- Lời Giới Thiệu Bản Việt Dịch Sách An Sĩ Toàn Thư
- Lời Tựa Đầu Tiên Của Sách Giảng Rộng Bài Văn Âm Chất
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (1)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (2)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (3)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (4)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (5)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (6)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (7)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (8)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (9)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (10)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (11)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (12)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (13)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (14)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (15)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (16)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (17)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (18)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (19)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (20)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (21)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (22)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (23)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (24)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (25)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (26)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (27)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (28)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (29)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (30)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (31)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (32)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (33)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (34)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (35)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (36)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (37)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (38)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (16)
Giữa vũ trũ mênh mông, thế nào cũng có lúc xuất phát những bậc anh hùng tài năng kiệt xuất. Điều quan trọng là phải biết vận dụng tài trí hơn người theo những khuynh hướng chân chánh, ắt sẽ thành những bậc cứu thế lưu danh như Trương Lương, Chu Bột, Trần Bình, Tiêu Hà... Bằng như vận dụng vào chỗ tà vạy xấu ác, ắt sẽ trở thành những kẻ như Vương Mãng, Đổng Trác, Tư Mã Ý, Tào Tháo...
Từ khi thiết đặt chế độ thi cử khoa bảng, tự nhiên khiến cho người ta ngay từ thuở thiếu thời đã lao vào những chuyện bút nghiên giấy mực, hết năm này sang năm khác, bỗng chốc nhìn lại đã đến lúc tóc bạc răng rụng. Trong suốt thời gian ấy, quả không ít người đè nén được tính khí gian hùng, trừ bỏ được tâm tánh giảo hoạt. Lại riêng có những bậc tài trí kiệt xuất hơn người, công danh lợi lộc chẳng động tâm, liền lui về những chốn tùng lâm tĩnh mịch, sớm chiều kinh kệ, cầu học đông tây, xem công danh như áng mây trôi, nhìn sống chết khác nào giấc mộng. Lại có những kẻ tính khí ngang bướng ngỗ nghịch, nhưng nhờ niệm Phật tu thiền mà được chuyển hóa, ngấm ngầm trừ dứt được những nguyên nhân mang đến tai họa. Chẳng thể biết được số người như thế đã lên đến hàng bao nhiêu ngàn vạn vạn người, liệu có thể nói những lợi lạc mang lại cho xã hội như thế là nhỏ nhặt được sao?
Lời bàn
Khổng Tử soạn thành sách Xuân Thu, khiến cho bọn loạn thần nghịch tử khi xem đến đều rúng động kinh sợ. Thế thì bọn chúng sợ những gì? Đó là sợ tiếng xấu để lại muôn đời sau khi chết. Nhưng đó chỉ là chuyện của thời đạo đức văn minh hãy còn hưng thịnh. Nếu là bọn loạn thần nghịch tử của đời sau này, khi đạo đức đã suy thoái, ắt cũng chẳng sợ gì việc tiếng xấu truyền lưu. Hơn nữa, cũng chẳng riêng gì là kẻ loạn thần nghịch tử, đến như rất nhiều người được xưng là trí thức, đa phần cũng chẳng hề biết đến sách Xuân Thu!
Vậy nên phải nương theo giáo lý nhà Phật mà chỉ ra cho mọi người thấy rằng, đời sống này ngắn ngủi không thường còn, sau khi chết nhất định phải thọ lãnh nghiệp báo; những kẻ bất trung bất hiếu, tạo nhiều ác nghiệp ắt phải đọa làm súc sinh, ngạ quỷ. Khi ấy mới biết rằng suốt đời vất vả chạy theo bao tâm niệm gian tà, lập nhiều mưu ma chước quỷ, rốt cuộc cũng chẳng được gì, nhưng đời sau phải chịu muôn điều khổ não, chung quy cũng chỉ do chính mình tự tạo. Hồi tưởng lại những khi đấu tranh giành giật, mưu bá đồ vương, nay hốt nhiên thảy đều tan nhanh như sương sớm. Đáng mừng thay, từ khi có đạo Phật đến nay, biết bao kẻ loạn thần nghịch tử phải run sợ, biết bao kẻ gian trá xấu xa phải khiếp đảm, khiến cho người người ngày càng hướng thiện, nhưng lắm kẻ dường như chẳng biết nhờ ai mà được sự tốt đẹp như thế. Bản thân tôi xem trong giáo pháp vĩ đại của đức Như Lai mà nhận biết được hết thảy những điều ấy.
