- Lời Giới Thiệu Bản Việt Dịch Sách An Sĩ Toàn Thư
- Lời Tựa Đầu Tiên Của Sách Giảng Rộng Bài Văn Âm Chất
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (1)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (2)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (3)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (4)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (5)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (6)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (7)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (8)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (9)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (10)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (11)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (12)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (13)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (14)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (15)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (16)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (17)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (18)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất (19)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (20)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (21)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (22)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (23)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (24)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (25)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (26)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (27)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (28)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (29)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (30)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (31)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (32)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (33)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (34)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (35)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (36)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (37)
- Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (38)
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014
Giảng Rộng Nghĩa Lý Bài Văn Âm Chất - Quyển Hạ (26)
Giảng rộng
Đang lúc trên đường đi gặp dòng sông chắn ngang phải dừng lại, hoang mang không biết phải trù liệu cách nào, còn đang than thở sao chỉ cách một dòng sông mà muốn vượt qua còn khó khăn hơn cả ngàn dặm đường, bỗng nhiên lại được thuyền bè đưa ngay sang sông. Đó chính là ở nơi bế tắc tuyệt lộ mà được mở ra con đường sống. Kẻ đã giúp cho người khác từ nơi tuyệt lộ có được sự sống, chắc chắn tự thân họ rồi cũng sẽ được từ nơi tuyệt lộ có được con đường sống.
Trong dòng sông rộng mà có thể giúp đưa người vượt qua, tất nhiên được công đức rất lớn. Trong biển khổ sinh tử mà có thể giúp đưa người vượt qua, công đức còn lớn hơn bội phần.
Đưa người qua sông, ân huệ ấy bất quá cũng chỉ là nhất thời. Đưa người vượt qua biển khổ sinh tử, ân huệ ấy quả thật sẽ nối dài đến đời đời kiếp kiếp.
Hết thảy người phàm chúng ta đều đang ở bờ bên này của biển khổ sinh tử luân hồi, chỉ có thể nhờ đến sáu công hạnh lớn lao mới có thể giúp chúng ta vượt qua được đến bờ giác ngộ bên kia. Bờ bên kia đó, chính là bờ giải thoát của chư Phật, Bồ Tát đã vượt thoát ra ngoài Ba cõi. Sáu công hạnh lớn lao chính là tu tập theo sáu pháp ba-la-mật. Đó là, công hạnh bố thí ba-la-mật giúp ta vượt qua biển tham lam, keo lận; công hạnh trì giới ba-la-mật giúp ta vượt qua biển ác nghiệp; công hạnh nhẫn nhục ba-la-mật giúp ta vượt qua biển sân hận; công hạnh tinh tấn ba-la-mật giúp ta vượt qua biển lười nhác phóng túng; công hạnh thiền định ba-la-mật giúp ta vượt qua biển tán loạn tâm ý; công hạnh trí tuệ ba-la-mật giúp ta vượt qua biển vô minh si ám.
Trưng dẫn sự tích
Nỗ lực hết sức cứu người chết đuối
Triều Minh, có quan Thiếu sư là Dương Vinh, tên tự là Miễn Nhân, quê ở huyện Kiến Ninh, tỉnh Phúc Kiến. Tổ tiên ông nhiều đời làm nghề đưa đò để sinh sống. Gặp một năm có lũ lớn, tràn ngập các vùng dân cư, người chết đuối cứ theo dòng sông mà trôi xuống. Những người có thuyền đều tranh nhau vớt lấy những tài sản quý giá trôi trên sông, chỉ riêng ông cố và ông nội của Thiếu sư, hai người đều hết sức lo việc cứu người, hoàn toàn không vớt lấy một chút tài vật nào. Người làng đều cười họ là ngu, hai người nói: “Chúng tôi đưa đò tự thấy cũng đã đủ sống, không muốn trộm lấy những tài sản không phải của mình.”
Đến khi cha của Thiếu sư sinh ra, gia đình dần dần khá giả lên. Bỗng có một đạo nhân đi ngang qua vùng, bảo người nhà rằng: “Tổ phụ các người có âm đức lớn, con cháu sẽ được giàu có vinh hiển, nên cải táng vào chỗ đất này.” Nói rồi chỉ cho một chỗ đất. Người nhà y theo chỉ dẫn của đạo nhân mà cải táng. Chỗ ấy sau này các thầy địa lý đều gọi là gò bạch thố. Sau sinh ra Thiếu sư, còn nhỏ tuổi đã đỗ đạt làm quan, dần dần thăng tiến, tước vị lên đến hàng Tam công. Ông cố và ông nội của Thiếu sư đều được triều đình truy tặng quan tước như vậy.
