” Ta nói với quan huyện: “Vật mạng bồi thường cho nhau, đều do nghiệp đời trước mà thành. Nay ông muốn vì súc vật mà giết mạng người, như vậy được chăng?” Quan huyện quát đuổi ta ra. Ta nói: “Trên mặt ông đã hiện tử khí, hãy khéo tự lo cho mình đi.” Nói rồi biến mất. Quân hầu đứng quanh đó đều cho là yêu ma.
Ta liền trình lên Ngọc Đế kêu oan, kể lại việc đời trước mẹ con ta vô tội mà bị người nhà họ Lã hại chết, nay muốn báo thù rửa hận. Sự việc trình lên chưa được Ngọc Đế trả lời, nhưng ta khí hận ngút ngàn không kiềm chế được, liền biến hóa làm mưa gió, kéo mây đen vần vũ mù mịt, lại mượn nước biển lớn đổ vào thành ấp, trong vòng bốn mươi dặm đều ngập chìm mênh mông. Trước đó ta đã hóa hiện vào trong ngục thất, đưa cha mẹ ta thoát ra. Việc này xảy ra vào thời Hiếu Tuyên Đế của triều Tây Hán, trong sử sách có ghi lại trận lụt Hãm Hà (陷河) chính là việc này.
Lời bàn
Đế Quân tuy nhiều đời làm người hiếu thuận với cha mẹ, thương yêu anh em, chuyên cần làm thiện, nhưng rốt lại cũng chỉ là những phước báu nhỏ nhoi trong cõi trời người, chưa tu tập được Chánh pháp xuất thế. Chính vì vậy mà tuy thác sinh vào hoàng tộc, cũng không được an ổn vững vàng. May mắn về sau được gặp Phật pháp, hướng về giải thoát. Nếu không thì việc oán cừu vay trả qua lại sẽ nối nhau còn mãi, chẳng bao giờ dứt! Cho nên, Bồ Tát muốn cứu độ chúng sinh thì trước hết phải tự mình ngồi trên thuyền Bát-nhã, tu tập trí tuệ giải thoát, sau đó mới có thể vào biển sinh tử.
Gặp Phật được cứu độ
Đế Quân kể rằng: Ta mang việc oán cừu với Lã Hậu trình lên Ngọc Đế, chưa nhận được ý trời mà đã tự hành động, tuy nhất thời rất thích ý, nhưng ngay sau đó bình tâm nghĩ lại liền hối hận. Hôm sau, Ngọc Đế hạ thánh chỉ, nhân vì hải thần là Triều Hoành tâu lên việc ta tự ý sử dụng nước biển, hại chết hơn 500 hộ dân thường, tính ra đến hơn hai ngàn mạng người, trừ ra trong đó 80 người là có thù oán với ta, còn lại bao nhiêu đều là chết oan uổng cả.
Ngọc Đế trách phạt, bắt ta làm con rồng ở Cung Trì, giam hãm trong một vùng nước đọng. Do hạn hán nhiều năm, sông ngòi cạn kiệt, nước hóa thành bùn. Thân ta khi ấy to lớn, không hang lỗ nào chui lọt. Mặt trời từ trên không ngày ngày chiếu xuống thiêu đốt thân ta, nóng bức khổ não; trên thân thì tám mươi bốn ngàn cái vảy đều có loài trùng nhỏ sinh ra trong đó, cắn rứt không thôi. Ta khốn khổ cùng cực như vậy, không còn biết đến ngày qua tháng lại.
Một buổi sáng sớm kia, ta nghe khí trời chuyển sang mát dịu, như có gió lành thổi đến, rồi bỗng nhiên ánh trời tỏ rạng, mây lành năm sắc hiện ra trôi qua bầu trời, trong mây hiện các điềm lành, tỏa chiếu những quầng sáng màu tía, màu vàng, lại hiện nhiều tướng trạng vi diệu, hào quang rực rỡ xưa nay chưa từng thấy. Lại thấy các vị sơn thần, thủy thần, cho đến tất cả thần thánh đều tề tựu đến khấu đầu lễ bái, hoan hỷ tán thán. Lại có hương thơm cõi trời lan tỏa, hoa trời rơi xuống khắp nơi, những chỗ hoa rơi chạm đất đều hóa thành cảnh sắc tươi tốt như mùa xuân.
Khi ấy ta bỗng nghe thân hình thay đổi, mắt sáng tai thính, các giác quan đều trở nên tinh tường, tâm được thanh thản, miệng lưỡi tươi nhuận, có thể phát được thanh âm. Ta lập tức ngẩng đầu kêu khóc, cầu xin được cứu độ. Các vị thần thánh đều bảo ta rằng: “Đó là bậc Đại Giác Thế Tôn ở Tây Thiên Trúc, đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Nay mang giáo pháp lưu hành về phương đông này. Ông đã được gặp Phật, nghiệp xấu trước đây có thể được hóa giải.”