Trưng dẫn sự tích
Quả báo tức thời của kẻ hủy báng giáo pháp
Quan Tư đồ thời Bắc Ngụy là Thôi Hạo, học nhiều biết rộng, tài trí hơn người, được Thái Vũ Đế hết sức tin dùng, ưu ái. Nhưng ông vốn không tin Phật pháp, thường khuyên vua làm những việc hủy hoại giáo pháp, tiêu diệt Tăng-già. Ông thấy vợ là Quách thị tụng kinh Phật thì nổi giận đốt kinh.
Thôi Hạo có 2 người em là Thôi Di và Thôi Mô, hết sức kính tín Tam bảo. Mỗi khi nhìn thấy tượng Phật, cho dù đang ở chỗ đất bùn cũng nhất định quỳ xuống lễ lạy. Thôi Hạo thấy vậy thì cười nhạo, hết lời bài xích.
Về sau, Thôi Hạo vì liên quan trong việc chép quốc sử mà làm cho Vũ Đế nổi giận, nhốt vào cũi trên xe đưa ra thành phía nam, bị đánh đập tra tấn cực kỳ tàn khốc. Lại cho 10 người vệ sĩ cùng lúc tiểu tiện lên người ông, nhục nhã đau đớn, than khóc rất thê thảm, người đi đường ai nấy đều nghe thấy. Từ xưa đến nay, thân làm đến trọng thần chấp chính mà cuối cùng phải chịu khổ nhục đến như Thôi Hạo thật là chưa từng có. Toàn gia tộc họ Thôi bất luận già trẻ đều bị mang ra xử tử hình, chỉ riêng Thôi Di và Thôi Mô do không cùng chí hướng với Thôi Hạo nên đặc biệt được miễn tội.
Lời bàn
Sau khi Thái Vũ Đế hủy diệt Phật pháp, có vị sa môn là Đàm Thủy chống tích trượng đi thẳng vào hoàng cung. Thái Vũ Đế sai người bắt mang ra chém, nhưng đao chém không gây được thương tích gì cho ngài. Vua giận lắm, đích thân đến tận nơi rút đao chém, vị sa môn ấy cũng không hề hấn gì. Vua sai mang ném vào chuồng cọp. Cọp vừa nhìn thấy đại sư bỗng khiếp sợ nằm mọp xuống sát đất, bất động. Vua lại truyền đưa đạo sĩ Khấu Khiêm đến, bảo đi lại gần chuồng cọp. Cọp lập tức gầm lên, nhe răng muốn cắn. Vua kinh sợ, liền thỉnh Đại sư Đàm Thủy lên đại điện, lễ bái sám hối tội trước, xin hứa sẽ khôi phục lại Phật giáo.
Than ôi! Các bậc thánh trong Tam giáo, vị nào cũng chỉ muốn giáo hóa con người đến chỗ hiền thiện mà thôi, lẽ nào lại có thể so sánh mà cho rằng chỗ lập giáo của mỗi đạo có sự hơn kém nhau? Tần Thủy Hoàng lầm tin mưu kế của Lý Tư, thực hiện chủ trương đốt hết sách vở, chôn sống Nho sĩ, rốt cùng bỏ mạng tại Sa Khâu, còn Lý Tư bị giết sạch cả họ. Các vua đời Đông Hán như Hoàn Đế, Linh Đế, đời Đường như Chiêu Tông, Tuyên Tông, đều do mê muội sủng ái tin lời bọn hoạn quan mà giết hại những bậc danh sĩ trong thiên hạ. Rốt cuộc những kẻ bày mưu đều gánh chịu tai họa mất mạng, các vua ấy thì chịu họa mất nước.
Ngụy Thái Vũ Đế mê muội nghe lời Thôi Hạo, phá chùa chiền, đốt kinh Phật, chưa được 3, 4 năm thì Thôi Hạo mang họa cả họ bị tru diệt, cha con Thái Vũ Đế đều chết không an ổn.
Chu Vũ Đế lầm nghe theo lời Vệ Nguyên Tung mà hủy diệt giáo pháp, chưa quá 3, 4 năm thì Nguyên Tung bị giáng tội chết, Chu Vũ Đế mắc bệnh lạ, toàn thân nóng nảy như lửa đốt, rốt lại chỉ mới 36 tuổi đã bỏ mạng, trước giờ chết nhìn thấy vô số điều xấu ác thảm thương, thật không nỡ kể ra đây.