Lời bàn
Trong khoảng niên hiệu Khang Hy, vào năm Bính Tý, ngày mồng một tháng sáu, lúc nửa đêm thủy triều ở huyện Sùng Minh dâng lên quá cao, chìm ngập cuốn trôi đến mười tám nơi trong vùng Sa trấn, người và súc vật, tài sản đều trôi nổi theo dòng nước. Có một người nép mình nằm trên đống củi lớn theo dòng nước lênh đênh, còn chưa kịp tấp vào bờ. Trên bờ có một người tham đống củi lớn, liền dùng móc câu đưa ra để kéo mạnh vào, do đó làm cho đống củi tách đôi, người nằm trên đó rơi xuống nước mà chết.
Đến lúc trời sắp tối, người vớt củi kia bỗng tự nhiên điên loạn, tự nói ra rằng: “Nhà tao có bốn người đều đã chết, chỉ mình tao may ra được sống sót. Nhưng mày lại hại chết tao, tao quyết không tha cho mày.”
Trong đêm ấy, người này chết thảm. Theo đó có thể thấy, đem hết sức làm lợi cho người khác, tự mình cũng chẳng bao giờ bất lợi; dốc hết sức vào sự tham lam tài vật, cuối cùng cũng chẳng được tài vật. Quả thật đúng là: “Người thiện vui mừng vì được làm người thiện; kẻ ác thật uổng đời đã chọn làm kẻ ác.”
Không lưới bắt các loài chim thú trên cạn
Giảng rộng
Tuy cùng là loài mang lông cánh, nhưng chim muông so với gia súc gà vịt có sự khác nhau rất lớn. Nghiệp đời trước của gà vịt rất nặng nề nên chiêu cảm quả báo nhất định sẽ bị giết thịt, nghiệp đời trước của chim muông có phần nhẹ hơn nên quả báo không nhất định phải bị giết thịt. Nếu người giăng lưới để bắt chim muông, đó là làm cho nghiệp nhẹ của chúng mà phải chịu quả báo nặng là bị giết hại, vậy thì tội giết hại đó chẳng phải là do chính ta tạo ra đó sao?
Kinh Phạm võng có dạy: “Người Phật tử khi nhìn thấy các loài chúng sinh khác, nên thầm niệm rằng: ‘Các vị hiện nay tuy là súc sanh, cũng nên phát tâm Bồ-đề để ngày sau được giải thoát.’ Nếu không khởi tâm khuyên dạy khuyến tu như vậy là phạm vào tội khinh cấu.”
Theo như ý nghĩa đó thì khi nhìn thấy các loài chim muông, phát tâm thương xót cứu độ cho chúng thoát khỏi nghiệp súc sinh còn e là chưa được, huống gì ngược lại còn muốn giăng lưới bắt chúng về ăn thịt, sao có thể như thế? Trong chốn rừng núi ở cõi Diêm-phù-đề có đến bốn nghìn năm trăm loài chim muông, tuy hình thể khác biệt nhưng sự tham sống sợ chết ắt đều giống nhau. Các loài ấy lấy núi rừng làm nơi trú ngụ, nay nhất thời bị người giăng lưới bắt đi, khiến cho mẹ con đành phải vĩnh viễn xa lìa. Tội lỗi đó nhất định sẽ chiêu cảm nghiệp báo xấu ác nặng nề.
Chim muông không chỉ bị giăng lưới giết hại mà thôi. Khi lưới bắt không được, lại còn dùng đến cung tên, súng bắn, cho đến leo cây phá tổ lấy trứng... Tất cả những việc như thế đều ác hại như nhau, quyết không được làm.
Trưng dẫn sự tích
Truyện tích chim oanh vũ
Trong thành Xá-vệ, nhà ông trưởng giả Tu-đạt có hai con chim oanh vũ, hết sức tinh khôn, hiểu được tiếng người. Khi thấy có tỳ-kheo đến nhà, chúng liền vào báo để người nhà ra nghênh đón.
Ngài A-nan thấy vậy liền vì chúng thuyết pháp Tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo. Hai con chim nghe pháp đều tỏ ý vui mừng hoan hỷ.
Hai con oanh vũ này thường ngủ trên cây, do nghiệp ác đời trước nên một hôm bị chồn hoang ăn thịt. Nhờ đã được nghe pháp nên thần thức cả hai đều sinh lên cõi trời Tứ thiên vương.