Ta liền tung người nhảy vọt lên, bay vào giữa ánh hào quang, mang hết những sự việc nhân quả báo ứng đã qua bạch rõ lên đức Phật. Thế Tôn liền dạy: “Lành thay! Ông xưa nay thường là con hiếu tôi trung, làm lợi lạc cho rất nhiều người, chỉ vì chấp tướng nhân ngã mà buông thả tự thân làm việc tàn hại. Nay có còn ôm giữ sự phân biệt kẻ oán người thân, khởi sinh tâm niệm ngu si sân hận nữa chăng?”
Ta nghe lời Phật dạy chí lý, tâm địa tức thời khai thông sáng suốt, không còn phân biệt nhân ngã, hết thảy vọng niệm nhất thời dứt sạch. Tự nhìn lại thân mình, hốt nhiên đã theo các vọng niệm mà cùng lúc mất đi, trở lại thân nam nhi ngày trước, đạt được trí quán đảnh, liền quy y Phật.
Lời bàn
Rồng có đủ 4 loài: sinh ra từ thai bào (thai sinh), sinh ra từ chỗ ẩm ướt (thấp sinh), sinh ra từ trứng (noãn sinh) và sinh ra do biến hóa (hóa sinh); trong các loài đó, chỗ khổ vui sâu cạn đều khác biệt. Vì thế, Sa-kiệt-la Long vương có nói: “Cùng trong loài rồng, có khi được hưởng phước báo như các vị thiên thần, có khi chịu khổ não như địa ngục, cũng có khi đồng như loài người hoặc súc sinh, ngạ quỷ, mỗi mỗi đều tùy theo nghiệp đời trước mà thọ báo ứng.”
Xưa kia, đức Thế Tôn có lần đang thuyết pháp với vô số vị Bồ Tát, bỗng có một con rồng mù sống trong vùng nước nóng bức, khắp trên thân các vảy rồng đều có các loài trùng nhỏ sống trong đó cắn rứt thân rồng mà ăn, kêu khóc cầu xin cứu độ. Lại có vô số những con rồng đói, nước mắt như mưa, đều thưa hỏi về nghiệp duyên của mình đời trước. Đức Phật vì tất cả mà khai mở tâm đạo, khiến cho đều nhận thọ Tam quy, Ngũ giới. Sau đó, những con rồng ấy thảy đều được thoát khổ.
Chẳng phải đúng thật vậy sao? Đức Phật là bậc đạo sư trong ba cõi, là đấng cha lành của bốn loài, là bó đuốc sáng soi thấu vô minh, có thể khiến cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người què được đi, người câm được nói. Đế Quân trước đây từng nghe lời ca hàm chứa Phật pháp mà xúc cảm, phải dừng xe xuống lễ bái cầu đạo, đủ biết đã sẵn có trí tuệ căn lành trồng sâu từ đời trước. Do đó mà vừa được gặp Phật đã nhất thời dứt sạch ác nghiệp đời trước.
Hai cõi âm dương giao nhau
Đế Quân kể rằng: Ta nhờ nhiều đời trước thường làm lành lánh dữ, trải qua ngàn năm lại tái sinh vào đời Thuận Đế, niên hiệu Vĩnh Hòa. Trong sách Hậu Hán thư có đề cập đến tên Trương Hiếu Trọng, chính là ta. Ấy cũng vì ta không quên hẳn danh xưng trong đời trước.
Trong đời ấy, ta tuy không ra làm quan, nhưng thừa mệnh Ngọc Đế nên ngày lo việc dương gian, đêm đêm lại phụ trách công việc nơi âm ti địa phủ. Người đời có những việc ẩn khuất tinh tế, khéo che giấu không ai biết, ta cũng đều biết rõ và ghi chép tường tận, cho đến những việc của bọn yêu ma tà đạo cũng không ngoài vòng soát xét của ta.
Lời bàn
Huyện Thái Thương ở Giang Tô có một người, từng bị bắt làm sai dịch nơi địa phủ. Cứ vào lúc giữa đêm thì thân thể cứng đờ, lạnh ngắt, liền thấy mình được âm ti giao cho một tấm thẻ bài và một cây gậy. Trên thẻ bài ghi tên những người bị âm ti tróc nã. Người ấy một khi vừa cầm gậy vào tay, chớp mắt đã thấy mình có khả năng xuyên núi vượt biển, đến đúng ngay nơi có người bị tróc nã, bắt lấy người đó treo lên đầu gậy. Thường mỗi lần bắt đến 10 người, nhưng quảy lên đầu gậy chỉ thấy nhẹ như lông hồng. Đến khi trời sáng liền trở lại như người thường không khác. Người ấy sợ lắm, tìm đủ mọi cách vẫn không sao trốn tránh được việc ấy. Có vị tăng khuyên ông xuất gia. Ông nghe lời, từ đó về sau không còn bị âm ti sai khiến như trước nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 3273)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 9914)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 4196)