Đường Vũ Tông tin theo Triệu Quy Chân, Lý Đức Dụ, phá bỏ chùa chiền khắp nơi. Chưa được một năm, Quy Chân bị tội chết, Đức Dụ cũng bị đày đến chết tại Nhai Châu. Đường Vũ Tông thì chết lúc mới 32 tuổi, không con nối dõi.
Các vua đời Ngũ quý, không ai tài trí hơn Chu Thế Tông, chỉ có điều là không biết tin kính Phật pháp, thậm chí về sau cho nấu chảy tượng Phật lấy đồng đúc tiền. Thế nên không quá 6 năm thì mất nước về tay Triệu Khuông Dận của Bắc Tống.
Rốt cùng xem lại, nhà Tần hủy phá đạo Nho, chỉ sau 30 năm thì Nho giáo hưng thịnh trở lại; các triều Hán, Đường có những lúc khắt khe tàn hại các bậc danh sĩ trong thiên hạ, nhưng chẳng mấy năm sau thì giới sĩ phu cũng dần dần phát triển như trước. Đời Bắc Ngụy Thái Vũ Đế hủy phá Phật pháp, chỉ sau 7 năm thì đạo Phật được khôi phục; đời Chu Vũ Đế hủy phá Phật pháp, chỉ sau 6 năm thì đạo Phật cũng được khôi phục; Đường Vũ Tông hủy phá Phật pháp, không quá 1 năm thì đạo Phật lại khôi phục; đó chẳng phải là ngửa mặt lên trời phun nước bọt, hóa ra tự làm dơ mặt mình đó sao?
Lý Tư và Thôi Hạo là hai kẻ nặng tội nhất trong việc diệt Nho hủy Phật, nên ngay trong đời đã phải chịu quả báo diệt thân cực kỳ lạ lùng thảm khốc. Tống Huy Tông tuy làm việc sửa đổi chùa chiền Phật giáo thành đạo quán của Đạo giáo, nhưng chưa đến nỗi hủy diệt Chánh pháp, nên tự thân ông ta tuy chịu sự nhục nhã, nhưng vận nước vẫn được nối dài. Đó đều là những chuyện đời trước hết sức rõ ràng, có thể khảo chứng được. Nguyện cho người người trong thiên hạ đều có thể nhận hiểu được ý nghĩa của việc thực hành rộng khắp theo Tam giáo, người theo Nho giáo, kẻ theo Đạo giáo hay người tin Phật giáo, thảy đều thực hành theo lời dạy của đạo mình, đồng tâm hiệp lực trong việc giáo hóa, mang lại sự an ổn cho xã hội, không còn xung khắc báng bổ lẫn nhau. Được như thế quả thật là vô cùng may mắn cho tất cả chúng sinh.
Phụ đính 2 mục hỏi đáp về tăng sĩ
Hỏi: Các vị tăng sĩ không bỏ công cày ruộng dệt vải, chỉ ngồi thọ hưởng cúng dường, thật là hao phí lương thực, vải vóc trong xã hội, như vậy mang lại những lợi ích gì?
Đáp: Trong xã hội có rất nhiều hạng người không cày ruộng mà vẫn có cơm ăn, đâu chỉ riêng các vị tăng sĩ? Ví như các vị ấy không xuất gia, chẳng lẽ lại không tiêu tốn lương thực, vải vóc? Nếu tiêu tốn lương thực, vải vóc, liệu có nhất định phải do các vị ấy tự cày ruộng, dệt vải mà có chăng? Huống chi, nếu họ làm người thế tục thì chẳng phải chỉ một thân một mình, ắt còn phải có thêm vợ con quyến thuộc, tôi tớ giúp việc... nên sự tổn phí còn hơn gấp nhiều lần, sao có thể so với cuộc sống tăng lữ chỉ một y một bát, rày đây mai đó giáo hóa người đời?
Người đời dùng da chồn lông cáo làm thành mão quan tôn quý; gấm vóc trang điểm làm thành y phục sang trọng; lên núi cao, xuống biển sâu tìm về đủ các món ngon vật lạ, mà những người thọ hưởng các thứ ấy, xét kỹ ra đều là những kẻ không cày mà có cơm ăn. Vậy thử hỏi những kẻ ấy là ai? Là tăng sĩ chăng? Là người thế tục chăng?