Nhân việc này, Đức Phật dạy rằng: “Hai con chim ấy khi đã hết thọ mạng ở cõi trời Tứ thiên vương sẽ sinh về cõi trời Đao-lợi, khi thọ mạng ở cõi trời Đao-lợi đã hết, sẽ sinh về cõi trời Dạ-ma, khi thọ mạng ở cõi trời Dạ-ma đã hết, sẽ sinh về cõi trời Đâu-suất, khi thọ mạng ở cõi trời Đâu-suất đã hết, sẽ sinh về cõi trời Hóa Lạc, khi thọ mạng ở cõi trời Hóa Lạc đã hết, sẽ sinh về cõi trời Tha Hóa Tự Tại, khi thọ mạng ở cõi trời Tha Hóa Tự Tại đã hết, sẽ quay trở lại sinh về cõi trời Hóa Lạc, rồi cứ thế sinh trở lại dần cho đến cõi trời Tứ thiên vương mới dứt một chu kỳ. Lại tiếp tục qua lại cho đến bảy chu kỳ như thế, rồi sẽ sinh vào cõi người, xuất gia tu hành, một người có tên là Tu-đàm, người kia có tên là Tu-đàm-ma, đều sẽ chứng quả thành Bích-chi Phật.
Lời bàn
Tuy đã được nghe pháp Tứ đế mà vẫn bị chồn ăn thịt, nên biết là nghiệp đã tạo nhất định phải chịu thọ báo, khó lòng tránh được. Tuy bị chồn ăn thịt, nhưng cuối cùng rồi cũng vượt thoát ra ngoài Ba cõi, chứng quả A-la-hán, nên biết là pháp Phật rất nên cầu nghe. Người phát nguyện cầu sinh Tịnh độ, nếu như ngày thường luôn tinh tấn tu trì, phát thệ nguyện rộng sâu, cho dù không được ngồi mà xả thân hay đứng để thị tịch, lại có bị rắn rết làm hại hay hổ báo ăn thịt, cũng không ngăn trở việc vãng sanh về Tây phương Cực Lạc.
Chim sẻ được sinh làm người
Vào đời Đường, vùng Tịnh Châu có một vị tăng già tu ở chùa Thạch Bích, mỗi ngày thường tụng kinh Pháp Hoa và kinh Kim Cang. Vào niên hiệu Trinh Quán năm cuối, có con chim sẻ vào làm tổ trong căn phòng thầy, không lâu thì thấy có hai chú sẻ con. Mỗi ngày vị tăng già đều lấy cơm cho ăn. Ít lâu sau, cả hai con sẻ đều bị rơi xuống đất mà chết, thầy liền mang xác đi chôn cất.
Khoảng một tuần sau, vị tăng nằm mộng thấy có hai đứa trẻ đến thưa: “Trước kia chúng con có chút tội nhỏ phải đọa làm thân chim sẻ, nhờ được nghe thầy tụng kinh nên thoát khỏi kiếp chim, nay được sinh làm người tại nhà ấy, ở thôn ấy... Sau mười tháng nữa chúng con sẽ sinh ra.”
Mười tháng sau, vị tăng liền tìm đến nhà ấy, thôn ấy... theo như lời trong mộng, quả nhiên tìm được, trong nhà vừa sinh được hai đứa con trai. Vị tăng liền gọi “chim sẻ”, cả hai đứa bé sơ sinh đều ứng tiếng “dạ”. Sau tiếng “dạ” ấy, phải đợi một năm sau chúng mới biết nói.
Lời bàn
Chư thiên lúc mới sinh ra cũng nhớ được những việc đời trước, đến lúc gặp thiên nữ liền mê muội quên mất bổn tâm, không thể nhớ lại được nữa. Hai đứa bé nghe gọi “chim sẻ” mà ứng tiếng đáp là do mới sinh vẫn còn chưa quên chuyện đời trước.
Xương cốt gãy vụn
Từ cửa phía đông của Côn Sơn đi ra khoảng ba dặm có ngọn tháp Ngọc Trụ được xây dựng ngay ven bờ sông, trên tháp có rất nhiều chim đến làm tổ. Có một đứa trẻ thường lên đó lấy trứng chim. Một hôm, khi đứa trẻ ấy vừa leo lên đến tầng cao nhất, vừa lúc sắp phá tổ chim, bỗng sẩy chân té xuống. Khi ấy, trên sông có một thuyền buôn từ Thái Thương đi ngang qua đó, người trên thuyền đều tận mắt nhìn thấy đứa trẻ ấy rơi từ trên nóc tháp, lộn nhào nhiều vòng trên không trước khi chạm đất, không nghe kêu la gì. Khi người ta đến xem thì thấy xương cốt đều gãy vụn.