Trong chốn thế tục, những hầu thiếp được yêu mến khi trang sức trên người thật chẳng tiếc gì châu ngọc quý báu; những đào hát diễn viên chốn cung đình cũng dùng toàn đai ngọc mũ vàng; hoặc như những sòng bạc thâu đêm suốt sáng hoang phí bạc tiền; hoặc những kẻ kết thành bè đảng ăn chơi, rượu thịt ê hề... Những kẻ không làm mà ăn như thế quả thật nhiều đến mức lấy xe mà chở, lấy đấu mà đong cũng không hết được, sao không nhắm đến bọn họ mà trừ khử, lại chỉ biết quy lỗi vào hàng tăng sĩ?
Lẽ nào những kẻ phàm tục, xấu ác, hèn kém lại được thọ hưởng y phục gấm vóc, món ăn trân quý, còn bậc hiền nhân thấy thật tánh, rõ chân tâm lại không xứng đáng thọ dụng áo vải thô, cơm dưa muối hay sao? Tôi thường nghe lắm kẻ chuyên đi công kích người không đồng quan điểm với mình, thật không khỏi có chút bất bình.
Hỏi: Xã hội ngày xưa có 4 thành phần là sĩ, nông, công, thương. Xã hội ngày nay lại thêm 2 thành phần nữa là tăng sĩ với đạo sĩ, thành cả thảy đến 6 thành phần. Một nhà làm ruộng mà đến sáu nhà ăn, một nhà sản xuất vật dụng mà đến sáu nhà dùng, như vậy làm sao khỏi đi đến chỗ nghèo đói rồi sinh ra trộm cắp khắp nơi?
Đáp: Nếu số người tiêu thụ lương thực giảm xuống, lúa thóc ắt không bán ra được, nông dân tất nhiên bị tổn hại. Nếu số người sử dụng vật dụng giảm đi, vật dụng làm ra không bán được, ắt công nhân cũng bị tổn hại. Cho nên, nguồn lợi của nông dân chính là ở chỗ có nhiều người tiêu thụ lúa thóc, nguồn lợi của công nhân chính là ở chỗ có nhiều người tiêu thụ vật dụng. Thử hỏi, những người ăn lúa thóc của nông dân, dùng vật dụng của công nhân làm ra, lại ngang nhiên mà lấy không của họ được chăng? Hay là phải bỏ tiền ra mua? Giá như không mua mà có thể lấy dùng, tất nhiên số ấy càng đông càng tai hại. Còn nếu như người dùng đều bỏ tiền mua mà vẫn cứ cho là gây hại cho xã hội, thì lẽ nào như các nhà buôn bán lớn, mỗi ngày bán ra hàng hóa trị giá cả ngàn nén bạc, cha mẹ vợ con họ nhìn thấy như thế lại phải đau đớn khóc lóc chăng? Những người thắc mắc như thế quả là cổ hủ, chẳng hiểu gì việc đời, thật không đáng để nói đến.
Giúp người khẩn cấp như cá mắc cạn; cứu người nguy nan như chim bị lưới siết
Giảng rộng
Những khái niệm “nguy nan” với “khẩn cấp” mang ý nghĩa rất rộng, so với văn trước có nói “cứu người khi nguy nan” cũng đồng nghĩa. Tuy nhiên, trước là Đế Quân kể việc của ngài tự làm, còn ở đây là răn dạy, khuyên bảo người đời nên làm. Chữ “như” được dùng ở câu này mang 2 nghĩa. Một là dùng để so sánh hai sự việc tương tự nhau, hai là dùng để so sánh tâm ý cấp thiết trong hai trường hợp cũng giống nhau.
Trưng dẫn sự tích
Thoát nạn, cứu người
Triều Đông Tấn, trong khoảng niên hiệu Thái Nguyên, tại kinh thành Trường An có một người tên Trương Sùng, ngày thường vẫn luôn tin tưởng phụng sự Phật pháp. Từ sau khi Tuyên Chiêu Đế của nhà Tiền Tần là Phù Kiên bị Đông Tấn đánh bại, Trường An có đến hơn ngàn hộ dân lành muốn bỏ chạy về phương nam quy thuận Đông Tấn, bị quân binh trấn thủ biên giới bắt được, có ý muốn giết hết đàn ông, còn phụ nữ thì bắt giữ rồi bán đi. Khi ấy, Trương Sùng cũng bị bắt giữ, chân tay đều bị gông cùm, nửa người bị chôn sống trong đất, hôm sau dự tính sẽ cho bọn binh sĩ cưỡi ngựa chạy ngang dùng cung tên bắn chết, xem đó là trò vui.
Trương Sùng nghĩ mình chắc chắn không thoát khỏi cái chết, chỉ biết đem hết lòng thành niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Khoảng nửa đêm, gông cùm bỗng tự mở, thân thể hốt nhiên bay vọt ra khỏi đất, liền nhân lúc đêm tối chạy trốn. Nhưng lúc ấy chân bị đau quá cơ hồ không chạy được, liền tiếp tục trì niệm danh hiệu Bồ Tát, thành tâm lễ bái, rồi đặt một tảng đá trước mặt mà phát nguyện rằng: “Nay tôi muốn vượt sông Trường giang về phía đông, đem nỗi oán hận này tố giác lên hoàng đế nhà Tấn, mong cứu thoát được hết những người đang bị giam giữ ở đây. Nếu tâm nguyện của tôi có thể thành tựu, xin cho tảng đá này vỡ ra làm đôi.” Khấn như vậy rồi, liền nhấc tảng đá lên mà thả rơi xuống đất. Quả nhiên, tảng đá vỡ đôi. Trương Sùng liền nỗ lực hết sức chạy về được đến kinh đô nhà Tấn, đem mọi việc trình lên Tấn đế. Tấn đế sai quân đến giải cứu cho số người đang bị giam giữ; có một số phụ nữ đã bị bán đi, liền xuất tiền chuộc lại đưa về hết.
Lời bàn
Tự mình chưa thoát được mà đã khởi tâm muốn cứu thoát người khác, ấy là phát tâm của hàng Bồ Tát. Tâm nguyện của Trương Sùng vốn đã tương ưng với tâm nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, nên sự cầu nguyện của ông đương nhiên phải được linh ứng.
Từ xa cứu nạn giảng đường sụp đổ
Đời Bắc Chu, chùa Đại Truy Viễn ở kinh thành có vị tăng hiệu Tăng Thật, vốn họ Trình, quê ở Hàm Dương, là bậc chân tu đạo hạnh. Một hôm, vào lúc giữa trưa ngài bỗng lên lầu gióng chuông rất gấp, tụ tập chúng tăng, dặn tất cả chúng tăng đều phải chuẩn bị hương trầm. Mọi người mang hương trầm đến, thưa hỏi nguyên nhân, ngài liền dạy: “Trong giờ khắc này, tại Giang Nam ở chùa... ... có một giảng đường sắp bị sụp đổ, có thể đè chết cả ngàn người. Nếu mọi người ở đây cùng nhau đồng tâm trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, có thể cứu được nạn ấy.” Chúng tăng vâng lời, cùng nhau niệm Phật hiệu, âm thanh vang rền cả vùng.
Mấy ngày sau có tin từ Giang Nam đến, quả nhiên đúng là trong giờ ngọ ngày hôm trước đó, có giảng đường tại Dương Châu đang tổ chức thuyết pháp, thính chúng ngồi chật bên trong đến cả ngàn người. Bỗng thấy từ hướng tây bắc có đám khói hương lạ bay đến, cùng với tiếng nhạc trong trẻo ngân nga. Mây hương từ cửa phía bắc của giảng đường bay vào, rồi bay thẳng ra cửa phía nam. Người trong giảng đường lấy làm kinh dị, tất cả đều đổ xô chạy theo đám mây hương ấy mà ra khỏi giảng đường. Mọi người vừa ra hết thì giảng đường cũng vừa sụp đổ. Nhờ đó mà không ai bị thương tổn gì.
Vua nhà Lương nghe biết chuyện này, ba lần xuống chiếu thỉnh ngài triều kiến nhưng ngài đều không đến. Niên hiệu Bảo Định năm thứ 3, vào ngày 18 tháng 10, ngài thị tịch, trong triều ngoài nội ai ai cũng đều thương tiếc.
Lời bàn
Một niệm chí thành có thể tạo thành khói hương, âm nhạc, chỉ trong chớp mắt đã đến được nơi xa ngàn dặm, từ đó có thể hiểu ra được ý nghĩa “tất cả đều do tâm tạo”. Thế thì, sao lại có thể cho rằng việc tu phước cầu siêu thoát cho hương linh không thể trong một chớp mắt thông suốt chốn u minh địa phủ; rằng người niệm Phật cầu vãng sinh không thể trong một sát-na thẳng đến cảnh giới Tây phương Cực Lạc?