Không dùng thuốc độc bắt các loài cá tôm dưới nước
Giảng rộng
Trong ao, hồ, sông, biển ở khắp cõi Diêm-phù-đề có khoảng sáu nghìn bốn trăm loài cá. Tuy có rất nhiều giống loài như vậy, nhưng xét ở sự tham sống sợ chết thì tất cả đều giống như nhau. Hết thảy các loài này đều dựa vào nước để làm nơi cư trú, bỗng nhiên vô cớ bị người đầu độc, khiến cho tuyệt diệt cả giống nòi, sao có thể như thế được?
Nhưng nỗi sợ bị giết hại của cá tôm không chỉ riêng có thuốc độc. Đã cấm không được dùng thuốc độc, ắt những phương thức như dùng chài, lưới, mồi câu... hoặc ngăn dòng nước chảy để bắt cá, hết thảy những việc như thế đều không được làm.
Trưng dẫn sự tích
Cá thần giúp người có con nối dõi
Ở gần thôn Yến Đường thuộc huyện Hưu Ninh, tỉnh An Huy có một cái đầm lớn. Vào niên hiệu Khang Hy năm thứ 3, trong đầm bỗng có một loài cá rất lạ. Ngư dân bắt được một ít mang đi bán, nhưng cá ấy có mùi rất tanh nên hiếm người mua.
Lại có một con cá thần, gặp lưới bắt cá là xuyên thủng qua, không có cách gì bắt được nó. Có một ngư dân tên Trình Nhị giận lắm, dùng một cái chĩa lớn nhắm đâm vào cá. Cá tránh thoát được, còn nhảy lên dùng đuôi đâm vào mắt Trình Nhị, khiến ông mù một mắt. Trình Nhị càng thêm tức giận, liền chuẩn bị mang vôi sống đổ xuống khắp đầm để giết hết cá. Cá thần liền hiện lên trong mộng báo việc ấy với ông lý trưởng. Lý trưởng lập tức báo lên quan huyện. Quan huyện ra lệnh ngăn cấm việc ấy, Trình Nhị đành phải thôi.
Nửa tháng sau, ông lý trưởng lại nằm mộng thấy cá hiện đến nói rằng: “Tôi vâng lệnh Long vương đến dự thiết triều ở núi Tề Vân, tạm ngụ lại trong đầm này, nhưng quân lính đi theo bị ngư dân ở đây hại chết quá nửa. May nhờ có ông mới giữ được mạng sống mà quay về, nay xin từ biệt. Tôi xem số mạng của ông vốn không có con, nay xin giúp ông có một đứa con trai để nối dõi tông đường, cũng xem như để báo đáp ân đức của ông.”
Hôm sau, gió bão sấm chớp bất ngờ nổi lên, nhà tranh ở ven đầm chỉ chớp mắt bị thổi tung tan tác, cá thần từ đó không biết đi về đâu, chẳng còn thấy nữa.
Lời bàn
Năm sau đó, tiên sinh Viên Ngọ Quỳ đến Tề Vân, có thuê một chiếc thuyền ở huyện Hưu Ninh, gặp người chèo thuyền lại chính là anh ruột của ngư dân Trình Nhị. Viên Ngọ Quỳ nhân đó biết được chuyện này, liền viết thư kể lại với tôi.
Lươn cứu lửa trả ơn
Vùng Lan Khê thuộc tỉnh Triết Giang có người tên Đồng Tế Phi, mở một hiệu bán thuốc ở Sùng Minh. Trong khoảng niên hiệu Khang Hy, vào năm Quý Sửu, Tế Phi mua một số lươn mang đi phóng sinh. Mấy ngày sau, nằm mộng thấy lươn phun nước dập lửa, có vị thần đứng bên nói rằng: “Ấy là để đền ơn.”
Tỉnh dậy cũng không hiểu được ý nghĩa giấc mộng ấy là thế nào. Chẳng bao lâu sau, nhà hàng xóm phát hỏa, lửa bốc cao đã sắp lan đến nhà Tế Phi, bỗng nhiên trởi đổi hướng gió nên lửa không lan đến nữa. Lúc ấy mới biết là nhờ phước báo của việc phóng sinh lươn.
Lời bàn
Trong năm xảy ra việc này, tôi có nhờ người họ Từ (cũng ở Sùng Minh) tạo một pho tượng Bồ Tát Địa Tạng. Tháng giêng năm sau, tôi thỉnh tượng đến Côn Sơn, họ Từ có gửi kèm cho tôi một phong thư, bên trong ghi chép rõ chuyện này, nhân đó mới được biết mà đưa vào đây.
Gửi ý kiến của bạn