Bỏ chức quan, cứu thuộc cấp
Triều Nam Tống, trong khoảng niên hiệu Chiêu Hưng, vùng Lư Lăng có người tên Chu Tất Đại, làm quan vùng Lâm An thuộc Triết Giang, trong đó có một xưởng bào chế thuốc. Một hôm, kho chứa thuốc bị hỏa hoạn, cháy lan sang nhà dân chúng quanh đó. Người nhân viên phụ trách giữ kho thuốc ấy, theo đúng luật phải xử tội chết. Chu Tất Đại gọi người ấy đến hỏi: “Nếu hỏa hoạn ấy là do lỗi của quan thì xử tội gì?” Người ấy đáp: “Bất quá cũng chỉ bị cách chức thôi.”
Chu Tất Đại liền nhận tội về mình, bị cách chức quan. Người nhân viên kia nhờ đó thoát chết. Chu Tất Đại đến thăm cha vợ, ông nghe việc Tất Đại bị cách chức, trong lòng giận lắm. Bấy giờ gặp lúc tuyết rơi rất nhiều, có đứa trẻ đang quét tuyết trong sân nhà, cha vợ ông nhìn thấy bỗng sực nhớ lại đêm qua nằm mộng thấy mình quét tuyết trong sân để nghênh đón quan tể tướng, nhân đó mới giữ Tất Đại ở lại chơi, tiếp đãi trọng hậu.
Về sau, quả nhiên Tất Đại dự khảo thí khoa Bác học hoành từ trúng tuyển, ra làm quan thăng dần đến chức Tể tướng, được phong tước Ích Quốc Công.
Lời bàn
Tự mình có tội, người thế gian còn muốn đổ vạ cho người khác, huống chi tội của người khác lại khẳng khái nhận lấy về mình, đến nỗi phải mất chức quan? Độ lượng của quan Tể tướng quả thật rộng sâu không thể đo lường!
Giúp người chuộc tội được sinh con
Vào đời Minh, huyện Quảng Bình thuộc tỉnh Hà Bắc có người tên Trương Tú, nhà nghèo lại không có con. Trương Tú đặt một cái bình đất trong nhà, tiền dành dụm được đều cho vào đó, trải qua 10 năm thì vừa đầy bình.
Có người hàng xóm của ông sinh được 3 đứa con còn nhỏ, phạm vào pháp luật, buộc phải bán người vợ đi để lấy tiền chuộc tội. Trương Tú biết chuyện, sợ người mẹ bị bán đi ắt 3 đứa con nhỏ không người chăm sóc, liền mang hết số tiền dành dụm của mình ra chuộc tội cho người kia. Vì số tiền ấy vẫn còn thiếu, nên vợ ông liền mang cả chiếc trâm cài đầu của bà bán đi để thêm vào cho đủ số.
Đêm ấy, Trương Tú mộng thấy có vị thần bế một đứa bé kháu khỉnh đến trao cho ông. Sau đó vợ ông liền có thai, sinh được con trai đặt tên là Trương Quốc Ngạn. Quốc Ngạn về sau làm quan đến chức Hình Bộ Thượng Thư. Hai người cháu là Trương Ngã Tục và Trương Ngã Thằng sau cũng đều làm đến các chức quan Bố chính sử và Án sát sử.
Lời bàn
Thương yêu con người khác, cuối cùng tự mình sinh được quý tử. Như vậy có thể biết được rằng nếu làm hại con cái người khác thì sẽ phải nhận lãnh kết quả như thế nào.
Xót thương trẻ mồ côi, giúp đỡ người góa bụa
Giảng rộng
Mồ côi, tức những trẻ không còn cha mẹ; góa bụa, tức phụ nữ không may mất chồng. Hai đối tượng này đều đơn chiếc yếu đuối, thường dễ bị người đời xem thường, khinh rẻ. Nếu như không xót thương, giúp đỡ những kẻ ấy, quả thật là không có lòng trắc ẩn, liệu có thể xứng đáng làm người chăng? Dù sức mình không thể giúp đỡ, cũng nên thường khởi tâm niệm thương xót muốn giúp đỡ. Nếu sức mình có thể giúp đỡ, nên hết lòng tận lực mà thực sự ra tay giúp đỡ.
Thương xót giúp đỡ, không nhất thiết phải là chu cấp tiền bạc. Có thể là chỉ bày những điều chưa biết, dạy dỗ những điều chưa làm được, răn nhắc những điều không nên làm, thậm chí có thể là giúp người vượt qua hoạn nạn, giải trừ những việc rối rắm, hoặc vì người mà làm rõ những sự oan uổng, những việc như thế cũng đều là xót thương giúp đỡ.
Gửi ý kiến của bạn